Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cam Lộ với di tích lịch sử cách mạng Nhà Tằm

N

goài 2 khu Di Tích lịch sử: Tân Sở và Khu Chính Phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà Miền Nam -  Việt Nam. Cam Lộ còn có nhiều Di tích Cách mạng: Nhà Tằm- miếu An Mỹ - chùa An Thái - Đình làng Cam Lộ ..vv. Trong đó Di Tích Nhà Tằm (Tân Tường) có tầm vóc bề dày lịch sử cận đại và mang nét đặc thù như một bản doanh của cả hai thời kỳ: Trước và sau ngày có Đảng.

1. Thời tiền khởi 1914- 1918

Mùa xuân năm Giáp Dần - 1914 - Cử nhân Lê Thế Vỹ (1858- 1918) quê Làng Tường Vân - huyện Triệu Phong, là một sỹ phu yêu nước tham gia hoạt động trong phong trào Cần Vương chống Pháp. Sau nhiều lần lên quan sát vùng rừng núi Thiện Thiên; một vùng rừng núi liên sơn thuộc hướng Tây Nam huyện Cam Lộ, phía Tây nối liền với rừng Khe Gió - Đầu Mầu lên Khe Mèo - Ba Tầng - Rào Quán, phía Bắc qua khỏi làng Quật Xá là đầu nguồn sông Hiếu và bên kia bờ sông là núi rừng trải rộng tiếp giáp với rừng núi Gio Linh - Vĩnh Linh ra tận Quảng Bình. Giữa những cánh rừng trùng điệp, núi non hiểm trở, con đường sơn đạo từ Hương Khê - Hà Tĩnh qua Tuyên Hoá Quảng Bình, len lỏi vào Phước Môn - Hải Cụ - Cu Đinh - Ba De đến Tân Sở (đại bản doanh của vua Hàm Nghi). Từ đó vào Xoa - Rì Rì qua làng Hạ tới Ba Lòng đi thẳng vào Mưng - Mang - Bộng Mệ đến Nam Đông - Nam Hoà, Thừa Thiên, hoặc theo đường sông xuôi về Trấm - Thạch Hãn. Con đường này được Tôn Thất Thuyết cấp tốc khai mở vào mùa hè 1884- cùng lúc với việc xây dựng căn cứ Tân Sở.

Quan sát hoạ đồ xong. Được sự đồng tình ủng hộ của hai người bạn thân cùng làng là Tú Hoằng và Nguyễn Văn Khiển, Lê Thế Vỹ tích cực vận động một số hộ dân làng Tường Vân - vốn có tinh thần quật khởi, nhưng nghèo đói vì thiếu ruộng đất canh tác - lên Thiện Thiên khai hoang lập ấp. Ban đầu chỉ có tám hộ, sau lên mười ba hộ, rồi đến hai mươi hộ. Giai đoạn đầu đã phải trải qua biết bao gian nan vất vả: Một mặt do thời tiết khí hậu khắc nghiệt, mặt khác cây cối, hoa màu gia súc chăn nuôi bị chim muông thú dữ hoành hành. Đói rét, bệnh tật tưởng như khó có thể vượt qua. Với niềm tin sắt đá vào chính bản thân và lòng dân; với nghị lực phi thường, Lê Thế Vỹ đã dốc toàn bộ gia sản của mình chia sẻ với dân bám trụ đến cùng.

Ngót hai năm (1914 - 1915) chung lưng đấu cật vượt khó khăn, công cuộc khai hoang lập ấp đã đi vào nề nếp làm ăn ổn định. Hoà nhập với làng Tự Tân - làng này do một số lái buôn và dân lang bạt tứ chiếng từ Huế - Quảng Bình đến đây vỡ hoang lập ra vào những năm 1880 - 1881 để làm nơi nghỉ chân khai thác và buôn bán lâm sản ở chợ Phiên(1), cũng vừa canh tác tính kế làm ăn lâu dài. Ngoài hạng người trên, còn có một số tù hình sự trước bị giam ở trại bảy - trại ba(2), bị an trú nơi đây sau khi mãn hạn án. Tiếng là làng; nhưng chưa có quy cũ, chưa được triều đình nhập bộ, nên vẫn mang dạng trang trại - thành một làng lấy tên là Tân Tường được triều đình Huế công nhận nhập bộ - cho phép đặt chức sắc làng. Lê Thế Vỹ được dân làng tôn là vị Tiền Khai từ đó.

Mặc dầu bận rộn trong việc ổn định cuộc sống dân làng, Lê Thế Vỹ vẫn không một phút buông lơi ý đồ giúp vua Duy Tân cùng dân trừ giặc Pháp. Đồng lòng hiệp ý với tôn chỉ của Việt Nam Quang Phục Hội là thành lập một nền Cộng Hoà do cụ Phan Bội Châu đề xướng và lãnh đạo. Lê Thế Vỹ đã liên lạc với Nguyễn Hữu Đồng (Khoá Bảo), Hồ Trọng Bá (Cử Bá), Lê Mậu Bảo(3) cùng một số nhân sĩ trí thức yêu nước thành lập Hội Việt Nam Quang Phục tỉnh Quảng Trị. Hội đã vận động dân làng Tân Tường trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, kéo kén để dân có thêm nghề phụ làm ăn, vừa che mắt địch để khuếch trương tài chính cho Hội và cũng là nơi tụ họp của mọi thành viên trong Hội, các nhân sĩ yêu nước mỗi khi có việc lớn cần mở rộng luận bàn. Cái tên NHÀ TẰM khai sinh từ đó.

Đầu năm 1916 Nguyễn Hữu Đồng vào liên hệ với Hội Quang Phục Thừa Thiên Huế, trong đó có Trần Cao Vân - Thái Phiên để phối hợp hành động.

Do ông đã yết kiến vua Duy Tân tại Cửa Tùng, nhân dịp nhà vua ra nghỉ mát, để thống nhất kế hoạch hành động và định ngày khởi nghĩa. Nguyễn Hữu Đồng nhận chiếu chỉ chức Lãnh Binh chỉ huy nghĩa quân từ Quảng Trị ra Nghệ An và tiến cử Lê Thế Vỹ phụ trách quân lương. Được nhà vua chấp thuận, ông trở về Tân Tường cùng Lê Thế Vỹ - Hồ Trọng Bá - Lê Mậu Bảo chiêu tập nghĩa quân - rèn đúc vũ khí có cha con ông thợ Lương ở Cùa, thợ Bĩnh ở Hiền Lương. Nghĩa quân có đến hàng trăm được trang bị gươm dao, giáo mác. Lương thực tích luỹ hàng lậm, hàng bồ, chờ ngày khởi nghĩa. Nhà Tằm Tân Tường đã thực sự là CĂN CỨ CHIẾN LƯỢC.

Cuộc khởi nghĩa khởi phát vào lúc 01 giờ đêm mồng ba rạng ngày mồng bốn tháng năm, năm 1916 bị thất bại ngay từ đầu, do có sự phản trắc nên bị lộ. Lê Thế Vỹ - Nguyễn Hữu Đồng và một số hội viên Quang Phục bị bắt. Cơ sở Nhà Tằm bị giặc Pháp phá nát. Một số ít dân làng hoang mang trở về quê cũ Tường Vân, còn số đông vẫn kiên gan ở lại chờ ông.

Mùa hè năm 1918, Lê Thế Vỹ được tha, sau hai năm bị giam giữ, chịu mọi sự tra tấn cực hình. Ông trở về Tường Vân lâm bệnh nặng và qua đời vào ngày 3/9/1918 nhằm ngày 20/7/ năm Mậu Ngọ.

Ông đã để lại 2 câu thơ bất hủ nói lên cách nhìn thông suốt của ông khi đàm thời luận thế để lập nên căn cứ chiến lược Nhà Tằm với một niềm tin ở mai sau:

Tân Sở Mai sơn lưu vạn cổ

Hiếu Giang thử địa vọng thiên thu.

II.  Thời kỳ có Đảng:

Lê Thế Tiết người kế thừa sự nghiệp tiền khai của Lê Thế Vỹ, củng cố thôn ấp - xây dựng lại căn cứ Nhà tằm thành cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng (1928 - 1945)

Lê Thế Tiết - con trai thứ Lê Thế Vỹ - sinh ngày 19 tháng 6 năm 1900 (tức ngày 02 tháng 5 năm Canh Tý) quê ở Tường Vân - Triệu Phong - Quảng Trị.

Năm 1925, sau khi tốt nghiệp Trường Quốc Tử Giám, Lê Thế Tiết được bổ nhiệm làm thừa phái phủ Diễn Châu tỉnh Nghệ An; là nơi có phong trào yêu nước sâu rộng. Tại đây, ông có điều kiện thuận lợi để bắt liên lạc với những người yêu nước và tham gia phong trào cứu nước phù hợp với tâm nguyện ấp ủ từ lâu.

Năm 1926, Lê Thế Tiết được cơ sở Hội Phục Việt(4) ở Diễn Châu kết nạp vào Hội. Từ đó ông càng hoạt động tích cực hơn.

Trải qua mấy năm làm thừa phái ở phủ Diễn Châu Lê Thế Tiết càng thấy rõ sự tàn ác của bọn đế quốc và sự thối nát của bọn quan lại Nam Triều. Ông quyết định từ chức thừa phái. Để cho bọn quan trên khỏi nghi ngờ Lê Thế Tiết giả vờ đi tu và xin quan trên cho về đi tu. Năm 1927, ông thôi chức thừa phái trở về quê nhà ở Quảng Trị theo sự phân công của Đảng Tân Việt là xây dựng cơ sở Đảng. Vì ở Quảng Trị lúc này hiện chưa có tổ chức của Tân Việt.

Năm 1928 Lê Thế Tiết đem toàn bộ gia đình lên Tân Tường giúp dân ổn định cuộc sống và xây dựng lại cơ sở Nhà Tằm đã bị Pháp phá nát trước đây. Mặt khác ra sức vận động tổ chức người gia nhập Đảng Tân Việt. Ông đã triệu tập một cuộc họp tại Nhà Tằm thành lập Đảng bộ Đảng Tân Việt tỉnh Quảng Trị. Tham gia Đảng bộ này có Nguyễn Hữu Mão, Nguyển Ổn, Hồ Chơn Nhơn, Chị Yên, Chị Đào. Lê Thế Tiết được cử làm Bí thư Tỉnh Đảng bộ.

Đầu tháng 5/1929 nhờ trung gian của Nguyễn Xuân Luyện, Lê Thế Tiết liên lạc được với Nguyễn Phong Sắc đại diện của Đông Dương Cộng Sản Đảng bàn bạc việc chuyển Đảng bộ Tân Việt Quảng Trị thành Đảng bộ của Đông Dương Cộng Sản Đảng. Nhận được điều lệ của Nguyễn Phong Sắc giao cho, Lê Thế Tiết tổ chức một nhóm Cộng Sản đầu tiên của huyện Cam Lộ ra đời tại Nhà Tằm gồm có 6 người: Lê Thế Tiết - Nguyễn Hữu Mão - Lê Thị Quế - Phan Thị Hồng - Hoàng Thị Ái - Trương Sĩ Đản. Nguyễn Phong Sắc còn giao Lê Thế Tiết mẫu truyền đơn kêu gọi thành lập Đảng Cộng Sản. Truyền đơn này được in tại Nhà Tằm và do nhóm Cộng sản Cam Lộ rải từ Cửa Việt đến Đông Hà lên Cam Lộ và dọc đường số 9 vào ngày 20 tháng 6 năm 1929.

Sau vụ rải truyền đơn thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Một số cơ sở của Đảng Tân Việt và thanh niên Cách mạng bị phá vỡ, Lê Thế Tiết bị bắt.

Thực hiện âm mưu phân hoá giữa hai tổ chức: Thanh niên Cách Mạng(5) chúng cho là Cộng Sản trá hình nên kết án thật nặng. Còn Đảng viên Tân Việt, chúng cho là theo chủ nghĩa quốc gia, nên kết án nhẹ hoặc tha bổng.

Trong số đảng viên Tân Việt được tha có Lê Thế Tiết.

Được trả lại tự do, sau ba tháng bị giam giữ, Lê Thế Tiết lại tích cực hoạt động Cách Mạng. Ông thận trọng hơn trong việc đi lại để tránh sự theo dõi của bọn mật thám. Trong thời gian hoạt động trong Đảng Tân Việt - Lê Thế Tiết đã tiếp thu và thấm nhuần đường lối Cách Mạng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin, nên sau cuộc khủng bố của thực dân Pháp tháng 6/1929, ông đã phản đối chủ trương thành lập “Khối quốc gia Liên hiệp” - có xu hướng cải lương - của Tổng bộ Đảng Tân Việt mà đi theo đường lối của Liên tỉnh Thanh - Nghệ - Tĩnh là thành lập “Đông Dương Cộng Sản Liên đoàn”.

Cuối tháng 11.1929 “Đông Dương Cộng Sản Liên đoàn” phái Lê Viết Lượng(6) vào Quảng Trị để liên lạc với các tổ chức Cách Mạng - Tân Việt và Thanh niên Cách mạng (cũ). Qua cơ sở liên lạc của Đảng Tân Việt tại Chợ Cầu - Lê Thế Tiết bắt mối được với Lê Viết Lượng. Cùng với Nguyễn Ổn(7) ba người họp trên một chiếc thuyền giữa dòng sông Hiếu. Lê Viết Lượng thông báo cho Lê Thế Tiết và Nguyễn Ổn biết chủ trương chuyển các tổ chức của Đảng Tân Việt thành tổ chức Cộng Sản. Cuộc họp đã thống nhất quyết định công tác trước mắt là tập hợp tất cả những phần tử tiên tiến trong tổ chức thanh niên Cách Mạng (cũ) và Đảng Tân Việt (cũ) còn lại (chưa bị bắt), tuyên truyền giác ngộ để thành lập tổ chức Cộng Sản tại Quảng Trị. Sau cuộc họp này Lê Thế Tiết và nhóm Cộng Sản Cam Lộ đã tích cực hoạt động liên hệ với cơ sở cũ đã kết nạp và thành lập Chi bộ Đảng Cộng Sản ở Tường Vân gồm 17 người và 80 hội viên trong các tổ chức đoàn thể quần chúng như Nông hội đỏ, Cứu tế đỏ, Hội phụ nữ.

Tháng 4- 1930 Lê Viết Lượng - lúc này là Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên - được Xứ uỷ Trung Kỳ giao trách nhiệm đến gặp Lê Thế Tiết tại Tân Tường để thực thi chỉ thị của xứ uỷ là vận động thành lập Đảng bộ Quảng Trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Lê Thế Tiết đã triệu tập một cuộc họp báo cáo tình hình hoạt động trong thời gian qua với Lê Viết Lượng - đại diện xứ uỷ - và quyết định thành lập Ban vận động Đảng bộ Quảng Trị. Lê Thế Tiết được cử làm Bí thư Ban vận động.

Ngày 25- 5- 1930 Tỉnh uỷ Lâm thời Tỉnh Đảng bộ Đảng Cộng Sản Việt Nam Quảng Trị chính thức thàhh lập. Lê Thế Tiết được cử làm Bí thư Lâm thời.

Sau khi có tỉnh uỷ Lâm thời, Đảng bộ Quảng Trị ra sức tổ chức xây dựng cơ sở Đảng. Tổ chức rải truyền đơn và mít tinh chống chiến tranh phát xít và chống đàn áp phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh vào ngày 01- 8- 1930.

Tháng 8- 1930 Lê Viết Lượng đến Tân Tường gặp Lê Thế Tiết trao đổi tình hình với nhau và thống nhất cách thức liên lạc.

Ngày 10- 10- 1930 Lê Viết Lượng bị bắt và sau đó cuối tháng 10-1930 Lê Thế Tiết cũng bị bắt do thư từ liên lạc bị lọt vào tay mật thám. Luôn một tháng bọn mật thám ngày cũng như đêm thay phiên nhau dùng mọi cực hình tra tấn dã man. Lê Thế Tiết vẫn kiên gan chịu đựng không khai báo, không nhận những điều chúng buộc tội. Không khai thác được gì mà cũng không đủ chứng cứ buộc tội, nên cuối năm 1931, chúng tha ông với mảnh giấy “Vô can” sau hơn một năm giam giữ. Ông trở về lại Tân Tường, lập trại chè dưới chân động Quéng sống như một ẩn sĩ để tránh sự theo dõi của bọn mật thám Pháp.

Đầu năm 1936 ông Lê Duẩn thoát khỏi nhà đày “Côn Đảo” trở về đến Tân Tường gặp Lê Thế Tiết nói rõ tình hình và giao nhiệm vụ, vận động khuếch trương tài chánh cho Đảng. Lê Thế Tiết đã đem 9 con trâu to khoẻ của gia đình nuôi tại Tân Tường, giao cho Hoàng Anh(8)đem vào Thừa Thiên bán để xây dựng quỹ Đảng. Trong hơn 3 năm (01/1936- 10/1939) Lê Thế Tiết đã đem hết tài sản của riêng mình, trí tuệ và sức lực làm tài chánh cho Đảng. Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ, bọn thực dân Pháp ra sức đàn áp phong trào Cách mạng ở nước ta. Nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ. Trước tình hình ấy; ông Lê Duẩn đã chỉ thị cho Lê Thế Tiết phải thoát ly vào Nam hoạt động. Trên đường vào Nam Lê Thế Tiết bị bọn mật thám chận bắt tại ga Huế vào tháng 10-1939. Bị giam ở lao Thừa Phủ - Huế một thời gian đến tháng 9- 1940 chúng đày ông lên nhà đày Lao Bảo.

Ngày 20- 10-1940 Lê Thế Tiết bị tên cai ngục đánh bất ngờ, ông đã ngã xuống thềm nhà đập đầu vào đá và tắt thở.

Lại một lần nữa cơ sở Nhà Tằm bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai phá nát …

Trải qua hai giai đoạn lịch sử 1914-1918 đến 1928-1945, địa danh Nhà Tằm - Tân Tường đã gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của các bậc tiền bối trong phong trào Cần Vương trước đây. Là nơi luyện tập nghĩa quân, rèn đúc vũ khí, tích luỹ lương thực giúp Vua Duy Tân khởi nghĩa ngày 4- 5-1916. Cho dù chí lớn không thành, nhưng đã để lại dấu tích của một thời vang bóng và địa danh Nhà Tằm cũng đã gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động cách mạng của các bậc cha anh trong phong trào Cộng Sản sau này. Nơi đây, Chi bộ Cộng Sản đầu tiên của huyện Cam Lộ ra đời - một trong ca chi bộ sớm nhất của tỉnh Quảng Trị - do Lê Thế Tiết làm Bí thư. Cũng tại nơi đây, các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng thường lui tới ra vào hội họp chỉ đạo phong trào, với bao sự kiện trọng đại. Mảnh đất đèo heo hút gió giữa vùng rừng núi Thiện Thiên xưa, hào khí ngất trời, đã cùng trải qua những bước thăng trầm với những người con hào kiệt, lập nên những kỳ tích vinh quang.

Hôm nay, trên mảnh đất này, quang cảnh có đổi thay, cuộc sống nhân sinh có nhiều đổi mới, nhưng dấu ấn vàng son một thời vẫn còn in đậm trong lòng Đảng, lòng dân, trong ngôi nhà lưu niệm tôn nghiêm hoành tráng. 

Trại viết Cam Lộ, ngày 10/6/2008

            V.T.N

 

 

 

 

 

________

(1) Chợ Phiên trước ở Thiện Thiên sau dời về Cam Lộ

(2) Trại bảy- trại ba có từ năm 1857 năm thứ 10, Triều Tự Đức để giam giữ tù hình sự- sau này bọn Pháp dùng giam giữ sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương.

(3) Nguyễn Hữu Đồng (1860-1920) quê An Vinh- An Hoà TP. Huế di trú ở Tân Mỹ- Cam Lộ. Hồ Trọng Bá (Cử Bá) quê ở Mỹ Thứ- Quảng Nam di trú ở An Mỹ- Cam Lộ. Lê Mậu Bảo (Ấm Bảo) quê Bích Khê- Triệu Phong.

(4) Hội phục Việt về sau đổi tên là Nam Hưng, rồi lại đổi là Đảng Tân Việt- do Lê Huân, Trần Phú, Tôn Quang Phiệt tổ chức thành lập.

(5) Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội.

(6) Lê Viết Lượng nguyên là cán bộ lãnh đạo Đảng Tân Việt Nghệ- Tĩnh.

(7) Nguyễn Ổn quê Tân Trại- Vĩnh Linh.

(8) Hoàng Anh nguyên Bí thư Trung ương Đảng- nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Tháng 4-1939 ông đã lên Tân Tường gặp Lê Thế Tiết và nhận bán giúp đàn trâu.

     Tài liệu tham khảo:

   -  Lịch sử Đảng bộ thị xã Đông Hà trang 36, 37- tập 1 xuất bản 1988

   -  Lịch sử Đảng bộ Quảng Trị trang 42-+46 xuất bản năm 1996.

   -  Lịch sử Đảng bộ huyện Cam Lộ (1930- 2000)

   -  Đồng chí Lê Thế Tiết - Bí thư đầu tiên tỉnh Quảng Trị nhà xuất bản chính trị Quốc gia - 2003.

   -  Các bậc cách mạng lão thành đã sống và hoạt động cùng thời với cụ Lê Thế Tiết như: cụ Lê  Công Bé hiện ở phường 1 thị xã Đông Hà.

   - Bà Lê Diệu muội (con cụ Lê Thế Tiết) nguyên Bí thư lâm thời tỉnh uỷ Quảng Trị - 1941 - 1942- nguyên thứ trưởng Bộ ngoại thương hiện hưu trí tại 116 Đốc Ngữ - Ba Đình- Hà Nội

 

Vân Trọng Nguyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 169 tháng 10/2008

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground