Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhật ký lửa

Phần 1: Thử sức

Ngày 25.1.1971

30 Tết. Tết ở chiến trường đối với cánh lính thông tin thật là buồn. Suốt ngày theo trinh sát của sư đoàn. Luôn ở trong hoàn cảnh đơn độc, nguy hiểm. Tiểu đoàn 18 thông tin của mình vừa từ Bắc vào chiến trường Quảng Trị. Sư 308 từ lâu là niềm kiêu hãnh của bọn mình dù ở bất kỳ chiến trường nào. Tổ thông tin hầu như vẫn nguyên vẹn từ hồi 1968, chốt trên điểm cao Ho Lé, làng Vây - Khe Sanh đến giờ. Không sứt mẻ, không mất thằng nào, tổ trưởng Thế, người Thái Bình. Lý quê đồng hương Phú Thọ với mình. Buổi sáng, mình và lý đi lấy gạo. Thế ở nhà chờ cánh trinh sát công binh đi mở đường. Mấy cha hậu cần cẩn thận quá, kho lán xa cả mấy cây số. Mình đếm được mười mấy cái dốc. Còng lưng cõng ba lô gạo. Leo dốc mệt đứt hơi. Cả tuần nay ăn lương khô, bụng cứ sắt lại. Đến đỉnh dốc thứ bảy, mình không leo được nữa, đặt phịch ba lô xuống gốc cây cạnh đường, nằm thở dốc. Lý hỏi: "Đói à?" Mình chẳng buồn trả lời, gật đầu. Thấy Lý thọc tay vào ba lô, vốc một nắm gạo ăn ngon lành. Mình cũng bắt chước làm theo. Ngon quá. Bột gạo tan trong miệng ngọt như sữa. Một vốc nữa. Rồi lại vốc nữa. Cái bụng hình như bớt xì xèo. Lý ngăn mình: "Ăn ít thôi. Tào Tháo nó đuổi thì khốn nạn. Tết đến nơi rồi!".

Chiều có hàng Tết đưa đến tận chốt. Hoan hô cánh hậu cần! Các cậu khá thật đấy. Lý cười toang tóc: "Biết điều đấy các tướng ạ. Tưởng bỏ quên cánh thông tin. Địch nó mò lên, ông không báo về thì mất Tết". Thế nghiêm nét mặt: "Đồng chí Lý không được phát ngôn bừa bãi". "Rõ. Hôm nay bố hâm thế!". Mỗi người được phát hai bánh chưng, cũng có "thả lợn vào trong" tử tế. Ba lạng kẹo Hải Châu. Một hộp thuốc đánh răng Ngọc Lan. Một bánh xà phòng đen trùi trũi như thuốc nổ. Đã nhất là thuốc hút, mỗi thằng bảy bao Tam Đảo, sướng nhé! Giao thừa tha hồ đốt. Nhưng đến nửa đêm thì đứa nào cũng nhớ nhà, cả mấy đứa đều đã ba tết xa gia đình rồi. Ba chàng lính trẻ ngồi quanh bếp lửa. Lắng nghe rừng hoang vu. Ba cái đầu gửi tần số về ba nơi khác nhau. Đến khi ba chiếc kim đồng hồn PONJOT của mình chập vào con số 12. Mình gõ phèng phèng mấy tiếng vào cái vung nồi quân dụng, hô: "Giao thừa! Giao thừa…!" Lý đang ngồi im lặng, chợt vùng dậy chụp lấy khẩu AK. Mình kéo tay hắn lại: "Đừng làm ẩu!" Khóa khẩu súng lại, Lý phàn nàn: "Gần địch quá! Không tao bắn một băng đón giao thừa". Giao thừa. Hau tiếng quá đỗi quen thuộc, thiêng liêng. Vậy mà giữa cái rốn bom đạn này, nó bị chiến tranh nuốt chửng, không một chút hương trầm, không tiếng pháo nổ mừng xuân. Ở nhà giờ này chắc mẹ đã bưng mâm cúng lên nhà. Bố chuẩn bị khăn xếp, áo dài thắp hương tất niên. Tự nhiên, thấy cay xòe khóe mắt.

Ngày 3.2.1971

Điểm xuất kích hôm nay là đồi Thám báo, cái tên nghe cứ rờn rợn. Tám giờ lên đường. Tất cả đều thật gọn nhẹ, để vận động và rút lui. Nói là gọn, nhưng riêng cái máy vô tuyến 105D của mình cũng nặng 20 kg rồi. Lại còn angten, cuộn dây định hướng dài 40 mét trong cái túi phụ tùng. Lý đèo ba lô gạo, lương khô và khẩu súng AK. Kèm theo hai cặp ắc quy dự phòng nặng hơn 10kg. Thế là lủng củng cuốc xẻng, cái nồi nấu cơm và 6 quả lựu đạn.

Gần đến Tà-púc, phải dừng lại mất một tiếng vì phía địch cho máy bay ném bom dữ quá. Loay hoay chạy núp mãi, 14 giờ mới đến vị trí. 16 giờ đào xong hầm. Có tín hiệu máy, mình chụp cáp lên tai nghe: "A lô! OI xin nghe!" Có lệnh của tiểu đoàn. Mình buông cáp nghe, miệng văng tục: "Mẹ khỉ! Lại chuyển!" Lý và Thế đang nằm nghỉ vùng dậy hỏi: "Đi đâu nữa?". "Tiểu đoàn lệnh chuyển đài quan sát về phía Hướng Hóa". Thế là lục tục đi tiếp. Địa điểm mới cao hơn, nhưng giữa đêm chúng mình không nhìn thấy gì. Tiếp tục đào hầm. Gần sáng thì xong. Mệt nhoài. Cha mẹ ơi! Tiếng của đứa nào kêu thế? Không buồn nhai lương khô, mình làm một ngụm nước rồi lăn ra ngủ.

"Dậy đi! Dậy đi! Địch kia kìa!" Tiếng của tổ trưởng Thế lôi cả bọn vùng dậy. Theo thói quen, tay quờ tìm vũ khí và khí tài. Nhưng Thế chỉ rung cây dọa khỉ với chúng tôi mà thôi. Bọn địch còn xa. Nhìn qua ống nhòm chúng lố nhố cách đài gần chừng một km. Bọn chúng đang hối hả sửa lại đoạn đường 9 bị pháp ta bắn hỏng. Xung quanh khu vực ấy, bọn F4 nháo nhào ném bom xuống. Lý giơ tay lên trời: "Bố thách chúng mày đấy!" Thực ra thì chúng mình đã sờ đến thắt lưng địch. Không lo bom pháo nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật. Lộ đài thì nguy hiểm. Lực lượng ít, vũ khí cũng ít. Tụi thám báo mà bao vây thì chỉ có nước…

Khi máy bay rút đi. Im ắng đến lạnh người. Lý quan sát cho hai người tranh thủ nằm nghỉ. Vắt tay lên trán mình thấy nhớ nhà. Nhớ người yêu. Cô ấy bây giờ làm gì? Hồi nghỉ phép năm ngoái, cô ấy cứ giục mình cưới. Mình từ chối. Đợi đến khi nào xong việc chinh chiến đã. Mình lo cưới rồi, sẽ khổ cả hai. Em ạ! Quanh anh giờ toàn đất đá và vết bom đạn. Nỗi nhớ em không thể giải tỏa được. Chỉ mong chiến tranh sớm kết thúc. Anh sẽ về. Chúng mình sẽ cưới nhau và sẽ đẻ một lũ con. Anh sẽ bì bõm theo bước chân trâu. Đường cày lật đất roàn roạt. Mùi bùn nồng nàn, ngai ngái… "Báo cáo! Địch đang nống ra!" Lý quay xuống báo tôi và Thế. Tôi vào máy, lôi ra quyển sổ trực chiến. Một tiểu đoàn… Hai tiểu đoàn… Ba… Bốn. Ái chà! Đông lắm. Mười bốn, mười sáu. Hai mươi tám… Chín mươi… một trăm linh bốn. Xe tăng, xe vận tải, xe kéo pháo". Lý bình tĩnh đếm từng chiếc xe một. Đây là cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch, hòng càn quét trục đường mòn Hồ Chí Minh. Sư đoàn được thông báo mấy hôm nay, và nhiệm vụ của đơn vị thông tin là theo dõi, thông báo di biến động của địch. Tin tức được chuyển về sở chỉ huy tiền phương. "Tiên sư lũ chó! Vào đông thế!" Lý không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để chửi bới. Địch chuyển quân gần hai giờ qua địa điểm tổ mình phụ trách. "Tranh thủ ăn uống gì đi. Tình hình có vẻ căng đấy!" Thế vừa dứt lời thì có tiếng pháo địch nổ xa xa. "Cứ bắn mãi đi. Chúng ông ở sát lưng chúng mày rồi". Cả ba tự nhiên phá ra cười. Tiếng cười tự bung ra như quả bóng căng hơi bị hở. Từ sự căng thẳng giữa sự sống cái chết suốt từ sáng đến giờ. Soẹt… soẹt… ục... ục… Cả ba thằng nằm chúi xuống. Mấy quả 105 ly nổ sát hầm, đất đá bay rào rào. Cả tổ chui sâu vào hầm máy. Bọn pháo binh địch sao lại nhè chỗ này mà kích nhỉ? Ục… ục. Oàng… oàng. Cây cối xung quanh đổ ầm ầm. Căn hầm nghiêng ngả. Chớp lửa nhoằng nhoằng ngoài cửa hầm. Mảnh đạn rít veo véo. Tất cả như nảy tung lên. Mình nằm sấp, hai tay bịt tai. "Phen này thì đi rồi…" Ý nghĩ ấy thoáng qua trong đầu. Hai tiếng đồng hồ cả tổ gồng mình lên chịu trận pháo kích của địch. Rồi tự nhiên im bặt. Chỉ có khói còn cuộn lên phía bên ngoài. Cái thời khắc lạ lùng bất chợt của chiến tranh. Rũ đất đứng dậy. Còn đủ cả. Chỉ nhìn nhau chứ không nghe được gì bởi tai đứa nào cũng ù đặc. Xoong nồi, quần áo đang phơi bay hết cả. Mất một dao găm, một mũ mềm, hai thùng lương khô bị bóp méo, bánh vỡ tung tóe. Phải thu dọn chuyển đài ra cách chỗ cũ khoảng 500 mét. Đói quá, mình bốc vội được mấy miếng lương khô vỡ rơi trên nền hầm. Nhưng mới nhai được mấy miếng thì đã đụng hai mảnh đạn nhỏ, mẻ cả răng.

10.2.1971

Không có gì cho vào bụng cả. Mình và Lý định quay lại hầm cũ "mót" lương khô, nhưng không kịp đi. Các đơn vị đã có tin chiến thắng gửi về sư đoàn. Theo tin chưa đầy đủ thì có 3 xe tăng địch bị phá hỏng, 23 máy bay bị bắn rơi, 50 lính ngụy bị tiêu diệt. Đại đội của Chính, đồng hương bên trung đoàn hai tiêu diệt gọn một trung đội địch. Cánh đồng hương của mình khá thật. Nghe đâu thằng Hải bị thương vì súng phun lửa hay napan gì ấy. Đang mải vui thì máy bay địch lên. Bọn trực thăng lại bắt đầu quần đảo. Một chiếc UTITI ranh con dừng ngay trên đầu mình, cánh quạt kêu u u nhức cả đầu. Mình nấp dưới một gốc cây nhìn lên. Có lẽ nó chỉ cách mặt đất chừng 20 mét, nhìn rõ 4 thằng Mỹ ngồi cạnh cửa, mặt đỏ như gà chọi, súng lăm lăm, những đôi mắt mèo quằm quặm dòm ngó. Mình cũng hơi hoảng. Nó mà phát hiện ra thì gay. Nhưng thằng UTITI chẳng phát hiện ra cái gì ngoài cây xanh và đất đá ngổn ngang. "Đồ mù. Ông mà ở đơn vị chiến đấu thì mày chết!" Mình chửi cho bõ tức. Gần tối, 5 trinh sát quay lại tìm tổ thông tin. "Có gạo không?" Đó là câu hỏi đầu tiên của bọn mình, vì ba ngày nay chưa được ăn uống tử tế. May quá, họ mang theo hai bao tượng gạo. "Dưới chân núi có cái suối nào không? Xa lắm. Cách đây hơn cây số!" Hết hy vọng được tắm táp một chút. Người đứa nào cũng hôi hám, khét lẹt. Hôm nay có cơm ăn rồi. Nghĩ đến cơm là chảy nước miếng. Bỗng rẹt rẹt, có tiếng AR15 nổ phía trước. Tất cả nhào xuống, tản đội hình. Phía sau bỗng có lửa cháy rừng rực. Bọn địch tung thám báo bao vây rồi. Lý hỏi cánh trinh sát "Các ông lên đây có gặp bọn nào không". Cậu trinh sát chỉ vào đầu: "Hỏi dở hơi! Gặp chúng thì còn gáo đây à!" Tiếng bọn địch hò hét ngay bên phải và đằng trước. Cánh trinh sát nổ súng cản địch cho thông tin rút lui. Chỉ hai phút sau, có tiếng máy bay trực thăng phành phạch trên đầu, pháo sáng cháy xèo xèo. Anh em trinh sát bắn rát một hồi. Tổ mình bí mật luồn ngay giữa hai toán địch, rút xuống chân đồi. Tự nhiên mình phát cáu. Tại sao lại nhận đi học thông tin. Vào chiến trường có khẩu súng trong tay nó yên tâm hơn. Như lúc này cõng máy chạy thục mạng. Vừa sợ máy hỏng, vừa sợ bị địch tóm được. Bọn trực thăng ném đạn cối xuống, mảnh bay rào rào. Đang chạy bỗng mình vấp ngã. Vật gì đó dập mạnh sau gáy. "Xong rồi". Nghĩ thầm như thế nhưng nằm một lúc vẫn chưa chết. Hai đầu gối đau rát. Có người kéo mình đứng dậy. Cái dép bên phải tuột lên ôm lấy bắp chân. Thì ra lúc ngã, cái máy vô tuyến nhào lên đập vào gáy. Tiếng AK và AR15 nổ xen vào nhau, xa dần… chạy di chuyển như thế mấy tiếng đồng hồ liền. Cánh công binh cho mỗi người nửa thanh lương khô ăn tạm. Sáng rõ mới thấy 5 anh em trinh sát tìm về đến nơi. Họ cho biết có 5 thám báo địch bị diệt. Như vậy mỗi người diệt được một tên. Cánh trinh sát không sứt mẻ gì. Chỉ tiếc mấy cái ba lô và hai bao tượng gạo.

18.2.1971

Cả tuần nay liên tục di chuyển. Trinh sát ngày nào cũng đi tìm đường. Không còn chút lương khô nào. Acquy dự trữ cũng sắp cạn. Đêm qua ngủ ở cái hầm lưng chừng núi. Sáng ra thấy địch léo nhéo cách đó chừng 300 mét. Có khoảng 200 tên đang lùng sục, quyết tìm thấy đài trung gian của bọn mình. Tương quan lực lượng quá chênh lệch, nên hai bên cứ chơi trò ú tim mãi. 12 giờ trưa, bọn địch lại mò đến gần. Trinh sát đi vắng nên bọn mình lại rút. Đã hẹn gặp trinh sát ở tọa độ B, bọn mình cắt rừng, theo la bàn mà đi. Ba thằng hì hụi bò lên dốc đá cao. Tụt xuống ngã ba suối. Vừa đi vừa vốc nước uống và vã lên mặt.

Nếu không có những thứ quen thuộc đep trên người thì tổ mình không ai nhận ra nhau. Đứa nào mặt mũi cũng đen nhẻm, người ngợm toàn bụi đất vàng khè. Đêm ngủ lại điểm hẹn chờ tổ trinh sát. Toàn dốc đá không đào hầm được, nên cứ dựa lưng vào vách đá, gốc cây mà ngủ. Chập chờn cả đêm, lạnh tê cứng người. 15 giờ hôm sau trinh sát mới về tới. "Có đường rồi. Chuẩn bị hành quân thôi!" Tránh đường trục, xuyên rừng 10 tiếng đồng hồ. Ở ven suối, Lý vớ được 3 cây chuối rừng chia cho mọi người. Nõn cây chuối hơi đắng. Những sợi tơ mỏng dính lằng nhằng ở khóe miệng. Bụng sôi ùng ục. Mấy ngày nay chỉ có nước suối lá rừng cầm hơi. Ba lô máy móc trên lưng như trĩu nặng gấp chục lần. Ngay bìa rừng, toán mình gặp một đội đi lấy gạo về, cười nói râm ran. Này! Mấy ông lọ lem. Ở đâu ra mà như ngáo ộp cả thế? Họ hỏi chúng mình. Có thể xin gạo được đây. "Chúng tớ là lính D18 thông tin đây." "À! Thế ra lính cùng sư đoàn. C15 bọn mình ngay gần đây thôi, vào đấy mà nghỉ". Không ai chịu đi nghỉ, cứ ngồi quây lấy nồi cơm đang sôi. Mùi gạo bay ra thơm phức, nghẹt thở, ứa nước mắt. Mười bốn ngày mới được bữa cơm nóng. Dù đêm nay đã tắm giặt sạch sẽ, vậy mà không sao ngủ được. Chân tay cứ mỏi rã, nhức buốt, tê buồn như phát vãn. Gần sáng thì chợp mắt một chút. Bên con suối lúc chiều mình gặp người yêu. Cô ấy mân mê hai bím tóc trước ngực hỏi: "Sao người anh lấm thế?" Mình hơi lùi ra: "Anh mới tắm hồi chiều mà". Mình định ôm lấy tấm thân chắc lẳn của em, nhưng lại ngửi thấy mùi hôi hám, khen khét trên thân thể. Ngại ngùng. Mình không biết giấu hai bàn tay vào đâu. Nhưng em ôm chầm lấy mình, môi he hé chờ đợi. Hạnh phúc làm mình nghẹt thở, đến nỗi lao chúi xuống, ngã lăn ra đất… Tiếng pháo nổ ầm ngoài bìa rừng. Mình vội choàng dậy. Lý nằm cạnh: "Nó kích xa lắm. Cứ ngủ tiếp đi. Mình lại nằm xuống, chép miệng tiếc rẻ: "Thế là mất toi rồi…" Lý hỏi vọng sang "Mất cái gì? Đừng mất ắc quy dự phòng là bỏ mẹ đấy".

25.2.1971

Theo sát chỉ huy sở ra ARINH. Hôm qua con giặc cái, trung úy Nguyễn Thị Lan ra cho quân đóng chốt ở Tà Púc, còn bỏ truyền đơn vào đạn pháo bắn lung tung thách bộ đội giải phóng đánh chiếm chốt. Nhưng giọng điệu điên rồi của con giặc cái chỉ để che giấu cho sự hoang mang tột độ của địch. Hôm nay chúng có triệu chứng muốn rút quân. Sư đoàn lệnh cho các mũi đánh gấp, không cho địch kịp trở tay. Rõ ràng bọn địch thất bại ngay từ đợt hành quân đầu tiên. Giờ này pháo địch bắn như vãi trấu. Hàng chục đợt máy bao lên trinh sát và ném bom. Bọn B52 quần nát khu vực xung quanh đài chỉ huy. Hai cậu bên hữu tuyến đi công tác bị mất tích. Đơn vị cho người đi tìm mà không thấy. Địch bắt đầu hoản loạn 30.000 lính địch đã húc đầu vào đá, khi chúng có ý định đập nát chủ lực ta trên đường Hồ Chí Minh.

Bọn trực thăng rầm rĩ cả ngày bắn phá và đổ quân cứu nguy cho bọn dưới đất. Lệnh chuyển đàn chỉ huy về gần làng Con. B52 và F4 ném bom sát sạt chỗ tụi mình. Sư đoàn thật sáng suốt.

20.3.1971

Từ hôm qua địch chính thức rút quân, trước sức tiến công như vũ bão của quân giải phóng. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 chỉ là giấc mơ ngông cuồng của quân ngụy và quan thầy Mỹ của chúng. Hàng chục ngàn địch bị tiêu diệt và bắt sống. Bọn lính quá hoảng sợ, đã đào ngũ mấy ngàn tên. Ở bản Đôn địch chạy tán loạn. Bỏ cả xe tăng, pháo và xe vận tải vũ khí. Bao nhiêu tên bỏ chạy đều rơi vào trận địa phục kích của ta. Máy bay trực thăng cố tìm cách hạ cánh để chuyển lính đi chỗ khác, nhưng pháo binh ta chụp xuống kín trận địa, làm bọn chúng bay mất dạng. Tại ARINH, cả trung đoàn địch liều mạng đổ xuống để giải cứu cho một tiểu đoàn. Trên đường 9 bọn giặc bị lâm vào cảnh "tiến thoái lưỡng nan" nằm im chịu trận. Mỗi ngày B52 hoạt động đến 10 lượt mà khong cải thiện được tình hình. Pháo sáng thả suốt đêm, máy bay ném bom suốt đêm. Nhưng thất bại đã làm tan rã sức mạnh hùng hậu ban đầu của địch.

Chiến thắng rồi. Bọn mình cũng hân hoan trong niềm vui chung của quân dân Quảng Trị. Cả ba thằng đều nguyên vẹn. Hình như còn được bình bầu thành tích, đề nghị cấp trên tặng bằng khen. Cũng xứng đáng thôi. Chiến công của các cậu không có tiếng súng! Đó là lời khen thực lòng của anh em trinh sát.

P.Q

Phương Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 90 tháng 03/2002

Mới nhất

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

51 Phút trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground