Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

1 câu hỏi 10 câu trả lời

Nhân kỷ niêm 5 năm lập lại tỉnh (1-7-1989 – 1-7-1994), xin các đồng chí vui lòng trả lời cho Tạp chí Cửa Việt câu hỏi sau đây:

5 năm qua, chúng ta đã lập được nhiều thành tích trên tất cả các lĩnh vực, tất nhiên vẫn còn nhiều yếu kém và bế tắc cần phải khai thông. Nếu chọn một thành tựu tốt nhất mà ngành của đồng chí đạt được, đồng chí sẽ chọn thành tựu nào? Cũng vậy đối với yếu kém bế tắc.

C.V

·   NGUYỄN KHẮC CHƯ – Giám đốc Sở Nông Nghiệp

Dưới sự tác động của cơ chế quản lý mới và sự tập trung đầu tư chỉ đạo của các cấp, các ngành, 5 năm qua sản xuất nông nghiệp tỉnh ta đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Đặc biệt đã đưa nhanh tiến bộ Khoa học kỹ thuật về giống và thâm canh vào sản xuất, xác định hệ thống canh tác, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và sinh thái từng vùng cho phép trong thời gian tới chuyển dịch nhanh cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Như đã hình thành các vùng trồng cao su, cà phê, chè, hồ tiêu, đang phát triển nhanh cây dâu tằm, mở rộng diện tích ngô lai, lạc, đậu đỗ, cùng với các chương trình cấp I hóa giống lúa, nạc hóa đàn lợn….

Khó khăn lớn nhất trong sản xuất nông nghiệp tỉnh ta là khí hậu thời tiết khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên đe dọa làm cho sản xuất bấp bênh, không ổn định; đa số nông dân nghèo, thiếu vốn và thiếu kiến thức sản xuất hàng hóa; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông thôn còn thấp kém…Để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc nêu trên, đòi hỏi các cấp, các ngành có liên quan phải đầu tư nguồn lực và trí lực hơn nữa cho sản xuất nông nghiệp nhằm thực hiện thắng lợi nghị quyết Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh giữa nhiệm kỳ khóa XI đã đề ra.

·         TRẦN TỬU – Giám đốc Sở Lâm Nghiệp

5 năm qua ngành Lầm nghiệp đã chỉ đạo thực hiện thành công dự án PAM 2780 trồng 1000 ha rừng, dự án PAM 4304 với 4500 ha, trồng 1,5 đến 2 triệu cây phân tán hàng năm làm tăng độ che phủ trên diện tích đất trống đồi trọc còn rất lớn của Quảng Trị. Việc thực hiện các dự án này đã giải quyết phần nào nạn thiếu việc làm cho nhân dân ở 6 huyện và 2 thị xã. Giúp dân biết cách làm Lâm nghiệp, có ý thức hơn trong quản lý bảo vệ rừng. Tạo một số lượng lớn gỗ, củi cho nhân dân trong tỉnh và góp phần cải tạo môi trường sinh thái. Đặc biệt trong quá trình chuyển đổi cơ chế các doanh nghiệp lâm nghiệp của chúng tôi vẫn đứng vững và hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Thách thức lớn nhất đối với ngành chúng tôi hiện nay là tình trạng phát rừng làm rẫy, đốt rừng tìm phế liệu, khai thác lâm sản trái phép làm thiệt hại rừng tự nhiên còn diễn ra gay gắt. Việc tàng trữ buôn bán lâm sản vẫn xảy ra. Ngành tập trung chỉ đạo, có biện pháp thích đáng, để ngăn chặn tình trạng trên nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan.

·   NGUYỄN TẢI – Giám đốc Sở Thủy Sản

Thành đạt nhất của ngành thủy sản là tổ chức khai thác hải sản có hiệu quả khá. Ngư dân được sắp xếp lại đội hình trên cơ sở tổ thuyền nghề. Phát động ngư dân bỏ vốn, vay thêm với Ngân hàng để sắm thuyền to máy lớn, khai thác xa bờ, đánh bắt hải sản có giá trị xuất khẩu cao. Kim ngạch xuất khẩu từ 800.000 USD năm 1990 tăng 1.600.000 USD năm 1993, và có khả năng đạt 2.000.000 USD năm 1994 này. Nhiều tổ thuyền đạt thu nhập 20.000.000 đồng/lao động trong một năm (đã trừ chi phí). Trước năm 1989, đến giêng hai chúng tôi luôn nhận được đơn xin cứu trợ một số nơi vùng biển. Mấy năm nay không ai kêu đói. Lẽ tất nhiên một số gia đình sống ở vùng biển vẫn còn khó khăn vì trong nhà không có lao động chính đi biển. Gia đình thuộc diện chính sách và có nhà ông bố làm nghề biển kém nhưng lại đẻ quá nhiều con.

Khó khăn ở vùng biển làm địa phương khó giải quyết là tỷ lệ sinh đẻ quá cao, có nơi “đạt” 5,2%/năm. Cư dân vùng biển về tri thức xã hội và trình độ văn hóa thấp, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành thủy sản sau này. Trẻ con bỏ học nhiều, một số nơi thiếu vốn làm ăn, khi đi vay không có tài sản thế chấp nên hạn chế phần nào sự phát triển đồng đều của ngành thủy sản.

·   NGUYỄN CẦM – Giám đốc Sở Điện Lực

Thành quả lớn nhất là hệ thống lưới điện của tỉnh được quy hoạch và xây dựng, điện đã về đến các huyện, thị trong tỉnh. Đặc biệt chương trình “Điện về nông thôn” (với 61 xã phường trong thời gian qua đã được Trung Ương đánh giá cao và nhờ vậy, Quảng Trị được chọn là một trong 3 tỉnh của cả nước được đầu tư “Điện khí hóa nông thôn”. Sản xuất kinh doanh điện có hiệu quả và chất lượng ngày một nâng cao, không còn tình trạng “trên có bóng điện - dưới thấp đèn dầu” như nhiều năm trước tổn thất mất mát từ 50% nay giảm xuống dưới 20%. Việc cắt điện đều theo kế hoạch và có thông báo trước. Ngành điện đã xóa được tình trạng cửa quyền của ngành độc quyền. Có được thành tựu ấy là nhờ ngành điện trong nhiều năm qua đã chú trọng tăng cường đội ngũ cán bộ và công nhân có năng lực, có trình độ và phẩm chất, hệ thống trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.

Tuy vậy, chúng tôi đang gặp phải những khó khăn, bế tắc cần được khai thông là:

1. Để làm được việc cấp điện đến người dân an toàn và giảm tổn thất điện năng, cần tập trung nguồn vốn đầu tư về ngành điện. Nguồn vốn từ Nhà nước đầu tư qua ngành điện hoặc có cơ chế để ngành điện vay xây dựng và trả lại khi khai thác lưới điện.

2. Các nguồn vốn đầu tư của nhân dân và Nhà nước, địa phương được tập trung về đầu mối giao cho ngành điện để khấu hao và sửa chữa. Hiện nay chưa có cơ chế này nên ngành điện khai thác cấp điện cho các hộ dùng điện như tu sửa, cải tạo và sửa chữa định kỳ hoặc có khi có sự cố thường gặp khó khăn về nguồn vốn.

·   LÊ BÁ TẠO – Giám đốc ngân hàng Nhà nước tỉnh

“Là chấm dứt được tình trạng khan hiếm tiền mặt thâm niên mãn tính trong các ngân hàng. Là sự đổi mới công nghệ thanh toán và những chính sách tiền tệ quốc gia đúng đắn. Tiền mặt được thỏa mãn. Tín dụng được mở rộng. Nền kinh tế tăng trưởng mà lạm phát lại được kiềm chế và đẩy lùi. Công sức ấy có từ nhiều phía nhưng phải kể đến sự cải tổ từ một Ngân hàng Nhà nước duy nhất thành một hệ thống Ngân hàng hai cấp, từ một Ngân hàng của kinh tế quốc doanh thành một Ngân hàng của mọi thành phần kinh tế.

Yếu kém và bế tắc của Ngân hàng tỉnh là không huy động được vốn để đầu tư, nhất là vốn trung hạn và dài han. Nạn “của chùa” ở thời bao cấp vẫn chưa được coi là dĩ vãng ở một số thượng đế nên vốn cho vay ra thật khó thu hồi về…”.

·   KTS NGUYỄN XUYẾN – Giám đốc Sở Xây Dựng

Ngành công nghiệp sản xuất VLXD là một trong các thế mạnh thực tế của tỉnh. Trong đó xi măng là một mặt hàng mũi nhọn, có tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu kinh tế chung toàn ngành.

Năm 1992, sau giai đoạn phục hồi Nhà máy xi măng Đông Hà, ngành chúng tôi đã tiến hành hoạch định chiến lược phát triển VLXD trong đó trọng tâm là sản xuất xi măng đến năm 2010. Do điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, ngành không đủ điều kiện để gọi vốn đầu tư nước ngoài, nên về phương thức đầu tư, chúng tôi chia ra làm nhiều giai đoạn:

- Giai đoạn 1994-2000: xây dựng 3 đơn vị nguyên 8,8 vạn tấn/năm có tổng công suất 25 vạn tấn/năm, bằng công nghệ lò đứng hiện tại.

- Xây dựng lò nung tuy nen có công suất 20 triệu viên gạch/năm.

- Giai đoạn 2000-2010 có thể xây dựng thêm một nhà máy có công suất 0,5 triệu tấn/năm bằng công nghệ lò quay.

Đến năm 2010 đưa tổng sản lượng xi măng lên 0,75 triệu tấn/năm

Hiện nay đơn nguyên 1 với công suất 8,8 tấn/năm đã được khởi công xây dựng. Dự quý I/1995, nhà máy chính thức đưa vào hoạt động.

Nhưng hiện nay do thiếu vốn đầu tư, làm chậm tổng tiến độ thi công công trình. Để giải quyết bế tắc trên, chúng tôi kiến nghị Nhà nước giải quyết vốn đủ, kịp thời, cho phát hành các loại cổ phiếu với mệnh giá thích hợp, để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân và các doanh nghiệp SXKD, nhằm giải quyết một phần khó khăn về vốn đầu tư.

·   THÁI VĨNH KHÁNG - P.Giám đốc Sở Công nghiệp – TTCN

Phải khẳng định là trên lĩnh vực CN, sau 5 năm lập lại tỉnh, chúng ta đã dành được những thành tựu đáng khích lệ. Trước hết phải kể đến việc phát triển hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh nhà và triển vọng của ngành sản xuất vật liệu xây dựng như ý kiến của các đồng chí giám đốc Sở điện lực và Sở xây dựng đã đề cập đến. Năm năm lập lại tỉnh cũng là 5 năm bước vào thực hiện cơ chế quản lý mới - cơ chế thị trường có thị trường co sự quản lý của Nhà nước, CN Quảng Trị đã vượt qua giai đoạn mò mẫm, lúng túng, đang thích nghi dần và từng bước khẳng định mình. Trong 20 năm doanh nghiệp Nhà nước lập lại theo NĐ 388, 17 doanh nghiệp đã tự mình doanh thu năm sau cao hơn năm trước, thu hút được lao động, cơ bản hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh đang được khuyến khích phát triển. 27 doanh nghiệp tư nhân và công ty TNHH đã được thành lập. Sản phẩm gốm Thanh Quảng đã có tính nhiệm với khách hàng Canada. Gạch men, cửa xếp, ván ép, sản phẩm tiểu thủ CN Quảng Trị đã sang với bạn Lào và các tỉnh bạn….

Công nghiệp khai khoáng đang có nhiều triển vọng. Các dự án về khai thác ti tan Vĩnh Thái, vàng sa khoáng Đắcrông, nước khoáng Tân Lâm, cát Bắc Cửa Việt cũng đang được các nhà đầu tư của nước ngoài chú ý.

- Về những yếu kém và bế tắc:

+ Do thiếu tài liệu điều tra cơ bản nhất là về tài nguyên khoáng sản nên còn lúng túng khi xây dựng quy hoạch và định hướng phát triển công nghiệp.

+ Việc sắp xếp tổ chức sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực CN còn thiếu tập trung. Thay vì bố trí theo tính chất công nghệ, quy mô sản xuất bằng việc tổ chức manh mún chia cắt theo cơ số quản lý hành chính Nhà nước nên không có điều kiện để đầu tư chiều sâu nâng cao chất lượng sản phẩm.

+ Công nghiệp chưa tạo được nguồn thu lớn cho ngân sách, yếu kém này chủ yếu thuộc về nhà sản xuất nhưng việc tạo vốn và các biện pháp nuôi nguồn thu của Nhà nước chưa được chú ý (hằng năm vốn lưu động bổ sung từ ngân sách của tỉnh mới chỉ xấp xỉ 5% tổng chi ngân sách).

+ Thiếu sự phối hợp đồng bộ trên quy mô tổng thể giữa công nghiệp với các ngành trong việc tìm đầu ra và việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giữa CN với các địa phương trong việc tạo nguồn nguyên liệu (đầu vào) cho sản phẩm.

Trong xu thế chống nguy cơ tụt hậu, Quảng Trị hơn bất cứ địa phương nào khác phải thật sự quan tâm đến CN, đẩy tới một bước CN hóa, hiện đại hóa để xây dựng quê hương giàu mạnh.

·   ĐINH TẤN VĨNH – Giám đốc Sở Thương Mại Du Lịch

Có thể nói sau 5 năm lập lại tỉnh, ngành Thương mại và Du lịch Quảng Trị đã có những chuyển biến, tiến bộ đáng được ghi nhận là:

- Sắp xếp lại tổ chức và phát triển một cơ chế quản lý hành chính kinh tế nhà nước và hoạt động kinh doanh Thương mại dich vụ - Du lịch trên địa bàn tỉnh ngày một hợp lý, khoa học, có hiệu quả.

- Tổ chức xây dựng và phát triển thị trường Thương mại - Du lịch ngày càng sôi động, đa dạng, phong phú, từng bước có sức thu hút và hòa nhập tốt.

- Định hướng cho phát triển sản xuất sát yêu cầu thị trường trong và ngoài nước, phục vụ thúc đẩy sản xuất và xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật khá tốt cả về cung ứng tư liệu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phục vụ các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thông dụng, cao cấp cho nhu cầu đời sống của nhân dân ngày càng tốt hơn

- Ngày một tạo được nhiều việc làm hơn, đời sống của CBCNVC đang từng bước được cải thiện, bộ mặt TM - DL xã hội được đổi mới nhiều so với trước.

- Đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của Nhà nước với tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng nguồn thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước khá nhiều.

Những tồn tại, yếu kém và khó khăn thử thách là:

- Phục vụ sản xuất và đời sống đối với đồng bào dân tộc miền núi, vùng cao, vùng sâu, phục vụ sản xuất nông nghiệp, đổi mới kinh tế xã hội vùng nông thôn, góp phần cải thiện đời sống nông dân đang còn nhiều hạn chế.

- Phát triển khá nhưng chưa cơ bản, chưa ổn định và chưa vững chắc.

- Cơ chế khoán quản và tổ chức quản lý kinh doanh còn lúng túng.

- Vốn lưu động còn nhỏ bé, cơ sở vật chất kỹ thuật thấp kém, trình độ đội ngũ cán bộ CNV còn non yếu, năng lực kinh doanh và khả năng cạnh tranh đang còn bị hạn chế. Đây là những khó khăn thử thách lớn nhất đối với ngành Thương mại – Du lịch Quảng Trị, nhất là khối DNNN

Tuy còn nhiều khó khăn và thách thức song với đà chuyển biến tốt vừa qua, ngành TM và DL Quảng Trị chắc chắn sẽ có bước tiến bộ mới cao hơn.

·   TRƯƠNG SĨ TIẾN – Giám đốc Sở Giáo dục Đào Tạo

Năm năm qua Giáo dục Quảng Trị đã giữ được sự phát triển khá liên tục về số lượng à chất lượng, tạo được những tiền đề cho bước phát triển xa hơn.

Nhiều ngành khác trước chưa có nay đã có và phát triển mạnh như các Trung tâm Giáo dục kỹ thuật năm 1989 không có cái nào này ở 8 huyện thị có 8 trung tâm, có 2 trung tâm hoạt động khá tốt ở 2 thị xã. Tin học từ số 0 (năm 1989) đến năm 1990 được trang bị 2 máy, năm 1994 đã có 60 máy và 5 kỹ sư tin học (sang năm sẽ đạt 100 máy và 17 kỹ sư). Tin học Quảng Trị là một trong nhũng cơ sở tin học mạnh của cả nước. Trung tâm Đại học tại chức vừa thành lập sau ngày được chia tỉnh đã có 4 chuyên ngành Đại học: Pháp lý, Quản trị kinh doanh, Xây dựng, Tài chính, dự kiến sẽ mở thêm 3 ngành: đào tạo kỹ sư thực hành tin học, lâm sinh và ngoại ngữ, “Toàn xã hội làm giáo dục”. Từ chỗ tuyên truyền kêu gọi như một phong trào nay đã phát triển xây dựng thành một cơ chế vận hành có hiệu quả.

Thành qua ấy có sự cố gắng rất lướn của đội ngủ anh chị em cán bộ giáo viên nhân viên trong ngành. Tuy nhiên Giáo dục Quảng Trị còn gặp những khó khăn rất lớn; yêu cầu đối với ngành hiện nay đã lớn, sắp tới để “công nghiệp hóa”, “hiện đại hóa” đòi hỏi những nổ lực lớn hơn nhưng ngành rất khó khăn về kinh phí hoạt động, đời sống đội ngũ cán bộ, giáo viên còn quá gian khổ. Đặc biệt ngành học mầm non đang là một vấn nạn của ngành khi chế độ đãi ngộ cho giáo viên rất thấp (15-20) kg thóc/tháng/giáo viên. Giáo dục nghề nghiệp còn thiếu trang thiết bị, bởi đầu tư cho ngành học này đòi hỏi kinh phí lớn. Thiếu phòng học trầm trọng ở hầu khắp các nơi (ngay cả thị xã Đông Hà tỉnh lỵ cũng đang rất thiếu). Giáo viên ở miền núi đang chịu quá nhiều thiệt thòi nhưng sở chưa đủ điều kiện để cải thiện đời sống sinh hoạt cho anh chị em.

·   LÊ VĂN HÀO – Giám đốc Sở Y Tế

- Thành tựu có thể coi là lớn nhất trong những năm qua là đã chuyển hướng công tác Y tế vào việc chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) và đã thu được một số kết quả đáng kể: Năm 1989 tỷ lệ tiêm chủng mở rộng (TCMR) ở tỉnh ta đạt dưới 80%. Đến năm 1993 đạt 95,7%. Chương trình chống viêm phổi (ARI) và chương trình chống tiêu chảy (CDD) cho trẻ em dưới 5 tuổi đã thực hiện trên 60 xã. Nhờ thế các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là các bệnh dịch ở trẻ em đã giảm một cách đáng kể.

Trong việc CSSKBĐ thì vấn đề xã hội hóa vừa là nguyên nhân vừa là thành tựu. Nhân dân được nâng cao nhận thức về Y tế, tự mình chăm lo sức khỏe cho mình. Điều đó đã làm cho việc CSSKBĐ thực sự bắt rễ lâu bền trong nhân dân.

Khó khăn lớn nhất vẫn là trang thiết bị. Trừ bệnh viện tỉnh ra, tất cả bệnh viện, phòng khám của 8 huyện thị chưa có nơi nào có một phòng cấp cứu hoàn chỉnh. Bởi chúng ta không có tiền để mua. Mặc dù vẫn biết các loại máy đó hết sức cần thiết đối với sinh mạng người bệnh. Tất nhiên khi đề cập đến vấn đề này chúng tôi vẫn ý thức được rằng tỉnh ta là một tỉnh nghèo, khó khăn ấy không hẳn là khó khăn riêng của ngành y tế.

Một điều nữa là vấn đề nhân lực. Ở tuyến trên chúng ta chưa có điều kiện để đào tạo được một đội ngũ thầy thuốc đầu ngành giỏi, điều này sẽ làm cho việc tiếp thu thành tựu y học mới rất khó khăn. Thiệt thòi này không phải thiệt thòi riêng của cán bộ y tế. Ở tuyến dưới cán bộ y tế xã chưa có đồng lương ổn định mà vẫn hưởng trợ cấp rất thất thường. Trong lúc đó nội dung cơ bản của việc CSSKBĐ đều thực hiện ở cở sở. Giải quyết điều này phải có quyết sách của Trung ương, của Tỉnh.

 

 

TÂN LÂM GIỜ ĐÂY XANH LẮM

ĐINH NHƯ HOAN                                                                        Bút ký

Tôi quen Thanh, một công nhân của nông trường Tân Lâm đang sống ở vùng Cùa. Nghề công nhân nông nghiệp của Thanh không lấy gì làm thảnh thơi, thế nhưng anh ta lại có sở thích rất “văn nghệ”. Thanh  nhận đấu thầu hồ nuôi cá của tập thể , thay vì chỉ che một túp lều cạnh bên hồ thì anh ta lại dựng ngày một ngôi thủy tạ theo kiểu tranh tre nứa lá, rồi lặn lội khắp nơi kiếm tìm phong lan về treo kín quanh thành ốc đảo phong lan đủ loại, độc đáo và được bạn bè đặt cho cái tên thực kêu: “Phong lan thủy quán”. Tôi dám chắc với mọi người là ở Quảng Trị sẽ không tìm ra một nơi tương tự có nhiều phong lan và đẹp như Phong lan thủy quán của Thanh. Thế rồi không ai nghĩ đến cái lều ở cạnh hồ nuôi cá của anh nữa, nó đã biến thành một địa chỉ picnic kỳ thú và đáng yêu. Từ ngày xuất hiện “Phong lan thủy quán” nhiều dân Đông Hà sành chơi ngày nghỉ không muốn đi tắm biển Cửa Tùng lại đèo nhau bằng xe máy, xuyên qua bạt ngàn tiêu, bạt ngàn cao su, vào “chiến khu” để đến Phong lan thủy quán. Mùa hè ở đây có gió nhưng không phải gió Lào, có nắng nhưng không giống cái nắng đổ lửa của miền Trung. Họ nhảy xuống tắm và nằm phơi mình dưới các tầng phong lan mà hít thở hơi rừng, rồi dõi mắt trông theo mấy tay thợ săn vác con thú xuống bến nước mà tứa nước bọt nghĩ đến cuộc nướng thịt rừng sắp diễn ra khi mặt trời vừa khuất sau đỉnh Sác-li.

Té ra chẳng phải chỉ với Thanh và ốc đảo phong lan của anh mà cả Cùa này, cả Tân Lâm này người ta cũng đầy tràn máu “văn nghệ” để biến vùng đất bazan từ bãi chiến địa hoang tàn thành những lung lũng lá và hoa. Chả thế mà vị cựu Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 quân đội Việt Nam cộng hòa đến điểm cao 241 đành phải chịu lạc giữa rừng tiêu ngút ngàn mà không tìm ra vị trí cách đây hơn hai mươi năm, ông ta đã kéo cờ trắng đầu hàng Quân giải phóng vào năm 1972. Và chả thế mà một nhạc sĩ đã cảm hứng gẩy lên bản “Hoa Lân Lâm” vời vợi để hát mãi khúc màu xanh ấy.

Huyền thoại xanh của Tân Lâm có lẽ bắt đầu từ ngày Quảng Trị giải phóng. Chính xác hơn, khi mà tiếng súng đã lùi qua bên kia cầu Thạch Hãn, khi mà miền Bắc quyết định chi viện cho miền Nam không chỉ là súng đạn mà còn cả hạt giống để lập nên một nông trường quốc doanh XHCN đầu tiên ở miền Nam Việt Nam, đó là Tân Lâm bây giờ. Đã hai chục năm, Tân Lâm sắp thổi ngọn nến tuổi hai mươi của mình mà không ngờ mình được như mình hiện tại. Bởi người Tân Lâm máu đã đổ nhiều (dù đã hết chiến tranh) để biến chiến trường thành nông trường, biến công sự, đạn bom, rào kẽm gai thành hồ tiêu, cao su, dứa, cà phê... vẫn phải quá hai mươi năm, song cái đổi thay kỳ diệu của Tân Lâm quả là “thương hải tang điền” vậy.

Anh Trần Ngọc Bửu Giám đốc Xí nghiệp liên hiệp hồ tiêu Tân Lâm, chàng trai Bình Định tập kết ra Bắc đã bạc đầu vì “sự nghiệp nông trường” của Quảng Trị khái quát về sự trưởng thành của nông trường Tân Lâm rằng: “Kể như Tân Lâm của chúng tôi đã qua hai lần “vượt cạn”, mà lần nào cũng gian khổ, đớn đau. Ấy thế nhưng bao giờ cũng mẹ tròn con vuông”. Lần vượt cạn đầu tiên mà anh nói chính là lúc Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Anh ký quyết định thành lập nông trường ngay trên mảnh đất hôm qua còn khói đạn chỉ có đồi trọc và hố bom, có gió Lào cấp sáu và nắng lửa.

Và người Tân Lâm đã bắt đầu huyền thoại của mình như thế. Còn cuộc “vượt cạn” lần thứ hai tuy máu không đổ nhưng xem ra còn gian khổ bội phần, đó là cuộc chiến thắng mình để vượt qua ngưỡng cửa của cơ chế mới. Thế độc canh cây tiêu bị phá vỡ không chỉ trong vườn Xí nghiệp mà cả trong tư tưởng của người công nhân nông nghiệp y như là một lẽ tất yếu. Mà cũng phải thôi khi cả cơ chế mới đã giúp cho mọi người hiểu ra làm giàu là thế nào. Vậy nhưng sự chuyển đổi từ một tập quán đợi chờ bầu sữa bao cấp hơn 15 năm trời để trở thành một chủ thể tháo vát, tự định liệu mình của Tân Lâm đã trải qua không ít vật vã. Nếu như Tân Lâm là một bức tranh thì cuộc vượt cạn đầu tiên đã cho cái nền xanh, một cái phông của sự sống, còn cuộc vượt cạn sau chính là gam màu của hoa trái, của cái sống động, là cái tên của bức tranh đó. Giờ đây, Tân Lâm như một người thợ chăm chỉ và tài năng hành sự theo đơn đặt hàng của thị trường để trồng thêm cao su, dâu tằm, lập Xí nghiệp nước khoáng, Xí nghiệp phân bón N.P.K và sắp tới sẽ cho vận hành Xí nghiệp ươm tơ tằm với công suất hai mươi tấn mỗi năm.

Nói đến chuyện làm ăn, anh Bửu khẳng định rằng doanh nghiệp luôn gắn liền với lãi. Nhưng cái lãi của doanh nghiệp mỗi ngành một khác. Người ta buôn bán, kiếm được đồng tiền lãi thật dễ. Còn một đơn vị sản xuất nông nghiệp như Tân Lâm đồng tiền gặt hái được quả là cam go, cũng như người dân sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị mấy ai giàu lên một cách dễ dàng nhờ cây, con, củ, quả đâu? Vì vậy để không bị xóa sổ như nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chuyên canh khác, Tân Lâm đã phải tìm cho mình một chỗ đứng, chỗ đứng trên ruộng đồng và kết thân với người nông dân vốn tính thủy chung rất mực. Nói những đề án về chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế thì xem ra quá dài dòng và có vẻ sách vở. Ở Tân Lâm khái niệm trên được mọi người hiểu là sự “chia phần” giữa những người liên kết. Ngày trước Xí nghiệp là ông chủ của tất cả quá trình sản xuất từ A đến Z người công nhân chỉ làm công ăn lương. Còn bây giờ họ đều là ông chủ như nhau, là đối tác của nhau trong sản xuất, kinh doanh, mỗi bên làm chủ mỗi phần việc. Những vườn tiêu bát ngát của ông chủ Xí nghiệp suốt mười lăm năm qua đã được chia ra, sang tên cho người công nhân, cộng với vườn tiêu cá nhân gia đình họ tạo nên một khả năng sản xuất mới mà xưa nay chưa hề có. Người công nhân thực sự là chủ sản phẩm. Họ có quyền định đoạt chúng. Còn phía đối tác của họ, Xí nghiệp trở thành nơi thu mua, chế biến và làm các dịch vụ khác trở lại cho công nhân. “Phần” này chỉ có xí nghiệp mới có đủ khả năng đảm đương một cách hết sức hợp lý. Cách đây một năm Tân Lâm có 1.800 công nhân, thực hiện chế độ 176 xong, chỉ còn lại 700 người . Nhưng không giống nhiều doanh nghiệp khác vì 1.100 công nhân nghỉ chế độ nói trên trở thành nông dân và lại liên kết với Xí nghiệp với tư cách “ông chủ” ngay trên vườn cây mà họ mới mua lại của xí nghiệp. Bởi thế, chẳng ai dám bảo đảm rằng ở Tân Lâm người ta thiếu việc làm.

- Công việc thì không thiếu, nhưng cái chính là chọn cho được một cơ cấu cây trồng ưu việt nhất – Giám đốc Trần Ngọc Bửu nói - Chúng tôi đã có cây hồ tiêu, cây cao su, cà phê và đang phát triển mạnh cây dâu tằm.

- Thưa anh, người ta nói tiêu ngày càng xuống giá mà Tân Lâm đa phần là tiêu. Xí nghiệp có ý định gì trước tình hình đó không? Tôi hỏi.

- Chẳng phải tiêu đang ngày càng xuống giá, mà giá tiêu trên thị trường thế giới biến động theo chu kỳ hình sin. Chừng 5 năm một lần. Nhiều nơi khi thấy tiêu lên giá là đua nhau trồng đến khi thu hoạch lại rơi vào kỳ xuống giá, còn khi tiêu xuống giá lại chẳng ngó ngàng nên lúc thu hoạch được đã lại ở thời kỳ cao giá. Chúng tôi chủ trương trồng tiêu tiếp tục, nhất là những lúc giá tiêu rẻ để đón đúng chu kỳ của nó. Ở Tân Lâm tiêu vẫn là cây trồng chủ lực và chúng tôi đang muốn mở rộng nhiều mà chưa có vốn.

Đến thời điểm hiện tại ở Tân Lâm lại đang có một sự chuyển động nữa về cơ cấu cây trồng, mà kết quả của nó đang thu hút sự chú ý của hàng vạn nông dân ở các địa phương trong tỉnh. Đó là sự kiện cây dâu tằm xuất hiện trên đất Quảng Trị. Đã có không ít sự hoài nghi về khả năng phát triển kinh tế nuôi tằm ở ta nhưng dư luận lại cho đó là một bước nhảy rất dài thể hiện tầm nhìn khá xa của Tân Lâm. Nghề nuôi tằm trồng dâu vốn dĩ không xa lạ với người Quảng Trị ngày xưa, thế nhưng phục sinh nó lại mang ý nghĩa chiến lược cho đời sống nhân dân bây giờ. Ở thời đại làm giàu bằng các công nghệ tiên tiến với các sản phẩm hiện đại thì trồng dâu nuôi tằm không thể cho một lợi nhuận cao như sản xuất xi măng hay hàng điện tử. Nhưng nó lại có một khả năng mà trong điều kiện thực tế không một loại hình sản phẩm nào có được là giúp cho người nông dân Quảng trị nâng cao đời sống và tự làm giàu cho bản thân mình. Và với Tân Lâm chương trình trồng dâu nuôi tằm đã được máy tính cho biết những khả năng gặt hái trong tương lai của xí nghiệp cũng như của nông dân. Họ lại dùng phép “chia phần” trên cây dâu và kết quả bước đầu thật là khả quan.

Tân Lâm đã giao trọng trách “tàm tang” cho anh Trần Đoàn vị Phó Giám đốc xí nghiệp liên hiệp đẹp trai vừa mới qua tuổi 30 cách đây mấy năm. Anh vốn là cánh tay phải của Giám đốc Trần Ngọc Bửu được tôi luyện qua bao thử thách nghiệt ngã của cơ chế mới và đã tỏ ra một người Tân Lâm có bản lĩnh trong quản lý và mẫn cảm với thị trường. Tưởng rằng Trần Đoàn chỉ quen với nghề quản lý kinh doanh ấy thế mà rất tự nhiên lại rất tâm huyết với cây dâu con tằm và tỏ ra rất sành sỏi với chúng. Anh có thể nói hàng giờ về dâu tằm từ kỹ thuật nuôi, trồng, đặc điểm giống đến các hình thức quản lý, điều hành chương trình…chẳng khác gì một kỹ sư canh nông chuyên ngành dâu tằm vậy. Mà cũng không riêng gì Trần Đoàn, ở Xí nghiệp dâu tằm tơ Đông Hà người ta có thể gặp những gương mặt tương tự như anh, đó là Khánh, là Tưởng, là Mơ…hễ có dịp là họ nói về tằm, say mê và thành thạo. Nhất là những lúc họ gặp bà con nông dân mang kén lên bán hay về địa bàn hướng dẫn trồng dâu. Phó Giám đốc XNLH hồ tiêu Tân Lâm hạch toán rất gọn rằng đất gò đồi Quảng Trị trồng một héc ta dâu cứ sáu tháng thu được hai mươi lăm tấn lá. Chỉ lấy có mười lăm tấn lá thôi cũng đủ cho ra một tấn kén và thu được mười lăm triệu đồng. Hiện tại có 1.500 hộ nông dân đã đầu tư nuôi tằm trồng dâu và tuy mới mấy tháng nhiều gia đình đã thu hàng triệu đồng. Như ông Sinh ở Tân Nghĩa 3, ông Quốc ở Vĩnh Linh, ông Thành ở Cam Lộ…Tôi đã được gặp một nông dân ở Triệu Phong, khi ông mang kén ra bán cho Xí nghiệp. Ông tỏ ra rất vui mừng vì đã có thêm cách thu nhập mới khá tốt: “Nhà tôi có 1/2 mẫu ruộng, xưa nay ngoài ruộng lúa, chuồng heo, chúng tôi không còn gì khá hơn để làm. Giờ đây, công việc cũ vẫn bình thường mà vài tháng, tôi đã có thêm gần nữa triệu đồng từ con tằm”. Tôi hỏi ông: “Nuôi tằm trồng dâu mà không ảnh hưởng đến công việc thường ngày thì có vất vả lắm không, vì tôi vẫn nghe người ta nhắc “làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng” mãi đấy. Ông cười như một cậu học trò làm xong bài thi thật dễ: Ban đầu tôi vẫn nghĩ thế ,vì xưa kia làng tôi cũng có nghề này. Nhưng bây giờ nuồi tằm khỏe hơn nhiều. Dâu có giống mới, lá to, năng suất cao, tằm thì đã có trứng ở xí nghiệp bán sẵn, có cân có lượng, có ngày giờ cụ thể...chả phải như xưa không lường được lượng tằm nở ra cho nên có khi cả làng chạy nháo nhào đi mua dâu lên cả Cam Lộ, Gio Linh”. Một nông dân khác ở Gio Linh đã thuật lại phong trào trồng dâu ở làng mình như sau : “Nghe cán bộ Xí nghiệp khuyến khích tôi ưa lắm, nhưng vận động mãi quanh xóm chả ai ủng hộ. Tôi trồng lứa dâu đầu không có kinh nghiệm, cạn quá, gặp nắng chết gần hết, họ cười tôi. Lần thứ hai tôi trồng sâu hơn và thắng lợi. Thấy tôi bán kén hơn 300.000 đồng, bà con quanh xóm mới học theo, bây giờ nhà ai cũng trồng dâu nuôi tằm cả”.

- Kén bán được là của nông dân, thế còn Xí nghiệp lãi từ nó như thế nào? Tôi hỏi anh Trần Đoàn.

- Xí nghiệp sẽ bao tiêu toàn bộ kén của nông dân, và nhà máy ươm tơ nay mai sắp vận hành của chúng tôi sẽ đảm bảo tiêu thụ 20 tấn kén mỗi năm. Và doanh thu 5 tỷ đồng hàng năm từ tơ mang lại sẽ đưa Tân Lâm đến trước một thời kỳ mới. Đó là điều tất nhiên vì từ trước tới nay chúng tôi thu từ sản phẩm chủ lực là tiêu cũng chỉ có 2,5 tỷ đồng mỗi năm mà thôi.

Cái thời kỳ mới của Tân Lâm như anh Trần Đoàn nói đó suy cho cùng thì chẳng chỉ đến với Tân Lâm mà có thể khẳng định nó ở trên nhiều nét mặt của bà con nông dân Quảng Trị, những người suốt đời sấp mặt trên những luống cày mà chẳng thoát nổi đói nghèo. Tôi lấy làm tin tưởng con tằm sẽ giúp họ giảm bớt đói nghèo nay mai nhờ cái dự cảm, cái quyết tâm lớn lao của người Tân Lâm. Điều đáng nói nhất ở đây là cây dâu không còn gói gọn ở Tân Lâm – Cùa, mà đã phát tán, đã thăng hoa đến các vùng đất khốn khó nhất, khắc nghiệt nhất ở Cam Lộ, ở Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong và cả ở Đông Hà tỉnh lỵ. Bất giác tôi đồng cảm với ý nghĩ của Giám đốc Trần Ngọc Bửu khi anh cho rằng Quảng Trị đất gò đồi nhiều hơn đồng bằng, người và đất ở đây cũng nhận được chưa nhiều sự quan tâm của đồng vốn đầu tư như ở đồng bằng. Vì vậy, cây dâu, con tằm đến với vùng đất này quả là một động viên lớn bởi hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài của nó. Chính ý tưởng đó đã làm tôi nhận rõ chân dung của những người như anh, như Trần Đoàn, như nhiều anh em khác, rất Tân Lâm. Một doanh ngiệp mà tâm huyết với nguồn lãi của xã hội, với đời sống của nông dân đến thế. Rồi đây từ dâu tằm, doanh nghiệp Tân Lâm sẽ có một hứa hẹn mới, nhưng cao hơn thế, ý nghĩa hơn thế là người nông dân Quảng Trị bên cạnh cây lúa, củ khoai, có thêm một nghề mới, một chiếc cần câu xóa đói thực sự.

Lên Tân Lâm hẳn mọi người giờ đây giờ đây sẽ bắt gặp trong cái xanh quen thuộc có cái xanh mới mẻ mà đầy sức trỗi của cây dâu tằm. Sức trỗi đó có thể đứng trên điểm cao 241 mà nhìn xuống hay nằm ngửa dưới tầng Phong lan thủy quán mà trông lên đều chiêm ngưỡng được. Tôi đã lên đó và trở về và nếu có ai hỏi, tôi sẽ trả lời: “Tân Lâm giờ đây xanh lắm”.

Tháng 7-1994

      Đ.N.H

C.V
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 2 tháng 11/1994

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

10 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

10 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

10 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

10 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

31/03

25° - 27°

Mưa

01/04

24° - 26°

Mưa

02/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground