Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 01/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xứ Nghệ mảnh đất tình người

 

G

iống như một định mệnh tôi trở về làm dâu xứ Nghệ. Mảnh đất hơn ba mươi năm về trước tuổi thơ tôi lớn lên bình yên trong sự cưu mang chở che của tình người nồng hậu. Nói sao hết những nỗi niềm xúc động đang trào dâng trong lòng. Tôi như đứa con trở lại quê nhà sau bao nhiêu năm trời xa cách, những kỷ niệm về một thời xa lắc như cuốn phim vô hình tái hiện trong đầu. Có cái nhớ, cái quên, lúc đúng, lúc sai, nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn, tôi mang một nỗi nhớ thương da diết, về hình bóng của nhũng người thân yêu, ruột thịt đã một thời dang rộng vòng tay ôm ấp tôi, một đứa trẻ Vĩnh Linh sơ tán thời chiến tranh chống Mỹ.

Vào nhũng năm 1965-1972 vĩ tuyến 17 - mảnh đất đầu cầu giới tuyến Vĩnh Linh, hậu phương gần nhất của miền Nam đã trở thành chảo lửa. Nơi đây chiến tranh tàn khốc, bom đạn ác liệt vô cùng. Những người dân kiên cường đất lũy thép đã giáng trả quyết liệt vào sự hung hãn của kẻ thù. Họ gửi vợ con về phía sau hậu phương lớn miền Bắc để yên tâm ở lại bám đất đánh giặc với một khát vọng bỏng cháy: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Lúc này Đảng và Nhà nước ta có một chủ trương lớn là đưa con em Vinh Linh ra vùng an toàn với những đợt đi K8, K10, tức là ra Thái Bình, Nghệ An, Thanh Hóa. Trong dòng người chạy giặc ấy có tôi cô bé con chưa tròn bốn tuổi ngồi tòng teng trong đôi quang gánh của mẹ vượt hàng trăm cây số ra mảnh đất Tân Kỳ - Nghệ An. Trong suốt chặng đường đi, qua bao gian truân, vất vả, cuối cùng thì chúng tôi đã đến nơi an toàn.

Mảnh đất đầu tiên chờ đón chúng tôi là nông trang Nghĩa Bình, một nông trang làm ăn tập thể, xây dựng theo mô hình kiểu nông trang như ở Liên Xô cũ (sau này lớn lên tôi hiểu như thế). Mới đầu chưa có nhà ở, mỗi gia đình nông trang nhận một gia đình sơ tán. Bốn mẹ con tôi ở nhà bà Hồng (tên thường gọi của bà). Nhà bà Hồng có năm người: Bà, o Hồng, o Nho, o Huệ, chú Ngọ. Ba mươi năm đã trôi qua, trong ký ức non nớt thơ ngây ngày nào, tôi vẫn còn nhớ như in: Con đường đến nhà bà, hai bên xanh mướt mía, tiếp đến là chuồng trâu, nhà bếp, cái sân gạch. Trong căn nhà nhỏ, có một ổ rơm, mấy nong tằm đang rộ. Mộc mạc thế thôi nhưng tấm lòng người dân xứ Nghệ nhân hậu bao dung, chân tình, ấm áp vô cùng. Những tình cảm ruột thịt, thân thương nhường cơm, xẻ áo, chia ngọt xẻ bùi của người dân nông trang Nghĩa Bình đã thật sự làm yên lòng những người con đất Vĩnh Linh trong chiến tranh loạn lạc.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chúng tôi đã được sống những tháng ngày thật hạnh phúc, êm đềm. Tôi bé nhất nhà nên ai cũng chiều. Bà Hồng thường ẳm tôi vào lòng, giọng nói xót xa: "Chao ôi, tội nghiệp cháu của bà, bé bỏng thế này mà phải vất vả chạy giặc. Tổ cha cái thằng giặc Mỹ”. Nói rồi bà cứ hít hà mãi mái tóc khét mùi nắng bụi của tôi. Đi đâu, làm gì tôi cũng lẽo đẽo theo bà như một cái đuôi. Bà ăn trầu móm mém, gương mặt nhăn nheo phúc hậu, cặp mắt bao giờ cũng như cười vậy. Hồi đó tôi nghịch lắm, mỗi lần bà cho tằm ăn tôi thường bốc tằm ra khỏi nong, không biết sợ là gì, những con tằm bò lổm ngổm trên mặt đất. Bà thấy vậy nhưng không mắng bao giờ chỉ chửi yêu tôi:

- Cha mày, phá hết của bà...

 Nói rồi lụm cụm bà ngồi nhặt lại những con tằm bò lổm ngổm trên mặt đất. Bao nhiêu năm đã trôi qua, những kỷ niệm về bà dường như mới hôm qua. Tuổi thơ tôi lớn lên có một phần nào bao bọc, yêu thương của bà... Trong hành trang của cuộc đời mình, tôi luôn mang theo kỷ niệm và hình bóng người bà kính yêu cùng với nỗi nhớ thương day dứt. Nỗi niềm cứ dâng đầy theo năm tháng bởi những điều chưa làm được. Một thời gian dài sau khi đất nước hòa bình, trở về quê nhà làm ăn sinh sống, cái đói, cái nghèo đeo đẳng mãi. Trong hoàn cảnh chung của đất nước, để có tiền bạc, phương tiện đi lại thăm nhau là điều không đơn giản. Cuộc sống đói nghèo đôi khi làm cho con người ta không thực hiện nỗi những điều mình mong muốn. Để rồi sau bao nhiêu năm trôi qua tất cả chỉ là niềm thương nhớ về mảnh đất tình người xứ Nghệ. Nhũng kỷ niệm một thời cứ đau đáu mãi trong nỗi xót xa ân hận, dày vò.

Hồi đó, để ổn định sản xuất lâu dài, nhân dân Tân Kỳ đã dụng nhà cho chúng tôi. Những ngôi nhà đơn sơ, lợp tranh, vách đất nằm sát bên bến đò Hòn Rô. Đó là một phần máu thịt, một phần cuộc sống của đồng bào Tân Kỳ chia sẻ

cho nhân dân Vinh LInh. Giản dị, mộc mạc nhưng nó đã tồn tại vĩnh cửu trong tình cảm của con người như một biểu tượng tuyệt đẹp về tình cảm hậu phương và tiền tuyến. Nó không còn là nơi trú ngụ bình yên, chở che mưa nắng đơn thuần.

Ngôi nhà mới của chúng tôi, cách nhà bà Hồng khoảng ba cây số. Hàng ngày, mẹ đi làm, ba chị em tôi lại dắt díu nhau qua nhà bà. Tôi vẫn còn nhớ như

in con đê làng bắc ngang qua sông nối giữa nhà tôi và nhà bà. Hồi đó, tôi cứ nghĩ đó là sông Lam nhưng mẹ tôi bảo không phải. Trên bờ đê có một chiếc máy bơm nước suốt ngày ồn ã, tuôn nước trắng xóa ra đồng. Đây là điểm dừng chân lâu nhất trên đường tới nhà bà, vì chú Ngọ là người chạy máy bơm. Chúng tôi thường ở lại chơi với chú rất lâu, nghe chú kể chuyện, chú bắt cua cho chơi chán rồi mới đi. Đến nhà bà thì cũng vừa trưa, chúng tôi lại ăn cơm luôn. Trưa nào cùng có món nhộng xào thơm lựng, món ăn sang nhất mỗi khi có chúng tôi sang. Ăn xong, ba chị em tôi lăn ra ngủ. Hơi ấm từ bà, tử ổ rơm đã ru cho chúng tôi những giấc ngủ yên lành, mơ những giấc mơ đẹp đẽ êm đềm không có mùi của bom đạn và khói lửa của chiến tranh.

Có những hôm, chúng tôi không sang chơi nhà bà, thấy nóng ruột bà thường nhắc chú Ngọ sang xem có đứa nào đau ốm gì không? Bà gửi cho chúng

tôi những món quà dân dã như củ khoai, củ sắn. Thật đơn sơ mộc mạc nhưng đó

là cả một tấm lòng. Nhớ nhất là những giỏ cua đồng chú Ngọ bắt gửi sang, những con cua rang muối, vàng óng, giòn rụm.

Có lẽ chính những điều ấy, đã nâng bước cho tâm hồn tôi lớn lên, hòa quyện vào trong máu thịt tôi. Suốt ba mươi năm qua, một quãng thời đủ cho mọi thứ đi vào quên lãng. Nhưng những gì mà tuổi thơ tôi có trên mảnh đất Nghệ An vẫn là nhũng kỷ niệm không thể phai mờ trong tâm trí. Nó gần gũi mà thiêng liêng. Để rồi mãi mãi niềm thương nhớ về một mảnh đất nghèo nhưng đầy tình cảm luôn ngự trị trong trái tim tôi. Có phải vì cách đây ba mươi năm, khi chiến tranh kết thúc trở lại quê nhà, một phần đời tôi đã gửi lại nơi đây, hóa thân vào đất. Trong hành trang của cuộc đời mình tôi đã mang theo trọn vẹn quãng đời thơ ấu ấy.

Không chỉ riêng tôi, mà mẹ, chị gái tôi cũng vậy, không ai có thể quên những năm tháng gian truân, vất vả, nhưng chan chứa tình người trên mảnh đất Tân Kỳ, Nghệ An thuở ấy. Có ở trong hoàn cảnh như chúng tôi mới hiểu, mới cảm nhận một cách trọn vẹn điều mà nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn

Xin cảm ơn nhà thơ đã nói hộ lòng ta điều mà ta không thể nào lý giải được; vì sao bao nhiêu năm đã trôi qua, ý nghĩ tìm về cứ thôi thúc mãi trong lòng với một nỗi niềm khắc khoải, khôn nguôi. Nhất là khi cuộc sống đã đỡ hơn

nhiều so với ngày xưa thì ý nguyện tìm về nơi chốn cũ lại càng da diết hơn bao giờ hết. Thời gian đã trôi qua, vật đổi sao dời, biết ai còn, ai mất ? Không tin tức

thư từ, không địa chỉ rõ ràng. Ngay cả tên thật của bà cũng không biết. Hồi đó, ba chị em tôi còn nhỏ quá, mẹ tôi bây giờ thì đã già rồi, trí nhớ không còn minh

mẫn nữa. Mà cũng lạ, hồi đó hầu như không ai để ý đến tên họ thật của nhau làm gì, chỉ gọi bằng tên con thôi. Quả thật nhiều lúc tôi cảm thấy như mò kim đáy bể.

Tôi còn nhớ cách đây mấy năm, có một đoàn cán bộ ở Tân Kỳ vào thăm Vĩnh Linh. Nghe tin mẹ con tôi chuẩn bị đi đón đoàn từ sớm, hy vọng sẽ gặp lại người thân. Nhưng khi đoàn tới, nhìn vào đôi mắt mẹ, tôi biết mình thất vọng mất rồi. Tôi chạy một mạch về nhà, vừa khóc, vừa viết một lá thư dài trong nhạt nhòa nước mắt, hy vọng thư sẽ đến tay bà Hồng, hay o, chú để có thể nối lại liên lạc sau bao nhiêu năm xa cách. Nhưng rồi vẫn bặt vô âm tín. Gia đình tôi cứ nghĩ: Có lẽ sau khi nông trang giải tán, bà đã đưa o, chú về quê bà ở Diễn Châu rồi. Nhưng tôi vẫn không hề thôi ý nghĩ: phải tìm ra bà và các o, các chú.

Bây giờ các phương tiện đi lại, cũng như các phương tiện thông tin đại chúng đều có thể sử dụng một cách dễ dàng, tiện lợi, nhanh chóng. Không lẽ gì mình lại không làm được điều mà cả gia đình khao khát kiếm tìm trong mấy năm qua. Ngày tôi lấy chồng là người xứ Nghệ, mẹ đã mừng biết bao nhiêu. Mẹ

đã hy vọng tôi sẽ có điều kiện để tìm về nơi chốn cũ. Và cuối cùng thì tôi đã làm được điều mà mẹ tôi ao ước, bởi tôi đang có trong tay địa chỉ của bà Hồng, của các o, chú Ngọ. Một anh bộ đội, quê ở Yên Thành đã tình nguyện giúp tôi. Không địa chỉ rõ ràng, tất cả chỉ mang máng thế thôi, vậy mà Tuấn đã tìm ra, sau hai ngày mày mò, thăm hỏi. Tôi không thể nói hết nỗi vui mừng khi nghe tin ấy, tôi hỏi Tuấn rằng:

- Sao em giỏi thế?

Tuấn cười bảo với tôi:

- Tình cảm của dân Vĩnh Linh sâu nặng như thế, huống hồ chi em là dân Nghệ An mà không làm được điều đó cho chị hay sao.

Quả thật tôi chỉ biết cảm ơn em mà thôi, bởi em đã đem lại cho gia đình tôi một niềm vui quá lớn. Trong nỗi xúc động nghẹn ngào, chúng tôi háo hức chuẩn bị cho một cuộc trở về. Thu xếp công việc, tôi cắt phép đưa mẹ và chị lên

đường. Ngày mai, ngày mai, suốt đêm, cả nhà tôi không ai ngủ.

Từ Vĩnh Linh, chúng tôi đón xe vào lúc chập tối, để sáng ra đến Vinh kịp đón xe về Nghĩa Bình, Tân Kỳ. Bây giờ không còn tên gọi là nông trang Nghĩa Bình nữa mà đã trở về tên xóm, tên làng như cái tên gọi thân thương của ngàn năm xưa cũ. Xóm 6, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ là nơi chúng tôi sẽ đến. Chúng tôi đã có một chuyến đi đầy ý nghĩa. Trên chặng đường này cách đây ba mươi năm về trước cũng đã có một chuyến đi nhưng nó không giống như chuyến đi này.

Nỗi niềm ngày gặp mặt đã làm chúng tôi quên hết mọi nhọc nhằn vất vả. Dọc đường từ Vinh lên Nghĩa Bình mẹ tôi như rõ mồn một, tuy cảnh vật đã khác xưa rất nhiều.

Mẹ tôi bảo:

- Ngày xưa con đường này nhỏ lắm, cây cối rậm rạp, âm u, nhà cửa thưa thớt. Bây giờ đường sá thênh thang, nhà cửa, dân cư đông đúc, quán xá mọc lên nhiều.

Có lẽ trong suốt bao nhiêu năm qua, dẫu cuộc sống thật bộn bề vất vả, nhưng mẹ tôi đã không hề quên một điều gì. Nhất là khi những ngõ ngách thôn xóm đã một thời gắn bó giờ đây đang hiển hiện ra trước mặt. Bồi hồi, xúc động mắt mẹ tôi cứ nhòa đi, nhòa đi theo dòng hồi tưởng. Rồi giây phút hồi hộp nhất cũng đã tới. Chưa tới cửa nhà bà, hai chị em tôi đã hét toáng lên như thuở còn thơ bé:

- Bà ơi chúng cháu đã trở về đây.

Vì đã được báo trước, cả nhà bà vui mừng ra đón chúng tôi. Vẫn còn đây, tất cả vẫn còn nguyên vẹn, ơn trời, vậy mà đã có lúc, chúng tôi nghĩ không còn được gặp bà. Số phận đã không quá tàn nhẫn đối với chúng tôi. Bà đã 82 tuổi, minh mẫn, khỏe mạnh, chỉ có đôi mắt hay cười là không còn nhìn được nữa. Bà ơi chúng cháu đã trở về thăm bà đây, không còn là những đúa trẻ như ngày xưa nữa, chúng cháu đã trưởng thành, khôn lớn lên nhiều rồi bà ạ.

Đưa đôi tay gầy guộc, nhăn nheo, bà xoa đầu hai chị em tôi rồi nói:

- Ôi, các cháu lớn thế này rồi ư? Bà mừng quá, vui quá, bà đâu nghĩ có ngày hôm nay.

Đúng là ba mươi năm mới có một ngày trong nụ cười, có cả nước mắt rưng rưng. Bao câu chuyện hàn huyên kể mãi dường như chẳng có hồi kết thúc.

Ai cũng nhắc dân Vĩnh Linh vừa thông minh vừa cần cù. Làm gì cũng được, trồng khoai sắn củ vừa to vừa nhiều, lại còn biết chế biến ra món bánh sắn độc đáo nữa.

Cả một quá khứ vui buồn chia sẻ như được tái hiện lại, dẫu bao nhiêu sự kiện, biến cố đã xảy ra trong một quãng thời gian dài xa cách. Bây giờ các o, chú đã có cháu nội, ngoại sum vầy. Mỗi người có một cuộc sống riêng, ai cũng già đi nhiều. Một phần bởi thời gian, một phần vì đời sống quá chật vật. Chiến tranh đi qua đã ba mươi năm nhưng sự đổi thay trên mảnh đất này quả là không

đáng kể. Căn nhà ngày xưa của bà hầu như không hề thay đổi, mái ngói nhuốm

 màu thời gian bạc phếch, đồ đạc trong nhà cũng không có gì nhiều. Hình ảnh của bà, của các o, chú, những người nông dân thật thà chất phác, hầu như cả đời

chưa hề bước ra khỏi lũy tre làng luôn sống trong an phận đã làm tôi suy nghĩ mãi: Tại sao những người tốt, nhân hậu lại cứ nghèo khổ mãi vậy? Những năm gần đây Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đầu tư phát triển kinh tế nông thôn, nhất là những vùng sâu vùng xa. Nhiều nơi đã phát triển mạnh về mọi mặt, đời sống đã được nâng lên một bước, khoảng cách giữa nông thôn, thành thị được rút ngắn phần nào. Ấy vậy mà ở mảnh đất tình người, nơi bà, các o chú tôi đứng

chân vẫn còn quá nhiều vất vả thiếu thốn!..

Tôi có dịp đi chợ quê ở Nghĩa Bình. Cũng giống như mọi miền quê khác, chợ chủ yếu là nhũng mặt hàng thiết yếu như: muối, mắm, rau dưa thịt lợn. Người bán vồn vã chào mời, người mua dè dặt. Đồng quà tấm bánh lao xao. Tôi cảm thấy vui lây với không khí ở chợ quê này. Phương Hoa cô con dâu của o Hồng dẫn tôi đi chợ, đã nói với tôi:

- Chị thấy đấy nông thôn bây giờ chợ búa hàng hóa cũng nhiều. Nhưng làm ra đồng tiền khó quá, nhiều nhà, con lại đông thành ra khi đi chợ phải trả giá từng đồng. Đến khi mua xong thì trời đã trưa mất rồi. Cuộc đời cứ quẩn quanh như thế đó chị ạ...

Mẹ con tôi ở chơi được ba ngày rồi cũng phải sắp xếp về quê. Ngày tạm biệt đã đến gần nhưng không ai muốn nói ra điều ấy, bởi ai cũng bùi ngùi vì sắp phải chia xa. Ai cũng muốn mẹ con tôi ở lại thêm nữa, ăn những bữa cơm thân mật gia đình. Dù không có những món sơn hào, hải vị, không có mâm cao cỗ đầy nhưng làm cho ta nhớ mãi, bởi sự ấm áp, chân tình, chung thủy, sắt son của người dân xứ Nghệ. Ai cũng hiểu rằng, có thể hôm nay rồi mãi mãi, sự xa cách về không gian, thời gian, điều kiện đi lại có muốn thăm nhau cũng không phải dễ dàng... Ba mươi năm mới có một ngày đó thôi. Dẫu không muốn, nhưng cái gì đến đã đến. Ôm bà, tôi nức nở, bởi linh cảm một điều rất rõ đây sẽ là lần gặp bà cuối cùng. Bà ơi, cháu cầu chúc bà sống lâu muôn tuổi. Cháu có còn gặp lại bà nữa không? Những giọt nước mắt chảy dài trên khuôn mặt nhăn nheo của bà làm lòng tôi thắt lại. Người đi không bước nổi, người ở lại không muốn rời xa. Tình đất tình người níu lòng tôi ở lại ...

Tạm biệt mảnh đất đầy ân sâu nghĩa nặng, tạm biệt tất cả người thân, mong ngày gặp lại thật gần. Dần khuất sau luỹ tre làng, tôi ngoái đầu nhìn lại, chưa ai muốn quay về. Tôi quay đi giấu niềm xúc động trào dâng và chạnh nghĩ: Tất cả vật chất phù du rồi sẽ tan biến đi trong cuộc đời này, chỉ có nhũng tình cảm chân thành, cùng với giá trị đích thực của con người là còn mãi với thời gian.

Quảng Trị, tháng 8 năm 2000

                                                                                        T.T.H.

Trần Thị Hương
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 74 tháng 11/2000

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

02/07

25° - 27°

Mưa

03/07

24° - 26°

Mưa

04/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground