Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện học hành thời chiến

1

. Giặc Mỹ tuyên chiến với học trò.Ngày 05/8/1964 Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại với cái cớ "trả đũa sự kiện Vịnh Bắc Bộ".

Từ đó, cùng với cả nước, trường cấp III Vĩnh Linh của chúng tôi hừng hực như lửa. Thầy chủ nhiệm thông báo: "Quân và dân ta đã bắn rơi 6 máy bay Mỹ và bắn bị thương nhiều chiếc khác" cả lớp 9B của chúng tôi gào lên hoan hô, nhiều đứa đấm bàn, múa tay một cách náo loạn.

Đã là học sinh cấp III nhưng chúng tôi là những đứa trẻ con, suy nghĩ về chiến cuộc thường thiên về chiến thắng. Chúng tôi mong đối mặt với kẻ thù tại mảnh đất này. Nhìn thầy giáo dạy văn Nguyễn Nguyên Long khoác cây súng trường tôi thấy oai phong quá, khát khao có được một cây súng như thầy.

Cùng thị trấn, trường chúng tôi bắt đầu đào hầm hào trú ẩn. Bọn học sinh chúng tôi bảo nhau: Đào chiến hào! Từ "chiến hào" nghe khí thế tiến công hơn. Hiểu rõ tâm trạng chúng tôi, cứ đến buổi lao động, thầy Hải lại nói: "Chiều nay lớp ta đào chiến hào". Những buổi lao động như vậy rất khí thế, không khác gì dân Liên Xô đào chiến hào quanh thủ đô chống phát xít Đức.

Nhờ tầng đất đỏ ba-zan dày, chiến hào của chúng tôi đào sâu lút đầu, thành đất dẻo khá vững. Toàn trường thay nhau đào liên tục. Hào bao bọc xung quanh trường, chạy dài hai nhánh theo hướng Đông sát mép sân vận động, chạy mãi ra những đồi sim móc hoang dại, tủa ra nhiều nhánh để phân tán học sinh khi có báo động. Với hệ thống chiến hào đó, nhà trường báo động diễn tập và cả báo động thật vì máy may của địch vụt qua đầu. Mỗi buổi học hơn 400 học sinh trong phút chốc đã mất hút dưới chiến hào, rút ra khỏi khu vực trường, tản mát theo các nhánh.

Ngày 8/02/1965, buổi học đầu tiên sau tết nguyên đán, khối học chiều của tôi chuyển lên học sáng, khối học sáng chuyển xuống học chiều. Khoảng hơn 2h chiều, còi báo động của thị trấn rú lên, tôi và một người bạn học đến chơi nhà chạy ra sân xem 5 chiếc máy bay phản lực F4H đang nhào lượn trên bầu trờ phía Đông thị trấn. Tôi biết ở đấy có một đơn vị ra đa và một đơn vị cao xạ. Trước khi nghỉ tết, trường tôi tổ chức hơn 200 học sinh trong đó có tôi lên thăm và đắp thêm công sự cho các chú. Lúc chia tay, các chú chúc chúng tôi và gia đình ăn tết vui vẻ. Khi máy bay đến ném bom, cao xạ nổ lụp bụp, chiếc máy bay xịt một luồng khói đen, tôi và bạn tôi vỗ tay hoan hô. Nhưng không, những chiếc máy bay liền đó cũng như vậy, mỗi khi đổ bom, cua lên đều xịt khói đen, lại lượn vòng nhào xuống. Bom nổ mỗi lúc một dữ dội, không còn nghe tiếng cao xạ, không còn thấy những đốm khói trắng của đạn cao xạ bung ra trên bầu trời nữa. Máy bay nhào xuống mỗi lúc một thấp, tiếng bom nổ làm rung chuyển đất dưới chân chúng tôi đứng. Tuy không nói ra điều hệ trọng, nhưng tôi biết điều gì đã diễn ra ở ngoài đó.

Năm chiếc máy bay xếp thành hình chữ V bay ra biển. Tôi nói với bạn tôi chạy lên đó xem các chú bộ đội thế nào. Mẹ tôi hốt hoảng ngăn lại:

- Nó đã đánh trạm ra đa chắc chắn sẽ còn đánh nữa.

Mẹ tôi hoàn toàn không biết gì về quân sự vẫn nói một lời rất chính xác. Còi báo động lại vang lên, chưa dứt một hồi, tôi đã thấy từ 3 phía: Tây, Nam và Đông máy bay ùa đến. Ngay tức khắc pháo cao xạ, súng máy phòng không, súng bộ binh và bom cùng nổ, ầm ầm như động đất, như trời vỡ. Khói lửa bốc mù mịt. Mảnh bom đạn, đất đá, gạch ngói bay véo véo, sít sịt. Tôi và bạn tôi nhảy ra bờ sông, lăn xuống một đoạn hào đào dang dở, nông choèn. Máy băy lượn ngang dọc loạn xạ, sà xuống rất thấp. Tôi nằm ngửa nhìn lên, thấy nhiều chiếc ườn bụng trước tầm mắt ngỡ như có một chiếc sào dài có thể chọc trúng bụng nó.

Cạnh tôi có một chú công an vũ trang, chẳng biết đến đây từ lúc nào, đang dựa lưng vào một cây xoan nhỏ. Khẩu súng CKC trên tay chú rà theo mắy bay nổ đều từng phát rất đanh. Mảnh bom rơi lủm bủm xuống sông sau lưng chú. Tôi chồm lên vỗ vào lưng chú chỉ xuống hào, chú đẩy tôi về chỗ cũ, đôi chân dạng ra, ưỡn thẳng người, nòng súng vẫn bám chặt máy bay, điểm xạ đều đều, chắc nịch, bình tỉnh một cách kỳ diệu. Từ đó, hình ảnh người chiến sỹ ấy in đậm trong tôi như một người anh hùng không biết tên.

Trận ném bom diễn ra và chấm dứt rất nhanh. Bầy máy bay biến đâu mất. Tôi và bạn tôi chồm lên khỏi hào. Mặt đất hoàn toàn đổi khác. Đất đá, gạch ngói tung tóc khắp nơi, toang toác những hố bom đây đó. Lửa đang cháy và khói bụi mù mịt trời. Tôi chạy lên trường và giật mình khi nhìn thấy một bộ lòng người bay từ đâu tới, treo lỏng thỏng trên dây điện, ven đường quốc lộ 1A đối diện trường cấp II.

Bom đạn tung nát cả khuôn viên trường cấp III của tôi, nhiều hố tròn, toang hoác như mồn hà mã khổng lồ có thể nuốt chửng cả một sân bóng chuyền. Sách vở học trò tung tóe, trắng xoá. Chỉ có thầy Nguyễn Nguyên Long đứng giữa sân trường, vẫn cây súng trường trung chính cũ kỹ của Pháp khoác chéo qua vai. Tôi nói:

- Thầy ẩn nấp ở chỗ nào mà lên đây? Các bạn của em đâu cả rồi?

Thầy nói:

- Tiếc quá, thầy chỉ có 16 viên đạn, không đủ cho trận đánh vừa rồi.

Thầy chỉ cho tôi thấy một trái bom câm, xuyên qua tầng lầu, đâm xuống cạnh cầu thang thành một lỗ tròn. Nếu trái bom này nổ, trường cấp III của tôi sẽ bị xé tung làm hai mảnh đổ về hai phía. Chỉ về phía Trạng Cù thầy nói:

- Các bạn của em sau đó.

Các thầy chủ nhiệm đang tập trung lớp của mình để kiểm tra quân số. Mọi người lo lắng vì thiếu thầy Lê Duy Minh và 7 bạn học sinh khác. Một số học sinh nam nhanh nhẹn, khoẻ mạnh được cử quay lại trường tìm, số còn lại tìm gọi ở Trạng Cù, nhưng không ai thấy thầy và các bạn.

Đoạn hào phía Bắc khuôn viên của trường dính hai trái bom, đất ở hai đầu dồn lại chôn vùi khoảng hào ở giữa. Con hào phía Nam cũng dính một trái bom, đất dồn về hai phía chôn vùi hai đoạn hào. Chúng tôi nghĩ rằng thầy và các bạn của tôi đã chết ở dưới đó.

Một tiểu đội công binh đến, yêu cầu chúng tôi ngừng công việc đào cứu, ra khỏi khu vực nguy hiểm, bộ đội sẽ làm thay chúng tôi. Trời tối, dưới ánh sáng lập loè của mấy cây đèn bão, vì khối lượng đất dồn lên khá lớn, mãi đến hơn 9h mới lần lượt tìm được xác thầy và các bạn. Họ đặt từng cái xác một lên những cánh cửa tháo từ các lớp học khiêng vào văn phòng, để sát vào nhau thành một dãy.

Được thầy và bộ đội đồng ý, tôi và bạn Nguyễn Thị Mai ở lại cùng đào bới với bộ đội. Còn bạn Bỉnh chưa tìm thấy nhưng một số chú bộ đội cho rằng Bỉnh không có ở đây. Mai chỉ cho tôi một đống đất lớn ở đáy hào cạnh đó. Hai chúng tôi cùng nhảy xuống ngồi sát bên nhau. Tôi luồn tay vào đống đất, bàn tay bắt gặp một vật gì nhớp nhớp, tôi kéo ra và biết chắc đó là một nắm thịt người đẫm máu. Tôi rùng mình nhảy lên khỏi hào, kéo vội Mai lên, cả hai đứa cùng hét. Bộ đội đến, Bỉnh được tìm thấy. Bom đánh vỡ phần bụng của bạn.

Đêm ấy đau thương và căng thẳng cùng cực nhưng ai cũng kìm nước mắt. Mãi đến khi bạn Nguyễn Thị Lam ở đâu chồm vào ôm lấy xác thầy Lê Duy Minh khóc thét lên, tất cả thầy cô và chúng tôi khóc theo, không ai ghìm được nữa.

Tại sao người Mỹ đưa chiến tranh vào trường học. Một tờ báo Anh lúc ấy đã viết, đại ý rằng: Ném bom vào khu dân cư, ném bom vào trường học là những hành động chiến tranh ngu xuẩn và đớn hèn. Mặc Mỹ tuyên chiến với đất nước tôi và tuyên chiến với những người học trò.

2. Chấp nhận và chiến thắng.

Cái chết đã hiển hiện trước mắt chúng tôi nhưng không một bạn nào run sợ. Chúng tôi mong được có súng, được trả thù và nhiều đứa trong chúng tôi đã làm được việc đó.

Nhiều bạn viết đơn xin nhập ngũ, một số đã được lên đường trong đó có một người bạn thân của tôi là Nguyễn Công Con. Sau đó mấy năm bạn Con đã hy sinh ở chiến trường B. Bạn Nguyễn Hữu Tại quê ở Vĩnh Giang xin nghỉ học tham gia chi viện đảo Cồn Cỏ. Mười tháng sau bạn hy sinh trong một lần chở vũ khí ra đảo. Đoàn thuyền bị hải quân Mỹ vây đánh. Nhiều bạn khác ban đêm đi học, ban ngày trực chiến cùng dân quân.

*  *  *

Không học được ở trường cũ, chúng tôi phân làm ba phân hiệu, sơ tán về nông thôn thuộc 3 xã khá xa nhau: Vĩnh Quang, Vĩnh Nam, Vĩnh Lâm. Lớp học được xây dựng bằng tranh tre, nứa lá, nửa chìm, nửa nổi, xung quanh được đắp một bức tường đất dày như một ụ pháo, học ban đêm. Một chiếc đèn bão treo ở góc bảng, cạnh đó là một chiếc nơm bị bịt kín. Mỗi khi có báo động, úp nơm lên đèn. Máy bay bay qua lại treo đèn lên góc bảng. Học sinh luôn luôn thiếu ánh sáng, ghi chép và làm bài trên trang giấy lờ mờ, có bạn ở cuối lớp, viết một hồi hoa mắt, dòng chữ sau chồng lên dòng trước. Khi bạn mang vở cho chúng tôi xem, mọi người cười chảy cả nước mắt, riêng bạn thì cười như mếu.

Phân hiệu Vĩnh Lâm được xây dựng sau các phân hiệu khác một thời kỳ. Tôi và các bạn bên này phải vượt hai con sông Sa Lung và Hồ Xá cắt qua giữa lòng thị trấn về Vĩnh Nam học.

Đó là thời kỳ nguy hiểm vì mỗi đêm học phải hai lần đi về dưới toạ độ lửa.

Bạn Nghiễm kiếm được một cây súng CKC và 4 viên đạn. Tôi xin anh rể 6 viên. Hai đứa tự thành lập một tổ chiến đấu. Đêm đêm đi học, Nghiễm lè kè cây súng dài ngoẵng ở bên sườn. Đêm 13/4/1965, khi hai đứa học về đến đường quốc lộ 1A đoạn gần Đài Anh hùng thuộc thị trấn Hồ Xá, máy bay ập đến. Hàng chục chiếc pháo sáng bật lên giữa trời. Hai chúng tôi bị phơi mình giữa một vùng trống. Chúng tôi nhanh chóng lăn xuống vệ cỏ. Nghiễm tháo cây súng ra khỏi vai nói với tôi:

- Cái này bây giờ có cơ hội làm ăn đây.

Để khỏi tranh nhau tôi quy định: Lần lượt mỗi người bắn 1 phát. Nghiễm có súng được ưu tiên bắn trước. Hắn nằm ngửa, hai chân hơi co, tỳ súng vào nách vai. Tôi khen:

- Đúng yếu lĩnh dùng súng bộ binh xạ kích máy bay!

Thằng giặc sản xuất cái pháo sáng hết sức ranh ma. ánh sáng chỉ hắt xuống, mặt đất sáng như ban ngày nhưng phía bên trên pháo sáng, bầu trời đen đặc, máy bay nhào lượn ẩn mình trong đó. Phải chờ khi nó nhào xuống dưới tầm pháo sáng. Bốn con mắt chúng tôi lia đảo bốn phía. Rất nhanh, Nghiễm xoay súng về hướng Đông, chộp một chiếc máy bay vừa loé sáng, bấm một phát đạn rất tự tin. Tôi giằng lấy súng, cũng vừa lúc một chiếc khác nhào xuống hướng đó. Tôi giật nòng về phía trước đón tám thân, bấm liền hai phát. Nghiễm chồm dậy la lên:

- Mày ăn gian, bắn như thế còn gì là đạn.

Tôi xoa dịu:

- Phải bắn như thế mới phát huy hết hiệu quả. Đến lượt mày cứ dộng hai phát một.

*  *  *

Các thầy giáo nói với chúng tôi:

- Bộ đội thắng giặc trên chiến trường. Nông dân thắng giặc trên đồng ruộng, ngư dân thắng giặc trên biển, chúng ta phải thắng giặc trên mặt trận dạy và học, quyết không để giảm sút chất lượng.

Học sinh chúng tôi xem đó là lời hiệu triệu. Cả lớp tôi không có một người bỏ học, không có một người giảm sút điểm số mặc dầu các thầy chấm bài không nhân nhượng. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy đó là một sự thần kỳ.

Xử lý ánh sáng trong lớp học là một vấn đề nan giải. Bịt kín tất cả thì lớp ngột ngạt, rất khó thở. Chỉ chừa một kẻ hở là ánh sáng lọt ra ngoài, máy bay rất dễ phát hiện. Tôi nhớ lại chuyện khi giặc phương Bắc đô hộ nước ta, chúng cấm dân ta học chữ. Những sĩ tử hiếu học mang sách xuống hầm, bắt đom đóm để học. Tôi cũng bắt một chục con đom đóm, cho vào lọ thuỷ tinh nhỏ, đặt lên trang vở để viết, mong phổ biến rộng cho các bạn làm theo. Mới xong hai tiết học đầu, bầy đom đóm đã ngạt thở chết hết. Thương chúng nó, tôi chôn cái lọ và xác bầy đom đóm xuống đất, từ bỏ cách làm đèn đom đóm.         

Phân hiệu chúng tôi tổ chức biểu diễn văn nghệ. Đó là những ngày rất sôi nổi của hai tháng đầu học kỳ một năm tôi học lớp 10. Các lớp tập đơn ca, tốp ca, tập múa, tự tạo tất cả mọi thứ để làm đạo cụ. Thầy Nguyễn Nguyên Long soạn một vở kịch ngắn về đề tài cuộc đấu tranh của sinh viên và học sinh Sài Gòn, chọn tôi đóng vai đô trưởng cảnh sát. Tôi nghe sướng giật giật ở trong người. Thầy bảo góp ý kịch bản, tôi thấy đôi chỗ góp ý được nhưng không dám nói. Sợ thầy bực lên dẹp kịch bản, tôi hết làm đô trưởng.

Đêm biểu diễn được lấy chủ đề "tiếng hát át tiếng bom" học sinh chúng tôi và nhân dân Vĩnh Lâm đến xem rất đông. Sân khấu được che kín bên trên và ba phía. Phía trước cũng có một mái dài úp xuống để hạn chế ánh sáng. Hai bạn nam cầm hai cái nơm bịt kín màu đen sẵn sàng chụp lên hai chiếc đèn măng xông để ở hai cánh gà sân khấu. Một nhóm bạn khác lùi ra xa, treo một vỏ bom làm kẻng, nếu nghe tiếng máy bay là báo động.

Đêm biểu diễn thành công vì may mắn không có một lần báo động nào. Tiếng vỗ tay cổ vũ rào rào sau mỗi tiết mục. Sau buổi biểu diễn, Nguyễn Minh Châu, bạn gái của tôi khen:

- Lên sân khấu trông mắt cậu rất đẹp.

Tôi hiểu, ngoài đôi mắt bạn nói tôi chẳng còn gì để mà khen. Tôi nhận biết mình là một nghệ sĩ sân khấu hạng bét của đất nước này. Từ đó và mãi về sau tôi chẳng dại gì mang thân lên sân khấu.

Hai năm học lớp 9 và 10 của tôi và các bạn đầy biến động. Lán học của lớp tôi bị đánh bom bay mất một nửa, may đêm ấy thầy bị đau, lớp nghỉ học. Ném bom ban ngày bị bắn rơi nhiều máy bay, giặc tăng cường ném bom ban đêm. Chúng tôi chuyển qua học ngày. Lán bị đánh hỏng, chúng tôi mượn nhà dân làm lớp. Học sinh ngồi trong nhà, trên bậc cửa, xung quanh hiên, thầy treo bảng dưới lùm tre đối diện để giảng. Mảnh đạn nhiều, đội mũ rơm lên đầu để hạn chế thương vong. Bạn bè chết, khâm liệm xong vẫn bám lớp. Máy bay oanh tạc, xuống hầm. Máy bay đi, tiếp tục nghe thầy giảng. Một đứa lên đường, cả lớp chia tay bịn rịn. Được tin bạn hy sinh, cả lớp mặc niệm, nhiều đứa khác ước ao đứng vào đội ngũ thay bạn.

Kỳ thi tốt nghiệp cấp III và vào Đại học năm 1966, trường cấp III Vĩnh Linh đỗ rất cao. Riêng nhóm bạn thân của chúng tôi mười một đứa đều đổ vào các trường Đại học. Về sau họ đều làm được nhiều việc có ích, xứng đáng công nuôi dạy của cha mẹ và thầy cô, xứng đáng với những người bạn đã hy sinh trong chiến cuộc.

Trong buổi tiễn đưa chúng tôi lên đường đi Đại học, thầy hiệu trưởng nói: "Các em chấp nhận sự tuyên chiến của kẻ thù và các em đã thắng, thầy chúc các em tiếp tục chiến thắng".

                       L.V.T

 

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 175 tháng 04/2009

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground