Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vĩ thanh của người anh hùng lái xe

Ô

ng là vị anh hùng lao động đầu tiên trong đời tôi được tiếp chuyện. Ngoài sự ngưỡng mộ những hành động quả cảm của ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà qua sách báo và những người cùng thời với ông kể lại, tôi còn là một trong số một nghìn đứa trẻ phải tri ân ông suốt đời vì ơn cứu mạng trong cái đêm 02-9-1967 kinh hoàng ấy.

Ông đặt tay lên trán, chậm rãi kể lại:

- "Đêm ấy, mình nhận nhiệm vụ chỉ huy đoàn xe hai mươi chiếc, tiếp tục chở học sinh Vĩnh Linh sơ tán ra các tỉnh phía Bắc. Bên tai cứ văng vẳng lời dặn dò của ông Bí thư Khu ủy Vĩnh Linh: "Chí Thành có nhiệm vụ chỉ huy đội xe thực hiện kế hoạch K8, chở ba vạn học sinh Vĩnh Linh sơ tán ra khỏi vùng lửa đạn. Nhiệm vụ này hết sức khó khăn, làm sao phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tất cả các cháu khi vượt qua các trọng điểm địch đánh phá ác liệt. Nhiệm vụ này có thể ví như người gánh một gánh trứng đầy đi qua sợi dây mảnh không được để một quả trứng nào bị rơi vỡ".

Trời mờ tối, đoàn xe tắt đèn lặng lẽ rời khỏi Vĩnh Linh, lao nhanh ra Quảng Bình. Vừa qua khỏi Dốc Sỏi, hai dân quân vác súng chạy ra đường chặn đầu đoàn xe:

- Phía trước có bom nổ chậm! Yêu cầu dừng lại...

Cùng lúc đó, trên bầu trời đêm đen ngòm bỗng như bị xé rách bởi tiếng gầm gào sát rạt của máy bay phản lực Mỹ. Một loạt đèn dù treo ngay trên đỉnh đầu, sáng như ban ngày. Hai mươi chiến xe, mỗi xe chở hơn 50 em học sinh cùng thấy cô hộ tống nổi rõ một vệt đen dài, trên đoạn đường Bàu Sen thẳng tắp và trống trải.

"Bọn chúng sẽ không mấy khó khăn phát hiện ra đoàn xe đang lồ lộ giữa trọng điểm!" Mình suy tính rất nhanh rồi bắc loa tay ra lệnh:

- Đèn dù sắp tắt, tất cả đoàn xe quay đầu lui về trú ẩn tại vùng đồi giữa hai xã Sen Thủy (Quảng Bình) và Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh) tôi sẽ nghi binh đánh lạc hướng chúng!.

Đoàn xe hối hả quay đầu, còn mình lên xe chỉ huy (không chở người) nổ máy, bật đèn pha, nhấn ga nhằm hướng Bắc phóng thẳng. Cứ chạy mò một đoạn mình lại bật đèn pha, mục đích là câu nhữ tụi phi công Mỹ... Quả nhiên lũ F4H liền châu đến. Bom bi, rốc két, bom tạ quất xuống như mưa bấc. Trong buồng lái, nhìn ra ngoài, mình chỉ thấy chớp nhóe loằng nhoằng và bóng con đường nham nhở lờ mờ trong khói bom. Cuối cùng thì mình cũng thực hiện được ý định cù rủ máy bay Mỹ ra ra đoàn xe chở các cháu ngót chục cây số. Biết đã đủ độ an toàn cho các cháu, mình tắt đèn, lái xe rẽ vào một nhánh đường tránh. Bọn phi công Mỹ mất mục tiêu, gầm rú quần đảo một hồi rồi cút thẳng. Toàn thân đau ê ẩm, ghế ngồi lái đẩm máu, thì ra mình đã bị thương. Tắt máy, nhảy xuống xe, nhìn lên, thùng xe rách tươm tướp vì mảnh bom cắt cứa, buồng lái bẹp dúm dó, chiếc xe trần trụi không còn nhành lá ngụy trang trông uy nghi như con ngựa chiến.

Ông Thành ngừng kể, xa xăm nhìn ra ngoài vườn nhà... cơn mưa dày của tiết lập đông chỉ làm cho căn phòng khách nhỏ và câu chuyện của người anh hùng thêm ấm cùng. Ông nhẩn nha kể tiếp:

- Vào cuối năm 1967, mình được giao nhiệm vụ cùng một số anh em trong Xí nghiệp Vận tải ô tô Vĩnh Linh ra Đồng Đăng - Lạng Sơn nhận 30 xe ô tô hiệu giải phóng của Trung Quốc viện trợ, chất đầy hàng chở vào Vĩnh Linh. Dạo ấy, từ Nghệ An trở ra xe của ta còn chạy trên đường số 1. Từ Hà Tĩnh trở vào địch đánh phá rất dữ dội. Đến Nghệ An, đoàn xe đổi hướng qua phà Linh Cảm, chạy trên đường 22 vào Quảng Bình thì nhận được điện của đồng chí Lưu Đức Hân, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính khu vực Vĩnh Linh: "Dỡ hàng xuống ven đường 22, cấp tốc hành quân về con đường quốc lộ 1A, chở gấp 8.000 đồng bào K10 Vĩnh Linh sơ tán bị mắc kẹt cả chục ngày ở phía nam đèo Ngang qua đất Hà Tĩnh trong ngày 25-12-1967, ngày mà Mỹ tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc nhân lễ Nô-en".

Nhận được điện lúc chập tối ngày 24-12, mình thúc giục anh em nhanh chóng bốc dỡ hàng. Cả đoàn xe ầm ầm lật cánh xuống đường quốc lộ 1A. Suốt đêm 24 và ngày 25 tháng 12, liên tục quay đầu, đoàn xe đã chở gần hết 8.000 người già, phụ nữ và trẻ em cùng quang gánh lỉnh kỉnh. Bốn giờ chiều ngày 25-12, giặc Mỹ ném bom trở lại sớm hơn thời gian đã công bố ngừng bắn, cũng là lúc chuyến xe cuối cùng vượt đèo Ngang chở bà con K10 sơ tán sang Hà Tĩnh an toàn. Ngay sau đó ngược lên đường 22 bốc hàng lên xe chạy tiếp vào Vĩnh Linh.

***

Ông Thành có trí nhớ khá tốt. Ông nhớ như in ngày, tháng, sự việc xảy ra cách đây đã hơn 30 năm và kể lại rất mạch lạc. Tuy vậy tôi vẫn băn khoăn một điều: Ông là người anh hùng nổi tiếng trên những tuyến đường ác liệt của Khu 4 cũ trong những năm chiến đấu chống Mỹ. Về vị anh hùng lái xe này, sử sách đã viết dày đến cả gang tay. Xung quanh con người gan dạ, mưu trí có vô số những thành tích vang dội, có những sự tích phảng phất sắc màu huyền thoại. Vậy mà khi tôi gặng hỏi đến mấy lần: Trong bao nhiêu chiến tích oanh liệt ông nhớ nhất kỷ niệm nào, thì ông cứ nhắc đi nhắc lại mãi hai kỷ niệm "Chở người - Cứu người" mà ông vừa kể lại trên đây.

Tôi đánh bạo chất vấn ông:

- Được biết ông có một chuyện nổi tiếng trong chiến tranh, ví như chiến công nối 5 chiếc xe tải với nhau bằng sợi dây cáp, chôn bánh xuống đường rồi buộc vào đầu tời kéo chiếc xe chở tên lửa bị sa xuống hố bom ở bờ nam phà Quán Hàu trước khi trời sáng, dưới làn bom đạn địch sao không thấy ông nhắc đến?

Ông cười định lảng sang chuyện khác, nhưng tôi đón đầu:

- Nghe nói sau này đơn vị này đã bắn rơi được máy bay B52 ngay trên vùng trời Vĩnh Linh?...

Ông đành thổ lộ:

- Khi đã mấy lần đào, kéo, chiếc xe chở đạn tên lửa nặng chình ình dưới hố bom không kết quả. Trời sáng dần, anh em trong đội xe đã giục mình rời hiện trường kẻo bị vạ lây cùng "mấy ông tên lửa"! Mình nhớ lại câu hỏi của mình khi gặp các đồng chí bộ đội tên lửa bị sa lầy: "Các đồng chí bộ đội cần gì đoàn xe Vĩnh Linh chúng tôi giúp đỡ?" Các đồng chí bộ đội đã rất mừng, nay vào phút nguy kịch mình lại bỏ đi sao đành. Hơn nữa vào thời gian ấy B52 của Mỹ liên tục ném bom rải thảm xuống Vĩnh Linh, gây biết bao tội ác với nhân dân mà ta chưa có vũ khí gì trừng trị được chúng. Chỉ có tên lửa mới bắt bọn "pháo đài bay Mỹ" đền tội. Nghĩ vậy nên mình tìm cách cứu bằng được đoàn xe kéo tên lửa dù có phải hy sinh tính mạng của mình...

Tôi bảo: Có thể đây là thành tích quan trọng trong chuỗi thành tích đưa ông lên danh hiệu vinh dự anh hùng, nhưng không thấy ông nhắc đến trong câu chuyện của mình. Ông cười lớn rồi hạ một câu nghe như trong nghị quyết:

- Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực mà lại! Cuộc đời anh dẫu có làm được việc gì lớn lao bao nhiêu, quy tụ lại phải đánh giá có mục đích vì con người, cho con người hay không. Nếu không vì hai cái đó, mọi cái coi như bỏ. Sở dĩ mình nhắc nhiều đến kỷ niệm "cứu người, chở người" là vì thành tích ấy trực tiếp liên quan đến quan điểm vì con người của mình!

Thì ra hành động anh hùng xuất phát từ trong sâu thẳm của một tư tưởng thấm đẫm quan điểm nhân văn của ông.

***

Người anh hùng thấp đậm rắn rỏi của hôm nay đến với nghề lái xe từ rất sớm. Ông có mặt ở Ty Giao thông vận tải Vĩnh Linh ngay từ khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc thắng lợi. Sáu năm sau ông được cử đi học lái xe rồi trở về phục vụ tại Vĩnh Linh, địa bàn bị đế quốc Mỹ đánh phá ác liệt cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sinh ra ở Quảng Thuận huyện Quảng Trạch tỉnh Quảng Bình nhưng trưởng thành trên đất lửa Vĩnh Linh lũy thép. Ông tâm sự: Đời ông hai mốc son lịch sử đáng nhớ nhất, cả hai mốc son ấy đều được ghi dấu ở Vĩnh Linh đó là  được kết nạp vào Đảng và được tuyên dương Anh hùng Lao động tại mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng. Vì vậy mà ông nguyện suốt đời gắn bó máu thịt với Vĩnh Linh.

Ông kể: Cuối năm 1967 Trường lái xe tỉnh Bình Trị Thiên có quyết định thành lập, ông được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường. Biết được ý định của lãnh đạo Sở Giao thông vận tải muốn chuyển địa điểm của nhà trường từ cồn Mã Đỏ (gần trạm thu phí giao thông trên quốc lộ 1A đoạn qua Quảng Trị bây giờ) vào thị trấn Tứ Hạ (Hương Trà - Thừa thiên Huế). Ông liền vào gặp lãnh đạo tỉnh xin cho trường chuyển ra Vĩnh Linh. Quan điểm của ông nặng tình hơn lý. Ông cho rằng, trường đào tạo lái xe Bình Trị Thiên đóng ở Vĩnh Linh là trung tâm, hơn nữa Vĩnh Linh với ông có nhiều duyên nợ gắn kết máu xương. Trường đóng ở Vĩnh Linh công tác lãnh đạo điều hành của ông sẽ có nhiều thuận lợi vì chính quyền và nhân dân địa phương sẽ hỗ trợ và giúp đỡ toàn diện cho ông và nhà trường... Cuối cùng là một chút riêng tư: Vĩnh Linh là tiếng gọi thiết tha, là một phần máu thịt trong cuộc đời ông.

Lãnh đạo tỉnh chấp nhận. Ông cùng tập thể lãnh đạo nhà trường bắt tay tổ chức chuyển trường ra Vĩnh Linh. Sau nửa năm lao động cật lực xây dựng nhà ở cho cán bộ, học viên trường lớp để giảng dạy và học tập, ngày 7.5.1977, Khóa I, Trường đào tạo Lái xe Bình Trị Thiên khai giảng với 100 học viên theo học. Đa số học viên khóa này là công nhân tuyển chọn từ cơ sở có đạo đức phẩm chất tốt. Khóa học này được gọi là khóa Điện Biên Phủ để ghi nhớ ngày khai giảng trùng với ngày chiến thắng Điện Biên.

Chiêu một ngụm nước ông Thành trở nên trầm ngâm:

- Mới đó mà đã một phần tư thế kỷ mình làm hiệu trưởng chẵn hai lăm năm. Không biết có nơi nào trên đất nước ta còn có ông hiệu trưởng nào có thâm niên dài như mình không nhỉ?

Tôi cắt ngang:

- Hai mươi lăm năm đảm nhận cương vị hiệu trưởng, trong đó có bốn khóa đầu ở thời bao cấp còn về sau là "Nhà nước và nhân dân cùng làm" theo cơ chế thị trường. Điều gì cho ông là đắc ý nhất, xuyên suốt qua các thời kỳ?

- Nói cho chú biết nhé! Mình không thuần túy tính cộng số học viên qua tay mình đào tạo 25 năm qua, cũng không tính theo khối lượng vật chất to lớn mà các thế hệ cán bộ giáo viên học sinh tạo dựng nên trong một phần tư thế kỷ đâu! Cái đó các nhà thống kê đã làm đủ rồi. Điều mình quan tâm trong suốt quá trình đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng đó là: Làm sao đào tạo được những lớp lái xe có kỷ luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có kỹ thuật lái xe điêu luyện. Mình đặt tiêu chuẩn kỷ luật lên hàng đầu bởi vì nghề lái xe có vị trí đặc thù liên quan đến hoạt động trong xã hội hiện đại. Một lái xe mà kỷ luật kém không sớm thì muộn sẽ gây bất hạnh cho bản thân, gia đình và xã hội.

- Ông có biết các biệt danh "ông kỷ luật sắt", "ông rèn" mà các thế hệ học sinh Trường lái xe Quảng Trị dùng để đùa vui ông không?

- Có chứ! Mình rèn dự học viên ban đầu vào trường khó chịu, nhưng về sau vào nề nếp. Khi ra trường có dịp gặp lại, anh em đều xúc động cảm ơn những ngày rèn luyện ở trường đã tạo dựng cho họ bản lĩnh vững vàng trong cuộc đời sống động. Không ai thù ghét gì mình bởi quá trình công tác mình thực hiện xử phạt khen thưởng nghiêm minh. Cán bộ giáo viên nhà trường đều mô phạm, sống trong sáng, vô tư. Học sinh từ khóa 1 khi gặp lại mình đều xúc động nói: "Hơn 20 năm lái xe an toàn, hạnh phúc ấy của lái xe có được là nhờ sự rèn luyện nghiêm khắc tại trường đào tạo lái xe của ông Thành".

***

   Khi còn là lái xe, ông nghĩ đến vì con người. Lúc trở thành anh hùng ông cũng nghĩ mình hành động vì con người. Làm Hiệu trưởng trường đào tạo lái xe, ông vẫn nghĩ làm sao đào tạo được đội ngũ lái xe cho xã hội có kỷ luật, có đạo đức và có kỹ thuật cao. Cuộc đời ông có thể ví như cánh chim bằng suốt gần 60 năm giữa bầu trời ngang dọc giờ đã về đậu bến bình yên. Ông đã sống trọn vẹn với bản thân, gia đình, bạn bè, xã hội.

   Tôi càng thêm tin cái triết lý vì con người của ông, khi tiễn tôi ra cổng, ông vỗ vai tôi dặn đi dặn lại:

- Chú hỏi xem cháu bé duy nhất sống sót trong cái đêm bom Mỹ ném trúng chiếc xe chở 43 cháu học sinh xã Vĩnh Hiền trên đường đi sơ tán hiện nay ở đâu và sống ra sao báo cho mình biết nhé!

Tôi nhẩm tính, bây giờ "cháu bé" của ông Thành ngày ấy chí ít cũng đã bước vào tuổi bốn mươi, nhưng trong ký ức ông vẫn là những nụ những mầm cần chở che bảo vệ.

Kết thúc ghi chép nhỏ này, xin chuyển đến bạn đọc thông tin cuối: Chiến dịch chuyển ba vạn học sinh Vĩnh Linh đi sơ tán ra các tỉnh phía Bắc được gọi là kế hoạch K8 với một dự kiến cho phép tổn thất 10% sinh mạng coi như đại thắng lợi. Nghĩa là chấp nhận sự mất mát tới ba nghìn sinh mạng trẻ thơ nếu không sẽ bị giặc Mỹ giết hại tại chỗ gấp nhiều lần hơn thế. Một tính toán chấp nhận đau thương. Thế nhưng thực tế ba tháng thực hiện số thương vong được ghi nhận trong cả chiến dịch là 59 cháu cùng với 11 cán bộ giáo viên hướng dẫn. hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người trong điều kiện chiến tranh ác liệt lúc bấy giờ, công lao thuộc về Ban chỉ đạo Kế hoạch K8, và trực tiếp là những người lái xe vận tải dưới sự chỉ huy dũng cảm của anh hùng Trần Chí Thành.

***

Trong chúng ta, không hiếm người sống lay lắt nhờ phút hào quang bất chợt lóe lên ở đoạn đầu đời. Ông Thành là một người anh hùng mà cái tâm của ông là khúc vĩ thanh ngân vang xa mãi.

                                                                                    T.P.T

Tống Phước Trị
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 88 tháng 01/2002

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground