Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đồng sức đồng lòng xây dựng và phát triển nền Văn học nghệ thuật tỉnh nhà tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc

 LTS: Ngày 16/ 2/ 2012 tại hội trường Tỉnh ủy, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị tổ chức cuộc gặp mặt toàn thể văn nghệ sĩ đầu xuân Nhâm Thìn. Đồng chí Nguyễn Văn Hùng, UVTV, Trưởng ban Tuyên giáo thay mặt lãnh đạo tỉnh có bài phát biểu đối với văn nghệ sĩ. Chuyên mục Sự kiện và bình luận trân trọng giới thiệu bài phát biểu quan trọng này. Đầu đề do Tòa soạn đặt

H

ôm nay, trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân mới Nhâm Thìn, tôi rất vui mừng đến dự Buổi gặp gỡ văn nghệ sỹ đầu năm do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức.  Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi gửi đến các đồng chí đại biểu và anh chị em văn nghệ sỹ lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm mới nồng nhiệt, tốt đẹp nhất.

Năm qua, đất nước ta, Tỉnh ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao; thiên tai, dịch bệnh xảy ra nhiều nơi gây bất lợi cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân...Quán triệt các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội của Trung ương Đảng và Chính phủ; với sự chỉ đạo, điều hành tập trung quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền các cấp và sự nỗ lực, phấn đấu của nhân dân trong tỉnh, chúng ta đã giành được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội.

Mức tăng trưởng GDP đạt 9,6% (bình quân cả nước là 6%), tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.436 tỷ đồng, vượt 46 % kế hoạch năm; tổng vốn đầu tư phát triển xã hội thực hiện 6.466 tỷ đồng, tăng 32%, vượt 145% kế hoạch so với năm 2010.  Các lĩnh vực Văn hoá xã hội  tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển; các chính sách an sinh xã hội được coi trọng và thực hiện đồng bộ. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả xã hội tích cực.  Công tác Quốc phòng an ninh, bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền biển đảo được tăng cường; tình hình chính trị xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn, tạo sự chuyển biến tiến bộ trên nhiều mặt; đã lãnh đạo thực hiện tốt việc triển khai, cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống; tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp...

Cùng với các lĩnh vực khác, năm 2011, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị đã phát huy vai trò tập hợp, đoàn kết văn nghệ sỹ, phát huy tinh thần sáng tạo, sáng tác ra nhiều tác phẩm phản ánh công cuộc đổi mới của đất nước, quê hương; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, quảng bá và phát triển nền văn học, nghệ thuật của tỉnh nhà. Với sự nỗ lực, đồng tâm cộng hưởng của tất cả văn nghệ sỹ và những người làm công tác quản lý, chúng ta đã tạo nên một diện mạo mới mẻ cho hoạt động văn học nghệ thuật Quảng Trị. Các lĩnh vực văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, kiến trúc… đều có sự đổi mới trong hoạt động của tổ chức cũng như sự tìm tòi sáng tạo của từng cá nhân nghệ sỹ, tạo nên sự phong phú đa dạng cho diễn đàn chung. Bằng các hình thức phong phú như xuất bản sách, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật, nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sỹ của tỉnh cũng như một số văn nghệ sỹ trong nước đã đến với công chúng. 

Đặc biệt, trong năm qua, Hội VHNT Quảng Trị đã đăng cai tổ chức thành công Liên hoan ảnh nghệ thuật 6 tỉnh Bắc Miền Trung; đây là kỳ liên hoan mà Quảng Trị đạt được nhiều thành tích nổi trội; riêng hội viên nhiếp ảnh Cao Văn Tỉnh đã đoạt Huy chương vàng và 2 giải khuyến khích. CácTriển lãm Mỹ thuật của Hoạ sỹ trẻ Lê Ngọc Duy, Triển lãm ảnh về nguyên Chủ tịch Cu Ba Fidel Castro của Nhiếp ảnh gia Sỹ Sô cũng đã tổ chức rất thành công, thu hút sự quan tâm không chỉ ở trong tỉnh mà còn được nhiều cơ quan báo chí TW đưa tin, quảng bá.

Hưởng ứng Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các văn nghệ sỹ và nhà báo Quảng Trị đã miệt mài sáng tạo, cho ra đời  hàng trăm tác phẩm thuộc nhiều thể loại (văn, thơ, nhiếp ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc, văn nghệ dân gian....);  33 tác phẩm xuất sắc đã được trao giải trong Lễ tổng kết vừa được tổ chức vào cuối tháng 9/ 2011. Là một tỉnh nhỏ, số lượng văn nghệ sỹ không đông so với những trung tâm văn hoá khác của cả nước nhưng Cuộc thi sáng tác, quảng bá VHNT, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chi Minh" ở tỉnh ta đã được tổ chức tốt, đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Cuộc vận động đã tạo nên một động lực mới trong sáng tạo nghệ thuật, báo chí ở Quảng Trị. Việc quảng bá biểu diễn tác phẩm nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng  được Hội Văn học nghệ thuật quan tâm chú trọng góp phần phổ biến rộng rãi những tác phẩm viết về Bác đến đông đảo công chúng tỉnh nhà thực sự tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng mọi người.  

Những kết quả tốt đẹp đó đã  được Ban chỉ đạo Cuộc vận động và lãnh đạo tỉnh ghi nhận, biểu dương, khen thưởng xứng đáng; thể hiện sự quan tâm cũng như sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh vào đội ngũ văn nghệ sỹ chúng ta.

Thay mặt Ban Thường vụ tỉnh uỷ, tôi nhiệt liệt biểu dương những đóng góp quý báu cũng như những thành quả tốt đẹp mà đội ngũ văn nghệ sỹ Quảng Trị chúng ta đã đạt được trong năm 2011.

* * *

Những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực kinh tế- xã hội, an ninh quốc phòng nói chung, trên lĩnh vực văn học nghệ thuật nói riêng là kết quả của một năm phấn đấu kiên trì, bền bỉ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh. Đó là những tín hiệu vui để chúng ta đón chào năm 2012 với niềm tin đầy hứa hẹn.

Năm 2012 là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 - 2020; đồng thời triển khai thực hiện Nghị quyết TW4 của Ban chấp hành TW Đảng về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây cũng là nămdiễn ra nhiều sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước: Kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, 40 năm ngày giải phóng Quảng Trị và sự kiện bảo vệ Thành Cổ, kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sỹ và tổ chức Lễ hội "Nhịp cầu xuyên Á"...Trong năm nay, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cũng tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2012-2017). Để Văn học nghệ thuật Quảng Trị tiếp tục tạo ra những bước tiến mới, có những thành quả tốt đẹp hơn nữa trong năm 2012; đề nghị Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, anh chị em văn nghệ sỹ lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất:  Như chúng ta đã biết: Chăm lo cho văn hoá là chăm lo xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần của xã hội. Thiếu nền tảng tinh thần tiến bộ và lành mạnh thì không có sự phát triển kinh tế xã hội bền vững và dù có tiện nghi vật chất dồi dào, xã hội cũng không tránh nổi nguy cơ suy thoái, biến chất.

Thực tế cho thấy, không có một lĩnh vực nào có thể thay thế được văn học nghệ thuật trong việc giúp con người hiểu cuộc sống và hiểu chính mình. Trong sứ mệnh chinh phục con người, văn chương nghệ thuật có những phép mầu nhiệm đặc biệt. Nó biết chọn lựa giữa vô số những sự khác biệt để tìm thấy những mẫu số chung; đó là khát vọng hoà bình, khát vọng phát triển của các dân tộc và sự thăng hoa của mỗi cá nhân. Được dẫn dắt bởi sự sung mãn nhất của tâm hồn, văn học nghệ thuật có sức mạnh đánh thức những năng lượng tiềm ẩn, nó chỉ ra cái hạn hẹp cũng như cái vô tận của con người. Nó làm cho con người tự tin cất bước trong quyền năng của cái đẹp và điều thiện. Qua văn học nghệ thuật, con người cảm nhận, ý thức được cái đẹp, tiếp cận và tự nâng mình lên với những tư tưởng, tình cảm cao quý, sâu sắc, tinh tế;  được bồi dưỡng về ngôn ngữ- thứ ngôn ngữ phong phú, sinh động, giàu sức biểu cảm nhất của dân tộc. Tham gia vào hoạt động văn học nghệ thuật cho dù là sáng tác hay thưởng thức, con người đều được "thanh lọc", ít nhiều đều trở nên tốt hơn, nhân ái hơn. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, khi con người có nguy cơ bị cuốn vào đám đông và bị nhu cầu vật chất cám dỗ dữ dội, thì văn học nghệ thuật lại càng cần thiết; chính vì vậy, hơn lúc nào hết, vai trò của nghệ sỹ càng được xã hội tôn vinh.

Trong quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng và đánh giá cao vai trò của văn học nghệ thuật, luôn quan tâm đến việc không ngừng nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” đã nhấn mạnh:  “Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phải tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu, giữa cao thượng và thấp hèn… Hiện thực đó là mảnh đất giàu tiềm năng cho những tìm tòi sáng tạo của văn nghệ sỹ để tiếp tục xây đắp một nền văn học nghệ thuật ngày càng lớn mạnh, với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc”.

Mong mỏi Văn học nghệ thuật (VHNT) nước nhà có cái nền vững chãi và có các đỉnh cao đủ sức vươn ra chinh phục nhân loại là khát khao không của riêng ai. Đảng, nhân dân, những người sáng tạo VHNT đều mang khát vọng ấy. Ai chẳng mong đất nước, quê hương có những Ngô Bảo Châu trong VHNT. Ai chẳng mong Tổ quốc, địa phương mình có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật lớn, chất lượng cao, tỏa sáng tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Có thể khẳng định đất nước ta, quê hương Quảng Trị chúng ta đang bước đi trong nền kinh tế theo cơ chế thị trường một cách năng động từ đó VHNT cũng có những bước chuyển cả về lượng và chất. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận chúng ta còn đang khan hiếm, đang thiếu những tác phẩm đỉnh cao.  Người làm VHNT còn đang nợ công chúng những tác phẩm lớn xứng tầm thời đại.

Nhà thơ Hữu Thỉnh- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: "Các tác phẩm văn học hiện nay tuy phong phú và đa dạng về  mặt đề tài nhưng vẫn thiếu hơi thở cuộc sống". Ông trăn trở: "Trong tác phẩm của mình, các bạn có bỏ quên một bộ phận nhân loại đang đau đáu gửi đá và gửi máu ra biển đảo hay không? Các bạn có nói đến những ác mộng, những cơn mê sảng đau đớn tột cùng cả thể xác lẫn tinh thần của những nạn nhân chất độc da cam hay không? Và các bạn có nói cho cư dân mạng biết có những cô giáo nhỡ nhàng duyên phận sau nhiều năm dạy học đơn chiếc ở vùng cao hay không?..."

Tôi thiết nghĩ, dù thế nào đi chăng nữa thì hoạt động sáng tạo của văn nghệ sỹ cũng phải  luôn gắn với vai trò, trách nhiệm xã hội vì xem xét từ bất kỳ phương diện nào văn học cũng luôn luôn đi cùng xã hội và ý muốn tách văn chương khỏi cuộc sống rốt cuộc cũng chỉ là ảo vọng vì đã cắt đứt mối liên hệ sống còn của văn chương với môi trường sản sinh và nuôi dưỡng nó.Lao động nghệ thuật là lao động sáng tạo có tính đặc thù cao, mang đậm dấu ấn cá nhân, bản lĩnh, tài năng, tâm huyết, vốn sống của mỗi văn nghệ sỹ. Để có những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, mỗi văn nghệ sỹ chúng ta phải thực sự là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có cách nhìn đúng đắn, khách quan, phân biệt được rõ đúng, sai. Nhiệm vụ lớn nhất của văn nghệ sỹ chúng ta hiện nay chính là sáng tạo ra nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng cao, có tác dụng to lớn xây dựng con người đồng thời góp phần hiệu quả nhất đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội đang cản trở sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam; xây dựng xã hội tươi đẹp đúng với mong muốn, ước vọng của nhân dân ta.

Xã hội Việt Nam hiện đang có sự chuyển biến dữ dội, đang thay đổi rất nhiều trong thời kỳ đổi mới. Những vấn đề nổi cộm của cuộc sống đang diễn ra như làm ăn kinh tế, quy hoạch đất đai, nếp sống đô thị hóa, xóa đói giảm nghèo, đổi mới giáo dục, bảo tồn văn hóa… Tất cả không tách rời đời sống chính trị; mà thực ra nó cũng chính là những vấn đề của chính trị đương đại.  Những năm qua, các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại như báo chí, truyền hình, Internet… đã phản ánh rất nhiều vấn đề thời sự, còn gọi là những vấn đề “nóng” của xã hội, nhưng vẫn chưa có nhiều các tác phẩm VHNT viết về những vấn đề này; đội ngũ tác giả sáng tác về mảng đề tài này cũng khá hiếm hoi.  Về đề tài chống tiêu cực, chống tham nhũng, khi tìm hiểu dư luận Trung Quốc, các chuyên gia cho biết dư luận, khán giả cả nước họ hoan nghênh, cổ vũ, và hết sức trân trọng một số phim tiêu biểu mà chúng ta đã có dịp xem ở màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ Việt Nam như "Sự lựa chọn sinh tử""Quyền lực tuyệt đối""Công tố viên"… và độc giả, khán giả Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Thiếu vắng đề tài đương đại và đội ngũ sáng tác đề tài này, theo tôi có nhiều nguyên nhân đó là do vẫn còn tư tưởng xem nhẹ thể loại văn học mô tả những vấn đề thời sự, vì nhiều tác giả cho rằng đó là thể loại của tân văn, báo chí hơn là văn học. Thứ hai, khi đụng một vấn đề gai góc như chống tiêu cực xã hội chẳng hạn, đôi khi người viết đã chùn bước vì sợ liên lụy, sợ bị trù dập. Còn nếu muốn dấn thân phải tìm tòi, phải tốn nhiều thời gian và có khi tốn nhiều tiền bạc thâm nhập thực tế để có vốn sống thực sự từ các vấn đề muốn đề cập. Hậu quả là có không nhiều nhà văn đi vào con đường sáng tác những vấn đề gai góc của cuộc sống. Lớp nhà văn trẻ có thể am hiểu sâu sắc tâm tư, những điều trăn trở của lứa tuổi, của thế hệ của họ, nhưng họ còn thiếu nhiều vốn sống để viết, thiếu lòng nhiệt thành, hăm hở thâm nhập thực tế cuộc sống. Đáng buồn nhất là thiếu sự cổ vũ, trân trọng của dư luận, công chúng xã hội đối với nhà văn trên con đường gai góc khi viết về những vấn đề của cuộc sống đương đại! 

 Chúng ta vẫn còn nhớ là sau khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới,trên văn đàn đã xuất hiện hàng loạt các  tác phẩm chống tiêu cực gây  tiếng vang trong xã hội như: Những mảnh đời đen trắng (Nguyễn Quang Lập), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Chuyện làng Cuội (Lê Lựu), Nhìn từ xa …Tổ quốc, Âm dương Ngũ hành(Thơ của Nguyễn Duy). Ở thời kỳ này,  nhiệt tình phê phán của văn học nghệ thuật đã được khơi dậy.  Tất nhiên khi VHNT trở thành công cụ phê phán thì Nhà văn phải đứng vững trên lập trường đúng đắn và phải có cái tâm sáng thì VHNT mới trở thành người phát ngôn của xã hội và đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân.Đề cập nhiều đến vấn đề này, tôi hy vọng trong thời gian tới, đội ngũ văn nghệ sỹ chúng ta hãy dành nhiều sự quan tâm hơn cho mảng đề tài đương đại; đây cũng chính là con đường ngắn nhất để chúng ta đưa văn chương nghệ thuật đến gần hơn với cuộc sống; phát huy được vai trò của văn học trong công cuộc đổi mới quê hương, đất nước hôm nay. Ở đây tôi xin nói thêm là không phải cứ nhất thiết viết “tiêu cực” cho thật đậm mới là tác phẩm có tính hiện thực cao. Việc đưa mặt tiêu cực vào tác phẩm như thế nào cho có hiệu quả nghệ thuật là việc không dễ dàng. Liều lượng mặt tiêu cực ít hay nhiều, nặng hay nhẹ  tùy thuộc chủ yếu vào sự lựa chọn của Nhà văn.  Người cầm bút có trách nhiệm, hiểu biết nghề nghiệp và chức năng của văn nghệ không thể tùy tiện tung mọi thứ tiêu cực vào tác phẩm chỉ để hả cơn bực giận của mình.  Người viết cần có sự hiểu biết thật sâu sắc hiện thực mình miêu tả để lựa chọn những gì có ý nghĩa, có tính điển hình, gắn với vấn đề mình đặt ra trong tác phẩm và đạt được mục đích giúp cho cái mới luôn nảy nở và con người mới phát triển không ngừng. .
       Trong thời gian tới, chúng ta cũng  cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 05-CTHĐ/TU của Tỉnh uỷ Quảng Trị về"Tiếp tục xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới"  xem đây là "đòn bẩy" để tạo ra những chuyển biến mới trong hoạt động VHNT của địa phương. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến công tác phê bình văn học nghệ thuật;  kiên quyết đấu tranh với những quan điểm lý luận sai trái, lệch lạc trong lĩnh vực văn học nghệ thuật góp phần hình thành đời sống văn hoá văn nghệ phong phú, lành mạnh trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai:  Năm 2011, chúng ta đã tổ chức tổng kết 3 nămCuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.  Thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Ban Bí thư quyết định tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí  về chủ đề Bác Hồ. Dự kiến Cuộc vận động sáng tác lần này sẽ chia làm 02 đợt để sơ kết và tổng kết. Sơ kết đợt 01 vào dịp 19/5/2013; tổng kết Cuộc vận động vào 19/5/2015.  Để hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tiếp tục được lan toả và thực sự đi vào cuộc sống,  trong thời gian tới, chúng ta cần có sự đổi mới trong công tác chỉ đạo và phương thức tổ chức.  Hội VHNT (đơn vị chủ trì) cần kịp thời xây dựng kế hoạch tổ chức cho anh chị em văn nghệ sỹ đi sâu vào các lĩnh vực kinh tế, trong công nghiệp, nông nghiệp; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số để phát hiện, phản ánh các vấn đề đời  sống đang đặt ra, phát hiện những nhân tố mới, những tấm gương tốt điển hình để phản ánh trong tác phẩm. Cuộc vận động  lần này xác định xây dựng những điển hình mới "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" sẽ là nhân tố chính cho các tác phẩm VHNT và báo chí.  Xây dựng, sáng tạo một tác phẩm VHNT và báo chí là một công việc đòi hỏi sự tỷ mỉ và công phu; người sáng tác vừa phải đảm bảo tính chính xác cũng như tính điển hình trong sáng tạo vì vậy hơn lúc nào hết,  mỗi một văn nghệ sỹ chúng ta cần phải nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn, cao hơn nữa; phấn đấu để có thêm nhiều tác phẩm mới có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.           

Thứ ba:  Những năm qua, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị đã quan tâm đến công tác phát triển hội viên mới, đặc biệt là hội viên trẻ- lực lượng kế cận của VHNT tỉnh nhà trong tương lai. Tuy nhiên hiện nay, ở nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng đang xuất hiện tình trạng già hoá đội ngũ (kể cả lực lượng sáng tác VHNT, đội ngũ những nhà lý luận phê bình lẫn quản lý); đây chính là dấu hiệu tạo ra nguy cơ thiếu sức sống, thiếu tính năng động trong các hoạt động của Hội văn học nghệ thuật đồng thời là nguyên nhân dẫn đến sự hẫng hụt về đội ngũ trong tương lai. Vì vậy ngay từ bây giờ (đặc biệt là trong Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị lần thứ VI nhiệm kỳ 2012-2017 sắp tới), chúng ta phải có những kế hoạch, giải pháp cụ thể, thiết thực để từng bước cải thiện được tình hình này. Trước hết, chúng ta cần quan tâm đến việc phát hiện, bồi dưỡng những cây bút trẻ ở địa phương, từ đó mạnh dạn giới thiệu để Hội VHNT Tỉnh  kết nạp vào Hội; tổ chức các Trại sáng tác trẻ, các Câu lạc bộ VHNT trẻ để lôi cuốn thế hệ trẻ tham gia vào hoạt động sáng tạo VHNT; mạnh dạn đưa các hội viên trẻ vào Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật... Bên cạnh số lượng, cũng cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ sáng tác VHNT trẻ. Nói đến chất lượng đội ngũ trong văn nghệ thực chất là nói đến tài năng. Xử lý vấn đề tài năng là một khoa học đồng thời là một nghệ thuật. Quan trọng nhất là thái độ trân trọng và chân thành. Trong lĩnh vực này, sự thành kiến, hẹp hòi cũng có hại như sự chiều nịnh, tâng bốc. Phải làm cho văn nghệ sỹ, đặc biệt là văn nghệ sỹ trẻ nhận rõ: Tài năng vừa là do tài năng vừa là do rèn luyện, vừa thuộc về bản thân, vừa thuộc về xã hội. Động viên các văn nghệ sỹ  nâng cao trách nhiệm công dân, hướng đến những vấn đề của dân tộc, thời đại, đất nước, quê hương để trong thời gian tới chúng ta sẽ có những tác phẩm VHNT có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.

Thứ tư:  Thời gian qua, việc tạo môi trường sáng tác cho hội viên đã được Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị quan tâm như mở trại sáng tác ở các huyện, cử hội viên đi trại viết Trung ương, tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, hỗ trợ kinh phí sáng tác. Ban Thường vụ Hội rất mong muốn và trăn trở việc đầu tư sáng tác có trọng điểm để có những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng thế nhưng việc thực hiện đầu tư chiều sâu và trọng điểm đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách quyết liệt.  Sáng tác không phải là đặc quyền của lớp người nào, tài năng luôn là của hiếm, nên về lâu dài,  thiết nghĩ Hội Văn học nghệ thuật  khi phát hiện một cây bút thực sự có khả năng thì cần ưu tiên tạo điều kiện sáng tác tốt nhất cho họ, tránh tình trạng dàn đều và bất kể họ có là “hội viên” hay không.  Ngoài các cơ hội đi dự Trại sáng tác, hay nhận tiền đầu tư, trong cơ chế thị trường, chúng ta cũng nên dần hướng đến việc “xã hội hoá” hoạt động VHNT; ví như vận động một Doanh nghiệp làm “Mạnh thường quân” đỡ đầu cho một nhà văn đang thai nghén một tác phẩm lớn, hay đỡ đầu câu lạc bộ sáng tác trẻ… Làm được điều này tất nhiên không hề dễ dàng, nhưng nếu nỗ lực cố gắng và có phương thức khéo léo thì chúng ta  hoàn toàn có thể thực hiện được.

Thứ năm: Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị phải tạo được sự đoàn kết nhất trí cao, cùng thống nhất ý chí và hành động, năng động, sáng tạo trong điều hành trong hoạt động Hội.  Hội Văn học nghệ thuật phải luôn là chỗ dựa tinh thần cho hội viên, là ngôi nhà thân thương để hội viên đi về để khơi dậy lòng đam mê, không khí sáng tạo trong mỗi văn nghệ sĩ.  Năm 2012, Đại hội Hội Văn học nghệ thuật Quảng Trị lần thứ VI (Nhiệm kỳ 2012-2017) sẽ được tổ chức vì vậy, ngay từ đầu năm, Hội Văn học nghệ thuật hãy bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị cả về  nội dung lẫn nhân sự; cần có sự chuẩn bị chủ động, chu đáo cho nhiệm vụ quan trọng tổ chức Đại Hội thành công, góp phần đưa văn học nghệ thuật Tỉnh nhà có bước tiến vượt bậc hơn nữa trong nhiệm kỳ tới.

* * *

Thành tựu mà văn nghệ sỹ Tỉnh nhà đạt được trong năm qua là rất đáng tự hào song chặng đường trước mắt còn nhiều khó khăn và thử thách. Sự nghiệp xây dựng phát triển nền Văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới, đòi hỏi của công chúng về những tác phẩm xứng tầm, có sức lay động mạnh mẽ đang đặt lên vai mỗi văn nghệ sỹ chúng ta trách nhiệm rất nặng nề. Chúng ta hãy xem buổi gặp mặt đầu xuân  hôm nay là buổi lễ xuất quân của văn nghệ sỹ tỉnh nhà nhằm siết chặt đội ngũ, đồng sức đồng lòng, phấn đấu  thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đảng bộ Tỉnh lần thứ XV. Thay mặt Lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, tôi xin chúc tất cả anh chị em nghệ sỹ và quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc. Năm mới, niềm tin mới, quyết tâm mới, thắng lợi mới!

N.V.H

 

NGUYỄN VĂN HÙNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 210 tháng 03/2012

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground