Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 25/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người mẹ vá cờ ngày ấy đang được đề nghị truy tặng danh hiệu anh hùng

Đ

ó là mẹ Ngô Thị Diệm làng Hiền Lương xã Vĩnh Thành (Vĩnh Linh - Quảng Trị). một ngôi làng nhỏ nên thơ, khiêm nhường bên chiếc cầu Hiền Lương lịch sử bắc qua dòng sông lịch sử. Dòng sông không chỉ chảy vào lòng đất nước mà còn chảy giữa trái tim nhân loại.

Chồng mẹ, ông Lê Công Hồi chiến sỹ vệ quốc quân, năm 1949 vĩnh viễn ra đi sau một trận sốt rét ác tính.

Một nách hai con thơ, cảnh giặc giả loạn lạc, biết bao hiểm nguy, gian khổ, thiếu thốn đè nặng lên đôi vai gầy của người thiếu phụ goá bụa. Nhưng mẹ vẫn ở vậy thờ chồng nuôi con. Mặc dù không ít người đàn ông đứng đắn đến ngõ lời cầu hôn mẹ.

Cuộc kháng chiến chống Pháp ngày càng quyết liệt, làng Hiền Lương lại là vùng tạm chiếm, Đồn Võ Xá của địch bên kia cầu chỉ cách làng chưa đầy 400m. Song, dù địch cố lập tề, hết mua chuộc, dụ dỗ, đến đàn áp khủng bố, nhưng lòng người dân Hiền Lương trước sau vẫn hướng về Cách mạng, về Đảng và Bác Hồ. Làng chỉ có 78 hộ dân, mà có đến 27 thanh niên trai tráng tòng quân nhập ngũ và nhiều người vĩnh viễn nằm lại ở các chiến trường. Số ở lại người thì thoát ly lên chiến khu kháng Pháp, người tham gia các tổ chức bí mật nằm vùng, sẵn sàng làm nội ứng cho bộ đội du kích, hoặc ban đêm lén đặt mìn, lựu đạn trên các ngã đường mà xe cơ giới và bộ binh địch có thể đi qua.

Mẹ Diệm ngày ngày lưng cõng con, tay cắt cỏ, trồng khoai, cấy lúa...Nhưng mắt vẫn luôn quan sát mọi động tĩnh của địch để mật báo cho bộ đội du kích những tin tức cần thiết. Và cùng các mẹ, các chị trong Hội mẹ chiến sỹ tìm mua thuốc men, lạc quyên tiền gạo, thực phẩm gủi lên chiến khu.

Tháng 8/1950 trong một trận tập kích đồn Võ Xá, khi rút lui, một đồng chí địa phương bị đạn vào chân, tuy vết thương không nặng nhưng phải có hai đồng đội xóc nách hai bên, đồng chí đó mới nhảy lò cò từng bước theo đơn vị. Mà địch đang đuổi riết phía sau, trời lại sắp sáng. Được tin cấp báo, nhanh như cắt, mẹ lao ra dìu đồng chí bộ đội bị thương vào nhà, rồi đóng sập cửa và ra hiệu cho đơn vị yên tâm rút khỏi vòng vây địch. Suốt cả ngày và tối hôm sau, mẹ cùng các đồng chí trong tổ bí mật băng bó, thuốc thang ăn uống cho đồng chí bộ đội, rồi mới tìm cách đưa đồng chí đó ra khỏi vùng tự do về với đơn vị.

Chống Pháp kết thúc, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền. Sông Bến Hải chảy giữa hai làng Võ Xá bên kia, Hiền Lương bên này trở thành dòng sông tuyến. Làng Hiền Lương trở thành làng giới tuyến, thuộc khu phi quân sự Bắc. Năm 1956 làng Hiền Lương là một trong số những đơn vị đầu tiên của Vĩnh Linh xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Do vị trí lịch sử đặc biệt lúc bấy giờ mà Vĩnh Linh nói chung, làng Hiền Lương nói riêng được TW chọn làm điểm xây dựng thành làng kiểu mẫu của miền Bắc XHCH; có sức thu hút cổ vũ đồng bào đồng chí miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Mẹ Diệm cùng cán bộ xã viên HTX ngày càng say sưa lao vào công việc đồng áng, đêm về học bổ túc văn hoá, luyện tập văn nghệ và tuần tra canh gác, ngăn chặn mọi âm mưu tung gián điệp, biệt kích của địch qua bờ Bắc phá hoại. Là uỷ viên Ban chấp hành Phụ nữ xã, rồi Hội đồng nhân dân xã, mẹ luôn gương mẫu đi đầu trong mọi mặt sản xuất công tác.

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh không ngừng của cách mạng miền Nam và sự chi viện đắc lực kịp thời sức người sức của từ hậu phương lớn, ngày 5/8/1964 Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc thì Vĩnh Linh trở thành mục tiêu huỷ diệt, hòng chắn đứng mọi sự chi viện từ miền Bắc vào cho cách mạng miền Nam. Chiều 8/2/1965 chúng dội bom thị trấn Hồ Xá, thì không lâu sau, làng Hiền Lương cũng bị đánh phá dữ dội và liên tục. ngay trận đầu tiên 4/6/1965, bốn gia đình với 18 người già trẻ, lớn bé đã bị bom Mỹ sát hại. Khẩu hiệu lúc này là "Tay cày, tay súng, giặc đến chiến đấu, giặc đi sản xuất" mẹ Diệm cùng trung đội dân quân tăng cường của làng và các mẹ các chị trong Hội mẹ chiến sỹ ngoan cường bám trụ, vừa sản xuất vừa chiến đấu, sát cánh cùng cán bộ chiến sỹ công an vũ trang đồn trạm Hiền Lương trấn giữ mảnh đất tiền tiêu miền Bắc XHCH, trong đó có lá cờ Tổ quốc trên bầu trời đầu cầu giới tuyến.

Mẹ và các nữ dân quân đảm trách việc cơm nước, giặt giũ và chăm sóc vết thương cho lực lượng bám trụ. Sau khi đồn trạm Hiền Lương bị bom đạn Mỹ phá huỷ, các đồng chí công an sơ tán vào ăn ở, chiến đấu và sinh hoạt cùng với cán bộ và dân làng. Mẹ Diệm nhường hẵn hai gian nhà của mình cho các đồng chí công an. Nhà mẹ trở thành nơi hội họp của Ban chỉ huy đồn trạm từ đó. Khi cường độ đánh phá của địch ngày một tăng, mẹ tháo dỡ ngôi nhà, lấy gỗ làm hầm dùng chung cho cả công an, bộ đội, dân quân du kích.

Tháng 6/1966, Mỹ nguỵ xúc dân các xã Nam tuyến vào Tân Tường, Quán Ngang lập ấp chiến lược và đánh phá dữ dội Vĩnh Linh nói chung, làng Hiền Lương nói riêng nhằm "Bạch hoá khu phi quân sự" ngăn chặn triệt để mọi sự chi viện của ta từ miền Bắc vào. Bất  chấp mọi hiểm nguy, mẹ cùng chị em nấu cơm nắm, nước uống len lõi giữa các chiến hào mang ra trận địa trực chiến cho dân quân, công an. Sau khi sập cầu Hiền Lương, Mỹ tập trung bọm đạn vào khu vực cột cờ, 11 lần cột cờ bị gãy, 11 lần ta dựng lên, lá cờ bị đạn xé, lập tức được vá lành. Tuy nhiên việc vá cờ không phải dễ. Vì cờ rộng, lúc đầu trên 100m2, cột sắt cao trên 20m. Sau thay bằng cột bạch đàn, phi lao thì cờ cũng rộng trên dưới 4m2. Mỗi lần cờ rách, các chiến sỹ công an phải thay nhau đạp xe lên xã Vĩnh Nam, cách Hiền Lương gần 15km, mới có bàn máy  để vá. Đây là quảng đường cực kỳ nguy hiểm, nhất là đoạn quốc lộ 1A 10km đi qua giữa cánh đồng từ Hiền Lương đến ngã ba Châu Thị, máy bay địch ập đến rất khó ẩn nấp vì địa hình trống trãi. Pháo địch từ Cồn Tiên - Dốc Miếu cũng dễ dàng phát hiện, hễ thấy bóng người hoặc bất cứ vật di động nào là câu pháo bắn ra ngay. Không ít bộ đội, dân quân du kích và đồng bào ta đã thương vong trên đoạn đường này.

Thấy các anh công an quá vất vả, nguy hiểm, mẹ mới trực tiếp đề xuất với đồng chí chỉ huy: "Cứ để cờ đó mẹ vá cho, việc này mẹ làm được và vừa sức mẹ".

Mẹ Diệm thuộc diện sơ tám ra huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cùng với các mẹ, các chị trong số già yếu mất sức, có con mọn. Song mẹ kiên quyết xin được ở lại, được đóng góp chút công sức nhỏ bé vào cuộc chiến đấu. Mẹ nêu lý do chỉ có một thân một mình, hai con mẹ là chị Nguyệt và anh Soà đã được Đảng và Nhà nước cho ra ăn học ở các tỉnh phía Bắc rồi.

Thế là từ đó, đêm đêm trong tiếng gầm rít của máy bay và đại bác địch, dưới các căn hầm chữ A, hầm rọ, bên ánh đèn dầu phòng không le lói, mẹ căng mắt lần từng đường kim mũi chỉ, chắp nối, vá lành những lỗ thủng, chỗ rách trên lá cờ. Để sáng nào, ngày nào ngọn cờ Tổ quốc - hồn thiêng sông núi cũng hùng dũng tung bay trên bầu trời bờ bắc sông Bến Hải, cổ vũ đồng bào đồng chí hai miền xông lên chiến đấu, chiến thắng quân thù.

Ngoài mẹ Ngô Thị Diệm, làng Hiền Lương còn có các mẹ Trần Thị Viển, Hoàng Thị Tuất, Cao Thị Nghỉ... cũng có công lớn tiếp sức cho mẹ Diệm vá cờ. Xong mẹ Diệm là người khởi xướng, người có đường kim mũi chỉ đẹp nhất và vá được nhiều cờ nhất.

Tính chung trong ba năm từ 1966 - 1969 mẹ Diệm đã vá hàng ngàn mét vuông cờ bị bom đạn và gió làm rách, thủng, bằng đôi tay gầy guộc, chai sạn của mình. Không chỉ đặc biệt xuất sắc trong thành tích vá cờ mẹ Diệm còn là tấm gương sáng về tinh thần giúp đỡ cách mạng, phục vụ thương binh và cảnh giác phát hiện bắt kẻ gian. Chỉ tính trong chống Mỹ, mẹ đã hiến toàn bộ ngôi nhà gỗ mít cho đồn trạm Hiền Lương làm trụ sở chỉ huy cùng hàng trăm cân lương thực, thực phẩm cho lực lượng trực chiến. Có chín đồng chí từ bộ đội đến công an vũ trang và dân quân du kích bị thương, được mẹ cưu mang chăm sóc. Hiện ở thị trấn Hồ Xá có đồng chí Trần Văn Sáng nguyên là chiến sỹ công an dồn trạm Hiền Lương bị thương trong một trấn chiến bảo vệ cờ, đã được mẹ chăm sóc giờ vẫn khoẻ mạnh.

Còn về tinh thần cảnh giác thì trong một lần giặt quần áo cho các chiến sỹ công an ở nhánh sông Sa Lung, mẹ đã khôn khéo lừa được một giả danh cán bộ nói giọng bắc hỏi đường đến bờ sông Bến Hải. Mẹ đưa hắn ta về lán tập thể nơi thường xuyên có các đồng chí công an đồn trạm Hiền Lương. Tại đây kẻ giả danh đã lộ nguyên hình là tên gián điệp lợi hại của Mỹ nguỵ, đang tìm đường vào Nam sau khi đã thu thập được nhiều tin tức tình báo có giá trị. Chiến công của mẹ đã tránh cho ta những tổn thất chắc chắn không nhỏ nếu như tên gián điệp thực hiện trót lọt cuộc hành trình. Tên mẹ và những chiến công của mẹ đã trở thành niềm tự hào, sự ngưỡng mộ của cả nước, đã đi vào lịch sử Đảng bộ, lịch sử chiến đấu xây dựng trưởng thành của lực lượng vũ trang Vĩnh Linh 1930 - 1975. Chính mẹ cũng là nhân vật điển hình, là nguồn cảm hứng sáng tạo vô bờ bến cho văn nghệ sỹ từ địa phương đến TW trực tiếp miêu tả.

Tiếc rằng mẹ không sống đến ngày hôm nay để thấy hết cảnh đổi thay của quê hương đất nước. Cuộc đời mẹ là một chuỗi ngày cơ cực. Hết chống Pháp, chống Mỹ đến những năm kẻ thù bao vây cấm vận cùng những ấu trỉ yếu kém chủ quan của ta trong xây dựng kinh tế thời bao cấp sau chiến tranh, làng Hiền Lương của mẹ cũng như cả huyện, cả tỉnh, cả nước lúc bấy giờ thường xuyên thiếu từ cái mặc, cái ăn đến mọi nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Đến khi đất nước đổi mới và phát triển thì mẹ đã ở tuổi xưa nay hiếm, quỹ thời gian như đĩa dầu sắp cạn. Năm 1992 mẹ đã ra đi thanh thản sau một trận ốm chỉ có mấy ngày.

Cảm phục trước tinh thần thi đua yêu nước được thể hiện qua nhiều hành động cách mạng thiết thực mà tiêu biểu nhất là mẹ đã dũng cảm miệt mài vá cờ Tổ quốc nhiều năm liền dưới tầm bom pháo địch, Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ xã Vĩnh Thành đã làm các thủ tục đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Chủ tịch nước xét truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho mẹ trong cuộc chống Mỹ cứu nước.

Ở cõi vĩnh hằng chắc mẹ Ngô Thị Diệm sẽ mỉm cười mãn nguyện trước sự đổi thay như có phép màu của đất nước và quê hương. Hai con mẹ, chị Lê Thị Nguyệt giáo viên vừa nghỉ hưu, anh Lê Công Soà chưa kịp chào đời đã mồ côi bố thì nay là đại tá quân đội đang tại ngũ, các cháu nội ngoại của mẹ đều học hành tiến bộ giỏi giang. Những thế hệ hôm nay và mai sau của làng Hiền Lương quê mẹ cũng như nhiều làng quê khác trong cả tỉnh cả nước đều không quên những người có công trạng đặc biệt như mẹ.

V.T

 

Văn Tuyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 157 tháng 10/2007

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

26/04

25° - 27°

Mưa

27/04

24° - 26°

Mưa

28/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground