Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 09/05/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Giữ gìn và phát huy vốn dân ca dân tộc Vân Kiều

 (QT) - Trong một lần trò chuyện với nhà nghiên cứu văn hóa Hồ Chư về vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các làn điệu dân ca truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô, ông có nhắc đến chị HỒ THỊ HÀ, cán bộ Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa, một trong những người trẻ hiếm hoi biết hát dân ca Vân Kiều đúng chất, giữ được bản sắc của dân tộc. Đó cũng là nguyên cớ để chúng tôi tìm gặp và có buổi trò chuyện với chị Hồ Thị Hà. 

- Chào chị! Chị có thể chia sẻ đôi chút về bản thân cũng như cơ duyên khiến chị trở nên yêu thích và đam mê những làn điệu dân ca của dân tộc mình? 

- Tôi là một người con dân tộc Vân Kiều, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hướng Hóa. Năm 1987, sau khi tốt nghiệp cấp II, tôi được về học tại Trường PTDT nội trú tỉnh, nhưng chỉ được hai năm, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên tôi xin nghỉ học, về nhà phụ giúp công việc gia đình. 

Đầu năm 1990, nghe tin Phòng Dân tộc huyện Hướng Hóa tuyển vị trí tuyên truyền viên vào Đội thông tin lưu động của huyện, tôi làm đơn và được nhận vào. Nhờ vậy, tôi có điều kiện đến tận các bản làng xa xôi, hẻo lánh, học thêm được nhiều điều hay từ văn hóa của đồng bào mình, đặc biệt là biết thêm nhiều bài dân ca mà hiện chỉ còn những người già mới biết hát. 

Nói về cơ duyên khiến tôi gắn bó với dân ca của đồng bào dân tộc Vân Kiều, tôi còn nhớ năm lên 12 tuổi, khi lần đầu được bố mẹ cho về quê, nghe các cô, các bác hát những làn điệu như Tà Oái, trong lòng tôi chợt dâng trào một cảm xúc thật khó tả. Lúc đó, tôi còn chưa biết nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ, tiếng đồng bào nhưng nghe âm hưởng lúc trầm, lúc thanh của làn điệu dân ca Vân Kiều, lối hát đối đáp qua về giữa người con trai và con gái, tôi chợt nghĩ bằng mọi giá mình phải học được tiếng mẹ đẻ thật giỏi để cũng có thể hát như họ. 

Sau này trưởng thành, công việc ở đội thông tin lưu động đã giúp tôi có điều kiện tiếp xúc nhiều với bà con, ngày càng am hiểu hơn không chỉ tiếng nói mà cả văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là những làn điệu dân ca truyền thống. 

 

Tổ chức hội diễn quần chúng ở cơ sở là một cách gìn giữ và phát huy giá trị dân ca đồng bào dân tộc thiểu số -Ảnh: T.T 

 

- Có thể gọi chị là người hát dân ca “có nghề”, vậy kỷ niệm nào gắn bó với nghiệp hát dân ca mà chị nhớ mãi? Theo chị, nét đặc sắc nhất của các làn điệu dân ca Vân Kiều là gì? 

- May mắn của tôi là không chỉ học hỏi từ các bậc tiền bối nhiều làn điệu dân ca đặc sắc của đồng bào, mà còn được vinh dự đem làn điệu ấy giới thiệu cho nhiều người được biết, thông qua những lần tham gia các hội thi, hội diễn từ cấp huyện, tỉnh đến toàn quốc, cùng với đội của mình nhận các giải thưởng như HCV tại Liên hoan hát ru toàn tỉnh năm 1992, HCV tại Liên hoan Rừng xanh vang tiếng Ta lư năm 1998, giải Nhất tại Hội diễn chào mừng 35 năm giải phóng huyện Hướng Hóa... 

Có một kỷ niệm sâu sắc mà tôi ấn tượng mãi là năm 1992, khi về tham dự Liên hoan Hát ru toàn tỉnh, lúc đó con tôi mới 1 tuổi, lại bị ốm nên tôi phải mang con theo. Đến giờ biểu diễn mà cháu cứ khóc mãi không chịu rời mẹ, không còn cách nào khác, tôi đành phải cõng con sau lưng lên sân khấu thể hiện một bài hát ru con của người đồng bào. Không ngờ phần biểu diễn của tôi lại gây ấn tượng cho ban giám khảo và được khán giả vỗ tay động viên không ngớt, lúc đó tôi mới tin là mình đã hoàn thành nhiệm vụ.

Nói về dân ca của đồng bào Vân Kiều gồm các làn điệu Tà Oái, Oát, Xà nớt, A ru. Làn điệu Tà Oái của người Vân Kiều là một lối hát ví von, có giai điệu, cung bậc rõ ràng, là lời tâm sự của người con gái và người con trai đối đáp giao duyên bằng lời ca như một lời nhắn gửi, tìm kiếm, qua đó người con trai hoặc con gái sẽ thổ lộ tâm trạng, nỗi lòng của mình một cách tình tứ, ý nhị và sâu sắc. 

Ví như người con gái bộc bạch thế này: “Em ở chòi bên này thao thức đợi anh/Muốn thổi kèn aman nhưng lại thiếu một người/Kèn aman không thổi một mình/Em biết thương ai bây giờ ngoài anh”. Người con trai cũng hồi đáp tâm tình: “Thương em đến nỗi sầu/ Nhớ em đến nỗi ốm/Ước gì gan mật trở về nhau mãi mãi...”. 

Câu hát Tà Oái chính là thông điệp của tình yêu mà những chàng trai, cô gái Vân Kiều gửi gắm cho nhau, giúp họ vượt qua các trở lực ngăn cản, hoàn cảnh éo le để đến với nhau. Điệu Aru là dành cho bà ru cháu ngủ để mẹ lên nương rẫy, điệu Oát, Xà nớt là làn điệu dành cho những dịp mừng lúa mới, bạn bè lâu ngày không gặp, mừng đám cưới hoặc có những tâm sự buồn, hóa giải những vướng mắc trong cuộc sống...Bản thân tôi là người dân tộc Vân Kiều nên tôi có thể hát nhuần nhuyễn cả hai làn điệu Tà Oái và A ru. 

 

- Theo chị, cái khó nhất trong hát dân ca của dân tộc Vân Kiều là gì và làm thế nào để những người trẻ tuổi có được sự đam mê, yêu thích dân ca để kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống này? 

- Dân ca của đồng bào dân tộc Vân Kiều vốn mang âm hưởng núi rừng, lúc trầm lúc bổng, chính vì vậy đòi hỏi người hát phải luyến láy đúng, lối vừa hát vừa kể nên việc uyển chuyển trong cách hát, cách nói cũng đòi hỏi phải nhuần nhuyễn. Để có thể hát được dân ca, truyền tải được thần thái của các làn điệu dân ca qua từng câu hát, tôi nghĩ cần phải thường xuyên luyện âm và học hỏi ca từ, lời bài hát, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa ứng xử của đồng bào dân tộc trong các mối quan hệ để có thể linh hoạt sáng tác thêm những lời mới phù hợp trên cơ sở làn điệu sẵn có. 

Đúng là thực tế hiện nay, các bạn trẻ ít mặn mà với dân ca Vân Kiều, một phần vì tác động của cơ chế thị trường, nhạc trẻ xâm nhập sâu vào đời sống tinh thần của thế hệ trẻ. Bản thân tôi luôn tâm niệm rằng những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc mình cần phải được giữ gìn và phát huy. Được sự chỉ dạy tận tình tiếng Brũ - Vân Kiều của thầy giáo Hồ Xuân Long, tôi đã học hỏi được nhiều ngôn ngữ của đồng bào mình, hiện tại ngoài một số bài hát đã dịch sang tiếng Brũ - Vân Kiều như “Người mang họ Hồ” (Thuận Yến), “Rừng xanh vang tiếng Ta lư” (Huy Thục), tôi đang cố gắng dành thời gian để dịch lời nhiều bài hát phổ thông sang tiếng Brũ - Vân Kiều. 

Để bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc của những làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô cần có sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành bằng các hành động cụ thể như tăng cường tổ chức các lớp truyền dạy, tập huấn ngay tại thôn bản, mời chính các nghệ nhân đứng lớp để duy trì những làn điệu dân ca độc đáo này, đồng thời qua đó phát hiện nhiều hạt nhân có năng khiếu văn nghệ từ các bản làng; quan tâm đầu tư kinh phí để hỗ trợ việc nghiên cứu dân ca đồng bào dân tộc thiểu số. 

Việc khơi nguồn, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Vân Kiều là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nó không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn nữa là những giá trị ấy sẽ được neo giữ trong những tâm hồn trẻ, để mai này song hành cùng họ đi đến tương lai. 

-Xin cảm ơn chị ! 

                                                                 THANH TRÚC (thực hiện)

Theo Báo Quảng Trị

Thanh Trúc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 242

Mới nhất

Đừng cho tôi tất cả; Gom

02/05/2025 lúc 06:20

Đừng cho tôi tất cả                                             Đừng cho tôi tất cảTôi sẽ không tồn

Đường xưa; Tháng năm

02/05/2025 lúc 06:16

Đường xưaNgày xưa ùa về trong tiếng mưa đêmLang thang trên con đường một

Quê hương; Thưa ba

02/05/2025 lúc 06:04

Quê hương Tôi yêu nhánh lúa bờ treMẹ tôi cắp rổ ra khe xuống

Cơm chiều

02/05/2025 lúc 06:02

Em thường hỏi chiến tranh đã xaMà anh cứ kể hoài chuyện cũNắng vàng, hốc

Người về Diên Sanh

02/05/2025 lúc 05:55

Hải Lăng xanh thắm tình quêNăm mươi năm lại tìm về Diên SanhHồ Khe Chè nước

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

10/05

25° - 27°

Mưa

11/05

24° - 26°

Mưa

12/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground