Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Nằm bên một nhánh sông Vĩnh Định, chùa làng Bồ Bản (xã Triệu Trạch, Triệu Phong, Quảng Trị) thật yên bình khiến bất cứ ai khi đến đây đều có cảm giác thanh tịnh nhưng thật thiêng liêng. Cái hồn thiêng ấy trước hết bởi đây là một ngôi cổ tự, và hơn thế, còn bởi những câu chuyện huyền nhiệm đến sững sờ.

Từ quốc lộ 49C, ngay ở trung tâm thị tứ Bồ Bản, chỉ cần rẽ một trăm mét là đến ngôi chùa Bồ Bản. Một không gian thoáng đãng "tam cấp": phía trước là dòng sông, tiếp đến một khoảng ruộng xanh, và ngôi chùa. Chỉ thế thôi đủ thấy địa thế chùa là một ân sủng của tạo hóa.

Theo các cụ trong làng kể thì khi xưa nhánh sông này nằm trong hệ thống sông đào Vĩnh Định, dòng chảy lớn, nước trong, vua quan thường dong thuyền ra ngự lãm. Đất làng lại có thế long chầu hình rồng đẹp nên... suýt nữa bị sung vào đất triều đình. Chuyện này được ghi lại trong gia phả họ Lê Đình như sau:

"Lê Đình Cữu đậu khoa thi văn hóa năm Canh Thân, giữ chức Chính Cung thuộc nội lệnh Sử Ty Hữu Biên giật nam. Tên Cương Trực, có thờ linh vị tại chùa Trường Khánh (chùa làng Bồ Bản) để ghi công người sáng lập. Tương truyền rằng, khi ông làm việc trong triều biết được một ông thầy địa lý (người Tàu) có tâu với vua nên chiếm một huyệt đất ở làng Bồ Bản để cho nhà vua. Ngài sợ mất đất của làng và hơn nữa làng chưa có chùa, nên ngài đã về sáng lập ngôi chùa này và lấy tên là Trường Khánh Tự."

Đất thiêng đúng là không dễ lấy đi. Chuyện hơi hướng truyền thuyết ấy được xem như gốc tích lịch sử ngôi chùa.

Bước vào chánh điện chùa Bồ Bản, dễ thấy ngay kiến trúc thờ tự truyền thống của chùa làng Việt Nam với tượng phật Tam thế, tam gian. Hơn nữa, những bức tượng đặt thờ ở đây đều là pho tượng cổ, hoặc có một hành trình lưu lạc rồi trở về.

Đó là tượng đức Bổn sư bằng gỗ mít đẽo xưa, khi thắp hương thỉnh tượng xuống xem mới hay các cánh tay, khối thân được lắp ghép vào nhau. Thợ chạm ngày xưa làm công phu. Qua thời gian và biến hóa vô thường tượng tuy có hư hỏng vài chỗ nhưng chất gỗ mít vẫn vàng ươm.

Một bức tượng Quán Thế Âm nhỏ cỡ hai bàn tay, bằng đá màu xám, cũng là một vật thiêng được trả về. Số là khi xưa có chàng thanh niên làng bên cạnh, đi chăn bò sang đây thấy hòn non bộ trước sân có bức tượng nhỏ nhỏ khéo khéo, liền thó về. Chắc cậu chàng không biết tượng phật mà nghĩ là một món đồ trang trí bonsai nên lấy. Khi đem về cậu chàng ốm một trận thập tử nhất sinh. Tìm mãi không ra bệnh, gia đình liền đi coi bói. Thầy phán rằng cậu có lấy một cái gì đó của nhà chùa, mau đem trả.

Gia đình liền đem tượng phật trả lại cho chùa Bồ Bản và cậu lành bệnh. Đấy là bức tượng Quán Âm thứ nhất được trả lại ngày xưa.

Và mới đây, năm 2018, thêm một bức tượng Quán Thế Âm khác sau nửa thế kỷ, đi nửa vòng trái đất, lại được trả về cho chùa Bồ Bản. Câu chuyện ly kỳ này như một sự tích nhân quả, như một sự nhiệm mầu của đức tin, và được nhìn nhận dưới góc độ nhân văn về chiến tranh, về hóa giải hòa hợp.

Câu chuyện khá dài dòng như sau.

Tháng 4 năm 1968, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Clark Clifford chỉ thị cho Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam thực hiện ba nhiệm vụ cấp bách. Một trong ba nhiệm vụ đó là tiến hành các cuộc hành quân càn quét để giải tỏa các thành thị, căn cứ, đường giao thông, ngăn chặn quân giải phóng tiến công. Lúc này trên mặt trận Đường 9 - Khe Sanh chiến sự đang căng thẳng và ác liệt, còn ở phía đông Quảng Trị Mỹ tăng cường càn quét. Muller là người chỉ huy một đại đội Mỹ thực hiện càn quét.

Một lần, Muller dẫn đại đội qua làng Bồ Bản, ông thấy cảnh vật hoang vu. Trước đó người dân đã được sơ tán, di cư lánh nạn. Muller đi vào một ngôi chùa đầu làng có tên hiệu Trường Khánh. Chùa tiêu điều bởi đạn bom, chỉ còn bốn cột gỗ, dưới đất có nhiều tượng phật bị đánh rơi ngổn ngang. Nổi bật trong số đó có một tượng phật ngồi, tạc từ đá thạch anh trắng phau, cao tầm gang tay. Muller lấy bức tượng cho vào túi mang đi.

Những cuộc hành quân sau đã lấy mất của ông Muller một chân. Khi về Mỹ, ông luôn ám ảnh cảnh bom đạn tang thương ở Việt Nam. Nhiều đêm Muller nằm mơ thấy mình đi qua những đổ nát hoang tàn khói lửa, và hiện lên một ngôi chùa làng, ông thấy chính mình trong giấc mơ đã lấy bức tượng phật. Hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại khiến Muller ấp ủ ước mơ phải trở về Việt Nam, phải trở về Quảng Trị, phải trở về ngôi chùa Trường Khánh để trả lại bước tượng. Muller không theo tôn giáo và không biết tên cũng như ý nghĩa bức tượng, song qua những giấc mơ, ông nghĩ hẳn đây là vật linh thiêng nên ông đặt chưng trên một giá sách.

Không may, những ám ảnh chiến tranh giày vò đã khiến ông đột quỵ, không thể đi lại được dù đầu óc vẫn tỉnh táo. Ước nguyện trở lại Việt Nam càng xa vời đối với ông. Năm 2006, Muller mất. Trong giấy tờ để lại, Muller có bản di nguyện gửi gắm những người đồng đội nếu có dịp quay về Việt Nam hãy giúp ông trả bức tượng cho chùa Trường Khánh.

Ông Anderson, một người dưới quyền chỉ huy của Muller, sau này về Mỹ cũng là người bạn thân của Muller. Những ám ảnh Muller trải qua, cũng chính là những ám ảnh chung về chiến tranh Việt Nam của bao nhiêu binh lính Mỹ được gọi chung là "Hội chứng Việt Nam" (Vietnam Syndrome). Khi Muller mất, Anderson nghĩ phải tiếp quản di nguyện của bạn, để bạn và mình cùng được thanh thản.

Năm 2008, Anderson có chuyến trở lại Việt Nam nhưng không tìm được thông tin gì về ngôi chùa để trả bức tượng. Các ngôi chùa làng ở Việt Nam hầu hết đều có tên hiệu Hán Việt nhưng ít được dùng, thay vào đó người dân lấy tên làng để gọi tên chùa. Chùa Trường Khánh dân gọi là chùa Bồ Bản, vì nằm ở làng Bồ Bản. Chính điều này mà Anderson hỏi thăm chùa Trường Khánh thì không nhận được câu trả lời xác đáng.

Quay về Mỹ, Anderson tìm đến Viện Bảo tàng quân đội Mỹ mượn tấm bản đồ chiến tranh tại Quảng Trị. Trên bản đồ chi chít những chấm đen là căn cứ quân sự Mỹ, các mũi tấn công càn quét và thời gian càn quét được ghi chú rõ ràng. Dò tìm mãi cuối cùng Anderson cũng tìm ra tên địa danh Bồ Bản (trong bản đồ ghi Bo Bang), ghi chú thời gian càn quét qua đây là ngày 7/4/1968. Đặc biệt trên bản đồ có một đường khoanh đậm bao quanh ngôi chùa thành một cụm cứ điểm Mỹ dày đặc. Sự trùng hợp trong bản di nguyện Muller và tấm bản đồ đó đã giúp cho Anderson định vị được chính xác địa chỉ ngôi chùa Trường Khánh.

Lại thêm nhân duyên khác, một lần tình cờ Anderson đi thăm một ngôi chùa Việt Nam ở bang Texas thì gặp sư cô Thích Nữ Minh Hòa. Sư cô Minh Hòa quê ở làng Vĩnh Lại (xã Triệu Phước, bên cạnh làng Bồ Bản) sang Mỹ định cư tu hành rồi xây chùa, trụ trì. Sư cô Minh Hòa đã khẳng định với Anderson về ngôi chùa Trường Khánh chính là chùa Bồ Bản và kết nối, chỉ đường để Anderson về Quảng Trị một lần nữa.

Buổi trưa mùa hè năm 2018, khi gặp đại đức Thích Mãn Toàn - trụ trì chùa Bồ Bản, cựu binh Mỹ Anderson vẫn cẩn thận hỏi: "Ông có cái gì chứng minh đây là chùa Trường Khánh không". Vị sư trụ trì lấy tờ bìa đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó ghi đất cấp cho chùa Trường Khánh - Niệm phật đường Bồ Bản. Trong chốc lát, cựu binh Mỹ nhìn ra sân chùa thấy một cái giếng, ông ồ lên: "Đúng cái giếng đào ngày xưa, khi chúng tôi hành quân qua đây đã múc nước lên để uống". Đến lúc đó Andersen mới hoàn toàn tin mình đã đến đúng chỗ và đặt bức tượng trả lại.

Bức tượng "lưu lạc" đúng 50 năm. Trong khoảng thời gian đó có gần bốn mươi năm là dặng dặc ám ảnh chiến tranh của người cựu binh Mỹ Muller và hơn mười năm ông Anderson day dứt thực hiện nguyện vọng sau cùng của bạn.

Cả người lấy bức tượng lẫn người mang trả tượng đều không theo tôn giáo. Nên khi đặt bức tượng xuống bàn, Anderson hỏi đại đức Thích Mãn Toàn tượng có tên gì, ý nghĩa thế nào. Vị sư trụ trì trả lời đấy là tượng phật Quán Thế Âm Bồ tát, mang hình ảnh của người mẹ hiền lắng nghe những khổ đau và cứu độ chúng sanh.

Đại đức Mãn Toàn có hỏi Anderson về động cơ của Muller khi lấy bức tượng. Nhưng ông Anderson bảo không biết, chỉ khẳng định chắc chắn rằng đó không phải là hành động cố ý đánh cắp. Có thể vì thấy bức tượng nằm nghiêng ngả dưới đất mà Muller cảm thương rồi mang đi thôi. Và cũng không thể không phán đoán về một lý do mang tính tâm linh, như ý nghĩa của bức tượng. Nhờ đó mà ông Muller được sống sót để trở về Mỹ, và đại đội do ông chỉ huy trong đó có Anderson cũng qua được nguy nạn chiến tranh chăng?

Không thể biết chính xác mục đích của người lấy tượng để làm gì. Nhưng việc mong muốn trả lại tượng của Muller, và hành trình lần tìm về của Anderson cho thấy những người lính dù bên kia chiến tuyến vẫn đầy trách nhiệm. Một bức tượng bằng đá trọng lượng chừng năm cân, không phải là nhẹ so với hành trang của người lính, nhưng Muller đã mang đi theo suốt những năm chiến tranh ở Việt Nam cho tới khi sang Mỹ. Kể cả khi một chân đã gửi lại trên chiến địa, thì ông vẫn mang theo một khối đá như giữ đức tin nào đó. Ông Anderson cũng đã hai lần đưa đi mang về bức tượng vượt nửa vòng trái đất, hẳn cũng là một việc làm không dễ dàng khi quá cảnh các sân bay.

Hai từ "của chùa", không chỉ gói gọn trong nhà chùa mà là một thành ngữ. Dân gian nói "của chùa không ai xót", tức là nói đến tài sản chung, không tư hữu, ai thích làm gì cũng được, ai lấy đi cũng chả sao. Song, qua những câu chuyện ở chùa Trường Khánh - Bồ Bản, mới hay: của chùa không dễ lấy đi. Phép nhiệm mầu ấy, giống như tích chuyện Châu về Hợp Phố, và hơn nữa, là một câu chuyện thú vị để bạn tìm về Quảng Trị.

• Nội dung: HOÀNG CÔNG DANH
• Ảnh: HCD-Mãn Toàn
• Thiết kế: Nguyên Quý

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Quãng vắng quạnh quẽ

7 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground