Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 24/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ và văn học nghệ thuật

Sinh thời, Hồ Chí Minh không có ý định dùng văn chương, nghệ thuật để lập thân lập nghiệp, Người cũng không nhận mình là một nhà thơ, nhà văn. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp văn học nghệ thuật và xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ để đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã xây dựng cho mình hệ thống các luận điểm phong phú và sâu sắc về vai trò của văn học nghệ thuật, về văn nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo, tác phẩm văn nghệ, sự kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại.

Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ cách mạng

Lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Hồ Chí Minh đã gọi văn nghệ sĩ là chiến sĩ. Trong Thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa 1951, Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy(1). Đồng thời, Người đặt vấn đề về phẩm chất đối với văn nghệ sĩ: “Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự Nhân dân, trước hết là công, nông, binh” nghĩa là phải dùng ngòi bút, tác phẩm của mình để phụng sự cách mạng và Nhân dân. Văn nghệ sĩ “cần có lập trường vững, tư tưởng đúng”, phải tiên phong “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”. Theo Hồ Chí Minh, văn nghệ sĩ toàn tâm, toàn ý “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân... nhất định sẽ tiến bộ hơn nữa, đồng thời có lực lượng mà giúp đỡ Nhân dân tiến bộ hơn nữa”.

Cùng với việc nhắc nhở văn nghệ sĩ trau dồi về đạo đức, chính trị tư tưởng, Hồ Chí Minh còn yêu cầu người nghệ sĩ kiểu mới phải không ngừng nâng cao trí tuệ, trau dồi nghiệp vụ nghệ thuật để phục vụ tốt nhất cho quần chúng Nhân dân. Với quan điểm ấy, chúng ta có thể thấy người nghệ sĩ - chiến sĩ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là người có lý tưởng cách mạng đúng đắn, trong sáng về đạo đức, cao đẹp về tâm hồn và có tài năng nghệ thuật xuất sắc để dẫn dắt tinh thần dân tộc, hướng đến các giá trị cao đẹp góp phần thực hiện chức năng thẩm mỹ của văn hóa văn nghệ.

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc kiến trúc thượng tầng, nên trong quan hệ với chính trị thì chính trị, xã hội được giải phóng thì văn hóa mới được giải phóng. Chính trị mở đường cho văn hóa phát triển và khi “Dân tộc bị áp bức, thì văn nghệ cũng mất tự do. Văn nghệ muốn tự do thì phải tham gia cách mạng”(2). Do đó, văn nghệ sĩ phải là một chiến sĩ thực thụ và dùng ngòi bút của mình để phò chính trừ tà, giành lại quyền thống nhất, độc lập cho Tổ quốc và hạnh phúc cho Nhân dân.

Cũng như giới nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ cũng đồng hành cùng dân tộc. Về văn học là các nhà văn, nhà thơ: Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao, Trần Đăng, Nguyễn Huy Tưởng, Đặng Thai Mai, Trần Huy Liệu, Hoài Thanh, Thôi Hữu, Hoàng Trung Thông, Chính Hữu, Hồng Nguyên, Võ Huy Tâm, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Ngô Tất Tố, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nông Quốc Chấn, Hồ Phương, Hoàng Cầm, Quang Dũng, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, Nguyễn Xuân Sanh, Trần Huyền Trân, Lưu Trọng Lư, Anh Thơ, Vũ Tú Nam, Bùi Hiển, Nguyễn Văn Bổng, Kim Lân, Trần Hữu Thung, Tế Hanh, Nguyễn Khải, Giang Nam, Hữu Loan, Bàn Tài Đoàn, Tú Mỡ,… Về sân khấu có các nhà biên kịch, đạo diễn: Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Huy Tưởng, Lưu Quang Thuận, Ngô Tất Tố, Vũ Lăng,... Về âm nhạc, có các nhạc sĩ: Văn Cao, Đinh Nhu, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Xuân Oanh, Nguyễn Thành, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đình Thi, Lương Ngọc Trác, Hoàng Việt, Lê Yên, Phan Huỳnh Điểu,… Về mỹ thuật có các họa sĩ: Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Sĩ Ngọc, Trần Lưu Hậu, Diệp Minh Châu, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Lê Lam, Nguyễn Thị Kim, Lương Xuân Nhị,… Về điện ảnh, nhiếp ảnh, trong hoàn cảnh rất thiếu thốn về máy móc, phương tiện, vật liệu, các nghệ sỹ của ta như: Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Mai Lộc, Phan Nghiêm, Vũ Năng An, Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Thế Đoàn, Khương Mễ, Pham Văn Khoa đã chụp và quay được những bức ảnh, những đoạn phim tài liệu rất quý(3)… 

Bác Hồ với các nghệ sỹ nhiếp ảnh. - Ảnh: Tư liệu

Bác Hồ với các nghệ sỹ nhiếp ảnh. - Ảnh: Tư liệu

Như vậy, Hồ Chí Minh đã dùng văn học nghệ thuật để thực hiện mục tiêu giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới và con người mới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật có giá trị to lớn góp phần bổ sung tư tưởng văn hóa văn nghệ của dân tộc. Đồng thời, định hướng cho Đảng ta hoạch định về đường lối văn hóa văn nghệ. Tư tưởng của Người đã góp phần tạo ra một nền văn nghệ quần chúng, vì Nhân dân phục vụ chứ không phải nền văn nghệ chỉ vì văn nghệ. Người đã xây dựng nền văn hóa văn nghệ thành một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển đất nước.

Quan điểm Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật

Văn học và nghệ thuật là sự biểu hiện tập trung nhất của nền văn hóa, là đỉnh cao của đời sống tinh thần, là hình ảnh của tâm hồn dân tộc. Hồ Chí Minh là người khai sinh nền văn nghệ cách mạng và có nhiều cống hiến to lớn, sáng tạo cho nền văn nghệ nước nhà. Trong công trình nghiên cứu khoa học cơ sở trọng điểm của Hoàng Minh Lường về tư tưởng Hồ Chí Minh về văn nghệ đã nhận xét: “Có lẽ trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, hiếm có ý thức luận bàn về văn nghệ thường xuyên như Hồ Chí Minh mặc dù người không phải là một nghệ sĩ chuyên nghiệp”(4).

Theo Hồ Chí Minh, văn hóa văn nghệ có vai trò to lớn trong việc “phò chính diệt tà”. Người nhắc nhở văn nghệ sĩ: “Ngòi bút của các bạn là vũ khí sắc bén”. Văn nghệ sĩ phải làm được cái việc “cổ vũ động viên tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của nhân dân”, phải xem “cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng”. Với việc chỉ ra vai trò, chức năng của văn hóa văn nghệ như vậy Hồ Chí Minh đã cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc xây dựng nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Theo Hồ Chí Minh, văn hóa văn nghệ là một mặt trận và không kém phần ác liệt như mặt trận kinh tế, chính trị, quân sự. Mặt trận văn hóa văn nghệ có phần khác so với cách mạng bạo động, vũ trang. Nó là cuộc chiến “khổng lồ” giữa cái thiện và cái ác, cái hay và cái dở, cái mới và cái cũ... Đặc trưng của mặt trận văn hóa văn nghệ là thức tỉnh, định hướng, cổ vũ, động viên tinh thần của quần chúng theo cái thiện, cái hay, cái mới - tiến bộ và góp phần to lớn trong việc thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Trong lịch sử dân tộc, văn hoá văn nghệ luôn được xem là một vũ khí sắc bén trong đấu tranh cách mạng. Đặc biệt, khi Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc và tiếp biến văn hóa của nhân loại trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin để đấu tranh giải phóng các dân tộc bị áp bức, bóc lột. Người đã dùng ngòi bút để tố cáo tội ác thực dân, từ đó thức tỉnh dân tộc, định hướng và tổ chức dân tộc và đưa cả dân tộc đi vào con đường cứu nước mới con đường cách mạng vô sản. Giáo sư Trần Văn Giàu nhận xét rằng: “Nếu viết về chủ nghĩa thực dân thì không ai viết nhiều bằng Nguyễn Ái Quốc… khi Bác Hồ xuất hiện trên vũ đài chính trị thì 70% dân số là thuộc địa cho nên Bác Hồ là ngòi bút viết nhiều nhất về tố cáo tội ác của thực dân”(5). Hồ Chí Minh dùng ngòi bút của mình vạch trần bộ mặt tàn ác của bọn thực dân và tố cáo sự đầu độc văn hóa, đàn áp nền văn hóa dân tộc, phá hoại tất cả các phong tục, tập quán và nền văn minh của dân tộc thuộc địa, phụ thuộc. Đồng thời, Hồ Chí Minh cũng dùng ngòi bút của mình để đả kích cái gọi là “công lí” của bọn thực dân và cổ vũ tinh thần đấu tranh, nổi dậy của nhân dân các dân tộc bị áp bức. Đặc biệt, Hồ Chí Minh dùng văn học nghệ thuật để giúp người Pháp tiến bộ hiểu rõ hơn về chủ nghĩa thực dân. Nhà sử học Pháp Sác-lơ Phu-mi-ô đã viết: “Nguyễn Ái Quốc đã có đóng góp quan trọng vào việc hình thành truyền thống chống chủ nghĩa thực dân - Một truyền thống làm vẻ vang cho Đảng Cộng sản Pháp”.

Hồ Chí Minh yêu cầu, văn nghệ phải gắn với đời sống thực tiễn của Nhân dân. Văn nghệ phải phản ánh được thực tiễn lao động sản xuất, chiến đấu, sinh hoạt và xây dựng xã hội mới của Nhân dân. Hồ Chí Minh phê bình các nghệ sĩ: Chất mơ mộng quá nhiều mà cái chất thật của sự sinh hoạt rất ít… phải trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người. Người chủ kiến: Tác phẩm văn nghệ của văn nghệ sĩ phải gắn liền với đời sống Nhân dân, lấy thực tiễn đời sống Nhân dân làm nhựa sống cho tác phẩm của mình. Bởi, thực tiễn đời sống Nhân dân đem lại cho văn nghệ sĩ nguồn sinh khí, chất liệu vô cùng tận để văn nghệ sĩ có thể nhào nặn, thăng hoa, sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị, có sức sống, vượt qua giới hạn của không gian và thời gian. Để làm được điều đó, văn nghệ sĩ phải “thật hòa mình vào quần chúng”, phải “liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân” để “hiểu thấu” tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của nhân dân.

Hồ Chí Minh cũng hết sức quan tâm đến việc sáng tác như thế nào? Người luôn đặt vấn đề: “Viết để làm gì? Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?”. Nghĩa là phải xác định đúng mục đích, nội dung, đối tượng, phương pháp. Theo Hồ Chí Minh, văn hóa văn nghệ phải có những tác phẩm xứng tầm với dân tộc và thời đại, phải phản ánh cho được đời sống nhân dân. Tác phẩm phải có giá trị để khi “chưa xem thì muốn xem, xem rồi thì có bổ ích”(6).

Hồ Chí Minh cho rằng, tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại phải là những tác phẩm miêu tả vừa hay, vừa chân thật sự nghiệp cách mạng của Nhân dân và nó cũng phải phục vụ đông đảo quần chúng Nhân dân, được quần chúng yêu thích, đem lại những chuyển biến tích cực trong tư tưởng, tình cảm, tâm hồn của mọi người. Hồ Chí Minh viết: “Quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang của chúng ta, những tác phẩm ca tụng chân thật những người mới, việc mới chẳng những để làm gương mẫu cho chúng ta ngày nay, mà còn để giáo dục con cháu ta đời sau”(7).

Hồ Chí Minh quan niệm: “Một tác phẩm văn chương không cứ dài mới hay. Khi nào tác phẩm ấy chỉ diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói, khi nó được trình bày sao cho mọi người ai cũng hiểu được, và khi đọc xong độc giả phải suy ngẫm, thì tác phẩm ấy mới xem như là một tác phẩm hay và biên soạn tốt”(8). Với quan niệm như vậy có thể thấy mấy vấn đề liên quan đến tác phẩm hay:  “diễn đạt vừa đủ những điều đáng nói”, “ai cũng hiểu được”, gợi được vấn đề để “độc giả phải suy ngẫm”. Điều này được lặp lại trong tác phẩm Đường Cách Mệnh, Hồ Chí Minh viết:  “Sách này chỉ ước ao sao đồng bào xem rồi thì nghĩ lại, nghĩ rồi thì tỉnh dậy, tỉnh rồi thì đứng lên đoàn kết nhau mà làm cách mệnh. Văn chương và hy vọng sách này chỉ ở trong hai chữ: Cách mệnh! Cách mệnh!! Cách mệnh!!!”(9)

Tác phẩm văn nghệ cũng phải phong phú, đa dạng cả về đề tài và nội dung, nhưng đề tài bao trùm của giới văn nghệ sĩ là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Văn nghệ thể hiện đề tài bao trùm đó bằng nhiều thể loại, nhiều tác phẩm khác nhau, cung cấp cho xã hội nhiều món ăn tinh thần hơn. Theo Hồ Chí Minh: “Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp”(10). Đồng thời, Hồ Chí Minh yêu cầu: “Trong thời kỳ quá độ, bên những thành tích tốt đẹp là chính, vẫn còn sót lại những cái xấu xa của xã hội cũ như: tham ô, lãng phí, lười biếng, quan liêu, đánh con, đập vợ, v.v… Đối với những thói xấu đó, văn nghệ cũng cần phải phê bình rất nghiêm khắc, nhằm làm cho xã hội ta ngày càng lành mạnh tốt đẹp hơn”(11).

  P.V.H 

_____________________________

1. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246.

2. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.13, tr.504.

3. PGS,TS Nguyễn Thế Kỷ: “Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng TámTheo https://www.tuyengiao.vn.

4. Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Hoàng Minh Lường (2006), Báo cáo tổng quan đề tài khoa học cấp cơ sở trọng điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn nghệ, Hà Nội.

5.https://doc.edu.vn/tai-lieu/phan-tich-mot-so-cau-hoi-ve-tu-tuong-ho-chi-minh-ve-van-hoa-35244/

6. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.13, tr.505.

7. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.13, tr.504.

8. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (2006), Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử t.1, Nxb Chính trị quốc gia, tr.337.

9. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.2, tr.283.

10. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.15, tr.665.

11. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Sđd, t.13, tr.504.

 

PHẠM VĂN HÒA
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 335

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

5 Giờ trước

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

25/04

25° - 27°

Mưa

26/04

24° - 26°

Mưa

27/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground