Toàn cảnh rừng cọ dầu dưới chân hồ Trung Chỉ - Ảnh: Đ.D.L
Ngỡ tưởng loang lổ mặt đất vì bom đạn cày xới; và gió nóng với bão táp mưa sa thì người dân Đông Hà làm sao thích nghi nổi. Thế mà bao đời con người nơi “bắt sỏi đá phải thành sắn gạo” cũng biết cách níu giữ rừng cọ - giống cây mang dáng của dừa miền Nam nước Việt - đứng thẳng tán xòe như cây thốt nốt xứ đền đài Angkor… dẻo dai, hùng vĩ.
Gọi là rừng nhưng cọ đứng thẳng lối thành hàng, có vài cây như ưỡn ngực đứng tách ra vòng ngoài che chắn đầy kiêu hãnh. Dáng thẳng, cành lá sum suê, quả từng chùm nép vào bẹ chờ ngày bung nhành thõng xuống - mãnh liệt, trường tồn.
Rồi tôi chứng kiến thị xã phát triển qua bao mùa gió Lào quạt lửa. Lau lách biến mất, đồi núi thấp xuống, đường thẳng dần; cây mọc thành hàng lối, phố bắt đầu có tên, nhà bắt đầu ngay ngắn… Cùng với sự phát triển đô thị, từ những năm đầu thập niên 90, những dự án phủ xanh đất trống đồi trọc được triển khai. Người dân địa phương ý thức rất rõ việc bảo vệ môi trường là cấp bách, thôi thúc. Chính quyền đã phối hợp với tổ chức Cây Hòa Bình Việt Nam (Hoa Kỳ) triển khai dự án phủ xanh đất trống đồi trọc nơi hằn vết tích chiến tranh. Vì thế mà Lâm viên Hữu nghị Đông Hà được hình thành với rất nhiều loài cây gỗ quý, tạo bóng mát như: lát hoa, sến, táu, gụ… cùng với Lâm viên Cọ Dầu xanh mát.
Khi các đồi trọc dần xanh trở lại, thị xã cũng cựa mình lớn lên. Có ai tin, đầu những năm 1990 công viên Đông Hà được xây dựng, ở đó có cái đu quay mà cả nước chỉ có hai cái, cái còn lại nằm tại thành phố lớn nhất nước - thành phố Hồ Chí Minh. Người đầu tư mô hình du lịch vui chơi giải trí đó có liên quan với công viên thứ hai: Công viên Hùng Vương và cũng chính là rừng cọ dầu tôi muốn nhắc tới.
Khoảng năm 2000, tôi nhớ một người Quảng Trị là giám đốc công viên Hồ Kỳ Hòa nổi tiếng từ những năm 1980 tại thành phố Hồ Chí Minh. Ông đem những tài sản còn lại từ công viên nổi tiếng một thời về lắp ghép ở rừng cọ dầu thị xã thành khu vui chơi… nho nhỏ, đây chính là nhân vật khởi động mô hình du lịch giải trí đầu tiên có tên là công viên Đông Hà ở một tỉnh mới tách ra, người dân lúc đó gọi là “Kỳ Hòa Quảng Trị”. Tôi ấn tượng về cái đu quay nơi công viên Đông Hà bao nhiêu thì thú vị buồng chuối 100 nải ở Công viên Hùng Vương bấy nhiêu. Người chen chúc tới chơi đu quay nhiều bao nhiêu thì người tò mò về buồng chuối 100 nải cũng nườm nượp bấy nhiêu. Rừng cọ dầu hoang vu trở thành điểm hẹn, tôi cũng tò mò đi xem buồng chuối 100 nải, nó hấp dẫn hơn cái nhà ma, tàu lượn, ghế lắc lư, quay tròn, rung lắc…!
* * *
Bây giờ lá cọ vẫn sum suê, thân cọ vẫn thẳng đứng, hàng nối hàng. “Đại lộ” Hùng Vương nối dài, chạy ngang trước mặt rừng cọ, trưng ra khoe với du khách muôn nơi rằng, nơi đô thị nổi tiếng với nắng và gió mà chính quyền địa phương vẫn bảo vệ được lá phổi xanh. Các công trình dân sinh, nhà hàng khách sạn, khu đô thị cao cấp, khu thương mại của Vincom cũng hòa cùng, say đắm cái mảng xanh như viên ngọc giữa thành phố này.
Xanh mát tự nhiên, lãng mạn tự nhiên, rừng cọ không cần phải đầu tư bằng bê tông, đào xới, tỉa vẽ. Chỉ cần chút trân quý, nâng niu và thấu hiểu thì những chang chang kia cũng thập thò sau tán lá, khô khát kia cũng phải nhường những làn gió sóng sánh trên mặt hồ dịu lại.
Du khách tìm tới gói chuyện trăm năm - đôi trai gái dắt tay nhau hạnh phúc dưới mái lá, tà áo cưới phủ dài trên thảm cỏ, bóng chiều đổ nghiêng tạo hiệu ứng cho người thợ ảnh có những tấm hình, nét nổi nét chìm mê hoặc cho ngày vui. Lớp cuối cấp nào đang chụp ảnh kỷ yếu, giữa không gian mênh mang của lá cọ xòe cùng tia nắng sớm, từng đôi mắt lấp lánh đầy duyên, huyên náo giữa mênh mang tiếng ve, trên thân cọ của mùa trước vẫn còn tên ai đó khắc lên; gia đình ai chồng vợ và hai đứa nhỏ, cũng đứng bên hồ, họ chỉnh sửa để lấy cho hết cả rừng cọ xanh ngút ngàn xa thẳm… Làm sao kể hết nhân duyên ở chốn thanh tĩnh Lâm viên Cọ Dầu, nơi cuối tuần tôi không giấu được thú uống cà phê hoặc điểm trà thường xuyên vào buổi sáng.
Một góc rừng cọ dầu Đông Hà - Ảnh: Đ.D.L
Không gian Trà Sen nơi rừng cọ tạo ra phong cách tao nhã của thú uống trà, mà lại là “trà sen”. Riêng lãng đãng của ban mai đã “đốn tim” người đa cảm; xào xạc của gió lượn dưới tán cọ xòe đủ ru êm ánh mắt phiêu diêu; chưa kể thêm cảm giác êm ái khi nghe ai đó xướng lên cái tên “Trà Sen” mềm mại. Có lẽ không nơi nào phù hợp hơn ở không gian này để hình dung cánh sen rơi nghiêng khẽ khàng như ướm vào đôi gót hồng!
Không phải số ít, mà cuộc sống xô bồ đã khiến nhiều người cần nơi tĩnh lặng. Họ cũng như tôi, cần lắm không gian chỉ có màu xanh và chấp chới trời mây lọt qua kẽ lá, nếu có bị ồn ào thì trong âm thanh ấy có cả tiếng chim. Quán trà và cà phê ở Lâm viên Cọ Dầu đón khách mỗi ngày và đông nhất cuối tuần và ngày nghỉ. Hương trà sen gợi một thuở, hương cà phê gợi một chốn về… nhẹ nhàng như gió ngoài mặt hồ thoảng qua vậy! Rừng cọ giúp người chán cảnh ồn ào, cô đơn giữa đám đông tìm về mình đúng nghĩa.
Nhà hàng quán nước mọc lên lẫn giữa rừng cọ, cây và người tựa vào nhau chẳng phũ phàng, bởi vậy mà du khách có những chỗ ngồi ngay dưới tán lá. Gia đình tôi là công dân thành phố nhỏ, thích màu xanh, trước là màu của rau, của lúa rồi tới màu của đâm chồi nảy lộc; còn bạn đời của tôi là người nhẹ dạ với rừng cọ này. Mỗi lần thưởng cho nhau một thứ gì ấm áp cuối tuần, thì gợi ý tìm tới màu xanh rừng chiều lao xao gió - nơi nương dưới những tán lá xòe như những chiếc ô, quán cơm Sepon hòa vào không gian thiên nhiên ấy, để có những món ăn dân dã, rất Quảng Trị, rất phù hợp miền nắng gió. Bốn công dân thành phố, ngồi giữa lòng đất mẹ thân thương, ngay trong rừng cây, với những món ăn: cá chạy dưới gốc lúa, rong đến với bờ từ đảo Cồn Cỏ, rau nhà trồng - số lượng có hạn; ăn cơm từ gạo hữu cơ Sepon… rất nhiều thứ gom góp từ tần tảo thô sơ truyền thống. Và ngồi hóng gió chiều thoảng trên mặt hồ Trung Chỉ luồn xuống cái thung lũng rợp ngàn cây cọ, mà thưởng thức, mà nhấm nháp…
Cái cảm giác sung sướng khi biết là không phải mơ, thành phố mình cũng có một rừng cây gắn bó từ ngày khai hoang mở đất, còn tồn tại giống như rừng tràm ở thành phố Cà Mau, rừng nhãn ngay thành phố Tiền Giang… là có thật! Tôi vấn vương một miền quê vừa đi qua như rừng cọ đồi chè ngào ngạt nào đó phía Bắc, hay rừng xà nu phố núi ở Tây Nguyên, thoáng về rừng dừa Bến Tre Nam bộ, rồi hứng lên ngâm nga câu thơ của Tố Hữu như nghe được âm thanh khoan nhặt từ mảnh vườn sum suê của Bác: Anh dắt em vào cõi Bác xưa / Đường xoài hoa trắng nắng đu đưa / Có hồ nước lặng sôi tăm cá / Có bưởi cam thơm mát bóng dừa…
Rừng cọ quê tôi mang dáng dấp như các miền quê đó. Trong mỗi bức ảnh mà du khách chụp rồi đem khoe, đều thân thiện một màu xanh quyến luyến. Sau bao lần quy hoạch, đầu tư, rừng cọ dầu tồn tại như lẽ đương nhiên, tuy bị xén hao hụt, nhưng ảnh từ flycam nhìn xuống, mới thấy thành phố Đông Hà hạnh phúc vì có một lá phổi đủ lớn cho đô thị phát triển lâu dài.
* * *
Với rừng cọ dầu nơi thành phố nhỏ nằm trên trục Xuyên Á, hứng chịu khắc nghiệt của thời tiết hàng năm, thì không gì hơn ngoài ý thức bảo vệ và phát triển thêm. Nhiều thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt và nhiều nơi khác đã và đang phát triển mô hình rừng trong phố. Khi sự biến đổi khí hậu ngày một phức tạp; khi nhu cầu “chữa lành” của con người muốn hướng đến môi trường trong lành từ mẹ thiên nhiên thì các sản phẩm du lịch cần phải thân thiện với môi trường.
Mỗi lần tôi đến rồi rời rừng cọ trong nhiều thời điểm, khi thì đang lấp lánh ban mai, là khi những bước chạy bộ thể dục đã hít căng lồng ngực không khí trong lành; khi thì trời chiều chiếu nghiêng xiên qua kẽ lá, các sân bóng đá mini náo nhiệt tiếng hò reo. Nước mặt hồ như thỏa mãn bởi được rừng cọ xòe lá che chở. Đến đây nắng chợt dễ thương và hấp dẫn hơn, không như câu hát “Bơ hò bơ hụi… nhưng người ta to nhỏ, sợ cái nắng Đông Hà” nữa!.