Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vĩnh Linh - những gam màu nào cho hôm nay?

Vĩnh Linh, cái địa danh có lẽ không còn xa lạ gì đối với bạn bè cả nước, thậm chí là với cả thế giới, đặc biệt là thế hệ lớn tuổi, thế hệ đồng thời với một Vĩnh Linh tuyến lửa. Cái sự quen có cái lợi của nó, như thể khi ai đó nhắc cho ta tên một người bạn tri kỷ, ta liền kêu lên, a nhớ rồi, nhớ lắm, giờ nó sống ra sao, chao ôi ước chi được gặp lại. Cơ mà, cái cảm xúc ấy chưa hẳn là duy nhất. Có thể có thêm cái cảm giác thế này, biết rồi, khổ lắm, nói mãi. Một thời, phải nói rằng quá dài, thậm chí cho tới tận hôm nay, nói tới Vĩnh Linh người ta mặc nhiên ghép cái địa danh này với những tính từ có ba màu chủ yếu là đỏ, đen và trắng. Đỏ là màu của lửa và đất bazan, đỏ còn có ý văn học là máu. Đen là màu của sắt, thép, mảnh bom và khói bụi, tro tàn. Trắng, theo nghĩa đen là cát, nghĩa bóng để chỉ những vùng quê bị hủy diệt hoàn toàn trong cuộc chiến tranh phá hoại. Bởi thế nên Vĩnh Linh đã mặc định thành những cái tên: Đất lửa, Lũy thép. Có nhà thơ lớn thi vị hóa lên thành đất kim cương. Một nhạc sĩ địa phương từng viết: quê em đất đỏ, lòng vàng. Một nữ thi sĩ tận Hà Nội vào đây lại thốt lên: Ôi, vùng quê của gió lào cát trắng… Những định danh đó có xúc động không? Rất xúc động. Có đáng tự hào không? Quá đỗi tự hào. Và chúng ta cần để cho con cháu đừng bao giờ phai nhạt hay lãng quên có một thời Vĩnh Linh như thế.

Cơ mà, có một thực tế, Vĩnh Linh không phải hoàn toàn chỉ có những gam màu nóng ấy. Rồi nữa, những cái gam màu đỏ đen trắng đó có vẻ chỉ cần cho những tháng năm mà con người nơi đây từng giây từng phút phải giành giật sự sống với cái chết, cần kiên gan trụ vững dưới vạn vạn trái bom hủy diệt. Còn giờ đây, khi Vĩnh Linh đang náo nức đi lên cùng bạn bè trong tỉnh và cả nước, đang muốn ca vang bài ca đổi mới và hội nhập, đặc biệt khi mà cả nước đang hướng đến việc phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì gam màu nào mới là “logo” cho thương hiệu Vĩnh Linh? Và những gam màu không phải đỏ đen trắng ấy sự thật có hiện diện ở đất này không? Nó có đủ sức tạo nên tiềm lực cho Vĩnh Linh phát triển kinh tế du lịch không? Xin thưa là có, không những có mà theo cá nhân tôi là hết sức phong phú, hết sức mỡ màu và vô cùng quyến rũ. Đấy là một Vĩnh Linh biển biếc, sông xanh, bàu trong, và rú thẫm.

 

Trước hết hãy nói về biển

Một thời rất dài, khi nhắc tới biển Vĩnh Linh hầu như ai cũng chỉ biết và chỉ nói tới Cửa Tùng. Người ta cứ nhắc đi nhắc lại cái câu nói có vẻ ngẫu hứng của một người Pháp rằng, bãi tắm Cửa Tùng là Nữ hoàng của những bãi biển. Tới khi cái sắc phục và thân thể của “Nữ hoàng” ấy có phần bị xác xơ do thiên tai và cả nhân tai, thì hết thảy đều thất vọng, chán nản, có người còn kêu lên, biển Vĩnh Linh thế là hết!. Phải thừa nhận một điều, bãi tắm Cửa Tùng là một bãi tắm rất đẹp, quá đẹp, bởi địa thế trên bờ và dưới thềm cát nơi mép biển. Rất hiếm nơi, trên bờ một bãi tắm lại có bờ đất cao như một tường thành hình cánh cung, lại như một tấm ngực lớn uốn lượn và ôm chặt lấy bờ cát. Và trên cái ngực đất đỏ vạm vỡ đấy là những hàng dương xanh vi vút suốt bốn mùa. Bãi tắm Cửa Việt có được bờ thành dựng đứng vậy không? Không. Bãi tắm Lăng Cô có không? Cũng không. Cả Đồ Sơn, Cửa Lò cũng không. Còn dưới bãi tắm thì cát rất trắng và mịn, thềm cát chạy dài ra rất xa, có cảm giác cứ thế đi mãi, đi mãi ra tận ngoài khơi mà không bị ngập. Thế mà không hiểu vì can cớ gì, người ta lại tàn phá nó. Trên bờ thì ngập ngụa những nhà hàng, những lô nền cắm mốc ken dày chật cứng hết mặt đất. Dưới bãi thì cát đổi màu, cái thềm thoai thoải mất đi thay vào đó là những mép bờ sâu hoắm, sóng đập vào gần sát bờ đất. Hiện trạng như thế làm sao bảo người ta không kêu to lên được.

 

Bàn về câu chuyện thất bại trong quy hoạch bãi tắm Cửa Tùng, có bài báo đã lên án “con mắt thiển cận” của những người có trách nhiệm. Tuy nhiên trong khi chúng ta phê phán con mắt thiển cận - tức nhìn gần, thử hỏi có ai trong chúng ta tự nhận thấy con mắt mình cũng “nhìn hẹp”? Nói nhìn hẹp là vì chỉ nhìn bãi tắm Cửa Tùng gói gọn trong cái eo cửa nhỏ nhoi khum khum hình cánh cung ở ngay cửa sông, mà không nhìn rộng thêm ra, không nhìn thấy cái tên Cửa Tùng bao hàm cả một bờ biển dài kéo qua nhiều mũi đá, từ Mũi Hàu, ra Mũi Si, tới Mũi Chắt (còn gọi là Mũi Chạch), Mũi Lò Vôi, Mũi Bang, và Mũi Lài (có người gọi là Mũi Lay)… Mỗi mũi đá chờm ra ngoài biển đều tạo nên một eo vịnh và một thắng cảnh đẹp. Những gì tạo nên cho Cửa Tùng trở thành nữ hoàng thì ở những “mũi” kia cũng có. Cũng có triền đất đỏ cao trên dưới 30 mét làm nên bức tường thành uy nghi ôm lấy bờ cát. Cũng có thềm cát trắng, mịn và thoai thoải trườn ra xa… Thế rồi, một nhà đầu tư lớn đã đến. Một dự án có tên: Khu đô thị sinh thái biển AE Resort Cửa Tùng với tổng vốn đầu từ khoảng 1.700 tỷ đồng kéo từ Mũi Si ra Mũi Chắt (mũi Chạch) được khởi công. Theo nội dung của dự án đã được phê duyệt thì ở cái “Khu đô thị biển này sẽ có 4 phân khu gồm: khu biệt thự nghỉ dưỡng; khu shophouse; khu condotel; khu tiện ích bờ biển. Quy mô các hạng mục chính gồm: Khu biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng với 280 căn; hai khách sạn 4 sao với 200 phòng, kết hợp trung tâm hội nghị tiệc cưới; Shophouse phục vụ lễ hội ẩm thực với 50 căn. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng các sân chơi bóng đá, sân tennis, Beachclub, khu vui chơi và thể thao bãi biển v.v…” (dẫn từ một bài báo trên mạng).

Tôi xin dừng lại một chút để nói thêm về mấy cái “Mũi”. Trước tiên là Mũi Si.

Đã có nhiều nhà báo say mê khi tả lại vẻ đẹp khó cưỡng của Mũi Si. Xin dẫn nguyên văn một đoạn: “Mũi Si là dải đất bằng phẳng khá rộng nhô ra biển, tọa lạc đoạn giữa cung đường chạy ven biển từ “nữ hoàng bãi tắm” Cửa Tùng ra địa đạo Vịnh Mốc… Đặc trưng nơi đây là những rặng phi lao cao vút trên dải đất hình tam giác nhô ra cao hơn mặt biển chừng 30m, dưới chân Mũi Si là bãi biển hoang sơ cùng bãi đá tuyệt đẹp… Mũi Si đang trở thành địa điểm được nhiều gia đình, du khách chọn là nơi “trốn nắng, tránh nóng” trong những ngày hè nắng “như đổ lửa”. Có lẽ như thế đã phần nào giúp những người chưa đến đây hình dung được rồi, tôi không cần chua thêm nữa. Tôi dành nhiều dòng hơn một chút để nói về Mũi Trèo.

 

Lục trên mạng cũng thấy có vài clip quay cảnh đẹp của cái mũi đất thuộc xã Vĩnh Kim này. Tuy nhiên, những người quảng bá cho nó lại vẫn bị mắc cái bệnh “nhìn hẹp”. Họ chỉ thấy và chỉ cố miêu tả cái bờ đất dựng đứng, nhiều chỗ cheo leo đến ngợp mắt, rồi thì mặt nước xanh trong ngăn ngắt ngỡ như có thể uống được. Kể ra như thế cũng đã hấp dẫn. Nhưng theo tôi, cái đặc biệt nhất ở Mũi Trèo không hoàn toàn là bãi biển mà chính là vùng rừng phía trên bờ có tên là Rú Bàu. Thử hỏi, tất cả các bãi tắm đẹp ở Việt Nam có nơi đâu rừng tràn ra tận bãi tắm? Mà là rừng nguyên sinh hẳn hoi chứ không phải chỉ là những bãi phi lao. Trên suốt chiều dài bờ biển Việt Nam, những chỗ rừng tiến sát biển chỉ là nơi có các con đèo, ở đó có thể nói là núi cao vực sâu. Những chỗ đó không thể hoặc rất khó để trở thành bãi tắm. Còn ở Mũi Trèo, cả một vùng rừng rộng lớn, bằng phẳng, khi chui sâu vào bên trong chúng ta sửng sốt nhận ra đấy là một kiểu rừng cổ tích, cây cối đan chéo dọc ngang, vừa thâm nghiêm vừa hấp dẫn. Nếu đầu tư dịch vụ du lịch ở Mũi Trèo thì rõ ràng không đơn thuần là tắm biển, mà phải gọi đúng tên là du lịch sinh thái rừng, picnic và tắm biển. Có ở đâu kết hợp được thế không? Chưa hết, ra hết vùng rừng không phải là bãi cát mà là một thảm cỏ rộng, cũng rất bằng phẳng như mặt sân bóng đá, cỏ mịn và chịu đựng được những mùa nắng nóng, không khô cháy. Hết thảm cỏ là bờ thành dựng đứng để nhìn thẳng xuống biển. Hầu hết các bãi tắm hiện nay, du khách muốn xuống biển phải vượt qua một quãng đường vài ba trăm mét toàn cát. Đi đứng rất nặng nhọc, khổ sở. Tắm xong, cái sự khoan khoái sẽ mất đi rất nhiều vì lại phải hì hục, mệt nhọc trở lại đoạn đường đất cát lún chân ấy để lên bờ. Còn ở Mũi Trèo, cứ hình dung thế này. Suốt cả ngày nắng nóng, bạn cứ trải chiếu hoặc mắc võng đung đưa trong rừng, có thể thiu thiu ngủ một giấc… Sau đó, mọi người túm tụm lại với nhau, ăn uống theo kiểu picnic… Cuối cùng là xuống biển ngụp lặn. Khi màn đêm buông xuống, trên thảm cỏ mịn màng kia, ai đó đã đặt sẵn cho bạn những chiếc bàn đá. Bạn cùng những người bạn khác ngồi nhâm nhi chén rượu hoặc trà, ngửa mặt nhìn trăng, đếm sao, đưa mắt nhìn ra biển khơi thăm thẳm nơi có những dãy đèn đánh cá nhấp nháy như cõi thần tiên rồi khe khẽ cất lên tiếng hát với chiếc đàn guitar: “Nhổ neo ra khơi, anh biết rằng nếu ở cuối trời, dù có những hòn đảo thần tiên đầy châu báu. Hay có người thiếu nữ với đôi môi, hồng như san hô vẫn không thể làm anh xa được em yêu…”. Thử hỏi có địa thế bãi biển nào được như thế không? Đấy là những gì tôi nhìn thấy, cảm nhận được trong chuyến đi khảo sát Mũi Trèo. Khi về tôi đã trao đổi với lãnh đạo Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, rồi có viết thêm đôi dòng trên mạng với sự khát khao mong có nhà đầu tư nào đó nhận ra được ưu thế rất đặc biệt này. May mắn làm sao, trong năm 2019 này, nghe nói đã có nhà đầu tư nhảy vào. Đấy là Tập đoàn Pacific Healthcare xin đầu tư tại đây một dự án lớn ước chừng lên tới 3.500 tỷ. Điều mừng hơn là trong phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh, tên gọi điểm du lịch này là Du lịch Mũi Trèo - Rú Bàu. Như vậy, địa vị của rừng ở đây được đặt ngang với biển. Có lẽ duy nhất cả nước mới có một bãi tắm được mang danh cả rừng và biển như vậy. Điều mong mỏi của tôi là, nhà đầu tư đừng quên những người dân Vĩnh Kim, những con người cần cù, mộc mạc nhưng lại có con mắt nhìn xa vời vợi và tầm văn hóa rất cao. Họ đã tự mình đứng ra canh giữ cho Rú Bàu nguyên vẹn dù phải trải qua bao khói lửa hủy diệt của chiến tranh, lại trải qua mấy chục năm vật lộn, bươn chải mưu sinh, nhưng Rú Bàu vẫn vẹn nguyên dáng cổ tích. Rồi đây, dự án hoàn thành, khai thác, mang lại những giá trị kinh tế cao, xin đừng quên họ. Họ mới là những ông chủ cần được trả phúc lợi cao nhất.

 

Cuối cùng, nói thêm mấy lời nữa về bờ biển Vĩnh Thái. Rất vui vì bà con mình ở đó đã sớm nhận ra sức hấp dẫn của bờ biển quê nhà nên tự tổ chức, tự mở dịch vụ nhà hàng và tắm biển. Thực tế mấy năm qua, bãi tắm Vĩnh Thái cũng đã thu hút được một lượng du khách khá lớn. Cái “Made in Bãi tắm Vĩnh Thái” đã có. Không có lí gì không có sự vào cuộc rốt ráo hơn của cấp huyện, cấp tỉnh để biển Vĩnh Thái cũng trở thành một địa chỉ thu hút nhiều du khách hơn nữa.

Như vậy là, từ Cửa Tùng ra Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim rồi Vĩnh Thái, tất cả các xã ven biển của Vĩnh Linh đều đã nhận ra màu xanh biếc đầy sức quyến rũ của biển quê hương. Chúng ta bước đầu đã khởi động, đã làm và đã thấy hiệu quả. Bạn bè muôn nơi, ở một chừng mực nào đó cũng đã biết đến. Đấy chính là tiềm năng rất to lớn, bền vững lâu dài của mảnh đất vốn chỉ biết đến màu của khói lửa và cát trắng này.

Rừng và Rú

Theo các loại từ điển hiện có thì rừng rú là từ kép có nghĩa chung là rừng. Từ kép, nhưng khi gọi riêng ra từng từ thì vẫn đầy đủ nghĩa để chỉ về rừng. Dân quê mình nói lên trên rừng chặt gỗ cũng được, mà nói lên côi rú kiếm củi cũng hiểu như thế. Đất Vĩnh Linh thủa trước - là kể từ kháng chiến chống Pháp về trước - hầu hết diện tích cả huyện đều được phủ bởi rú rậm. Các thôn làng hình thành ở xen lẫn với rú. Bởi thế mới có câu ca dao: “Anh về Vĩnh Tú mần chi / Ruộng nương thì ít, rú ri thì nhiều”. Trải qua những cuộc binh lửa tàn khốc, lại thêm con người ngày một đông đúc, cuộc mưu sinh của họ càng ngày càng khốc liệt nên rừng rú dần dần bị thu hẹp. Rất may là chưa bị mất hết. Xã Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền còn Rú Lịnh. Xã Vĩnh Kim có Rú Bàu, Rú Đưng. Hồ Xá, Vĩnh Tú, Vĩnh Chấp, Vĩnh Long có chung một vùng rú rợp những cây Trâm bầu mà xưa kia gọi là Truông nhà Hồ. Rừng rú, ngoài cái giá trị mang tính toàn cầu là điều tiết khí hậu và lưu trữ nguồn nước thì nó đã mang lại cho con người những lợi ích thiết thực theo từng giai đoạn. Thủa kháng chiến, rừng rú là nơi lập chiến khu, “che bộ đội, vây quân thù”. Hòa bình, rừng là nguồn lợi lâm sản cho ta gỗ, củi, mây tre. Tuy nhiên, những cái lợi nói trên lúc nào tự nó cũng mang theo cái hại. Làm căn cứ kháng chiến thì dẫn đến việc bị bom đạn kẻ thù thiêu hủy. Khai thác nguồn lợi lâm sản dẫn đến cạn kiệt rừng. May sao ngày nay, con người bỗng nhận ra, rừng rú có thể cho ta một nguồn lợi to lớn mà nếu biết cách làm sẽ không hề có tác động tiêu cực. Đấy là phát triển loại hình du lịch sinh thái. Đặc biệt ở một vùng đất nắng nóng gay gắt như Vĩnh Linh, Quảng Trị thì bóng râm và hơi mát là hai điều kiện tối quan trọng để du khách có được cảm giác dễ chịu và hưng phấn. Cây xanh nói riêng, rừng rú nói chung là một trong hai yếu tố hàng đầu khi nghĩ đến việc xây dựng một sản phẩm du lịch.

 

Tôi được biết, huyện Vĩnh Linh đã có những khởi động ban đầu rất đúng hướng. Rú Lịnh nghe nói đã có doanh nghiệp tương đối có tiềm lực xin được đầu tư. Rú Bàu cùng với bãi tắm Mũi Trèo thì đã nói ở trên. Cạnh Rú Bàu là Rú Đưng, cũng có một người dân mở một cơ sở dịch vụ ăn uống… Mừng vì thấy xuất hiện những tư duy nhanh nhạy của người dân. Tuy nhiên, hình như các cấp chính quyền vẫn chưa có những quan tâm đúng mức, tư duy bài bản, chưa thấy hết tiềm năng của những khoảng rú rậm quý báu ấy nên chưa đặt ra được những “đề bài” hấp dẫn để quy hoạch và thu hút các nhà đầu tư. Thêm nữa, có một vùng rú rất đẹp, có nhiều trầm tích văn hóa và lịch sử nhưng hiện tại hình như đang không được ai chú ý. Đấy chính là Truông nhà Hồ, một địa chỉ mà thời trước rất nổi tiếng vì những hoạt động của một băng cướp. Mỗi lần nghe lại câu ca dao: “Thương anh em cũng muốn vô / Sợ Truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang” tôi thường mơ hồ hình dung ra cái không gian hoang sơ thời Châu Ma Linh xa xưa ấy. Rồi nữa, cái câu hát ru: Chim bay về núi túi rồi / Anh không lo liệu còn ngồi chi đây” tương truyền là khẩu lệnh hành động của kẻ canh gác ở đầu truông, khi phát hiện thấy có “mồi” liền hò lên như thế để báo cho đồng bọn chuẩn bị hành động?.

 

Có cách gì đó để cái vùng rừng Trâm bầu ở dốc 6 độ ấy thu hút du khách về để cũng được mơ hồ hình dung lại không gian xưa như tôi không?

Sông, suối và hồ, bàu

Ở trên tôi đã nói, bóng râm và hơi mát là hai thứ cốt tử để yên lòng du khách khi đến với mảnh đất đầy nắng gió này. Bóng râm là nhờ cây của rừng rú. Còn hơi mát thì nhất thiết phải có nước. Dịch vụ du lịch chốn có sông, suối, hồ, bàu, ngoài việc được thưởng ngoạn cảnh đẹp thiên nhiên, quan trọng nhất là hưởng được sự mát mẻ từ hơi nước. Có người nói, phải là sông đẹp như sông Hương (Huế), sông Hàn (Đà Nẵng) mới có thể tổ chức du lịch sông, còn sông Quảng Trị thì rất khó. Tôi không nghĩ thế. Sông Hàn đâu có đẹp hơn sông Thạch Hãn, sông Hiền Lương? Mặt khác, nếu du ngoạn trên sông Hiền Lương, sông Thạch Hãn, du khách còn được khám phá rất nhiều trầm tích về văn hóa và lịch sử. Chúng ta từng có tour du lịch quốc tế DMZ cùng tour nội địa du lịch vĩ tuyến 17. Nhưng chúng ta chỉ dẫn tour đi đường bộ, tới các điểm như cầu Hiền Lương, Dốc Miếu, Cồn Tiên hay Khe Sanh, Tà Cơn… Tại sao không có tuyến đi trên sông, từ Cửa Tùng, qua Hiền Lương lên tận Bến Tắt… Chúng ta có thể giới thiệu cho du khách về con sông giới tuyến, quá trình cắm mốc giới tuyến, các bến đò mà quân ta đã vượt như Bến A, Bến B, Hói Cụ, Bến Tắt… Hai bờ sông Hiền Lương - Bến Hải, ở những điểm cụ thể, có thể tái hiện những không gian xưa trong cuộc đấu tranh của hai bờ đòi thống nhất Bắc - Nam v.v… Vĩnh Linh, ngoài sông Hiền Lương - Bến Hải còn có sông Sa Lung, một sông nhỏ nhưng rất đẹp. Hai bờ Sa Lung có rất nhiều cây Cừa chồm ra mặt nước, buông rễ dài trông rất hoang sơ. Bản thân tôi khi còn làm việc ở Sở VHTT từng nhờ một chiếc đò đi ngược Sa Lung lên tận thượng nguồn, cảm giác hết sức thú vị. Còn có thể nhắc tới con sông đào Hồ Xá. Tuy chỉ là sông đào, khung cảnh không đẹp, nhưng lợi thế là nó chảy qua thị trấn. Bây giờ con sông này đã bị thu hẹp lại rất nhiều. Thời tôi còn đi học, nhà trường từng tổ chức cho học sinh thi bơi từ bên này qua bên kia để chấm điểm môn Thể dục. Nghĩa là thủa ấy sông còn khá rộng. Cách đây chừng dăm năm, tôi có nghe nói huyện Vĩnh Linh đã có một dự án nạo vét lại sông Hồ Xá, rồi quy hoạch hai bên bờ sông thành những khu dân cư và dịch vụ. Tôi hết sức vui và ủng hộ sáng kiến ấy. Lại còn lãng mạn nghĩ thêm, dọc theo chiều dài của con sông, từ chợ Huyện lên tận trên ngã ba Thị trấn, cứ chừng vài trăm mét, có một chiếc cầu vồng nhỏ bắc qua tạo điều kiện cho người đi bộ và xe máy có thể dễ dàng qua lại. Những nhà hàng ẩm thực ở bờ bên kia chủ yếu là sản phẩm của đồng ruộng như cá đồng, cua đồng và rau sạch… Chắc chắn sẽ hấp dẫn. Đấy là chưa nói tới chuyện, nếu tổ chức cho du khách đi đò lên tới cuối ngọn sông, kể cho họ nghe câu chuyện ông Vua triều Nguyễn khi cho đào con sông này tới đây thì bị cát lấp, đào mãi không được nên buộc phải lệnh dừng đào. Người ta đã làm một lễ hạ cờ để chấm dứt công trình. Thế nên giờ mới có cái địa danh Hạ Cờ và một địa danh khác là Bảo Đài - là nói lái của “bãi đào”. Không hiểu sao tới bây giờ cái dự án nạo vét sông Hồ Xá vẫn chưa trở thành hiện thực?

Ngoài sông còn có suối. Tắm suối hiện nay là một nhu cầu rất lớn cho rất nhiều người. Gia đình tôi vào chơi Đà Nẵng, tìm một chỗ tắm suối cho đám trẻ mà phải chạy ngược ra tận ngoài Lăng Cô. Ở đó có một địa chỉ được quảng cáo là tắm suối. Khi đến nơi, thấy xe cộ chen dày kìn kịt. Nhưng vào tận suối thì mới ngã ngửa người. Suối quá xấu, quá hẹp và chẳng hề hấp dẫn chút nào. Trong lúc đó, nếu ngược sông Sa Lung, ta sẽ đến suối Bến Quan, suối rộng, nhiều đá cuội, nước rất trong và mát. Còn ngay dưới vùng đất đỏ cũng có rất nhiều suối. Trong Rú Lịnh có con suối nhỏ được gọi tên là khe Mài Rạ (vì có nhiều đá dùng mài dao rựa rất tốt). Từ Mài Rạ, khe nước chảy ra phía ngoài Vĩnh Thành, đi qua Khe Bùi… tới giếng Ba Vòi của Vĩnh Hiền. Giếng Ba Vòi cũng là loại giếng cổ thuộc hệ thống giếng cổ của người Chăm. Nhà thơ Cảnh Trà, thời còn công tác ở Ty Văn hóa Vĩnh Linh đã có bài thơ (theo kiểu diễn ca quần chúng) viết về khe suối Vĩnh Hòa rất hay. Xin dẫn mấy câu: “… Mài Rạ, khe Bùi, Cầu, Sui, Choi, Hóp / Nước của quê ta vừa trong vừa mát / rửa ngoài da nghe ngọt cả trong lòng / Có người bảo rằng, con gái Vĩnh Hòa da trắng môi hồng / Cằm nở tóc bồng là nhờ nước khe Mài Rạ...” Thế đấy, chúng ta hình như đã bỏ quên mất một tiềm năng vô cùng quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho Vĩnh Linh. Còn hồ và bàu? Hiện tại, một số bàu nước lớn ở Vĩnh Linh cũng đã loi nhoi vài hàng quán như ở bàu Trạng, bàu Thủy Ứ… Nhưng manh mún, tự phát và quá sơ sài. Những bàu lớn như Thủy Ứ, tiềm năng phát triển dịch vụ là rất lớn. Chưa kể đến những hồ thủy lợi như La Ngà, Bảo Đài v.v… Huyện cần có những “đề bài” để các nhà đầu tư suy nghĩ.

Chao ôi, cái màu xanh từng một thủa là nỗi khát thèm đến khắc khoải của người và đất nơi này. Giờ thì nó đã hiển hiện, đang hiển hiện. Hãy nâng niu và trân trọng nó.

X.Đ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

XUÂN ĐỨC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 299 tháng 08/2019

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

10 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

10 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

10 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

10 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground