Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bác Hồ:

55

năm trước, nhà thơ Tố Hữu đã viết về sức thuyết phục và sức lan tỏa của Bác Hồ: 'Ta bên Người - Người tỏa sáng trong ta". Đã 39 năm Bác đi vào cõi vĩnh hằng nhưng sự "tỏa sáng" ấy vẫn còn hiện hữu. Là một công dân, chúng ta ghi lòng tạc dạ vì công ơn trời biển của Bác đối với dân tộc. Là một người trực tiếp làm công tác khuyến học, chúng ta tự hào và sung sướng khi tìm hiểu về cả "Chí" và "Minh" của Người trong sự nghiệp "trồng người".

"Minh" ở đây là minh triết, là nhãn quan chiến lược nhìn xa trông rộng cùng với những sách lược chèo lái tài tình cho con thuyền đi tới đích. Những tư tưởng về "trồng người" của Bác được khởi điểm từ nhận thức sâu sắc về nhân tố con người trong mọi sự nghiệp. Giáo sư Trần Văn Giàu đã có một nhận xét chí lý: "Tầm cỡ của nhà hiền triết chung quy là ở mức độ quan tâm đến con người, con người thật đang sống trên trái đất này... lấy đó làm trung tâm của mọi suy tư và chủ đích của mọi hoạt động. Cụ Hồ Chí Minh thuộc loại hiền triết đó và vì đó mà cụ lớn". Nếu ngày trước Mác nói: "Không có gì thuộc về con người lại xa lạ với tôi" thì đến lượt mình, Bác dạy: "Công việc đầu tiên là công việc đối với con người". Cần nói rằng: Nhận thức con người là động lực thì nhiều nhà tư tưởng lớn đã ý thức từ lâu - chẳng hạn: Quản Trọng (một chiến lược gia được xem là vĩ đại trong lịch sử của Trung Quốc năm 730-645 trước Công nguyên), trong sách "Quán Tử" đã tổng kết:

"Nhất niên chi kế mạc nhi thụ cốc

Thập niên chi kế mạc nhi thụ mộc

Chung thân chi kế mạc nhi thụ nhân"

(Nghĩa là: Tính kế cho một năm thì phải trồng lúa, tính kế cho 10 năm phải trồng cây, tính kế cho cả đời phải trồng người). Nhưng điểm khác căn bản là ở chỗ ông xem đó là phương tiện để vua cai trị dân chúng chứ không phải vì dân chúng.

Bởi vì chính ông đã viết:

"Dân phú tắc chi sử dã, dân bần tắc nan trị dã" (dân giàu dễ sai khiến, dân nghèo khó cai trị).

Nhưng với Bác Hồ: Nhân dân không chỉ là động lực quyết định mọi thành bại mà quan trọng hơn phục vụ nhân dân là mục tiêu tối thượng của cách mạng, và của chính cuộc đời của Người. Người coi trọng "thiên thời", "địa lợi" nhưng "nhân hòa" mới là yếu tố quyết định nhất. "Dân là gốc", "xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân". "Bao nhiêu lợi ích là của dân. Bao nhiêu quyền hành thuộc về dân", "trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân" là nền tảng của tư tưởng thân dân, tin dân, trọng dân và phục vụ lợi ích của dân là ý chí hành động suốt đời của Người. "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn đến tột bậc là đất nước ta được độc lập, nhân dân được tự do, ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành". Trong lịch sử chưa có một vị lãnh tụ nào chỉ vì dân đang đói mà tình nguyện một tháng nhịn ăn 3 lần để góp vào "hũ gạo chóng đói" trợ giúp người nghèo. Thậm chí như lời kể của của đồng chí Vũ Kỳ: Có hôm, khách quốc tế mời Bác dùng bữa đúng vào lịch Bác nhịn ăn để lấy gạo đóng góp thì ngày sau Bác nhịn bù để có đủ lượng gạo để bỏ vào hũ theo kế hoạch. Chúng ta rưng rưng cảm động vì trước khi vĩnh biệt, Bác đã để lại lời căn dặn:"Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế-xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Đọc lại lời Người trước đó 20 năm: "Việc gì có lợi cho dân thì quyết tâm làm cho bằng được. Việc gì có hại cho dân thì phải quyết tránh cho bằng được". Ta hiểu rằng: Đó là chính Tâm, cái Tâm nhân ái Hồ Chí Minh với con người vậy.

Từ thương dân, tin dân, vì dân mà Bác Hồ quyết tâm vun đắp, xây dựng để làm tăng lên sức mạnh nội sinh của nhân dân. Đó chính là cái gốc của sự nghiệp "trồng người". Bởi vì theo Người "một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Muốn dân tộc hùng mạnh "phải làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc thông thái". Ngay từ buổi đầu, bước vào con đường cách mạng, Bác hiểu ngay rằng: Chính sách ngu dân của thực dân Pháp thực sự là một trở ngại to lớn của sự phục hưng của dân tộc. Vì vậy, trong "Bản án chế độ thực dân Pháp", Người đã đanh thép kết án: "Thực dân Pháp đã gieo rắc một nền giáo dục đồi bại, xảo trá và nguy hiểm hơn cả sự dốt nát nữa". Ngày 18/01/1919, thay mặt những người yêu nước Việt Nam, Bác đã trực tiếp ký vào bản yêu sách tại hội nghị VECXAY để đòi quyền tự do giáo dục, quyền thành lập các trường kỹ thuật, chuyên nghiệp ở các tỉnh.

Năm cách mạng tháng Tám thành công, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thì ngay từ trong buổi trứng nước, vận nước như "ngàn cân treo sợi tóc" bởi những thách thức nghiệt ngã của nạn đói, nạn ngoại xâm thì Bác vẫn cùng chính phủ quyết định tập trung vào 4 nội dung lớn: "Kiến thiết ngoại giao - kiến thiết kinh tế - kiến thiết quân sự - kiến thiết giáo dục". Ngay trong phiên họp đầu tiên của chính phủ ngày 03/9/1945, Bác nói "tôi đề nghị mở một chiến lược xóa mù chữ". Tiếp đó, Bác ký 3 quyết định: Thành lập Nha bình dân học vụ, quyết định mỗi làng phải mở lớp bình dân học vụ và quyết định cưỡng bức học chữ quốc ngữ và khích lệ các chiến sỹ diệt giặc dốt là các "vô danh anh hùng".

Với Bác Hồ: "Một năm bắt đầu từ mùa xuân. Một đời bắt đầu từ tuổi trẻ". Vì vậy, để cả nước trở nên "thông thái" phải bắt đầu từ tuổi trẻ học đường, nên vào dịp khai trường đầu tiên dưới chính thể mới, Bác Hồ đã nói với học sinh cả nước rằng" "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước lên đài vinh quang hay không chính là nhờ một phần lớn vào công sức học tập của các em".

Từ đó, đi suốt theo chiều dài của lịch sử, chống Pháp, chống Mỹ, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh để thống nhất nước nhà, trong 24 năm (1945-1969), trên cương vị là người lãnh đạo cao nhất của đất nước, là những năm tháng đầy cam go, phức tạp khi một dân tộc nhỏ và nghèo phải chiến đấu với hai đế quốc hùng mạnh để giành độc lập, "đại bác gầm" nhưng "họa mi không tắt tiếng", "mang mũ rơm đi học trên đường dài", nền giáo dục Việt Nam vẫn không ngừng tăng trưởng và trong thực tế đã là một thành tựu rất đáng tự hào. Thành quả đó gắn liền những tư tưởng, những chủ trương, chính sách và chăm lo rất đúng đắn và tận tình của Bác Hồ - người lãnh tụ tối cao và cũng là nhà sư phạm lớn của dân tộc.

Chúng ta đều biết: Khi chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI, đứng trước sự phát triển gia tốc của khoa học kỹ thuật, lượng tri thức được tăng theo cấp số nhân, tháng 6/1996, Đại hội đồng UNESCO đã đưa ra một ý tưởng mới về giáo dục. Lần lại những chủ kiến của Bác Hồ, chúng ta tự hào nhận thấy một sự gặp gỡ của những ý tưởng lớn.

Nếu Unesco cho rằng: Hệ thống các trường học chỉ làm nhiệm vụ giáo dục ban đầu, giáo dục những kiến thức cơ bản nhất còn mọi người phải được nhận sự giáo dục tiếp tục, thường xuyên, liên tục, suốt đời bằng một hệ thống giáo giục khác ngoài nhà trường. Như vậy là toàn dân đều học. Hơn 50 năm trước Bác Hồ chúng ta đã có chủ trương này khi xây dựng một nền giáo dục của dân, do dân và vì dân. "Người người, nhà nhà đều học". Và như Bác nói: "Vợ chưa biết chữ thì chồng bảo, em chưa biết chữ thì anh bảo, người làm chưa biết chữ thì chủ bảo..." và Người cho rằng:"Kiêu ngạo, tự mãn là kẻ thù số một của sự học". Bởi vì đường đời là cái thang không có nấc chót. Việc học là quyển vở không có trang cuối cùng". Từ đó, Người nhất quán chủ trương "Vì lợi ích trăm năm phải trồng người", "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa", "đào tạo thế hệ cách mạng cho đời sau là vô cùng cần thiết"...

Nếu như Unesco xác định: Học là để biết, để làm, để cùng nhau chung sống và để tự hoàn thiện bản thân mình. Nghĩa là không định hướng vào bằng cấp mà là ý nghĩa thực tiễn của học vấn. Với Bác Hồ, điều này hết sức rõ ràng. Bác chủ trương "giáo dục phải gắn với kinh tế-xã hội", "nhà trường phải gắn với thực tiễn đời sống", "học phải gắn với hành". Học không phải để "làm quan cách mạng" mà để "làm người công dân tốt, cán bộ tốt, chiến sĩ tốt". Nghĩa là để sống tốt hơn và làm việc tốt hơn. "Học hay - cày giỏi" là yêu cầu và cũng là mong muốn thiết tha của Người với người học. Nếu như Unesco vừa chủ trương phổ cập tri thức cho mọi người vừa coi trọng việc đào tạo những tài năng thì với Bác Hồ đây cũng là một tâm nguyện thiết tha. Với Bác, trước hết là "cán bộ, đảng viên phải tích cực học tập". Bởi vì "mọi thành công hay thất bại trước hết do cán bộ tốt hay kém". Hơn ai hết Bác hiểu sâu sắc vai trò và vị trí của người hiền tài. Ngay từ buổi đÇu của chính quyền cách mạng, Bác kêu gọi: "Nước nhà kiến thiết - kiến thiết phải có nhân tài. Trong 20 triệu đồng bào ta, chắc không thiếu người tài đức. E chính phủ nghe không đến, thấy không khắp nên bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó tôi xin nhận". Thực ra, chúng ta đều biết một trong những biệt tài của Người là việc tập hợp và sử dụng người tài nhưng lời "nhận" lỗi đó càng làm sâu sắc thêm ý nghĩa chiến lược của vấn đề.

Nếu như Unesco cho rằng: "Quan trọng nhất là mỗi người phải thích học và học có phương pháp" thì chính Bác Hồ là người luôn luôn cổ vũ cho sự say mê học hành. Với trải nghiệm vô cùng phong phú của đời mình, Bác đã tổng kết một cách sâu sắc: Học là bắt đầu từ tự học nên đã kêu gọi "lấy tự học làm cốt, thảo luận và chỉ đạo giúp thêm vào".

Vì vậy, giờ đây khi Đảng chủ trương "khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập", "phải chuyển đổi từ mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở, mô hình xã hội học tập", chúng ta hiểu đó cũng là sự nhất quán khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về "trồng người" và rất phù hợp với xu thế của thế giới. Và với Bác, một lần nữa chúng ta thấm thía nhận xét của nhà thơ Nga Oxip Manđenxtan - người đã từng quen Bác từ khi hoạt động ở quốc tế cộng sản, rằng:"Từ Nguyễn Ái Quốc tỏa ra một nền văn hóa, không phải là nền văn hóa châu Âu mà là nền văn hóa tương lai".

Nếu như Bác Hồ là người "tìm đường đi cho dân tộc theo đi" trong sự nghiệp cách mạng thì đồng thời Bác cũng là người chiến sĩ tiên phong, tận tụy số một trong hành động để thực hiện ý tưởng đó. Trong sự nghiệp "trồng người", Bác Hồ không chỉ "Minh" khi định ra chủ trương, chính sách mà còn đầy đủ "Chí" để thực hiện các quyết sách này. Bác dặn tất cả những ngươi làm giáo dục vào thời điểm thử thách của bom đạn "Dù khó khăn đến đâu cũng quyết tâm thi đua dạy thật tốt, học thật tốt" thì chính Bác là tấm gương rực sáng về ý chí tự học và khuyến học cho mọi người.

Ngay từ buổi đầu dạy học ở trường Dục Thanh (Phan Thiết), Bác vẫn đều đều tặng thư viện nhà trường những quyển sách từ phụ cấp ít ỏi của mình. Thấy trường quá nghèo, Bác luôn có một túi nilon để nhặt những viên phấn còn dùng được gom lại cho các giờ dạy tiếp theo. Khi lên tàu Latonche Treville trong tư cách phụ bếp là Bác bắt đầu tự học "mỗi ngày đến 9 giờ tối công việc mới xong nhưng trong khi mọi người ngủ hay đánh bài thì anh Ba học hay viết đến 11 giờ, có khi suốt đêm". Đến Pari, dù vừa phải hoạt động cách mạng vừa phải kiếm sống bằng nghề chụp ảnh và viết báo nhưng ngày cũng như đêm rất ít khi vắng mặt ở thư viện Richevlien - nơi mà nghị sỹ Pháp P.V Couturier cho mượn thẻ đọc. Một khối lượng khổng lồ tri thức, từ cái trước tác của Mác-Ănghen, Lê Nin, đến các bộ luật, các tác phẩm đông tây kim cổ được Bác nghiền ngẫm tại đây. Lịch sử sẽ ghi nhớ mãi phút giây đặc biệt khi Bác gặp "Luận cương của Lê Nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa" mà như Bác nói: ”Tôi xúc động đến mức phát khóc lên". Bởi vì đó là lúc người lái đã nhìn thấy bờ cho con thuyền cách mạng Việt Nam cập bến. Hoàn toàn có thể nói: Bác đã đến với cách mạng bằng con đường tự học và khi Người nói "còn sống còn học, còn hoạt động cách mạng" là sự trải nghiệm sâu sắc của chính Người. Vì thế, khi dự Đại hội VII quốc tế cộng sản, trả lời câu hỏi về trình độ: Tiểu học? Trung học? Đại học? Người đã viết: Tự học. Nhưng ở câu hỏi tiếp theo: Trình độ ngoại ngữ? Người ghi: Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Ý (nhiều tài liệu nói Bác còn biết nhiều hơn). Sau này, trên cương vị Chủ tịch và trong điều kiện sống kham khổ, sức khỏe lại hạn chế nhưng Người không bao giờ ngơi nghỉ học hành. "Học hành là việc phải tiếp tục suốt đời... Tôi nay đã 71 tuổi nhưng ngày nào cũng học". Bởi một lẽ đơn giản: "Không ai có thể tự cho là mình đã biết đủ rồi, đã biết hết rồi". Sức khuyến học thật lớn lao khi với một trí tuệ uyên thâm như Người mà lại nhận "... Tôi cũng dốt lắm. Thế giới ngày nay đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải học và hành để tiến kịp nhân dân". Bài học về phương pháp luận ở đây là cái chuẩn để sự đánh giá không dừng lại ở cái thêm được so với hôm qua mà phải là so với yêu cầu để vươn tới.

Tại hội thảo quốc tế về Hồ Chí Minh đã có sự thống nhất nhận thức về sự phát triển nhất quán của 3 giai đoạn:"Nguyến Ái Quốc - nhà yêu nước", "Hồ Chí Minh - người chiếu sáng", "Bác Hồ - vị Chủ tịch kính mến". Đó là con đường vinh quang của một vĩ nhân.

Riêng trong lĩnh vực trồng người, có thể nói: Từ người thầy giáo Nguyễn Tất Thành (Dục Thanh - Phan Thiết) đến nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc (ở Pháp), đồng chí Lý Thụy (ở Trung Quốc), Thầy Chín (ở Thái Lan), Lin (ở Nga), Già Thu (ở Pắc Bó, rồi lãnh tụ Hồ Chí Minh sau này là cả một quá trình tự học và khuyến học cho mọi người mà nói như Khổng Tử là "học không biết mệt - dạy không biết chán".

Những người làm giáo dục và khuyến học Việt Nam hạnh phúc biết bao khi có người thầy trực tiếp này. Kỷ niệm 118 năm ngày sinh của Người, lại vào lúc toàn Đảng, toàn dân đang sôi nổi tìm hiểu và học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thì việc khẳng định "Chí" và "Minh" trong sự nghiệp "trồng người" của Bác Hồ là một điều hết sức thiết thực để học và làm theo vậy!

  T.S.T

 

Trương Sĩ Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 166 tháng 07/2008

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

13 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

13 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

13 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

13 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground