Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghề dệt chiếu làng Lâm Xuân

 

1. Đôi nét về điều kiện tự nhiên - xã hội

Lâm Xuân là một làng nông nghiệp, thuộc địa phận xã Gio Mai, ở về phía đông huyện Gio Linh; hiện nằm giữa hai con đường 14 và xuyên Á chạy từ Quốc lộ 1A về bờ Bắc cảng Cửa Việt. Phía Đông làng giáp thôn Nhĩ Hạ, phía Tây giáp triền cát trắng (gọi là bãi cát Hau Hau tiếp giáp xã Gio Quang); phía Nam giáp làng Mai Xá Chánh và Mai Xá Thị, xã Gio Mai và phía Bắc giáp làng Tân Minh xã Gio Thành. Hiện Lâm Xuân có diện tích tự nhiên gần 600 ha, trong đó diện tích trồng lúa là 193 ha, diện tích trồng màu là 30 ha. Cả thôn gồm 278 hộ, 1.280 nhân khẩu, lực lượng lao động chính là 350 người.

Theo các cụ cao niên trong làng cho biết: xưa kia đây là vùng đất hoang hóa, rừng thưa; phần lớn là đồng đất lầy lội, chua mặn thích hợp cho việc phát triển cây năn, cây cói. Cũng như rất nhiều làng xã cổ ở Quảng Trị, do phải kinh qua nhiều biến động về lịch sử như chiến tranh, ly tán, sự bào mòn của thời gian nên khó có thể tìm thấy được nhiều tư liệu thành văn để minh chứng một cách rõ ràng và đầy đủ về quá trình hình thành làng xã ở nơi đây. Những năm chiến tranh chống Mỹ, Lâm Xuân là một trong những làng nằm trong vành đai tàn phá khốc liệt của kẻ thù, xóm làng bị chà đi xát lại nhiều lần, chúng đốt phá và san bằng tất cả những gì tồn tại trên mặt đất và cả trong lòng đất; do vậy, để xác định một cách chính xác Lâm Xuân được hình thành như thế nào và từ bao giờ dựa vào thư tịch xưa là một công việc khó khăn và khó có thể thực hiện một cách trọn vẹn. Song, từ các nguồn tư liệu còn có được ở Lâm Xuân như gia phả của một vài dòng họ và nhất là tư liệu hồi cố cho phép chúng ta khái quát được đôi nét về sự hình thành và phát triển của Lâm Xuân trên bước đường cộng cư lập nghiệp.

Lâm Xuân là một trong những làng được hình thành khá sớm theo dòng lịch sử khai phá mảnh đất Đàng Trong của các triều đại Phong kiến Đại Việt. Văn bia do dân làng dựng vào năm 1957 ở miếu hai ngài khai khẩn của làng có ghi:

"Bát bách di niên từ Bắc chí

Hậu Lê Hồng Thuận, dĩ sắc phong

Dực Bảo trung hưng tiền khai khẩn

Lâm Xuân kiến ấp thị lập công

Thế thế lưu truyền thừa kế tự

Tâm tâm tụng niệm bán tiên ân

Cổ kim tu tạo tầm sao lục

Tỷ sắc thiên thu vĩnh tôn hằng”.

Theo nội dung đó thì làng được hình thành cách nay đã 600 năm, và được sắc phong vào thời nhà Lê. Tổ tiên từ miền Bắc vào. Như vậy, sự xuất hiện làng Lâm Xuân ứng với những đợt di dân về phía Nam dưới thời Trần - Hồ (thế kỷ XIV - XV).

Dựa vào gia phả của các dòng họ sinh sống từ rất lâu đời trên mảnh đất Lâm Xuân, cũng như văn tế hàng năm của làng thì được biết: Thủy tổ Khai khẩn mảnh đất này là hai tộc họ Nguyễn và họ Tạ. Dưới triều Nguyễn, hai người khai khẩn được nhà nước sắc phong là Nhị vị Tiền khai Nguyễn Đại Lang và Tạ Đại Lang. Hai ông là người Nghệ Tĩnh đi theo đoàn người di dân và dừng chân ở lại nơi đây lập nghiệp. Theo ông Tạ Di, Trưởng họ Tạ thì theo thứ tự được ghi ở gia phả lớp con cháu của ông hiện tại cũng đã qua trên hai mươi đời. Như vậy, họ tộc của ông cũng đã có mặt trên mảnh đất này cách đây 500 - 600 năm.

Không rõ tên Lâm Xuân có từ lúc nào, qua quá trình lịch sử có thay đổi tên gọi của làng hay không, theo như các cụ cho biết, Lâm Xuân còn có tên là Lâm Cùng? Lần theo các thư tịch cổ như "Ô Châu cận lục" thì từ năm 1306 đến 1555 ở Vĩnh Linh và Gio Linh có 65 làng cổ, trong đó có tên làng Lâm Cùng. Và đến "Phủ Biên tạp lục" thì ghi rõ địa danh Lâm Xuân thuộc tổng An Xá, huyện Minh Linh. Phải chăng tên gọi Lâm Cùng chính là tên gọi của làng Lâm Xuân ngày trước? Điều này cũng chưa có đủ căn cứ khoa học để khẳng định một cách chắc chắn và trong phạm vi nghiên cứu của đề tài chúng tôi chưa có dịp đi sâu tìm hiểu, để có một kết luận khả dĩ chấp nhận được. Dẫu sao với những tư liệu ít ỏi và có phần còn khập khiểng trên đây, cho phép chúng ta có những hiểu biết ban đầu về quá khứ hình thành và phát triển làng Lâm Xuân trong tiến trình phát triển chung của các làng xã Quảng Trị. Có thể khẳng định rằng Lâm Xuân là một trong những làng được thành lập từ rất sớm ở vùng đất này. Hiện tại, Lâm Xuân có trên 20 họ tộc, con cháu trong làng, trong họ đều đoàn kết gắn bó, tự hào với truyền thống quê hương, tôn kính phụng thờ những người có công lập làng giữ nước, cùng nhau chung lưng đấu cật xây dựng làng quê ngày một đẹp giàu no ấm.

2. Qui trình dệt chiếu

Nguyên liệu dùng để dệt chiếu là cây cói (cây lác). Đặc điểm ở đây khá thích hợp cho cây cói phát triển. Vùng đất lầy lội nằm ở hai bên bờ sông Cánh Hòm về phía Đông và Bắc làng cùng với các triền đất nhiễm mặn ở các xã thôn lân cận như Cẩm Phổ, Trung Hải là những cánh đồng cói rất phát triển. Cói là loại cây thích hợp với loại đất có độ chua phèn và nước lợ. Ngày trước, đây là những vùng đất hoang hóa, lầy lội không thể trồng lúa nước hoặc các cây lương thực khác vì độ chua mặn cao. Nhân dân Lâm Xuân cùng với các thôn xã khác trong vùng khai phá để trồng cói; diện tích đất trồng có lúc lên đến hàng trăm ha để lấy nguyên liệu làm chiếu.

Cói là một loại cây có thân mềm, mọc dày san sát nhau, thân cao khoảng 1,7 - 2 mét. Thời gian sinh trưởng nhanh kể từ lúc trồng mới  cho đến vụ thu hoạch đầu tiên khoảng hơn một năm. Khi thu hoạch, nhân dân dùng liềm cắt, chất đầy các thuyền đưa về nhà làm nguyên liệu dệt. Từng hộ gia đình tập trung nhân lực, không kể già trẻ gái trai tiến hành chọn cói, rủ bỏ các cây thấp nhỏ, mục úa, chọn lựa những cây tốt để đưa vào sử dụng. Cây cói được chẻ nhỏ thành các sợi, những cây to thì vứt bỏ ruột rồi đưa ra phơi nắng. Thời gian phơi nắng từ 4 đến 5 ngày, phơi càng được nắng sợi cói càng có độ bền và màu càng trắng đẹp. Để chóng khô, người ta thường buộc cói thành những túm nhỏ rồi trải ra phơi theo kiểu hình những chiếc quạt. Trong quá trình phơi, phải tuyệt đối không để ẩm ướt, chống sương nhằm chống mốc và mục nát về sau; vì thế, hàng ngày thường được đưa phơi khi ánh nắng đã lên cao, đến khoảng giữa chiều lại phải đưa về nhà. Sau 4 - 5 ngày phơi nắng, khi thấy cói đạt đến độ khô nhất định thì đưa vào cất giữ ở những gian cao trong nhà - những nơi có vị trí thông thoáng; trong quá trình ấy cũng phải đảm bảo cho sợi cói khô ráo, chống ẩm mốc để đưa ra sử dụng dần trong năm. Thời gian thu hoạch cói thường vào những mùa nam nóng tức là từ tháng sáu đến tháng mười. Đồng cói sau khi thu hoạch xong phải làm vệ sinh bằng cách cào bỏ các rều rác, nhổ cỏ và bón thêm ít phân đạm, phân lân. Và cứ thế đến mùa sau lại thu hoạch, mỗi năm thu hai đợt, với chu kỳ khoảng 5 - 6 năm thì cày bỏ hoàn toàn cây cói cũ để trồng mới nhằm chống sự lão hóa, cằn cỗi của giống.

Nguyên liệu thứ hai dùng trong dệt chiếu là cây đay hoặc cây trinh (tiếng địa phương gọi là cây rẹc), nhưng phổ biến là vỏ cây đay. Đây là cây thảo mộc lớn sống ở rừng. Trước đây, người dân Lâm Xuân thường vào rừng Linh Thượng, Bãi Hà miền Tây Vĩnh Linh, Gio Linh để tước vỏ cây này làm nguyên liệu, hoặc có thể mua của đồng bào dân tộc thường bán ở các chợ vùng cao. Vỏ cây đay được cấu thành hai lớp. Đây là một thứ vỏ cây có độ dẻo và rất bền. Người ta vứt bỏ lớp ngoài chỉ sử dụng lớp trong rồi đem xé thành các sợi dọc nhỏ, phơi khô và xe tròn. Trong quá trình dệt, người ta dùng nó để tạo các đường sân của chiếu.

Dụng cụ dệt cũng hết sức thô sơ và đơn giản. Trong các gia đình làm nghề dệt thường dành một gian nhà nhỏ để đóng khung dệt (hay còn gọi là dường dệt). Tùy theo gia đình, nếu ít lao động thì dùng một dường, nếu nhiều thì hai ba dường dệt. Dường dệt chiếu gồm nhiều bộ phận, thường mỗi khi dệt mới lắp lên còn không thì tháo rời xếp vào bên trong góc nhà. Dường dệt chiếu Lâm Xuân từ xưa đến nay vẫn là dường dệt chiếu cổ truyền, hầu như chưa được cải tiến. Nó đơn giản, dễ làm và chất liệu toàn làm bằng tre gỗ. Được cấu tạo gồm tám bộ phận chính và mỗi bộ phận có một chức năng riêng.

+ Neo khung: gồm 4 cọc tre được đóng sâu xuống nền nhà, để nổi trên mặt đất khoảng 0,4m gồm hai cọc trước và hai cọc sau dùng để neo khung dệt cho phẳng.

+ Đòn tran: (hay còn gọi là đòn dông) dùng để buộc căng phía bên này đường sân đay của chiếu.

+ Ruội: dùng để trói sợi dây đay phía bên kia của chiếu.

+ Nêm: dùng đóng vào cọc gần đòn tran làm cho đường sân đay căng lên.

+ Khuôn go: là một khung gỗ, được kết cấu thành nhiều thanh gỗ, hình chiếc thước dài, rộng khoảng 10 cm, dày khoảng 3 cm, khuôn go có độ dài ở trong lòng  bằng độ dài của chiếu cần dệt (1 mét, 1,4 mét, 1,6 mét). Trên thanh gỗ ấy đục hàng lỗ nhỏ, cách nhau 4cm, đan xen những hàng rãnh song song với cạnh ngang tạo thành các răng go. Thường là có 58 răng go tương ứng vớ 58 lỗ. Sợi đay se được luồn qua các lỗ và rãnh săng go tạo ra hàng sợi dọc rất đều nhau (đường sân đay của chiếu). Khuôn go là bộ phận quan trọng nhất của khung dệt, nhờ khuôn go mà người ta mở đường sân để đan sợi cói vào và dập thành lá chiếu.

+ Ngựa gỗ (hay còn gọi con đỡ): đặt phía trước khuôn go để mở đường sân đay lên cho dễ dệt.

+ Ghế dài bằng gỗ dùng kê dưới lá chiếu cho thợ ngồi dệt và làm cho lá chiếu (chiếc chiếu) dệt ra không bị chùng.

Khi đã mắc sợi dọc (sân đay) lên khung thì tiến hành dệt từng sợi ngang (sợi cói). Khi dệt một chiếc chiếu, tối thiểu phải có hai người thợ. Một người thoi cói vào khuôn go để dệt nên lá chiếu. Nếu chăm chỉ một ngày hai người thợ có thể dệt được từ 3 đến 4 lá chiếu tùy theo khổ chiếu rộng hoặc hẹp.

Công đoạn cuối cùng là bắt biên. Sau khi đã dệt nên lá chiếu, người thợ dệt tết các đầu sợi cói lại và ghim các đầu sợi đay tạo đầu chiếu thẳng và chặt chẽ rồi dùng kéo cắt mép sợi cói thật đều. Để ghim sợi dọc, thường dùng ghim gỗ, cấu tạo như cây kim có lỗ để xâu sợi đay se, để tết đầu sợi cói. Bắt biên khéo thì chiếu không sổ đầu (các múi không bung ra) góp phần tạo cho lá chiếu vừa bền vừa đẹp.

 Chiếu của Lâm Xuân từ xưa đến nay đều không có hoa văn, không nhuộm màu. Màu của chiếu chính là màu nguyên thủy của cói. Vậy nên cói phơi càng được nắng và giữ gìn cẩn thận thì màu của chiếu càng trắng đẹp. Chiếu Lâm Xuân thường có hai loại phổ biến là loại khổ 1 mét và khổ 1,6 mét. Chiếu mới dệt có mùi thơm dễ chịu dùng lâu chiếu ngã màu vàng, trơn nhẵn có độ mịn vừa phải, dễ giặt và thoát nước nhanh nên cũng rất chóng khô. Chiếu dệt xong muốn cho phẳng phải đem đập, rũ và trải lên giường ít hôm mới đưa đi trao đổi mua bán. Chính vì chiếu Lâm Xuân có độ bền chắc nên một thời đã nổi tiếng khắp vùng: "Năm 1681 chúa Hiền Vương đã quyết định cho đào kênh Mai Xá đến Nhĩ Hạ do ngoại Hữu Hoàng Lễ trông coi hai bên bờ kênh, tương truyền người ta căng những chiếc chiếu Lâm Xuân để che mưa nắng và nghỉ ngơi. Sau nhiều tháng chiếu vẫn trắng tinh, bền đẹp”*.

Ngày trước, những gia đình dệt chiếu ở Lâm Xuân ai ai cũng thạo nghề. Không kể ngày nắng hay mưa, buổi trưa hay buổi tối, bất cứ lúc nào có thời gian nhàn rỗi thì tận dụng hết cho công việc dệt chiếu. Công việc dệt chiếu được tiến hành từ khâu đầu đến khâu cuối ngay trong một gia đình. Trẻ con xe sợi đay, ông bà già lựa chọn cói, thanh niên phụ nữ thì ngồi dệt.

Trước đây, ở Lâm Xuân có trên 2/3 số hộ trong làng làm nghề dệt. Cả làng có hơn 100 khung dệt. Hàng ngày xuất ra hơn 300 chiếc chiếu các khổ để đưa đi tiêu thụ các nơi. Chiếu Lâm Xuân ra đến Quảng Bình vào Hải Lăng lên đến các chợ vùng cao, nhất là chợ Phiên Cam Lộ để từ đây đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đưa về các bản làng của mình. Ngoài việc bán buôn ở các chợ làng, chợ tổng, người ta có thể mang đi trao đổi các sản phẩm hàng hóa khác phục vụ cho tiêu dùng ở khắp các làng quê trong vùng. Thông thường một đôi chiếu khổ 1,6 mét được tính giá tương đương bằng hai thúng thóc. Nếu tính thời điểm hiện nay khoảng 30.000 đồng. Mỗi ngày dệt được hai đôi chiếu, trừ các chi phí nguyên liệu thì lãi được hơn thúng thóc (khoảng 15 kg thóc). Ngày trước, tuy số hộ làm nghề dệt chiếu trong làng khá đông, song, Lâm Xuân vẫn là một làng sản xuất chủ yếu dựa vào nông nghiệp trồng lúa và hoa màu. Nhưng do điều kiện đất đai bạc màu, diện tích trồng lúa ít, công tác dẫn  thủy cho đồng ruộng khó khăn nên thu hoạch từ nông nghiệp cũng rất thấp. Chính vì vậy, nghề dệt đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể cho mỗi gia đình. Tuy không giàu có lắm từ nghề dệt nhưng nó cũng đảm bảo được cuộc sống ổn định cho dân làng ở nơi đây.

Ngày nay, trước cơn lốc của kinh tế hàng hóa, cùng với nhiều mặt hàng hóa khác trên thị trường, hàng chiếu cũng đầy rẫy, phong phú về thể loại: chiếu cói, chiếu sáo, chiếu nhựa v.v... màu sắc và hoa văn đẹp. Trên khắp các chợ phố, chợ làng đâu đâu cũng có hàng chiếu, người bán chiếu, nên nghề chiếu cổ truyền ở Lâm Xuân không có điều kiện để cạnh tranh. Lâm Xuân bây giờ vẫn còn rải rác đôi ba hộ dệt chiếu và chủ yếu là tận dụng nguyên liệu sẵn có của tự nhiên, nhất là đồng cói ở quanh làng (dĩ nhiên diện tích ngày nay bị thu hẹp lại rất nhiều) để sản xuất đôi chiếu phục vụ cho nhu cầu sử dụng của gia đình chứ không trao đổi đưa đi buôn bán như ngày trước. Rất nhiều hộ gác khuôn dệt, cất giữ như một kỷ vật đã từng gắn bó với gia đình, với đời sống qua hàng trăm năm. Đầu tư để khôi phục, củng cố mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm để nghề chiếu Lâm Xuân phát triển trở lại thích ứng với thị trường hiện nay vẫn là những trăn trở, những ước nguyện luôn sống động trong tâm thức của mỗi người dân làm nghề dệt chiếu ở Lâm Xuân hôm nay. 

L.Đ.H

______________

(*) Dẫn theo: Thái Thụy. Đâu rồi những nghề truyền thống. Báo Quảng Trị số Xuân GiápTuất 1994.

 

Lê Đình Hào
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 87 tháng 12/2001

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

8 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

9 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground