Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vào trận mới

 

N

hững cánh rừng già ở Vít - Thù Lù - miền tây Lệ Thủy, Quảng Bình che chở cho sư đoàn 324 chúng tôi gần trọn cả mùa thu và mùa đông năm 1971. Sau chiến thắng Nam Lào, chiến thắng lừng lẫy đập tan cuộc hành quân càn quét của Mỹ ngụy hòng chiếm lại những địa bàn then chốt đã mất, ngăn chặn chi viện của ta từ miền Bắc vào Nam, Bộ điều Sư đoàn chúng tôi ra hậu phương lớn để củng cố, huấn luyện, tăng cường lực lượng để vào trận mới. Gần cuối mùa bão lũ ở miền Trung nhưng rải rác vẫn còn những trận mưa rừng dai dẳng dầm dề. Hết mùa mưa, chuyển qua mùa rét. Cái rét như được bốc lên từ đất đá núi thật da diết tê tái. Mà dưới bạt ngàn những lều lán, tăng bạt, bộ đội Sư đoàn luôn giữ không khí sinh hoạt rộn rực ngày đêm. Ở đây chúng tôi lo bồi dưỡng sức khỏe, bổ sung quân, tập luyện quận sự, học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, mài sắc thêm ý chí tinh thần.

Tôi ở Trung đoàn I. Lúc bấy giờ Ban chỉ huy Trung đoàn có tôi là Trung đoàn trưởng, anh Lê Thế Danh chính ủy và các đồng chí cấp phó khác. Dù đang được đóng quân trên đất miền Bắc, giữa khi chiến tranh phá hoại của giặc đang ngày một gia tăng ác liệt, vẫn được cung cấp khá đầy đủ, lòng dạ chúng tôi cứ luôn mong ngóng và để cả vào chiến trường miền Nam. Một ngày đất nước còn bị chia cắt, Mỹ ngụy còn gây cảnh đau thương chết chóc cho đồng bào miền Nam là một ngày tâm can ai nấy còn nhức nhối chưa yên. Anh Lê Thế Danh còn cha mẹ ở Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị, tôi cũng có mẹ già đang sống dưới nanh vuốt giặc ở Triệu Ái. Giải phóng miền Nam, cứu thoát cho quê hương, cha mẹ, bà con, làng xóm là tiếng gọi cao cả thiêng liêng, là giá trị phẩm đức to lớn của mỗi người dân Việt Nam, của mỗi người lính chúng tôi lúc đó.

Thời gian ẩn quân làm nhiệm vụ ở Vít – Thù Lù chắc thế là đủ. Đã đến lúc lên đường vào trận mới. Cuối tháng 12/ 1971, chúng tôi nhận lệnh Sư đoàn đi quan sát thực địa nội, ngoại vi Hướng Hóa, Cam Lộ, Đông Hà, Quảng Trị. Chính ủy Lê Thế Danh chỉ huy Trung đoàn I vẫn cùng Sư đoàn chưa động binh. Tôi lập đoàn 130 cán bộ chiến sĩ gồm: Trung đoàn trưởng, Trưởng ban tác chiến, Tham mưu phó trung đoàn, trinh sát, quân báo, pháo binh, công binh, thông tin, đặc công, các D trưởng, các C trưởng… trang bị các phương tiện, kỹ thuật rất đầy đủ thi hành lệnh. Đúng ngày 25/12 đoàn chúng tôi xuất phát. Phải lấy Khe Sanh làm bàn đạp tiến công. Từ miền Tây Lệ Thủy vào Khê Sanh đường rừng khá xa, chúng tôi chỉ lòn lỏi hơn ba ngày đêm. Cái thị trấn chiến trận nổi tiếng mà hễ nhắc tới là quân Mỹ rùng mình thực ra chỉ nhỏ bằng chiếc đấu. Nó lơ thơ có mấy cụm nhà lá đơn sơ. Đi qua những cơn lốc đạn bom, cây cối, vườn tược gãy đỗ xơ xác, hoang tàn nay đang nhú lộc đâm chồi trở lại. Con đường Chín vắt qua giữa lòng thị trấn nhiều đoạn đá sỏi lổn nhổn, thỉnh thoảng một hụt gió khô, hanh lại thốc tháo ào ạt bụi bay mù trời. Tấm bản đồ quân sự trải ra. Những người chỉ huy chúng tôi chụm đầu lại… rồi, theo các sườn núi, chúng tôi bắt đầu xuôi về Đakrông. Những điểm cao chiến thuật như núi Giăng Gió, Rào Quán, Động Ché, Động Tiên, Ba Lòng, Chua Nga, Đỉnh 365, Phượng Hoàng… nằm cả trong địa bàn trinh sát của chúng tôi.

Cuối tháng 3/ 1972, đoàn trinh sát chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ thì Trung đoàn I do anh Lê Thế Danh chỉ huy cũng đã hành quân vào đường Chín an toàn. Chúng tôi nhập trở về lại với nhau trong một địa điểm ở Đakrông. Anh Lê Thế Danh thông báo cho tôi toàn Trung đoàn xuất quân trở lại chiến trường đủ một trăm phần trăm và anh đùa: “Quân ta thế mạnh có thể nuốt ngưu đẩu”. Tôi vui mừng khôn xiết và thầm nể vì thêm bội phần công tác chính trị tư tưởng của chính ủy trung đoàn. Bởi tôi biết vừa qua chiến dịch Đường Chín Nam Lào vô cùng gian khổ ác liệt, một số cán bộ chiến sĩ không khỏi nẩy sinh tư tưởng ngại khó, ngại khổ, ngại trở lại chiến trường… Anh Danh chỉ đùa vui mà tôi thấy rất có cơ sở. Nhìn từng khuôn mặt cán bộ chiến sĩ ai nấy đều lộ vẻ hồ hởi, phấn khởi khác thường. Quân số có thừa một trung đoàn. Chúng tôi có thêm một đại đội xe tăng, một tiểu đoàn pháo 105 li, một tiểu đoàn pháo cao xạ, một đại đội cối 120 li, một trung đội A72 (tên lửa mang vác).

Khi cả Sư đoàn 324 tập kết vào đủ, tôi và anh Lê Thế Danh lên Sư đoàn nhận nhiệm vụ mới. Đồng chí Giáp Văn Cương phó Tư lệnh B5, đồng chí Lê Tử Đồng phó Chính ủy B5 và Đảng ủy Sư đoàn giao nhiệm vụ cụ thể cho Trung đoàn chúng tôi: Cùng toàn quân quyết tâm chiến đấu giải phóng Quảng Trị; Trung đoàn I là một trong các đơn vị tham gia đánh trận đầu, diệt cứ điểm 365 mở màn chiến dịch; Trận mở màn nhất thiết chỉ có thắng.

Từ ngày dẫn 130 cán bộ, chiến sĩ đi trinh sát, tôi chỉ biết nhiệm vụ giao đến đâu làm đến đó, nay thì đã rõ mục tiêu to lớn của chiến dịch; lòng tôi vừa khấp khởi vừa lo nghĩ tới trọng trách khá nặng nề. Trở về Trung đoàn, anh Lê Thế Danh tiếp tục củng cố, nâng cao ý chí và tư tưởng cho cán bộ chiến sỹ. Anh tập trung chỉ rõ: Trung đoàn được giao nhiệm vụ chủ công đánh trận đầu mở màn chiến dịch là thể hiện niềm tin của cấp trên. Đây là một vinh dự lớn. Phát huy truyền thống dũng cảm, chiến thắng trong chiến dịch Nam Lào vừa qua, toàn trung đoàn sẵn sàng không tiếc xương máu vì Quảng Trị thân yêu. Tiến công là bản chất của người lính Bác Hồ…

Cả Trung đoàn chúng tôi đã sẵn sàng chờ lệnh.

Bộ đội quấn quanh lưng thêm mười ngày gạo. Hốt xong 365, Trung đoàn sẽ phát triển vào phía Nam Cùa chặn đánh lũ giặc từ Phượng Hoàng ra phản kích. Có lệnh, trung đoàn đã phối hợp cùng những cánh quân khác tràn về đồng bằng. Giải phóng xong Quảng Trị, thời cơ thuận lợi, Trung đoàn tấn công đánh Huế, giải phóng Thừa Thiên. Hơn hai mươi năm xong pha trận mạc, từng dày dạn vào sinh ra tử trên nhiều chiến trường mà sau lần này tôi không khỏi thấp thỏm lo âu, xô bồ với bao tâm trạng. Khi thầm khấp khởi vui mừng, khi sâu lắng bâng khuâng. Hồ hởi phấn chấn nhưng lại cứ canh cánh với một gánh nặng trên đôi vai. Ngồi trên chiếc võng giữa đêm ngủ với trung đoàn mà đôi chân cứ như đang dẫn quân băng lên đỉnh 365, lòng lại đang bay về ôm lấy mẹ già giữa quê hương Triệu Ái…. Chính ủy Lê Thế Danh mắc võng gần cạnh tôi. Anh bảo: “Thôi ngủ đi cậu. Ngày mai đã có giờ G.” Tôi lặng lẽ nhìn qua bóng tối lá cây về phía anh. Tôi biết anh nhắc tôi thế nhưng bản thân anh cũng đang trăm chiều lo toan. Anh cũng chẳng thể nào ngủ được.

Đêm 29/3 năm 1972 Trung đoàn ém quân xong quanh đồi chốt chặt. 365 là một trong những cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ tây Đông Hà. Trước, Mỹ ở. Nay, theo địch tình, có một tiểu đoàn tinh nhuệ ngụy. Nó nằm ở giữa; một dải đan giăng quanh nó những Phượng Hoàng, Động Ngô, Động Toàn, Ba Hồ, Đỉnh 544… đều là những khối bê tông cốt thép kiên cố, gai ngạnh, bướng bỉnh và rất sinh tử. Nhưng nói gì thì chặt được 365 toàn bộ hệ thống phòng thủ của giặc cũng rung rinh, nhả ra và tan vỡ không mấy chốc. Chúng tôi đưa được cả trung đoàn vào chiếm lĩnh vị trí xuất phát tấn công đúng ý định. Riêng đại đội xe tăng vẫn còn ở Rào Quán. Xe tăng đã phải lội dọc sông mà tới Ba Lòng. Ém xong quân, nghĩ là đã có thành công bước đầu, bất đồ, sáng ngày 30 có dấu hiệu bị phát hiện. Pháo giặc gầm gừ rào đón khắp nơi. Chúng bắn vu vơ mà rơi trúng ngay vào giữa một khẩu đội 12 li 7 của trung đoàn. Một đồng chí hy sinh, bị thương bốn. Còn có hai chiến sĩ, chúng tôi buộc phải thu súng, đành hỏng mất hẳn một khẩu đội.

11 giờ 30 ngày 30 tháng 3. Giờ G đã điểm. Cối 120 li, cối 82, B40, 41 hùng dũng lên tiếng mở màn. Ngay từ những loạt khai hỏa, pháo ta đã nả trúng đầu 365. Như giông như bão, như sấm như sét, túi bụi tùng bùng, khắp bốn bề, pháo ta hoàn toàn làm chủ. Quân giặc bị đè bẹp dí một chỗ. Sau ba mươi phút cấp tập sấm chớp, 365 gần như tan bấn thành tro. Tôi ra lệnh cho trung đoàn tràn lên. Đúng là một ổ chuột đã bị thui, lũ giặc đứa chết, đứa ra hàng, ta bắt sống 18 tù binh, chúng khai chúng chỉ còn một đại đội. Chúng chỉ là lính thám báo… Lệnh: Trung đoàn phải giữ chốt. Ngó ra bốn phương Động Ngô, Động Toàn, Ba Hồ, 544 khói lửa còn ngút trời. Quân giặc cũng đang bị những cánh quân khác của ta đánh cho tối tăm mặt mày. Thế mà tiếp theo liền thằng Phượng Hoàng mạn tây Triệu Phong ở cách xa chừng mười cây số vẫn xua quân chạy bộ ra ứng cứu. Tôi sẵn sàng cho một bộ phận triển khai hỏa lực mạnh xông tới chặn mặt “tiếp đón” chúng ngay. Thấy chẳng làm nên trò trống gì, quân giặc chưa đánh đã tán loạn bỏ chạy tháo lui, quân ta chỉ truy kích một đoạn rồi quay lại. Tôi được lệnh dùng một tiểu đoàn đánh chiếm một đỉnh cao 202 (Cùa). Đỉnh cao 202 chóng vánh về tay ta. Đồng thời các điểm Ba Hồ, Động Toàn, Động Ngô… cũng bị đánh tan. Giặc đua nhau chạy về Đông Hà cố thủ. Phá xong hệ thống phòng thủ của giặc Đại đội xe tăng mới về đến Ba Lòng. Tiểu đoàn pháo 105 thì chỉ đứng xem, đám pháo thủ trẻ ngứa ngáy chân tay bảo nhau: “Ít nhất, Trung đoàn cũng nên chia phần cho chúng mình lấy dăm ba quả gọi là có dính trận với chứ!...” Họ biết đâu sau đó, khi phải vòng lui theo đường Chín về xuôi, lúc quân ta bắt đầu đánh La Vang, Quảng Trị, họ tha hồ mà nả tới tấp vào đầu giặc yểm hộ đắc lực cho bộ binh.

Sau trận đánh thắng ở 365, Trung đoàn I chúng tôi được Tư lệnh mặt trận B5 điện khen:

- Đánh chiếm được điểm cao đầu tiên của chiến dịch

- Mở được mắt xích quan trọng trong hệ thống phòng thủ phía Tây nam Đông Hà.

- Là đơn vị bắt tù binh đầu tiên. Phấn chấn, tự hào! Tuy nhiên cả anh Lê Thế Danh lẫn tôi trong cương vị người chỉ huy chủ chốt trung đoàn, chúng tôi thấy tất cả mới là bước đầu. Nhiệm vụ to lớn nặng nề là con đường thống nhất giang sơn đang đòi hỏi chúng tôi phải chiến đấu hy sinh, cố gắng bội phần hơn nữa.

Chúng tôi chốt giữ 365 được hơn 2 ngày thì có lệnh sư đoàn hành quân thọc sâu về động Ông Gio – La Vang. Giặc ở căn cứ Đông Hà còn rất mạnh. Không thể cắt đường hành quân theo tuyến Cam Lộ - Đông Hà, trung đoàn phải vòng lên Ba Lòng qua sông mà đi xuống. Có một nan giải hành quân: Pháo lớn sang sông đã khó khăn, nặng nề như vần cả quả núi, sang sông rồi lấy đường đâu mà đi? Còn đại đội xe tăng? Lại thêm một phen xe tăng làm những con trâu ngầm lội dọc sông về đập Trấm. Pháo 105 li đành chờ lệnh….

Giặc biết đại quân ta sẽ tiếp tục đánh lớn, cố giữ Đông Hà. Chúng huy động tối đa sức chống đỡ của pháo binh và không quân. Máy bay B52 rải thảm bừa bãi, bất chấp. Một lần chúng chỉ đánh hú họa mà trúng ngay vào giữa đội hình trung đoàn đang hành quân. Lỏng chỏng, ngả nghiêng. Tơi bời khói lửa. Tôi chỉ còn cách nằm ngửa, cố bịt kín màng nhĩ bằng hai ngón tay nhìn lên lớp lớp chồng chất những quả bắp chuối đen trùi trũi mỗi tích tắc mỗi sa xuống sát mặt mình. Những tiếng nổ liên hồi kỳ trận cứ muốn tung hất con người cho văng khỏi mặt đất. Lửa bốc hừng hực. Không khí bị đốt cháy không kịp bù lấp nung thêm ngùn ngụt bụi bặm đất đá khiến nghẹt thở, đắng xé cổ họng. Khi đã mười phần cầm chắc cái chết, người ta tự nhiên tỉnh táo lạ thường. Tôi ý thức rất rõ cái chết sẽ là một sự bất chợt lặng câm. Hoàn toàn lặng câm. Thương anh em đồng đội, thương bạn hữu, thương Trung đoàn. Và tôi thương vô cùng mẹ tôi… Thế mà trận hung dữ cuồng phong ma quỷ đột ngột đi qua. Tôi lại thấy rõ ràng mình không chết. Không chỉ có tôi. Cả trung đoàn không ai chết. Lóp ngóp bò đứng lên. Đập phủi bụi bặm quần áo tóc tai. Thật lạ lùng, hóa ra bom rơi trúng đội hình nhưng nổ xằng xê nhảy cóc. Anh em lọt được hết. Chỉ có một số bị sức ép.

Băng đồi băng suối hơn ba ngày đêm với sự che chở đùm bọc của đồng bào, đặc biệt hai xã Hải Lệ, Hải Phú, đại bộ phận trung đoàn bí mật về áp sát động Ông Gio. Sáng ngày thứ ba có lệnh cho Trung đoàn “hốt” và chốt giữ động Ông Gio. Ngay từ những loạt pháo tấn công đầu tiên của ta, giặc ở động Ông Gio số chết, số cố liều mạng chạy về La Vang hết. Trung đoàn được lệnh chốt giữ động Ông Gio không cho địch phản công trở lại mạn tây La Vang. Trên động Ông Gio, giặc bỏ lại một khẩu đại pháo với hai ngàn viên đạn. Khẩu pháo trơ trụi, không bánh quay, không thước ngắm, thế mà pháo binh ta bằng lối bắn thủ công nâng nòng lên, hạ nòng xuống bao giờ thấy trúng mục tiêu cứ thế giã. Anh em đã giã gần hết hai ngàn viên đạn vào đầu hậu cứ La Vang giặc.

Chúng tôi chốt động Ông Gio được hơn nửa tháng thì chiến dịch chuyển sang đợt hai đánh Đông Hà, Ái Tử, La Vang, Quảng Trị. Trong đợt hai này, Trung đoàn I có nhiệm vụ thọc sâu chia cắt địch trên Quốc lộ I phía nam Quảng Trị đoạn từ ngã ba Long Hưng vào tới Diên Sanh. Hồi ấy ở Quảng Trị vào Diên Sanh, Hải Lăng có hai đường: một đường phía trên chạy cập kề với đường sắt; mạn dưới còn một đường nữa. Đường phía trên chúng tôi chọn điểm cắt ở cầu Dài, (Hải Lâm) và cầu Bốn Thước – bắc cầu Dài; Đường phía dưới, điểm cắt ở cầu Nhùng. Lệnh cho chúng tôi nổ súng là ngày 28 tháng 4. Nhưng trước đó một ngày đêm tôi đã cho một tiểu đoàn cùng xe tăng và pháo binh cắt cầu Dài. Lần đầu tiên bộ đội ta tiếp xúc đồng bào vùng bị Mỹ ngụy tạm chiếm chỉ một kẽ hở bà con để lộ cho giặc biết, kế hoạch bí mật thộc sâu bị phát hiện, hậu quả xương máu thật sẽ khó lường. Thế nhưng ngược với nỗi lo ngại của chúng tôi, đồng bào đã giúp đỡ, bảo vệ bộ đội bằng cả tấm lòng thương yêu mong chờ như với những đứa con đẻ của mình vậy. Cuối tháng 4 đại quân ta đánh vỡ phòng tuyến Đông Hà, chọc thủng La Vang, Ái Tử. Giặc bỏ Đông Hà, Ái  Tử đua nhau chạy về Quảng Trị. Ngày 28 tháng 4 Đông Hà giải phóng, quân ta chia làm nhiều mũi tiến đánh thị xã Quảng Trị. Cầu Nhùng bị cắt. Giặc chỉ còn mỗi con đường và chiếc cầu dài huyết mạch để nhận tiếp viện hoặc thất thủ thì bỏ chạy vào Huế. Chúng đã dốc sức quyết tâm bảo vệ cầu Dài. Hỏa lực ta đánh cắt cầu Dài cũng được tập trung tối đa. Cuộc đối chọi mỗi lâu mỗi trở nên cực kì quyết liệt. Đủ loại máy bay giặc thiêu đốt quân ta ở vòng ngoài. B52 bừa ngang bừa dọc bừa xiên. Pháo giặc bắn vô tội vạ. Bộ đội chúng tôi gần như phơi mình lộ thiên để vừa tránh đỡ vừa tiến công.  Thị xã Quảng Trị bị đại quân ta áp sát, giặc bắt đầu hốt hoảng xô nhau chạy vào Huế. Xe, pháo, quân dù, quân bộ ùn ùn chạy theo hướng cầu Dài. Lòng căm giận kẻ thù bao nhiêu năm chia cắt đất nước, tức tối vì giặc ỷ vào súng đạn chống cự điên cuồng, xót đau vì máu đồng đội đã loang đỏ cả mặt đất quanh tôi, tôi nhất thiết không để lũ giặc trước mắt mình chạy thoát. Tôi ra lệnh tất cả pháo tập trung bắn chặn; đồng thời mười tám khẩu 12 ly bảy hạ nòng xuống xối xả phạt ngang vào trước mặt chúng. Như một dòng chảy tự nhiên bị một con đập chặn đứng, bọn giặc ùn đống chen lấn, xô đẩy, giày xéo lên nhau. Tất cả bọ chúng phải bị bắt làm tù binh để rồi sẽ có những tòa án lương tâm trừng phạt chúng sau. Xồng xộc đâu từ trong đám nhốn nháo có một chiếc cam nhông gạt hết đồng bọn tranh đường chạy leo lên cầu Dài. Như một thằng say, nó lảo đảo, lắc lư, lắc lư. Nó bò ra chưa đến giữa cầu thì ngắc ngứ rồi đứng sững bất động. Chắc nó đã bị trọng thương. Cổ máy trong ca bin chỉ cho phép nó thoi thóp thở đến đây thì lịm tắt. Thế là lũ giặc tự hại nhau. Bọn thiết giáp mau cẳng nhất đã chạy đến đầu cầu, bị ách đường không còn lối chạy tiếp. Tiếng la lối nguyền rủa, hò hét, chửi bới om sòm. Ùn tắc nhốn nháo, phía trước chen chúc cãi cọ inh ỏi chưa xong, phía sau người, xe cứ dồn lên tới tấp. Đặc công ta phát nổ đánh sập cầu. Cái loạn xạ càng trở nên loạn xạ. Giặc như bầy nhặng bay vung thiên địa. Mớ chạy tháo lui, mớ đâm đầu vào bụi bờ cây cối, mớ lăn lô trên bờ ruộng như bầy trâu lấm, mớ cứ co giò chạy thục mạng mà cũng bẳng biết mình đang chạy đi đâu. Thấy có mấy cỗ xe tăng chạy đâm đầu xuống sông. Rất nhiều tên giặc cũng liều mình học lao theo để rồi chìm nghỉm giữa dòng trôi như những khối sắt thép nặng nề vô tri của chúng. Một mũi quân ta tràn xuống quốc lộ. Trong râm ran tiếng nổ loạn xạ, nghe có những tiếng kêu vang bật lên từ trong những chiếc ô tô đứng chết bịt bùng “Các đồng chí ơi! Mau mau cứu chúng tôi! Chúng tôi đây! Lính 304, 308 đây!”. Một số chiến sĩ Sư 304, Sư 308 đánh Đông Hà, Ái Tử không may bị giặc bắt làm tù binh, trên đường tháo chạy, chúng chở các anh chạy theo chúng. Chiến sĩ ta tức tốc leo lên xe phá xích, bẻ xiềng giải thoát cho đồng chí mình.

Cả một đoạn quốc lộ chừng non chục cây số quân sỹ ngụy kéo dăng dài đông nghịt. Bọn bảo vệ chúng, thằng bay trên trời, thằng ở tít đâu ngoài mặt biển chẳng biết mô tê lại cứ nhè đầu chúng trên quốc lộ I mà tương bom xuống, mà nả pháo vào. Giặc chết phơi thây tất tưởi chất chồng. Xương thịt văng vải, ngập ngụa dưới cái nắng gay gắt tháng Tư và ngọn gió Lào khô khét đã vào mùa trên đất Quảng Trị. Những tên giặc sống sót về sau mỗi khi nhớ lại trận chết chóc không khỏi rùng mình. Và chúng đặt cho đoạn đường này cái tên khá hình tượng và cũng khá xác thực là “Đại lộ kinh hoàng”

Ngày mồng 1 tháng 5 đại quân ta bốn mặt tiến vào Quảng Trị. Lá cờ chiến thắng tung bay trên tháp cao Thành Cổ oai hùng. Tôi được lệnh dùng xe tăng đuổi theo một chiếc cam nhông giặc đang chạy về Diên Sanh có chở một tên đại tá ngụy. Chúng tôi vào Diên Sanh như vào chỗ không người. Nhưng tên đại tá giặc khôn ngoan đã chạy lọt mất.

Từ khi đưa quân về động Ông Gio, La Vang rồi xuống cầu Nhùng, cầu Dài làm nhiệm vụ đánh chia cắt, tôi và chính ủy Lê Thế Danh hai người phải chỉ huy hai cánh quân. Bây giờ trên một ngọn đồi phía Tây Hải Lăng, chúng tôi mới có dịp họp lại với nhau. Hốc hác, xác xơ, khói đạn nhem nhuốc quần áo, mặt mày, nhưng luồng ánh nhìn ngời lên long lanh trong đôi mắt. Chắc Lê Thế Danh cũng giống tôi đang có niềm sung sướng thầm lặng: phen này thế nào cũng sẽ được đặt bàn chân lên mảnh đất chôn rau cắt rốn làng xóm thân yêu, thế nào cũng được gặp lại mẹ già. Chẳng có lấy một nhúm thuốc rê mà cuộn trao nhau, dốc bi đông, chúng tôi hớp chung nhau ngụm nước. Người chiến sĩ thông tin trao ống nghe cho tôi. Phía đầu kia, tôi nhận ra ngay tiếng nói của chính ủy Xuân Trà:

- Thỏa đó à? Thỏa ơi, quê hương giải phóng rồi, có muốn về thăm mẹ một lúc không?

- Báo cáo Thủ trưởng, muốn lắm chứ ạ!

- Ha ha! Biết đúng thế mà. Nhưng đồng chí trung đoàn nầy, vẫn nghe bom đạn ầm ào vang vọng từ Huế Thừa Thiên ra đó chứ. Và cả miền Nam lửa còn bốc cháy nữa?

- Thưa vâng ạ.

- Thế thì thôi Thỏa ạ. Tiếp tục hy sinh tình nhà vị nợ nước đã vậy. Chuẩn bị cho trung đoàn hành quân. Về Sư nhận nhiệm vụ mới. Có thể lên đường ngay. Hẹn gặp. Có Lê Thế Danh đó không? Chào nhé! Trao máy cho lính thông tin, tôi nhìn Lê Thế Danh ái ngại lắc đầu. Lạ thay, chính ủy Lê Thế Danh lại tươi cười gật gật.

Ba giờ chiều ngày 5 tháng 5 Trung đoàn I lại ra đi, cắt đường mạn tây giáp ranh Huế.

Lại vào trận mới mà công cuộc chống Mỹ cứu nước đã tin cậy Trung đoàn.

 

N.T.H 

 

Nguyễn Trung Hữu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 223 tháng 04/2013

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

8 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground