Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân gọi niềm tin từ mỗi người Quảng Trị

Nếu muốn diễn tả về sự lạc quan của người Quảng Trị bạn sẽ chọn đặc điểm gì? Với tôi, có lẽ đó là cái tính thích nói… trạng! Ở Quảng Trị có cả làng nói trạng, có nhiều nhân vật nói trạng đi vào văn học dân gian, và bây giờ không chỉ ngay trên quê hương mà ngay cả những “Quảng Trị kiều” - những lưu dân đang lưu lạc đất khách quê người đến tận nửa vòng trái đất thì gặp nhau luôn là những câu đùa rất… trạng!

Nụ cười vùng cao - Ảnh: Phan Tân Lâm

Nụ cười vùng cao - Ảnh: Phan Tân Lâm

Nói trạng kiểu Quảng Trị không phải là nói láo, là bốc phét, là trên trời dưới đất, nó là một thái độ sống trước nghịch cảnh. Đất Quảng Trị với cái cụm từ “Ô châu ác địa” thì mọi người đã nói nhiều rồi, cùng với nó là những thành ngữ mà mỗi lần đọc lên, nếu yếu bóng vía thì người nghe chỉ có nước xây xẩm mặt mày kiểu “chó ăn đá gà ăn sỏi” mùa nắng thì nổ cả đốt tre, mùa mưa thì mưa thối đất (nay hiện đại hơn có thêm cụm từ “mưa thối cả… bê tông”). Lạ kỳ là đất cơ cực như thế nên con người muốn tồn tại được phải có cách sống riêng của mình. Ví như chuyện ăn ớt của người Quảng Trị, khách Bắc Nam ghé Quảng Trị đều ngạc nhiên vì mùa hè nóng bỏng như lột da con người ta ra, vậy mà thấy dân Quảng Trị nhai ớt tươi như nhai hoa quả, bát nước chấm thì thấy màu đỏ của ớt thôi đã hoa mắt chóng mặt, vậy nhưng không có ớt, bữa ăn của người Quảng Trị chắc không bao giờ được gọi là ngon. Thế rồi để nói về chuyện ăn ớt của xứ mình, người Quảng Trị lại nói trạng về cái sự ăn cay đó: Rằng có một gia đình Quảng Trị ra Hà Nội sống, nhà có trẻ con, hai vợ chồng đi làm, có một chị giúp việc trông con. Một thời gian, thấy con mình có vẻ gầy đi, hai vợ chồng gạn hỏi thì chị giúp việc bảo rằng nó không chịu uống sữa, chủ nhà bèn bảo: Hằng ngày chị pha sữa cho cháu như thế nào pha cho tôi xem. Thấy chị giúp việc chỉ cho sữa bột và nước nóng quấy đều lên, lúc này hai vợ chồng mới vỗ đầu kêu lên: Trời ơi, bọn em quên dặn chị, bọn trẻ quê em nếu pha sữa cho uống thì cứ ba thìa sữa kèm một thìa ớt bột, sau đó trộn đều rồi đổ nước ấm vào mới cho bé uống (!!!). Rõ là câu chuyện bịa trăm phần trăm, nhưng rất trạng, trạng về sự ăn cay của quê mình, trong cái sự trạng đó có vitamin lạc quan không? Có chứ, khiến mọi người cười té ngửa vì bất ngờ (dù là nói trạng) thì đó là biểu hiện của lạc quan rồi.

Gần 40 năm trước (năm 1984), nhà văn Nguyễn Quang Lập có viết một truyện ngắn, có tựa “Người lính hay nói trạng”. Nhiều tình tiết trong truyện tôi còn nhớ rất rõ, nhân vật tên là Phạm - anh lính hay nói trạng ấy, rất sinh động nếu đem minh họa cho câu chuyện lạc quan của người Quảng Trị. “Phạm nói trạng với bất kỳ đối tượng nào, bất kỳ thời điểm nào, chỉ cần có thời cơ là hắn nói. Sau này tôi mới biết Phạm sinh ra ở cái nơi “nhà nhà nói trạng, người người nói trạng”, đấy là thôn Huỳnh Công, xã Vĩnh Tú, Vĩnh Linh. Những chuyện trạng của Phạm không phải trăm phần trăm nó bịa ra, một phần là gia tài của bà con cô bác ở cái làng ấy”.

Ngọc Mai - quán quân “Ca sĩ mặt nạ” 2022,  cô sinh ra và lớn lên tại quê hương Quảng Trị - Ảnh: NVCC

Ngọc Mai - quán quân “Ca sĩ mặt nạ” 2022, cô sinh ra và lớn lên tại quê hương Quảng Trị - Ảnh: NVCC

Tôi còn nhớ có một đoạn trong truyện đọc mà cười ngất vì lá thư tình của anh lính nói trạng ấy trích thơ của Pushkin để gửi cho cô gái anh yêu nhưng ghi là “thơ của Gorky”, nhưng thấy anh nói trạng quá nên có nói yêu thật thì các cô cũng không tin, thành ra anh biên thư giải thích: “… đừng nghĩ rằng thằng nói trạng là thằng nói láo. Trong rừng lạnh quá, tôi nói trạng cho anh em cười, cười thiệt to, vậy thôi. Đời có nhiều chuyện để khóc nhưng rất ít chuyện để cười. Kẻ nào tìm được nhiều chuyện đáng cười để cho mọi người phấn chấn vui vẻ mà quên hết nhọc nhằn, kẻ đó thực có ích cho đời…”.

Vậy đấy, “kẻ nào tìm được nhiều chuyện đáng cười để cho mọi người phấn chấn vui vẻ mà quên hết nhọc nhằn, kẻ đó thực có ích cho đời”. Nhưng với chất “trạng” tiềm tàng trong mỗi đời dân Quảng Trị, điều đó trước hết có ích cho chính mình. Trên “mảnh đất người đời” này tôi đã chứng kiến bao nhiêu đổi thay, và những đổi thay đó có được có một phần rất lớn nhờ cách mà người Quảng Trị đối đầu với nó. Xưa kia nói “Ô châu ác địa” là ghê gớm rồi, nhưng đó chỉ mới là những thách thức từ thiên nhiên. Còn từ sau năm 1954, mảnh đất này còn thêm một thử thách kinh hoàng nữa là bom đạn. Bom đạn đến mức mà hòa bình mấy chục năm rồi, bom đạn vẫn còn ẩn sâu trong những tầng đất và cướp đi hàng ngàn sinh mạng con người!
Nghĩ về chuyện này tôi chợt liên tưởng hay là ông bà ta xưa đã tiên tri cho chính quê mình qua câu chuyện của một bài ca dao còn gọi là bài ca dao Kẻ Diên mà cố Giáo sư Trần Quốc Vượng từng đánh giá là “hay nhất miền Trung” rằng:

Tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bốn, tháng khốn, tháng nạn

Đi vay đi dạm được một quan tiền

Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái về nuôi

Hắn đẻ ra mười trứng

Một trứng: ung

Hai trứng: ung

Ba trứng: ung

Bốn trứng: ung

Năm trứng: ung

Sáu trứng: ung

Bảy trứng: ung.

Còn ba trứng nở ra ba con

Con diều tha

Con quạ bắt

Con mặt cắt xơi.

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!

Nói theo cách của cộng đồng mạng hay dùng hiện nay, nếu nói về “lạc quan Quảng Trị” thì câu chuyện trong bài ca dao này thật sự là “đỉnh của chóp”!

Còn có ba con gà mà: con bị diều tha, con bị quạ bắt, con bị chim cắt xơi khác nào ví với ba thử thách của miền đất này: đã nóng như thiêu, đã lũ lụt dầm dề lại còn thêm nạn bom đạn hậu chiến rình rập!

Vậy mà người Quảng Trị đã thế nào?

Muốn hiểu rõ tinh thần ấy sau những trận lũ lụt hãy về những mảnh làng Quảng Trị để thấy trên xơ xác tiêu điều của mảnh làng nghèo chồng chất hết cơn lũ này đến cơn lũ khác, họ vẫn “bòn tro đãi trấu” mớ thóc ướt lấm lem kia để có lưng bát cháo gạo hẩm cầm hơi, vun lớp bùn kia, cắm vào đấy dảnh khoai lang để lo cái ăn cho ngày tháng tới. Những em thơ trôi hết sách vở, đến trường với hai bàn tay trắng, trong lớp học trống trơn, nhưng ánh mắt vẫn ngời sáng chăm chú nghe bài giảng, và cho dù không còn gì, các em vẫn còn tiếng hát, vâng, dù chỉ còn tiếng hát trẻ thơ ngân vang giữa sân trường còn phủ ngập bùn non.

Đừng than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây!

Cái triết lý “còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” ấy thật giản dị chân chất mà đầy nghị lực. Sau những cơn lũ được gọi là “đại hồng thủy” tôi thường đi công tác về những mảnh làng quê bị lũ tàn phá. Đêm ngủ ở làng thường thấy thiếu vắng một cái gì, rồi chợt nhớ ra là thiếu tiếng gà gáy sáng bởi những con gà trong vườn nhà đã bị lũ cuốn trôi đi.

Ừ, thì những con gà trong vườn nhà đã bị lũ cuốn trôi đi, nhưng con gà trong câu ca dao vẫn gáy gọi mặt trời lên mỗi ngày, gọi niềm tin nơi mỗi người.

Ôi, Quảng Trị, bao nhiêu hoài vọng vẫn khôn nguôi cháy giữa tim người!

LÊ ĐỨC DỤC

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

15 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

16 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground