Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 18/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cuộc giao hòa giữa đất, trời và người

Tết cổ truyền dân tộc trong tiết xuân, ấy là khi vũ trụ bắt đầu một vòng tuần hoàn mới, mọi thứ của cuộc sống cũng có những chuyển biến rõ rệt.

Con người với vai trò là trung tâm trong tam tạo thiên - địa - nhân, nắm rõ quy luật chuyển giao và có những hoạt động mang tính kết nối, tương thông. Nhất là người dân sống trong những vùng mà cuộc đất có lịch sử chuyển giao qua nhiều thời kỳ niên đại như Quảng Trị, thì văn hóa Tết cũng có những sự tiếp biến.

Đi lễ đầu năm ở chùa Cam Lộ,  Quảng Trị - Ảnh: Thanh Long

Đi lễ đầu năm ở chùa Cam Lộ, Quảng Trị - Ảnh: Thanh Long

Cầu an cầu lộc

Trên vùng đất vốn chịu nhiều tang thương của chiến tranh, mỗi năm lại bị thiên tai hoành hành hết hạn hán đến bão lụt, thành ra người Quảng Trị luôn cầu mong được bình an hơn bất cứ điều gì. Ngày tết, rất nhiều người chọn đi chùa làm việc xuất hành đầu năm, như một cách cầu mong bình an.

Ở các làng quê Quảng Trị phần lớn đều có chùa làng, biểu tượng tâm linh tín ngưỡng tự bao đời. Qua giao thừa, các chùa sẽ thỉnh đại hồng chung. Tờ mờ sáng nguyên đán tụng một thời kinh. Từ lúc đó cho đến gần trưa người làng sẽ đến chùa lạy Phật.

Ngoài chùa làng, các ngôi chùa lớn ở Quảng Trị cũng là nơi đón lượng khách chiêm bái đầu xuân rất đông. Trong đó, tiêu biểu là Sắc Tứ Tịnh Quang tự - ngôi tổ đình tọa lạc tại thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong có lịch sử lâu đời gắn liền với nhiều cao tăng.

Truyền thuyết kể rằng, khi xưa thiền sư Chí Khả tới đây lập thảo am, vùng đất này là truông bầu rú rậm, lại lắm cọp beo. Nghe nói tổ sư có tài thuần phục thú dữ, nhờ đó mà lều cỏ đơn sơ đã tọa vững trên cái lưng voi thế đất. Để rồi từ thảo am ấy, hậu thế có được chốn tổ đình trang nghiêm, thanh tịnh.

Cũng tương truyền, sau khi thuần phục được thú dữ, đức Chí Khả còn dự cảm cho đệ tử rằng sau này sẽ có một con quái vật suốt ngày trườn qua bò về quanh đây quấy động cửa thiền. Mấy chục thế hệ kế tục hậu sinh không biết con quái vật ấy là gì. Mãi đến thế kỷ hai mươi, dự cảm của đức tổ mới hiển hiện, đó là con tàu sắt Bắc - Nam suốt ngày chạy qua về bên cạnh chùa. Cái động lướt qua bên cái tĩnh. Cái động như là sự thử thách, như một chướng ngại để người ở trong cái tĩnh phải bình tâm.

Khởi thủy là an. Người Việt nói an cư rồi mới lạc nghiệp. Chữ an bắt đầu cho mọi sự. “Vạn sự khởi đầu nan” và “vạn sự khởi đầu an” là một cặp thành ngữ tưởng như đối nghịch nhau nhưng hóa ra lại bổ sung cho nhau. Từ thuở tổ Chí Khả vào dựng nên Am Tịnh Độ, rừng rú cọp beo là nan, nhưng ý nguyện an dân đã gặp gỡ ý nghĩa cuộc đất.

Trong bút ký Cánh hạc non Nam năm 1971 của Hòa thượng Thích Trí Thủ lược thuật lịch sử tổ đình Tịnh Quang có viết: Tại Bàu Voi xứ, kiến nhất Tượng huyệt, nhất khởi, nhất phục, đại đại bất tuyệt, nghĩa là tại xứ Bàu Voi thấy có huyệt đất hình con voi, như nằm xuống, như đứng dậy đời đời tồn tại không dứt. Thế đất ấy đã bao hàm chữ “an”, như một cơ trời định sẵn, như một đạo từ phát nguyện.

Việc đón tết cổ truyền ở ngôi chùa cũng xoay quanh chữ “an” cho người dân. Có thể nói mùa xuân là mùa lễ hội ở đây, kéo dài từ khoảnh khắc giao thừa cho đến lập hạ.

Đúng khoảnh khắc giao thừa, quý thầy ở tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang sẽ cử mười hai hồi chuông trống bát nhã. Chuông trống bát nhã là một nghi thức đánh chuông và trống xen nhau theo một bài pháp kệ, ý nghĩa nhằm thức tỉnh mọi người, khai mở trí huệ, tìm đến chân lý. Hồi chuông trống bát nhã đánh lúc giao thời như một hồi hiệu nhắc nhở mọi người cùng bắt đầu một năm tốt lành.

Cây ước nguyện đầu năm tại Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang - Ảnh: Hồng Thủy

Cây ước nguyện đầu năm tại Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang - Ảnh: Hồng Thủy

Và ngay từ phút ấy, cửa chùa rộng mở để đón mọi người đến chiêm bái lễ Phật. Sáng Nguyên đán, người dân trong vùng thường du xuân về ngôi chùa Tịnh Quang để khởi đầu an lành một năm. Có thể nói ngôi tổ đình này từ lâu đã như một điểm tụ tâm linh của người Quảng Trị. 

Từ ngày mùng hai đến rằm tháng Giêng, chùa tổ chức kỳ Đại lễ cầu an đầu năm. Trong kỳ đại lễ cầu an, có Pháp hội Dược sư Thất Châu vào ngày mùng 10 tháng giêng để nguyện cầu một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Pháp hội Dược Sư Thất Châu gồm ٧ đàn tràng bố trí theo đồ hình một đóa sen nở. Mỗi đàn tràng có một vị sám chủ và ٦ kinh sư. Phật tử và người tham gia ngồi xếp bằng xen giữa các đàn tràng để tụng kinh hộ niệm. Pháp hội tụng kinh Dược sư - Có thể hiểu dược sư là thầy thuốc, hoặc phương thuốc để trị liệu thân bệnh, tâm bệnh, nghiệp bệnh của chúng sanh.

Cũng trong mùa xuân còn có lễ Giỗ tổ khai sơn tưởng nhớ tổ sư Chí Khả, vào ngày 18 tháng 2 âm lịch. Lễ được tổ chức rất quy mô, đạt tầm mức một lễ hội lớn tại khu vực, quy tụ đông đảo phật tử và người dân khắp mọi nơi trở về. Đây là một trong những lễ hội tâm linh có tầm ảnh hưởng lớn của Phật giáo Quảng Trị.

Hết mùa xuân đến kỳ An cư kiết hạ, là khóa tu ba tháng, từ rằm tháng tư đến rằm tháng bảy. Toàn thể chư tăng ni trong tỉnh vân tập về tổ đình Tịnh Quang thực hành khóa tu. Mỗi tháng tập trung tụng kinh luật vào hai ngày: 14 và 30 âm lịch. Chư tăng tham gia phải thực hiện đầđủ các thời khóa tụng niệm, tọa thiền, niệm Phật, kinh hành, giữ gìn oai nghi tế hạnh trong tu tập, sinh hoạt hàng ngày. Theo Tỳ Ni Luật tạng và truyền thống An cư kiết hạ, tăng ni hằng năm phải an cư ba tháng để trau dồi giới - định - huệ, có năng lượng tự thân và lợi ích xã hội.

Quảng Trị là nơi có lịch sử giao hòa qua nhiều cuộc sáp đổi địa chí, cũng là nơi từng là lằn ranh giới tuyến Bắc Nam, lằn ranh giữa sinh tử bao phen. Thế nên ước nguyện an bình cho những mùa xuân bất tận là điều tất yếu.

 

(Đại đức Thích Nguyên Mãn - Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế, GHPGVN tỉnh Quảng Trị)

Điểm qua một số kỳ lễ thường niên mùa xuân để thấy chùa Tịnh Quang không chỉ là chốn tổ phát tích đạo Phật trên vùng đất Quảng Trị, mà ở đó còn mang biểu tượng của một chữ "an".

Đi chùa đầu năm đã không còn là chuyện tín ngưỡng tôn giáo, mà trở thành nét đẹp nhân văn, thể hiện sự quay về với tánh thiện. Cũng tương tự, ở Quảng Trị còn có lễ hội chợ Đình làng Bích La, vốn xuất phát từ tín ngưỡng dân gian về truyền thuyết rùa thần nổi lên ở ao làng. Từ đó, cứ đến tết làng Bích La mở hội đánh thức rùa để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Tín ngưỡng dân gian này được mở rộng thêm ý nghĩa là cầu lộc cho một năm mới, từ đó chợ Đình thành một lễ hội, một nơi gặp gỡ đầu xuân.

Chợ Đình họp từ giữa đêm mùng hai, rạng sáng mùng ba, trời se se lạnh, sương xuân thả nhẹ. Người người đi nhẹ nhàng yên lặng giữa những đốm đèn dầu leo lét, và mùi nhang tỏa đi trong không gian tạo nên cảm giác huyền ảo, thiêng liêng. Người đi chợ đều vào thắp nhang ở đình và mua một cái lộc, như bó rau cải, nhánh chè xanh.

Tế trời đất

Trong nếp sống của người Việt, lễ cúng được coi trọng nhất. Và thường mọi sự khởi đầu đều bắt đầu từ lễ. Chính vì thế, thời điểm chuyển giao năm cũ và năm mới, nhất quyết phải có phần lễ cũng giao thừa. Phải sau cái lễ này, mọi hoạt động của các thành viên trong gia đình mới được bắt đầu.

Cũng có thể coi lễ cúng giao thừa là cái lễ của hai năm nên lễ gồm hai phần: cúng ngoài trời ngay trước thời khắc giao thừa và cúng trong bàn thờ gia tiên chính lúc giao thừa. Theo đó, mỗi gia đình đều chuẩn bị hai mâm cỗ cúng riêng.

Người ta đặt một cái bàn nhỏ ở giữa sân, hoặc thềm hiên cho lễ cúng ngoài trời. Lễ vật gồm gà luộc, hương hoa giấy áo, bánh chưng bánh tét, cùng một số loại bánh khác. Đêm ba mươi mọi người trong gia đình thường tụ tập làm bánh ít, bánh bột lọc. Sắp giao thừa là lúc bánh vừa hấp chín, đem bày ra dĩa đặt lên mâm lễ cúng.

Phần lễ cúng ngoài trời, tương truyền nhằm đón các thiên binh (12 vị hành khiển). Lúc đó các thiên binh đi thị sát dưới hạ giới, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Hết một năm, vị hành khiển đã cai quản hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị hành khiển mới đi xuống sẽ cai quản hạ giới trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị hành khiển sẽ luân phiên trở lại. Cho nên khi khấn lễ cúng giao thừa, người ta sẽ khấn tên vị hành khiển cai quản năm mới. Chính điều này nên mâm cúng giao thừa một số gia đình có đặt bộ giấy áo quan để cúng vị hành khiển.

Cũng có thể cách đặt bàn thờ ngoài trời là vì người Việt có hai quan niệm tương đồng: “tiền Phật hậu linh” và “tiền thần hậu linh”. Ngoài ý nghĩa cúng quan thần, mâm cúng ngoài trời giống như một lễ cúng tạ thổ thần đất đai, theo tinh thần “đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Và còn thêm một ý nghĩa nữa, lễ ngoài trời để cho các vong cô hồn vô tự, các chiến sĩ trận vong… Ý nghĩa nhân văn này là truyền thống của người Việt nói chung, và người Quảng Trị càng chu đáo hơn bởi mảnh đất này từng là chiến trường nhiều đau thương. Vì thế trên mâm lễ cúng giữa trời của người Quảng Trị còn có thêm dĩa muối, gạo, hạt bỏng màu xanh đỏ (những thứ dùng cho lễ cúng cô hồn).

Ngay sau phần cúng giữa trời là lễ cúng gia tiên ở bàn thờ trong nhà. Cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc giao thừa vừa tới, nhằm cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến. Mâm lễ cũng bao gồm bánh trái hương hoa. Nên nhớ rằng, vào những ngày cuối năm, người Việt đã có lễ cúng tất niên để mời tổ tiên ông bà về ăn Tết. Nên thời điểm này, có thể hiểu rằng tổ tiên ông bà đã ở trong nhà. Và lễ cúng trong nhà cũng được xem là “chúc tuổi” tổ tiên ông bà.

Ở những nhà thờ tự tiên tổ chính (còn gọi là nhà tổ), người ta đặt bàn cúng ngoài trời ở thềm hiên. Sau lễ cúng giao thừa chỉ hóa vàng giấy áo, vãi dĩa muối gạo hạt bỏng xanh đỏ ra đất, còn lễ vật bánh trái và bát hương vẫn để nguyên vậy. Phải sau lễ cúng đưa (thường vào ngày mùng 3 Tết) thì bàn thờ ngoài trời mới được cất đi.

Ngày nay, lễ cúng giao thừa trong các gia đình Quảng Trị có một số thay đổi, nhiều nhà không cúng gà nữa mà chỉ cúng hương hoa bánh trái, gọi là cúng chay. Đây không phải chuyện đơn giản lễ nghi, mà xuất phát từ tính thiện trong con người: năm mới phải bắt đầu cho sự sống, sự sinh sôi, không nên sát hại động vật. Và nhất là khi người Quảng Trị bây giờ đã có tục đi chùa đầu năm, thì chuyện sát sanh luôn được kiêng cữ.

Qua năm mới, người Quảng Trị lại có lễ cúng đất ngay trong những ngày còn tết. Đây là nét riêng của lễ nghi ngày tết vùng Quảng Trị và lân cận. Xuất phát từ việc vùng đất này có những sự sáp đổi trong quá trình di dân, nên người sống có sự ngưỡng vọng thần linh và tiền nhân mở mang bờ cõi. Lễ cúng đất được bày biện thành hai mâm thượng và hạ, các lễ vật ngoài một mâm cỗ thường còn có mía, khoai sắn, mắm nêm và nhất thiết phải có một bộ giất áo thổ thần.

Như vậy chỉ riêng trong mấy ngày tết thôi, người Quảng Trị đã có đủ lễ nghi cúng tế trời đất.

Chùa Trường Khánh (Triệu Phong) thực hiện sát khuẩn  và phát khẩu trang cho người đi lễ đầu năm - Ảnh: Mãn Toàn

Chùa Trường Khánh (Triệu Phong) thực hiện sát khuẩn và phát khẩu trang cho người đi lễ đầu năm - Ảnh: Mãn Toàn

Giao hòa lòng người

Người Quảng Trị nói “đi làng đi họ” là để chỉ việc tham gia các lễ lược của làng mạc họ tộc, chỉ dành cho các cụ ông và trai đinh. Những năm gần đây, ở nhiều làng quê Quảng Trị, việc đi làng đi họ trở nên phổ biến, và dường như đã thành một tập tục lễ nghi. Sáng Nguyên đán thức dậy trong nhà cụ ông mặc áo dài chít khăn đóng tham dự lễ làng.

Trước khi nói chuyện đi, cũng cần nói qua chuyện bày biện chuẩn bị ở những nơi thiêng liêng. Ở làng, có hai chức vụ… không lương là ông từ và ông biện. Ông từ là người coi sóc đình chùa miếu mạo, sắp đặt hương đèn. Thường, một người ở gần đình chùa, miếu làng được cử làm ông từ. Còn ông biện là người chuẩn bị lễ cúng. Các chủ hộ gia đình trong làng thay phiên nhau làm biện, do tự nguyện nhận phiên hoặc Ban hương sự chỉ định. Nhưng thường thì người ta nhận làm biện chứ không đợi chỉ định, bởi làm biện là một nghĩa cử thể hiện niềm tôn kính với tiên tổ. Người ta lại tin rằng nếu lo chu tất lễ bằng tấm lòng thành sẽ được ơn trên phù hộ. Vì thế dân quê còn gọi biện bằng cái tên khác gắn với sự hiếu để, đó là “hầu ngài”.

Cỗ vật mà gia đình biện chuẩn bị rất đơn giản, nói như kiểu người quê là có gì cúng nấy. Một nải chuối, chiếc bánh chưng bọc lá xanh, bánh ít lá gai, đĩa mứt gừng, vài cái bánh in bọc giấy ngũ sắc. Tuy giản dị nhưng đó là tấm lòng của các gia đình biện tự tay làm ra. Từ chiều ngày ba mươi Tết, biện phải đưa cỗ vật dâng cúng ở bàn thờ đình làng và đàn âm hồn.

Trong một năm, làng quê có trên dưới mười lần soạn lễ cúng. Trong đó, hai lễ được tổ chức đầu tiên, vào sáng sớm Nguyên đán là lễ cúng cáo ở đình làng và cúng vong ở đàn âm hồn.

Ngay từ lúc tờ mờ sáng, các cụ cao niên mặc khăn đóng áo dài tề tựu về tại đình làng để chuẩn bị lễ cáo đầu năm. Hai cụ được phân nhiệm vụ đánh chiêng, trống. Hai cụ khác đứng ở bên bàn thờ rót rượu.

Cụ Đại bái làng (người được xem như trưởng làng) làm chủ lễ. Sau khi thắp nhang, cử lệnh cho chiêng trống nhập lễ, vị Đại bái quỳ vái lạy. Trong lúc đó, tất cả những người còn lại đều phải khoanh tay trước ngực, hướng mắt về bàn thờ tiên tổ. Một cụ phụ trách nghi lễ của làng được cử đọc văn sớ. Cụ quỳ bên cạnh vị đại bái làng, hai tay cung kính nâng tấm gỗ kẹp tờ văn sớ và đọc. Người được chọn đọc sớ phải có giọng tốt, đọc rõ và biết luyến cho đúng với nghi thức ngân xướng.

Sau lễ cúng ở đình làng, Ban Hương sự đến cúng tại Đàn âm hồn (nơi thờ các chiến sĩ trận vong, người tử nạn và những vong linh cô hồn). Đàn âm hồn được coi là một nơi thiêng liêng quan trọng trong quần thể văn hóa của làng. Hằng năm, tại đây làng tổ chức lễ cúng vào dịp Tết và ngày rằm xá tội vong nhân tháng bảy. Một điều đặc biệt là hầu hết đàn âm hồn ở các làng quê Quảng Trị đều nằm cạnh chùa. Phải chăng người xưa chọn bố trí xây dựng như thế là để đàn âm hồn được ấm cúng hơn.

Xong hết các nghi thức cúng tế thì người trong làng bắt đầu đi thăm nhau. Mỗi gia đình có một người về tại nhà thờ họ tộc, rồi cả đoàn người đi từng nhà trong dòng họ chúc tết. Các cụ cao niên mang lễ phục truyền thống dẫn đầu, con cháu áo quần tươm tất đi theo. Vào từng nhà, các cụ sẽ cử một đại diện thắp nhang lên bàn thờ gia tiên. Người trẻ thì chúc tết gia chủ, mừng thọ người già, lì xì con trẻ. Hết một buổi sáng thì đoàn mới đi xong. Sáng Nguyên đán vì thế thật ra là buổi sáng của lễ nghi

Mỗi dịp Tết đến xuân về, lễ nghi và lễ hội luôn được coi trọng, đó là hoạt động văn hóa thiêng liêng, thành kính mở đầu cho một năm mới. Các cụ cao niên cho biết, lễ tục ở làng quê đã có từ bao đời nay. Nghi thức lễ và hội được truyền lại qua các thế hệ. Bây giờ có thêm việc đi chùa và đi chợ Đình nữa, cũng là một nét văn hóa đẹp. Trong thời buổi Tết dường như nhạt đi thì văn hóa lễ hội các làng quê có đóng góp không nhỏ trong việc níu giữ lại hồn dân tộc

HOÀNG PHÚC LỘC

Mới nhất

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Viếng Nghĩa Trủng Đàn đầu năm Giáp Thìn

08/04/2024 lúc 22:34

Mười năm rồi lại trăm nămĐàn Nghĩa Trủng mãi ơn Hoàng Bích KhêTử sĩ Tây Sơn

Giêng hai gieo những ngọt ngào; Ký gửi

08/04/2024 lúc 22:33

Giêng hai gieo những ngọt ngàoGiêng hai lúa đã xanh đồngGiêng hai cải đã trổ

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

19/04

25° - 27°

Mưa

20/04

24° - 26°

Mưa

21/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground