Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hệ thống hầm - hào - địa đạo ở Vĩnh Linh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước

K

hi nhắc đến địa danh Vĩnh Linh, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Cột cờ giới tuyến cùng những chiến công chói lọi làm rạng rỡ trang sử vàng của dân tộc. Nhưng ít người biết được nơi đây, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước từng tồn tại một hệ thống Hầm -  Hào - Địa Đạo liên hoàn dày đặc, độc đáo có một không hai trên đất nước ta.

Sau khi hiệp định Giơnevơ được kí kết (20/7/1954), đất nước ta tạm thời chia làm hai miền Bắc -  Nam với hai nền chính trị khác nhau, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm giới tuyến quân sự tạm thời. Từ đó Vĩnh Linh trở thành đầu cầu giới tuyến, là tiền đồn của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Đồng thời cũng là hậu phương trực tiếp, là bàn đạp để các lực lượng cách mạng tiến vào Nam tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.

Đế quốc Mỹ với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, cắt đứt sự chi viên của miền Bắc cho chiến trường miền Nam đã tiền hành một cuộc đánh pháo huỷ diệt hết sức dã man chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh Thế giới lên khu vực Vĩnh Linh. Chúng huy động 60.000 lần chiếc máy bay các loại, trong đó gần 4.000 lần chiếc pháo đài bay B.52, dội xuống Vĩnh Linh 560.000 tấn bom. Hàng trăm nòng phảo cỡ từ 105 đến 406 mm đặt bên bờ Nam và các hạm đội tàu ngoài  Biển Đông bán 727.000 quả đài bác. Tình hình quân đội mỗi người dân ở khu vực này phải chịu 7 tấn bom và 80 quả đại bác (1). Đế quốc Mỹ định biến Vĩnh Linh thành một vùng đất hoang lạnh, không có sự sống như trên cung trăng (2).

Để đối phó với sự tàn bạo của kẻ thù, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng”, “tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “một tấc không đi một li không rời” quân và dân Vĩnh Linh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chịu đựng hy sinh kiên cường bám trụ, giữ vững vị trí tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm chỗ dựa cho cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam.

Khi mà những gì còn tồn tại trên mặt đất đều trở thành mục tiêu để kẻ thù đánh phá và tiêu diệt, quân và dân Vĩnh Linh bằng đôi tay, khối óc cùng lòng quyết tâm cao đã sáng tạo nên một hệ thống Hầm -  Hào -  Địa đạo liên hoàn đồ sộ đáp ứng được tất cả các nhu cầu về ăn, ở, học tập, sinh hoạt, sản xuất và chiến đấu.

Hệ thống Hầm - Hào - Địa đạo liên hoàn đó không phải tiến hành thực hiện cùng một lúc, mà nó trải qua một quá trình lâu dài năm này qua năm khác.

Không phải chỉ đến lúc đánh Mỹ Vĩnh Linh mới đào hầm. Với tinh thần cảnh giác cao, ngay sau khi ký hiệp định Giơnevơ, Đảng uỷ Vĩnh Linh đã tiến hành chỉ đạo đào hầm. Năm 1956, khi Ngô Đình Diệm theo lệnh Mỹ từ chối tổng tuyển cử theo như Hiệp định Giơnevơ Vĩnh Linh lại tiếp tục đào hầm. Tiếp theo đó, trước sự can thiệp ngày càng trắng trợn của Mỹ vào miềm Nam Việt, nắm bắt được âm mưu thâm độc của kẻ thù, năm 1960, một đoàn cán bộ cao cấp của Bộ Tổng tư lệnh do đồng chí Vương Thừa Vũ dẫn đầu vào nghiên cứu tại chỗ quyết định xây dựng công sự bằng bê tông cốt thép trên các điểm cao có ý nghĩa về quân sự và đào hào dọc giới tuyến. Từ đó trở đi việc đào hầm, hào trở thành một công việc thường xuyên.

Từ tháng 7/1966 đến tháng 10/1968 và từ tháng 4 đến cuối năm 1972 cuộc đọ sức giữa ta và địch bước vào giai đoạn hết sức quyết liệt. Để cứu nguy cho những thất bại về quân sự trên chiến trường, đế quốc Mỹ điên cuồng đưa cuộc chiến tranh phá hoại lên tầm cao mới với sự huỷ diệt khủng khiếp. Hàng vạn tấn bom đạn, chất độc hoá học đã được trút xuống Vĩnh Linh. Tính bình quân mỗi cây số vuông phải chịu 600 tấn bom và 800 quả đạn pháo. Cả khu vực Vĩnh Linh đầy rẫy hố bom, “hố bom cũ, hố bom mới kề nhau, chồng chất lên nhau”. Hỗu hết cây cỏ bị cháy khô, hoặc mang thương tích, đất đai bị cày đi, xáo lại tưởng chừng như không có một sinh vật nào có thể sống được.

Trước tình hình đó, để đảm bảo cho cuộc chiến đấu, bảo vệ được tính mạng, tài sản cũng như đời sống của nhân dân, yêu cầu về vấn đề phòng tránh được đặt ra một cách cấp bách. Đảng uỷ Vĩnh Linh đã kịp thời đề ra những chủ trương lớn có tác dụng đánh bại âm mưu huỷ diệt của chúng: công sự hoá toàn khu vực, biến Vĩnh Linh thành quê hương của hầm hào, đia đạo.

Một khẩu hiệu lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Vĩnh Linh trong những năm đánh Mỹ: “Đảng vững, dân vững, hầm vững” “Đào hầm, đào hầm nữa ! Chừng nào bên kia sông Bến Hải còn Mỹ nguỵ, Vĩnh Linh ta còn phải đào hầm !”.

Với tinh thần đó, một loạt hầm hào được hình thành. Đâu đâu cũng có hằam, có hào với nhiều chủng loại, chức năng khác nhau. Hầm để ở, hầm trạm xá, hầm hợp tác xã mua bán, hầm bệnh viện, hầm trường học, hầm nhà trẻ, hầm để chăn nuôi, hầm để thóc gạo… và còn cả hầm dự trữ nữa. Hầm này để chỗ cho bộ đội đi qua cho chỗ nghĩ lại, nếu quân địch tràn sang, đó là nơi dấu quân trước khi xuất kích đánh bộ binh địch. Ngoài ra còn có loại “hầm lưu động”. Đó là những bộ khung bằng tre kết cấu theo hình chữ A. Lúc cày cấy ở các cánh ruộng nước, không đào hầm được, người ta đưa nó ra đồng dựng rải rác gần chỗ làm việc, đắp bên ngoài một lớp đất mỏng hoặc rơm rạ xung quanh để tránh tạm, cày cấy xong lại dỡ hầm đem về nhà.

Hệ thống hầm hào của Vĩnh Linh cũng không ngừng thay đổi để chống trả có hiệu quả hơn. Từ cái hầm tròn một người sơ sài đến cái hầm bằng có cái nắp, rồi hầm chữ A. Từ chỗ làm hầm để phòng xa đến lúc cái hầm là nơi ẩn nấp, nơi ở, nơi làm việc, nghĩa là thay thế hoàn toàn cái nhà. Yêu cầu kiên cố, vững chắc của chiếc hầm cũng được đặt ra. Từ chỗ dùng vài ba cây tre, cây mốc để làm hầm, dần chuyển sang những cây lớn hơn như cây mít, cây bồ quân, và cuối cùng là dỡ nhà xuống làm hầm. Riêng cái cửa hầm cũng thay đổi nhiều lần. Lúc đầu là tuỳ thích, ai muốn mở cửa theo hướng nào cũng được, nhưng sau rút kinh nghiệm cấm mở về hướng Nam để tránh địch bắn sang, rồi cấm cả hướng Đông để tránh pháo ngoài biển bắn vào.

“Mỗi cái hầm thật sự là một ngôi nhà thu nhỏ được xây dựng bên dưới mặt đất. Hỗu hết nhân dân đã giở nhà để làm hầm. Mỗi gia đình không chỉ có một hầm mà cả một hệ thống liên hoàn. Từ ngoài giao thông hào, bước vào gian hầm đầu tiên, coi như phòng khách. Gian hầm này rộng từ 4 đến 6 mét vuông, cao 2 mét. Trong hầm có bàn ghế cho con ngồi học, có chiếu trải cho khách ngồi, có gián tranh ảnh, có loa truyền thanh. Vách hầm ken ván, nóc hầm lát gỗ cột tròn sát nhau, phần lớn là cột cái nhà gỗ mít, kiền kiền, lim… Bên trên đổ đất dày hàng thước, nện chặt, bom bi nổ trên nóc hầm coi như gãi ngứa. Tiếp hầm khách là hầm ngủ, đào sâu hơn, xây theo lối chữ A, nhỏ hơn, nhưng kiện cố hơn. Đạn pháo, bom nhẹ nổ ngay trên nóc hầm, vẫn ngủ ngon”. Bên cạnh đó là hầm nhà bếp, hầm nhà tắm, hầm vệ sinh, hầm gà lợn, hầm trâu bò…

Thoạt đầu, mỗi cái hầm là một nơi ẩn nấp khép kín, dần dần nó mở ra nối liền với hệ thống hầm hào trong toàn khu vực. Người dân có thể đi khắp mười một xã đồng bằng Vĩnh Linh mà không nhô đầu lên khỏi mặt đất. Một hệ thống giao thông hào sâu từ 1m50 đến 1m70, rộng trung bình 1m, nối liền nhà này sang nhà khác, đội này sang đội khác, xã này sang xã khác, rồi từ nhà ra ruộng, từ ruộng lên nương. Cho đến năm 1968, thì riêng ở khu Đông Vĩnh Linh hào đã thay thế đường. Bộ đội, dân công, dân quân đi trong hào để ra trận. Thương binh từ mặt trận trở về, sang khỏi sông Bến Hải là vào hầm, rồi từ đó theo đường hào đến bệnh viện quân y K24 ở Vĩnh Long. Trâu bò đi trong hào, cả xe đạp cũng đi trong hào. Những hoạt động của cuộc sống đang dần được hoán đổi từ trên mặt xuống dưới lòng đất.

Cả khu vực Vĩnh Linh lúc này là cả một hệ thống hầm hào chằng chịt, dày đặc nối liền nhau. Chỉ tính từ năm 19658 đến 1968, Vĩnh Linh đào được 91.840 chiếc hầm và 2.098km đường hào. Chiều dài này bằng đoạn đường đi từ thủ đô Hà Nội đến thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Đây không chỉ là nơi ẩn nấp, tránh bom đạn địch mà còn là nơi xuất kích đánh bộ binh địch. Kẻ địch  đổ bộ lên Vĩnh Linh và rơi vào trận đồ bát quái, sa vào thiên la địa võng của chiến tranh nhân dân.

Sự diệu kỳ của bàn tay và khối óc của người dân Vĩnh Linh không dừng lại ở đó. Nếu như ở Điện Biên Phủ chúng ta xây dựng một hệ thống giao thông hào chằng chịt, như một sợi dây thòng lọng ngày càng thít chặt quân địch, hay ở Củ Chi hình thành nên một hệ thống địa đạo nối thôn này qua thôn khác, xã này qua xã khác dài khoảng 200km làm bó tay quân thù, thì sự khác biệt lớn nhất của Vĩnh Linh đó là sự liên hoàn thành một hệ thống giữa Hầm – Hào -  Địa đạo, tạo thành một lá chắn thép vững chắc không có gì xuyên thủng được.

Vĩnh Linh bắt đầu đào địa đạo vào giữa năm 1966, khi mà trước đó (cuối tháng 5/1966), một cán bộ ở Củ Chi ra Bắc công tác ghé lại thăm Đảng uỷ Vĩnh Linh. Nhận thấy phong thổ ở phía Đông Vĩnh Linh có thể đào địa đạo được, đồng chí cán bộ liền gợi ý vấn đề đào địa đạo như ở Củ Chi. Mặc dù bài học lý thuyết đầu tiên chỉ là sự miêu tả sơ qua về hình dạng, kích thước cũng như cách đào, cách sử dụng địa đạo, nhưng trước sự hấp dẫn của “toà lâu đài” nằm trong lòng đất đã khiến Đảng ủy Vĩnh Linh quyết tâm thực hiện. Đảng uỷ giao việc này cho Bộ chỉ huy quân sự, Bộ chỉ huy lại giao cho một số cán bộ chuyên trách về hầm hào nghiên cứu. Sau một thời gian bàn bạc, học hỏi kinh nghiệm của ccs cụ thợ đào giếng, thợ đấu nhóm cán bộ này xin chọn Vĩnh Giang đào thí điểm. Đồng chí Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Giang là người bổ nhát cuốc đầu tiên, đào chiếc địa đạo đầu tiên của Vĩnh Linh. Hai tháng sau, một địa đạo dài80m, sâu 7m hoàn thành. Nhận thấy sự ưu việt an toàn hơn của địa đạo so với hầm hào, tháng 9/1966 Đảng uỷ Vĩnh Linh thành lập ban chỉ đạo đào địa đạo gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Khiếu - Đảng uỷ viên, phó chủ tịch Uỷ ban hành chính khu vực làm trưởng ban. Từ đó trở đi, một phong trào đào địa đạo diễn ra sôi nổi trên khắp toàn vùng.

Đào địa đạo là cả một kỳ công. Sau khi chọn chỗ, chọn đất, công việc trước tiên là xác định đường trục chính của địa đạo. Trên đường trục chính phải đào những cái giếng thẳng đứng đường kính khoảng 2m và chiều sâu là chiều sâu của địa đạo (tuỳ theo quy định). Mỗi cái giếng cách nhau khoảng năm thước. Công việc này khó đòi hỏi những người có kinh nghiệm mới làm được. Những cái giếng địa đạo ở các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Hiền, Vĩnh Tân có cái sâu từ 20 đến 24m. Nhưng khó khăn, vất vả, nặng nhọc nhất là đào một đường xuyên lòng đất nối các giếng đó lại với nhau. Những người đào phải định hướng làm sao để từ hai phía tiến tới gặp nhau tại một điểm. Công việc sẽ dễ dàng hơn nếu trong tay mỗi tổ đào có một chiếc la bàn, nhưng trong điều kiện Vĩnh Linh lúc đó thì không thể đáp ứng được. Người ta liền nghĩ ra một cách là “nhằm chừng”, định hướng theo sự phán đoán có tính chất kinh nghiệm và cảm tính. Vừa đào vừa lắng nghe. Khi hai người đã gần nhau thì người nọ nghe tiếng cuốc của người kia mà tiến tới để “hợp long”. Một tổ đào đường hầm có hai chục người nhưng mỗi kíp làm chỉ haingười xuống giếng. Không thể dùng lực lượng lớn để làm nhanh được. Hai người xuống cũng chỉ một người đào, người kia chuyển đất từ phía trong ra ngoài cho người ở trên quay tời kéo lên. Đất đào lên phải đổ đi thật xa mãi vào lòng đất, đi từ từ, vừa đi vừa nhằm chừng, mỗi ngày nhít một ít. Từ ngày này qua ngày khác, tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác, những người đào địa đạo như những chú ong cần mẫn làm nên những công trình tuyệt tác ở trong lòng đất mẹ.

Thật khó có thể hình dung được những tuyệt tác đó được làm nên bởi hai bàn tay không, với những dụng cụ thô sơ tự tạo. Không có máy ngắm, họ làm que trên mặt đất để xác định hướng đào. Không có la bàn, họ lấy dây thép uốn thành những vòng cung cố định theo đường vòng trên mặt đất, rồi đào theo những đường cong đó… Không có máy móc đo mặt phẳng, họ lấy nước đổ vào chai làm thước đo. Đo độ sâu, họ dùng dây buộc vào hòn đá làm dây dọi. Không có cần trục để trục đất (hàng chục vạn mét khối) từ độ sâu 15, 20, 25m họ làm trục quay tay, kiếm dây cáp làm dây tời, gò ống pháo sáng làm gàu xúc đất. Không có đèn điện, đèn pin chiếu sáng, họ dùng đóm tre, đuốc nhựa cây, đuốc cao su (như do khói quá, sau được thay bằng mỡ động vật) thắp sáng mà đào.

Đó là một trong những bằng chứng xác thực nhất trả lời cho câu hỏi: Tại sao Việt Nam thắng được Mỹ ? Chỉ với đôi bàn tay và khối óc, cùng lòng quyết tâm, lòng căm thù giặc sâu sắc, quân và dân Vĩnh Linh đã biến những điều không thể thành có thể. Tất cả chỉ để tồn tại, chiến đấu và chiến thắng. Theo số liệu thống kê, toàn bộ các xã của Vĩnh Linh nằm trên vùng đất đỏ đều có địa đạo. Tổng cộng chiều dài lên đến 100km.

Một trong những địa đạo hoàn chỉnh nhất là địa đạo Vịnh Mốc.

Địa đạo Vịnh Mốc nằm trong lòng một quả đồi đất đỏ Bazan chạy sát mép biển có độ cao so với mực nước biển là 28m, thuộc xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh.

Địa đạo Vịnh Mốc là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê được xây dựng và kiến tạo dưới lòng đất ở đố âu từ 10 đến 23m. Vào cuối năm 1967, do yêu cầu đảm bảo sự trú ẩn an toàn cho nhân dân và lực lượng vũ trang để phối hợp tác chiến, và nhất là có cơ sở để cất dấu hàng hoá, vũ khí cho đảo Cồn Cỏ. Địa đạo Vịnh Mốc ra đời trên cơ sở liên kết 3 hệ thống tiểu đạo của đồn công an 140, Sơn Hạ và Vịnh Mốc. Tổng chiều dài của hệ thống đường hầm là hơn 2000m. Địa đạo có trục đường chính dài 768m, cao từ 1,5 đến 1,8m, rộng từ 1 đến 1,2m. Từ trục chính toả ra nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa ra vào. Địa đạo có tất cả 13 cửa, gồm 7 cửa mở ra phía biển và 6 cửa trên đồi đi xuống. Tại các cửa đều có khung gỗ chống đỡ, thường xuyên được gia cố để chống sự lụt sở. Hai bên trục đường cứ khoảng cách từ 3 đến 5m thì khoét lõm sâu vào thành từng ô nhỏ, mỗi ô là một hộ gia đình.

Địa đạo được cấu thành 3 tầng: tầng 1: là nơi sinh sống của nhân dân; tầng 2: là nơi đóng trụ sở của Đảng uỷ, Uỷ ban và Ban chỉ huy các lực lượng vũ trang; tầng 3: chủ yếu là nơi làm kho hậu cần, cất và giữ hàng hoá, vũ khí.

Trong địa đạo có đầy đủ những công trình thiết yếu đảm bảo an toàn và phục vụ cho đời sống như trạm gác, bệnh xá, nhà hộ sinh, nhà bếp, nhà vệ sinh và nhiều lỗ thông hơi được bố trí một cách hợp lý và khoa học. Đặc biệt trong lòng địa đạo còn có 3 giếng  nước và một hội trường vuông vắn có sức chứa trên 50 người là nơi hội họp, xem chiếu bóng, xem biểu diễn văn nghệ. Lúc đông nhất có 1200 sống trong lòng địa đạo. Điều kỳ diệu là đã có 17 em bé cất tiếng khóc chào đời mẹ tròn con vuông tại nơi này, nó minh chứng cho sức sống bền bỉ của người dân nơi đây.

Địa đạo Vịnh Mốc là một tổng thể cấu trúc độc đáo được xem như một toà lâu đài cổ. ở đây vừa là nơi trú ẩn an toàn cho dân chúng, vừa là nơi cố thủ chiến đấu của bộ đội và cũng là một kho hậu cần phục vụ chiến đấu tại chỗ, chi viện cho Đảo Cồn cỏ và chiến trường miền Nam. Đó là kỳ tích lao động của 18.000 ngày công gian khổ dưới mưa bom, đạn bão để đào và vận chuyển hơn 60.000mđất đá của quân và dân Vĩnh Thạch.

* Lời kết: “Chưa kể những chiến công bắn máy bay, tàu chiến, tiêu diệt giặc Mỹ, chỉ nguyên việc đào Hầm – Hào -  Địa đạo, bám trụ mấy năm liền trong lòng đất để giữ lấy bàn đạp cho Mặt trận đường Chín, Vĩnh Linh dã xứng đáng là đất anh hùng rồi”.

Hiện nay, hệ thống liên hoàn Hầm – Hào - Địa đạo theo năm tháng do nhiều nguyên nhân tác động không còn giữ được như trước nữa (hầu như đã biến mất), chỉ còn địa đạo Vịnh Mốc là được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Chúng tôi thiết nghĩ, Quảng Trị đang phát triển mạnh Tour du lịch DMZ, về thăm lại chiến trường xưa, trong đó địa đạo Vịnh Mốc là một điểm nhấn quan trọng, nếu như bên cạnh địa đạo Vịnh Mốc chúng ta cho phục dựng lại một số hầm hào liên hoàn (tiêu biểu) như hầm chỉ huy của Bộ chỉ huy quân sự Vĩnh Linh, hầm ở của hộ gia đình, hầm bệnh viện, hầm trường học, hầm hợp tác xã mua bán… thì sẽ có ý nghĩa và thiết thực hơn rất nhiều!

 

N.T.L

 

Nguyễn Tiến Lực
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 167 tháng 08/2008

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground