Nhà tôi ở quốc lộ, hồi đó, cổng sơ sài, ai cũng có thể ào vào nhà dễ dàng, không phải đứng ngoài cổng gọi ới như bây giờ. Thời đó, người ăn xin, người bán hương dạo, người bệnh tâm thần đi ngoài đường nhiều lắm. Con nít ở nhà rất sợ, tự nhiên đang ngồi chơi, có người đùng đùng vô nhà mình, áo quần rách rưới, ngả nón xin tiền, xin gạo. Mệ tôi sẽ chống gậy xuống bếp, xúc vài lon gạo để cho người ta, tiền bao nhiêu trong túi cũng dốc ra cho hết.
Nhiều bữa, những người mặc đồ nhà chùa đi bán hương dạo ghé nhà, mệ bảo mẹ tôi mua. Mẹ nói thầm, mấy người này giả mạo chứ không phải sư cô sư thầy chi mô. Mệ tôi nói, kệ đi con, mình tin thì mình mất ít tiền, còn không tin thì tội họ lắm, lỡ họ là người nhà chùa, có khó khăn thiệt. Nói chung, ai vô nhà trình bày xin xỏ chi, mệ tôi đều cho đi dễ dàng, còn gắng hỏi chuyện, mời uống nước ăn cơm. Đáng nhớ hơn, mệ cho người ta ngủ nhờ khi họ vào thưa bị lỡ đường, hết tiền về quê. Tôi không biết mệ đã cho bao nhiêu người vào nhà ngủ cùng mệ rồi thủ thỉ nói chuyện, hỏi thăm quê quán, chuyện gia đình. Có lần, sáng ra, người ta lột đôi bông tai vàng của mệ rồi lặng lẽ đi mất. Ba mẹ tôi tưởng qua lần đó, mệ sẽ “giật chắc”, sẽ đề phòng hơn nhưng không hề, mệ vẫn tin người đến lạ. Với lý lẽ, mình tin thì mất chừng đó tiền của thôi, còn họ, họ gặp biến cố, trắc trở thiệt mà mình không giúp thì tội lắm.
Ảnh của Tomy Go
Mẹ tôi hay nói trong đám con cháu đông đúc, tôi giống mệ nhất. Giống từ tích cách đến dáng hình, nên nhiều khi, cái tật tin người, tôi cũng lây mệ hồi nào không hay. Như nhiều bữa đi chợ, thức ăn, trái cây đã mua xong, tay nách xách mang ra bãi giữ xe. Có dì nọ cầm rổ cam đi tới, bảo dì còn từng này, mua giùm để dì về với. Thế là ngó tới ngó lui, kiểm tra lại tiền rồi mua hết mớ cam trong rổ mà chắc mẩm chừng này đem chia mấy nhà ăn cả tuần cũng chưa hết. Lát sau, quên chìa khóa nên quay lại, bắt gặp dì ấy, vẫn cầm rổ cam như lúc nãy và nói với một người khác y hệt. Hẫng hụt là cảm giác thường xuyên sau những cuộc chợ với người đàn bà thiếu kỹ năng và thừa tin người như tôi. Vài lời thật thà như mớ đồ quê nhà dì trồng, thịt này nhà dì nuôi mà không biết xác suất trong đó bao nhiêu “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Mỗi lần như vậy, lại tự nhủ, thôi thì chẳng qua là nghệ thuật bán hàng của người ta mà mình cần chấp nhận. Ai cũng mưu sinh, đó là cách họ mưu sinh đằng sau những gồng gánh, cơ cực, mình vụng về thì đành chịu.
Lần nọ, tôi trò chuyện với ông chú hay bán vé số ở quanh xóm. Ông buồn bã kể chuyện vợ bỏ đi theo người khác, để lại ba đứa con. Ông bệnh tật, phải làm ngày làm đêm để lo cho con cái. Nghe thương cảm, tôi hỏi con chú lớn hay nhỏ, rồi rứt ray về người đàn bà nào đó chắc cũng mang nỗi khổ tâm này nọ. Đem nỗi nghĩ suy chia sẻ với bạn, bạn bảo vậy mình làm gì đó đi. Hai đứa lần hỏi địa chỉ nhà chú để xác minh rồi tìm cách hỗ trợ. Đến nơi, thấy cảnh tượng chẳng thể ngờ. Người vợ nhọc nhằn đi mua nhôm nhựa, thở than về ông chồng nghiện rượu, có đồng nào đều đem đi mua rượu, say xỉn thì đánh vợ mắng con. Tôi lơ ngơ, ngó qua bạn, chẳng biết nói sao. Những hẫng hụt cứ vơi lại đầy, bởi nhiều khi mình gieo niềm tin rộng rãi. Thế nhưng, như mệ tôi, tôi vẫn chọn tin người. Hình dung một đời sống với lòng tin rạn vỡ, phải luôn nghi ngờ, đề phòng với người đối diện, hẳn mệt mỏi lắm.
Còn chuyện tin mình, tôi nhớ ngày nhỏ, mỗi lần đi thi về, ba tôi hay hỏi con làm bài được không. Tôi bảo tôi không biết nữa. Ba nói, nếu học bài tốt thì phải tin vào năng lực của mình chứ. Ba hay dặn, chỉ cần đặt niềm tin vào bản thân thì sự thành công đã được một nửa. Tôi không chắc điều đó cho khoảng gần đây, khi đọc cuốn sách The Secret (Bí mật) của tác giả Rhonda Byrne. Bà là một nhà văn, nhà sản xuất truyền hình người Úc, tựa sách The Secret đã dịch ra 50 ngôn ngữ và bán hơn 20 triệu bản. The Secret chia sẻ về luật hấp dẫn, điều mà tác giả coi là bí mật của đời sống này. Hiểu một cách đơn giản rằng, mọi người mọi vật đều có một tần số riêng, chúng ta sẽ thu hút tần số giống mình về phía mình. Cảm xúc, suy nghĩ chính là tần số rung động của chúng ta. Bạn tin tưởng, hành động và suy nghĩ thế nào thì vũ trụ sẽ lắng nghe, tiếp nhận và trả về một kết quả như bạn nghĩ. Điều này giải thích tại sao người lạc quan, tích cực luôn gặp may mắn, còn người ủ dột, tiêu cực thì luôn gặp xui xẻo. Tức là may mắn tự tìm tới người lạc quan và ngược lại. Do vậy, niềm tin vào bản thân, tin vào điều tốt đẹp, tử tế sẽ giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn.
Lại nhớ ngày trước, ba tôi có sắm đầu đĩa CD với hai chiếc loa khá to để mệ nghe nhạc. Mệ tôi mê tiếng hát của ca sĩ Như Quỳnh, cứ khoảng Tết, nhà tôi luôn vang lên nhạc phẩm “Câu chuyện đầu năm” của cố nhạc sĩ Hoài An qua giọng hát của cô ca sĩ người Quảng Trị. Bỗng nhiên, tôi nhớ lại ca khúc này, lời bài hát có câu rất hay “Xuân mang niềm tin tới / Bao la nguồn yêu mới/ Như hoa mai nở phơi phới”… Mùa xuân luôn là khởi đầu của niềm tin và hy vọng. Tôi vẫn nghĩ, món quà đẹp đẽ nhất mà người ta trao nhau chính là niềm tin, là sự tin tưởng dẫu ở bất cứ mối quan hệ nào. Không tin tưởng, không thể sống an hòa với nhau, không thể hợp tác, làm việc với nhau. Sự e dè, đề phòng hay nghi ngờ càng đẩy lên cao thì nguy cơ đổ vỡ của mối quan hệ càng lớn. Thế nên, ta cũng nên tự tặng chính mình món quà ấy, là niềm tin vào bản thân.
Tin và hy vọng rằng mình sẽ có cuộc sống tốt đẹp, một cuộc đời viên mãn, một sự nghiệp hanh thông. Từ niềm tin đó, chắc rằng, chúng ta sẽ nỗ lực để không khiến bản thân thất vọng. Mỗi người, ai cũng gieo niềm tin như thế rồi lan tỏa ra cộng đồng, há chẳng phải chúng ta sẽ tốt đẹp cùng nhau hay sao…
D.A
(Tạp chí Cửa Việt số Chuyên đề 7)