Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trần Công Ái - Người cộng sản kiên cường của huyện Vĩnh Linh

Từ ngày nước nhà thống nhất, mỗi lần có dịp qua cầu Lai Phước (thuộc địa phận huyện Triệu Phong) người dân Vĩnh Linh không khỏi nhói đau tưởng nhớ đến cái chết vô cùng anh dũng của đảng viên trẻ Trần Công Ái. Bởi chính tại vị trí của chiếc cầu này, cùng làn nước vô tư xanh ngắt kia đã từng chứng kiến sự hy sinh của ông - sáng mồng Một tết năm 1941 để bảo toàn mọi bí mật cho Đảng.
 

Trần Công Ái ở thôn Giáp Tây xã Vĩnh Tú. Ông có người anh trai là Trần Công Đại cũng có cùng tư tưởng và chí hướng như mình.

Điều oái oăm là Đại và Ái đều là con ruột của chánh tổng Trần Công Nghi, một tên tay sai mẫn cán của thực dân Pháp. Có thể nói Trần Công Nghi là đứa con lạc loài của dòng họ Trần đáng kính ở làng Huỳnh Công. Bởi họ Trần của làng Huỳnh Công phần lớn là những hạt giống đỏ, có công lập nên chi bộ Cộng sản Huỳnh Công - một trong ba chiếc nôi cách mạng đầu tiên của Vĩnh Linh đầu những năm 30. Đó là Trần Thức, Trần Tăng, Trần Giác, Trần Công Khanh, Trần Tấn Giản… Đặc biệt, Trần Công Khanh, nguyên là thành viên nòng cốt của tổ chức Cách mạng Thanh niên hội của phủ Vĩnh Linh. Việc ra đời của chi bộ Cộng sản Huỳnh Công có thể tóm tắt như sau: Cuối năm 1928, Trần Công Khanh được tổ chức bố trí gia nhập hàng ngũ quân đội Pháp (lính khố đỏ) làm công tác binh vận và được cử giữ chức Bí thư chi bộ Đảng Tân Việt trong quân đội Pháp đóng ở Bắc Ninh và Hải Phòng.

Sau vụ bạo động ở Yên Bái của Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học lãnh đạo bị thất bại và bị dìm trong biển máu, tổ chức Đảng Tân Việt của Trần Công Khanh trong quân đội Pháp cũng bị bại lộ và bị truy quét. Trần Công Khanh bị đuổi về quê. Lúc này, ở Huỳnh Công, nhóm Cách mạng Thanh niên có xu hướng muốn thành lập chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng nhưng chưa có cách gì liên lạc với cấp trên để được hướng dẫn chỉ đạo. Vừa may Ngô Sừ, hội viên của nhóm, tìm gặp được “sếp” Chương (có chân trong Tỉnh bộ Thanh niên Quảng Trị) ở ga Sa Lung. Được “sếp” Chương trao cho tài liệu “Đông Dương Cộng sản Đảng” Ngô Sừ tức tốc mang về đưa tận tay cho Trần Công Khanh. Đêm 1 – 2 - 1930, tại một ngôi mộ thuộc rú chợ Vang, chi bộ Đông Dương Cộng sản Huỳnh Công được thành lập. Hơn một năm sau, Trần Ngọc Hoành đặc phái viên của Tỉnh uỷ được phân công ra Vĩnh Linh gây dựng cơ sở Đảng. Sau khi thành lập xong hai chi bộ Quảng Xá (Vĩnh Lâm) và Thượng Hoà (Vĩnh Long), đêm 8 – 3 - 1931, ông có mặt tại Huỳnh Công tiến hành các thủ tục công nhận Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở đây và đổi tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam thôn Huỳnh Công.

Thời gian này, Đại và Ái vừa học hết ba lớp đầu bậc tiểu học trường làng (tương đương lớp 5/12 hiện nay) thì cả hai bỏ học ở nhà đỡ đần cho mẹ chứ không chịu lên học ở trường phủ để khỏi nhận sự chu cấp từ đồng lương chẳng mấy sạch sẽ của người cha Chánh tổng (từ năm 1924, một số ít thôn, xã đông dân ở Vĩnh Linh, nhà cầm quyền Pháp mới cho mở 1 - 2 lớp đầu cấp của bậc tiểu học gọi là “trường tiểu học”. Muốn học lên sơ học yếu lược thì phải cơm đùm gạo bới, đến trường phủ tại Hồ Xá)

Dù còn ở tuổi vị thành niên, nhưng ghét cay ghét đắng thực dân Pháp và chính quyền bù nhìn tay sai mà cha mình phụng sự, Đại và Ái bí mật tìm đến những người lớn tuổi có cùng chí hướng trong làng và hai anh em được người anh họ Trần Công Khanh và các đảng viên trong Chi bộ Huỳnh Công nhiệt tình tiếp đón, tuyên truyền giác ngộ cách mạng. Cả hai, mà nhất là Ái vốn thông minh, nhanh nhẹn, anh tiếp thu rất nhanh những bài học vỡ lòng về tư tưởng cộng sản: Muốn đánh thắng Tây, giành tự do độc lập, chỉ có lòng yêu nước không thôi chưa đủ mà phải có đường lối sách lược đúng đắn, có phương pháp khoa học, đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Nguyễn Ái Quốc. Trần Công Khanh còn phân tích giảng giải cặn kẽ cho Đại và Ái hiểu: Trong lịch sử chống thực dân Pháp xâm lược không thiếu các nhà yêu nước thương dân, dấy binh khởi nghĩa, nhưng tất cả đều bị thất bại. Việc lớn không thành, thực chất chẳng phải giặc Pháp mạnh mà chính vì thời cuộc chưa chín muồi. Vì đồng bào cả nước chưa đồng lòng nhất trí. Hàng trăm năm giữ nước cho thấy những lúc nào giữ vững và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân thì cuộc chiến tranh yêu nước sớm muộn cũng giành thắng lợi.

Được lời như cởi tấm lòng, kể từ hôm đó, Đại và Ái trở thành liên lạc viên hăng hái tích cực của Chi bộ Huỳnh Công. Để che mắt ông bố Chánh tổng và các chức sắc trong vùng, Đại và Ái luôn tỏ ra siêng năng ngoan ngoãn. Nhất là Ái, ngoài những công việc vất vả nặng nhọc, anh còn giỏi cả nghề thợ may và cắt tóc. Đặc biệt là nghề may, chỉ cần nhìn qua dáng người là anh có thể tính toán, đo cắt những bộ áo quần vừa vặn, đúng mốt, không chê vào đâu được. Trần Công Nghi không ít lần dẫn các vị chức sắc trong vùng đến để được Ái may đo quần áo.

Mặc dầu bộn bề bao công việc, nhưng mọi cuộc họp kín lớn nhỏ cùng những hành động đáng ngờ của bố và thuộc hạ của ông ở nhà trên đều không lọt được tai mắt thính nhạy, cảnh giác của Đại và Ái. Nhờ vậy, mấy lần mật thám bủa lưới vây bắt “các phần tử phản loạn bất hợp tác chính quyền” ở Huỳnh Công nói riêng, Vĩnh Hoàng nói chung đều được Đại và Ái kịp thời mật báo nên vẫn bình an vô sự.

Sau một thời gian thử thách, cuối năm 1933, ngoài hai mươi tuổi, Trần Công Ái cùng anh trai là Trần Công Đại lần lượt được kết nạp vào Đảng. Riêng Trần Công Ái không lâu sau còn có chân trong Phủ uỷ Vĩnh Linh và Tỉnh uỷ Quảng Trị, được phân công làm công tác tuyên truyền, móc nối, gây dựng cơ sở cách mạng trong và ngoài phủ.

Những năm 1936 - 1939, ở Pháp, Mặt trận Bình dân lên nắm quyền, chính quyền Pháp ở thuộc địa buộc phải nới lỏng sự kìm kẹp, áp bức. Lợi dụng thời cơ này, từ các xã ở Vĩnh Linh, Trần Công Ái len lỏi đến chợ Kênh, chợ Cầu miền tây Gio Linh, ngược lên Cam Lộ vào Triệu Phong, Hải Lăng… cùng cơ sở tuyên truyền gây dựng, củng cố phong trào, mít tinh, diễn thuyết. Có chuyến ông đi hàng tháng ròng.

Bước qua năm 1940, tình hình ngày càng xấu đi. Ở chính quốc Mặt trận Bình dân sụp đổ, chính phủ phản động Pê-tênh lên nắm quyền, chính quyền Pháp ở thuộc địa trở lại thoả sức khủng bố đàn áp phong trào cách mạng. Khắp nơi xuất hiện truyền đơn biểu ngữ, tố cáo tội ác thực dân Pháp và Nam Triều tay sai. Ở Vĩnh Linh, Triệu Phong và nhiều nơi khác trong tỉnh còn nổ ra những cuộc mít tinh diễn thuyết ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của đồng bào, đồng chí Bắc Sơn, Nam Kỳ và kêu gọi các hội viên phản đế đoàn kết xung quanh Đảng Cộng sản Đông Dương sắm sửa vũ khí, đợi thời cơ khởi nghĩa cướp chính quyền. Mật thám Pháp lồng lộn, tức tối, chúng đánh hơi những chuyến đi dài ngày của Trần Công Ái có liên quan đến những sự kiện chính trị nói trên. Lập tức, Chánh tổng Trần Công Nghi bị quan thầy triệu lên công đường quở trách:

- Hai thằng con ông rất có khả năng là cộng sản. Ông liệu đó, nước Pháp nuôi ông, trả lương cho ông không phải để cho ông nuôi con làm giặc.

Trần Công Nghi toát mồ hôi hột run lập cập, mồm lắp bắp không nói được một lời, hai chân thụt lùi ra khỏi công đường rồi đi thẳng một mạch về nhà trút mọi tức giận lên người vợ cả - bà Trần Thị Trúc, mẹ Đại và Ái. Không phải bây giờ mà kể từ khi cưới được cô vợ bé trẻ đẹp Nguyễn Thị Diệu, Trần Công Nghi đã tỏ ra ghẻ lạnh với ba mẹ con bà. Nay lại thêm chuyện này y càng lồng lộn tức tối. Bởi ghế Chánh tổng của y rất có thể lung lay đổ bể vì hai thằng con bất trị. Giận cá chém thớt, y thường xuyên thượng cẳng chân hạ cẳng tay đối với bà Trúc vì tội “con hư tại mẹ”, đồng thời bí mật cho người vợ bé theo dõi mọi hành tung của hai anh em Đại và Ái. Mặc dù đã hết sức cảnh giác nhưng gói mo cau truyền đơn chưa kịp phân phát, Ái nhét cẩn thận lên đầu hồi nhà bếp, vẫn bị bà dì ghẻ phát hiện, lấy trao cho chồng. Như bắt được vàng, Trần Công Nghi hối hả mang gói tài liệu nộp tận tay cho tên chánh mật thám Him-be, sẵn sàng bán đứng đứa con đẻ của mình để tỏ lòng trung thành với “mẫu quốc đại Pháp”.

Vừa về đến nhà được anh trai cấp báo, Trần Công Ái lập tức từ biệt mẹ và anh đi ngay. Anh được Tỉnh uỷ phân công về hoạt động ở địa bàn Triệu Phong, nơi phong trào cách mạng đang lên mạnh, cần có những cán bộ có năng lực và kinh nghiệm tổ chức tập hợp, đấu tranh khôn khéo, tránh những tổn thất không cần thiết.

Mật thám ở Vĩnh Linh bắt hụt Trần Công Ái, chúng hậm hực tức tối, liền in ảnh ông phân phát cho mật thám các huyện, thị trong tỉnh nhận mặt, giăng lưới quyết bắt sống ông cho bằng được.

Ngày 10 tháng chạp năm 1941, chợ Ngô Xá Triệu Phong rộn ràng tấp nập trong không khí của phiên chợ tết. Trần Công Ái tay cầm thước ra dáng người thợ may đang trao đổi với mấy người cạnh hàng vải thì bất ngờ bốn tên mật thám từ hai phía ập lại, túm lấy ông trói giật cánh khuỷu, giải thẳng một mạch vào nhà lao Quảng Trị. Bắt được ông, mật thám Pháp vô cùng mừng rỡ, bởi chúng đoán chắc ông là một mắt xích quan trọng trong đường dây tổ chức cộng sản của tỉnh. Moi được bí mật ở ông, chúng sẽ cất một mẻ lưới, tóm được những con cá to hơn. Song, ròng rã hai mươi ngày đêm liền, chịu mọi cực hình chết đi sống lại, ông vẫn kiên trì giữ vững khí tiết của người cộng sản. Hết tra tấn đến dụ dỗ mua chuộc, nhất là những ngày giáp tết, chúng cố đánh vào tâm lý tình cảm: Nào là ngày tết cổ truyền dân tộc, ngày đoàn tụ đầm ấm của gia đình; nào là anh trẻ đẹp còn phải lấy vợ sinh con; nào là nhân dịp Tết Nguyên đán chính phủ bảo hộ sẽ ân xá cho những ai ăn năn hối lỗi… nhưng mọi mưu ma, chước quỷ của địch đều vô hiệu. Ngày 30 tết chúng tra tấn ông suốt một ngày với những ngón đòn dã man nhất, thằng này mệt, thằng khác thay, cho đến khi ông mê man không biết gì nữa. Khi ông tỉnh dậy thì đâu đó ngoài kia nghe tiếng đì đùng pháo nổ, ông biết đã giao thừa, sắp bước qua năm mới. Phải chăng đây là cái tết cuối cùng của đời mình? Vậy là ông đã sống trọn ba mươi hai cái tết, ông biết chúng không bao giờ buông tha ông, nếu không chịu khai ra các bí mật của Đảng. Nhưng chẳng lẽ ông khai? Cam tâm làm kẻ phản bội? Không, không bao giờ. Vậy thì chúng sẽ tiếp tục tra tấn hành hạ ông đến chết. Nhưng chết thế thì lặng lẽ quá, uổng phí quá, ít ra phải mạng đổi mạng. Và phải chết giữa thanh thiên bạch nhật, để đồng bào, đồng chí tận mắt chứng kiến tội ác quân thù, mà nung nấu hờn căm, thay ông đấu tranh đến ngày toàn thắng.

Rạng sáng ngày mồng một tết, Trần Công Ái gọi người gác ngục lại bảo:

- Anh nói với quan Chánh mật thám tôi nhận đi chỉ cơ quan Tỉnh uỷ.

Bọn địch hí hửng sai người dọn cho ông một mâm thịnh soạn có bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, đầy hương vị tết. Trần Công Ái nén đau, cố ăn thật no lấy sức, rồi bảo chúng đưa xe cùng lính tráng, súng đạn chạy thẳng ra hướng Đông Hà. Đến gần cầu Lai Phước, ông ra hiệu cho xe chạy chậm lại rồi dừng giữa cầu. Ông bảo tên mật thám chỉ huy xuống xe để ông chỉ cho thấy cơ quan Tỉnh uỷ đóng ở một ngôi nhà cuối xóm bên kia cầu, cần đi bộ, chứ đi xe sẽ bị lộ. Tên mật thám tưởng thật, nheo mắt nhìn theo hướng tay ông chỉ. Bất thần, ông ôm cổ tên mật thám, lấy hết sức bình sinh đẩy nó xuống nước, mạng đổi mạng. Song vốn yếu hơn, lại bị tra tấn suốt hai mươi ngày ròng, nên ông bị tên mật thám xô ra. Biết không làm gì được nó, ông lao xuống sông, bọn địch thi nhau bắn theo xối xả.

Xúc động, cảm phục trước sự hy sinh của Trần Công Ái, Trương Am, một bạn tù đã làm một bài thơ truy điệu, bài thơ có đoạn:

Da dù nát, thịt dù tan anh vẫn

Nghiến răng thà chết không khai

Còn một chút tàn hơi

Anh gắng sống với niềm tin mãnh liệt

Điện đốt, dây treo, đòn roi kìm kẹp

Dạ vẫn trung thành không một chút đổi thay”…

Đã sáu mươi sáu năm trôi qua, nhưng mỗi lần Tết đến là người dân Huỳnh Công nói riêng, người dân Vĩnh Linh nói chung lại nhớ đến Trần Công Ái. Người đảng viên Cộng sản ưu tú của quê hương vì dân, vì nước hy sinh khi tuổi còn rất trẻ. Song cái chết của ông hoàn toàn không uổng.

Làng Huỳnh Công quê ông cùng cả xã Vĩnh Tú nói chung xưa kia thuộc loại nghèo khổ nhất nhì của huyện Vĩnh Linh với thành ngữ ghi đậm dấu ấn “cơm ăn bữa diếp”. Thế mà giờ đây cái đói đã lùi xa, diện nghèo từng bước thu hẹp. Số hộ khá và giàu ngày một nhiều thêm. Hàng trăm hộ làm được nhà kiên cố, có nhà hai tầng, mua được xe gắn máy, nuôi con học lên Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ…, mà nguồn thu nhập đều từ sản xuất nông nghiệp.

Vĩnh Tú cũng như các xã trong huyện Vĩnh Linh vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Bà Trần Thị Trúc người mẹ của Trần Công Ái cũng được truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng vì có hai con Đại và Ái là liệt sỹ. Vậy là cái chết của người đảng viên trẻ Trần Công Ái đã thực sự gieo mầm cho cuộc sống.

                      V.T

 

Văn Tuyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 156 tháng 09/2007

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

1 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

3 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/04

25° - 27°

Mưa

21/04

24° - 26°

Mưa

22/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground