Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Viết trong mùa nắng lửa

L

âu lắm rồi tôi mới có một chiều thảnh thơi ngồi gỡ tóc sâu cho nội. Nội tôi ngửa mặt, nghiêng đầu một bên kê vào đầu gối tôi lim dim mắt. Trời nắng nỏ đến thế mà lúc ấy chợt bình yên đến lạ. Bình yên khi nghe nội tôi "hồi hương" bằng kí ức của mình.

Ông nội tôi người Đức Thọ, cha mất sớm, nhà đói, 17 tuổi ông theo người làng ra tận Yên Thành Nghệ An học lấy cái nghề thợ rèn nuôi thân, ấy thế rồi biệt tin. Khi cụ tôi ở làng nghe được tin ông thì mới hay ông đã vào tít tận miền Nam hoạt động cách mạng. Đó là năm 1939

Đôi khi ngồi nhẩn nha chuyện cũ, ông tôi cứ thủng thẳng mà kể rằng: Gần mười bốn năm ở Quảng Trị, ông tôi chẳng yêu bà tôi lấy "một cắc" nào, bà tôi cũng rứa. Ấy vậy mà khi ông bị lộ, địch phát hiện, để cứu ông, cụ ngoại tôi bắt bà phải lấy ông cho hợp thức hóa ở làng rồi ra chiến khu Ba Lòng. Tuốt tuồn tuột từ đó, bà theo đường Trường Sơn ra bắc, miết cho đến khi hòa bình giải phóng mới được về quê lần nữa. Ngót nghét cũng gần hai mươi năm xa quê.   

Quê nội ở Quảng Trị, chính xác là xã Hải Xuân huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Người Quảng Trị sống ở Hà Tĩnh hồi trước chỉ có hai loại: một là thiếu sinh quân được đem ra bắc học, hai là lấy chồng người bắc nên theo ra quê chồng ở. Nội tôi thuộc típ thứ hai, nhưng lại là trường hợp đặc biệt của nhóm đó là vì lẽ ấy.

Trong những câu chuyện ngày xưa nội kể, không lúc nào nội tôi nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà. Nhiều đêm thậm buồn nằm nghe nội thở dài, tôi cứ nghĩ, giá như không có chiến tranh, thì sẽ không có những người đàn bà phải chịu những cảnh chia lìa, xa xứ để rồi đau đáu nhớ quê mỗi mùa nắng nỏ. Rồi lại cứ nghĩ rằng; không có những cuộc tao loạn sẽ không có những kì tích về những người đàn bà anh dũng hi sinh đến nhường ấy.

Lịch sử chúng ta đã ghi dấu những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Để có những chiến thắng đó, dân tộc ta đã đổ bao nhiêu xương máu, mồ hôi và nước mắt. Sông Thạch Hãn quê tôi đã bao lần chìm trong binh đao máu lửa, máu đổ thành sông rồi xuôi Cửa Việt ra biển. Trong những cái chết đó, có không biết bao nhiêu là cái chết của những người phụ nữ? Không thể đếm hết được trên những bức phù điêu, những tấm sa thạch kia bao nhiêu là sự hi sinh. Đó chỉ là tượng trưng thôi nhưng vĩnh viễn nó là nhân chứng, nhân chứng cho những tội ác quá đà của những người ở  bên kia chiến tuyến.

Tôi đã không hình dung được nếu như mình ở trong thời khắc của chiến tranh, chứng kiến những cái chết thương tâm của chính người ruột thịt của mình liệu tôi có đủ can đảm để mà sống và chiến đấu cho lý tưởng. Thời của nội tôi, thời của ý chí sắt thép và lòng kiên cường anh dũng đã làm nên một thiên anh hùng ca bi tráng mà lịch sử vĩnh viễn không thể nào quên được.

Nội tôi thường hay hoài niệm về quê, rồi lại nhớ về người em gái con chú ruột của mình mà khóc. Cứ mỗi lần "lại nhớ O Tuyết" là tôi lại không cầm được nước mắt. Đấy là lúc nội tôi nhớ về Liệt sĩ, anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Thị Tuyết sinh năm 1949 ở thôn Duân Kinh, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.

Câu chuyện 44 năm về trước...

Duân Kinh. Hải Lăng. Quảng Trị một ngày tháng bảy nắng nỏ. Mới mờ sáng, không khí đã nóng rẫy. Mặt trời như một cái chảo lửa khổng lồ đổ ụp xuống lưỡi cát trên bờ sông Vĩnh Định. Làng hoe hoắt vắng khi nghe tin bọn lính thủy đánh bộ Tiểu đoàn 4 ngụy đi càn các xã vùng ven sông Vĩnh Định.  Chỉ nghe tiếng nhốn nháo lính càn, tiếng dày đinh hùi hụi dẫm đạp và tiếng chửi văng tục rộn cả một khúc sông đầy nắng. Trong cái đám hỗn tạp đó, O Tuyết nằm sấp trên cát, thân thể lõa lồ, người lấm đen bùn đất, máu từ những vết thương trên người O quấn quện chảy trào ra đất. O nằm ngoi ngóp thở sau mỗi đợt tra tấn cực hình, nằm vắt chỏng chơ giữa mép nước, chân choãi trong bụi cỏ, đầu chúi ra ngoài, tóc xõa xuống mặt nước nổi dập dềnh như rong rêu ướt rượt... Một thằng lính cầm xô nước, lật mặt O lên xối nước vào miệng. Bọt xà phòng hòa ớt bột sủi trào, phủ kín hết cả mặt. O sặc sụa, quằn quại kêu lên: "Tau là y tá, tau không biết" rồi ngất đi...

Nội tôi lại thở dài, cứ mỗi khi không nói được nên lời nội tôi thường thở dài như thế. Lâu dần trong câu chuyện của nội tôi quen đến cả điệu ngắt quãng của nội. Nội hết vân vê đám tóc sâu rụng đầy trên đầu gối lại mân mê bàn chân tôi thở dài: "cha tổ mi, cái bàn chân mi cũng giống chân hắn, cứ tròn đầy, mũm mĩm. Bàn chân rứa là số sướng, nếu không có chiến tranh... "rồi nội lại thở dài" con bé thương thật. Cha hi sinh thời chống Pháp, 16 tuổi đã thoát ly gia đình đi làm du kích hoạt động trong vành đai chiếm đóng của Mỹ- ngụy. Năm 67 đã là y tá huyện đội Hải Lăng thường xuyên có mặt tại khu vực rú Thi Ông.

 Tôi dừng lại ở rú Thi Ông trong kí ức của bà. Đó là nơi vùng trằm lầy lội bên cửa sông Vĩnh Định, Ô Lâu và những doi cát, cây rừng nguyên sinh bao bọc được coi là hậu cứ, là nơi rút lui của du kích, bộ đội, thương binh sau các cuộc chiến đấu trong lòng địch... Mỗi lần như thế tôi lại tưởng tượng ra hình dáng O tôi đang bước những bước thoăn thoắt trên doi cát trắng lấp lánh, hay đang còng lưng cáng thương binh lội qua cả một khúc đầm lầy lội đầy bùn đất tanh nồng, vừa đi vừa lau mồ hôi lấm tấm trên trán. Những hình ảnh ấy, lúc nào tôi cũng thấy O tôi thật đẹp, đẹp đến bình dị như chính những bông hoa dủ dẻ vàng thơm thơm trên tay O những phút thảnh thơi ngồi xoãi chân xuống nền cát ẩm ướt bên bờ sông Ô Lâu. Cũng không hiểu vì sao, mãi đến sau này, nghĩa là hơn bốn mươi năm trôi qua, tôi cứ nghĩ hình hài, dáng vóc và tuổi trẻ của O đã tan vào trong đất, hóa thân làm những bông hoa dủ dẻ bình dị ở quê tôi vậy. Ngày O Tuyết bị bắt, tại bến Thi Ông này, chúng lôi O ra khỏi hầm đầy cây dủ dẻ. Mùa này, hoa dủ dẻ vừa chín vàng, thơm ngào ngạt cả trong tóc O ngòn ngọt.

O Tuyết nằm xoãi giữa triền cát bên bờ sông dật dờ lúc mê lúc tỉnh trong đám bọt xà phòng trắng xốp. Lại một đợt tra tấn nữa bắt đầu. Thằng lính ngụy giẫm giày đinh trên bụng O dận xuống, nước xà phòng và máu trào vọt qua cửa miệng O từng đợt. "Tai nghiệt quá"- lại có tiếng xì xầm- tra tấn chán nó lại lôi O vào trong xóm bắt O phải đốt nhà hàng xóm nào bị nghi là Việt Cộng. Chúng cầm cái bật lửa Zippo đưa trước mặt, O quay mặt. Đốt nhà hàng xóm thà đốt nhà mình còn hơn. Biết không bắt được O chúng ném cả cái bật lửa lên bất cứ mái nhà nào chúng muốn. Lửa liếm rất nhanh, rần rật cháy bung trong gió Lào cát bỏng.

Tôi "nhớ" làng tôi ngày ấy. Mùa hè. Cát bỏng. Xương rồng trắng. Hoa bông bụt đỏ cứ nở khắp các bờ bụi như lửa đỏ. Mùa nắng, gió Lào vót cong cả những bông cỏ may xơ xác vàng bên bờ sông Ô Lâu. Làng Duân Kinh lúa vẫn lên tốt bời bời một màu xanh tràn đầy sức sống. Con người nơi đây cũng dẻo dai như những loài cây hoang thảo mọc ngút ngàn trên Trằm Trà Lộc. Trong khói lửa chiến tranh dẫu vẫn còn đó những vết đạn găm vào những thân cây cổ thụ vẫn vươn mình tỏa bóng che chở cho những người chiến sĩ hoạt động trong lòng địch. Ở nơi đây, người ta vẫn sống, vẫn bám làng, bám đất. Đám trẻ con vẫn ùm ụp tắm trên sông, dong trâu ra giữa dòng mà cười nắc nẻ. Tưởng rằng sẽ không có gì bình yên hơn thế, ấy vậy mà có ngờ đâu cái thằng bé (anh O Tuyết) khi dong trâu ra giữa dòng lại phải làm bia đỡ đạn cho cuộc thử súng của ngụy quân trong một lần cá cược. Tiếng cười trẻ thơ đó đã không kịp cất lên. Tắt lịm. Sự sống của con người phút chốc bị đánh cắp một cách vô lương như thế. Điều đó để minh chứng cho lòng người ở vùng chiếm đóng này cứ như nước trong nguồn không bao giờ khô cạn dẫu trải qua bao nhiêu binh đao khói lửa vẫn giữ được cái khí tiết kiên cường anh dũng đã ngấm sâu từ đất.

Nội tôi lại trở người. Người già thường không hay ngồi được lâu, nhưng tôi biết, khi chưa kể xong chuyện O tôi thì nội tôi vẫn ngồi ở đấy, lại cũng thở dài: "cũng một buổi chiều như ri, bọn chúng trói O vào cây mít ở một góc sân nhà thờ bỏ hoang rồi chúng cắt vú, xẻo tai, mổ bụng, moi gan... và hất xác O xuống một cái hố đã đào sẵn, chôn đứng, chỉ chừa đầu ngoi lên mặt đất - chúng chôn rứa để răn đe, đứa nào theo Việt Cộng thì đều có kết cục như thế".

Mười chín tuổi vĩnh viễn khép lại cuộc đời của O. Một cái chết thương tâm, đau đớn ám ảnh những người chứng kiến nó. Nhà nội tôi ở cách đó, yên ả khép cửa mà không ai dám ra để đem O về. Mọi người đều sợ nếu manh động ra đưa O về sẽ làm ảnh hưởng đến những đồng chí, đồng đội đang trốn dưới những căn hầm bí mật sẽ bị địch lật tung bắt giữ. Mãi đến hai ngày sau địch rút, di hài O mới được đem về mai táng.

Bà Huê - Lê Thị Huê - người cùng làng với nội tôi, người bị tra tấn cùng với O Tuyết một ngày kể về những giây phút cuối cùng của O lúc ấy: "Tuyết nằm bên mép nước thều thào nói với tôi: em không khai chi hết, nếu sống được, chị nói với mạ em gởi cho em bộ quần áo. Còn nếu chết, thì thôi...". Rứa mà: “tụi lính lôi Tuyết đi khi trời đã về chiều. Lát sau, cả bọn mười tên kéo về, bắt tui cùng quây tròn bên một cái soong nhôm. Một thằng đeo lủng lẳng cái tai trước ngực, một thằng cầm cái mật, một thằng cầm nguyên lá gan xẻ ra làm 11 miếng, rồi đưa lên bắt tui ăn" ăn đi mà biết gan Việt Cộng là như thế nào", tôi rùng mình, mãi hai ngày sau tôi mới biết, đó là miếng gan thứ 11 - miếng gan của Tuyết...

Tôi nghe chuyện O đã rất nhiều lần, nhưng không lần nào là không trào nước mắt. Thương, phục cái chết thương tâm của O đã đành lại căm phẫn đến trào nước mắt khi nghĩ đến cảnh "cây đậu nấu hạt đậu" ấu trĩ của dân mình thuở trước, họ không nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, chiến tranh sẽ kết thúc nhưng vĩnh viễn trong lòng họ sẽ không bao giờ quên đã có những lần nhúng tay vào những vũng chàm đốn mạt và thú tính đến như thế. Rốt cuộc rồi, con người cũng hơn hẳn con thú ở sự thức tỉnh và biết đến thế nào là nỗi buồn căn kiếp của loài người. Họ sẽ mang theo những ánh mắt của người phụ nữ kiên trung đó, nó là một sự ám ảnh, những cái chết dằn vặt cho đến tận lúc chết

Mấy ai phán xét lịch sử, có tòa án binh nào được mở ra để trừng trị những tội ác man rợ đến nhường ấy? Tất cả cũng phôi phai theo thời gian, rồi mọi việc sẽ dần khép cửa nhường chỗ cho những hồi sinh mới. Những đứa trẻ lớn lên sau này nhìn vào bức tượng của O năm mười chín tuổi như nhìn vào một sự vĩ đại không có thực.

Con trai tôi năm tuổi đã được đến Thành Cổ, được chạm tay vào nòng pháo, chạm tay vào những khẩu súng không còn mùi thuốc súng ầm ĩ gọi điện cho tôi: "mẹ ơi! Con đã được đứng bên pháo thật, súng thật...nhưng các chú bộ đội thì giả...". Tôi lặng người. Chiều lênh loang nắng. Tôi những muốn giải thích với con rằng: "đó là những bức tượng họ tái hiện lại cuộc chiến để cho chúng ta hiểu ngày xưa cha ông ta đã chiến đấu ở đó anh dũng như thế nào. Còn người thật, những anh bộ đội "thật" đã vĩnh viễn nằm lại dưới dòng sông Thạch Hãn, dưới những viên gạch lát Thành Cổ mà con đang dẫm lên đấy con ạ" mà không thể thốt lên được bằng lời.

Tôi và con tôi - thế hệ sinh ra và lớn lên sau chiến tranh, chỉ được biết chiến tranh qua sách vở thì làm sao có thể hiểu được, hình dung được sự kiên cường anh dũng của những người "cộng sản nòi" như bà O tôi - anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Thị Tuyết?

                                                               *

Nội tôi vẫn nghiêng đầu xõa tóc. Tóc nội vẫn còn xanh lắm, những lọn tóc mềm gội bằng bồ kết và quả chanh thơm dịu quẩn lấy chân tôi như nước ở sông Hiền Lương năm tôi vào đại học. Tôi đã lội xuống dòng sông với bao nhiêu ý nghĩ bộn bề. Rồi giặt khăn, khoát nước để mặc nước xấp xõa lên tóc cho đỡ cơn nóng nực mà nhớ đến câu thơ ông tôi thường hay ngâm mỗi khi kê đùi làm gối ru tôi ngủ:

Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Hồi đó, tôi nào có biết gì, chỉ thấy mang máng nhớ một dòng sông yên ả trôi trôi trong giọng hò Nam ai của nội, trong tiếng thở dài nhớ quê buốt ruột và trong cả kí ức "vắng mẹ" của mình lẫn lộn khó tả. Tôi chực muốn nhớ thật nhiều, thật nhiều những kí ức vụn vỡ xưa cũ đã thành xám rạp, đen đúa như khi chính tay mình chạm lên những rêu phong cổ kính trên những bức phù điêu đã thành phế tích của Thành Cổ. Cả những vết đạn, những lỗ thủng vĩnh viễn không bao giờ mất đi bởi nó đã in gọn trong mắt tôi từ những ngày thơ bé... khi chạm tay vào những vết sẹo xoe tròn trên chân ông tôi bóng nhẫy.

Cho đến tận bây giờ, dẫu có ước ao đến cả nghìn lần, tôi cũng không đủ can đảm để bơi ra giữa dòng Hiền Lương như Hoàng Phủ Ngọc Tường hay hì hụi đếm có bao nhiêu ván cầu trên cây cầu Hiền Lương như Nguyễn Tuân từng đếm. Nhưng bao lần qua đây, tôi đã không hề ngủ, bó gối mặc cho xe trôi trên cây cầu mới bắc qua sông mà đau đáu nhìn về cây cầu cũ. Tịch lặng trong đêm, cây cầu như một nốt trầm giữa mênh mông trăng trời gió nước và tôi lúc ấy nhỏ bé vô cùng trong cái khoảng không rợn ngợp giữa kí ức và hiện tại... giữa khát vọng hiện thực và những đêm trường tao loạn...

                                                               *

Mãi rồi ba mẹ tôi cũng đồng ý đưa ông bà về lại quê khi nội tôi vừa qua một cơn nguy kịch. Quảng Trị tưng bừng lễ kỉ niệm ba mươi bảy năm ngày giải phóng Miền Nam và bốn mươi năm giải phóng Quảng Trị. Trời ngập nắng, cờ hoa rợp trời. Ông bà tôi khóc nhòe cả mắt khi được gặp lại những người đồng đội cũ. Chúng tôi về lại quê hương. Bốn thế hệ gia đình đứng trước tượng đài O Tuyết. Bà tôi, khóc em. Ông tôi khóc người đồng đội và chúng tôi lặng lẽ nghiêng mình không thốt được nên lời khi nhìn vào bức di ảnh cuối cùng của O - người thiếu nữ trắng trong vĩnh viễn nằm lại dưới mảnh đất quê hương khi vừa tròn mười chín tuổi...

Mùa hè. Mùa nắng lửa. Mùa hoa dủ dẻ nhung nhớ lại bắt đầu như thế... 

 

Trần Quỳnh Nga
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 214 tháng 07/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground