Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cuộc sống đang chờ những quyết sách lớn từ Quốc hội

Năm 2011, khi được cử tri tín nhiệm bầu đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 - 2016) trong tôi đã có rất nhiều trăn trở, làm thế nào để đáp ứng được sự ủy quyền của cử tri, làm người đại diện cho nhân dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bởi thế, tôi bước vào nghị trường với tâm thế: đã “sợ” thì không làm, đã làm thì không “sợ”.

Đối với đại biểu kiêm nhiệm, có thể rất khó dành toàn bộ thời gian công tác cho nhiệm vụ đại biểu, song đã là ĐBQH thì bản thân tôi luôn cố gắng sắp xếp công việc thật khoa học để tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội và đáp ứng cao nhất mong muốn của cử tri. Mặt khác tôi cũng nghĩ rằng, đã là ĐBQH dù hoạt động theo chế độ không chuyên trách hoặc chuyên trách, nhưng khi một danh tính được xướng lên, cử tri đâu có phân biệt vị đó là kiêm nhiệm hay chuyên trách. Sức nặng của mỗi phát ngôn hay mỗi nút bấm khi biểu quyết lại càng không có bất cứ sự phân biệt nào. Bởi thế, thành công của mỗi kỳ họp, sức mạnh của các quyết sách từ nghị trường, đòi hỏi sự cố gắng chung của gần 500 các vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất, không phân biệt vị trí, chức vụ. Việc hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu phụ thuộc vào trách nhiệm của đại biểu trước cử tri và bản lĩnh của đại biểu, chứ không phải là chuyên trách hay kiêm nhiệm.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại nghị trường Quốc hội - Ảnh tư liệu

Đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu tại nghị trường Quốc hội - Ảnh tư liệu

10 năm qua, trong hai khoá XIII và XIV của Quốc hội Việt Nam cũng là lúc yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đặt ra rất cao và đề án tái cơ cấu nền kinh tế được thực hiện một cách quyết liệt. Chính vì vậy, trong công tác lập pháp, từ Quốc hội khoá XIII, tôi đã đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện thể chế, bởi đây chính là điểm tựa vững chắc nhất cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Tôi rất đồng tình với quan điểm của một vị chuyên gia cho rằng, nếu không có kinh tế thị trường thì không làm được gì cả. Theo đó, nền kinh tế phải hội được những yếu tố cốt lõi như: Xác lập rõ ràng quyền sở hữu tài sản của mọi chủ thể trong nền kinh tế; bảo đảm quyền tự chủ, tự do và bình đẳng trong kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong khuôn khổ pháp luật; quy luật cạnh tranh, sàng lọc, đào thải và phát triển phát huy tác dụng tốt; giá cả phải được hình thành theo quy luật cung cầu trên thị trường và mọi nguồn lực trong nền kinh tế phải được phân bổ theo nguyên tắc này; chi phí giao dịch kinh tế là thấp nhất có thể để khuyến khích tối đa các giao dịch kinh tế diễn ra. Còn nhà nước cần xác định lại cho đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong mối quan hệ với thị trường, chỉ cần và chỉ nên can thiệp ở đâu, khi nào và thông qua công cụ điều tiết gì. Mức độ quyền lực của các cơ quan công quyền nhất thiết phải được cân bằng với trách nhiệm giải trình và tính công khai minh bạch của chính nó, đồng thời mọi quyền lực đều phải chịu một cơ chế giám sát tương xứng.

Tôi còn nhớ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, cử tri lo lắng về tình trạng nợ đọng văn bản; ách tắc trong đầu tư công; hệ thống ngân hàng, nợ xấu, cạnh tranh không lành mạnh làm náo loạn thị trường tiền tệ, lãi suất quá cao, doanh nghiệp khó tiếp cận; bong bóng bất động sản… Do đó, với vai trò là Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, một trong những nội dung trọng tâm mà tôi rất quan tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Từ các phiên thảo luận tổ, hội trường về kinh tế - xã hội cho đến chất vấn trực tiếp hay chất vấn qua văn bản, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đều nêu quan điểm, vấn đề quan trọng số một trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng là nhóm ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng rộng, bao gồm cả ngân hàng của Nhà nước phải có đủ lượng vốn thực cần thiết, đảm bảo yêu cầu hoạt động an toàn đặt trong bối cảnh rủi ro kinh doanh đang ở mức cao. Muốn đạt yêu cầu đủ vốn phải kiểm tra “sức khỏe” tổng thể, phải đánh giá lại chất lượng, tài sản ngân hàng gồm nợ tín dụng một cách thực chất. Từ đó, đánh giá lại lượng vốn tự có cần thiết, số vốn thiếu hụt cần bổ sung nếu ngân hàng đó muốn giữ quy mô hoạt động hiện hành. Theo quan điểm của tôi nếu không làm được như vậy phải cắt bỏ quy mô hoạt động, mạnh dạn đóng cửa ngân hàng, không nên tiếp tục cơ cấu lại nợ xấu, xử lý nợ xấu một cách tình thế và khiên cưỡng.

Một vấn đề khác cho đến nay vẫn là bài toán khó của nền kinh tế chính là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Nhiều lần phát biểu tại tổ và hội trường, tôi đều nêu quan điểm cần thực hiện cho tốt chủ trương thu gọn khu vực kinh tế nhà nước, mở dư địa, khơi thông nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển; bảo đảm cho nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường hiệu quả hơn. Khi tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thì cần triển khai mạnh mẽ, chỉ giữ lại các doanh nghiệp nhà nước phục vụ công ích, còn lại nếu không cổ phần thì cũng phải sáp nhập lại. Bên cạnh đó, cũng cần triển khai nhanh việc tách chức năng quản lý nhà nước với quản lý các hoạt động sự nghiệp, dịch vụ công thuộc các khối giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao... nhằm tạo cho họ chủ động, tự chủ trong hoạt động có hiệu quả hơn, giảm dần sự bao cấp của ngân sách nhà nước, có thêm dư địa để đầu tư phát triển.

Bên cạnh những vấn đề lớn, mang tính lâu dài của cả nước, là đại biểu hoạt động tại địa phương, tôi rất thấu hiểu những khó khăn, thách thức của tỉnh Quảng Trị. Vào thời điểm tháng 10/2020, biến đổi khí hậu, thiên tai vô cùng ác liệt, dữ dội ở miền Trung, trong đó có Quảng Trị. Tôi trực tiếp có mặt trong đoàn công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chứng kiến cảnh hàng trăm ngôi nhà bị sập, hàng vạn ha lúa, cây hoa màu, con giống bị cuốn trôi. Có những người dân trong phút chốc trắng tay, mất người, mất của. Trong giai đoạn đó, cả hệ thống chính trị, Mặt trận Tổ quốc, doanh nghiệp, người dân bằng tấm lòng hảo tâm đã thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái chia sẻ với đồng bào miền Trung. Nhưng, sự hỗ trợ đó cũng mới giải quyết được vấn đề trước mắt, còn thực chất người dân vẫn còn rất khó khăn, phải di dời, tái định cư ở những vùng có nguy cơ sạt lở về lâu dài. Vì biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan nên phải tái cơ cấu lại sản xuất sau thiên tai, thay đổi những tập quán sản xuất truyền thống bằng phương thức sản xuất mới, có những vùng khắc nghiệt phải thay đổi giống cây trồng, vật nuôi… Nhưng muốn làm được điều đó để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân thì phải huy động nhiều nguồn lực. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy nhà nước cũng phải thể hiện, không phải trong từng đợt phát động bỏ ra một ít mà phải thể hiện sự quyết tâm, vào cuộc để làm gương cho các thành phần khác cùng tham gia.

Từ thực tế bão lũ năm 2020 đã giúp cho ĐBQH các tỉnh miền Trung nhận ra rằng, không chỉ vấn đề về phân bổ ngân sách thế nào, đầu tư nguồn lực ra sao cho công tác cứu hộ cứu nạn, mà cả quy hoạch thuỷ điện, giám sát an toàn các công trình này cũng cần được các đoàn ĐBQH quan tâm hơn. Từ mất mát cụ thể, nhìn rộng ra đời sống cử tri vùng lũ bão, vấn đề quan trọng là cần quyết sách lớn nào để giúp họ sống chung, thích nghi ứng phó với bão lũ (nói rộng hơn là biến đổi khí hậu), tức là đem cho dân cần câu, chứ không phải chỉ con cá khi họ đói lòng. Hãy tiết kiệm các chi tiêu chưa thực sự cần thiết, để dành nguồn lực trang bị các phương tiện cứu hộ như trực thăng, xe lội nước, thuyền bè, áo phao. Mỗi khu dân cư cần có một vài công trình kiên cố  để dân bấu víu vào đó tồn tại trong những ngày nước lũ, đó là nguyện vọng không chỉ của một cử tri gửi đến Quốc hội. Chính vì thế, tôi đã phát biểu đề nghị cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, dồn nguồn lực đầu tư cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn và tái thiết sau thiên tai.  

Cứu trợ người dân vùng lũ trong đợt thiên tai lịch sử tháng 10/2020 - Ảnh: Tiến Nhất

Cứu trợ người dân vùng lũ trong đợt thiên tai lịch sử tháng 10/2020 - Ảnh: Tiến Nhất

Quan điểm tôi nêu tại nghị trường là để ổn định cuộc sống lâu dài cho dân thì không chỉ dựa vào nguồn lực của địa phương. Vì vậy, Quốc hội khi xem xét dự toán năm 2021 cần dành một khoản đầu tư thích đáng cho công tác dự báo, cảnh báo chính xác hơn, phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng, chống thiên tai hiệu quả, kịp thời; nghiên cứu địa hình địa chất, xác định vùng nguy hiểm, ẩn chứa nguy cơ thiên tai để nhằm giảm thiểu các tác động đến một số điểm dân cư, dự báo trước nguy cơ để di dời dân kịp thời. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng cần ưu tiên cho mua sắm trang thiết bị phục vụ cứu hộ cứu nạn và xây dựng hạ tầng các huyện, xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ lúc này và cả năm sau, năm sau nữa, cần đặt ra mục tiêu cao hơn trong tiết kiệm chi thường xuyên, ngoài hoãn tăng lương thì có thể giảm cả phụ cấp của các cấp, các ngành kể cả ĐBQH để dồn nguồn lực cho ứng phó với thiên tai, giúp đỡ Nhân dân ổn định cuộc sống. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình của đông đảo cử tri và ĐBQH.

Trong Quốc hội có đại biểu của tất cả các tỉnh thành, đại diện cho nhiều giai tầng, chương trình mỗi khóa có đặc thù riêng để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, nhưng đã là đại biểu của dân thì trước hết hành động phải vì dân, trách nhiệm trước cử tri. Có thể nói, điều tôi rút ra sau hai nhiệm kỳ làm người đại diện cho Nhân dân tại cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là dù ở cương vị công tác nào thì khi bước vào nghị trường phải đặt quyền lợi của Nhân dân, của đất nước lên trên hết. Chỉ có như vậy đại biểu mới có những quyết định chính xác, không phụ sự gửi gắm, kỳ vọng của cử tri.

Qua 10 năm công tác ở địa phương nhưng đồng thời làm ĐBQH, tôi nhận thấy hầu hết các ĐBQH đã làm việc hết sức tích cực, để đáp ứng được yêu cầu xây dựng, phát triển của đất nước. Chất lượng các văn bản pháp luật được ban hành trong những năm qua cũng được nâng lên. Nhiều luật được thông qua với sự đồng thuận cao, đáp ứng được yêu cầu của đất nước. Ngoài việc xây dựng luật, Quốc hội còn làm tốt công tác giám sát. Việc giám sát đạt được nhiều kết quả thông qua việc thành lập các đoàn giám sát chuyên sâu, đưa ra kiến nghị rất xác đáng. Công tác giám sát của Quốc hội cũng ngày càng sát với thực tiễn, lựa chọn được những vấn đề xã hội đặt ra. Việc giám sát thể hiện hiệu quả thông qua hoạt động chất vấn tại các kỳ họp. Đây là việc giám sát trực tiếp rất quan trọng về các hoạt động của Chính phủ, mà trực tiếp là các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ có trách nhiệm làm rõ, giải trình trước Quốc hội và cử tri cả nước. Có những sự việc, chúng ta cần có sự giám sát và chờ đợi sự biến chuyển trong đời sống. Ví như vấn đề lãi suất ngân hàng, những kiến nghị của ĐBQH đã có chuyển biến rất mạnh mẽ khi lãi suất đầu nhiệm kỳ khóa XIII có thời điểm lên 20% nhưng cuối nhiệm kỳ hạ nhiệt còn 10%... Đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khoá XIV, khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng tôi cũng đề nghị cần xem xét tổng thể, thấu đáo, tránh việc sửa đổi manh mún, gây mất ổn định, tốn kém ngân sách và lãng phí thời gian bởi đây là văn bản quan trọng có tác động đến toàn nền kinh tế và an ninh tài chính quốc gia. Dần dần, những vấn đề tôi và nhiều đại biểu đặt ra như xử lý nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém cũng đạt được kết quả bước đầu. Quốc hội Khoá XIV cũng đã cho phép bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng NN&PTNT và có nghị quyết riêng về xử lý nợ xấu.

Quốc hội khoá XIV đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp, khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước. Và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV đã thành công tốt đẹp, đất nước đã trải qua hơn 75 năm giành được độc lập, 14 kỳ bầu cử Quốc hội, 35 năm đổi mới, hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2021) và đang bước vào giai đoạn mới với khát vọng đưa đất nước đến phồn vinh, thịnh vượng. Cuộc sống đang chờ những quyết sách lớn từ nghị trường, những quyết sách ấy lại chờ trách nhiệm, bản lĩnh của mỗi đại biểu vừa được cử tri tín nhiệm. Với cá nhân tôi, kinh nghiệm hai nhiệm kỳ đại biểu, nay lại được cử tri tín nhiệm tiếp tục bầu tồi làm đại biểu nhiệm kỳ khoá XV, tôi vẫn muốn nhắc lại một điều tâm đắc: Đã là đại biểu của dân thì dù kiêm nhiệm thì cũng vẫn làm việc với tinh thần chuyên nghiệp nhất.

HÀ SỸ ĐỒNG - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh,  Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, XIV, XV

 

Minh Anh (lược ghi)

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground