Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vĩnh Quang - Miền ký ức

B

ây giờ thì xã Vĩnh Quang (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đã lên thị trấn, nhưng không phải thị trấn Vĩnh Quang, mà là thị trấn Cửa Tùng- một thị trấn non trẻ đã hiện hữu nơi cửa biển ở hạ lưu sông Bến Hải. Cũng vì thế mà từ nay trở đi cái tên Vĩnh Quang không còn trong danh mục hành chính của huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nữa. Nhưng cho dù Vĩnh Quang đã trở thành thị trấn Cửa Tùng và sau này sẽ phát triển lên thị xã, hay thành phố đi chăng nữa thì với tôi, cái tên Vĩnh Quang vẫn mãi mãi tồn tại trong ký ức của một thời “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, của một thời trai trẻ đầy gian khổ hy sinh, nhưng cũng rất kiêu hãnh khi được trực tiếp tham gia hoạt động cách mạng trong vùng địch.

Đã lâu lắm rồi, từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, khi giặc Mỹ chưa bắn phá miền Bắc và Hiệp định Giơnevơ vẫn còn hiệu lực ở vĩ tuyến 17, khi mà đồn Công an vũ trang Cửa Tùng và đồn cảnh sát ngụy ở bờ nam sông Bến Hải- nơi doi cát của thôn Cát Sơn vẫn còn qua lại làm việc luân phiên theo Hiệp định Giơnevơ, thì Vĩnh Quang là ngôi nhà chung và là hậu phương trực tiếp của cán bộ, chiến sĩ và du kích 3 xã Gio Mỹ, Gio Hải, Gio Hà huyện Gio Linh. Là nơi để chúng tôi học tập, hội họp và “xả hơi” sau những chuyến bám trụ căng thẳng trong vùng địch. 

Nhưng nếu không có công việc mà ở lại Vĩnh Quang quá ba ngày là sẽ bị phê bình, về tội: “Có tư tưởng ăn cơm miền Bắc, đón gió Cửa Tùng”. Bởi lúc bấy giờ, Vĩnh Linh đã có gần mười năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên mỗi khi trở lại Vĩnh Quang, trong mỗi chúng tôi ai cũng muốn nấn ná thêm chút thời gian để đi các cửa hàng “Bách hóa mậu dịch” vừa để xem vừa tìm mua vài cây bút máy “Hồng Hà”, một ít kem đánh răng “Ngọc Lan”, rồi cao “Sao Vàng”, cặp “ba lá”, khăn mùi soa... những thứ không bán theo tem phiếu và mua thêm ít mớ trầu không ở chợ Do- một loại trầu ở vùng đất đỏ ba zan lá to, dày, ăn vừa thơm vừa đỏ mang về Nam tặng các mẹ, các chị và các em- đây là những món quà thuộc loại “bí mật” mà cơ sở của ta trong vùng địch rất thích.

 Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng hình ảnh của anh Hai, anh Con- những người mà ban ngày thì chèo thuyền thúng ra cửa sông vừa câu cá, vừa quan sát tình hình ở bờ Nam, tối về lặng lẽ ra bờ sông ngồi đợi để đưa đón chúng tôi vào Nam, ra Bắc. Rồi anh Thìn, anh Kính ở đồn Công an vũ trang Cửa Tùng- những người luôn sẵn sàng bảo vệ chúng tôi từ phía sau, thường nhắc nhở là phải nhớ kỹ ám hiệu trước khi vượt sông- dù bằng thuyền, hay bơi bộ. Đó là khi nào có cảnh sát ngụy ở đồn Công an vũ trang Cửa Tùng, thì đèn măng sông chỉ thắp một ngọn và điểm vượt sông không phải ở khúc eo nơi cửa biển, mà là bến đò A. Còn khi nào phía ta vào làm việc tại đồn cảnh sát ngụy ở bờ Nam, thì bao giờ cũng có hai người ngồi che bóng đèn măng sông (lúc này chưa có điện) và nếu có địch phục kích thì chỉ một người ngồi che đèn.

Tôi còn nhớ, ở Vĩnh Linh lúc bấy giờ công tác phòng gian bảo mật được Đảng bộ và nhân dân chấp hành một cách tự giác và nghiêm túc. Khẩu hiệu “3 không” được bà con thực hiện rất nghiêm ngặt và truyền nhau câu phương ngôn: “Dù cho bão táp mưa sa, khách lạ đến nhà phải báo công an”. Nhờ vậy mà mọi hoạt động quân sự của ta ở bờ Bắc được đồng bào dấu kín một cách tối đa, nên những chuyến vào Nam, ra Bắc của chúng tôi vì thế cũng được an toàn. 
Thế rồi sau “cái gọi là sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, Mỹ- ngụy đã công khai phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tăng cường leo thang bắn phá miền Bắc thì Vĩnh Linh trở thành “pháo đài thép” và sông Bến Hải- một con sông hiền hòa, thơ mộng, biển Cửa Tùng trong xanh dào dạt sóng vỗ biển Đông cũng đã dậy sóng vùi xác quân thù. Ở cái tọa độ 17, 100 vĩ bắc- 107, 200 kinh đông này luôn được tô màu đỏ chót trên các bản đồ bay của giặc lái Mỹ. Tô màu “đỏ chót”- nghĩa là oanh tạc bằng tất cả các loại vũ khí không hạn chế, không quy luật, bất kể ngày hay đêm. Tàu bay Mỹ từ tàu sân bay ở hạm đội 7 đánh phá miền Bắc, lượt đi ghé qua Vĩnh Linh- Cồn Cỏ làm một vài “cua” oanh tạc, khi về còn bao nhiêu bom chưa trút được thì “tặng” luôn Vĩnh Linh- Cồn Cỏ, cây rừng ngã gục, nhà cửa nát tan, đồng ruộng xác xơ, nước sông, nước biển không còn xanh được nữa.

Cách Cửa Tùng 17,3 hải lý, Cồn Cỏ như một bông cỏ mặt trời nằm lọt thỏm giữa vòng vây quân thù. Tàu chiến địch dàn hàng ngang, hàng dọc ken dày phong tỏa bịt kín mọi tuyến đường ra đảo. Gạo hết, khẩu phần ăn của bộ đội giảm đến mức tối đa, nước hết, bộ đội phải chặt chuối rừng vắt lấy nước uống, thuốc men y tế cũng cạn, quân số thương vong ngày một nhiều không chuyển vào bờ được, những hòm đạn pháo chỉ còn lại những viên cuối cùng... Những bức điện cấp cứu từ Cồn Cỏ phát vào đất liền mỗi lúc một dồn dập như thiêu đốt trái tim người Vĩnh Linh. Khu ủy Vĩnh Linh phát lời kêu gọi “Tất cả vì đảo” với quyết tâm “Còn đất liền, còn đảo”. 

Và, như một lẽ tự nhiên, hàng ngàn lá đơn tình nguyện của nam, nữ thanh niên, dân quân, tự vệ, của cả những cụ già 60, 70 tuổi cũng tự

nguyện xung phong vào đội cảm tử đi tiếp tế cho Cồn Cỏ. Thế rồi đêm 31/5/1965, lễ truy điệu sống những người cảm tử đầu tiên đã diễn ra tại Vĩnh Quang - một xã trực tiếp đối mặt với kẻ thù từ ba phía: trên trời, ngoài biển, bờ nam. Xúc động và nghẹn ngào khi nhìn 36 đội viên khuất theo con sóng trên 6 chiếc thuyền nan chở đầy vũ khí, lương thực, thuốc men và nước ngọt ra đảo.

Thế là họ đã ra đi, ba sáu trái tim kiêu hãnh đập cùng một nhịp hòa vào tiếng sóng đại dương. Đoàn cảm tử lặng lẽ trong đêm mù sương, chỉ có tiếng gió rít trên những cánh buồm và tiếng khua chèo gấp gáp. Đến bình minh thì cập đảo an toàn. Bộ đội trên đảo ùa xuống đón những người con của đất liền quả cảm, đón những kiện hàng giản dị nhưng mang ý nghĩa sống còn. Vậy là, con đường máu đã mở! Và cứ thế, như dòng máu chảy mãi không ngừng, những đoàn thuyền nan từ Vĩnh Quang nối tiếp nhau lặng lẽ rời bến ban đêm và những dòng nước mắt âm thầm chảy trong các buổi lễ truy điệu sống... Đoàn cảm tử quân lặng lẽ và hối hả ra đi với quyết tâm lấy biển làm hầm, lấy mạn thuyền làm công sự, đánh địch mà đi, vượt địch mà tới. Người này ngã, người khác lại xông lên, thuyền này bị đắm, thuyền kia lướt tới, tất cả vì sự sống còn của Cồn Cỏ. Tính từ năm 1965 đến 1968, có người đã tham gia vận chuyển được 58 chuyến hàng ra đảo thì 54 lần gặp địch, như Nguyễn Quang Sóa, Lê Văn Ban... Trong khó khăn, ác liệt lại nảy sinh sáng kiến, anh Lê Văn Dư đề xuất: “Địch đánh ban đêm, ta đi ban ngày”! Quả là một sự táo bạo, và được cấp trên nhất trí, vậy là một sáng đầu Xuân 1967, sương mù còn bảng lảng trên cửa biển, thuyền anh xuất phát rẽ sóng hướng ra Cồn Cỏ, dĩ nhiên kẻ địch hoàn toàn bất ngờ, còn bộ đội trên đảo thì sững sờ, cảm phục sự can trường dũng cảm vô song của người con biển cả. Không thua kém cánh trai trẻ, các cụ già cũng náo nức lên đường. Bằng kinh nghiệm của một đời sóng nước, các cụ đã trực tiếp cầm lái những con thuyền chở hàng ra đảo an toàn. Cụ Phạm Quy và cụ Hồ Bớt đi được 13 chuyến, thấy tuổi cao, sức yếu nên cấp trên cho các cụ nghỉ, nhưng các cụ không chịu, mà khự lại rằng: “Các anh là cán bộ đảng viên, thì chúng tôi cũng là “đoàn viên” đấy chứ”. Quả là vậy, bởi trong những chuyến đưa hàng ra đảo, các cụ thường tham gia phụ giúp đào công sự, bắt cua đá, hái rau rừng, làm hậu cần mang cơm nước ra trận địa cho các chiến sĩ. Xúc động trước nghĩa cử cao đẹp ấy, Đoàn Thanh niên trên đảo đã kết nạp các cụ làm “đoàn viên danh dự”. Các cụ vui lắm, gặp ai cũng khoe và chuyến hàng thứ 14, chuyến hàng cuối cùng của các “lão đoàn viên” ấy đã có đi mà không về, các cụ đã nằm lại với biển khơi!

Không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến hàng cập bến Cồn Cỏ an toàn. Cũng không thể nhớ nổi đã có bao nhiêu chuyến có đi mà không về. Chỉ biết rằng, trên tấm bia khắc tên 236 liệt sĩ đã hy sinh vì đảo Cồn Cỏ, thì đã có 2/3 hy sinh trên con đường máu này. Máu của con gái, con trai tuổi đôi mươi mười tám, của những ngư dân hiền lành chân chất đã đổ xuống để Cồn Cỏ mãi mãi vững vàng là chiến hạm không bao giờ chìm, trần thân trên điểm cao, không ẩn nấp, không ngụy trang, không bao giờ lùi chân. Và “Cồn Cỏ nở đầy hoa thắng trận/ Đánh cho tan xác giặc Huê Kỳ”.

Vĩnh Quang mênh mông nắng, mênh mông gió và cũng mênh mông nước- ở đây đã có một thời con người đọ sức với trời, đọ sức với giặc nên đã được tôi luyện ý chí “dạ sắt gan vàng”. Ý chí ấy giờ đây đang được thế hệ kế tiếp phát huy, cùng nhau đồng lòng, chung sức làm nên những kỳ tích mới trên bước đường xây dựng lại quê hương. Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Tùng, ông Nguyễn Đình Tế- một người cương trực, nhưng rất cởi mở và dễ gần, đưa cho tôi xem tờ quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập thị trấn Cửa Tùng và nói: “Từ xã lên thị trấn không đơn thuần là thay đổi tên gọi, mà quan trọng hơn, đó là thời cơ, là vận hội để phát triển nhanh hơn, toàn diện hơn và bền vững hơn trong tương lai”.

Cũng vì thế mà Cửa Tùng giờ đây đang cùng một lúc phải làm hai việc lớn, đó là quy hoạch lại tổng thể để xứng tầm của một đô thị nơi cửa biển được mệnh danh là “Nữ hoàng của bãi tắm” và hoạch định lại chiến lược phát triển kinh tế- xã hội để vừa khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh, vừa phù hợp với xu thế đổi mới và hội nhập. Ông Nguyễn Đình Tế, bộc bạch: “Trong chiến tranh, cha anh chúng tôi đã biết thắng, thì trong hòa bình xây dựng chúng tôi không có lý do gì để dừng lại”.

 Tôi cảm nhận sâu sắc điều này, bởi trong kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội được thông qua tại Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất, Cửa Tùng đang có một chiến lược tổng thể để vừa tranh thủ sự giúp đỡ của huyện, của tỉnh; sự đầu tư của Trung ương và các Bộ, ngành vừa có chính sách ưu đãi để kêu gọi, thu hút đầu tư và liên doanh liên kết với bên ngoài, đồng thời phát động phong trào thi đua sâu rộng trong toàn Đảng bộ nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn bố trí lại nhóm ngành nghề, nhóm sản phẩm để khai thác và phát huy mạnh mẽ mọi yếu tố, tiềm năng của thị trấn và sức mạnh tổng hợp của nhân dân... Với mười một khu phố nằm dọc từ cửa sông Bến Hải ra đến Vịnh Mốc, thị trấn Cửa Tùng được thiên nhiên ưu đãi với vùng đất đỏ ba zan màu mỡ, phù hợp với các loại cây lương thực, thực phẩm và cây công nghiệp dài ngày. Nằm trong vùng Vịnh Bắc bộ nên biển Cửa Tùng lắm tôm, nhiều cá- đặc biệt là các loại hải sản có giá trị như tôm hùm, ốc hương... Tuy nhiên, do bị chiến tranh tàn phá nặng nề và thiếu vốn đầu tư nên còn hoang sơ, vì vậy mà Cửa Tùng giờ đây đang phải “vừa chạy, vừa xếp hàng”.

Thị trấn nơi cửa biển chiều mùa hè gió tây nam thổi lộng, tôi ngồi bên bờ thời gian, ngoái nhìn lại sau lưng thấy những dấu chân mình vẫn in hằn trên cát và những dòng ký ức cứ chảy mãi không ngừng. Tôi ngồi nghĩ vậy cho đến lúc thị trấn lên đèn- ánh sáng lung linh từ những ngôi nhà cao tầng, những nhà hàng, khách sạn, quán giải khát và ngoài khơi xa- biết bao nhiêu ánh đèn lung linh của những con tàu đánh cá lấp lánh như một thành phố nổi trên biển đang nối dài theo hình vòng cung từ Cửa Tùng- Cồn Cỏ tới Cửa Việt, như một sự định hình cho tuyến du lịch sinh thái biển đảo đầy hấp dẫn trong tương lai. 

P.S

 

 

Phan Sáu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 193 tháng 10/2010

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground