Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xe tăng ta vào trận làng Vây

S

au rằm tháng Giêng của năm “giao thừa thiên niên kỷ”, một chiều mưa rây nặng hạt, cái lạnh se buốt thổi vù vù trên mặt quốc lộ 1A, những hạt bùn từ bánh ô tô hất tung lên trời cũng co tròn lại bởi rét buốt, lại nhão bệt ra, bắn vào mặt kính mũ xe máy, bám vào áo đi mưa, ròng ròng chảy trả về cho mặt đường sục như ruộng mạ dài hun hút bởi công trường mở rộng quốc lộ đang kỳ ráo riết thi công. Tôi và thằng bạn nối khố có cái tên rất điệu: Lê Hồng Xanh – trượt bùn về quê tìm bạn. Khi hai cục bùn là chúng tôi lăn về đến đầu làng, trời đã chạng vạng tối. Một người đã trùm kín áo mưa lầm lũi đi ngược chiều ngẩng mặt lên:

- Bác Tiến! Bác đi đâu vậy?

- Hai thằng bây à. Sao về tối thế. Mình đi thăm bà Hường vợ ông Đấng.

Tôi đặt một chân xuống đường đỡ chiếc xe vừa dừng, chợt nhớ ra đã vài tháng nay o Hường ốm nặng mà chưa về ghé thăm. Hôm đưa o đi Hà Nội, tôi đã dặn dò ông Đấng rằng đến nơi, nếu bệnh tình trầm trọng hoặc gặp khó khăn thì điện về cho tôi biết để tôi báo về trong nhà. Đã gần hai tháng không có thư điện gì, hỏi thăm bà con bạn bè cũng chỉ loáng thoáng là chưa tìm ra bệnh, đang theo dõi. Rồi tết nhất, rồi công việc lu bu tôi cũng quên béng mà chưa về thăm o dù biết o đã về nhà bấy lâu nay. Tôi bảo Xanh:

- Ta vào thăm vợ ông Đấng đã nhé. Cậu chở bác Tiến vào trước, tớ ra kiếm gì thăm bà Hường và về lai rai luôn.

O Hường đã khỏe lên nhiều. Cái mặt hồi trước sưng tấy lên gấp đôi bình thường giờ trở về trạng thái cũ. O đã dậy đi ra đi vào rót nước mời khách.

Bệnh gì mà từ huyện lên tỉnh, ra cả Hà Nội hàng tháng trời chưa lần ra. Hết tiền. Chán nản vì sinh thiết, thử máu, chọc tủy...đến bại cả người, o đòi về “chết là cùng”, o nói vậy rồi mặc cho bác sỹ khuyên ngăn, o bảo ông Đấng đưa đến nhà người em họ ở khu Kim Liên cắt mấy chén thuốc nam rồi nhảy xe 38H về thẳng. Ai dè mấy thang thuốc ấy lại làm căn bệnh của o thuyên giảm, giảm đến mức chỉ uống vài chục ngày mà từ thập tử nhất sinh, giờ đây o đã gần như bình thường, đó là nói về sắc thái bên ngoài của o.

Hóa ra ông Tiến và ông Đấng đều là cựu binh xe tăng nhập ngũ một lần và trước đây cùng chung đơn vị. Sau này, một đi học trưởng xe, một làm thầy dạy văn hóa cho bộ đội (ông Tiến đã từng dạy học trong một đơn vị với nhà thơ Hữu Thỉnh), rồi sang công binh, đi làm hầm cho tàu phóng lôi của hải quân ở Hạ Long, rồi gắn liền với cuộc chiến đấu thầm lặng của bộ đội công binh suốt mấy chục năm trời cho đến lúc về hưu. Tưởng chỉ có mấy anh em, chốc lát cuộc hội ngộ tăng dần khi chúng tôi ngồi chưa ấm chỗ. Sáu bảy người toàn lính về hưu trong xóm đến chơi, rượu nếp lại tràn ly.

Lê Hồng Xanh đặt chén rượu xuống bàn, xoay sang phía ông Đấng:

- Tôi còn nhớ trước bữa tôi nhập ngũ mấy ngày, có một đoàn tăng nghỉ lại đây, ngay những lùm tre cháy khô vì nắng và bom Mỹ ở cái chợ Hội này. Tối hôm nọ lên đường vào Nam, có một xe đã rơi lật ngửa ở cầu Chào nhà ta. Dân quân xóm bở hơi tai mới bê được cu cậu lên để phủi khu chạy cho kịp đội hình.

O Hường bật cười:

- Thì đoàn ông ấy chứ ai. Đơn vị nghỉ đâu ngoài thị xã Hà Tĩnh, mấy xe tiền trạm nằm ở đây. Ông ấy mượn xe đạp của đơn vị về nhà một lát rồi bảo tôi cùng đi đón anh em. Các anh lính mở nắp xe bảo tôi vào xem. Tôi vừa chui vào thì máy bay bỏ pháo sáng trưng cả trời đất. Đợt đó đi mãi đến cuối năm 69 mới ra.

Ông Tiến hỏi:

- Lúc ấy ông cùng đơn vị nào đi vào?

Ông Đấng dướn đôi lông mày lưỡi mác, tay nhổ sợi râu cằm:

- Hồi anh ở cây số 8 Tam Đảo thì đó là E202, tháng 6/67 đoàn 177 được tách ra từ đó. Đó là một tiểu đoàn thiết xa gồm 22 xe tăng lội nước PT76 của Liên Xô do ông Lê Ngọ làm D trưởng. Bùi Xuân Tùng là chính trị viên. Ông Tùng mang theo chiếc xe đạp cá nhân của mình làm phương tiện liên lạc và chạy tiền trạm. Chúng tôi đi tàu hỏa từ Tam Đảo vào ga Ninh Bình, qua dốc Run Thanh Hóa, dốc Bò Lăn Nghệ An vượt qua sông Lam, sông La rồi về Bãi Vọt theo đường 1A, vượt sông Gianh ở phía trên phà 3. Tại đây chính đại tá Nam Long trực tiếp chỉ huy cuộc vượt sông của đoàn tăng. Cuối tháng 6 chúng tôi vào ga Thượng Lâm và dừng lại đó. Tháng 9/1967 vào Nông trường Quyết Thắng Vĩnh Linh đào hầm cho xe chui xuống, còn người thì đánh máy bay và tập chiến thuật bộ binh.

Ông Tiến bảo chúng tôi:

- Hồi ấy có tăng lội nước PT76 là ghê rồi. Loại này hỏa lực dày đặc bởi ngoài sơn pháo 76,2 ly còn có cả súng 12 ly 7 và 2 khẩu đại liên Măc xim bắn đạn 6,7 ly. Tốc độ tối đa của xe lên đến 40km/giờ, chạy đêm có kính hồng ngoại không cần đèn pha gầm cũng đi được.

Thấy câu chuyện đột ngột chuyển sang nghề nghiệp của tôi, Lê Hồng Xanh nhảy vào:

- Các bác cứ uống đi, lai rai đi. Thằng này (chỉ tôi) nó khôn lắm. Nó lấy tư liệu đấy. Mày phải trả nhuận mồm cho các cụ ấy chứ. Mày biết bao nhiêu máu, mồ hôi và nước mắt mới có của quý cho mày ngày nay. Mày lấy rồi thành ra tác phẩm của mày, nhuận bút mày hưởng, giải thưởng mày nhận, các cụ được gì mà cứ bắt các cụ khai mãi.

Trời ạ - Cái thằng láu cá nó xỏ tôi đấy. Chả là bài ký của tôi về ông Đấng - đoạn đại thắng mùa xuân 75 - được giải 3 của Hội nhà báo và tôi được thưởng những 200.000 đồng thì chính nó bắt tôi khao một bữa xương bò hầm ở quán phở Toàn nổi tiếng mà. Nhưng cú chen ngang này thật là tai hại. Các cụ đang hứng chuyện cũ, tôi lại đang cần “người dẫn chương trình” - Khéo không làm cụt hứng cả người kể lẫn người nghe thì cu truốt. Tôi cười trừ:

- Tao chưa phạt đến mày đấy con ạ. Mà nếu đến phiên thì tao viết cái thằng lính cậu trong bảy năm làm văn nghệ tán được mấy em.

Ông Tiến gắt:

- Im nào! Hai thằng bây lộn xộn, tao phạt một chén đấy.

Ông Đấng chậm rãi, cái chậm rãi vẫn như toát ra từ cái thân hình chắc nịch của ông:

- Nằm chờ dài ruột ở bắc Bến Hải mấy tháng trời - là xe tăng chờ ấy - còn bọn tôi không thiếu việc gì phải làm, nhưng thật lòng thì anh nào cũng muốn được làm phận sự của mình: ngồi vào xe, ào qua bờ Nam mà càn một trận. Càn cho bọn Mỹ biết rằng chúng ta, ngoài tinh nhuệ đã đi đến hiện đại để đương đầu với chúng. Cuối tháng 11 năm 67, Tư lệnh binh chủng Đào Huy Vũ và Chính ủy Nguyễn Ngọc Quang vào trực tiếp chỉ đạo. Tư lệnh Mặt trận B5 Đàm Quang Trung đến tận nơi giao nhiệm vụ cho chúng tôi chuẩn bị tiến vào Khe Sanh đánh trận Làng Vây.

Tôi chợt nhớ có lần ông bảo đã từng kéo xe tăng ngược sông vào đánh Làng Vây và cũng từng nghe rằng lần đầu tiên xe tăng ta xuất hiện trên chiến trường miền Nam là trận này. Thuở đó có người còn kể rằng để bí mật đưa xe vào Làng Vây và Tà Mây, bộ đội ta đã phải mổ tăng ra từng bộ phận, từng cụm chi tiết nhỏ rồi dùng sức người, sức voi tải vào sát nách địch, lắp ráp tại chỗ, bất ngờ tiến công làm cho bọn Mỹ kinh hồn. Ai tin thì tin, không tin thì thôi. Chỉ biết là xe tăng đã vượt qua mạng lưới trinh sát dày đặc của Mỹ, từ hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra đến bọn trinh sát trên trời, ngoài biển, dưới đất, trong rừng...áp sát căn cứ Làng Vây rồi bất ngờ xuất kích tiêu diệt chúng là sự thật lịch sử. Tôi nôn nóng:

- Từ Nông trường Quyết Thắng, các bác vào Làng Vây theo đường nào?

- Tăng đoàn 177 không được dự trận này. Những cổ tăng ấy phải nằm nguyên vị trí cũ cùng phần lớn cán bộ chiến sỹ của nó. Gần một nửa đơn vị trong đó có tôi được lệnh vượt thượng nguồn sông Bến Hải, xuyên rừng đi về phía Tây Nam. Tại một bờ sông nằm giấu mình dưới rừng cây đại ngàn, chúng tôi được gặp các đồng đội của mình vừa từ miền Bắc vào. Đó là C9 của tiểu đoàn 198, họ đi từ Hòa Bình. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúng tôi được bổ sung ngay vào đơn vị mới. Mười một cỗ tăng PT76 lần lượt trườn xuống dòng sông đêm. Đã sắp tết Mậu Thân, trời tạnh ráo mà se lạnh, sông Sê Pôn (mãi sau này tôi mới biết đó là sông Sê Pôn) lấp loáng khoảng sáng của sao, khoảng tối của rừng như chợt rùng mình dâng nước cao hơn bởi được đong đầy những xe, những người, bởi râm ran tiếng người, tiếng lội nước lao xao. Chúng tôi, được sự giúp sức của công binh Trung đoàn 7, chống chèo, xô, đẩy những khối thép nặng 24 tấn nổi bập bềnh trên nước đi ngược dòng sông tiến về cứ điểm địch. Nhờ trời đầy sao, tôi biết chúng tôi đang tiến từ phía Nam vào Làng Vây. Theo kế hoạch tác chiến của binh chủng hợp thành, đại đội tăng số 9 của chúng tôi đi cùng Sư 325 có D3 công binh của E7 phối hợp, đảm nhận hướng chủ công đánh lên từ hướng chính nam, hướng thứ yếu: đại đội 3 tăng cùng Sư đoàn 304 từ phía Tây xáp đến, quyết chiến điểm là sở chỉ huy của trại lực lượng đặc biệt Mỹ - ngụy. Tôi nhớ hôm đến giao nhiệm vụ cho đơn vị, Tư lệnh mặt trận B5 Đàm Quang Trung chỉ rõ: “Âm mưu của Mỹ là dùng Khe Sanh làm mồi nhử chủ lực ta tập trung để tiêu hao bằng hỏa lực mạnh của không quân, pháo binh cộng với các lực lượng hải quân, lục quân Mỹ tinh nhuệ và hiện đại. Khe Sanh nói chung và căn cứ Làng Vây nói riêng là bàn đạp phía Tây để chúng nống ra Bắc, sang Lào nhằm ngăn chặn đường tiến xuống chiến trường Trị - Thiên, đường tiếp tế cho Tây Nguyên, Nam Bộ của ta khi có điều kiện, từ đây chúng sẽ vượt sông Bến Hải tiến ra miền Bắc. Cứ điểm Làng Vây, cùng với Tà Cơn và chi khu Hướng Hóa tạo thế chân vạc tựa lưng vào nhau thành tập đoàn kiểu Điện Biên Phủ, nhưng là Điện Biên Phủ để nhử mồi ta. Vì vậy, bí mật, bất ngờ, chắc thắng là quyết tâm chiến lược của trên”... Hì hụp trên dòng sông đêm lạnh lẽo, chỗ dòng sâu thì chống, chèo, kéo, đẩy. Chỗ nước nông xe không kéo được thì pháo binh bắn áp chế ngụy trang tiếng động cho xe nổ máy trườn lên. Đêm tối, xe không dùng đèn, vừa bằng kính hồng ngoại, vừa nhờ anh em công binh làm lộ tiêu cho xe đi tới... Đến sáng, cả 11 chiến xa đã vào vị trí tập kết an toàn.

Ông Tiến gật gù:

- Mãi đến 72 tôi mới vào đến Quảng Trị, có nghe loáng thoáng chuyện này nhưng lại nghe là tàu há mồm của Hải quân chở tăng vào đổ ở Cửa Việt. Bọn tôi bất ngờ quá, hồi đó đang cả vạn quân Mỹ rải sát phía đông Quảng Trị, tàu chiến địch giăng giăng có thánh cũng không dám đưa tàu ngầm chở xe tăng nổi lên ở đó. Rồi còn sáu bảy chục cây số để ngược Khe Sanh. Cũng chỉ có cách từ Lào sang là hợp lý.

Bằng một cử chỉ đồng tình, ông Đấng gật đầu:

- Mà các cụ nhà mình gớm thật. Kín như bưng. Lúc cánh 177 chúng tôi đánh ghen với 198. Ai đời hăm hai chiếc tăng áp sát giới tuyến gần nửa năm trời chịu bao nhiêu đạn bom của pháo bầy từ Cồn Tiên, Dốc Miếu của phản lực, của B52 để rồi nằm im lìm nghi binh, còn mình thì đi phối thuộc. Nhưng nghĩ lại thì thánh thật. Vì dù bí mật bao nhiêu, bọn tôi cũng bị đánh hơi, chí ít cũng đã bị dòm ngó, còn 198 từ Hòa Bình lặn lội cả ngàn cây số đường bị phong tỏa, đột ngột lội ngược dòng Sê Pôn để đột kích Khe Sanh. Phần nữa, sau này khi trận Mậu Thân bùng nổ, cả hai cánh tăng 198 tây Quảng Trị và 177 bắc Bến Hải đều chỉ là lực lượng dự bị chiến lược. Còn lính tăng, một bộ phận cắp AK, thủ pháo cùng chủ lực 325 đánh vào Huế, cả trọng pháo bờ bắc cũng không theo bước bộ binh thì mới biết các cụ nhà mình chưa cho Mậu Thân làm đòn cuối cùng của cuộc chiến tranh. Vì vậy, khi mà hết gạo, hết đạn, sau 17 ngày chiếm giữ Huế, bọn tôi còn có dịp quay về để đưa xe xuyên Trường Sơn đánh vào Plây Cần năm 1969, tham chiến ở Đường 9 - Nam Lào, Đắc Tô – Tân Cảnh, Buôn Ma Thuật sau này.

Ông Tiến chợt quay về dĩ vãng:

- Khỏe nhất binh chủng đấy các chú ạ (chỉ vào ông Đấng). Hồi còn huấn luyện ở Tam Đảo, ông ấy ném lựu đạn xa 76 mét vẫn trúng mục tiêu. Cái bánh dẫn hướng xích xe tăng nặng gần tạ thông thường vẫn bốn người khênh mà mình ông ấy tháo ra, lắp vào nhẹ bẫng.

Tôi đùa:

- Chả trách họ điều bác từ 177 sang 198 để vác xe tăng vào Làng Vây.

- Cũng được cái sức khỏe trời phú mà hồi vào Huế trận Mậu Thân, gạo hết cả tuần phải men theo bờ biển Quảng Trị rút về, nhịn đói cả tuần mà tôi vẫn hộ tống được mấy anh em. Vào chiến trường Tây Nguyên, bệnh ngã nước, sốt rét là thế, riêng tôi nó vẫn chừa ra.

Ông cười. Chúng tôi cười. O Hường cũng cười. Cạn với nhau ly nữa, ly nữa.

Phải khuya lắm chúng tôi mới chia tay nhau. Có hai thằng chếch choáng say vừa trèo lên xe máy đã lăn chiêng ra đất, đè bẹp cả hàng rào tre nhà ông. Lại cười râm ran cả mảnh vườn xuân đang nở đầy hoa mận trắng. Trong ánh điện rực rỡ từ mái hiên hắt vào hun hút đêm sâu, mưa xuân rây đầy trên mái tóc ông đã điểm bạc, những lọn tóc xoăn xòa xuống vầng trán rộng với vô số nếp nhăn như vết xích xe tăng – không, là vết xích thời gian – chẳng bao giờ chịu mờ phai trong ký ức người lính chiến.

B.Q.T

Bùi Quang Thanh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 70 tháng 07/2000

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground