Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Việc gì khó có Kăn Chòng

Trời đang oi bức thì một cơn mưa khá lớn bất chợt đổ xuống làm mát dịu cả một vùng trời miền tây Hướng Hóa. Con đường trải nhựa chạy thẳng vào khối 6, thị trấn Khe Sanh dẫn lối chúng tôi vào tìm gặp nữ bộ đội Trường Sơn người Pa Cô thường gọi tên Kăn Chòng (tên trong giấy tờ của bà là Căn Choòng).

Trên địa bàn huyện Hướng Hóa có hơn 100 nữ bộ đội Trường Sơn, phần lớn còn sống. Họ rất quả cảm trong thời chiến và nỗ lực vượt khó trong thời bình. Điển hình như bà Hồ Thị Lài ở khối 3B, Hồ Thị Thu Hoa, Hồ Thị Hoa, Hồ Thị Thu Hương ở khối 5, thị trấn Khe Sanh, Căn Thương ở xã Lìa... Tuy nhiên, bà Kăn Chòng là người dân tộc Pa Cô duy nhất tham gia đoàn Bắc Sơn, ở thời điểm đó.

Trong ngôi nhà sàn đơn sơ nhưng rất sạch sẽ, gọn gàng, bên những kỉ vật chiến tranh đi cùng năm tháng được gói ghém cẩn thận, Kăn Chòng nở nụ cười hiền hậu đón khách đến thăm nhà. Chuyện trò với bà, chúng tôi được hòa mình vào không khí sôi động của một thời hào hùng cùng người phụ nữ miền sơn cước về với một thời được sống, chiến đấu hết mình vì độc lập tự do của dân tộc, cảm nhận “ngọn đuốc” cách mạng ấy luôn soi sáng cho thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Đồng Sơn, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, từ lúc còn nhỏ tuổi Kăn Chòng đã ước mơ được cùng đồng bào mình tham gia chiến đấu chống Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Vì thế, năm 1959 khi mới vừa tròn 15 tuổi, cô gái miền sơn cước ấy đã thoát ly, làm người dẫn đường cho cán bộ cách mạng nằm vùng. Đến năm 1962, Kăn Chòng chính thức được nhận công tác tại đơn vị C3 thuộc Đoàn Bắc Sơn, Quân khu 4. Từ năm 1967 - 1968, trên lưng người con gái bé nhỏ này lúc nào cũng thường trực 60 - 70 kg đạn dược, lương thực, thực phẩm, áo quần… vận chuyển tiếp tế cho đơn vị đến nhiều nơi hoạt động bí mật ở Huế, dọc Đường 9 - Nam Lào và qua cả một số bản biên giới thuộc nước bạn Lào. Năm 1964, Kăn Chòng được đơn vị cử đi học lớp cấp tốc y tá chuyên về châm cứu và sơ cứu ba tháng tại bản Tà Ổi, huyện Tù Muồi (nước CHDCND Lào). Sau lớp học này, cùng với tiếp lương, tải đạn, bà kiêm thêm công việc sơ cứu cho đồng đội trúng phải đạn của quân thù trên dọc đường làm nhiệm vụ hoặc châm cứu bởi ốm đau giữa vùng rừng thiêng nước độc.

Năm 1968, trong một lần gùi đạn băng qua cánh rừng thuộc địa phận huyện Mường Noòng (Lào), tiểu đội của bà không may bị địch phục kích. Mặc dù thông thạo địa hình, nhanh chân ẩn nấp nhưng Kăn Chòng vẫn bị đạn xuyên qua phần bụng, mất máu quá nhiều nên bất tỉnh. Bà được đồng đội băng bó vết thương và chuyển đi điều trị hơn một tháng. Sau khi xuất viện, dù sức khỏe giảm sút nhưng với lòng nhiệt tình cách mạng, bà xin đơn vị được tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn. Sau thắng lợi của Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh Xuân - Hè 1968 (20/1 - 15/7/1968), Kăn Chòng chuyển đến công tác tại đơn vị D700 thuộc Khu ủy Bình - Trị - Thiên chuyên sản xuất cải thiện đời sống. Kăn Chòng bồi hồi nhớ lại những năm tháng thanh xuân hào hùng: “Để đảm bảo các điều kiện chiến đấu một cách kịp thời, đơn vị quy định việc gùi đạn dược, lương thực, thực phẩm. Đối với nam từ 90 kg đến 1 tạ, đối với nữ gùi từ 60 - 70 kg. Dù ăn uống đạm bạc, thiếu thốn trăm bề nhưng nghĩ đến tự do của dân tộc, nghĩ đến Bác Hồ, ai cũng quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Băng rừng, lội suối đêm ngày, giờ nghỉ ngơi chỉ đếm trên ngón tay, đối mặt với nhiều rủi ro, nguy hiểm như thú rừng, quân địch mai phục… song bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, anh em chúng tôi vẫn vui vẻ lên đường với khẩu hiệu “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”.

Kăn Chòng ôn lại kỷ niệm thời tiếp lương, tải đạn chống Mỹ - Ảnh: K.K.S

Kăn Chòng ôn lại kỷ niệm thời tiếp lương, tải đạn chống Mỹ - Ảnh: K.K.S

Có những lúc thấy bóng dáng địch từ xa, bà và đồng đội tìm nơi ẩn nấp an toàn, ngồi im lặng hàng tiếng đồng hồ mặc cho muỗi, vắt rừng bu bám đầy người mà không ai dám cựa quậy, cứ ngồi yên một chỗ cho đến tối khuya mới tiếp tục lên đường đến địa điểm giao hàng. Năm 1968, địch cướp nhiều kho lương thực của người dân nên nạn đói xảy ra. Bà nhớ lại: “Bộ đội chúng tôi phải tiết kiệm từng hạt gạo, bình thường mỗi ngày một người ăn từ 2 - 3 lon gạo mới đủ sức gùi cõng đạn dược, lương thực, thực phẩm… nhưng lúc đó vì không đủ gạo, mọi người phải giảm xuống còn 5 lon gạo/10 người/ngày. Hai người được 1 lon gạo mà đôi lúc cũng không được ăn vì những nắm cơm vắt giắt nơi lưng không may gặp mưa thì ướt rơi hết”.

Khi đi qua những cánh rừng, vừa phải đối phó với địch, bà và đồng đội vừa tìm hái những loại trái cây, lá rừng ăn thay cơm để có sức gùi cõng. Đói khổ là thế nhưng chưa một ai có một tiếng than phiền. Cũng trong năm đó, niềm hạnh phúc vô hạn đến với bà khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Khi ấy, Kăn Chòng vừa tròn 23 tuổi. Bà bộc bạch: “Đến bây giờ mình vẫn không quên được giây phút kết nạp Đảng. Đó là ngày 12/10/1968. Mình đã được Đảng công nhận vào hàng ngũ của Đảng, được kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng đội”.

Trong chiến tranh bom rơi, đạn lạc vẫn không làm mất đi những sức sống tươi vui của người chiến sĩ. “Mỗi lần giao hàng xong cho đồng đội, với cây đàn ta lư trong tay chúng tôi lại dành ít phút văn nghệ giải trí, hát những bài dân ca Pa Cô đỡ nhớ nhà, nhớ bản làng” - bà Kăn Chòng nở nụ cười tươi tắn, rạng ngời nhớ lại thời thanh xuân đi cứu nước, giữ núi rừng. Tôi ngắm nụ cười của bà và trong đầu vang vọng lên ca khúc “Tiếng đàn ta lư” của nhạc sĩ Huy Thục. Có lẽ hình ảnh đẹp của những thiếu nữ Vân Kiều, Pa Cô hồn nhiên, yêu đời ôm đàn ta lư trên đường ra trận đã gây ấn tượng trong ông, hình thành trong ông những nét nhạc trong sáng, rộn ràng. Thực ra chất dân ca Vân Kiều nghe rất âm u và buồn tủi. Đàn ta lư được làm bằng ống tre và có ba dây đồng âm, nhưng cái tài của người nhạc sĩ đã mượn tâm trạng mừng vui của thiếu nữ Vân Kiều để tải đạn, tiếp lương ra trận mà tạo nên dòng giai điệu lạc quan, tươi trẻ.

Kăn Chòng và các thiếu nữ Pa Cô, Vân Kiều ngày ấy tuy vất vả, gian nan, gùi gạo nặng trĩu trên vai, đói thì uống nước suối, ăn rau rừng, chứ không tơ hào đến một hạt gạo của cách mạng. Trong hoàn cảnh ấy, còn có thể hiểu “ta lư” là dân công, là bộ đội, là sợi dây gắn bó tiền tuyến với hậu phương, là sự dũng cảm tuyệt vời, niềm lạc quan tuyệt vời. Bom tọa độ của giặc Mỹ không thể át tiếng cười của quân ta. Không sức mạnh tàn bạo nào dập tắt được niềm lạc quan của người thiếu nữ Pa Cô, Vân Kiều đi tiếp lương tải đạn.

Một lòng theo Đảng, theo Bác, người đảng viên ấy đã mạnh dạn bước qua phong tục lạc hậu của dân tộc mình, không màng yêu đương mà chỉ nghĩ phải làm sao hoàn thành nhiệm vụ tiếp lương, tải đạn, kịp thời, an toàn nhất. Trai gái người Pa Cô ở quê Kăn Chòng thời đó thường được gia đình dựng vợ, gả chồng rất sớm (13 - 15 tuổi). Tuy nhiên, vì một lòng theo cách mạng nên 26 tuổi bà vẫn chưa có một mối tình nào trong khi đó bạn bè cùng trang lứa với mình đã lập gia đình, con cái đề huề. Mãi cho đến khi gặp được người đồng đội mới chuyển đến đơn vị của mình là ông Hồ Văn Nòng, quê ở thôn Trứp, xã Tù Muồi, huyện Hướng Hóa (nay thuộc huyện Mường Noòng, Lào) cùng “tâm đầu ý hợp”, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, bà mới biết đến hương vị của tình yêu.

Biết được tình yêu đẹp của cặp đôi người dân tộc thiểu số bộ đội Trường Sơn này, đơn vị tạo điều kiện, đứng ra tổ chức cưới, chúc phúc cho họ tại Lao Bảo. Sau ngày cưới, vợ chồng Kăn Chòng cùng quyết tâm dốc sức cùng đơn vị làm tốt nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu. Mãi đến sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 họ mới thực sự về chung một nhà và hạnh phúc đón chào đứa con đầu lòng.

Hòa bình lập lại, Kăn Chòng được bố trí công tác tại Bệnh viện Bắc Hướng Hóa (nay là Trung tâm Y tế Hướng Hóa). Năm 1983, bà nghỉ hưu theo chế độ và sinh sống ở bản Pa Nho (khối 6), thị trấn Khe Sanh. Từ đó đến nay, bà luôn phát huy tinh thần cách mạng, giáo dục con cháu phải biết khắc phục khó khăn, vươn lên trong học tập cũng như lao động, sống có ích cho bản thân và xã hội.

Kăn Chòng sống dựa vào đồng lương hưu ít ỏi. Các con của bà chủ yếu làm nương rẫy, một người con dâu của bà bị ung thư cần nhiều tiền chạy chữa nên điều kiện sống của gia đình họ hiện gặp nhiều khó khăn. Ở tuổi 76, bà vẫn lên nương rẫy mỗi ngày để phụ giúp thêm cho con cháu. Dù hoàn cảnh thế nào, bà vẫn giữ được tính lạc quan yêu đời, yêu cuộc sống. Những lúc gia đình đông đủ hoặc bạn bè, người dân trong khối đến chơi nhà, Kăn Chòng thường đưa những kỉ vật chiến tranh cho con cháu và khách xem, cùng trò chuyện vui vẻ. Trong số kỉ vật của bà, đáng chú ý có hàng chục cây kim dùng để châm cứu, kỉ niệm chương Bộ đội Trường Sơn, Huân, Huy chương kháng chiến, Huy hiệu Đảng từ 30 năm đến 50 năm tuổi Đảng mà Đảng, Nhà nước trao tặng.

Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Lê Minh Tuấn cho biết, toàn huyện chỉ có 18 đảng viên nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số được trao huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Điều đáng trân quý ở các đồng chí ấy chính là tinh thần yêu nước, khí tiết, đạo đức và nhiệt tình cách mạng dù là tuổi đôi mươi hay bước sang tuổi ông, bà. Đây chính là những tấm gương sống để con cháu noi theo.

Chăm sóc cháu là niềm vui mỗi ngày của Kăn Chòng - Ảnh: K.K.S

Chăm sóc cháu là niềm vui mỗi ngày của Kăn Chòng - Ảnh: K.K.S

Ông Hồ Ta Đăng, Phó Ban Liên lạc Bộ đội Trường Sơn huyện Hướng Hóa, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khối 6 nhận xét: “Kăn Chòng là người có uy tín ở khối 6. Phát huy tính tiên phong của người đảng viên, Bộ đội Trường Sơn, bà sống giản dị, khiêm tốn, tích cực đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào thi đua của địa phương. Vì thế, người dân trong khối thường có câu cửa miệng rằng: “Việc gì khó có Kăn Chòng”. Với những lời lẽ luôn thấu tình đạt lí, từ những mâu thuẫn nhỏ trong từng gia đình đến mâu thuẫn khá phức tạp trong nội bộ nhân dân, chỉ cần có bà đều được hòa giải trong không khí vui vẻ, tình làng nghĩa xóm nhờ thế được thắt chặt hơn”.

Nâng niu những kỷ vật, bà Kăn Chòng thường kể cho mọi người nghe những kỉ niệm đẹp mà mình và đồng đội trải qua trong thời chống Mỹ cứu nước, đặc biệt trong đó có những đồng đội của bà đã anh dũng hi sinh khi đang tiếp lương, tải đạn đến nơi giao hàng. Bởi chính từ những tấm gương của họ đã tiếp thêm động lực để bà quyết tâm sống, chiến đấu hết mình không phụ lòng người đã khuất và hi vọng một ngày không xa đất nước sạch bóng quân thù. Thông qua những câu chuyện của mình, bà nhắn nhủ con cháu, thế hệ trẻ rằng, họ thật hạnh phúc khi đang được sống trong một đất nước hòa bình, được tạo mọi điều kiện để học tập, lao động thì cần phải ra sức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phát huy tinh thần cách mạng của những người đi trước, cống hiến trí lực góp sức thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, xứng đáng là chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.

KÔ KĂN SƯƠNG

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground