Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vở kịch trường

N

ăm 1956, khởi đầu cho cái gọi là thời “Đệ nhất cộng hòa”, cụ Phạm Tồ tròn sáu mươi bảy tuổi. Quê cụ ở làng Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Tính ra cụ tuổi Sửu, dân gian thường gọi là tuổi con trâu, cùng một tuổi với tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng cụ tồ hơn hẳn cụ Ngô  một giáp tuổi. Ngô Đình Diệm lên làm tổng thống chưa đầy nửa năm thì cụ Tồ bị “điên”, trong một hoàn cảnh éo le và khá đặc biệt này.

   Đã mấy ngày nay cụ Tồ tỏ ra rất bực bội. Qua lại nhà hàng xóm cụ cứ lẩm bẩm một câu: “Không đời nào! Không đời nào”. Đi đâu cụ cũng lắc lắc cái đầu, môi mím chặt và dằn từng tiếng:

- Chậc chậc, Không đời nào có chuyện như ri...

Và rồi chẳng biết tự lúc nào, suốt ngày cứ thấy cụ Tồ dọc ngang khắp làng trên xóm dưới huyên thuyên. Bà con đâm ra bàn tán:

- Có lẽ cụ Tồ phát điên!

Có người dè dặt, dò xét cẩn thận những người xung quanh rồi buột miệng nói khẽ:

- Chẳng phải cụ phát điên đâu. Ông cụ ức việc nước, tức việc nhà không nhịn được phải nói thế, làm thế cho hả. Bà con thử nghĩ mà xem, từ trước đến nay cụ là người lanh lợi, sáng suốt. Hòa bình lập lại cụ ở nhà với con dâu chăm chỉ làm ăn nuôi cháu, lúc nào cũng thấy cụ tươi cười, vui vẻ. Ai dè cách đây nửa tháng, con dâu cụ ra Bắc vĩ tuyến 17 thăm chồng mà cảnh sát trên đồn Lai Phước cũng đòi con dâu cụ lên tra khảo, đánh đập, giam giữ. Độc tài như rứa ai mà nỏ bực tức.

Có người còn quả quyết: “Chắc tức quá hóa điên!”. Cụ chẳng để ý đến ai, chạy đi chạy lại khắp xóm làng nhưng bây giờ thì cụ không chỉ nói mấy chữ “không đời nào” nữa mà nói nhiều chuyện khiến cho mọi người ai ai cũng chú ý. Cụ thắc mắc:

- Cụ Khổng nói: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”. Con dâu tui đi thăm chồng ngoài Bắc về mà cũng bị bắt, bị tra tấn đánh đập dã man thì thật là không đời mô có chuyện như ri. Tui phải đi cho cùng làng cuối xóm hỏi xem răng mà cấm vợ đi tìm chồng?

Ông cụ lại đi và cứ thế đám trẻ con kéo nhau chạy theo sau cụ ngỗ nghịch. Không những cụ không giận mà còn cười khúc khích và quay lại hỏi:

- Ai miệng nói dân chủ mà tay lại trói người các cháu có biết không? Hỏi thế, nói thế nhưng rồi chẳng đợi chi đám trẻ con trả lời. Cụ vội vã xách đôi guốc mộc, nách cắp chiếc dù đen tất tả ra đường cái quan, ngược ra phía đồn Lai Phước. Dọc đường gặp ai cụ cũng níu giữ họ lại hỏi:

- Nghe nói cụ Ngô là nhà đại khoa bảng phong kiến, lắm tài đức mà răng không làm đúng lời thánh hiền chi cả! Tui hỏi eng (1), đời mô có chuyện như ri...

Gặp ban thường vụ thôn, cảnh sát trên đồn cụ Tồ cứ ra rả chất vấn. Tên trưởng đồn công an Lai Phước dọa dẫm cụ:

- Có im cái mồm đi không thì tù mọt xương. Ông nả cho phát súng vào óc thì hết đời.

Ông cụ tỉnh bơ tranh đấu:

- Tui hỏi mấy “eng”, mấy “eng” tuyên truyền tự do, dân chủ răng mấy “eng” cấm tui trình bày chất vấn?

Dọa dẫm không xong, đuổi đi cũng không được, tay trưởng đồn cảnh sát điên tiết, mặt như quả gấc xấn xổ đến đạp nhào cụ Tồ xuống bên lề đường cái quan rồi bắn ba phát súng lục chỉ thiên, chuồn thẳng. Bà con vây bủa xung quanh được phen hú vía vội đỡ cụ dậy khuyên bảo:

- Thôi có tức thì giữ trong lòng. Đừng nói ra rứa mà họ đánh đập cực thân.

Cũng có người nói:

- Cứ mặc cụ ấy. Điên rồi thì sợ chi ai nữa!

Được dịp cụ Tồ phân trần:

- Tui phải đi gặp ông Ngô tổng thống. Hỏi làm răng tui nói rứa mà xô đạp, nổ súng bắn vào người ta? Tự do chỗ mô? Dân chủ chỗ mô?...

Nghe tin tối nay ban thường vụ  thôn họp dân, tổ chức lễ “tuyên thệ” với chính quyền Ngô Đình Diệm, cụ Tồ áo quần gọn gàng, ngang bụng có thắt cái nịt lưng da, vác loa đi a lô khắp xóm làng rồi mời đồng bào đến nghe nói chuyện. Dưới gốc cây đa đầu làng, chỗ mà ngày xưa kháng chiến có chòi phát thanh, nay chòi đã hư trơ ra mấy gốc cây mục, cụ Tồ phốc lên cành cây diễn thuyết:

- A lô, a lô...Đồng bào có biết ai đem lại hòa bình cho đất nước? Ai lãnh đạo kháng chiến chống ngoại xâm? Tui không nói chắc đồng bào cũng đã biết rõ ràng rồi. Alô, alô...

Thanh thiếu niên xúm xít vòng ngoài vòng trong, rõi theo từng cử chỉ, lời nói của cụ Tồ. Đoạn hay họ vỗ tay râm ran, ồ lên hoan nghênh tán thưởng. Nhiều người đi đường dừng cả lại. Chốc lát đã có hàng trăm người tụ tập như cuộc mít-tin. Cụ Tồ tiếp tục diễn thuyết. Cũng thưa các cụ các mẹ, thưa anh chị em đồng bào rồi tố khổ, kể ra vô vàn những nỗi khổ của bà con trong xã, trong vùng. “- Như thế ai bảo là tự do?” – Cụ hỏi rồi cụ tự trả lời lấy:

- Thật là một địa ngục trần gian. Già sống bằng chừng ni tuổi rồi chưa khi mô thấy cảnh như ri.

Giọng cụ Tồ lúc dằn lên từng tiếng chất chứa niềm uất hận, lúc mỉa mai chua chát:

- Các con các cháu còn ít tuổi, chưa nhìn xa thấy rộng rất dễ bị mắc lừa. Đừng thấy bọn chúng cũng “phong” cũng “trào” ra vẻ ta đây: “Ba voi không đọi nước xáo!”. Già đây trải đời, thừa hiểu biết ai là “chí sĩ”, ai là “cách mạng”. Các cháu hãy nghe già đây: Phải giữ vững lòng tin tưởng...

Trời đã về chiều. Đằng xa kia có tên cảnh sát hớt hải từ đồn đi tới. Cụ Tồ bình tĩnh tụt xuống gốc cây và còn nói với trong loa:

- Tui nói rứa là đúng lắm. Chắc mấy “eng” trong đồn cũng da vàng máu đỏ, cùng họ cùng hàng chắc cũng đồng ý...

Tên công an kia nạt nộ mấy tiếng ra oai, lãng tránh về phía nhà trưởng thôn đang uể oải soạn cái bàn thờ, tối nay kịp làm lễ “tuyên thệ”. Chờ tên cảnh sát đi khuất, cụ Tồ còn nói với mọi người:

- Tui phải nói trước đi như rứa để tối nay bọn chúng có tuyên thệ, có hò hét đến mấy đi nữa thì cũng chỉ mửa ra cái đồ thối tha, không lọt vào tai ai được nữa.

Người đi chợ, kẻ làm rừng làm ruộng bàn tán xôn xao về những lời lẽ của cụ trong buổi diễn thuyết. Có cái gì như chính là tâm tư nguyện vọng của mình mà chẳng ai dám nói ra. Cơ hồ như cụ chỉ giả dại, giả điên để tỏ rõ tấm lòng cô trung yêu nước; một cách đấu tranh có một không hai vào thời điểm bấy giờ do cụ tự nghĩ ra nhằm tập hợp, kêu gọi quần chúng, công khai chống lại chế độ độc tài bán nước. Mật thám cảnh sát trên đồn lo sợ phải họp bàn cách đối phó. Chúng chỉ thị cho ban thường vụ thôn giữ chặt cụ lại, không được phép chạy rông. Rõ khổ, nhà cụ có ai nữa đâu ngoài sáp cháu nhỏ buộc sao được đôi chân ông già? Đành phải thả con dâu cụ về thôi – bọn cảnh sát suy nghĩ – may ra mọi chuyện mới được yên ổn. Cuộc đấu tranh của cụ thế là đã thu được thắng lợi bước đầu.

Câu chuyện đến đây cứ nghĩ là đã kết thúc. Ai ngờ gặp lúc bác Phạm Chí ở Hà Nội về, tôi vào Hà Xá tìm gặp anh Phan Bá Phù, anh còn cho biết: “- Tuy con dâu cụ có được tha về, nhưng cụ đã “điên” thật. Từ đấy ngày nào cụ cũng đi, ròng rã trong mười bảy năm trời!”. “Đi đâu?” – tôi hỏi. Anh Phan Bá Phù trả lời: “- Cụ đi làm liên lạc cho Cách mạng theo kiểu cách riêng của cụ”.

Để làm được cái công việc tưởng hết sức bình thường mà thiêng liêng cao cả trong những năm tháng đen tối tuyệt vọng của Cách mạng miền Nam này cụ đã phải làm nhiều công việc khác thường, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta bây giờ. Ngày ngày ông cụ ăn mặc rách rưới, tay xách đôi guốc mộc, nách cắp chiếc dù đen nhưng lúc nào cũng giơ cái đầu trần ra giữa nắng mưa, đi ra đi vào trên đường cái quan. Ngược ra phía Bắc là cầu Lai Phước, xã Triệu Lương, Triệu Lễ, chợ Đông Hà. Hành phương Nam qua các xã Triệu Ái, Triệu Thượng, Cầu Ga, Chợ tỉnh và thị xã trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị. Những địa điểm kể trên đều là điểm hẹn hàng ngày của cụ với cơ sở cách mạng của ta trong lòng địch. Chưởi mắng, nằm vạ, xỉ vả không chừa một ai, từ trẻ con dân thường đến mật vụ, cảnh sát, lính ngụy, sau này cả quân đội viễn chinh Mỹ. Cụ cũng xì xa xì xô nói tiếng Mỹ bồi, ném đá vào từng đoàn xe công-voa Mỹ, chưởi bới chúng không đôi đồ hộp xuống cho cụ ăn. Nhưng thực ra đoàn xe bao nhiêu chiếc, chở hàng hay chở lính Mỹ, tập kết vào sân bay Ái Tử hay ra căn cứ Đông Hà cụ đều nắm chính xác... Nhiều vai cụ diễn, nhiều người yếu bóng vía chỉ nghe kể thôi cũng đã dựng tóc gáy, sởn da gà. Trường Lai Phước, trụ sở hội đồng các xã Triệu Ái, Triệu Lương, Triệu Thượng, chi khu cảnh sát Đông Hà đều là những nơi cụ đến chào cờ buổi sáng thứ hai đầu tuần. Người ta đang ở vào tư thế nghiêm, nghĩa là cái thời khắc bị trói chân trói tay, đôi mắt đang dán chặt vào lá cờ ba que từ từ được kéo lên đỉnh cột cờ trước các trụ sở thì cụ thình lình xuất hiện, chào cờ theo kiểu riêng của cụ. Một miếng giẻ rách, có khi là cái quần lót được cụ giương lên cây sào, ở tư thế nghiêm cụ chững chạc hô: “Tất cả nghiêm... Chào cờ - chào!” Cuộc chơi căng thẳng như thế, cân não đến như thế mà cụ “lì lợm”, kiên trì diễn đến mười bảy năm, cho đến một ngày trước mùa hè đỏ lửa năm 1972, do tuổi già sức yếu cụ mất sau một ngày đi làm nhiệm vụ liên lạc về như thế. Ai nấy đều tin là cụ điên, chỉ có một người biết cụ không điên là Huyện ủy viên Phan Bá Phù, người sau này cùng tập thể Thường vụ Huyện ủy Triệu Phong xác nhận vào bản khai thành tích của cụ rằng “Đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ liên lạc của Đảng giao”, để Nhà nước truy tặng Huân chương kháng chiến chống Mỹ hạng nhất cho cụ.

Chao ôi! Bây giờ đứng trước bàn thờ dâng hương cho cụ tôi cứ nghĩ mãi đến những vở diễn có vai người điên. Một vở kịch diễn ra lâu nhất trong vài ba tiếng đồng hồ. Người nghệ sĩ dẫu chuyên nghiệp xuất sắc đến đâu cũng phải kiệt sức vì căng thẳng, dồn hết tâm lực vào vai điên. Còn với cụ Tồ, cụ đã diễn vở kịch trường, gian khổ trường kỳ như cuộc kháng chiến chống Mỹ, sân khấu lại là trận địa bình định khắt khe chẳng khác gì luật 10/59, khán giả không phải chờ cụ diễn xong để vỗ tay tán thưởng mà vai diễn chỉ cần sơ hở chút xíu thôi thì trời ạ, cụ đã có thể bị lấy mất đầu.

Mười bảy năm trời thầm lặng đi làm liên lạc, chao ôi, cụ đã tồn tại như một ông già điên trong vở kịch câm yêu nước của mình. Ôi cụ, cụ thật là con người tài ba, kiệt xuất.

Đông Hà, tháng 7.2000

                                                                      Y.T

 

Y Thi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 72 tháng 09/2000

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground