Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 28/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Xuân về thay áo mới

L

âu nay vẫn cứ nghe nói “Xuân về thay áo mới”, ý là nói cái thay đổi về cảnh sắc thiên nhiên, là nói về cái sự rạo rực, phấn chấn của lòng người trước sự thay đổi mang tính chu kỳ của trời đất, cỏ cây dưới tác động của khí hậu dịch chuyển theo chu trình: Tàn lụi - Hồi sinh. Đông qua - Xuân tới. “Xuân về thay áo mới” còn được hiểu và “vận” vào tâm thế, hoàn cảnh của con người theo cái mạch: Bĩ cực - Thái lai...

Thế mà ngày trước, nhất là ở cái tuổi hoa niên (cách nói hoa mỹ), chứ cái tuổi hoa niên của tôi (và cũng chẳng riêng tôi) ở cái thời tem phiếu thì phải gọi nó đúng tên là tuổi thơ bùn đất, tuổi thơ nghèo đói. Câu “Xuân về thay áo mới” không phải là cố ý nói chệch đi mà chính là sự háo hức “Xuân về được may áo mới”. Làm sao lại không háo hức khi quanh năm ngày tháng, năm này sang năm khác toàn mặc lại quần áo của anh. Vải chúc bâu, xanh chéo... vẫn còn soàn soạt thế, nhưng khốn nỗi những bộ “hoàng bào” ấy khi khoác lên mình những bậc đế vương, khi khoác lên mình những thằng quỷ sứ chúng tôi thì đít quần, gối chân, gối tay chẳng mấy mà đã tớp tua. Bà nội tôi ngồi vá quần, vá áo cho hai thằng cháu nội, mỗi lần xâu chỉ vào trôn kim qua đôi mắt kèm nhèm lại làu bàu:

- Mẹ mày cứ nuông chiều chúng nó quá, cứ phải cho chúng nó cởi truồng, chứ mấy thằng này thì có mặc mo cau cũng không chịu nổi.

Làu bàu và chửi “yêu” thế thôi, chứ tôi biết bà nội quý anh em tôi hơn cả những cục vàng. Cha tôi mất khi mới ngoài hai mươi tuổi trong một trận càn để lập vùng tề của giặc, khi đó tôi chưa đầy một tuổi. Hai giọt máu mà người để lại cũng phần nào khỏa lấp, xoa dịu nỗi đau của người mẹ mất con, cũng phần nào vợi bớt nỗi cô đơn, trống chếnh của người vợ mất chồng. Một mình tần tảo nuôi mẹ chồng già, nuôi con thơ dại, mẹ tôi sớm ở chợ Gốt, chiều về chợ Phủ, cứ năm ngày thì hai ngày ra Hà Nội cất hàng nên bà nội là người trông coi, cơm nước và giặt giũ cho lũ chúng tôi. Nhiều đêm nhỡ xe, vắng mẹ, chúng tôi đều rúc vào nách bà mà ngủ. Vá xong rồi, bà vuốt, bà căng cho miếng vá phẳng phiu. Tôi đang lớ xớ, nghịch ngợm cái gì đâu đó bỗng bị bà gọi giật giọng:

- Lại đây! Cu.

Việc gọi con trai là thằng cu, con gái là cái đĩ ở quê tôi là chuyện bình thường, bình thường khi không thấy cách gọi đó là dung tục hay miệt thị, nó là thổ ngữ, nó là đất lề quê thói vậy thôi, cả làng đều gọi thế, có ai xúc phạm, xúc xiểm gì đâu. Tôi vừa mới tới gần, bà đã túm lấy tay. Chiếc giải rút bằng sợi đay thắt do phựt mở. Theo bản năng, tôi túm vội đũng quần. Bà lại chửi:

- Cha cái thằng bố mày! Chim mới bằng quả ớt mà đã xấu hổ.

... Tuổi thơ tôi lấm lem bùn đất như vậy và cũng trong trẻo lạ thường.

Nhớ lại những chuyện ngày xưa mỗi khi tết đến xuân về, lại lan man suy tưởng. Mỗi năm chỉ vào dịp tết mới được mẹ may cho một bộ quần áo mới. Đấy là ước mơ của tuổi thơ tôi. Đấy là khát khao của tuổi thơ tôi. Cái ước mơ, khát khao ấy cứ lớn từng ngày như quả bầu trên giàn, như trái bí ngô ngoài ruộng, nhất là vào những ngày tháng cuối năm. Tôi cứ thắc mắc mãi là một năm sao lại không phải là hai hay ba lần tết đến? Và, câu trả lời của bà thì lần nào cũng vậy:

- Dào ồi! Tết đến ông vải thì mừng, con cháu thì lo.

Ông vải thì ở trên bàn thờ, tôi không nhìn thấy, không biết ông vải mừng thế nào chứ tôi là cháu chả thấy điều gì lo lắng. Súng sính trong bộ quần áo mới, tôi lăng xăng chạy hết ngõ nọ xóm kia, có bữa quên ăn mà bụng không thấy đói. Sau này ở cái tuổi, cái đoạn làm cha, làm ông mới hiểu được câu nói của bà. Bà tôi giờ đã thành người thiên cổ, đã được xếp vào hàng “ông vải” và ngự ở ban thờ. Những cái tết xếp hàng mua nếp, mua chè, mứt... rồi hì hụi gói mấy đồng bánh chưng, dâng lên cúng tổ tiên, ông bà, ông vải, tôi biết bà sẽ chẳng mừng chút nào như câu nói “ông vải thì mừng” khi thấy cháu con vẫn còn lận đận, long đong trong cuộc mưu sinh. Cái ước mơ, cái khát vọng của tôi thời thơ bé suy rộng ra cũng là ước mơ, khát vọng của con người trong những điều tối thiểu về no cơm ấm áo, về ăn chắc mặc bền, hướng tới ăn ngon mặc đẹp và thụ hưởng những quyền lợi, quyền năng của vật chất.

Cũng lại là lan man suy tưởng. Đất nước mình nghèo, dân tộc mình nghèo, nghèo đến nỗi thời "Tắt đèn", chị Dậu phải bán chó, đợ con. Bởi trong cái hoàn cảnh khi ấy liệu nhà chị còn có cái gì để bán? Nhưng cái nghèo của chị Dậu là cái nghèo của phận người nô lệ. Cái nghèo của một giai cấp lầm than. Chị Dậu nghèo mà vẫn không hèn. Trong cái đêm tối đen như đêm ba mươi tết ấy, chị đã vùng lên và vượt thoát ra khỏi thân phận nô lệ của mình. Nghĩ tới đây lại nhớ đến "ông đồ" Ngô Tất Tố, vừa quẳng bỏ bút lông, cầm cái bút sắt chưa lâu đã làm nên một "Tắt đèn" với cái kết vô cùng bi tráng của kiếp người, với cái kết mở hết không gian, chiều kích của một đêm dài nô lệ và mất nước. Từ đêm dài nô lệ và nước mắt ấy, một dân tộc đã biết tìm đường ra ánh sáng.

 Và cũng thật buồn thay, người thời trước viết bằng cây bút chấm mực, viết bằng mẩu bút chì trong ánh sáng đèn dầu leo lét, viết dưới hầm tối, dưới đạn bom của quân thù mà vẫn có những tác phẩm để đời. Sao bây giờ lại có những kẻ viết văn, làm thơ bằng laptop hẳn hoi lại coi cái chuyện đạo văn của người khác như là chuyện quá đỗi bình thường. Cổ ngữ có câu: "Đói ăn vụng, túng làm càn". Chẳng có mấy dòng thơ, mấy đoạn văn đăng báo thì hạng người này vẫn cứ sống "nhăn răng"...chứ có thiếu đói gì. Nó tuy không thuộc về bản chất, nhưng truy nguyên thì chung quy cũng bởi tại cái "nghèo". Trong hơi hướng văn chương (không nói là nghiệp chướng), họ là những kẻ nghèo ý tưởng, nghèo sức (sự) sáng tạo. Họ nghèo nhưng sẽ không hèn giá như lượng được sức mình mà gắng gỏi tự làm giàu mình lên, bằng không thì hãy "Rửa tay gác kiếm". Họ không đủ dũng cảm để bẻ bút nên để cho cái hèn đồng lõa chuyện đạo văn. Mà đâu chỉ có họ, đã có không ít những luận văn thạc sĩ, tiến sĩ được copy, được chế bản từ những công trình của người khác. Trí thức đấy. Vậy mà vẫn nghèo về tri thức. Những tấm bằng thật nhưng học giả ấy lại được công nhận bởi những hội đồng khoa học hẳn hoi mới phi lý làm sao. Báo chí đã nói nhiều về sự bất cập của ngành giáo dục nước nhà. Hóa ra không chỉ có bậc học phổ thông, đại học và cao học cũng có nhiều loại bằng thật nhưng học giả nữa là.

Thời nay, đời sống xã hội nhìn chung đã được nâng cao. Cao đến mức có người bảo rằng ngày tết chỉ khác ngày thường là có hoa tươi, có cành đào, chậu quất. Không phải là tất cả, nhưng những gia đình có đời sống như vậy hay xấp xỉ như vậy không ít. Đời sống được nâng cao, cái ăn, cái mặc được cải thiện. Cái ăn còn có thể không nhìn thấy, chứ cái mặc thì "nhãn tiền", cái mặc thì "lộ thiên". Bằng chứng là đi ra đường bây giờ đố ai nhìn thấy một bộ quần áo vá, kể cả vá lịch sự theo cái kiểu "bích kê" đầu gối như ngày xưa. Người lớn còn thế huống hồ trẻ em. Trẻ em là thế giới của ngày mai, dành cho trẻ em những điều kiện tốt nhất chính là tiêu chí để định giá về đời sống của một gia đình, của một xã hội. Nhưng bây giờ hình như chúng ta đã quá lạm dụng về điều này. Tôi nhớ có lần đã nghe một vị lương y nói rằng: Thương con phải dành cho con một phần đói rét. Hai từ đói, rét trong câu nói này mới thật hàm súc.  Nó không chỉ đơn thuần về cái sự ăn, sự mặc dẫn đến nhiều trẻ em hiện nay đang có nguy cơ mắc chứng béo phì. Tôi lại được đọc một bài thơ của một người bạn khi muốn ủy thác cho con về những bước đi trong trường đời, rằng cuộc đời con là do con toàn quyền định đoạt, con phải bước đi trên chính đôi chân của mình... Cha mẹ chỉ là điểm tựa chứ nhất quyết không thể là bệ phóng. Trong bài thơ có câu: "Nửa phần con nơi chớp bể mưa nguồn" cũng chính là một phần đói, rét trong câu nói của vị lương y nọ. Trong điều kiện kinh tế cho phép, nhiều bậc cha mẹ bây giờ đã làm thay, thậm chí sống thay và đặt cho con em mình nhiều áp lực trong học tập và danh vọng cá nhân.

Không phải là hoài cổ. Không phải là lấy cái nghèo khó ngày xưa để làm "cái rốn" cho tất cả. Tết đến, xuân về bây giờ sẽ chẳng có đứa trẻ nào ước mơ, khao khát "Xuân về được may áo mới" như thế hệ chúng tôi ngày trước. Tết đến xuân về, các em mơ ước, khao khát điều gì khi mà từ sáng sớm cho tới đêm khuya kín đặc trong thời gian biểu cho việc học hành dưới mọi hình thức. Chính người lớn chúng ta đang làm mất đi cái phần trong trẻo của trẻ em.

Cũng vì thế mà hiện nay, mỗi khi tết đến xuân về, trong điều kiện đầy đủ và có phần dư thừa vật chất, cái mơ ước, cái khát khao lớn nhất của chúng là được thật sự là trẻ em chứ chúng hoàn toàn không muốn làm một người lớn thu nhỏ.

Hãy để cho trẻ em được xuân về thay áo mới theo nghĩa này.

     T.V.Đ

 

TRIỆU VĂN ĐỒI
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 233 tháng 02/2014

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

27/04/2024 lúc 05:02

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

29/04

25° - 27°

Mưa

30/04

24° - 26°

Mưa

01/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground