Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lênh đênh sông nước

T

huyền rời bến khi trời sập tối. Trên thuyền có bốn người. Ông Kha chừng năm mươi tuổi, vừa chủ thuyền vừa cầm chèo, không vợ con, sống độc thân trên sông nước từ bao đời nay. Ông được thuê dài hạn chở chúng tôi đi tránh những trận càn của giặc hồi đầu chiến tranh tái chiếm thuộc địa của Pháp. Người thứ hai là chị Yến, một nữ sinh xinh đẹp nhưng ít nói, đóng vai trò chính trong chuyến du hành có vẻ bất tận. Những tiểu thư cùng tuổi mười sáu với chị ở làng hoặc đã theo chân bộ đội vệ quốc đoàn đi lên rừng kháng chiến, hoặc đã vào thành phố sinh sống trong vùng giặc chiếm, còn chị không biết lựa chọn thế nào cho ổn, lên rừng thì sức lực chị không kham nổi, vào thành “làm việt gian” như cách nói thời đó thì chị ớn lạnh cả người, chị đành cứ biết sống ngày nào hay ngày ấy.Người ta đào cho chị một cái hầm kín gần chuồng heo, nắp hầm được nguỵ trang bằng cái máng cho heo ăn. Mỗi lần nghe báo động giặc về là chị chui xuống hầm, hết báo động lại chui lên, cứ thế được hơn nửa năm. Nhưng hôm qua quân giặc có phương pháp tìm hầm bí mật với những thanh sắt dài ngoẵng và nhọn hoắt, đâm xuyên đến tận hàng mét sâu dưới đất. May mà chúng chưa phát hiện ra nơi chị trốn. Cả nhà hoảng hốt, bàn đi tính lại mãi mới tìm ra cách đưa chị xuống sống trên chiếc thuyền này, lênh đênh đây đó, thấy địch là tránh, thấy yên là neo lại tạm trú. Người thứ ba là anh Thanh một chàng trai hiền lành thông thái được gia đình chị Yến tin cậy phó thác chị cho anh chăm sóc. Ai cũng tin rằng anh là chồng tương lai của chị Yến. Người thứ tư là bản thân tôi, tên thường gọi là Q, được chị Yến và anh Thanh yêu cầu đi theo làm bạn đường, đồng thời giúp những việc lặt vặt khi cần thiết. Mẹ tôi thấy ở làng giặc giã tùm lum quá nên vui lòng cho tôi theo chị Yến lánh nạn một thời gian. Bà không quên rỉ tai anh Thanh nhờ anh dạy cho tôi chút ít Toán và tiếng Pháp khi rỗi rãi.

Sông nước quê tôi mênh mông bát ngát. Phía Tây làng tôi là ngã ba Gia Độ nơi tụ họp hai con sông lớn bắt nguồn từ dãy Trường Sơn. Từ ngã ba ra biển có không biết cơ man nào là đảo, to có nhỏ có, xum xuê cây cỏ hay trần trụi cát trắng. Có hai hòn đảo lớn gọi là Duy Phiên và Hà La, thường được gọi là cù lao dừa và cù lao dương liễu, phân cách nhau bằng một khe nước hẹp, về mùa khô hạn người ta lội chỉ đến đầu gối. Chim chóc trên các cù lao nhiều vô kể. Chúng bay đêm thành đàn rợp trời, tiếng kêu chát chúa không lúc nào ngớt. Chiến lược tị nạn của thuyền chúng tôi dựa trên sự đa dạng đó của địa hình. Thuyền chúng tôi cứ đi men các đảo hay các cù lao, thấy giặc có mặt ở một chỗ nào thì chúng tôi lặng lẽ rẽ qua đảo khác. Những tán cây um tùm hoa lá che chở cho chúng tôi, ngay cả khi gặp những chiếc tàu thuỷ vận tải hay chở quân của giặc.

Những ngày đầu trên thuyền mọi việc diễn ra êm thấm. Bóng giặc bây giờ xa xôi mờ mịt, không còn ám ảnh chúng tôi nữa. Bác Kha vừa là người lái đò tài năng vừa là đầu bếp thượng hạng. Bác dọn cho chúng tôi những bữa ăn ngon lành với tôm, cua bắt được hàng ngày trong mẻ lưới đặt ngay mạn thuyền. Còn rau xanh, chúng tôi dừng thuyền lại những nơi có cánh đồng bạt ngàn để hái lượm bất kì loại gì chúng tôi thích. Chiến tranh đã đảo lộn hết đời sống người dân. Những cánh đồng mênh mông trở nên hoang vắng, cỏ dại mọc đầy, những vườn khoai sắn bỏ hoang. Dưa hấu, dưa gang bạt ngàn- bạt ngàn chỉ làm thức ăn cho chim chóc và đủ thứ côn trùng như dế, kiến càng, kiến đen, kiến lửa. Bác Kha thỉnh thoảng dùng ná cao su săn được chim gáy, chim cuốc, vịt trời. Thời đó tôi đã đọc cuốn “Rô-bin-xơn” nên cuộc sống sông nước không thấy bóng người khiến tôi thích thú. Tôi muốn tắm lúc nào cũng được. Cứ nhảy ùm xuống sông, bơi một vòng rồi trèo lên thuyền. Bác Kha hướng dẫn cho tôi cách bắt cua dưới lòng sông, cách câu cá và đặt bẫy chim dọc bờ các khe nước.

Cảnh sông nước thật tráng lệ lúc trời tối. Khi mặt trời lặn, bóng các hòn đảo khi ẩn khi hiện với muôn vàn ánh sáng kì lạ. Chúng tôi có thể thấy những ánh đèn chài xa xa; những tia sáng mặt trời còn đọng lại trên triền núi đen thẫm, và biết bao đom đóm lập loè không mỏi. Nhưng buồn thay thỉnh thoảng từ các đồn bốt Tây dọc sông những viên đạn đỏ lừ vụt lên khoảng không rồi vụt tắt, tiếp theo là những tiếng nổ nghe ùng ục khó chịu. Sau này khi lớn lên tôi đọc đâu đó một câu thơ của Nguyễn Đình Thi “Dây thép gai đâm nát trời chiều”… và nhớ lại những ngày sông nước. Đúng là những viên đạn trong đêm kia đâm nát bầu trời. Chiến tranh…Mong sao nó vĩnh viễn qua đi!

Anh Thanh dạy tôi học đều đặn tiếng Pháp và Toán. Anh còn dạy cả nhạc và hoạ nữa. Nhờ anh Thanh hướng dẫn tôi dần dần biết hát gần hết những bài ca thịnh hành thời đó, những bài mà về sau người ta gọi là tiền chiến. Cứ chiều đến là tôi thổi sáo bài “Đến nay thu tàn…Phương xa kìa chiếc én bay về…”. Chị Yến cũng được anh Thanh dạy đôi chữ tiếng Anh và Hội hoạ. Chị mang theo mấy quyển tiểu thuyết Pháp trong đó có cuốn “Le petit chose” và chị khuyên tôi cố đọc cho thông cuốn đó. Những lúc ngồi ngắm trăng, anh Thanh nói cho chúng tôi nghe về các vì sao, về những huyền thoại bầu trời. Anh biết rất nhiều thứ. Lịch sử, địa lí, chính trị, khoa học… ai hỏi điều gì anh cũng giải đáp được. Anh còn biết xem tướng tay và bói Kiều nữa. Về sau tôi ngẫm nghĩ thấy anh Thanh không phải lúc nào cũng hiểu biết chính xác. Chẳng hạn hồi đó anh kể cho chúng tôi nghe vì sao Đức quốc xã thất bại trên đất Nga. Đó là vì, anh nói, cảnh nước Nga quá đẹp, bọn phát xít ngây người ra ngắm nên bị quân Nga bắn chết hết trọi… Dĩ nhiên, như ta đều biết. Đức thua trận vì nhiều lí do nghiêm túc khác, chứ đâu chỉ vì do ngắm cảnh đẹp nước Nga. Dẫu sao anh Thanh khơi dậy trong lòng tôi những niềm mơ ước không bao giờ tắt, và những mơ ước đó ám ảnh tôi suốt đời.

Cuộc sống lênh đênh trên sông nước đem lại cho tôi những cảm xúc mới mẻ chưa từng thấy. Có đêm tôi chợt thức dậy vì một cơn mưa ập tới, rồi mưa cứ thế rả rích gõ nhịp lên mui thuyền. Tôi được đặt nằm giữa chị Yến và anh Thanh như một ranh giới ảo về đạo đức, đảm bảo cho sự trinh bạch của hai người. Tôi hưởng hơi ấm từ cơ thể chị Yến toả ra và chạm vào cánh tay anh Thanh như một chỗ dựa về sức mạnh. Hai người không trực tiếp trao đổi tình cảm với nhau nên họ dồn tình cảm đó cho tôi. Tôi bị anh Thanh hôn trộm mấy lần. Còn chị Yến, tưởng tôi ngủ say, nhìn vào mặt tôi đắm đuối rồi đưa tay sờ nhẹ lên má tôi. Tôi dạo đó chưa hiểu thế nào là tình yêu trai gái. Tôi mường tượng sau này sẽ sống với một người con gái mà mình yêu, tức là mình luôn mơ tưởng đến người đó. Tôi cố kiểm điểm lại xem mình có bạn gái nào như vậy từ trước đến nay chưa. Thực ra tôi chỉ tiếp xúc với chỉ một người bạn gái, người ngồi cạnh tôi trong lớp học trước chiến tranh. Có một đứa nhỏ nữa thường hay đến gánh nước ở giếng nhà tôi phía sau vườn. Mỗi lần tôi tình cờ đi qua, cô ả đỏ bừng mặt rồi ù té chạy. Phải chăng đó là tình yêu? Còn cô bạn ngồi cùng bàn ở lớp học, từ lâu tôi không gặp lại. Đã hai năm rồi tôi không được đến trường nữa. Mà mái trường thân yêu ấy đã bị giặc đốt mất trong một trận càn năm ngoái. Hà (tên cô bạn gái), bây giờ bạn đang ở đâu?

Một tuần lễ trôi qua trong cảnh lênh đênh sông nước. Chị Yến lúc nào cũng vui vẻ tươi cười. Chị bắt đầu hát mà không e thẹn những bài chị thích, đặc biệt là bài “Con thuyền không bến”.

Đêm nay thu sang cùng heo may…

Đêm nay sương đêm mờ chân mây

Thuyền ai lờ lững trôi xuôi dòng…

Như nhớ thương ai cùng tơ lòng…

Khoảng hơn mười ngày thì chị Yến thấy người khó ở, nằm dài suốt ngày không chịu ngồi dậy. Rồi chị liên tục buồn nôn, nhìn thấy thức ăn là nôn thốc nôn tháo. Chị gầy đi rõ rệt. Bác Kha và anh Thanh tận tình chăm sóc, nhưng một tuần đi qua mà bệnh tình không hề thuyên giảm. Bác Kha cho thuyền ghé lại những nơi có xóm làng nhộn nhịp và anh Thanh chạy đi tìm kiếm thầy thuốc. Thoạt tiên anh mời được một thầy lang nom rất tiên phong đạo cốt. Thầy bắt mạch rồi cho biết chị Yến bị sốt rét. Vì thuốc bắc không tìm đâu ra thời đó nên thầy bảo anh Thanh đi tìm mấy thứ cây cỏ về sắc lên cho chị uống. Tình hình chị Yến sau ba ngày chữa kiểu “cây cỏ” không có gì chuyển biến tốt. Bác Kha và anh Thanh lại ra sức tìm kiếm và lần này họ rước về một y tá còn trẻ. Anh ta dùng ống nghe khám bệnh và cũng nói như thầy lang rằng chị Yến bị sốt rét. Anh ta có sẵn thuốc kí ninh và nhượng lại cho chúng tôi mười viên. Ngoài ra anh ta hứa sẽ đến tiêm cho chị mấy ống quino-bleu nữa. Nhưng việc chữa chạy của người y tá cũng không có hiệu quả. Chị Yến tiếp tục nôn và không ăn uống được gì.

Cùng đường, bác Kha gợi ý mời thầy cúng đến xem có phải ma quỉ gì ám hại không. Anh Thanh thoạt tiên kịch liệt phản đối, anh là kẻ Tây học, không tin những điều nhảm nhí. Nhưng biết làm sao được? Chẳng lẽ trơ mắt bất lực nhìn chị Yến chết dần hay sao. Bác Kha được phái đi và chốc lát trở về với một thầy cúng dáng dấp khá lương thiện. Bác còn khệ nệ mang về một nải chuối lớn, một ít hương đèn, vàng mã. Thầy cúng khấn vái đốt đèn thắp hương suốt đêm. Thầy còn cầm hương khua khua lên người chị Yến nữa. Kết quả là chị Yến thấy êm êm được một ngày. Rồi mọi thứ trở lại như cũ.

Chiều hôm đó không hiểu sao tôi thấy buồn tê tái. Gió mùa đông bắc se lạnh. Thuyền lắc lư theo nhịp sống. Tôi ngồi lặng nhìn chị Yến vật vả trong giấc ngủ chập chờn. Bỗng chị mở hé mắt nhìn tôi hồi lâu rồi nói: “Em ơi, chị chết mất. Em đưa chị đến bệnh viện đi em!”. Tôi bàng hoàng cả người. Bệnh viện! Đúng là chị Yến nằm mơ rồi. Chiến tranh đang tàn phá khắp nơi…Nhưng chỉ có bệnh viện mới cứu được chị Yến thôi. Biết làm sao đây?

Tôi vừa khóc vừa kể lại lời chị Yến cho anh Thanh và bác Kha nghe. Họ lặng người đi một lúc rồi anh Thanh như sực nhớ ra điều gì. Anh giục bác Kha chèo thuyền đi nhanh về phía nam. Anh Thanh nhớ lại mang máng rằng người y tá có nói đến một quân y viện dã chiến trong vùng. Nhất thiết phải đưa chị Yến đến đó nhờ người ta chạy chữa. Dầu chị chỉ là thường dân nhưng biết đâu ốm đau như thế ai nỡ bỏ rơi?

Thuyền cập vào một bến vắng và ẩn mình vào một rừng đước rậm rạp. Anh Thanh vội nhảy lên bờ chạy đi mất hút trong đêm. Đúng chiều tối hôm sau anh Thanh trở lại. Đi cùng anh có một người đứng tuổi và một người nom thư sinh còn rất trẻ. Người đứng tuổi là y sĩ H. quê tôi ai cũng biết. Người trẻ tuổi là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, tác giả những bài ca trẻ trung tươi tắn yêu đời. Sau khi họ đi rồi anh Thanh mới cho chúng tôi biết như thế. Còn khi mới gặp họ chúng tôi cảm thấy như đang gặp thiên thần. Họ tạo được ngay cho chúng tôi một niềm tin vững chắc.

Viên y sĩ đeo kính trắng, dáng dấp trí thức hệt như người ta mô tả trong sách. Ông bắt mạch cho chị Yến, hỏi anh Thanh mấy câu rồi ra đầu thuyền nói chuyện rất lâu với anh ấy. Ông cho gọi cả bác Kha đến bàn bạc nữa. Tôi thì được tự do, tôi mon men đến gần chàng trẻ tuổi đang ngồi trên một gốc cây trên bờ, miệng khẽ hát những bài ca tôi chưa được nghe lần nào. Về sau nhớ lại thì biết đó là “Thiên thai” và “Đàn chim Việt” của Văn Cao. Nhìn thấy tôi, chàng trai trẻ hỏi về chị Yến, về anh Thanh và về gia đình chúng tôi. Anh vui miệng cho biết anh không phải là người của quân y viện. Anh chỉ đi theo y sĩ H để chuyện trò dọc đường. Anh không làm gì ngoài đi đây đó, vừa tránh giặc vừa tìm một việc gì đó thích hợp. Tạm thời anh sống nay đây mai đó, thỉnh thoảng ca hát cho dân chúng nghe và ngẫu hứng sáng tác vài ca khúc. Tôi nhờ anh viết cho mấy bài ca của anh lên một tờ giấy anh tìm thấy trên thuyền.

Khoảng tám giờ tối thì viên y sĩ và chàng trẻ tuổi từ biệt chúng tôi. Tôi muốn khóc to vì cảm thấy như mất mát những người thân. Bác Kha và anh Thanh tiễn họ xong thì gọi tôi lại nói:

- Chúng ta phải đi ngay vào thị xã trong đêm nay.

- Nhưng… tôi ấp úng nói.

- Không nhưng gì hết, anh Thanh gắt, phải đưa Yến vào bệnh viện tỉnh. Đó là ý kiến của y sĩ H.

Tôi bàng hoàng vì quyết định không chờ đợi đó. Một y sĩ kháng chiến đành khuyên bệnh nhân vào thành chữa bệnh. Chắc chắn phải là một quyết định xuất phát từ lòng nhân ái.

- Thế vào thành giặc không bắt hết ta à? Tôi lo lắng hỏi.

- Y sĩ H.  cho ta một thư giới thiệu đến bệnh viện tỉnh. Cầm giấy giới thiệu này ta có thể đi trót lọt.

- Chú có chắc thế không? Bác Kha xem vào.

- Chắc bác ạ. Y sĩ nói là bọn Tây nể ông ấy lắm, dầu ông ấy theo kháng chiến. Bọn Tây đang mong ông về với chúng.

- Liệu ông ấy có về theo Tây không? Bác Kha hỏi tiếp.

- Không. Chắc chắn không. Y sĩ là người quân tử, không ăn ở hai lòng đâu. Ta cần phải đi thật nhanh bác Kha à.

- Nhất định rồi!

Thuyền chúng tôi đi như bay, không né tránh gì đồn bốt Tây hết. Điều kì lạ đã xẩy ra là không có gì ngăn cản chúng tôi cả. Có khi một làn súng liên thanh nổ vang nhưng không phải nhằm vào chúng tôi. Có khi pháo sáng lơ lửng trên đầu chúng tôi nhưng không ai bắt chúng tôi dừng lại. Sau này tôi nghiệm ra một điều là khi mình bất chấp sự việc thì mình không bị gì ngăn cản cả. Hơn mười năm sau ở Hà Nội có lần tôi phóng xe đạp bạt mạng đi mời thầy thuốc về chữa bệnh cho bà nội, tôi xông xáo vào giữa đám xe dày đặc như vào chỗ không người mà chẳng gây ra tai nạn gì. Vậy đó.

Chỉ đến khi thuyền cập bến thị xã gần phía bệnh viện, một tốp lính tuần tra xuất hiện hỏi giấy tờ. Anh Thanh bình tĩnh đưa cho họ thư của y sĩ H. Thư viết bằng tiếng Pháp như sau:

Bernard Rochefort

Dr en médecine

Directeur

Hôpital provincial de QT...

Tốp tuần tra gồm ba người Việt. Một người biết tiếng Pháp dịch bức thư cho cả bọn nghe.

Bài dịch như sau:

Gửi ông B. R.

Thưa ông,

Tôi biết ông vừa được cử làm Giám đốc bệnh viện tỉnh và tôi xin có lời chúc mừng ông. Tôi sẽ lấy làm sung sướng nếu ông còn nhớ đến người đồng nghiệp tên là Phan, vốn là phụ tá cho ông thời trước chiến tranh ở Đà Nẵng. Tôi gửi đến bệnh viện ông một nữ bệnh nhân mà tôi nghi mắc chứng thương hàn. Ông biết rõ rằng với những phương tiện ít ỏi, trong một vùng hẻo lánh, việc chữa bệnh thương hàn không thực hiện được. Vậy tôi tin tưởng giao phó cho ông, cho trái tim thầy thuốc của ông trường hợp này, mong ông cứu chữa thích hợp. Tôi cũng mong rằng ông can thiệp với các nhà chức trách để cho những người đi theo bệnh nhân được an toàn. Đó là ông Thanh chồng chưa cưới của bệnh nhân, ông Kha chủ chiếc thuyền gỗ và em Q. bà con của bệnh nhân. Xin gửi đến ông lời chào trân trọng nhất.

Lê Đình Phan

Y sĩ thượng hạng

Bệnh xá QT.

Tốp tuần tra nhìn nhau một lúc rồi trả lại thư cho anh Thanh và hỏi:

Người bệnh ở dưới thuyền phải không?

Không đợi ai trả lời cả bọn bước lên thuyền rồi bảo anh Thanh và bác Kha lấy chăn làm cái cáng để gánh chị Yến đi. Bỗng một chiếc xe jeep xộc tới. Một sĩ quan Pháp xuống xe, hỏi mấy anh lính chuyện gì xẩy ra. Sau khi được xem bức thư gã chẳng nói chẳng rằng bước vội lên thuyền, nhẹ nhàng bế ngay chị Yến như ôm một gói đồ bất động và cứ thế xăm xăm đưa chị đến xe. Tôi muốn nhảy lên xe cùng ngồi với chị nhưng gã sĩ quan ngăn lại, bảo tôi đứng xa ra nếu không thì lây bệnh. Tôi hiểu như vậy là nhờ anh Thanh nói lại, chứ tiếng Pháp tôi nghe đâu rành được. Gã sĩ quan chọn anh Thanh ngồi cạnh chị Yến, lúc ấy hoàn toàn mê man không biết gì. Nhờ bức thư của viên y sĩ mà sự việc diễn ra trót lọt quá sức tưởng tượng. Bác sĩ Rochefort tập hợp tay chân lại, đọc thư của y sĩ Phan cho họ nghe và dặn họ chữa chạy chu đáo cho bệnh nhân. Ông nói chuyện lâu với anh Thanh cho anh Thanh biết nếu chậm vài ngày nữa thì ông cũng bó tay. Như vậy chị Yến chắc chắn được cứu sống. Chúng tôi cũng được viên sĩ quan đưa tới đồn cảnh sát để làm giấy cư trú tạm thời trong một tháng. Chúng tôi kiếm được một nơi trọ rẻ tiền gần bệnh viện. Ngay chiều đó, bác Kha trở lại làng để báo tin cho gia đình chị Yến. Anh Thanh tranh thủ đi bán ít vàng và đồ trang sức chị Yến mang theo để lấy tiền chi phí. Tôi không được thăm chị Yến vì chị ấy nằm phòng cách li và người ta không muốn trẻ con lây bệnh nên những ngày sau đó đi quanh quẩn trong phố tò mò xem xét. Phố xá thời đầu chiến tranh vắng vẻ. Người đi đường phần lớn là binh lính. Điện nước đã được khôi phục, người dân xếp những dãy thùng lấy nước quanh các giếng nước máy. Nhà vắng người còn nhiều. Trường học chưa mở cửa trở lại. Ban đêm tôi đến ngôi trường bỏ hoang gần nhà trọ, đi hết phòng này qua phòng khác, ngạc nhiên thấy các bóng đèn vẫn còn đó, bật lên thì sáng rực. Có vài cuốn sách vứt bừa trên sàn nhà. Tôi nhặt về một phần để đọc, một phần kiếm được giấy trắng cuối sách để viết vẽ bâng quơ.

Một hôm khi tôi đang đi trên con đường dọc sông dưới bóng những cây phượng vĩ thì chạm trán một toán lính đi tuần tra. Viên chỉ huy nhìn tôi rồi gọi to tên tôi. Tôi hoảng hồn nhận ra anh S, vốn là bạn học của anh cả tôi. Tôi tưởng S. đã ở đâu đó trên rừng vì anh vốn là thanh niên xung phong, cùng hoạt động với anh tôi. S. nhiều năm về nhà tôi nghĩ hè nên thân thiết với gia đình tôi.

- Em làm gì ở đây thế? S. hỏi.

Tôi đủ thông minh để che dấu sự thực. Tôi đáp:

- Em vào đây để chuẩn bị đi học ở Huế. Dì em trong đó nhắn em vào.

- Cha mẹ và anh Ngô hiện ở đâu? (Anh Ngô là anh cả của tôi).

Điều này thì tôi nói thực:

- Mẹ em ở quê. Cha và anh Ngô hình như ở trên rừng.

S. nhìn tôi chăm chú:

- Em đi học Huế là tốt. Ở quê bây giờ không được yên ổn. Tuổi em là phải được học. Chắc cha và anh Ngô đồng ý cho em đi Huế chứ?

- Em nghĩ là cha em và anh Ngô đồng ý. Nếu không em biết làm gì bây giờ?

S. cười khẽ rồi nói:

- Anh ở trước nhà ga, trong nhà hai lầu ấy. Cần gì em đến tìm anh. Thôi anh đi đây, chào em nhé? À quên, cho anh gửi lời thăm hai bác và anh Ngô nếu em gặp.

Về nhà tôi kể cho anh Thanh và hai bác chủ nhà cuộc gặp bất ngờ đó và tôi cảm thấy họ tỏ ra sợ hãi lo lắng. S. đã một năm nay theo giặc gây khá nhiều tội ác. Anh ta lùng sục cán bộ kháng chiến và gia đình họ để khủng bố. Nếu anh ta biết tôi ở đây anh ta sẽ bắt tôi làm con tin để chiêu dụ cha và anh tôi. Họ nghĩ như thế. Anh Thanh bàn bạc hồi lâu với chủ nhà và đề ra cho tôi hai phương hướng để lựa chọn: Hoặc tôi vào Huế sống với dì hoặc quay lại làng quê ngay. Đương nhiên tôi chọn giải pháp thứ hai. Chủ nhà quen với chủ thuyền buôn Cửa Việt. Tối đó ông dẫn tôi ra thuyền, giao tôi cho chủ thuyền và dặn ông cho tôi lên bến nào gần nhất với làng tôi. Cuộc sống sông nước trở lại nhưng buồn mênh mang khó tả. Thuyền đi chậm chạp vì phải trình giấy tờ cho hết các đồn bốt ven sông. Tôi bâng khuâng nhớ chị Yến, nhớ anh Thanh nhớ bác Kha những người đồng hành trong cuộc lang bạt kì hồ vừa qua. Tôi nhớ viên y sĩ đeo kính trắng và nhạc sĩ trẻ Nguyễn Hữu Ba.

Xế chiều hôm sau thuyền dừng lại bến An Cư đối diện với làng tôi. Vì sông rộng nên tôi chỉ thấy bờ làng tôi xa tít. Tuy vậy có một vật nhô lên chưa từng thấy ở chân trời. Mọi người quan sát kỹ và cho tôi biết rằng đó là tháp canh của giặc. Làng tôi bị giặc đóng bốt rồi. Tôi làm sao trở về được đây?

Tôi vẫn cứ yêu cầu chủ thuyền cho tôi lên bờ. Tôi ngồi một mình ngắm nhìn sông nước mênh mông. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy hụt hẫng, mất phương hướng. Bỗng tôi nhớ ra quê ngoại gần đâu đó, hình như cách bến đò này khoảng năm cây số. Tôi vội vã lên đường, đi xuyên qua cánh đồng vắng vẻ. Gần tối tôi tới cổng nhà ngoại. Từ xa tim tôi đập mạnh khi thấy ngoại ngồi chờ ai trước hiên nhà.

Ngoại ơi, con đây! Tôi la to và nhảy thót vào lòng ngoại. Từ đầu chiến tranh đến nay tôi không còn biết ngoại ở đâu, làm gì. Trước chiến tranh hàng năm ngoại vẫn ra thăm mẹ tôi một vài tháng. Ngoại có thói quen ru cho tôi ngủ dầu tôi đã lớn...đã đi học hết tiểu học. Thời kì chiến tranh ngẫm thật kì lạ: Không ai biết người thân đang làm gì, ở đâu, sống hay chết. Còn bản thân mình không biết ngày mai sẽ ra sao. Bà ngoại ở một mình. Cậu tôi đã mất trước chiến tranh. Mợ tôi bỏ đi theo lái buôn ở chợ Sãi. Các anh chị mỗi người một ngã, đã lâu không có tin tức. Ngoại thẫn thờ một lúc rồi vội vàng làm cho tôi một bữa cơm ngon lành. Tôi mệt quá lăn đùng ra ngủ không biết trời đất gì nữa. Tuy vậy trong trạng thái vừa mê vừa tỉnh tôi nghe ngoại ru tôi bằng những lời ru năm xưa và có lẽ còn sống qua nhiều năm tháng nữa:

Ru em em théc cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Nam phổ, mua trầu chợ Dinh...

Khi tôi đã lớn, điệu ru vẫn có sức thôi miên tôi một cách khó tả. Nó chứa đựng một sức mạnh thần kì của tình thương có khả năng đẩy lùi mọi điều hắc ám.

        T.Q.Đ

 

Trương Quang Đệ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 160 tháng 01/2008

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

7 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

7 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

7 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

7 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground