Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân này, về lại chiến trường xưa...

L

ại như một sự tình cờ, vào những ngày cuối năm này, tôi bỗng có cơ may được về lại chiến trường xưa một thời binh lửa. Lực lượng đặc công Quân khu có ý định viết cuốn sử, mời tôi làm chủ biên. Lịch sử đặc công Quân khu, già phân nửa là những trận đánh ở chiến trường Quảng Trị. Đại tá Đặng Trung Thành- Anh hùng LLVT- người gần bốn mươi năm gắn bó với binh chủng, thân đến gặp tôi:

- Anh từng là lính đặc công, tham chiến nhiều năm ở Quảng Trị. Viết lịch sử đặc công không dễ, chỉ người trong cuộc mới làm được, tôi muốn nhờ anh đảm đương nhiệm vụ này. Ta vào Quảng Trị một chuyến để lấy không khí, anh đi được không?

- Vào Quảng Trị? Hay quá! Nhưng các cứ điểm đặc công đánh ngày ấy, ta đến cả rồi. Lần này, anh định tới nơi nào?

- Đến hậu cứ của đại đội tôi ngày ấy ở miền Tây Hướng Hoá. Anh đừng ngại, bây giờ đến đó đường rải nhựa phẳng phiu rồi. Ngày ấy, ở cánh rừng không tên nằm trong dãy Sa Mù ấy, chẳng có đường đâu. Đại đội tôi ăn Tết ở đó năm sáu chín (69). Một cái Tết như từ trên trời rơi xuống. Kỷ niệm lắm! Anh cứ đi, túc tắc dọc đường tôi sẽ kể…

Thế nhưng, dọc đường người anh hùng ấy chẳng kể gì. Chiếc U-oát đời mới, gắn máy lạnh hăm hở leo dốc về phía Trường Sơn giăng mắc mây mù. Càng về tây, chiều cuối năm, sương mù càng đặc, tràn ra dăng trắng mặt đường. Xe phải bật đèn vàng để chạy. Bên đường lốc cốc tiếng mõ trâu, rồi từng đàn trâu xuất hiện đi đủng đa, đủng đỉnh. Thỉnh thoảng trước kính xe, đôi ba tiều phu về muộn, những bó củi to sù cột sau xe đạp lung lay, lúc lắc theo nhịp nẩy của xe. Kính xe đã đóng kín, sương núi vẫn len vào lành lạnh.

Đôi mắt Thành như bị hút vào cái màn sương như sữa bên ngoài ấy. Tôi đồ chừng anh đang thả hồn trong ký ức về cái con đường ngày ấy, khi đại đội của anh tới đây. Cứ theo những lời kể chắp nối của anh, nơi đây toàn là rừng. Đường đi chỉ là những lối mòn của thú hoang, người lính phải nghiêng bàn chân mới bước được. Chợt Thành nhoài người lên rồi chỉ tay vào một con đường đất bên trái, ra hiệu cho xe rẽ vào. Trung uý Trần Thanh Liêm, một tay lái cừ khôi, vừa ngoặt xe vừa mỉm cười trước quyết định đột ngột của thủ trưởng. Vòng vèo một lúc trên con đường đất, xe dừng lại.

Thành nhảy xuống, nói gọn lỏn:

- Đến nơi rồi!

- Anh nhớ đường thánh thật! Mấy chục năm rồi, sương mù như đi trên trời thế kia, mà vẫn đến đúng địa chỉ!- Tôi nức nở khen.

- Đâu có giỏi giang đến thế! Lần nào vào Quảng Trị mà tôi chẳng đến đây. Vừa để giới thiệu cho anh em lớp sau biết một địa danh đáng nhớ của đơn vị, vừa để mình đỡ nhớ cái thời tuổi trẻ của mình. Ở tuổi tôi, người ta hay ngoảnh lại đằng sau hơn là nhìn về phía trước, anh ạ!

 Chúng tôi ăn cơm hộp mang theo xong thì đêm xuống từ bao giờ. Trung uý Liêm nhen một đóng lửa lên giữa bãi trống bằng phẳng, theo anh Thành đó là nơi đại đội tập trung sinh hoạt ngày xưa. Rừng đêm ngoài vòng sáng lửa bập bùng, huyền hoặc, bí ẩn. Tiếng chim “chóp bóp” âm u trong tiếng gió đại ngàn ào ạt. Hình như có tiếng suối chảy đâu đó, lúc ào lên, lúc lại im ắng. Thành bồi hồi:

- Năm ấy, đang quần nhau chí tử với địch dưới đồng bằng thì đại đội nhận lệnh tách khỏi tiểu đoàn hành quân lên đây. Dọc đường chẳng nói làm gì, sau ba ngày xuyên rừng, đại đội đến được chỗ này vào chiều 29 Tết. Đến nơi, tôi cho đơn vị đào hầm tránh bom, pháo và công sự chiến đấu ngay.

Trong đại đội duy nhất chỉ có một chiến sĩ quê ở Vĩnh Linh, Thiệp là sinh viên năm thứ hai Đại học nông nghiệp nhập ngũ. Cậu ta là toán trưởng trinh sát, rất thông minh, táo bạo nhưng cũng khá láu cá. Khi tôi đến chỗ cậu ta đào hầm, thấy Thiệp cứ cầm nắm đất trên tay mân mê, hít hà:

- Đất chi mà tốt lạ, tốt lùng. Đất đai ni trồng cây chi chẳng tốt. Thế mà chiến tranh, giặc giã, người Vân Kiều, Pa Kô ở đây cứ nghèo. Hết giặc, nếu còn sống, dứt khoát em sẽ về đây lập nông trường. Em sẽ chọn thứ cây trồng phù hợp với chất đất. Rồi thủ trưởng xem, đất đai ni, biết làm ăn, biết chọn giống, trồng trỉa, giàu lên mấy nỗi!

- Ý tưởng của cậu lãng mạn đấy! Nhưng bây giờ thì lo đào hầm đi để giữ cái “gáo” đã. Tết nhất đến nơi rồi, tớ đang lo sốt vó lên đây!

- Lo chi thủ trưởng! Đâu rồi có đó! Tết nhất chưa ăn bữa ni thì bữa sau ăn. Ông vua Quang Trung mang quân ra đánh giặc Thanh giải phóng Thăng Long, mồng 5 mới ăn Tết mà đi vào lịch sử đó thôi!

Nói rồi, cậu ta cười hinh hích, cầm xẻng định nhảy lên tán gẫu. Tôi trừng mắt, hắn mới nhảy xuống hì hụi đào tiếp. Cái thằng, đúng là trời gầm!

Thành lấy đoạn cây cời cho bếp lửa cháy to thêm, giục Liêm lên xe lấy ấm chén xuống pha một ấm trà thật đặc. Anh kể tiếp:

- Thằng Thiệp nói thì nói thế, nhưng nhìn vào đôi mắt cậu ta, tôi cũng biết hắn đang lo lắm. Mà hình như hắn đang có “âm mưu” gì, bởi cứ nhìn tôi là cười tủm ta, tủm tỉm. Còn tôi, lo đến thắt ruột, thắt gan. Ngày mai Tết rồi, thế mà đại đội đang trắng tay. Gạo, thịt hộp, lương khô có đủ một cơ số, nhưng chẳng lẽ Tết nhất để bộ đội ăn thịt hộp, lương khô? Thấy tôi cứ ghệt mặt ra, Thiệp rụt rè hiến kế:

- Lo chi thủ trưởng! (Lại lo chi thủ trưởng!). Thủ trưởng cứ giao cho em. Em sẽ tổ chức một toán đi săn. Em đã quan sát kỹ, ở đây lũ lợn rừng đi kiếm ăn từng bầy. Hai bên bờ suối, ở những chỗ củ ráy mọc nhiều, chúng ủi đất lên cứ như ruộng cày vỡ. Gấu, khỉ, nai gì gì cũng có tất. Không chừng có cả hổ nữa, vì em thấy vết chân hổ gần nơi lũ lợn kiếm ăn. Nhưng cái lũ ấy, cho qua. Còn lợn rừng, chúng đi kiếm ăn theo bầy đàn như thế chẳng dữ như lợn độc đâu, dễ bắn lắm. Chỉ cần mấy phát AK là có Tết thôi, thủ trưởng!

- Cậu có điên không đấy? Không được! Tuyệt đối không được bắn! Mặt trận điều một đại đội đặc công về ém quân ở đây, không phải để săn thú rừng. Dứt khoát cấp trên có ý định gì đó cho chiến dịch sắp tới. Cậu cũng thừa biết, quanh vùng ta đóng quân, thiếu gì “cây nhiệt đới”, thiếu gì thám báo, biệt kích. Chỉ cần một tiếng súng nổ là hỏng bét hết. Lộ nơi đóng quân, chẳng những bộ đội thương vong vì bom, pháo địch mà sẽ ảnh hưởng đến ý đồ tác chiến của Mặt trận. Tuyệt đối không được thế!

Thiệp hấp háy mắt, bỏ đi. Đêm đó, tôi và chính trị viên không sao ngủ nổi. Vừa lo, vừa lạnh. Ngày ấy, anh còn lạ gì, rừng đêm hình như lạnh hơn bây giờ nhiều. Hay bởi bây giờ nhiều áo ấm, ngày ấy lính ta mặc độc chiếc áo trấn thủ? Lạnh buốt xương mà chẳng dám đốt lửa vì lũ máy bay B26 cứ “bùm bùm” chụp không ảnh nhoang nhoáng trên đầu. Rồi lũ C130 thì thả pháo sáng dăng khắp bầu trời và bắn 20 li như xay lúa chung quanh. Tôi và chính trị viên bàn tới, bàn lui mãi, vẫn không sao tìm được giải pháp. Rừng càng về khuya, càng lạnh. Nằm võng, dưới lưng như ngâm trong nước đá. Nhưng mệt quá rồi tôi cũng ngủ thiếp đi.

Chừng tám giờ sáng, sương mù đang loãng dần, bỗng bộ phận cảnh giới chạy hộc tốc về báo vừa phát hiện một đoàn người đồng bào Vân Kiều đang vừa gùi, vừa gánh đi về phía đơn vị. Tôi chột dạ. Đơn vị vừa hành quân tới tối qua, chẳng ai biết, cớ sao dân biết? Hay họ đi đâu? Nếu đi đâu thì đây đâu phải đường mòn mà đi? Hay là…? Tôi và chính trị viên vội vã chạy ra. Đến bìa rừng, tôi đang đứng hỏi người lính gác thì một ông già quắc thước, mặt mũi đen đúa, bờm bã râu ria đi trước đoàn người, đĩnh đạc bước tới. Thấy tôi đeo súng ngắn, ông giang tay gạt mấy người lính gác ra, cất tiếng:

- Chú là thủ trưởng hỉ? Rứa là chú không tốt rồi, sai hung rồi!

- Dạ, thưa cụ, là…là sao ạ?

- Là không tốt, là sai hung! Bộ đội giải phóng đằng miềng về, chú là thủ trưởng mà nỏ nói chi với dân bản. Tết nhứt rồi, bộ đội nỏ có thịt heo, thịt gà, thịt trâu ăn tết, chú cũng nỏ nói chi với dân bản. Chú không tin người Vân Kiều miềng à? Hay chú sợ người Vân Kiều nghèo, không có con gà, con lợn, con trâu cho bộ đội? Bộ đội giải phóng với người Vân Kiều đều là con cháu Bác Hồ, đều là con một nhà. Đã là con một nhà thì có chi thiếu thốn phải nói với nhau, giúp đỡ nhau. May mà có bộ đội Thiệp nói thiệt với miềng. Nếu không có bộ đội Thiệp, bộ đội không có Tết, dân bản miềng nói răng được với Bác Hồ! Có phải chú sai hung rồi không, hỉ?

Nói rồi, ông khoát tay cho đoàn người. Hai thanh niên lực lưỡng vừa dắt vừa dùng roi lùa một con lợn đen sì, lông lá bờm xờm, mõm dài như mõm lợn rừng, dễ thường ngót nghét tạ thịt đến cột vào gốc cây. Mấy gùi nếp, lá dong rời khỏi vai các cô gái thả xuống, mùi nếp thơm lừng. Lại mấy sọt gà vừa trống, vừa mái; những chú gà thấy nhiều người quá cứ trố mắt nhìn, cục ta, cục tác ỏm tỏi. Ông già lại khoát tay, đoàn người đứng thành một vòng cung quanh đám lợn, gà, nếp, lá dong tú ụ. Ông hắng giọng:

- Chừ ri, dân bản miềng có con lợn, con gà, gùi nếp cho bộ đội ăn Tết. Có cả con trâu đực nữa, nhưng nó đang thả trong rừng, miềng đang cho người đi bắt về. Chiều sẽ dắt đến cho bộ đội mổ thịt. Bộ đội nhận cho dân bản miềng vui, để ăn cái Tết thiệt vui, để đánh thằng giặc thiệt giỏi hung, hỉ!

Tôi đứng im như trời trồng, không nói được nên lời. Cán bộ, chiến sĩ cũng lặng phắc, nhìn nhau. Tôi nhìn quanh tìm Thiệp. Bắt gặp cái nhìn của tôi, cậu ta méo mó cười, đỏ mặt lủi mất. Tôi giơ nắm đấm dứ dứ theo làm cánh lính ồ lên cười…

- Đúng là cái Tết trên trời rơi xuống!- Tôi xuýt xoa.

- Chưa hết đâu anh! Còn nữa! Tôi đã bảo anh cứ túc tắc rồi tôi kể cho nghe. Để rồi mà viết. Mà này, viết sử có cần viết về Tết nhất không nhỉ?

- Có chứ! Để hậu thế, là nói hậu thế cho nó chữ nghĩa, thực ra là để cánh lính bây giờ và cả sau này biết cha ông họ ăn uống, đánh chác thằng Mỹ ra làm sao, để mà sống. Phải không?

- Ừ phải! Mà tôi kể đến đâu rồi nhỉ, à, đến đoạn…còn nữa…là thế này, chiều ấy, ngoài con trâu mộng được dắt đến, ông Hồ Chứt, ông cụ ấy tên là Hồ Chứt và ba, bốn thanh niên còn xách lủng lẳng một xâu sóc mà cánh ta vẫn gọi là chồn bay đến. Tôi ngơ ngác, toan hỏi, ông đã tủm tỉm cười:

- Nỏ mấy khi có bộ đội giải phóng về, miềng mới bẫy lũ sóc ni đó. Chừ miềng làm món Lạp Sóc để bộ đội ăn cho biết!

- Dạ, thưa cụ, Lạp Sóc là món gì mà tên hay vậy hở cụ?

- Ờ, đó là món ăn quý nhất của người Bru Vân Kiều miềng. Chừ ri: chú nói với mấy eng em đến đây, nấu nước lên làm thiệt sạch lông sóc cho tui. Ruột cũng mổ ra bỏ hết. Tui đã mang theo muối rang, ớt khô, hạt tiêu giã nhỏ đây rồi. Rau răm và bắp chuối rừng cả gùi đó, chú cho eng em thái thiệt nhỏ. Sóc được làm sạch rồi thì lấy cái que xiên dọc, nướng cả con lên than củi, nướng đến khi mô vàng ruộm lên, mùi thơm bay ra làm ai cũng ứa nước miếng là được. Đem sóc xẻ thịt, băm mịn, trộn đều với muối, ớt, hạt tiêu, rau răm ăn kèm cùng bắp chuối rừng. Mấy chú chưa ăn, chưa biết đó thôi. Ui da, thứ Lạp Sóc ni ngon hung, đã ăn một lần thì cả đời nỏ quên nổi. Nó vừa thơm, vừa cay, vừa bùi, vừa béo, vừa ngọt…Thiệt là cứ nhớ đời!

Cái Tết ấy, khỏi phải nói, chúng tôi được ăn một cái Tết ra…Tết! Chỉ còn thiếu “anh” rượu nếp cái Cùa, cái thứ rượu mở nút lá chuối ra là thơm phưng phức nữa là hết ý! Riêng cái món Lạp Sóc ấy, tôi được ăn gần 40 năm rồi, thế mà bây giờ nhớ lại còn ứa nước miếng đây này!

Thành nuốt nước bọt đánh ực, ngừng kể. Trong ánh lửa bập bùng giữa rừng khuya, ánh mắt anh đầy xa vắng. Tôi thì hớn hở ra mặt vì “chớp” được một chi tiết hay cho vào cuốn sử. Bỗng sực nhớ, tôi hỏi:

- Còn Phan Hồng Thiệp, cái anh chàng sinh viên ấy, sau đó có sao không?

- Cậu ta bị cách chức toán trưởng xuống làm chiến sĩ. Mặc dầu có công lớn lo Tết cho đơn vị, nhưng việc làm lộ nơi đóng quân là một lỗi nặng. Tôi và chính trị viên biết thế, nhưng chẳng còn cách nào khác. Không kỷ luật cậu ta, anh em cứ thế làm theo thì chết cả đám. Chiến trường mà anh! Cũng mừng là sau đó, cậu ấy chẳng còn “nghệ sĩ” thế nữa. Năm bảy lăm, Thiệp đã là đại đội trưởng. Nếu cứ theo nghiệp binh, con người tài hoa như thế, không chừng đến giờ cậu ta lên tướng chứ chả chơi. Nhưng cái máu trồng trọt cứ hôi hổi trong huyết quản cậu ta, Thiệp xin ra quân trở về trường Đại học. Nghe nói nhiều năm nay chàng kỹ sư ấy đang bám trụ ở đất này!

Đêm ấy, theo gợi ý của Thành, chúng tôi mắc võng ngủ lại rừng. Nằm bên võng tôi, thỉnh thoảng Thành lại thò đầu ra khỏi màn rủ rỉ nói chuyện. Anh cứ thắc thỏm sau khi đơn vị rút đi, vùng này bị B52 cày đi, xới lại nhiều lần, vì thế ông Hồ Chứt và bản Vân Kiều nghĩa tình ấy chẳng biết dời đi đâu, anh tìm mãi chẳng được. Cũng phải, ở Quảng Trị, nơi mỗi người dân phải chịu tới sáu tấn bom, đạn, tìm người, khác chi đáy bể mò kim.

Trời chưa sáng hẳn, Thành đã gọi chúng tôi dậy, chuẩn bị lên đường. Sương bay quanh chúng tôi mù mịt. Chiếc U-oát nổ máy bò xuống núi. Ngồi trên xe tôi ngỡ mình đang trôi, đang bay trong mây khói bồng bềnh. Ra khỏi rừng được một quãng, màn sương trước kính xe loãng dần rồi đột ngột tan hẳn. Bên phải, bên trái, phía trước xe ngợp một màu xanh tươi non, bát ngát. Gió từng đợt tràn xuống từ đỉnh rừng, cái màu xanh rập rờn như sóng. Tôi nhoài người ra ngơ ngẩn nhìn rồi vỗ vai Liêm:

- Cậu cho dừng xe lại!

Chiếc xe phanh đứng ngắt. Thành quay sang tôi ngơ ngác:

- Có chuyện gì vậy anh?

- Ôi trời, màu xanh! Anh nhìn kìa, hình như chẳng phải màu xanh của rừng, màu xanh của con người anh ạ! Bát ngát quá, kia kìa..!

- Đúng vậy! Màu xanh của con người, của mùa xuân; màu xanh của ấm no đấy!- Thành nói đầy văn vẻ rồi cười to- Anh có biết cây gì mang màu xanh, mang mùa xuân đến đó không? Cây dong riềng của Đoàn kinh tế-Quốc phòng cùng bà con Vân Kiều ở đây trồng lên đấy. Thứ cây này hợp chất đất ở đây lắm, cứ cắm xuống là bén rễ, là xanh cây, là cho củ. Anh đã từng ăn loại miến sợi trắng trong như giọt mưa chưa? Ấy là loại miến dong được chế biến từ củ dong riềng này. Vấn đề bây giờ là làm sao xây dựng các nhà máy chế biến miến dong để công suất nhà máy đảm đương được hết số lượng dong riềng khi bộ đội và người dân trồng đại trà, khi cây dong riềng lên ngôi. Đất đai ở đây mênh mông. Cây dong riềng vốn dễ trồng, dễ chăm sóc gặp chất đất màu mỡ này, nó đã bám rễ vào đất thì cho năng suất cao phải biết!

- Nếu được thế thì tuyệt quá!- Tôi gật gù- Dong riềng sẽ trở thành một mũi đột phá cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở mảnh đất xa ngái, hoang vu và anh hùng này. Mà hình như anh có kể, ngày xưa cái anh chàng Phan Hồng Thiệp từng ước ao khi hết giặc sẽ về đây lập nông trường. Hay trong chuyện này có bàn tay anh ấy?

- Có thể lắm! Thiệp là người Quảng Trị, hồi sinh cho đất, bắt đất làm giàu cho quê hương đã là ước mơ, khát khao của cậu ấy từ thời còn lính trận cơ mà. Tôi có cảm giác như cậu ấy đang ở gần ta lắm mà ta chưa gặp được đó thôi!

Trong bình minh mơn man trên biển màu xanh dong riềng giữa đại ngàn, thấp thoáng bóng các cô gái Vân Kiều quần áo sặc sỡ và màu xanh quân phục những người lính. Trông xa, tôi có cảm giác như đó là những nốt nhạc xuân tươi vui giữa ngời ngợi màu xanh nơi chiến trường xưa bời bời đạn lửa, đang khởi sắc, đang vươn dậy từng ngày. Không biết Thành đang nghĩ gì. Còn tôi, dù đơn giản chỉ là một người đi tìm chứng tích lịch sử, mà sao chỉ thoáng chốc trước màu xanh mùa xuân, màu xanh no ấm nơi này, tôi cứ thấy lòng mình bỗng dưng ấm áp, bỗng dưng xôn xao…!

Mang cái nỗi niềm ấy, chúng tôi lên đường. Loang loáng bên kính xe, trong màu xanh sinh nở, lác đã những cành mai vàng trổ bông sớm, khoe sắc vàng e ấp. Xe chúng tôi qua rồi, cái màu mai vàng ấy vẫn ánh lên, ánh lên giữa bình minh Hướng Hoá vào xuân…!

N.X.D

 

Nguyễn Xuân Diệu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 162 tháng 03/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground