Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân qua và trở lại

Sống, nghĩ một cách giản lược là được đi qua những dặm thời gian ướm trùng vào bấy chặng đời chìm nổi để cuối cùng trở về nơi xuất phát nguyên thủy và tinh khôi nhất. Tôi nghĩ đấy là hành trình đi từ hư không này đến hư không khác. Nghĩ được như thế chắc sẽ vơi quên bể khổ đặng đạt an nhiên trong cõi người nhấp nhô và không bị làm sai lời Phật dạy, sống một ngày là có diễm phúc của một ngày nên phải trân quý.

Hội xuân - Ảnh: Hồ Thanh Thọ

Hội xuân - Ảnh: Hồ Thanh Thọ

Trân quý cuộc sống chính là nếm hưởng hạnh phúc được làm người mà theo tôi không dễ tác thành, không dễ thực có. Nên đừng bao giờ quên công ơn cha mẹ cũng như không được quay lưng lại cội nguồn.

Mạ sinh tôi vào giữa tháng tư, cái đêm đầu hạ gió nam đã hôi hổi trẩy qua làng. Ngoài vườn, những vầng mây xoan tim tím thoang thoảng thơm. Cửa sông sóng hơi lặng, làng cát ở xa ruộng đầm mà trong giọt sữa đầu đời mạ cho tôi vẫn ạ ơi... Mùa tôi sinh tràn ắp dương khí, bầu trời chói chang, mặt đất rực rỡ có nhiều loài hoa chọn màu đỏ, màu vàng để hiến dâng. Từ đó, nhờ khoai sắn ngô lúa, mắm ruốc tôi lớn lên để được đi qua mùa thu, mùa đông, mùa xuân rồi mùa hạ. Tôi đi qua bốn mùa hay bốn mùa đi qua tôi như một luân khúc hòa điệp mà cho đến bây giờ cảm giác bâng khuâng khi giao thừa tới vẫn chưa hề vơi biến. Những xuân - hạ - thu - đông ra đi và trở về như những vòng tròn tứ sắc nối tiếp nhau trên dòng thời gian vô tận dường như đã can dự sâu sắc vào thân phận mỗi con người.

Phương Đông đặt mối kết nối thiên - địa - nhân như là “cái lõi” vĩnh cửu của cuộc sống. Mọi sự vật đều do hòa hợp nhân duyên mà thành, tất cả kết nối, nương tựa vào nhau, trong ít có nhiều và ngược lại bởi “một cũng là tất cả, tất cả cũng là một”. Khi thiên - địa - nhân hợp nhất hài hòa và thân thiện thì chắc chắn mọi sự sẽ tốt đẹp. Dân gian nói “Trời có mắt” là minh triết lắm đấy. Nó như một cảm thức, một nhắc nhở cần thiết hướng tới lương thiện. Ở hiền gặp lành. Gieo gió gặp bão. Nhân nào quả nấy. Cũng thật nhân văn vì nó biết an ủi rủi ro, hoặc không may bất hạnh. Sông có khúc, người có lúc. Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. “Trời có mắt”. Làm thân người chân đạp đất, đầu đội trời chớ nên quên câu đó. Để yêu thương và sẻ chia. Yêu thương và sẻ chia chính là hạnh phúc chân chính của con người. Từ đấy ta sẽ có tất cả. Chẳng có gì là bất thường hết, đi qua mùa đông ta sẽ tới mùa xuân. Sự giá lạnh héo úa sẽ nhường chỗ cho ấm áp tươi non.  

Hòa bình. Chiến tranh. Hòa bình… Tôi đã đi qua những giao thừa bình yên và bất an, những giao thừa trẻ con và người lớn, những giao thừa đoàn tụ và chia ly, những giao thừa thôn trang và phố thị, những giao thừa lính và dân… Biết rằng, những chuyện gì đã qua hãy để cho nó qua nhưng đôi khí lòng mình vẫn hay bận bịu với quá khứ; hồi niệm vẫn là cái níu náu khó gỡ bỏ nhất. Bằng chứng là tôi cứ chưa quên được đêm giao thừa kỳ dị của hai năm trước. Hà Nội. Sấm sét. Mưa gió. Nhoáng nhoàng, ầm ầm, sầm sập như trong một bộ phim về ngày tận thế. Người ta bảo đấy là điềm dữ về một năm thiên tai, dịch bệnh kinh hoàng của đất nước. Mà đúng thế thật. Mưa lũ miền Bắc, đại hồng thủy miền Trung, hạn hán miền Nam và “cơn siêu bão” quái ác mang tên Covid-١٩ khởi phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) trùm lên toàn cầu trong đó Việt Nam không là ngoại lệ. Những gì Covid-١٩ tác động vào  cuộc sống con người không thể tưởng tượng nổi. Nó làm đảo lộn cuộc sống tưởng như đã thành nề nếp, thói quen không dễ thay đổi của nhân loại. Tôi không muốn nhắc lại những con số làm nhức nhối lòng người. Con số báo lượng người bị dương tính và tử vong hàng ngày. Và những hình ảnh rất xót xa nơi các tâm dịch lớn nhất, nóng nhất ở nước ta. Chỉ xin kể một chuyện này thôi để thấu hiểu thêm sự khốc liệt của cuộc chiến không tiếng súng và gần như vô hình với Covid-١٩. Đại tá, nhà văn Nguyễn Quốc Trung là người ở tạp chí Văn nghệ Quân đội với tôi. Anh sinh năm Bính Thân ١٩٥٦ và từng là lính tình nguyện ở Campuchia. Năm ٢٠١٧, tôi và Trung cùng nghỉ hưu. Nói thật, tôi và Trung tuy cùng một cơ quan nhưng không thân thiết nhau lắm và người ở Hà Nội, người ở thành phố Hồ Chí Minh. Vào thời điểm thành phố Hồ Chí Minh rất căng về dịch bệnh, bỗng nhiên tôi thấy Nguyễn Quốc Trung điện ra hỏi thăm và nói: “Này, nghe đâu Nguyễn Hữu Quý vào Quảng Trị rồi phải không? Nhà còn thiếu thứ gì thì nói để mình gửi ra cho nhé!”. Tôi thực sự ngạc nhiên vì từ trước tới nay bạn chưa hỏi mình kiểu như thế và cười cười trả lời: “Cũng ổn rồi bạn ạ, nhớ giữ gìn sức khỏe nhé”. Vừa rồi đọc bài của nhà văn Nguyễn Trí Huân, nguyên tổng biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội trên báo Văn nghệ thấy anh kể một chi tiết giống thế. Nghĩa là Nguyễn Quốc Trung cũng điện ra cho anh Nguyễn Trí Huân và cũng hỏi một câu như đã hỏi tôi. Là “nhà anh còn thiếu gì để em gửi ra cho?”. Chỉ mấy ngày sau tôi nghe tin nhà văn Nguyễn Quốc Trung bị dính Covid-١٩ từ một nhân viên giao hàng. Và sửng sốt, xót xa khi biết anh đã không qua khỏi. Khi nhà văn Nguyễn Quốc Trung qua đời, không hề có một người thân nào bên cạnh. Một làn khói trắng bay lên cao xanh và sau đó là chút tro xám nhẹ bẫng đựng trong chiếc bình bé nhỏ. Có không cái gọi là linh cảm với người sắp giã từ cõi tạm? Và, cái sự vô thường là chung cho tất thảy mọi người, không phân biệt giàu nghèo, sướng khổ, cao thấp.

Thực ra lúc này, trước thềm năm mới, tôi chỉ muốn lắng lòng lại với những gì ấm áp nhất, đẹp đẽ nhất của tình người Việt trong gian nguy, hoạn nạn. Thiên tai hay dịch dã đều vẫn sáng lên cái lẽ sống Thương người như thể thương thân của đồng bào ta. Thật đúng thế, trên đời này không có gì cần thiết hơn sự yêu thương cả. Khoa học công nghệ, kỹ thuật phát triển đến đâu mà con người không có yêu thương thì cuộc sống sớm muộn cũng sẽ tàn lụi. Cái tàn ác, vô cảm chính là dấu hiệu của sự tàn lụi đó. May mắn thay, dân tộc mình thời nào cũng đề cao nhân nghĩa. Hình ảnh lá lành đùm lá rách cứ vậy tồn tại từ đời này qua đời khác, như một lựa chọn ứng xử đầy tính nhân văn của đồng bào ta. Tình yêu thương tỏa sáng trên đỉnh lũ. Tình yêu thương tỏa sáng trong đại dịch. Bao nhiêu điều muốn nói, bao câu chuyện cần kể, cái tốt đẹp vẫn đang đồng hành cùng cuộc sống. Ở đâu cùng gặp, nơi nào cũng thấy điều đó. Có lúc ta tưởng cuộc sống bộn bề, ào ạt đã làm trôi dạt tình người, sự vô cảm lên ngôi nhưng không phải thế. Đồng bào ta vẫn biết đùm bọc nhau, chia sẻ nhau từ cái ăn, cái mặc, cái ở và bao nhiêu thứ lớn nhỏ khác. Những việc làm từ thiện trong sáng đã chạm vào trái tim hàng triệu người và không ngừng tỏa lan nhân rộng. Chúng ta tự hào khi trong đội quân gìn giữ hòa bình thế giới của Liên hợp quốc có người Việt Nam. Chúng ta yêu thương những người Việt Nam đã và đang ở tuyến đầu chống dịch. Họ là thầy thuốc, là bộ đội, là công an, là dân… không phân biệt trẻ già, trai gái, dân tộc, tôn giáo đã chẳng quản ngại vất vả nguy hiểm hết lòng vì công việc. Không thể không tin yêu vào cái đẹp của cuộc đời như nhà thơ lớn quê gốc Quảng Trị, Chế Lan Viên từng tâm sự: Anh đi qua trái đất để lại chừng thơ ấy / Hãy thương anh! Anh nào có chi nhiều / Một chút nắng tàn, một dòng nước chảy / Trái tim nghèo, nhưng cũng đã tin yêu.

Tôi sẽ không quên được những đôi mắt bé thơ mùa thu năm 2021. Những đôi mắt đen láy mở ra nhìn sáng sau chuỗi oa oa cất lên trong một bệnh viện giữa Sài Gòn “ốm”. Những đôi mắt mở ra nhìn ngày trên bàn tay thầy thuốc. Những đôi mắt mồ côi. Tội nghiệp, mẹ của các cháu không vượt qua được cửa tử bởi Covid-١٩. Mùa thu đi qua. Mùa đông đã đến. Mùa xuân sẽ về như một lập trình không ai xóa được. Các bé sẽ có giao thừa đầu tiên, nguyên đán đầu tiên, mùa xuân đầu tiên. Các bé sẽ lớn lên, dần dà lớn lên. Nếu không có yêu thương, không còn hy vọng thì sự lớn lên ấy lấy gì bảo hiểm. Tôi tin các thiên thần bé nhỏ của đất nước tôi sẽ được bù đắp bởi những yêu thương không bao giờ vơi cạn của nhiều tấm lòng.

Dưới cội mai vàng - Ảnh: Nguyễn Bôn

Dưới cội mai vàng - Ảnh: Nguyễn Bôn

Thế đấy, những ngày đông sẽ tàn và mùa xuân lại tới. Cuối năm, chọn cho mình một góc chiều bình yên ngồi đọc lại thơ xưa. Đây, chữ của hơn nghìn năm trước, thơ thiền sư Vạn Hạnh: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô / Vạn mộc xuân vinh, thu hựu khô / Nhậm vận thịnh suy vô bố úy / Thịnh suy như lộ thảo đầu phô. Chao ôi, minh triết Việt, minh triết đời là đây chứ ở đâu xa xôi nữa. Thân người như bóng chớp, có rồi lại không / Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt đến mùa thu khô héo / Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy lòng không sợ hãi / Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ. Ngẫm xem, một đời người, nếu xé lịch tính từng ngày trôi qua thì đằng đẵng lắm nhưng tính tháng tính năm thì xem ra cũng không là mấy. Bạn cùng học, cùng đi lính, bạn viết lách đôi ba năm gặp lại, nhìn nhau đã thấy mây bay khói tỏa trên đầu, những con sóng ưu tư ngày thêm dày trên trán. Buồn không? Buồn! Nhưng chẳng có gì não nề cả. Ta như cây cỏ vậy mà, sắc diện biến đổi cùng xuân hạ thu đông, đời người trải đủ bốn mùa, tươi héo tốt xấu lành dữ đều phải chịu đựng, chắt chiu được chút hoa trái nào cũng đều đáng quý, đáng trân trọng cả. Thành bại, thịnh suy cứ nối tiếp nhau, trong cái này đã có mầm mống cái kia, luân phiên chuyển đổi không ngừng. Ồn ào hay lặng lẽ nó cũng phải thế cả, phải tuân thủ theo cái luật đời sinh - lão - bệnh - tử. Tự nhủ, thêm một lần được thấy lá rụng trong se lạnh mùa đông, thêm một lần được thấy đào mai đi qua ngõ là thêm một hạnh phúc cho mình. Cũng là lẽ thường thôi những may rủi, vui buồn, thành bại trong một đời người, so với biến thiên vũ trụ chỉ là hạt bụi, so với vô cùng thời gian chỉ là ánh chớp. So với thời khắc đã qua thời khắc này đã khác. Trước ta đã có một ta rồi, sau ta sẽ có một ta khác nữa.

Mùa xuân chẳng bao giờ hết cũng như cuộc sống con người mãi mãi nối tiếp nhau trong dòng chảy nhân văn bao dung và hòa hợp không bao giờ cạn. Sống an nhiên nhẹ nhàng giữa thân thuộc thiên nhiên đó chính là bài học làm người không bao giờ cũ.

NGUYỄN HỮU QUÝ

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground