Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

“Vọng gác của vọng gác” ở Cồn Cỏ

Hôm cuối tháng Tư, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ cùng lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị tiến hành khảo sát vị trí xây dựng “Mốc A11” nằm ở khu vực phía đông huyện đảo Cồn Cỏ.

Có lẽ với nhiều người, nhắc đến mốc A11 sẽ hơi khó hiểu. Nhưng với chủ quyền biển đảo, đó là cột mốc có vị trí quan trọng đặc biệt. Đặc biệt là vì mốc A11 là cột mốc cuối cùng trong số 11 cột mốc để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam. Cột mốc đầu tiên được tính từ hòn Nhạn (Thổ Châu - Kiên Giang) ngược ra Vịnh Bắc Bộ, và mốc A11 ở đảo Cồn Cỏ của Quảng Trị là mốc cuối.

Những năm tháng theo đuổi mảng đề tài biển, đảo đã cho tôi niềm may mắn được xuôi ngược hàng chục chuyến trên vùng biển Việt Nam, từ vùng biển Tây Nam giáp vịnh Thái Lan, từng ghé lên hòn Nhạn của quần đảo Thổ Châu, nơi đặt mốc A1, hay đặt chân lên hòn Khoai (tỉnh Cà Mau) nơi đặt mốc A2… rồi dài tận mốc A10 ở Lý Sơn (Quảng Ngãi), và quá thân thương khi nơi đặt cột mốc cuối cùng mốc A11 trên hòn đảo can trường của biển trời quê hương yêu dấu: đảo Cồn Cỏ.

Trở lại với câu chuyện của đoàn công tác Bộ Ngoại giao đang điều nghiên để xây dựng mốc A11 trên đảo Cồn Cỏ thiết nghĩ cũng nên nói rõ thêm lý do tại sao có vị trí mốc đặc biệt này! 

Chương II, điều 8, Luật biển Việt Nam nêu rõ: “Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam là đường cơ sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn”. Theo đó, đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải lục địa Việt Nam là đường nối liền các điểm có tọa độ ghi trong phụ lục đính kèm Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/11/1982. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trên vùng biển Tây Nam, bắt đầu từ điểm tiếp giáp 0 dùng để tính chiều rộng lãnh hải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Campuchia nằm giữa biển, trên đường thẳng nối liền quần đảo Thổ Châu và đảo Poulo Wai (Campuchia)  đến đảo Cồn Cỏ theo các tọa độ ghi trong phụ lục, được vạch trên các bản đồ tỉ lệ 1/100.000 của Hải quân nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1979. Đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ được quy định cụ thể theo 11 mốc gồm: Hòn Nhạn (Thổ Châu - Kiên Giang) được tính là mốc A1; Hòn Đá Lẻ (đông nam Hòn Khoai - Cà Mau) là mốc A2; ở Côn Đảo có 3 mốc: mốc A3 ở hòn Tài Lớn, mốc A4 ở hòn Bông Lan, mốc A5 ở hòn Bảy Cạnh; mốc A6 ở  Hòn Hải (đảo Phú Quý - Bình Thuận); mốc A7 tại Hòn Đôi (Khánh Hòa); mốc A8 tại mũi Đại Lãnh (Phú Yên); hòn Ông Căn (Bình Định) là vị trí mốc A9; Lý Sơn (Quảng Ngãi) mốc A10 và Cồn Cỏ là vị trí mốc A11.

Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu cửa ngõ phía nam Vịnh Bắc Bộ,  “viên ngọc xanh” của Quảng Trị - Ảnh: Thanh Linh

Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu cửa ngõ phía nam Vịnh Bắc Bộ, “viên ngọc xanh” của Quảng Trị - Ảnh: Thanh Linh

Với vị trí đặc biệt như thế nên mốc A11 trên đảo Cồn Cỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt Dự án “Xây dựng các điểm cơ sở theo đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam” và tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề xuất xây dựng mốc A11 trở thành mốc đại có ý nghĩa xác định chủ quyền và trở thành một sản phẩm du lịch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nói theo một thành ngữ của thế hệ “công dân mạng - netizen” thì Cồn Cỏ “tuy nhỏ nhưng… có võ”. Đất nước có hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ, nhưng không phải đảo nào cũng mang vác sứ mệnh đặc biệt như Cồn Cỏ. Bởi thế, nếu gọi Cồn Cỏ là “Vọng gác biển Đông” thì những cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ trên đảo chính là “vọng gác của vọng gác”.

*

Kể từ chuyến đi đầu tiên ra đảo hơn 30 năm trước, sau ngày tái lập tỉnh trên chiếc thuyền gỗ mỏng manh, hơn 30 năm qua, không nhớ hết bao nhiêu lần tôi được ra với đảo Cồn Cỏ. Con tàu gỗ ngày xưa đã thay bằng tàu cao tốc, cảng nhỏ ngày xưa đang vạm vỡ dáng vóc phố thị. Cùng với thời gian, biết thêm về Cồn Cỏ, càng thấm thía cái tên gọi “Vọng gác biển Đông” được dành gọi riêng cho đảo nhỏ tiền tiêu.

Tết năm 1990, theo đoàn đại biểu tỉnh ra thăm và chúc tết anh em bộ đội trên đảo, nhiều khu vực trên đảo vẫn bị giới hạn đi lại. Tàu chạy từ Cửa Tùng ra tới đảo mất hơn 4 tiếng đồng hồ trên chiếc thuyền gỗ, muốn vào đảo, chúng tôi phải “tăng bo” lên những chiếc thuyền thúng cho anh em chèo vào. Đêm đầu tiên ở lại trên đảo, tôi ngủ chung với một anh lính trẻ tên là Phạm Công Thành, quê Quảng Bình. Nhớ mãi câu chuyện Thành kể về dạo mùa hè, cả đảo khô cạn, thuyền chở nước ngọt trong những can nhựa 20 lít từ Cửa Tùng ra tiếp tế cho đảo, lúc chuyển nước từ thuyền lên đơn vị, loay hoay thế nào, Thành làm rơi vỡ cái can nhựa 20 lít nước, bị chỉ huy phê bình, Thành òa khóc, không phải khóc vì bị phê bình mà vì tiếc 20 lít nước ngọt chở từ đất liền ra! Ám ảnh nước ngọt có lẽ không riêng một hòn đảo nào, và con đường đi tới tương lai của Cồn Cỏ cũng bắt đầu từ việc tìm ra nguồn nước. Giờ thì câu chuyện đã khác. Nước vẫn quý, vẫn hiếm, nhưng không cam go như ngày trước!

Tháng 3 năm 2002, tôi lại có chuyến ra Cồn Cỏ cùng với 43 đoàn viên thanh niên xung phong ra xây dựng đảo. Chuyến xuất phát ra đảo ấy khó ai quên vì những cơn sóng cấp 5, cấp 6 đã quăng quật chiếc tàu gỗ như chiếc lá, ra tới đảo có nhiều nữ đoàn viên phải đưa lên trạm xá bộ đội để truyền dịch cấp cứu. Những thanh niên xung phong đầu tiên có mặt trên đảo là bước đệm để “dân sự hóa” đảo Cồn Cỏ để ngày 1/10/2004 Thủ tướng Chính phủ ký nghị định 174/2004/NĐ-CP thành lập huyện đảo Cồn Cỏ với định hướng nơi đây trở thành một “huyện đảo du lịch”. Chuyện đổi thay ở đất liền có thể dễ hình dung hơn ngoài đảo khơi, bởi để đưa được một cân thép, một bao xi măng ra đây là chuyện không dễ. Vậy mà giờ đây, khi đứng trên hải đăng nhìn xuống, cả một quần thể phố phường cảng thị đang hiện ra với những ngôi nhà mái xanh mái đỏ ôm viền quanh đảo từ bến Nghè lên bến Tranh, tới âu thuyền… Hai trục đường trung tâm đảo là trụ sở của ban ngành Dân - Chính - Đảng, Chi cục Thuế, Trung tâm y tế, Đài truyền thanh - truyền hình, Nhà văn hóa Thanh niên, trụ sở Công an huyện, Bộ chỉ huy quân sự huyện… Giữa trung tâm huyện là một hồ chứa nước vừa tạo cảnh quan môi trường vừa dự trữ nước ngọt cho cả đảo đủ dùng quanh năm, cùng với hệ thống giếng bơm nước ngọt có khắp các khu vực đảo. Đêm xuống, hệ thống đèn đường bật lên, từ ngoài khơi nhìn vào, dáng dấp một đô thị của Cồn Cỏ đã hiện ra dưới quầng sáng của đèn đường, của những dãy nhà cao tầng bên thềm đảo.

Tôi lại gặp những người quen cũ, những bạn trẻ thanh niên xung phong ra đảo từ năm 2002, nay đã yên bề gia thất, nhiều người trong số họ đã thành đôi, gắn bó với mảnh đất giữa trùng dương này. Sang năm 2022, hy vọng sẽ có cuộc hội ngộ cho chuyến tàu Tuổi Trẻ ra đảo tròn 20 năm trước. Những thành viên đi cùng trên chuyến tàu năm ấy nay đã giữ trọng trách trong bộ máy huyện đảo: như anh Võ Văn Đống nay đang là Trưởng phòng Kinh tế - Xã hội, anh Nguyễn Quang Thánh là Phó ban Xây dựng Đảng của Huyện ủy…

*

Tết năm trước, trên Công an Nhân dân có một bài viết với cái tựa đề vô cùng ấn tượng: “Về nơi vùng đất chưa từng có tội phạm hình sự”. Có lẽ do đặc thù của mình, là một hòn đảo biệt lập, dân số chỉ vài trăm người nên trật tự trị an trên đảo, với sự phối hợp của nhiều lực lượng đã khiến cho Cồn Cỏ trở nên có được “thành tích” đặc thù như thế. Tuy nhiên cũng không vì thế mà nói rằng công cuộc bảo vệ an ninh trật tự trên đảo là chuyện dễ dàng. Từ Cồn Cỏ, ngư dân hoạt động trên ngư trường Con Hổ rộng 9.000 cây số vuông, diện tích ngư trường đó rộng gấp đôi diện tích của tỉnh Quảng Trị. Không chỉ các tàu đánh bắt thủy hải sản của ngư dân trong ngư trường này ghé vào đảo nghỉ ngơi, tiếp liệu… Mấy năm trở lại đây, nhất là trước mùa dịch Covid-19, du lịch Cồn Cỏ đã thu hút một lượng khách đáng kể. Làn sóng du lịch muốn tìm về những hòn đảo càng nguyên sơ càng thu hút, càng chưa bị đô thị hóa càng hấp dẫn, quyến rũ. Và Cồn Cỏ hội đủ những yếu tố đó để lượng khách từ nhiều miền đất nước tìm về. Và vì thế, càng đông du khách, đảo tiền tiêu này càng thêm vui, nhưng nhiệm vụ của anh em cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trên đảo càng nặng nề hơn.

Đặc biệt, với những quan hệ chằng chịt, những kết hối hữu cơ trong thế giới ngày nay, hầu như không có một vùng đất nào dù xa xôi đến đâu mà được gọi là riêng lẻ. Thế giới bây giờ nhắc tới nhiều về một khái niệm “Hiệu ứng cánh bướm”. Nhà khí tượng học và chuyên gia về lý thuyết hỗn loạn Edward Norton Lorenz là người đặt nền móng cho học thuyết Hiệu ứng cánh bướm với mệnh đề “Một con bướm đập cánh ở Amazon có thể gây ra cơn lốc ở Texas”. Nhìn rộng ra, có vùng đất vùng biển nào mà không chịu tác động của một thay đổi dù nhỏ trên trường quốc tế? Huống nữa, Cồn Cỏ là vọng gác biển Đông, mà biển Đông từ rất nhiều năm nay luôn là vùng biển nóng. Điều này cũng đã được đúc kết và định hướng trong báo cáo về công tác giữ gìn an ninh cho huyện đảo: “Cũng như những địa bàn khác, huyện đảo Cồn Cỏ luôn chịu ảnh hưởng của tình hình trong nước và quốc tế. Trong những năm qua, nhất là những năm gần đây an ninh, chính trị thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và những biến động trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Trên biển Đông, Trung Quốc ngang nhiên đưa các tàu thăm dò dầu khí vào vùng biển Việt Nam, tổ chức các hoạt động thăm dò, cản trở các hoạt động hợp pháp của ta trên biển; tuần tra, kiểm soát, diễn tập quân sự đánh chiếm đảo; sử dụng máy bay, các loại tàu vũ trang, bán vũ trang và số đông tàu cá của ngư dân để thực hiện các hành vi đẩy đuổi, bao vây uy hiếp, bắt, phá hoại tài sản của ngư dân ta; những hành động trên của Trung Quốc làm cho tình hình biển Đông căng thẳng, phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra xung đột.”

Chỉ cần trích một đoạn như vậy, đủ hiểu câu chuyện của vọng gác Cồn Cỏ canh gác biển Đông không hề là chuyện trật tự trị an thông thường. Ở đây, những cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân luôn căng mình ra như những ăng ten tinh nhạy nhất, nắm vững mọi di biến động trên đảo và trên biển, trong từng cư dân và từng ngư dân, trong từng du khách từ nhiều vùng miền.

Trên tuyến giao thông đường thủy từ đất liền ra đảo, hoạt động của các tàu thuyền tham gia vận chuyển người, hàng hóa từ Cửa Việt, Cửa Tùng ra Cồn Cỏ vẫn còn thiếu sự an toàn. Hoạt động của các tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam, trong đó có vùng biển thuộc đảo Cồn Cỏ vẫn tiếp tục diễn ra với số lượng lớn, tần suất tăng. Chưa kể, tình hình sử dụng chất nổ, đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển quanh đảo vẫn tiếp tục xảy ra, đe dọa môi trường sinh thái.

Để làm tốt công việc ở một địa bàn đặc thù như thế này, nhất là công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm không hề là chuyện dễ khi mà anh em gặp khó về phương tiện tuần tra, kiểm soát, các đối tượng vi phạm luôn luôn chủ động đối phó, tẩu tán tang vật xuống biển khi bị phát hiện… Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với lực lượng vũ trang trên đảo.

Tuần tra bảo vệ đảo Cồn Cỏ - Ảnh: Thanh Linh

Tuần tra bảo vệ đảo Cồn Cỏ - Ảnh: Thanh Linh

Sẽ khó mà kể hết những khó khăn của anh em cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an trên đảo, họ là đúng nghĩa là những “vọng gác” nhỏ của một vọng gác lớn đang canh gác biển Đông. Nhưng Cồn Cỏ không chỉ là một hòn đảo anh hùng giàu truyền thống, đảo nhỏ nơi đây còn trĩu nặng ân tình.

Ra Cồn Cỏ lần nào cũng có một đêm thức cùng lửa trại bên bờ sóng, và chúng tôi cùng ca vang bài ca truyền thống của đảo nhỏ một thời chiến trận: “Cồn Cỏ có con cá đua là con cua đá…”. Bài hát nhắc về những ngày chiến tranh bom đạn đánh rát quá, lính trên đảo thiếu gạo, thiếu nước ngọt, nguồn sống của anh em chính là con cua đá. Bài hát ấy ra đời để tri ân con cua bé nhỏ. Và tôi chợt nghĩ rằng một hòn đảo mà đến con cua nhỏ bé cũng được ghi công, hẳn hòn đảo ấy sẽ trĩu nặng ân tình biết mấy!

LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 323

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground