Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

108 ngày bên Cửa Việt

… N

hiệm vụ mới của D47 là cùng hai tiểu đoàn khác của trung đoàn 38 đánh căn cứ 31. Ba tiểu đoàn trưởng gặp nhau, xét thấy tiểu đoàn 47 vừa qua đã rất vất vả nhưng rất kiên cường bám mặt trận Cửa Việt, nên hai thủ trưởng tiểu đoàn bạn nhất trí dành cho D47 mũi thứ yếu đánh từ phía Tây Bắc lên.

Trần Văn Thà xin cảm ơn.

Nhưng anh rất lo. Lâu nay đánh du kích là chính, chưa hề đánh công kiên bao giờ. Ví dụ đánh công kiên là phải có thủ pháo để dẹp dây thép gai mở đường cho bộ đội tiến vào.

Suy nghĩ mãi, từ chỗ đóng quân ở Nhĩ Thượng, Trần Văn Thà quyết định, anh sẽ cùng các đại đội trưởng theo trinh sát đến tận căn cứ quan sát thật kỹ rồi cùng bàn với nhau để lên kế hoạch. Với ý định ấy, Trần Văn Thà quyết định ngay đêm ấy trinh sát dẫn đường các anh đi điều nghiên thực trạng trận địa, nhất là mũi Tây Bắc mà tiểu đoàn đã được phân công.

Cắn cứ 31 đã ở trước mắt các anh. Nhờ có pháo sáng cảnh giới của địch, Trần Văn Thà và ba đại đội trưởng nhìn rõ hàng rào bùng nhùng bên ngoài. Sau lớp hàng rào bùng nhùng là 5 hàng rào dây thép gai. Rõ ràng muốn đánh được vào căn cứ, nhất thiết phải có bộc phá giải quyết những hàng rào dây thép gai này.

Thực địa rồi, ba tiểu đoàn nhất trí với nhau tối 28 tháng chạp các mũi sẽ tiệm cận, rồi từng bước tiến nhập. Giờ G quy định nổ súng là 1 giờ sáng ngày 29. Không mũi nào được trái giờ quy định ấy. Kế hoạch tác chiến phải báo cáo lên bộ tư lệnh mặt trận 20. Xem xét xong bộ tư lệnh quyết định tấn công lùi vào ngày 30. Và 3 giờ chiều ngày 20, bỗng tiểu đoàn nhận lệnh mới, đánh căn cứ 31 để trung đoàn 38 lo. Tiểu đoàn 47 đánh bốt Bến Ngự ngay bên đầu cầu Bến Ngự.

Ngay lập tức, tiểu đoàn 47 chuyển quân vào Gio Cam. Và việc đánh bốt Bến Ngự giao cho đại đội 1 do Lê Hữu Trác làm đại đội trưởng.

Trần Văn Thà và Lê Hữu Trác quay về đi thực địa bốt Bến Ngự. Bốt Bến Ngự chỉ có một trung đội địch đóng án ngữ cầu. Phải diệt điểm chốt án ngữ này các cuộc hành quân khu vực này mới thuận lợi. Bốt Bến Ngự cũng được rào dậu bằng dây thép gai, nhưng khá mỏng manh. Thà và Trác quyết định dùng DKZ và cối 82 bắn vào bốt giữa ban ngày ban mặt.

4 giờ chiều ngày 28, đại đội 1 của Lê Hữu Trác tiến nhập cách bốt chỉ chừng 400 mét, vẫn giữ được bí mật. Đúng giờ ấy cối 82 và DKZ bắn dồn dập vào bốt mấy chục quả liền. Địch trong bốt nháo nhác chạy, Lê Hữu Trác ra lệnh xung phong, tràn lên đánh thẳng vào bốt. Đến 5 giờ rưỡi ta chiếm bốt Bến Ngự hoàn toàn. 8 tên địch bị diệt.

Trần Văn Thà ra lệnh đại đội 1 để lại một tiểu đội giữ bốt, còn tất cả tiến lên bao vây chi khu quân sự Gio Linh. Cuộc hành quân bí mật. Đại đội một vây quanh chi khu quân sự, mà địch trong chi khu không hề hay biết.

Trần Văn Thà cùng đại đội 1 đang tính toán sẽ giải quyết chi khu này bằng cách nào đây. Đúng lúc đó Trần Văn Thà được tin tiểu đoàn 5 thay tiểu đoàn 47 đóng ở Lâm Xuân Đông, đã bị quân Mỹ ở Cửa Việt tấn công đánh bật ra ngoài. Trần Văn Thà được lệnh phải đánh bật Mỹ khỏi Lâm Xuân Đông.

Một mặt Thà triển khai ngay tiểu đoàn về Mai Xá, Nhĩ Thượng, Nhĩ Hạ, Kỳ Trúc, Kỳ Lân, một đại đội bám chặt Lâm Xuân Đông để tính chuyện với bọn Mỹ ở đây, một mặt đại đội 1 vẫn bao vây chi khu quân sự Gio Linh. Sáng hôm sau địch trong chi khu Gio Linh cho lính hành quân ra bên ngoài, tưởng êm đẹp như mọi ngày, không ngờ chúng đã bị bao vây. Khi địch đã vào trong tầm ngắm, Lê Hữu Trác ra lệnh nổ súng, 5 tên chết, 8 tên bị thương ngay tại ngoài hàng rào dây thép gai.

Lê Hữu Trác viết thư vào nói: Chi khu các anh đã bị quân giải phóng bao vây chặt. Nếu các anh muốn ra nhận xác chết và thương binh của các anh thì hãy cầm cờ trắng và hoàn toàn không có vũ khí trong tay.

Chỉ huy chi khu muốn ra lấy xác đồng đội, nhưng phải mang cờ trắng như một cuộc đầu hàng thì nhục nhã quá, sau đó làm sao chỉ huy được binh lính nữa. Chỉ huy không chịu. Nhưng anh em binh lính đòi hỏi phải có tình với đồng đội. Bị thúc ép với số đông, đồng thời sợ giải phóng quân đánh chiếm chi khu, mất chi khu còn mất mặt hơn. Cuối cùng chỉ huy phải đồng ý cầm cờ trắng ra lấy xác, lấy thương binh đồng đội. Nói một cách khác, chi khu quân sự Gio Linh đã đầu hàng. Trong suốt ba ngày bao vây, Lê Hữu Trác bắt chỉ huy chi khu Gio Linh, hãy bằng bất cứ lý do gì đó, không cho trực thăng tới quấy rối, cũng không cho pháo bắn quanh đồn. Chỉ huy đã chấp hành răm rắp. Rõ ràng chi khu quân sự Gio Linh đã nằm trong tay đại đội 1 của Lê Hữu Trác.

Tiểu đoàn 47 chưa chạm trán địch, tiếp tục triển khai cho hoàn chỉnh thế trận của mình: Đại đội 1 ở Mai Xá, đại đội 2 ở Vinh Quang Thượng, Vinh Quang Hạ; ban chỉ huy đóng ở xóm Đồng, Vinh Quang Hạ.

Tiểu đoàn nhận được điện của bộ tư lệnh, nói rằng: “Thư của thượng tướng Văn Tiến Dũng yêu cầu phải sử dụng các lực lượng chặn cho bằng được tàu địch tiếp tế cho Đông Hà”.

Lúc này tiểu đoàn 5 đã bàn giao trận địa Cửa Việt cho tiểu đoàn 47, tiểu đoàn 5 rút ra sau nhận nhiệm vụ mới.

Trần Văn Thà nhận thức rõ thư của thượng tướng Văn Tiến Dũng là “Sử dụng các lực lượng” anh hiểu thượng tướng nói đến lực lượng nhân dân tham gia vào chiến tranh. Lập tức anh đi tìm anh Nguyễn Sanh, thường vụ tỉnh uỷ, hiện đang làm bí thư Gio Cam. Hai người trao đổi với nhau tinh thần của cấp trên, lập tức Nguyễn Sanh triệu tập cán bộ các xã, hành quân gấp đến họp tại Kỳ Trúc.

Cuộc họp này đã đi tới một quyết định: Đắp đập trên sông Hiếu để ngăn tàu địch tiếp tế lên Đông Hà, Khe Sanh. Đây là hai vùng xung yếu của địch. Nói đến Đông Hà là người ta nghĩ tới sân bay Ái Tử, căn cứ pháo vua chiến trường ở 241, và căn cứ Mắt Thần ra-đa khống chế hai bờ Hiền Lương của Mỹ ở bên đường 9. Nói đến Khe Sanh là người ta nghĩ ngay tới đồi núi chập chùng ở Hướng Hoá, Làng Vây, Khe Sanh, địch đang củng cố các căn cứ này để khống chế đường Trường Sơn mênh mông đi qua miền Trung này. Ngăn đường tiếp tế cho Đông Hà, Khe Sanh là làm cho hai vùng quân sự quan trọng này từng bước sa vào khủng hoảng.

Ý thức được nhiệm vụ quan trọng, Nguyễn Sanh đã phát động nhân dân Gio Cam chặt tre, đẳn gỗ, huy động thuyền của nhân dân, đến hẹn chở đến địa điểm đắp đập. Thanh niên các xã chặp tre vót nhọn, làm vồ để đóng cọc tre. Đúng 20 giờ ngày 7 tháng 2 năm 1968 từng đoàn người trên cạn, từng đoàn thuyền dưới sông tấp nập đến bờ sông làng Cồn Hạ, xã Cam Giang. Người chuyển, người vác, hàng trăm người ngâm mình dưới dòng sông Hiếu đóng cọc tre, khiêng đá, khiêng đất đắp đập. Bộ đội tiểu đoàn 47 gác hai đầu và những vị trí hiểm yếu để nhân dân làm đập.

Gần sáng thì chiếc đập Cồn Hạ đã hoàn thành. Tranh thủ trước khi trời sáng, đặc công hải quân xuống sông thả thuỷ lôi đón tàu giặc lên. Công binh gài mìn trên đập, để nếu tàu địch tới được đập, lính của chúng làm bất cứ hành động nào với đập sẽ bị mìn nổ tiêu diệt luôn. Lính pháo của tiểu đoàn 47 chọn địa điểm có ưu thế quân sự nhất đặt súng DKZ ngay gần bên bờ để sao đó, nổ phát súng đầu tiên đã giành thắng lợi.

Đập Cồn Hạ, rõ ràng là thế trận nhân dân, bằng hai bàn tay và lòng hăng say đã làm nên vũ khí rất đặc trưng của người dân yêu nước. Tình quân dân gắn chặt với nhau ngay trên dòng sông Hiếu này.

Ngay ngày hôm sau, hai tàu địch chở hàng lên vấp mìn, cả hai chiếc bị thương, quay về.

Lập tức từ Cửa Việt, địch cho 3 tàu lên gần Cồn Hạ bắn phá. Súng DKZ nổ, một chiếc tàu bóc cháy ngay. Hai tàu kia sợ quá, lập tức quay đầu chạy về Cửa Việt.

Tiếp hôm sau, địch cho 3 tàu chiến, 1 tàu há mồm chở 3 thiết giáp lên bắn phá vào làng Đại Bộ. Lính tiểu đoàn 47 nằm im, chờ thời cơ. Thấy tình thế có thể lấn tới, địch cho xe thiết giáp mở máy lên tàu, lửng thửng vào làng.

DKZ nổ, một M113 bốc cháy, hai chiếc kia được súng đại liên từ trên tàu chiến yểm hộ liều lĩnh vào làng. Lúc này lính 47 bắn trả quyết liệt, 2 xe tăng cháy ngay khi chúng vừa lăn xích vào làng, và cả 3 tàu chiến, một tàu há mồm trên sông cũng bị bắn cháy luôn.

Thế là cuộc hành quân thứ hai của Mỹ trên sông Hiếu sau khi làm xong đập Cồn Hà được đắp đã bị thất bại hoàn toàn.

Đập Cồn Hạ - thế trận nhân dân chưa bị đụng tới, đang chờ địch. Cũng nhờ có đập Cồn Hạ, chiến sĩ tiểu đoàn 47 thấy mình không hề cô đơn, lúc nào cũng có nhân dân bên cạnh mình. Vừa được trang bi, vừa được củng cố lại xong, với lòng tự tin, họ sẵn sàng chiến đấu “bóp cổ họng Cửa Việt”, chính là ngăn chặn chúng trên sông này.

Những căn cứ địch ở Đông Hà, Ái Tử, La Vang, 241, Tân Lâm, Mắt Thần, đường 9, rồi Khe Sanh, Làng Vây, Hướng Hoá đang chờ hàng của tàu lên chi viện hàng ngày. Một ngày tàu Cửa Việt cầm chân là một ngày chúng hoang mang trong chờ đợi. Vì vậy, đường sông bị cắt, hằng ngày hàng trăm trực thăng phải chở hàng tới tận căn cứ những vị trí địch đang há mồm.

Bất lực trước dòng sông Hiếu, để trả thù con đập ngăn sông, hằng ngày không biết bao lần Mỹ cho máy bay bay từ Cửa Việt lên bỏ bom vào đập Cồn Hạ. Có sứt mẻ, nhưng do cọc tre cắm chân sâu vào lòng sông, nên con đập vẫn sừng sững đứng đó như cái gai, như mũi chông chọc vào mắt, vào tim giặc. Sau trận tàu và M113 thua ở Đại Bộ, ban chỉ huy tiểu đoàn 47 nhận định: thua ở Đại Bộ hôm nay, ngày mai rất có thể địch sẽ đánh lên Kỳ Trúc.

Trần Văn Thà gặp trực tiếp anh Nguyễn Sanh:

- Chúng tôi dự đoán ngày mai địch sẽ đánh lên Kỳ Trúc, chỗ anh đang ở đó.

Anh Nguyễn Sanh nói:

- Rất có thể như vậy, các anh tính sao bây giờ?

Đáp lại câu hỏi ấy, ngay 4 giờ chiều hôm đó, Trần Văn Thà gọi Nguyễn Lộc tới, giao cho anh một trung đội đang đóng ở làng Kênh, lập tức hành quân ngay đến Kỳ Trúc. Vừa đến nơi, Lộc cho ngay trung đội đào hầm hố chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến đấu ngày mai như ban chỉ huy đã dự báo, và tin tưởng điều một trung đội lên đây.

Không sai, sáng hôm sau địch cho một đại đội nguỵ tấn công vào Kỳ Trúc.

Trung đội Nguyễn Lộc đã giăng bẩy ở đây. Khi đại đội nguỵ lọt vào bẩy, Lộc lệnh phát hoả. Lính nguỵ bị đánh bất ngờ, chết một đống ngay từ loạt đạn đầu. Sợ quá, lính nguỵ không dám tiến thêm một bước, cứ thế quay đầu chạy thẳng về Cửa Việt.

Máy bay Mỹ bay lên nhào lộn, thả bom, rồi quay về. Trung đội Nguyễn Lộc đã chiến thắng nhanh chóng và không một ai sứt chân sứt tay. Không ngờ, khi mình đã bày thế trận, đã thắng lợi giòn giã gọn gàng như vậy.

Trần Văn Thà tiếp tục triển khai quân mai phục. Nguyễn Lộc tiếp tục ở Kỳ Trúc, Như Sa dẫn một đại đội về Lâm Xuân Tây, đại đội 1 của Lê Hữu Trác sau khi làm chủ được chi khu quân sự Gio Linh, bây giờ lại được Trần Văn Thà phân công về chốt quân ở Mai Xá.

Vừa bước chân về Mai Xá, đại đội 1 đã lập công ngay. Một chiếc trực thăng phành phạch lượn vòng do thám như đang tìm kiếm một dấu vết nghi ngờ. Nó bay thấp, chủ quan, thấy ngon quá, Cao Lương Bằng lấy thế cho khẩu AK của mình. Khi chiếc trực thăng nằm gọn vào đầu ruồi súng, anh bóp cò, đúng chỗ hiểm, chiếc máy bay bốc cháy, lao ra khỏi tầm mắt. Không biết số phận tên phi công ra sao, nhưng lính Lê Hữu Trác không hề bị phản công lại.

Tiếng súng của Cao Lương Bằng lập một chiến công mang tính chất mở đầu: AK của chúng ta cũng có đủ khả năng bắn rơi trực thăng địch. Bằng phổ biến kinh nghiệm cho đồng đội, hầu như ai cũng thèm có một chiến công như Bằng.

Đập Cồn Hạ tạo nên cơn lốc tham gia kháng chiến của nhân dân Gio Cam. Tiếp sau đó là chiến thắng Đại Bộ, Kỳ Trúc, và hôm nay trực thăng cháy ngay trên đầu nhân dân Mai Xá. Cả làng Mai Xá xôn xao.

Đại đội 1 về Mai Xá, bắt tay ngay vào thế trận phòng ngự. Các chiến sĩ không nghĩ ngơi, bắt tay ngay vào đào hầm hố, xin tre của nhân dân làm nắp hầm. Vừa cảm phục, vừa thương các anh như con, một bà mẹ Mai Xá đã bảo các anh:

- Các con dỡ nhà của mẹ ra lấy tre lấy gỗ làm hầm.

Anh em bộ đội lắc đầu:

- Dạ, không được ạ.

Mẹ hỏi:

- Vì sao không được?

- Đây là tài sản của mẹ, kỷ luật của chúng con là không được đụng đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân ạ.

Mẹ Mai Xá nói:

- Mạng sống của các con, các con còn không lo. Nhà cửa của mẹ thì đáng gì máu xương của các con. Cha mẹ các con đẻ các con ra, cho các con vào bộ đội. Tới Mai Xá này thì phần của mẹ là lo cho các con. Việc lo ấy là hầm hố bảo đảm sự sống cho các con. Nên nhà mẹ đó, các con cứ phá xuống, lấy tre lấy gỗ làm hầm cho các con. Nếu còn vật liệu thì làm cho mẹ một căn hầm.

Mẹ tìm mọi cách bắt lính dỡ nhà mẹ làm hầm. Làm xong, anh em bảo làm cho mẹ, Mẹ đáp:

- Không có hầm, các con hy sinh vì không có hầm thì mẹ ân hận lắm. Còn mẹ, có hầm rồi đấy. Gọi thằng chỉ huy xuống đây lấy tre gỗ này mà làm hầm cho nó luôn.

Những bà mẹ Việt Nam là như thế. Phía sau các anh là bà mẹ, là nhân dân, chiến thắng là cái chắc.

Lính pháo tìm chỗ đặt súng, một người dân thấy các anh đang lúng túng, đến bảo:

- Các em muốn đánh tàu phải chọn chỗ gần mà đặt súng, ở xa bờ sao bắn trúng được.

Rồi người đàn ông ấy dẫn lính pháo đến một lòi đất ở một cái doi có địa thế đặt súng đẹp:

- Nơi này đáng đồng tiền bát gạo cho các em lắm.

108 ngày đêm tiểu đoàn 47 bám sát Cửa Việt, sông Hiếu, bắn cháy tất cả 33 tàu, thì chính nơi doi đất làng Mai Xá người nông dân dẫn đến, các anh đã bắn 5 tàu. Dân ta quen đánh giặc cả nghìn năm nay, nên trong máu ai cũng có một phẩm chất quân sự. Hèn chi cuộc kháng chiến chống Mỹ trên đất này, có người nói: “Ra ngõ gặp anh hùng” là vậy.

Chăm sóc đại đội 1 ở Mai Xá có cả một tiểu đội nữ nấu ăn cho lính. Nhân dân có gì, từ củ khoai đến bát gạo, từ bơ đỗ đến túi lạc đều giao cho các cô nấu ăn. Đến bữa, lính ở hầm nào cứ ở hầm nấy, các cô gánh cơm nóng canh ngọt đến tận nơi cho từng người:

- Anh bộ đội ơi, em đem cơm đến cho anh đây nè. Em gắng nấu cơm ngon, anh gắng ăn khoẻ để đánh giặc giỏi nghe anh.

Những cô gái ấy đến bây giờ ngồi với nhau, lính ta vẫn nhớ từng người: Lê Thị Ngậy, tiểu đội trưởng; Lê Thị Kết, Lê Thị Hồng, Hiền, Bùi Thị Mai, Trương Thị Nhỏ (An), Lê Thị Hằng, Nguyễn Thị Lan, Trương Thị Nhỏ (học sinh), Nguyễn Thị Thiện (học sinh), Trần Thị Quế (học sinh) và Trần Thị Tâm (học sinh)...

Đến Thiện, Tâm, Quế, Nhỏ (Bình) đang là học sinh, vì chiến tranh phải chững lại, cũng tham gia vào tiểu đội nữ, đủ thấy lòng dân Mai Xá từ già đến trẻ ai cũng một lòng ủng hộ bộ đội. Hèn gì bộ đội ta hăng hái đến thế.

Nhà báo Phương Nam đã làm một bài thơ tặng tiểu đội nữ Mai Xá:

Ôi em Mai Xá, đá gan liền

Tàn bạo nào lay nổi nữ xóm thôn

Mỗi trận giặc về, em đứng đó

Bao nhiêu máu đỏ, bấy anh hùng.

 

Em đó ư? Ơi Lam Giang

Ôi dòng sông nhỏ rất hiên ngang

Tuyến đầu em đứng, thuyền em chống

Tay lái em đó, đường vững vàng

 

Ta nghe cuồn cuộn dòng Cửa Việt

Nhận chìm bao tàu giặc đáy sông

Gio Mai, Gio Hà, Lam Giang oanh liệt

Luỹ tre xanh dàn thế trận Bạch Đằng

 

Bát ngát dòng sông những chiến công

Bao nổi chìm triều dâng thác mạnh

Hiếu Giang ơi! Tắm mát dạ anh hùng.

Ngày 28 tháng 2 năm 1968 Mỹ tập trung hoả lực, chúng dội đạn bom xuống suốt từ sáng đến tối, không ngớt tiếng nổ và lửa khói, tất cả tập trung nện vào Mai Xá, Vinh Quang Thượng.

Nhận định của ban chỉ huy tiểu đoàn 47 và lãnh đạo Gio Cam là: Nhất định ngày mai Mỹ sẽ tấn công Mai Xá. Chúng dùng bom đạn thế này đúng là cách dọn đường của một kẻ giàu và hiếu chiến. Phải tiêu diệt hết để ngày mai chúng tới không gặp một trở ngại nào.

Chúng chẳng từng tuyên bố: mười tấn bom diệt được một đối tượng, như thế là thắng lợi rồi.

Xác định được âm mưu địch, ban chỉ huy tiểu đoàn 47 tổ chức lại đội ngũ:

- Tăng cường vũ khí cho đại đội 1 đang đứng chân ở Mai Xá: Thêm 1 B41, 1 DKZ.

- Ở địa thế Mai Xá này, với cách tấn công của Mỹ lâu nay, chắc chắn hướng chúng di chuyển quân là từ phía bờ sông vào làng.

- Chắc chắn dưới sông chúng sẽ dùng xe lội nước cho cơ động. Và trên cạn chắc chắn chúng sẽ dùng xe bọc thép vừa để đỡ đạn cho bộ binh vừa đe doạ đối phương.

Ban chỉ huy đi thăm trận địa, Lâm nhắc anh em, đối mặt với vũ khí Mỹ phải lo hầm hố cho chắc chắn.

N.Q.H

 

Nguyễn Quang Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 173 tháng 02/2009

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground