Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Nằm trong cụm di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, có một ngọn cờ Tổ quốc lừng lững gần bảy mươi năm qua là minh chứng cho lòng yêu nước nồng nàn. Và những câu chuyện hùng tráng có một không hai, những tấm lòng quả cảm để giữ vẹn nguyên màu cờ thiêng liêng ấy vẫn còn được kể mãi...

Sau hiệp định Genève (7/1954), đất nước tạm thời bị chia cắt hai miền theo vĩ tuyến 17; cầu Hiền Lương - sông Bến Hải thành ranh giới Bắc Nam. Nhằm nêu cao ý chí đấu tranh cho độc lập tự do và khát vọng thống nhất, đồng thời để đồng bào miền Nam nhìn thấy cờ Tổ quốc, cuối tháng 8/1954, chúng ta đã dựng lên một cây phi lao cao 12 mét ngay đầu cầu Hiền Lương. Đúng ngày quốc khánh 2/9/1954, lá cờ đỏ sao vàng diện tích 24 m2 tung bay trên giới tuyến. Thấy thế, phía bờ Nam, quân Pháp treo lá cờ lên cột cao 15 m trên lô cốt Xuân Hòa. Các chiến sĩ ta lại về Rú Lịnh tìm được cây gỗ cao 18 m để thay cột cờ.

Cờ là biểu tượng của ý chí, hai bên đều hiểu điều này và muốn của mình cao hơn, cuộc “đọ cờ” đã bắt đầu ngay từ lúc đó. Buổi đầu cột cờ đơn sơ, nhưng nhận thấy khả năng cuộc “đọ cờ” còn kéo dài, thêm nữa bên sông gió nhiều không đảm bảo cột đứng vững nên vào đầu năm 1956, sau khi chuyển giao chính quyền, phía bờ Nam dựng hẳn cột bằng sắt thép cao 30 m, treo cờ ba sọc rộng 32 m2. Ta không chịu thua, năm 1957 lắp ráp cột cờ bằng ống thép cao 32 m sơn màu trắng, lá cờ diện tích 108 m2 có đính ngôi sao bằng đồng, năm đỉnh cờ gắn bóng điện loại 50 w.

Đến năm 1961, bờ Nam nâng cột lên 35 m thì ta lại cử một đơn vị công binh từ Hà Nội vào dựng trụ cờ mới cao 38,6 m, lá cờ rộng 134 m2. Lúc này ở bờ Nam đã không còn dám dựng cột cao thêm nữa vì sợ gió nguy hiểm. Thế là cuộc “đọ cờ” chấm dứt và lá cờ Tổ quốc ở bờ Bắc ngạo nghễ bay cao hơn cờ miền Nam.

Cột cờ Tổ quốc ở miền Bắc luôn bị đe dọa bởi đạn pháo địch. Đỉnh điểm là năm 1967, Mỹ huy động lực lượng hùng hậu đánh sập trụ cờ miền Bắc. Không chịu khuất phục, tháng 8/1967, Đồn Công an Hiền Lương lại dựng lên cột cờ bằng gỗ.

Sau đó nhiều lần cột cờ bị không kích oanh tạc khiến trụ gãy, cờ rách. Từ năm 1956 đến năm 1967, chúng ta đã treo 267 lá cờ các cỡ. Quân dân Vĩnh Linh trải qua hơn 300 trận chiến đấu lớn nhỏ để giữ kỳ đài Hiền Lương. Riêng trong năm 1967 đã có 11 lần cột cờ được thay, 42 lần thay quốc kỳ vì bom pháo phá hỏng. Tuy vậy, quốc kỳ Việt Nam chưa từng ngừng bay bên bờ sông Bến Hải. Cột gãy liền thay mới. Quyết tâm giữ vững vẹn nguyên màu cờ Tổ quốc, những bà những mẹ vùng giới tuyến đã không quản ngại ngày đêm khâu vá lại lá quốc kỳ.

Một trong những người mẹ ấy là mẹ Ngô Thị Diệm người Vĩnh Linh, làm dâu làng Hiền Lương ngay bên vĩ tuyến 17. Mẹ Diệm khi ấy tuổi trung niên, là phụ nữ nhưng nhất quyết không đi sơ tán mà ở lại làm cấp dưỡng, chăm lo đời sống cho cán bộ chiến sĩ.

Khi địch leo thang đánh phá miền Bắc, cột cờ giới tuyến là mục tiêu của quân miền Nam hòng đánh tan ý chí thống nhất. Lá cờ vì thế thường xuyên dính phải đạn bom xơ xác. Có ngày cờ bị đánh tan tác mấy lần nên để gìn giữ ngọn cờ, ta có một cơ sở may đặt tại xã Vĩnh Nam, sẵn sàng may vá cờ được nguyên vẹn. Nhưng có những ngày cờ bị đánh liên tục không may được lá mới, mẹ Diệm tự nguyện vá cờ để kịp kéo lên. Những lá cờ rách toe tua thấm khói súng được mẹ giặt giũ sạch sẽ rồi cẩn thận đường kim mũi chỉ khâu vá vuông vắn lành lặn. Ngày đêm mẹ túc trực để vá cờ bất chấp hiểm nguy, khi thì dưới hầm, có lúc ngồi may ngay dưới chân cột cho kịp treo cờ lên.

Bên cạnh mẹ Diệm còn có mẹ Viễn, hai người sống chung trong túp lều tranh dựng tạm ở vùng giới tuyến để làm hậu cần. Mẹ Viễn và mẹ Diệm chính là hai người vá cờ trong suốt những năm chiến tranh ác liệt, hình ảnh hai mẹ được nhiều nhiếp ảnh gia ghi lại trong nét mặt bình thản mà chăm chú, thể hiện tâm trạng hy vọng và quyết tâm. Mẹ Viễn bảo vá cờ không phải là khó vì phụ nữ thì việc đường kim mũi chỉ đã quá quen, song vì bên bờ giới tuyến, bom đạn cứ ầm ầm bên tai, lắm lúc đang tỉ mẩn vá những lỗ thủng do đạn bắn xuyên qua, địch bất ngờ thả bom, giật mình nên đâm cả kim vào tay.

Cảm kích trước tấm lòng của các mẹ, nhà thơ Tố Hữu đã viết nên những vần thơ xúc động: Gần cầu có mẹ Diệm nghèo / Nắng mưa rơm rạ túp lều đơn sơ / Mẹ ơi bom đạn bất ngờ / Sao không tạm lánh xa bờ ít lâu / Mẹ rằng: “Mẹ chẳng đi đâu / Còn anh bộ đội canh cầu ngày đêm”. Ghi nhận đóng góp cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Nhà nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho mẹ Ngô Thị Diệm.

Trong phân cảnh đầu tiên của phim tài liệu nổi tiếng Vĩ tuyến 17: Chiến tranh Nhân dân (đạo diễn Joris Ivens) có hình ảnh lá cờ Tổ quốc tung bay hùng vĩ giữa bầu trời Quảng Trị. Gần đây, tại buổi chiếu phim và giao lưu với nhân chứng phim ở Vĩnh Linh, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng có chia sẻ về kỷ niệm lúc quay phân cảnh này.

Năm 1967, bà Xuân Phượng được Bác Hồ cử vào Vĩnh Linh để phiên dịch và chăm sóc y tế cho đoàn phim Vĩ tuyến 17: Chiến tranh Nhân dân. Đạo diễn Joris Ivens muốn có cảnh quay lá cờ đỏ sao vàng phủ qua dòng sông Bến Hải nối hai miền Nam Bắc. Rõ ràng muốn được cảnh đó thì chỉ còn cách leo lên tận ngọn cờ mà quay, một việc làm vô cùng khó khăn trong bối cảnh bấy giờ máy bay địch luôn quần thảo hòng tìm cách đánh phá cột cờ miền Bắc. Nhưng đạo diễn Joris Ivens quyết tâm bằng mọi giá phải làm được. Thế là đoàn làm phim chia thành hai tốp, nếu tốp này leo lên không quay được thì tốp kia sẵn sàng thực hiện. Tốp thứ nhất gồm ba người: đạo diễn Joris Ivens, bà Xuân Phượng và người quay phim tên Tuấn.

Trước lúc leo lên cột cờ, anh Tuấn có lời nhắn nhờ bà Xuân Phượng: Chị ơi lần này em lên quay thì chắc chín phần chết, chỉ còn một phần sống; nếu có mệnh hệ gì thì chị bảo với vợ em rằng em rất yêu cô ấy, ngay lúc này và mãi mãi. Bà Xuân Phượng bồi hồi xúc động kể lại rằng gió khi ấy thổi rất mạnh, phải có gió mạnh mới quay được lá cờ tung bay trải rộng, sự nguy hiểm ở độ cao cùng với không khí ác liệt của bom đạn, không kích khiến mọi người đều lo sợ.

Bà Xuân Phượng (ngồi giữa) trong buổi giao lưu tại Vĩnh Linh năm 2022

Bỗng nhiên bà bị một quả bom hất tung, khi mở mắt ra thì thấy miệng mình toàn đất, bà nhìn sang thấy đạo diễn Joris Ivens cũng bị đất vùi. Nhưng khi vừa gượng dậy được, câu đầu tiên Joris Ivens nói là: Tuấn đâu rồi? Lúc này anh Tuấn quay phim đã leo lên tới trên cao và say sưa quay lá cờ. Đạo diễn Joris Ivens hối hả gọi người quay phim xuống nhanh nhưng anh Tuấn vẫn tiếp tục quay, một lát sau mới xuống. Khi anh Tuấn đã xuống mặt đất, Joris Ivens bảo: Tốt lắm, nhưng nhớ lần sau khi đạo diễn bảo xuống thì phải xuống ngay nhé. Nhờ sự gan dạ này mà bộ phim Vĩ tuyến 17: Chiến tranh Nhân dân có được cảnh vào đầu ấn tượng, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hòa bình, độc lập dân tộc đến cộng đồng quốc tế.

• Nội dung: THUẬN VŨ
Hình Ảnh: TƯ LIỆU - THANH THỌ
Thiết kế: NGUYÊN QUÝ

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground