Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vĩnh Kim - viên kim cương đầu giới tuyến

Chúng tôi về vùng đất đỏ Vĩnh Kim nằm bên bờ biển Đông thuộc huyện Vĩnh Linh trước dịp kỷ niệm 46 năm thống nhất đất nước.

Càng đi, càng biết, càng hiểu, lại càng thấy Vĩnh Kim thật sự xứng đáng với hai danh hiệu vẻ vang Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Và người nông dân Vĩnh Kim, Vĩnh Linh “chính là mẫu mực của hình tượng tay cày tay súng” mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã ca ngợi trong bút ký “Mảnh đất huyền thoại của tâm hồn tôi”.

Nhắc tới xã Vĩnh Kim (nay sáp nhập với xã Vĩnh Thạch, gọi là xã Kim Thạch), nhiều người nhớ ngay tới vùng quê “cơm bữa diếp” và sự kiện xã này vinh dự được Bác Hồ tặng một chiếc máy cày. Gốc xuất xứ của câu chuyện “cơm bữa diếp” nghĩa là ba ngày mới được ăn một bữa cơm là ở xã Vĩnh Kim. Hỏi người Vĩnh Kim ăn cơm chưa và nghe trả lời ăn từ bữa diếp là đã ăn cơm từ ngày kia, ngày hôm qua và hôm nay chỉ có khoai sắn trừ bữa. Cuộc sống cơ cực triền miên khoai sắn của vùng đất này đã từng được diễn tả trong câu ca buồn: “Môn khoai năm tháng đỡ đần / Chột môn thay cá, sắn tàu thay cơm”.

Giai đoạn thiếu thốn lương thực rồi cũng mau chóng qua đi. Lịch sử Vĩnh Kim đã bước sang một giai đoạn mới khi hiệp định Genève 1954 được ký kết, hòa bình lập lại ở miền Bắc, và Trung ương Đảng đề ra chủ trương xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Có đường lối mới trong tay, xã Vĩnh Kim cứ thế mà quyết liệt vào cuộc. 12 hợp tác xã sơ cấp của Vĩnh Kim hợp nhất lại thành một hợp tác xã cao cấp đầu tiên của miền Bắc lúc bấy giờ.

Hợp tác xã cao cấp Vĩnh Kim tiến hành hoá giá ruộng đất, nông cụ, trâu bò trên cơ sở xã viên tự nguyện để tổ chức làm ăn tập thể. Tuy đất ruộng cằn cỗi thiếu nước, người nông dân vẫn tích cực cày cấy, làm thủy lợi. Chẳng bao lâu sau cái thuở đói cơm thiếu sắn, người dân Vĩnh Kim sát cánh cùng nhau làm nên năng suất 5 tấn thóc một héc-ta - một kỳ tích của thời đại. Chính nhờ thế mà “tên tuổi” Vĩnh Kim ra đến tận Hà Nội. Tại hội nghị lần thứ 16 tháng 4 năm 1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chọn Vĩnh Kim làm báo cáo điển hình cho cả nước về kinh nghiệm tổ chức xây dựng hợp tác xã.

Nghe tin Vĩnh Kim là lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hóa của nông thôn miền Bắc, Bác Hồ vui mừng, xúc động. Người tặng xã Vĩnh Kim chiếc máy cày Zetor-25K mà một hợp tác xã ở Tiệp Khắc tặng Bác, đã được ông đại sứ Tiệp Khắc cùng phu nhân mang vào trao tận tay bà con Vĩnh Kim. Tặng máy cày cho Vĩnh Kim, Bác nhắn nhủ Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim nói riêng, Đặc khu Vĩnh Linh nói chung, hãy ra sức thi đua lao động sản xuất, khai phá thật nhiều đất hoang, cấy nhiều lúa, trồng nhiều hoa màu để xây dựng Vĩnh Kim, xây dựng Vĩnh Linh giàu mạnh. Có giàu mạnh thì mới đứng vững trên địa đầu giới tuyến, xứng đáng là lũy thép kiên cường, là tiền đồn vững chắc của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Ngày ấy, chiếc máy cày Zetor-25K uy nghi với bánh lồng chạy được trên cánh đồng lớn xuất hiện ở vùng phi quân sự Vĩnh Linh là sự kiện đặc biệt, làm nức lòng nhân dân hai bờ giới tuyến. Nhờ có máy cày, hàng trăm héc-ta đất hoang hóa đã được vỡ hoang, đưa vào sản xuất. Không chỉ cày ở địa bàn Vĩnh Kim và khắp khu vực Vĩnh Linh, chiếc Zetor-25K còn được sử dụng chở hàng vạn tấn vật tư phân bón giống cây trồng ra đồng ruộng, và phục vụ chở đạn, kéo pháo ra trận địa chống chiến tranh phá hoại. Vào mỗi mùa xuân, Zetor-25K được treo băng rôn đỏ rực, cắm cờ Tổ quốc tung bay phần phật chở thanh niên của xã lên thị trấn Hồ Xá nhập ngũ... Qua những năm 80 sau khi đất nước thống nhất, chiếc Zetor-25K màu đỏ ngày đêm lại bươn bả đồng trên ruộng dưới, cày xới đất đai còn lổn nhổn mảnh bom đạn, mở ra những vườn đất đỏ xanh mướt chè, tiêu, mít cùng với những vùng đồi cao su rộng dài.

Chiếc máy cày Zetor-25K Bác Hồ tặng năm 1959 đang được trưng bày tại Nhà truyền thống Vĩnh Kim - Ảnh: H.N

Chiếc máy cày Zetor-25K Bác Hồ tặng năm 1959 đang được trưng bày tại Nhà truyền thống Vĩnh Kim - Ảnh: H.N

Chúng tôi đến thăm Nhà truyền thống Vĩnh Kim, nơi trưng bày chiếc máy cày Bác Hồ tặng. Anh Nguyễn Đức Điền, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự, sau khi đại tu lần thứ ba vào năm 2005, bà con bày tỏ nguyện vọng rằng chiếc máy cày sau mấy chục năm tận mực làm việc đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, giờ nên bảo quản, cất giữ nó với tư cách là một hiện vật lịch sử để giáo dục truyền thống thế hệ mai sau. Ngày 19/5/2005, kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Bác, chiếc Zetor-25K sau khi cày xong đường cày cuối cùng, được nhân dân lau chùi sạch sẽ sơn mới, lăn bánh vào Nhà truyền thống Vĩnh Kim.

Ngồi với các anh chị ủy ban xã kể lại chuyện xưa, ai cũng khẳng định Vĩnh Kim được Bác Hồ tặng chiếc máy cày là niềm vinh dự lớn lao, cũng là nguồn lực vật chất và tinh thần vô cùng to lớn cổ vũ nhân dân Vĩnh Kim trong những năm tháng mưa bom bão đạn vẫn kiên cường, vừa chiến đấu, vừa sản xuất giỏi, trở thành “viên kim cương đầu giới tuyến”. Giờ thì truyền thống quê hương cách mạng và tinh thần của con người vùng đất “lũy thép” đang được phát huy mạnh mẽ trên bước đường đưa Vĩnh Kim đi tới giàu đẹp.

Chúng tôi được nghe các anh chị cán bộ xã cho biết, Vĩnh Kim là một trong ba xã đầu tiên ở Quảng Trị về đích thực hiện đề án quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014. Không thỏa mãn với kết quả đó, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim lại bắt tay vào việc xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Chỉ năm năm sau, năm 2019, xã Vĩnh Kim long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ tặng chiếc máy cày và đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới kiểu mẫu sớm nhất tỉnh Quảng Trị. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu thời kỳ phát triển mới của Vĩnh Kim theo hướng đô thị hóa nông thôn, xứng với truyền thống lịch sử và những tiềm năng của vùng đất. Bí thư Nguyễn Đức Điền nói rằng, để có được thành quả ấy, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Kim phải trải qua bao trăn trở, phải có những quyết sách phù hợp với thực tế của địa phương và được dân đồng tình hưởng ứng mới thành công trọn vẹn.

Anh Điền Bí thư đưa chúng tôi đi thăm một vòng Vĩnh Kim. Đi về các nẻo đường xóm làng của Vĩnh Kim thấy rất nhiều những điều bất ngờ, những ấn tượng tốt đẹp phải nói tới. Đường liên xã nối Vĩnh Kim lên thị trấn Hồ Xá rộng hai làn xe ô tô chạy, nhựa láng bóng, chạy xe còn thích hơn trên quốc lộ. Cả những con đường liên thôn, liên xóm đã bê tông hóa đến tận ngõ và chợt thấy rằng cái thuật ngữ “công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn” chính là những hình ảnh như thế này đây. Ngoài đường sá ra, một vẻ đẹp nữa của Vĩnh Kim, theo tôi là những ngôi nhà vườn. Có thể thấy, hầu hết nhà cửa ở đây đều được xây cất giữa những khu vườn vuông vức rộng rãi trồng những cây trái đặc sản của Vĩnh Linh. Phải thừa nhận một điều, cả một bờ biển Quảng Trị và có lẽ khắp nơi trên dải đất chữ S hiếm nơi đâu có được những khu vườn xanh biếc trên nền đất bazan nằm sát bờ biển như ở đây.

Đường vào xã nông thôn mới kiểu mẫu Vĩnh Kim, mặt đường láng nhựa rộng rãi - Ảnh: H.N

Đường vào xã nông thôn mới kiểu mẫu Vĩnh Kim, mặt đường láng nhựa rộng rãi - Ảnh: H.N

Người dân Vĩnh Kim gọi vùng quê mình là vùng bán sơn địa. Bởi thiên nhiên đã ban tặng cho nơi này một địa hình hết sức lý thú. Rừng nguyên sinh Rú Lịnh được mệnh danh là “lá phổi xanh” của huyện Vĩnh Linh che chắn Vĩnh Kim từ hai phía tây, nam. Địa hình Vĩnh Kim thoải dần ra biển, dọc bờ biển có triền đất đỏ cao có nơi là 15 mét làm nên bức tường thành hình cánh cung và trên triền đất đỏ vạm vỡ đấy lại có cánh rừng nguyên sinh Rú Bàu như cánh tay khổng lồ vươn dài che chắn Vĩnh Kim từ phía biển Đông. Thêm nữa, Quảng Trị suốt mấy chục kilômét bờ biển chỉ có miệt Cửa Tùng - Vĩnh Kim này là đất bazan đỏ, còn ở đâu cũng là cát trắng. Vậy mới nói, Vĩnh Kim được thiên nhiên ban cho một địa hình hết sức lý thú. Khi vừa thừa hưởng biển, vừa thừa hưởng rừng và thừa hưởng nguồn đất đỏ bazan màu mỡ, nên dù là vùng đồng bằng ven biển, cảnh vật nơi đây đẹp như miền trung du thực thụ. Giữa mùa nắng nóng mà cây trái mướt xanh, không gian thoáng đãng, trong lành, mát mẻ.

Với địa hình cấu tạo như thế, Vĩnh Kim dù là đồng bằng nhưng tìm một vùng đất bằng cấy được cây lúa nước thật không dễ dàng gì. Cả xã hiện nay chỉ có hơn năm chục héc-ta ruộng choi khe, không đủ gạo ăn cho hơn ba ngàn dân. Nhưng thiếu đất trồng cây lúa nước thì trời bù cho Vĩnh Kim nguồn đất đỏ bazan rộng lớn màu mỡ vào bậc nhất tỉnh Quảng Trị, rất thích hợp cho cây công nghiệp và các loại cây ăn quả, rau màu.

Theo lời kể của anh Nguyễn Đức Điền lần đoàn cán bộ Khu vực Vĩnh Linh ra Hà Nội họp tháng 4 năm 1959, ông Phan Văn Toàn - Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Kim đi theo đoàn vinh dự được gặp Bác Hồ, được báo cáo với Bác và Trung ương Đảng kinh nghiệm của Vĩnh Kim trong tổ chức làm ăn hợp tác xã. Lần đó, Bác cho mời ông Phan Văn Toàn ra hỏi han cụ thể tình hình đời sống, chiến đấu của nhân dân xã Vĩnh Kim. Dù Bác chưa vào thăm Khu vực Vĩnh Linh được nhưng Bác thấu hiểu tường tận những khó khăn, vất vả của người dân vùng đất giới tuyến. Người đã ân cần căn dặn Bí thư Toàn một điều: “Vĩnh Kim phải tích cực trồng màu vì đất nhiều ruộng ít, lúa ít phải có màu, hai chân đó cho thật vững vàng”. Bác còn khuyên bảo: “Nhưng mọi việc phải dân chủ, bàn bạc với dân để phát động dân cùng làm. Đừng làm một mình mà thiếu sự ủng hộ của quần chúng”.

Ghi lòng tạc dạ lời Bác dặn, hơn nửa thế kỷ qua trăn trở, thể nghiệm nhiều cây trồng, có thất bại và có thành công, Vĩnh Kim đã khẳng định cho mình một hướng đi bền vững. Đã có hàng trăm héc-ta đất đỏ ngày xưa độc canh sắn khoai được giải phóng để đưa vào khai thác mở ra đồi cao su, vườn hồ tiêu, vườn chè. Bây giờ, hàng năm, người nông dân Vĩnh Kim không chỉ trông vào hạt lúa. Họ cần cù, chịu thương chịu khó, chăm chỉ trồng xen các loại cây cùng tiêu như ném, môn, rau màu các loại, với phương châm trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích, thâm canh tăng năng suất, không cho đất nghỉ. Nhờ thế mà nông dân Vĩnh Kim thu hoạch từ sản xuất nông nghiệp quanh năm. Từ chỗ mỗi nhà trồng vài gốc hồ tiêu, hiện nay Vĩnh Kim có khoảng 150 héc-ta tiêu, nhiều nhất huyện Vĩnh Linh. Cây cao su vốn được xem như “vàng trắng” trên đất đỏ khoảng 250 héc-ta. Diện tích này vẫn còn nhỏ so với một số nơi, nhưng những đồi cao su ở đây thực sự đã giúp nhiều hộ dân vươn lên khá giả. Gần đây, người nông dân lo việc mở rộng thêm diện tích trồng cao su sẽ kéo theo nguy cơ thiệt hại nặng vì cao su dễ gãy đổ vào mùa mưa bão nên kìm lại, song dưới con mắt của những người am hiểu thổ nhưỡng thì nên khuyến khích việc phát triển diện tích. Vĩnh Kim cũng là địa phương đi đầu huyện Vĩnh Linh về trồng lạc, trồng ném, trồng môn đặc sản, nuôi bò nhốt… hơn chục năm qua mang lại thu nhập rất cao mà nhiều địa phương tìm đến học tập.

Ở Vĩnh Kim, chúng tôi có đến thăm các mô hình trồng tiêu của Hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh. Nguyễn Tấn Minh - Phó giám đốc hợp tác xã dẫn chúng tôi ghé thăm một vườn tiêu canh tác hữu cơ vào giữa trưa, đúng lúc hệ thống tưới nhỏ giọt bắt đầu hoạt động. Từ các ống nhựa trải dọc theo những cây tiêu, nước từ các lỗ nhỏ dọc ống phun ra bốn phía hắt lên trên thấm ướt đẫm gốc và vùng đất xung quanh gốc. Anh Minh cho biết, hệ thống tưới tiêu ở vườn này được tự động hóa, nước và phân bón được chuyển vào cây bằng hình thức tưới nhỏ giọt của Israel. Đây chỉ là một trong mấy chục vườn hồ tiêu áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt ở Vĩnh Kim, cho năng suất cao gấp rưỡi lối canh tác truyền thống và được kỳ vọng sẽ tăng lên cao hơn những mùa tới. Hợp tác xã còn đầu tư cả nhà kho, hệ thống máy chế biến hồ tiêu thành sản phẩm và đóng gói mẫu mã đẹp mắt đưa ra thị trường. Trong tương lai, vùng trồng hồ tiêu Vĩnh Kim sẽ được chuyên canh theo hướng hữu cơ bền vững, có sự đầu tư về công nghệ hướng đến phân khúc nông sản giá trị cao trong nước cũng như xuất khẩu quốc tế.

thu hoạch hồ tiêu - Ảnh: H.N

thu hoạch hồ tiêu - Ảnh: H.N

Chúng tôi đã đến nhiều địa phương trồng tiêu ở Quảng Trị, nhưng có thể nói chưa nơi nào được quy hoạch bài bản, có tính toán đến yếu tố bền vững như ở vùng tiêu Vĩnh Kim này. Hồ tiêu được trồng trên đất Vĩnh Kim đang tự khẳng định giá trị của mình vì sự thơm ngon. Đúng hai năm trước, sản phẩm hồ tiêu Vĩnh Linh được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện tại có 3 héc-ta hồ tiêu hữu cơ trồng trên đất Vĩnh Kim đã vượt qua khâu kiểm tra khắt khe về dịch hại lẫn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, đủ điều kiện xuất khẩu. Vào mùa thu hoạch tháng sáu này, những hạt tiêu thơm ngon nồng cay tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế đầu tiên sẽ lên máy bay vượt vùng đất đỏ đưa hồ tiêu Vĩnh Kim đến tận tay người tiêu dùng châu Âu. Khi đã xuất khẩu được vào châu Âu thì coi như một tấm vé thông hành cho hồ tiêu Vĩnh Kim mở rộng ra các thị trường khác. Bây giờ thì cây hồ tiêu đang được xác định là chủ lực vùng này. Và chúng tôi tin rằng những chiến lược làm giàu trên vùng đất đỏ Vĩnh Kim, không thể không có sự góp mặt của cây tiêu, thứ “vàng đen” vốn đã gần gũi quen thuộc với đất này. Khả năng diện tích trồng tiêu sẽ còn mở rộng hơn nữa vào những năm tới.

Một nông sản khác của Vĩnh Kim cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận thương hiệu, đó là ném. Cây ném là một trong những loại cây hoa màu gắn bó lâu đời với vùng đất này. Gần đây nhiều người dân đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, tận dụng đất trống hoặc chuyển đổi các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang trồng ném thương phẩm. Hợp đất, khí hậu nên cây cho nhiều lá, lắm củ. Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Kim tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, thu mua ném của các hộ thành viên, sản phẩm chủ lực chính là ném củ với đầu ra khá hứa hẹn. Ngoài ra còn các loại đầu tư rẻ và người dân ở đây đã quen trồng bấy lâu như lạc, môn, ngô và trồng cây cỏ dành chăn nuôi đã tăng thêm nguồn thu đáng kể cho một bộ phận dân cư.

Lội giữa những vườn tiêu, cao su, bàn chân sủi vào lớp đất bazan tơi xốp mịn màng, tự dưng nhuốm cho tôi niềm cảm mến với vùng đất này. Tìm hiểu quá khứ và hiện tại của Vĩnh Kim, chợt nhận thấy động lực giúp Vĩnh Kim phát triển nhanh trở thành nông thôn mới kiểu mẫu là truyền thống quê hương Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và bản lĩnh của người dân vùng đất lũy thép. Tôi mang ý nghĩ này nói với Bí thư Điền, anh tán thành nhận xét đó rồi nói thêm rằng, người Vĩnh Kim đã và đang phát huy truyền thống cách mạng, với tính cần cù, sáng tạo, giàu khát vọng, khai thác tiềm năng thế mạnh, biết nắm bắt cơ hội, áp dụng khoa học công nghệ biến tiềm năng thành hiện thực, phấn đấu thực hiện trọn vẹn lời căn dặn “Vĩnh Kim phải tích cực trồng màu vì đất nhiều ruộng ít” của Bác Hồ.

Lang thang Vĩnh Kim một ngày, thả lỏng tầm nhìn ra bất kỳ hướng nào chúng tôi cũng thấy màu xanh ngập tràn, tươi rói và ấm no. Chỉ có cây của bazan mới lên được gam xanh bạt ngàn trù phú này. Và câu chuyện cổ tích về màu xanh này, được bắt đầu từ một chiếc máy cày và những lời căn dặn chan chứa tin yêu của Bác...

HẠNH NGUYÊN

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground