Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Vào nơi tuyến lớn

G

ọi là ‘tiền tuyến lớn” vì nó là nơi trực tiếp ngày đêm đối đầu với trên nửa triệu quân Mỹ (chưa kể hạm đội 7) và trên hai triệu quân nguỵ đủ các sắc lính trang  bị đến tận răng cùng hàng vạn tên ác ôn thiên nga, phượng hoàng, dân vệ.

Ngày ấy, năm 1965 tôi được lệnh tạm biệt mảnh đất tuyến lửa Vĩnh Linh để đi vào hoạt động ở tiền tuyến lớn miền Nam.

Tôi ra Hà Nội, sau khi dự cấp tốc lớp huấn luyện đi B, được quyết định phải vào ngay chiến trường để thành lập phân xã Thông tấn xã giải phóng. Tôi dẫn đầu một đoàn gồm 17 cán bộ đủ các ngành, có cả phóng viên Thông tấn  xã Việt Nam.

Có một chuyện tôi cần nói lại để biết về sự chỉ đạo chặt chẽ và tâm lý về công tác tổ chức của Đảng ta.

Số là sau khi dự xong lớp huấn luyện đi B, từng cán bộ đều được Ban tổ chức cho kiểm tra lại sức khoẻ và thẩm tra xem có ai biểu hiện diễn biến gì về tư tưởng để tổ chức quyết định kịp thời. Một số đồng chí sau khi dự huấn luyện được ăn uống bồi dưỡng đầy đủ ba tháng trời, đến lúc này tỏ ra dao động, sợ đi chiến trường, nên cứ khai hết bệnh này đến bệnh nọ. Thế là Ban tổ chức loại ngay và trả về cơ quan, có người gọi đó là loại "cán bộ cơ hội".

Tôi được Ban tổ chức gọi đến dặn dò: Phải vào gấp trong đó thành lập bộ phận Thông tấn xã Giải phóng để phát tin trực tiếp về Trung ương kịp thời cổ vũ quân dân ta đang trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên Huế là nơi đối đầu của ta và địch đang diễn ra vô cùng khốc liệt.

Thế là một đoàn xe Comăngca vuông đít bịt bùng xuất phát từ Hà Nội trong một đêm tối trời mùa đông năm 1965 chạy vào tiền tuyến lớn. Biết đi vào tuyến lửa, cảnh hy sinh chết chóc bày ra trước mắt mà ai nấy đều tỏ ra vui mừng hào hứng đến lạ thường, nhiều đồng chí còn hài hước làm thơ "Tạm biệt sông Tô Lịch thân yêu". Lại còn hát ồn ào trên xe, nhưng bảo nhau hát nhỏ thôi kẻo "lộ bí mật".

Xe trả chúng tôi tại trạm Bãi Hà, bên bờ Bắc Xê Băng Hiêng chúng tôi chỉ nghỉ ngơi một ngày một đêm rồi bắt đầu mang vác lên đường. Mới chỉ leo dốc một ngày đầu thôi, chúng tôi mới thấm thía thế nào là gian khổ. Nhiều đồng chí tỏ ra lo lắng "sợ e đi không nổi". Sau này khi đọc hai câu thơ của Tố Hữu tôi mới thấy hết ý nghĩa thâm thuý, chân lý của cuộc sống và chiến đấu

"Trường Sơn Đông nắng Tây mưa

Ai chưa đến đó như chưa rõ mình"

Chúng tôi gặp lại một số bạn bè quen biết ở chiến trường ra động viên: "Hãy cố gắng lên, chỉ một vài ngày đầu thôi, sau rồi quen dần hết"

Chuyện nói về kỷ niệm những gian khổ đi chiến trường phải vượt qua bao nhiêu núi cao, suối sâu thì không bút nào tả hết. Tôi chỉ kể lại một mẫu chuyện nhỏ, bây giờ thì như một trò cười nhưng lúc đó phải tỏ ra một nghị lực phi thường gấp bội.

Số là anh em đi đường cả ngày đói khát và mệt. Khi đến trạm dừng chân nghỉ tối thì ai nấy đều muốn uống sữa để bù đắp lại sự mệt nhọc. Thế là nước sôi nấu ra, mạnh ai nấy pha sữa uống. Trời đất ơi! Có đồng chí uống hết ba bát B52 sữa (bát B52 là loại bát men to quân ta hay dùng ở chiến trường). Đến khi nấu cơm ra không ăn được nữa chỉ lăn ra ngủ. Ngày mai lên đường có đồng  chí chỉ uống sữa rồi đi. Thế là chưa được nửa buổi đã quỵ ngay ra giữa đường, vì thiếu cơm, bụng đói, sữa không thay thế được cơm. Lập tức đoàn phải hội ý và động viên anh em: Trên đã quy định cho chúng ta mỗi ngày đi đường phải ăn hết 7 lạng gạo mới đi nổi. Không thể uống sữa thay cơm mà đi được. Vậy là bắt đầu từ tối hôm sau ai cũng phải chấp hành răm rắp. Tối đến trạm, trưởng đoàn cấm tuyệt đối không ai được uống sữa trước khi ăn cơm. Ai khát chỉ uống nước sôi để nguội thôi. Khi nấu cơm ra, ai nấy đều chén ngon lành. Nhiều người ngốn hết ba, bốn bát B52. Từ ngày sau lên đường ai cũng chắc bụng chắc chân cứ từ từ mà leo dốc không quỵ như ngày trước nữa. Chỉ một việc nhỏ thôi nhưng phải có kỷ luật chặt chẽ mới thắng được bản thân, thắng được sự gian khổ để vượt lên. Nếu không tự giác chấp hành thì lúc này không thể quay ra Bắc được nữa, người ta cho là "đào ngũ"

Đúng ngày 15/12/1965 đoàn chúng tôi vào đến trạm cuối cùng của Ban cán sự liên tỉnh phân khu Bắc. Đoạn đường mà bây giờ đi ô tô chỉ không đầy năm tiếng đồng hồ, nhưng lúc bấy giờ chúng tôi phải đi mất mười bảy ngày ròng rã đường rừng. Vì vừa đi vừa nghỉ dưỡng sức để vào mà chiến đấu và công tác, chứ vào đến nơi mà lăn ra ốm thì chỉ làm khổ cho anh em trong đó mà thôi.

Đón chúng tôI ở trạm cuối cùng là đồng chí Điền trạm trưởng. Chúng tôi nấu cơm ăn uống vừa xong, chưa kịp nghỉ ngơi thì bị một trận B52 tơi bời khói lửa. Chưa có kinh nghiệm tránh B52 và cũng không biết hầm hố chỗ nào, nên chúng tôi chui bừa xuống cả dưới sạp nằm bẹp dí. Có đồng chí vô ý làm đổ bi đông nước chảy ra lênh láng tưởng là có đồng chí nào bị thương máu chảy, hoảng quá! Nhưng mỗi đồng chí tự sờ vào mình đều không bị gì nên mới mừng. Đoàn chúng tôi có đồng chí Soạn (hoạ sỹ) bị một mảnh bom cứa vào ống chân nhưng cũng không nặng lắm.

Đến hôm sau lãnh đạo Phân khu Bắc cử các bộ phận cho người ra đón chúng tôi phân tán về các đơn vị. Tôi và đồng chí Phan Ngọc Tuân, phóng viên thông tấn xã, được đưa vào chỗ lãnh đạo của ban cán sự Phân khu Bắc.

Vào đến nơi tôi phải báo cáo công việc ngay trực tiếp với đồng chí thiếu tướng Lê Trung Tín (Lê Chưởng) Trưởng ban cán sự phân khu. Đồng chí cho biết: Số phóng viên thông tấn xã vào trước đang đi phá kềm giành dân ở vùng sâu, còn điện đài phải tạm thời đưa sang bộ phận phân khu K813 quản lý. Việc trước tiên tôi xin ban cán sự giới thiệu đi trực tiếp bàn bạc điều bộ phận điện đài về làm việc với Hà Nội đã, rồi mới đi triệu tập phóng viên về. Điện đài minh ngữ của thông tấn xã đưa vào trước ba cái nhưng tôi chỉ mới xin chuyển về được một cái để làm việc. Còn báo vụ viên của thông tấn xã đưa vào trước cũng đang phân tán đi các nơi. May mà còn đồng chí Dương Việt Dũng ở lại phân khu, tôi xin về cùng với ba nhân viên quay máy của quân đội đưa sang. Tôi xin chuyển điện đài phân xã riêng ra khỏi điện đài phân khu để phát minh ngữ.

Đúng như dự kiến khi ra đi, ngày 20/12/1965 tôi cho máy phát minh ngữ bắt liên lạc với Hà Nội, báo tin cho đồng chí Tâm và đồng chí Phong phụ trách cục kỹ thuật lúc đó. Được Hà Nội trả lời tôi mừng khôn tả như mình đã được về nhà. Cách mấy ngày sau tôi bắt đầu phát tin chiến sự, tin trung đoàn 6 đang chiến đấu phá kềm mở rộng vùng giải phóng Triệu - Hải, Quảng Trị

Những năm tháng gian khổ tuy đã đi qua nhưng dấu ấn của thời gian còn sâu nặng. Anh em phóng viên của thông tấn xã giải phóng hoạt động ở chiến trường Trị Thiên Huế, nơi đụng đầu lịch sử hai miền Tổ quốc thì vô cùng gian khổ ác liệt. Anh em thông tấn xã bị thương vong khá nhiều. Chưa kể Quảng Bình, Vĩnh Linh, riêng thông tấn xã giải phóng khu Trị Thiên Huế đã có 12 đồng chí hy sinh và nhiều đồng chí bị thương đến nay còn mang thương tật trong người (kể cả phóng viên tin, ảnh, điện báo viên, buồng tối, nhân viên quay máy điện đài).

Nhưng được bù lại là những tin ảnh phát trên toàn quốc và ra cả thế giới vô cùng phong phú, kịp thời và sôi động, làm nức lòng nhân dân trong nước và quốc tế, nhất là các chiến dịch lớn như Khe Sanh, chiến dịch Đường 9 Nam Lào, chiến dịch xuân Mậu Thân 1968...Vì tin chiến sự ở chiến trường lúc này, thông tấn xã giải phóng gần như độc quyền và nhanh nhất. Vì những tờ báo phân khu, báo cứu nước Quảng Trị, báo giải phóng Huế còn phải qua khâu in phát hành nên không thể nhanh được

Thời gian tuy đã đi qua, sự kiện và nhân chứng đã đi vào lịch sử, nhưng nó còn đọng mãi trong tâm khảm mọi người, có cả sự đau thương mất mát.

Vừa qua thông tấn xã Việt Nam là cơ quan ngôn luận duy nhất được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là niềm vinh dự to lớn đối với ngành thông tấn xã Việt Nam. Phân xã Thông tấn xã giải phóng ở chiến trường Trị Thiên Huế và Vĩnh Linh, nơi đụng đầu lịch sử cả một chặng đường dài máu lửa chiến tranh cũng đã góp một phần không nhỏ của mình vào sự nghiệp chung to lớn của ngành Thông tấn xã Việt Nam.

   N.Đ.T

 

Nguyễn Đình Thuyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 153 tháng 06/2007

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground