| Ở nơi thời tiết khắc nghiệt nhưng tự nhiên đã ân tứ cho Quảng Trị một hòn đảo nhỏ là Cồn Cỏ. Chỉ cách đất liền 17 hải lý (30 km) từ phía biển Cửa Việt, những ngày trời quang có thể nhìn thấy Cồn Cỏ. Và nếu đi một chuyến tàu ra đảo, ta có thể khám phá được nhiều điều thú vị lẫn linh thiêng. | | | | | | Theo truyền thuyết dân gian, ngày xưa có một người rất khỏe tên là Thồ Lồ, có nhiệm vụ đào đất, đắp núi. Có lần ông gánh một gánh đất quá nặng, đòn gánh bị gãy. Hai sọt đất văng ra hai phía. Sọt văng về phía núi thành ra động Lòi Reng (một hòn núi lớn thuộc địa phận xã Vĩnh Thủy, trong bản đồ quân sự ghi là cao điểm 74). Sọt văng về phía biển thành đảo Cồn Cỏ, còn có tên khác là Hòn Cỏ, Hòn Gió, Hòn Mệ, đảo Con Hổ. | |
Cồn Cỏ là đảo quân sự, dân sự | | Hẳn vì truyền thuyết "khiêm tốn" ấy mà Cồn Cỏ là một hòn đảo nhỏ, diện tích chừng 2,3 km2. Tuy nhỏ nhưng đảo có một lịch sử khá bề thế, qua khảo cổ học đã phát hiện công cụ đá của con người cách đây hàng vạn năm. Những thế kỷ đầu công nguyên, dân Chămpa đã đặt chân đến đây. Dưới thời nhà Nguyễn, đây là nơi đày ải những người có tội.
Chòi quan sát của anh hùng Thái Văn A bên ngọn hải đăng Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, Cồn Cỏ là hòn đảo kiên cường được cả nước biết đến. Từ năm 1965 đến 1968, Bác Hồ đã ba lần gửi thư thăm hỏi, động viên khen ngợi cán bộ chiến sĩ đảo Cồn Cỏ. Những bức thư ấy hiện nay được khắc đá đặt trên đảo. | | |
Thư Bác Hồ được khắc đá đặt trên đảo | | | Đảo có độ phủ của rừng trên 70%, đứng ở ngọn hải đăng phóng tầm mắt sẽ nhìn thấy bao quát toàn bộ đảo với màu xanh diệp lục mát mắt. Du khách tham quan đi qua con đường uốn lượn dưới những lùm cây rậm rạp như đi vào một rừng nguyên sinh, chằng chịt dây leo. Những cây bàng cổ thụ tuổi đời ngót nghét trăm năm sừng sững. Vào mùa hè, hoa bàng vuông bung nở những chòm tua rua tím lạ mắt. | |
| | Biển ở Cồn Cỏ cũng khác. Bãi biển có ghềnh đá cổ rêu phong bám đầy, là nơi du khách thích thú chụp ảnh. Lội xuống nước, không phải cát mà là một lớp sỏi mịn như mát xa bàn chân. Có lẽ chính điều này mà nước biển ở bãi tắm trong hơn, sạch hơn và lặng hơn. Chỉ cần lặn ra phía ngoài một chút, dưới đáy rất nhiều san hô đẹp mắt. | | |
Bãi tắm nước trong và ghềnh đá đẹp trên đảo | | | Thưởng thức các món hải sản trên biển ở những nhà hàng giản dị, thân thiện. Món hàu lớn bằng hai bàn tay người có thể khiến ta... ngợp. Hay con ốc cầm nặng tay, khi ăn phải thổ mạnh vào bàn để lấy thịt ốc ra, vì vậy gọi là ốc thổ. | | Du khách có thể tham quan đảo bằng xe điện | | | | | Chúng tôi đi một vòng quanh đảo bằng xe điện, khi đến một quãng đường vắng thì thấy một nghĩa địa nhỏ, có một am thờ, một tháp bia chung và 12 ngôi mộ vừa được xây dựng, sơn màu hoàn thiện. Nghe kể trước đây mộ chỉ đắp bằng cát, san hô, xung quanh được kè bằng đá để tránh bị gió biển thổi cát bay cát nhảy. Nay thì nghĩa địa đã được chính quyền tôn tạo lại, đây là nơi chôn cất những người chết biển trôi dạt vào đảo. Trong này có hai mộ có tên, còn lại không thể biết, chẳng rõ vì sao lại chết, và không biết cả quốc tịch. | | |
Khu nghĩa địa chôn cất người chết trôi dạt | | | Theo chuyện kể của những người gắn bó với đảo, trước đây cứ vài năm lại có một xác người chết trôi dạt vào bờ. Tất cả đều không còn nguyên vẹn do bị phân hủy lâu ngày. Cán bộ, chiến sĩ và người dân vớt lên, đưa đi an táng ở nghĩa địa. Có xác phân hủy mạnh, phải dùng cái màn nhẹ nhàng luồn dưới nước để vớt lên. | | |
Âu thuyền đảo Cồn Cỏ | | | Lại có lần mấy cán bộ chiến sĩ đi tuần tra ban đêm, đến địa điểm ghềnh đá hằng ngày vẫn đi qua thì tự dưng một đồng chí có linh cảm là lạ. Nhóm tuần tra liền quay lại, lội xuống nước, quờ tay dưới ghềnh đá thì gặp một cái xác người trôi dạt vào mắc kẹt dưới đó. Có năm đúng vào chiều 30 Tết, lính đảo đang chuẩn bị bữa tất niên thì nghe có tin báo ngoài bãi biển có xác chết dạt. Cái thây người đã không còn toàn vẹn do bị cá biển rỉa rói. Bộ đội ghi chép lại những đặc điểm dáng người, màu da, tóc,... để sau này nhỡ có thân nhân hỏi tìm thì còn có cái nhận dạng. | | | | | | Dân đảo gọi những xác người này là những "ông Được, bà Được" (tức là tìm được), vì không biết chính xác là ông hay bà nên cứ gọi chung chung vậy. Cũng có khi gọi là các "ngài", một cách nói hàm ý tôn trọng, phong thần. Và tất cả được đưa về an táng ở nghĩa địa. Mỗi tháng đến rằm, mỗi năm lễ, tết mọi người đều đến các phần mộ chỉnh trang dọn dẹp, cúng tế. Ngư dân đảo trước khi đi đánh cá cũng đến đây thắp hương mong bình an. | | |
Một người dân đảo vớt cá buổi sớm | | | "Sống ở đâu cũng phải có tình, ở nơi hải đảo càng cần tình hơn nữa, tình người sống đối với nhau, và đối đãi với người bất đắc kỳ tử". Một người sống lâu năm ở đảo cho biết, nhờ nghĩa cử này mà Cồn Cỏ tuy nhỏ, nhưng qua biết bao mùa gió bão cuộc sống nơi đây vẫn được an toàn. | | | | |
| • Nội dung: TRÚC AN • Hình Ảnh: H.C.D • Thiết kế: NGUYÊN QUÝ |
|