Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ý nguyện của đồng đội

H

ồi đầu tháng 5.1998 có năm cựu chiến binh Mỹ, những người sống sót duy nhất của đại đội A, tiểu đoàn 3 sư đoàn 21 lữ đoàn 196 bộ binh nhẹ quân đội Mỹ (A Copany 3­­­­­­­­­­­­rd battalion 21st infantry196th light infantry brigade) sau ba mươi năm từ nửa vòng trái đất quay trở lại xã Do Thành, huyện Do Linh (Quảng Trị). Tới đâu hầu như tất cả những mô đất bờ ruộng, gò mã của cánh đồng Nhĩ Trung họ đều thắp hương cầu nguyện cho những đồng đội của họ đã ngã xuống trên mảnh đất này. Mảnh đất đã để lại những ấn tượng hãi hùng trong đời lính của họ.

Pierre Franklin là một trong năm cựu chiến binh nói trên, nguyên đại đội trưởng đại đội A nói với một số các cán bộ cựu chiến binh xã Do Thành: “Trong những ngày đó (cuộc tổng tiến công chiến lược Mậu Thân 1968 T.G) các ông chiến đấu giỏi quá, tài quá! Từ chiến trường Nam Bộ đơn vị chúng tôi được điều ra tăng cường cho mặt trận Quảng Trị đã ý thức đây là một chiến trường “khó chơi” nên trong công tác chiến đấu chúng tôi rất thận trọng. Tuy nhiên không thể lường được chiến thuật đánh áp sát vào nhau rất táo bạo và hiệu quả mà các ông đã sử dụng đánh đại đội tôi ở đây. Bất ngờ lắm! Khủng khiếp lắm! Một đại đội chỉ còn sống được năm người, hôm nay đều có mặt ở đây nhưng không phải tất cả đều lành lặn”... Nói tới đây một cựu chiến binh nguyên là trung đội trưởng của đại đội A kéo ống quần lên “khoe” vết sẹo trên chiếc giò bị gãy bởi mạnh đạn B40 của quân ta.

“Các ông” mà người cựu chiến binh Mỹ khen là “chiến đấu giỏi quá, tài quá” là ai? Và lời khen của người bại trận trước mặt người chiến thắng liệu có phải là cách nói xã giao lấy lòng? Xin được trở lại một thời trận mạc ở khu đông Do Linh ba mươi ba năm trước.

 Ấy là những ngày quân ta mở cuộc tổng tiến công chiến lược tết Mậu Thân 1968. Nguyễn Văn Lộc, sinh năm 1946, quê quán xóm Trần Phú xã Kỳ Tiến huyện Kỳ Anh tỉnh Hà Tĩnh, nhập ngũ năm 1965. Tiểu đội trưởng rồi được đề bạt lên trung đội phó, trung đội trưởng đại đội 1 (còn gọi là Đại đội Lê Hồng Phong) thuộc tiểu đoàn BB47 trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến. Tiểu đoàn BB47 do đại úy Trần Văn Thà làm tiểu đoàn trưởng được trung đoàn điều vào tác chiến ở khu đông huyện Do Linh hỗ trợ cho sư đoàn 320B quân chủ lực của Bộ đang tiến công địch tuyến Đông Hà - Đường 9 - Khe Sanh.

Vào lúc này, chiến trường khu đông - Do Linh địch tập trung hỏa lực, binh lực mạnh nhất là xe tăng, thiết giáp hòng đỡ đòn tấn công của ta. Địa hình ở đây lại quá trống trải rất khó cho việc giấu quân, vận động tiến quân. Trước tình hình đó Ban chỉ huy tiểu đoàn phát động trong toàn đơn vị chiến thuật đánh gần, đánh giáp lá cà tiêu diệt nhiều sinh lực địch và bảo toàn lực lượng. Ngọn cờ đầu trong đánh gần là Nguyễn Văn Lộc. Trong đó sau trận đánh từ 21-1 đến 5-2-1968, riêng Lộc đã tiêu diệt 3 xe M13, 1 M14 bằng súng B40, diệt một số bộ binh Mỹ, hai lần được tuyên dương danh hiệu “Dũng sỹ diệt xe tăng”.

Ngày 3 tháng 2 năm 1968 (mồng 4 tết Mậu Thân) tiểu đội Lộc đặt trận địa phục kích cách rìa làng Vinh Quang Hạ hơn 100 mét. Sáng mồng 4 tết nắng xuân vàng rượi. Lợi dụng thời tiết tốt, từng tốp phản lực Mỹ thay nhau đánh phá vào tất cả những nơi chúng ta nghi giấu quân ở Vinh Quang Hạ. Kế đến là hàng trăm quả pháo từ tàu biển bắn vào tưởng như cày xới đảo tung cả cái làng nhỏ bé hiền hòa này lên. Vẫn chưa yên tâm, đại đội trưởng đại đội A, Pierre của Mỹ còn cho mấy tên lính thập thò chạy ngược chạy xuôi trước trận địa của quân ta hòng buộc ta bộc lộ lực lượng. Nhưng trận địa quân ta vẫn lặng ngắt. Thấy không có động tĩnh gì, Mỹ dàn quân thận trọng tiến vào làng. Nhìn những tên Mỹ to lù lù, súng AR15 lăm lăm trong tay đang dò dẫm từng bước, phơi ngực ra trước họng súng của mình các chiến sỹ giục Lộc cho bắn. Nhưng chưa chắc ăn. Chúng còn cách trận chừng trăm mét. Phải vào thật gần đã. Lộc lấy lương khô bò đến từng ụ súng nói với các chiến sỹ: “Cứ bình tĩnh, ăn cho chắc bụng, bắn mới trúng”. Nghe lời tiểu đội trưởng, các chiến sỹ nhấm nháp thỏi lương khô nhưng mắt không quên theo dõi mọi động tĩnh quân Mỹ. Khi chúng vào còn cách trận địa ta khoảng năm mét, theo lệnh của Lộc toàn tiểu đội đồng loạt nổ súng. Xác chúng đổ xuống như những thân cây bị chặt gốc, những tên sống sót tháo chạy hoảng loạn. Chớp thời cơ, Lộc cho tiểu đội vọt ra khỏi công sự truy kích đuổi địch ra xa trận địa, thu chiến lợi phẩm 15 khẩu AR15; 5 khẩu M79 và một số đạn dược. Sau khi đuổi bọn Mỹ chạy dài, Lộc quay về trận địa của tiểu đội, chỉ huy chiến sỹ kéo xác 7 tên Mỹ chất lên bờ công sự, buổi chiều chúng xua quân vào lấy xác bị ta tiêu diệt một số. Trận này riêng Lộc diệt được 7 tên địch, được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”, được đề bạt lên trung đội phó.

Đó là lần chạm trán đầu tiên của đại đội A tiểu đoàn 3 sư đoàn 21, lữ đoàn 196 quân đội Mỹ với đại đội của Nguyễn Văn Lộc trên chiến trường Quảng Trị.

Lần đụng độ thứ hai sau mười một ngày (13 tháng 2 năm 1968), nhằm đúng tết Nguyên Tiêu Mậu Thân. Bấy giờ Đại đội Lê Hồng Phong bố trí trận địa ở làng Mai Xá Thị, xã Do Hà (nay là Do Mai). Ta và địch cách nhau bởi một lạch nước rộng chừng 6-8 mét. Mấy ngày trước đó ta và Mỹ Không giao chiến, hầu như là án binh bất động nhưng thực ra cả hai bên đều rình rập “tỉa” lẫn nhau. Phía bên kia lạch có hai tên Mỹ và thằng chiêu hồi nào đó tự xưng là Thông chĩa loa sang phía ta sủa ông ổng: “Hỡi các bạn binh sỹ Bắc Việt! Đừng nghe lời Trần Văn Thà - tên chỉ huy hiếu chiến đưa các bạn xâm lược miền Nam chết uổng mạng”… Hắn còn lãi nhãi phun ra những gì nữa Lộc không thèm nghe, anh bình tĩnh dương AK xiết cò kéo một điểm xạ dài, hai thằng Mỹ và thằng chiêu hồi đổ gục, từ đó tiếng loa cũng tắt luôn. Tiếng loa chiêu hồi tắt thì khắp làng Mai Xá Thị rộ lên tiếng ùng oàng của bom, pháo địch dội tới tấp. Dấu hiệu của việc địch sắp tràn vào làng. Từ nhận định đó, Ban chỉ huy tiểu đoàn BB47 lệnh cho các đại đội khẩn trương ăn cơm, kiểm tra lại công sự, vũ khí sẵn sàng đánh địch.

Lợi dụng thủy triều rút, bãi cạn, bọn địch lội bì bõm vượt lạch nước, theo sau là một bầy thiết giáp. Chờ địch vào các bờ lạch ba đến năm chục mét, Đại đội Lê Hồng Phong nổ súng mãnh liệt ghìm đầu địch xuống, bắn cháy năm xe tăng ngay dưới mép nước. Tuy nhiên địch còn hơn 20 xe tăng và thiết giáp vượt lên bắn dữ dội vào làng. Đến 8 giờ sáng ngày 13 tháng 2 thì chúng bám được vào khu chợ. Từ đó trở đi ta và địch đánh quần lộn trong làng. Đồng chí Thành, xạ thủ B40 bị thương nặng. Lộc giằng lấy súng, bằng hai quả đạn phụt cháy hai xe tăng và lính bộ binh bám sau xe. Bất ngờ một chiếc M41 hùng hổ lao đến chỗ Lộc, anh diệt luôn chiếc xe này rồi cùng một chiến sỹ nhảy lên chiếc xe vừa bị tiêu diệt kê súng bắn cháy nốt một chiếc khác ở cách đó năm mươi mét. Hết đạn bắn tăng, Lộc cùng trung đội dùng trung liên, AK diệt địch giữ vững trận địa. Cảm phục trước tinh thần chiến đấu của Lộc, sau trận này chiến sỹ tặng cho anh cái tên “Triệu Tử Long Xê Một (C1)”.

Sau đợt Mậu Thân, Lộc được đề bạt giữ chức trung đội trưởng đội 1 đại đội Lê Hồng Phong. Trên cương vị mới này anh đã chỉ huy trung đội của mình đánh một trận tuyệt đẹp ngày 6 tháng 5 năm 1968 mà ba mươi năm sau người thua trận phải thốt lên “Khủng khiếp lắm!”.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 6.5.1968, đại đội A sau khi được bổ sung quân số, trang bị đầy đủ từ xóm Nhĩ Hạ Chợ và Lâm Xuân Đông dàn hàng ngang có bốn xe thiết giáp yểm trợ đánh vào cánh đồng Nhĩ Trung. Khi địch cách trận địa ta trăm mét, tiểu đoàn BB47 phát hỏa, diệt gọn bốn xe thiết giáp và trung đội Mỹ đi đầu, bọn địch đi sau rối loạn đội hình. Chớp thời cơ tiểu đoàn phát lệnh xung phong. Đại đội II từ Nhĩ Hạ Rú xông ra, đại đội Lê Hồng Phong từ Nhĩ Trung cũng nhanh chóng lao tới đuổi địch. Trung đội trưởng Nguyễn Văn Lộc dẫn đầu trung đội của mình như một lưỡi dao sắc nhọn cắm vào giữa đội hình đại đội Mỹ đánh giáp lá cà. Trên cánh đồng Nhĩ Trung trống trải, các chiến sỹ ta nhanh nhẹn luồn lách giữa các bờ ruộng, mô đất xáp lại bọn Mỹ bắn gần, lúc không kịp bắn thì dùng báng súng, lưỡi lê, đốc súng tống vào mặt lính Mỹ. Lính Mỹ khiếp sợ, nhiều tên khóc ré lên như bò bị chọc tiết. Ông Trần Văn Thà nguyên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn BB47 người trực tiếp chỉ huy trận đánh này hiện nay là đại tá nghỉ hưu tại 62 Phù Đổng, thành phố Nha Trang tỉnh Khánh Hòa viết trong bức thư đề ngày 23-7-2001 gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 4: “Đời lính tôi chưa bao giờ thấy được chiến sỹ ta đánh giáp lá cà đẹp như vậy, dũng cảm, gan góc tuyệt vời! Cũng chưa bao giờ thấy linh Mỹ khóc than, run rẩy, khiếp đảm quân ta đến như vậy. Tôi đứng thẳng trên gò mả tổ xóm Phường chứng kiến quân ta đánh Mỹ mà nước mắt trào ra, cám ơn Tổ quốc đã cho tôi những chiến sỹ tuyệt vời!”.

Trong lúc đang tung hoành giữa đội hình địch thì bất đồ hai tên Mỹ từ phía sau xông đến ôm Lộc. Tuy bị bất ngờ nhưng anh kịp dùng báng súng đánh trúng đầu một tên rồi buông súng vật nhau với tên còn lại. Hai người dường như dính chặt vào nhau lăn tròn trên mặt ruộng. Tên Mỹ bị nện báng súng đã hồi tỉnh, hắn xông đến dí súng vào người Lộc bóp cò. Trận này Lộc và một số chiến sỹ khác hy sinh nhưng quân ta thắng lớn, xóa sổ đại đội A, thu nhiều vũ khí và chiến lợi phẩm. Ông Nguyễn Hữu Tứ nguyên tiểu đoàn phó đoàn BB47 hiện nay là trung tá nghỉ hưu tại 139B Trần Quý Cáp phường Đức Long, thành phố Phan Thiết kể lại: “Đến chiều tối tôi được phân công giải quyết thương binh tử sĩ, bắt tù binh, thu dọn chiến trường, ngay giữa bãi chiến trường ngổn ngang, một hình ảnh làm tôi vô cùng khâm phục và xúc động: Trung đội trưởng Nguyễn Văn Lộc hy sinh trong tư thế tay trái nắm chặt cổ áo, tay phải chọc thẳng yết hầu bóp chặt cuống họng tên Mỹ cao to đã chết. Tôi trực tiếp gỡ tay Lộc rất khó khăn vì cơ tay anh đã cứng, bên cạnh là khẩu súng AK hết đạn”.

Có thể nói đây là hình ảnh hy sinh lẫm liệt nhất của hơn năm trăm con người ưu tú tiểu đoàn BB47 đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hành động chiến đấu dũng cảm và tấm gương hy sinh oanh liệt của Nguyễn Văn Lộc khắc sâu vào ký ức cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn BB47 không bao giờ phai.

Đến đây đã rõ đại từ “các ông” mà cựu chiến binh Mỹ muốn nói tới chính là cán bộ, chiến sỹ tiểu đoàn BB47, dân quân du kích các xã Do Quang, Do Thành, Do Mai và đại đội bộ đội địa phương huyện Do Linh là đối tượng tác chiến của lữ đoàn 196 quân đội Mỹ trong các trận đánh ở khu đông Do Linh Mậu Thân 1968 mà liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc là một trong số đó. Lời khen của ông ta dành cho đối thủ của mình là thật lòng, không phải khách sáo.

Sau trận đánh vừa kể trên, tiểu đoàn BB47 rút quân ra hậu cứ (Vĩnh Linh) củng cố đơn vị, bổ sung quân, đạn dược, rút kinh nghiệm chiến đấu. Khi tiến hành bình công khen thưởng, Đảng ủy và Ban chỉ huy tiểu đoàn thống nhất cao, đề nghị lên trung đoàn xét thành tích đề nghị Nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng LLVTND cho ba đồng chí: Trần Văn Thà -Đại úy tiểu đoàn trưởng; Nguyễn Văn Lộc - Liệt sỹ, thượng sỹ trung đội trưởng; Cao Lương Bằng - thượng sỹ trung đội trưởng. Như vậy là trong danh sách đề nghị tuyên dương anh hùng có một liệt sỹ và hai cán bộ đương nhiệm. Đồng thời cả hai trung đội trưởng Lộc, Bằng đều ở cùng một đơn vị - đại đội Lê Hồng Phong. Ông Cao Thung, nguyên trưởng ban cán bộ trung đoàn 270 hiện nay là đại tá nghỉ hưu tại thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhớ lại rằng: Ngày ấy Đảng ủy và Ban chỉ huy trung đoàn thống nhất ý kiến là để phát huy ngay tác dụng chỉ đề nghị lên Bộ Tư lệnh Quân khu 4 xét đề nghị tuyên dương anh hùng cho trung đội trưởng Cao Lương Bằng còn ông Trần Văn Thà do có vấn đề đặc biệt và liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc sẽ để lại xét sau. Đến năm 1970 Nhà nước ta đã tuyên dương danh hiệu cao quý anh hùng LLVTND cho đồng chí Cao Lương Bằng – một phần thưởng xứng đáng cho những thành tích đặc biệt xuất sắc mà anh đã lập được trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Ít lâu sau tập thể cán bộ, chiến sỹ đại đội Lê Hồng Phong cũng được tuyên dương danh hiệu đơn vị anh hùng LLVTND.

Còn liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và xây dựng đơn vị vừa kể ở trên đã được ghi nhận thì đến bây giờ vẫn chưa có một động thái gì. Đây quả là một thiệt thòi lớn cho linh hồn liệt sỹ, thân nhân liệt sỹ và một thế hệ chiến sỹ tiểu đoàn BB47. Trước tình hình đó cán bộ chiến sỹ cũ là những đồng đội với liệt sỹ ở phân tán nhiều miền đất nước đã tìm gặp nhau ôn lại chuyện chiến trận một thời. Những lần gặp mặt đó không ai quên được gương chiến đấu của liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc. Lại canh cánh bên lòng rằng kể từ ngày Lộc hy sinh thời gian đã lùi quá xa mà anh vẫn chưa nhận được phần thưởng cao quý nhất. Thể theo nguyện vọng cựu chiến binh dBB47 từ năm 1993 đến nay ông Trần Văn Thà (nguyên tiểu đoàn trưởng) thay mặt cho ông Nguyễn Hồng Khanh (nguyên chính trị viên đại đội Lê Hồng Phong) thương binh mù hai mắt hiện ở xóm Xuân Dục, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, ông Lê Văn Thố (Nguyên trợ lý chính sách dBB47) nay là trung tá nghỉ hưu ở 139B Trần Quý Cáp, phường Đức Long, thành phố Phan Thiết và ông Nguyễn Ngọc Trung (nguyên tiểu đội trưởng trinh sát dBB47) hiện nay là đại tá khoa tham mưu (BB) Học viện quân sự Đà Lạt đã bốn lần viết thư kính gửi Bộ tư lệnh Quân khu 4 đề nghị xác minh thành tích của liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc để đề nghị Nhà nước truy phong danh hiệu anh hùng LLVTND cả bốn lần gửi đi vẫn chưa có hồi âm.

Xin được trích đoạn thư của ông Nguyễn Hữu Tứ: “Kính gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Với tư cách là tiểu đoàn phó tiểu đoàn BB47, nhân chứng đã trực tiếp giải quyết thương binh tử sỹ, tôi xin xác nhận hành động hy sinh anh dũng của liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc, cùng thống nhất với các anh chị trong tiểu đoàn 47 hiện còn sống kính đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 4 tiếp tục xác minh đề nghị Nhà nước xét truy tặng danh hiệu anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc, một người con của quê hương Quân khu 4 (Thư đề ngày 6-8-2001).

Cũng trong lá thư kính gửi Bộ Tư lệnh đề ngày 23 tháng 7 năm 2001 ông Trần Văn Thà viết: “Nguyễn Hữu Lộc không được xét tuyên dương anh hùng là một thiệt thòi cho lực lượng vũ trang. Nếu cần đến tôi trong việc này tôi sẵn sàng làm theo lệnh của Bộ Tư lệnh. Năm nay tôi đã 73 tuổi rồi, không biết tôi được rơi nước mắt mừng cho đồng chí Lộc yêu quý của chúng tôi được tuyên dương hay không?”.

Mới đây ngày 22 tháng 8 năm 2001 trong biên bản đề nghị về việc truy phong danh hiệu anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc gửi Bộ Tư lệnh Quân khu 4 đồng kính gửi Bộ Quốc phòng QĐNDVN của sáu thành viên gồm các ông: Lê Văn Cảm Bí thư Đảng ủy xã, Hoàng Đình Út, Chủ tịch UBMT xã, Hoàng Xuân Dính Chủ tịch cựu chiến binh xã, Hồ Văn Dy, cán bộ TBXH xã, Nguyễn Hữu Chính Phó chủ tịch UBND xã và Nguyễn Ngọc Sáng BTXĐ xã đại diện cho nhân dân xã Do Hà (cũ) nay là xã Do Quang, huyện Do Linh (địa bàn dBB47 đã chiến đấu) có đoạn ghi: “Một hình ảnh để lại đức tính anh dũng của người chiến sỹ cách mạng mà nhân dân chúng tôi nhớ mãi là khi đồng chí Lộc đã hy sinh nhưng tay vẫn bóp chặt yết hầu làm cho tên Mỹ chết ngạt. Khi đơn vị và nhân dân đến thì tay đã cứng nguyên. Qua những chiến công hiển hách và lòng dũng cảm của đồng chí Nguyễn Văn Lộc ghi lại cho quê hương xã nhà chúng tôi một ký ức không bao giờ quên. Chúng tôi những người đại diện Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể và nhân dân xã nhà kính đề nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Quốc phòng ghi nhận những chiến công của đồng chí Nguyễn Văn Lộc để phong tặng anh hùng LLVT”.

Ý nguyện của đồng đội mới đáng yêu và cháy bỏng làm sao nhưng cũng dễ nguội tắt nếu những ý nguyện này không đến được với các cơ quan hữu trách. Người viết bài này cũng là một đồng đội của Lộc xin được cùng các chị các anh một thời sống, chiến đấu ở tiểu đoàn BB47 Vĩnh Linh hiện đang sinh sống trên nhiều miền đất nước tiếp thêm một ngọn dầu cho ngọn lửa luôn bùng cháy ít ra cũng sưởi ấm chút gì cho hương hồn Lộc nơi chín suối. Cũng có thể xem đây như là lá thư ngỏ gửi đến BCHQS Quảng Trị (đơn vị chủ quản quân nhân Nguyễn Văn Lộc) là một cơ quan quân sự cấp tỉnh có nhiều năm làm tốt trách nhiệm nghĩa tình đồng đội, nên đầu tư cán bộ, thời gian xác minh, nghiên cứu, xem xét một cách nghiêm túc về thành tích của liệt sỹ Nguyễn Văn Lộc và lập hồ sơ đề nghị truy phong danh hiệu anh hùng LLVTND, đảm bảo sự công bằng cho đối tượng chính sách.

                   T.B


Trần Biên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 86 tháng 11/2001

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground