Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

LTS: Hơn 2 năm qua nhân loại đã trải qua rất nhiều thương tổn vì đại dịch Covid-19. Để có cái nhìn khái quát về hoạt động phòng, chống Covid-19 của tỉnh Quảng Trị 2 năm; những sự hy sinh thầm lặng, chung sức, chung lòng để cùng nhau vượt qua đại dịch, Tạp chí Cửa Việt có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam.

PV: Năm 2020, toàn tỉnh chỉ ghi nhận tổng số chỉ có 7 ca Covid-19 nhưng tình hình chung rất căng thẳng. Các phóng viên chuyên trách theo dõi mảng y tế thường xuyên nhìn thấy hình ảnh suy tư của đồng chí và niềm vỡ òa xúc động khi đọc tin nhắn báo về kết quả âm tính. Năm 2021 tình hình càng phức tạp hơn. Có lẽ khó mà thống kê hết những cuộc họp khẩn cấp trong đêm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Trong cuộc chiến chống Covid-19, những sự kiện nào đáng nhớ nhất đối với đồng chí?

Thật sự rất khó để có thể ngồi nhớ lại đầy đủ hết những việc hay sự kiện đã qua. Năm 2020 là năm đầu tiên chúng ta chống dịch với quá nhiều điều chưa từng có trong tiền lệ như: Dịch bệnh mới, diễn biến nhanh, trên diện rộng, quy mô lớn và tác động đến tất cả các hoạt động. Tôi còn nhớ buổi tối ngày 6/4/2020, vừa về đến nhà bưng bát cơm chưa kịp ăn thì nhận được điện thoại thông báo có 1 ca dương tính với SARS-CoV-2 từ Bệnh viện Trung ương Huế (thời điểm đó Quảng Trị chưa có máy xét nghiệm PCR). Đó là một tin “sốc” đối với tất cả chúng tôi, lập tức, tôi triệu tập ngay trong đêm phiên họp khẩn cấp của Ban Chỉ đạo để đáp ứng tình hình. Sau cuộc họp, các lực lượng phản ứng nhanh triển khai điều tra dịch tể truy vết, tổ chức khoanh vùng, cách ly toàn bộ F1 tại Bệnh viện chuyên khoa Lao Phổi và F2 giám sát y tế tại nhà; mẫu bệnh phẩm ngay lập tức được xe cứu thương vận chuyển vào đồng thời cả Bệnh viện Trung ương Huế và Viện Pasteur Nha Trang để xét nghiệm khẳng định. Đó là một đêm trắng! Tâm trạng mọi người đều trong trạng thái rất khó tả vì trước đó, cả hệ thống đang nỗ lực, căng mình giữ để Quảng Trị “Zero F0”… Gần 24 tiếng sau, chúng tôi nhận được kết quả xét nghiệm xác định âm tính từ cả hai đơn vị đối với ca nói trên. Và tất cả thở phào nhẹ nhõm, niềm vui vỡ òa với kết quả xét nghiệm mang dấu âm tính đầy hy vọng…

Năm 2021 số ca tăng lên gấp trăm lần với những biến chủng mới khó lường. Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 4, với biến chủng mới có khả năng lây nhanh hơn, mạnh hơn, rộng hơn nên cần tiến hành khẩn trương truy vết thần tốc, huy động sự tham gia của các ngành ở cơ sở và phát huy vai trò của Nhân dân, đặc biệt là Tổ Covid cộng đồng.



PV: Thưa đồng chí, bên cạnh những đêm trắng, vẫn có những niềm vui động viên tinh thần của các lực lượng, nhất là các thành viên của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 tỉnh?

Vâng, niềm vui của chúng tôi gói trọn trong việc có thể giúp Nhân dân đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này. Trước đó, Quảng Trị và một số tỉnh, thành có tỉ lệ tiêm chủng được xếp vào nhóm khá thấp do các ca nhiễm thấp, vắc xin hết sức khan hiếm, được phân bổ ưu tiên cho các địa phương có tỉ lệ F0 cao. Lãnh đạo tỉnh cố gắng xoay xở, vận động để có nguồn vắc xin tiêm chủng. Khi Bộ Y tế có văn bản thông báo sẽ phân bổ đủ vắc xin cho Quảng Trị theo yêu cầu, chúng tôi rất mừng. Thế nhưng vắc xin chưa cấp về thì làn sóng dịch lần thứ tư bùng phát trên diện rộng. Phó Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các tỉnh “nhường” cho thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam đang có tỉ lệ lây nhiễm và tử vong cao. Việc bao phủ vắc xin vào thời điểm đó được xem là một “nhiệm vụ bất khả thi”.

Thế nhưng hiện nay chúng ta đã vượt chỉ tiêu về tỉ lệ bao phủ 2 mũi và đang triển khai mũi tăng cường. Đây là “vũ khí” đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng chống dịch và “vũ khí “ này đã phát huy hiệu quả cho việc chuyển hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

PV: Thưa đồng chí, hơn 2 năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động bị gián đoạn và ngưng trệ. Tuy nhiên, những khu vực bận rộn nhất của hầu hết các quốc gia là bệnh viện và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Đồng chí nói gì về điều này?

Đó là một phản ánh rất khách quan. Để có thể vượt qua những khó khăn và những thách thức ở trong thời buổi dịch bệnh như hiện nay đòi hỏi bệnh viện và lực lượng các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch cần phải nỗ lực rất nhiều. Thay vì chỉ cần làm tốt các công việc chuyên môn của mình như trước đây, các bác sĩ chống dịch đồng thời cần phải xử lý một lúc rất nhiều các công việc khác nhau để làm tốt nhiệm vụ kép: vừa đáp ứng nhu cầu chữa bệnh về chuyên môn cho người dân, vừa phải là bác sĩ chống dịch hiệu quả.

Cá nhân tôi rất xúc động chứng kiến nhiều nhân viên y tế có khi cả năm chưa được về nhà, chưa gặp mặt người thân, nhiều bạn trẻ, sinh viên ở các địa phương, trường đại học, cao đẳng đã đi vào ổ dịch, sẵn sàng ở lại, tham gia phòng chống dịch bệnh. Hình ảnh những y, bác sĩ, tình nguyện viên sẵn sàng gác lại niềm hạnh phúc riêng mình lên đường vào tâm dịch hay hình ảnh các y, bác sĩ, các tình nguyện viên chống dịch nơi tuyến đầu phải mặc những bộ quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang kín mít dưới thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, vất vả chăm sóc bệnh nhân, với tâm niệm tất cả vì bình yên đất nước và hạnh phúc của Nhân dân luôn là những hình ảnh đẹp.

Toàn ngành y tế đã quyết liệt, thần tốc, chỉ đạo hệ thống của mình phối hợp nhịp nhàng với các ngành, các cấp, phát động trong Nhân dân thực hiện các biện pháp phòng dịch. Qua các đợt tiếp nhận điều trị, ngành y tế đã rút ra bài học kinh nghiệm và sẵn sàng ứng phó với các tình huống và cấp độ cao hơn, có nhiều bệnh nhân hơn, kể cả năng lực điều trị các ca bệnh nặng. Có lẽ phần thưởng lớn nhất đối với ngành y tế là chúng ta đã kiểm soát được tỉ lệ tử vong ở mức thấp nhất và ngày càng nhiều F0 được điều trị lành bệnh trở về với gia đình, được Nhân dân ghi nhận và đánh giá cao. Và Tết này cũng như Tết năm trước lực lượng y tế tiếp tục không được đón Tết với gia đình mà dành Tết cho chống dịch và chăm sóc bệnh nhân.

PV: Nhiều lần chúng tôi chứng kiến đôi mắt đỏ hoe không giấu được niềm xúc động của đồng chí khi kiểm tra công tác phòng, chống dịch. Có lẽ lực lượng tuyến đầu luôn là hình ảnh thân thương và tạo nên nhiều cảm xúc nhất đối với đồng chí?

Lực lượng trực tiếp xung kích chống “giặc Covid-19” gồm rất nhiều binh chủng mà thân thương nhất là các bác sỹ, nhân viên y tế, quân đội, công an… Trực tiếp tham gia mới càng thấu hiểu hơn những hi sinh lớn lao mà thầm lặng. Ở những chốt trực dã chiến, nhìn mâm cơm đơn sơ, quá bữa đã nguội ngắt được bày trên sạp kết bằng tre nứa, ly nước mời khách cắt từ lon nước ngọt cũ, mấy bộ quân phục treo góc lán khô cứng vì sương muối, chúng tôi ai nấy đều không khỏi nao lòng.

Nơi miền biên giới, giữa rừng núi cao thiếu thốn trăm bề, thời tiết khắc nghiệt, cán bộ, chiến sĩ chống lại cái lạnh bằng việc nhóm lửa sưởi ấm. Nhiều điểm chốt không có điện, nước sinh hoạt, sóng điện thoại di động, nhưng những người lính biên phòng vẫn bám trụ để ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép. Tổ công tác cơ sở thì vừa thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vừa hướng dẫn cho người dân cách phòng, chống dịch bệnh vừa bám sát địa bàn, kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những thông tin sai lệch, gây hoang mang trong người dân. Những ngày mùa hè nắng nóng như thiêu đốt, bộ đội, công an, y bác sỹ... đội nắng, xuyên đêm làm việc tạo thành “lá chắn thép” chống dịch. Trong những ngày mưa gió, lũ lụt, lạnh giá, nhìn anh em vất vả khó có ai có thể cầm lòng được.

Nhiều đồng chí không thể về để tang người thân, nhiều đám cưới phải hoãn vì nhiệm vụ. Mỗi người đã làm không chỉ 200% sức lực mà còn hơn cả thế nữa… Những cam go khốc liệt, những hy sinh, mất mát vì dịch Covid -19 cũng sẽ dịu dần theo năm tháng nhưng sẽ sống mãi với thời gian hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ tuyến đầu đã làm nên những kết quả đáng trân trọng, vô cùng ý nghĩa.

PV: Năm 2021, tỉnh đã tổ chức đưa đón 3 đợt, gồm 1.348 người dân từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về Quảng Trị. Ngoài ra, chúng ta huy động rất nhiều nguồn để hỗ trợ các tỉnh miền Nam khi dịch bệnh bùng phát. Trong công tác chống dịch, luôn bừng sáng Nghĩa tình Quảng Trị.

Vâng, đúng vậy. Mảnh đất Quảng Trị là mảnh đất kiên cường đi qua những đau thương, mất mát của chiến tranh và thiên tai. Thế nên, hơn ai hết, người Quảng Trị rất coi trọng nghĩa tình; nhất là trong lúc khó khăn hoạn nạn. Trong quá trình phòng chống Covid-19, tinh thần tương thân, tương ái, nghĩa đồng bào, đồng chí đã tỏa sáng. Chúng ta đã đón và tổ chức cách ly chu đáo tại Quảng Trị cho trên 25.000 người từ các tỉnh bạn Lào về nước, đón và vận chuyển, bàn giao tận nơi cho hơn 9.300 người dân tỉnh bạn Thừa Thiên - Huế. Không chỉ tổ chức đưa đón, các lực lượng còn phối hợp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đưa 75 đoàn mô tô/18.370 xe/30.690 người và 16 đoàn/2.535 người đi bộ di chuyển tự phát từ các tỉnh phía Nam đi qua địa bàn tỉnh.

Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh Quảng Trị huy động từ nhiều nguồn lực để hỗ trợ cho 15.000 người dân Quảng Trị đang lưu trú tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh ở miền Nam đang gặp khó khăn với số tiền là 15 tỷ đồng. Hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Lãnh đạo tỉnh thấu hiểu những khó khăn, tình cảm và nỗi lòng của con em Quảng Trị xa xứ nên luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để mọi người về quê. Trong năm 2021, đã tổ chức cách ly tập trung gần 6.000 người từ các tỉnh phía Nam về Quảng Trị.

PV: Không chỉ đối với con em Quảng Trị xa xứ mà cả đối với 2 tỉnh nước bạn Lào, tỉnh Quảng Trị rất quan tâm đến việc hỗ trợ để phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng chí có thể thông tin thêm về vấn đề này?

Trong giai đoạn chống dịch, tinh thần đoàn kết Việt - Lào luôn được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và Salavan, Savannakhet đặt lên hàng đầu. Phía bạn lực lượng rất mỏng nên khó khăn hơn trong công tác kiểm soát ngăn chặn người xuất, nhập cảnh trái phép. Tuy nhiên với sự chia sẻ kinh nghiệm của phía Việt Nam đã bố trí đội hình cắm chốt hợp lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, áp dụng nhiều biện pháp đối phó hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh. Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị và 2 tỉnh nước bạn đã thống nhất với quyết tâm là phải tạo được vành đai phòng, chống Covid-19 hiệu quả trên tuyến biên giới. Đồng thời, lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Trị - Savannakhet đã sớm gặp và thống nhất triển khai sáng kiến “đổi tài xế, đổi đầu kéo” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Đen Sa Vẳn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự thông thương của hàng hóa trong suốt 2 năm qua. Sáng kiến này sau đó được phổ biến nhân rộng ra nhiều cửa khẩu khác, góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép.

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, Quảng Trị đã triển khai hơn 100 chốt cố định và cơ động dọc biên giới với tỉnh Salavan và Savannakhet để quản lý nghiêm việc xuất, nhập cảnh qua các cửa khẩu, đường mòn, lối mở. Tỉnh Quảng Trị cũng tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu diễn ra trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ. Hiện nay, 120 sinh viên Lào đang học tập tại tỉnh Quảng Trị đều được tạo điều kiện tốt nhất để duy trì việc học tập và chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu của hai bên là tăng cường phối hợp, thực hiện phòng, chống dịch đạt hiệu quả cao nhất với quan điểm “giúp bạn là giúp mình” để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị đã đón hơn 12.000 công dân nhập cảnh về từ Lào và Thái Lan và thực hiện cách ly tập trung tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.

Không chỉ lực lượng bảo vệ biên giới Lào được Việt Nam tặng trang thiết bị y tế, vật dụng cần thiết chống dịch, mà Nhân dân Lào các bản giáp biên giới với tỉnh Quảng Trị cũng được tỉnh kịp thời hỗ trợ thực phẩm trong lúc thiếu thốn. Điều này càng thể hiện sự đoàn kết gắn bó, keo sơn nghĩa tình giữa quân và dân hai nước Việt - Lào trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và mãi mãi về sau.

PV: Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị 2 năm qua có dấu ấn rất quan trọng của công tác phòng, chống Covid-19. Làm thế nào để có thể thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội ở năm thứ 3 khi có nhiều dự báo về biến chủng mới của Covid-19 càng ngày càng phức tạp hơn, thưa đồng chí?

Nhờ sự quyết liệt và thành công trong phòng chống dịch và linh hoạt chọn quyết sách đã tác động đến sự tăng trưởng kinh tế. Kết quả phòng, chống dịch bệnh có đạt được hay không chính là nhờ ở sự hợp tác, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp. Một khi người dân, doanh nghiệp đã hiểu và chấp hành nghiêm quy định, công tác phòng chống dịch bệnh sẽ đạt nhiều kết quả tốt hơn. Do đó, công tác tuyên truyền cần được triển khai quyết liệt hơn nữa. Đẩy mạnh, đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền với các hình thức, cách thức phong phú, đa dạng, có phân tích, nhận định, đánh giá, so sánh một cách khoa học, thuyết phục về tình hình, kết quả, các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm kịp thời, công khai, phù hợp tình hình dịch bệnh từng thời điểm, thời kỳ, không để tâm lý hoang mang, lo sợ trong Nhân dân; kêu gọi các tầng lớp nhân dân tự giác và tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Chúng ta cần đánh giá cao vai trò của công tác phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông công nhân để xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó với từng cấp độ dịch để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào khu công nghiệp.

Huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hoá, phát động kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ về tinh thần, vật chất, tài chính của cộng đồng, các doanh nghiệp và nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện công tác phòng, chống dịch, bảo đảm yêu cầu phòng dịch từ xa và kịp thời; nhanh chóng khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, yếu kém trong quy định và tổ chức thực hiện phòng, chống dịch, nhất là tại các bệnh viện, các khu công nghiệp và nơi tập trung đông người.

PV: Một vấn đề dư luận quan tâm là công tác chăm lo cho người nghèo, người yếu thế trong đại dịch Covid-19 như thế nào thưa đồng chí?

Chăm lo cho người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau đã trở thành thông điệp để kết nối yêu thương, phát huy truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc Việt Nam, vì vậy, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã triển khai đồng bộ hàng loạt chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo để cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo; thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các địa phương, giữa miền núi với miền xuôi.

Đặc biệt, dù hai năm gần đây gặp nhiều thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp hai lần so với giai đoạn trước; 21% ngân sách nhà nước đã được dành để bảo đảm phúc lợi xã hội – đây là mức cao nhất trong các nước ASEAN. Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó chú trọng tới người nghèo.

Sự giúp đỡ đó càng mạnh mẽ hơn khi mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình là 75 nghìn tỷ đồng. Đối tượng của chương trình này còn bao gồm người nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, trong đó có những người bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, người nghèo ở nông thôn và thành thị.

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững; thực hiện hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp xóa đói giảm nghèo; tiếp tục quan tâm, chăm lo tốt hơn cho những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế trong xã hội, nhất là những người nghèo bị ảnh hưởng, tác động bởi thiên tai, đại dịch Covid-19. Tiếp tục ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội hợp pháp khác phục vụ hiệu quả cho công tác xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Đối với tỉnh Quảng Trị, bên cạnh việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách mà Đảng và Chính phủ giao, sẽ đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, đồng thời khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch an toàn, khoa học, hiệu quả.

PV: Xin cám ơn đồng chí đã cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng về bức tranh toàn cảnh trong công tác phòng, chống Covid-19 của tỉnh nhà. Chúng ta cùng vững niềm tin về kế hoạch hành động của tỉnh nhà trong năm thứ 3 sẽ tiếp tục đạt hiệu quả.

- Thực hiện: Minh Phương - Ảnh: Hồng Hà, Ngọc Bình - Thiết kế: Thanh Thọ

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mới nhất

Bộ từ điển bỏ lại giữa rừng sâu

3 Giờ trước

Sau hiệp định Pari, 27/1/1973, chiến tranh tạm dừng, đại đội tôi đóng quân giữa bãi cát Lệ Xuyên, huyện

Đi tìm cỏ

3 Giờ trước

Nhiều lúc ngồi thẫn thờ nhìn đàn trâu bò gặm cỏ dọc triền đê chợt giật mình: Cỏ quê

Chị ấy…

3 Giờ trước

Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Huế tổ chức một chuyến đi thực tế dài ngày tại Tổng Công

Pa Ling mùa mưa

3 Giờ trước

Tháng 11, dưới cơn mưa rừng tầm tã, chúng tôi tìm về thôn Pa Ling, xã A Vao, huyện Đakrông,

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground