Ở |
rẻo đất eo thắt miền Trung này, từ phố thị sầm uất đến ngõ quê heo hút , ở ga tàu, bến xe, quán cơm bụi bình dân đến các khách sạn chọc trời, nhà hàng sang trọng…Ở đâu mà chẳng thấy đội quân hành nghề bán vé số. Nhà thơ Ngô Minh đã có lần thi vị hóa, gọi tên cái dịch vụ hèn mọn này là nghề bán vận may! Trên các vỉa hè ngã ba ngã tư các đường phố cứ vài trăm mét lại có một bán bày bán vé số kèm theo thuốc lá lẻ. Các cổng chợ có nơi kê cả dãy bàn bán vé, cặm cụi ghi chép sổ sách lúc chợ tan tầm, sắp đến giờ mở thưởng. Đó là người bán vé tại chỗ, những “đại lý con” gần với “đại lý mẹ” trực tiếp giao dịch với “đại lý ông” là các công ty xổ số. Nhí nhố nhất, xí xộn nhất và cũng là đông đảo nhất, tội tình nhất là đội quân đi bán vé dạo, đại lý cháu – chắt – chiu. Theo một quan chức ở công ty xổ số Liên tỉnh thì tính sơ ở thành phố Huế có trên hai ngàn người hành nghề. Thành phố Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn gấp đôi. Tỉnh nhỏ nghèo như Quảng Trị ta con số cũng sem sém một ngàn! Qủa lá cái nghề đang càng ngày càng thu hút dồi dào nguồn lực lao động, chưa có dấu hiệu gì giảm sút. Những họ là ai? Điều gì cuốn hút họ trong những tấm vé mỏng manh, hệ lụy này.
LỜI THÚ NHẬN CỦA NHÀ THƠ VÉ SỐ
Còn nhớ một buổi chiều cuối năm, bấy giờ đã hăm ba tháng chạp, ông Táo đã cưỡi cá chép về giời mà hầu bao tôi rỗng tuếch chưa biết đâu ra nhúm tiền sắm sanh tết. Những lúc như thế tôi thường ra phố lấy thiên hạ làm khuây. Vừa đi vừa hát ngêu ngao như thằng hát xẩm. Bỗng chéo qua đường Huyền Trân có người đàn ông cầm tập vé số lù lù đi ra, miệng rao liếng thoắng, dáng vẻ vô hồn, cười chẳng ra cười, mếu chẳng ra mếu:
- Vận may đây! Vận may đây! Ai mua vận may nào? Xe hơi – Nhà lầu- Ti vi màu- Dream – Tủ lạnh đời mới đây! Mua đi, mua đi…
Thử hỏi với lời mời rao gợi như thế, lại ở vào thời khắc năm tháng tận đêm tối nhất như thế, ai từ nan được? Cầm lòng không được tôi quyết định mua và mua luôn cả tệp vé cặp mười, không quên hẹn hò anh bán vé số:
- Mai đến quán kia. Trúng, kỉnh ông ba vé xài tết. Không trúng cũng đãi ông chầu cà phê.
Tôi lại bát phố nhưng không nghêu ngao hát được nữa mà mơ màng day dứt bởi một ý nghĩ vừa mới len lỏi trong đầu. “Biết đâu đấy nhỉ! Phen này ông giời nghỉ đến ta. Trúng! Trúng thưởng thì…” Một đêm tựa mạn thuyền rồng, nghĩa là đã tận hưởng những giây phút thần tiên khi ta đã là triệu phú. Ai ngờ hôm sau đế điểm hẹn cả tệp vé phăng teo vào sọt rác vì lần đi lần lại mãi vẫn không thấy con số nào lọt vào bảng kết quả! Cảm giác thua bạc chỉ trong phút chốc như mộng vàng phút tan. Nhưng những phát hiện đằng sau tấm vé, con người bán vé hôm qua thì không sao quên được. Đó là câu chuyện có thật nhưng chỉ khi anh ta tự bọc bạch ra với tư cách là nhà thơ chân đất hành nghè vé số thì tôi mới tin là thật.
Chưa uống hết cốc cà phê, tôi đã biết gia cảnh anh ta có vợ hai con. Từng làm đủ mọi thứ nghề, thợ hồ, phụ dọn dẹp hàng cho vợ ở chợ nhưng không nghề nào tự chủ, thích hợp như nghề bán vận may. Nhà ở phường 5- về chợ Đông Hà – lên chợ phường 5 – về cục 6 – qua bãi thạch cao – vào xóm cổng viện (phường Đông Lương) – ra phường Đông Lễ - vào chợ Đông Hà – và đúng giờ về nộp vé ở đường Huyền Trân là vòng tua khép kín mỗi ngày đi bán vé dạo. Mỗi ngày quốc bộ gần năm mươi cây số, tiêu thụ gần 150 vé anh ta mới kiếm được 30 nghìn tiền hoa hồng. Mỗi ngày đem cả trăm niềm hi vọng trao cho người giúp vợ đợ con đã đành mà mười lăm năm ròng bán vận may vẫn chưa thấy ai trúng lớn mới lạ. Tôi lấy làm ngạc nhiên nhưng anh ta xác quyết và băn khoăn về quãng đường dài sắp tới của anh nên hỏi:
- Cuốc bộ thêm mười, mười lăm năm nữa thì có ích gì?
Anh ta hồn nhiên bảo:
- Đi bộ thì còn dài dài. Vốn dĩ từ tấm bé tui đã có tư chất đam mê la cà, rong ruổi ấy rồi!
- Thế còn tương lai rồi đi về đâu?- Tôi hỏi:
- Tương lai còn tùy. Vì mỗi tấm vé số là một cái phao bơi cho mỗi số phận heo hắt giữa đời. Mà cuộc đời thì cần đến tấm vé lắt lay, đắng cay như thế!
Tôi mơ hồ nhìn ra cái vé số cũng có nghiệp, bản thân nó có gốc sâu rễ bền éo le như thế trong cuộc sống.
GIỮA MUÔN NGƯỜI LẤY ĐÔI NGƯỜI
Hai trong số những họ - Có thể là hai trăm, hai ngàn – tôi vừa gặp tình cờ, chớp choáng cách đây vài tuần cũng để lại cho chúng ta cảm giác ngột thở, ấn tượng khó phai nhòa. Ở quán cà phê mây trắng bên cạnh tòa soạn báo của tôi, khi được hỏi cháu tự xưng danh tánh là Nguyễn Đình Anh, năm nay 11 tuổi học lớp 6/5 trường phổ thông cơ sở Nguyễn Trãi, phường I, Đông Hà. Gia đình em cả thảy có bảy anh em, bố mẹ mất, mẹ bán chè ghánh ở chợ. Một buổi đi học, buổi về em phải ra đại lý bán vé số bà Lài ở chợ Đông Hà nhận bán 50 tờ vé số loại 3.000 đồng, bán hết đem về nộp cho mẹ 15.000 đồng thuê hoa hồng. Tuổi ấy em đã chai lỳ, gợi mãi về chuyện trường lớp em mới ấm ức trả lời gọn lỏn một câu:
- Buồn lắm chú ạ! Không có tiền học thêm bạn bè khinh miệt, một vài cô thầy cũng lánh xa…
Một em nhỏ choắt đến từ km 6. Họ tên là Nguyễn Đăng Hiếu, 10 buổi, học sinh lớp 3 trường phổ thông cơ sở phường 4. Gia đình có 4 chị em, em là con trai độc nhất trong nhà đã phải chịu cảnh lớp muộn 2 năm, lý do bận ở nhà giữ em. Ba Hiếu tên Lành, cắt cỏ ở nghĩa trang Đường 9, lương hợp đồng một tháng đúng một trăm nghìn đồng, mẹ buôn cá ở chợ. Hiếu thuộc diện học sinh tiểu học nghỉ hè đi bán vé số kiếm tiền mua sách vở, đóng góp tiền cho nhà trường năm học tới. Sáng đạp xe từ km 6 xuống gửi xe ở chợ Đông Hà (mất 500 đồng), nhận 60 vé số loại 2000 đồng ở đại lý bà Lài đi bán dạo, trưa ăn suất cơm bụi ở chợ 1.000đồng, vị chi hết 1.500 trong một ngày. Trời cho mà bán hết vé, em đưa về đủ cho bố mẹ 11.000 đồng, nhưng hiếm khi bán hết. “Khát, thì uống nước ở đâu?”- Tôi hỏi. Em trả lời: “xin ở các quán cà phê”. Ám ảnh và đau đớn nhất của Hiếu là những hôm bán ế, về nhà nộp không đủ tiền. Tôi quên hỏi tên bà mẹ của Hiếu, nhưng tin là đẹp vì một lẽ công bằng là không đánh đập, không hành hạ em. Mẹ là cõi thiêng để tất cả những đứa con bất hạnh tồn tại trên đời. Câu hỏi cuối cùng: - “Hiếu à, cháu có điều ước?” em trả lời tôi: - “ưa học tê!” tròn trịa ba từ giống lúc hỏi vị thứ, em cũng trả lời: - “Tiên tiến. Cô không đọc phẩy, dài!”.
Đó là tất cả cuộc phỏng vấn chớp nhoáng và nặng nhọc nhất, dài hơi nhất trong đời làm báo của tôi. Ví dầu cái gọi là “Quyền trẻ em” tôi có phạm tới thì chỉ mong mỏi ở các em một điều rằng hãy tha thứ. Cùng với các bác cao niên, các cụ ông, cụ bà, những quân nhân phục viên, thương binh, người tàn tật đi bán vé số đáng tôn kính thì với các em bao giờ tôi vẫn hằng yêu mến tận đáy lòng.
NHỮNG NỖ LỰC TỪ PHÍA CÔNG TY XỔ SỐ
Mấy ngày nay tâm trí tôi cứ bần thần. Đã biết môi trường của các em là tổ ấm gia đình, ấy thế mà có nhiều nơi chốn tạm bợ, rách nát – quá nhiều những bậc phụ huynh bó tay, bất lực. Với thái độ hết sức bình thản, thầy Lưu ở trường PTCS phường 5 cho biết lớp thầy chủ nhiệm có một học sinh đi bán vé số. Lớp bên hai em và bên nữa vài ba em. Nghĩa là có rất nhiều em, trường nào ở thị xã cũng có vài chục em như thế! Thầy lưu còn cho biết thêm: trước đây vợ chồng thầy cô cũng “làm thêm” bằng nghề bán vé số. Thực tế ấy rõ là phũ phàng, thật đáng ái ngại, nếu không muốn nói là xấu hổ vì tất cả thực tế đã nêu đã và đang làm vẫn đục môi trường giáo dục, đang là ghánh nặng cho các nhà trường. Chưa thấy các nhà quản lý giáo dục ra tay, làm gì với những thân phận lạc loài chính là con em mình đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi ngủ, tuổi học, tuổi được nuông chiều, nâng như nâng trứng đã phải lao vào việc kiếm tiền giữa xã hội!
Trò chuyện với anh Cao Tất Lượng giám đốc công ty Xổ số kiến thiết, chúng tôi buộc phải thừa nhận với nhau rằng không có xổ số kiến thiết, Nhà nước không huy động được nguồn vốn dồi dào trong toàn xã hội để kiến thiết, xây dựng quê hương. Dịch vụ xố số cũng là đầu mối giải quyết một khối lượng lớn công ăn việc làm ổn định cho người già, thương bệnh binh, những người tàn tật và không ngoại trừ đối tượng trẻ em lang thang cơ nhỡ, học sinh nghèo. Không có dịch vụ làm công ăn lương huê hồng này hàng loạt học sinh khó khăn như vừa nêu sẽ không còn đủ hơi sức nữa để cắp sách đến trường.
Cả nước hiện có 61 tỉnh thành đều có 61 Công ty Xổ số hoạt động dưới luật doanh nghiệp. Phân phối ăn chia trong tờ vé số hiện nay theo tỉ lệ chung như sau: Tiền chi cho giải thưởng chiếm hết 50% (Công ty nào chi trả dưới mức được nhờ, trên chịu thiệt). Nộp thuế Nhà nước 20% loại thuế dịch vụ đặc biệt. Làm công ăn lương huê hồng 13%, trong đó đại lý 2% và người trực tiếp bán lẻ 11%. Cuối cùng công ty được phép giữ lại 17%, chi phí theo quy định chung: trả lương cho 14 viên chức của công ty 4%, in ấn vé số 4% và tất tần tật các chi phí vụn vặt khác như lễ tân khánh tiết, tiền điện, tiền nước, điện thoại, khấu hao tài sản, quỹ phúc lợi là 9%. Để có một cơ cấu ăn chia hợp lý như thế nào, trong nhiều năm qua lãnh đạo công ty có nhiều nỗ lực không nhỏ nhằm cải thiện, nâng cao thu nhập thực tế cho người làm công hưởng lương huê hồng. Ví dụ Thuế doanh nghiệp đã được Nhà nước giảm từ 30% xuống 20% là một nỗ lực đáng kể, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động. Trước đây người lao động bán 1 vé số tức là đã làm ra, nộp vào ngân sách nhà nước 600 đồng (30% giá vé). Điều đó tỉ lệ nghịch với tiền ăn huê hồng chỉ được 200 đồng (10% giá vé); Người làm công làm ra cho Nhà nước gấp 3 lần làm ra cho chính mình. Cón số lúc đó được điều chỉnh: nay bán một vé, nộp vào ngân sách 400 đồng (20% giá vé), tiền ăn huê hòng đã là 220 đồng (11% giá vé), thu nhập người lao động đã vượt lên nửa mức thu ngân sách Có những con số biết buồn thì đó là những con số biết vui cho người lao động. Có được con số này cũng chính nhờ vào việc công ty đã làm ra được 100% thuế (loại thuế 2% trước đây đánh vào đaị lý) huê hồng cho các đại lý, đối tượng được giảm là cán bộ hưu trí, gia đình thuộc diện chế độ chính sách. Mới đây lãnh đạo Công ty đã trang cấp được mũ, áo mưa, giày dép cho người đi bán vé lẻ, tiến tới trang bị đồng phục cho nghề bán vé số.
Trang cấp đồng phục cho ngành nghề vé số, tôi cảm ơn anh Lượng một ngàn lần vì ý tưởng nhân văn cao cả và thiết thực này. Rồi đây đội quân hành nghề vé số, đặc biệt là các cháu nhỏ học sinh sẽ xóa đi những mặc cảm. Sẽ được bảo vệ sẽ được bình đẳng giữa đời, tự tin hơn trong công việc của mình để chiến thắng đói nghèo, vươn lên trong học tập, cuộc sống. Nhà trường, Ủy ban Bảo vệ chăm sóc trẻ em phải có kế hoạch phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm với công ty để giải quyết, chăm sóc tốt cho các em. Đó là việc thống kê, cung cấp cho công ty một danh sách thật chính xác về con em mình theo học đang hành nghề vé số. Ngoài việc giảm thu các khoản lệ phí học đường, nhà trường nên mở ngay những lớp hè, những lớp học tình thương miễn phí cho các em trong từng khối… Doanh thu hàng năm ở Công ty là 4 tỷ, nộp vào ngân sách Nhà nước đến 800 triệu đồng, phần lớn đều do công sức hàng ngày của các em đang âm thầm làm ra cho Nhà nước. Hơn ai hết, Công ty là người có trách nhiệm tiếp tục đề xuất, điều chỉnh để nhận lại từ nguồn thu này trực tiếp đầu tư cho các em.
Có lẽ chúng ta đã quá thờ ơ, bỏ mặc thân phận của cả một đội quân là học sinh nghèo vượt khó khăn bằng việc đi bán vận may đang mắc cạn giữa dòng. Tất cả đều chưa muộn. Tôi nghĩ chúng ta vẫn có đủ thời gian để làm lại từ tấm lòng.
Y.T