Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 21/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngày trở về

S

au chiến thắng 30/4/1975 sĩ quan và chiến sĩ miền Nam tập kết được phép trở về miền Nam thăm quê hương.

21 năm qua nhiều người trong chúng tôi đã trở về miền Nam trực tiếp cầm súng và có mặt ở các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia. Họ chỉ ra Bắc khi bị bệnh nặng, bị thương và tiếp tục làm nhiệm vụ khác ở hậu phương lớn. Cùng đi phép đợt này với tôi có Trung tá Thái Nghĩa cụt một tay, đại uý Lê Huân cháy sém cả má trái, trên cơ thể của những người như họ có nhiều vết sẹo của bom đạn.

Ngày ấy chúng tôi về miền Nam là đi dưới bom đạn về giữa bom đạn, ngày nghỉ đêm đi, luồn lách khe thẳm, núi cao, vòng qua nước bạn Lào “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. Có người được chiến đấu trên quê nhà, nhìn thấy mặt cha mẹ, vợ con vẫn không dám lên tiếng để giữ bí mật, không ít người đã hy sinh trong hoàn cảnh đó.

Lần này chúng tôi về, đi giữa ban ngày thẳng đường quốc lộ 1A, trước xe cắm một lá cờ đỏ sao vàng phấp phới. Người nào cũng diện quân phục mới, dày đen bóng lộn, quân hàm đỏ chói trên vai và huân chương sáng ngời trên ngực. Trong 21 năm qua họ gạt tất cả mọi riêng tư, chiến đấu cho độc lập tự do, sẵn sàng ngã xuống trước ngày toàn thắng. Bây giờ trở về trong niềm vui cực lớn và có cả những nỗi buồn trĩu nặng. Trước tôi hai hàng ghế là một Trung tá vợ anh đã lấy một sĩ quan nguỵ, con trai anh là sĩ quan trong đội quân thảm bại, một thời đã đối đầu với chính anh. Trước kia nữa là một thượng tá, cha mẹ vợ con anh đều đã chết trong một trận càn của lính Pắc Chung Hy.

Suốt quãng đường dài chúng tôi đều quay mặt ra cửa xe, một lần nữa nhìn lại diện mạo Tổ quốc mình. Đâu đâu cũng hố bom đạn chằng chịt, cũng những sự tàn phá của chiến tranh. Thị xã Đồng Hới của tỉnh Quảng Bình, thị trấn Hồ Xá của tỉnh Quảng Trị và nhiều phố xá làng mạc khác đã đổ nát.

Xúc động nhất vẫn là lúc vượt qua giới tuyến. Tôi bấm đồng hồ, chỉ hết 17 giây. Đây là 17 giây cuối cùng của 21 năm khốc liệt chúng tôi cùng toàn dân tộc đã đi qua, trả bằng máu xương, ra đi khi tóc còn xanh, trở về mái đầu đã bạc.

Một chiến sĩ giơ tay lên trời kêu to:

- Mẹ ơi, con đã về đây!

Nhiều người khác quỳ xuống hôn lên mặt đất, nước mắt không kìm được. Chân tôi mát lạnh, một sự xúc động linh thiêng lạ kỳ, trái tim rộn ràng đập. Tôi nhớ lại nhóm tượng “nắm đất miền Nam” của Phạm Xuân Thi sáng tác năm 1955, một năm sau khi đất nước chia đôi. Bà mẹ miền Nam gửi tặng Bác Hồ một nắm đất, thưa với Bác miền Nam sau trước vẫn là đất của Việt Nam, nhắn gửi những đứa con tập kết hãy giành lại miền Nam cho Tổ quốc. Tôi nhớ những người đồng đội vĩnh viễn không được trở về…

Tôi ghé qua Thành Cổ thăm gia đình anh Cả. Đã biết cuộc chiến ở Thành Cổ rất khốc liệt nhưng nhìn tận mắt vẫn kinh hoàng vì sự tàn phá của bom đạn. Hai trái bom nguyên tử Mỹ ném xuống đất Nhật làm chấn động cả nhân loại cũng chỉ tương đương 36.000 tấn TNT. Thành Cổ chỉ có diện tích khoảng 18ha (chu vi 2160m) chúng đã ném xuống 328.000 tấn bom đạn. Sự hoang phế của địa mạo Thành Cổ không thể tìm thấy ở một nơi nào trên trái đất.

Tỉnh uỷ Quảng Trị kêu gọi nhân dân trước hết là cán bộ đảng viên nhanh chóng trở về phục hồi thị xã Quảng  Trị, để cho thị xã có dân. Bây giờ người dân Thành Cổ nhượng lại cho nhau một mảnh đất làm nhà mặt tiền bốn mét, dài mười lăm đến hai mươi mét giá hàng trăm triệu, bấy giờ đất được cho không song cũng không ai tham vì nhận thêm một mét đất là nhận thêm một mét chết.

Có thể khoanh ngôi nhà và mảnh vườn của anh chị tôi là làm được một bảo tàng sống của chiến tranh khá sinh động. Ngôi nhà có một không hai trên trái đất này được làm bằng phế liệu của chiến tranh. Cột lớn là những ống đạn pháo, ống pháo sáng nối lại với nhau. Cột nhỏ là những cọc de của hàng rào dây thép gai. Tường nhà là những tấm ri sắt lát sân bay dã chiến, ghế ngồi là một nửa vỏ trái bom bi mẹ lật úp lại. Hòm đựng áo quần, đựng lương thực, vật dụng là hòm đựng (5 khẩu) súng AR16. Nồi nấu nước là vỏ hộp một khẩu phần ăn dinh dưỡng cao của lính Mỹ, mái nhà lợp bằng tấm sắt, mảnh tôn được nhặt từ một trại lính của địch. Tất cả đều nham nhở vết đạn trừ vỏ hộp nấu nước. Ngồi và đi lại trong nhà, chỉ sơ suất một chút là bị cắt rách thịt chảy máu.

ở vườn đầy rẫy bom đạn chưa nổ của hai phe: những quả mìn ríp sát thương nhỏ bằng đầu ngón tay, mỏng vài ly, màu diệp lục lẫn trong cỏ. Những quả mìn chống tăng nặng gần chục ký, đạn hoá học có viền vàng, viền đỏ, M79 sáng chói, đạn cối đen xỉn, tên lửa vác vai… Dưới tầng đất vùi còn nhiều cái chết như thế nữa. Chỉ mới hai tháng sau chiến tranh, lau lách đã mọc um tùm, xanh rờn rợn. Chị tôi nói: “máu thịt của những người tử trận khiến lau lách tốt như vậy”.

Từ Đông Hà, qua Thành Cổ về Triệu Phong quê tôi đâu đâu cũng rực rỡ cờ đỏ. Tháng 7/1954 đánh bại thực dân Pháp và bây giờ 1975 đánh bại đế quốc Mỹ, lịch sử lặp lại và nâng cao những khoảnh khắc huy hoàng. Cờ đỏ bay trên những nóc nhà mới dựng tạm, trên những luỹ tre xơ xác dọc đường làng, phấp phới ở mũi những con thuyền xuôi ngược trên sông Đông Hà, sông Quảng Trị. Mọi người đều biết con đường xây dựng lại phía trước còn nhiều khốn khó nhưng niềm vui được sống vĩnh viễn trong hoà bình cứ ngời ngời trên từng ánh mắt.

Các cô gái vẫn còn hằn sâu nếp sống thời chiến. Họ đi họp ngang qua tảng cát Triệu An, tất cả đều đội mũ tai bèo, áo nâu, quần đen, dép lốp bốn quai, thắt lưng lớn ngang bụng, khoác nhiều loại tiểu liên, súng trường tự động của Nga, của Mỹ. Tất cả họ cùng một màu da sém nắng, không gầy gò như tôi tưởng mà toát lên một sinh lực dồi dào của những người con gái tuổi đang xuân.

Trong chiến tranh họ đã làm nản lòng các sắc lính cộng hoà và lục quân Mỹ. Họ đã chốt ở vị trí nào mà chỉ có thắng hoặc hy sinh không có chuyện bỏ chạy.

Những người dân đi sơ tán vùng ác liệt của chiến tranh vẫn đang lục tục kéo về. Trông họ vui vẻ nhưng cũng khá nhếch nhác, quang gánh lủng củng, lưng cõng con, tay dắt trâu bò. Vắt vẻo trên lưng trâu là mấy cái chuồng gà. Tuy bị lắc lư, hất lên, rớt xuống theo bước chân trâu nhưng mấy con gà trong lồng vẫn nằm lả, hình như chúng đã quá mệt không còn sức đâu mà kêu. Những người về trước ra ngõ đón người về sau:

- Bác đã về mừng Bác còn sống!

- Mày còn sống đấy ư? Thế là được!

- Cháu còn sống, mừng cháu !

Chẳng có nơi nào trên trái đất chào nhau theo kiểu đó. Đi qua cuộc chiến tranh này, người Quảng Trị chết không có gì lạ, sống mới là lạ. Cái mừng lớn nhất là mừng được sống.

Để giúp dân hồi hương, một đơn vị công binh đã làm việc nhiều ngày tháo gỡ bom mìn ở những vùng đất thiết yếu nhất dân dựng nhà, canh tác, dọc những con đường người và gia súc đi lại.

Vào ngày thứ hai về quê, một trái mìn đã nổ, một chiến sĩ hy sinh, hai chiến sĩ bị thương. Xác người chiến sĩ dập nát, biến dạng, được khiêng về trong một chiếc cáng tải thương bằng vải bạt. Một sĩ quan ở đấy nói với tôi, chiến sĩ hy sinh ấy tên là Huân, người Thái Bình, sau chiến thắng anh chưa về thăm gia đình, tình nguyện ở lại tháo gỡ bom mìn, giúp dân hồi hương.

Mới 20 ngày rà phá đã hy sinh hai chiến sĩ, ba người bị thương.

Nhìn lại thi thể người chiến sĩ bầm dập, nghe kể về anh chúng tôi rất xúc động. Để rà phá bom mìn toàn bộ đất Quảng Trị, toàn bộ đất miền Nam mênh mông, còn bao nhiêu người nữa sẽ ngả xuống trong thời bình? Sẽ vĩnh viễn không gặp lại gia đình dù đã đi qua chiến tranh?

Sau tiếng bom giết chết một đồng đội, các chiến sĩ vẫn tiếp tục công việc. Họ nằm thành một hàng ngang trên cát bỏng, cùng quay đầu về một hướng như tư thế ngày nào giữa chiến trường đối đầu với giặc. Tay mỗi người cầm một que tre vót nhọn thuốn vào lòng đất. Họ cần mẫn dò tìm bom mìn, giải phóng từng tấc đất. Đằng sau lưng họ vùng đất cắm cờ xanh báo hiệu bình yên ngày càng rộng ra. Một ngày gần đây nhà dân sẽ được dựng lên, rau lúa sẽ xanh tốt. Mỗi khi bưng bát cơm ăn người dân quê tôi sẽ mãi mãi nhớ ơn những người lính ấy.

Vào ngày thứ ba trở lại quê nhà, một đại uý và hai trung uý nguỵ gặp tôi, họ giới thiệu cấp bậc, xin dấu tên và hỏi về tương lai của họ. Tôi nói rằng: chắc chắn các anh không bị trả thù. Dân tộc ta có truyền thống nhân đạo. Chỉ cần các anh không chống lại chế độ mới, hoà nhập được vào đời sống nhân dân. Ngày xưa cha ông ta đánh thắng giặc phương bắc, cấp cho chúng ngựa xe, thuyền bè về nước. Ngày nay ta đối xử tử tế với tù binh Mỹ và cho họ về nước. Người ngoại bang còn được như thế nữa là cùng một nòi giống rồng tiên, cùng máu đỏ da vàng, sao nỡ đâm chém nhau sau cuộc chiến.

Trong thời điểm này, tâm trạng hàng chục vạn sĩ quan và binh lính nguỵ tan rã đang hoang mang bất ổn. Tôi quàng tay qua vai họ kéo sát về phía mình để tâm tình như những người bạn.

Họ lại hỏi:

- Không giết chúng tôi nhưng Chính phủ có bắt tù không?

Tôi nói:

- Bị tù đày theo kiểu hành hạ về tinh thần và thể xác thì không nhưng chắc chắn các anh sẽ được tập trung vào một lớp nào đó (họ hơi lo sợ). Các anh không học làm sao biết được chế độ mới là như thế nào? Cách thức làm ăn mới? Quan hệ mới giữa người với người? Cũng cần phải hiểu bản chất chế độ mà các anh đã theo và vì sao thất bại?

- Nghĩa là phải qua một cuộc tẩy não? - Một người hỏi:

- Đúng! -  Tôi nói -  nhưng không phải là một sự tẩy não áp đặt. Những người có trách nhiệm chỉ giới thiệu, phổ biến, hướng dẫn, các anh tự tẩy não cho mình.

Tôi cũng cảnh báo: Chế độ cũ đã biến các anh thành quý tộc. Rồi đây các anh và đại đa số dân ta sẽ khổ, thậm chí thiếu đói trong nhiều năm (họ ngạc nhiên). ở miền bắc viện trợ chiến tranh của bạn bè kết thúc. ở miền Nam viện trợ Mỹ không còn chúng ta sẽ kiếm ăn như thế nào cho chính chúng ta và hàng triệu người thất nghiệp, thương phế binh? Trên những mảnh đất đầy thương tích và hoang phế như thế này? Công cụ sản xuất ở đâu? Giống ở đâu? Bao lâu nữa sẽ gỡ hết hàng triệu bom mìn ở dưới đất? Chúng ta sẽ thiếu đói không biết bao nhiêu năm nhưng chắc chắn qua giai đoạn đó đất nước sẽ giàu lên nhanh chóng.

Họ cho rằng tôi nói trung thực và có lý. Một người nói với tôi:

- Một thời chúng tôi đối kháng với các anh về lý tưởng nhưng trước sau chúng tôi vẫn yêu đất nước này.

Tôi phấn khởi:

- Điều quan trọng nhất là ở chỗ đó. Hãy tiếp tục sống và làm việc vì Tổ quốc này, vì nhân dân và khi các anh đã hiểu rồi, vì cả chế độ mới.

Chúng tôi từ biệt nhau trong những cái bắt tay rất chặt. Từ đó tới bây giờ đã 33 năm nhưng tôi chưa bao giờ gặp lại một người trong số họ, tôi vẫn tin họ đang sống hạnh phúc đâu đó trên đất nước của mình.

Sống giữa quê hương những ngày đầu giải phóng lắm mừng vui nhưng cũng lắm suy tư.

Cái đói, cái thiếu ăn, sự vất vả tôi nói với ba người sĩ quan nguỵ phải chăng là lời cảnh báo? Nó đã hiện hữu nhanh chóng xung quanh tôi. Hàng vạn người dân trở về đã dè sẻn từng lon gạo cứu trợ của Chính phủ. Người dân độn vào nồi cơm bất cứ thứ gì có thể độn được, xin nhau từng nắm rau lang và luộc cả lá già, cả cuộng. Những chiến sĩ du kích tập trung, trong chiến tranh ăn gạo hậu cần của quân đội, hết chiến tranh là hết hậu cần. Họ trở về với cuộc sống đời thường, nhiều người không nghề nghiệp, không công cụ sản xuất, càng đông con cái khó càng lớn. Gia đình anh chị tôi cũng nằm trong số đó. Nhìn mấy đứa nhỏ ăn xong bát cơm độn mắt hau háu vào cái nồi rỗng không thật là xót.

Mấy ngày sau tôi ra Hà Nội, đêm đêm trằn trọc khó ngủ. Hình ảnh những người thân gặp nhau trong nước mắt, những bàn tay gầy gò, những bữa cơm độn chưa no lòng và những tấm áo vá... hình ảnh một người nông dân Triệu Phong cứ hiện về đậm nét. ấy là một ngày tôi trở về thăm đội thuyền vận tải hậu cần chiến tranh do anh Lê Quang Đạo chỉ huy và gặp người nông dân ấy.

Anh ngồi bên cạnh mấy bó hom tre lớn và một đống tranh cao lớn hơn cả lán bạt của đội thuyền. Những bó hom ấy anh chẻ từ những cây tre cụt ngọn của làng, đống tranh ấy anh bứt  ở những vùng hoang phế của chiến tranh. Sau lưng anh là một rổ khoai lang luộc hơn 30 củ và một bi đông nước chè đậm. Anh không nói trừ khi phải trả lời một ai đó. Cái lưng gầy của anh cúi xuống lộ rõ xương sống, xương sườn. Đôi tay gầy khẳng của anh mãi miết đánh tranh để dựng lại ngôi nhà bị cháy. Đêm khuya tôi bừng tỉnh vẫn thấy anh ngồi như vậy đánh tranh. Đói lại với tay nhặt mấy củ khoai ăn, uống vài ngụm nước là tiếp tục công việc. Sáng hôm sau, trưa hôm sau, chiều hôm sau, rồi đêm… anh vẫn ngồi đánh tranh miệtmài như một cỗ máy. Không mỏi lưng? Không mỏi cổ? Không buồn ngủ? Sức lực đâu trong con người ấy?

Anh là hiện thân của sự bền bỉ kiên trì nhẫn nại vượt khó, vượt khổ của người dân quê tôi. Cái đức ấy giúp họ vượt qua chiến tranh và chắc chắn sẽ giúp họ vượt qua cái khó, cái khổ của thời hậu chiến.

           Triệu Phong 8/1975

                Cổ Thành Quảng Trị 2/208

             L.V.T

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 164 tháng 05/2008

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

22/04

25° - 27°

Mưa

23/04

24° - 26°

Mưa

24/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground