Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hướng Hóa trên hành trình hội nhập và phát triển

PVThưa đồng chí, chiến thắng Khe Sanh 09/7/1968 đồng thời cũng là sự kiện giải phóng huyện Hướng Hóa. Tầm vóc của chiến thắng này không chỉ mang tính chất địa phương mà nó còn ảnh hưởng lớn đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta. Xin đồng chí cho biết vài nét ý nghĩa của chiến thắng này.

Đ/c Đặng Trọng Vân: Trước hết, nói về vị trí thì Khe Sanh giống như “cái mỏ neo” trong bản đồ quân sự của Mỹ, đặc biệt là uy hiếp đường Hồ Chí Minh và bảo vệ vùng I chiến thuật. Đây là trung tâm chỉ huy của Hàng rào điện tử McNamara mà Mỹ xây dựng nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh và là khu vực phòng thủ mạnh nhất của địch nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam qua giới tuyến quân sự tạm thời.

Trong khi Hội nghị Paris về Việt Nam đang gặp bế tắc do phía Hoa Kỳ liên tục trì hoãn đàm phán thì chiến thắng tại Khe Sanh kết hợp với Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã giúp phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đảo ngược tình thế, buộc Hoa Kỳ ngồi vào bàn đàm phán tại Paris. Chiến thắng này cũng giúp Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của Hoa Kỳ tại miền Nam Việt Nam.

Từ đây, huyện Hướng Hóa được giải phóng, chấm dứt sự chia cắt của kẻ thù 14 năm; hậu cứ và địa bàn hành lang chiến lược Bắc - Nam được mở rộng, tuyến chi viện vào miền Nam càng được củng cố vững chắc, liên minh chiến đấu Việt - Lào thêm tăng cường, tạo điều kiện để quân và dân ta tiến lên giành thắng lợi quyết định trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971, tạo đà thắng lợi cho cách mạng miền Nam mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam - thống nhất Đất nước.

Trong bức điện ngày 13/7/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cuộc thắng lợi của ta ở Khe Sanh tỏ rõ mưu lược và sức mạnh vô địch của quân, dân và cán bộ ta, nó góp phần xứng đáng vào thắng lợi to lớn của toàn miền Nam từ đầu năm đến nay. Cùng với những thắng lợi của ta ở các chiến trường khác, nó mở đường cho những thắng lợi to lớn hơn nữa”.

PVChiến thắng Khe Sanh 1968, Hướng Hóa là huyện đầu tiên của miền Nam được giải phóng hoàn toàn. Xin đồng chí cho biết một vài điểm nhấn trong nỗ lực xây dựng huyện Hướng Hóa trong 50 năm qua.

Đ/c Đặng Trọng Vân: Khe Sanh hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và nhân dân Hướng Hóa bước vào giai đoạn mới, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương; đồng thời huyện nhà cũng tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến, tiếp tục sát cánh cùng các lực lượng giải phóng tỉnh Quảng Trị năm 1972 và giải phóng miền Nam - thống nhất Đất nước năm 1975.

Bước ra khỏi chiến tranh trong cảnh hoang tàn đổ nát, cơ sở vật chất thấp kém, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, địa hình núi đồi và đất đai phì nhiêu là một lợi thế tự nhiên của địa phương, chính vì thế ngay sau Giải phóng, huyện đã tiếp nhận hàng nghìn dân ở huyện Triệu Phong và đồng bằng lên xây dựng vùng kinh tế mới. Số lượng dân miền xuôi lên, cùng với đồng bào từ chỗ du canh du cư từng bước định canh định cư, đã bổ sung nguồn lực để khai hoang đất phát triển nông nghiệp.

Nhiều tiềm năng, lợi thế của huyện đã được khai thác phát huy hiệu quả cho đến nay. Sản xuất nông nghiệp từ phương thức canh tác lạc hậu đã chuyển sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi cho năng suất, giá trị cao. Đến nay đã hình thành các vùng sản xuất tập trung để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các cây công nghiệp, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp chuyên sản xuất theo hướng hàng hoá mang lại giá trị kinh tế cao, có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước với các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, cao su, chuối, bời lời và sắn nguyên liệu với tổng diện tích sản xuất hơn 15.820 ha.

Năm 1998, Khu Kinh tế thương mại Lao Bảo được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng. Qua 20 năm thành lập đến nay, Khu kinh tế thương mại Lao Bảo không ngừng phát triển, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của toàn huyện. Đã hình thành hai khu công nghiệp là Lao Bảo và Tân Thành. Khu công nghiệp Lao Bảo đã thu hút được hai nhà đầu tư Thái Lan xây dựng hai nhà máy gồm: Nhà máy Super horse và nhà máy Camel. Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến.

Trên địa bàn huyện, nhiều dự án công trình đầu tư hiệu quả như: Nhà máy thủy lợi - thủy điện Rào Quán Quảng Trị; Nhà máy điện gió Hướng Linh 1; Nhà máy điện gió Hướng Linh 2; Thủy điện Khe Giông, Khe Nghi. Tiếp tục tiến hành khảo sát và lập dự án đầu tư các công trình điện gió: Hướng Linh 3, Hướng Linh 4, Hướng Phùng, Hướng Phùng 2, Hướng Sơn 3; Thủy điện Hướng Phùng. Triển khai thực hiện dự án trồng cây Sachi tại xã Hướng Linh.

Đặc biệt trên lĩnh vực thương mại - dịch vụ, hệ thống siêu thị, khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ khác được đầu tư tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ cho phát triển. Đến nay toàn huyện có 297 doanh nghiệp hoạt động và đầu tư vào Khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo.

Huyện Hướng Hóa cũng đã tổ chức hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, có trên 95% hộ dân được dùng điện lưới quốc gia và trên 75% hộ dân được dùng nước sạch. Tỷ lệ hộ dân xem truyền hình đạt 100%.

Tính đến cuối năm 2017, tổng giá trị sản xuất toàn huyện đạt hơn 11 nghìn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 32,3 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,36%; có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% xã, thị trấn có đầy đủ 3 cấp học từ mầm non đến THCS đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Toàn huyện có 01 bệnh viện đa khoa, 02 phòng khám khu vực với quy mô hơn 150 giường bệnh; 100% Trạm y tế có bác sỹ và có 21/22 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, đạt tỷ lệ 95,45%.

Hai thị trấn Khe Sanh và Lao Bảo phát triển năng động, hiện đại được mệnh danh là “đô thị vàng” nơi đầu cầu Xuyên Á. Cơ sở hạ tầng khá hiện đại với những ngôi nhà cao tầng, phố chợ sầm uất, các công trường xây dựng, các nhà máy, khu sản xuất công - nông nghiệp nhộn nhịp.

Đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên. Đặc biệt là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô bước ra từ hoàn cảnh thiếu cái ăn, khát con chữ nay đã trở thành những bác sĩ, kỹ sư, nhà giáo, điển hình nông dân sản xuất và làm kinh tế giỏi, những gia đình văn hóa, gia đình hiếu học,... cùng chung tay xây dựng quê hương.

Với những thành tích đã đạt được, huyện Hướng Hóa vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ” và “Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới”.

PVXin đồng chí cho biết những thành tựu trong sự phối hợp giữa cấp ủy và địa phương trong việc đảm bảo an ninh biên giới, ổn định đời sống, giữ gìn văn hóa nói chung.

Đ/c Đặng Trọng Vân: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hướng Hóa rất coi trọng công tác đảm bảo an ninh vùng biên giới. Tích cực giáo dục toàn dân nêu cao tinh thần cách mạng, xây dựng lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ để đề cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá. Hoạt động đối ngoại luôn được giữ vững, gắn kết bền chặt với các huyện của nước bạn Lào.

Nhiệm vụ xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc được coi trọng và đạt kết quả cao. UBMTTQVN huyện và các đoàn thể làm tốt công tác vận động, xây dựng phong trào đoàn kết các dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn. Chú trọng công tác phát triển đảng viên trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Là huyện miền núi với khoảng 50% dân số là đồng bào dân tộc ít người. Trong những năm qua, cùng với việc thực hiện chính sách dân tộc, huyện đã ưu tiên kinh phí, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn và triển khai các hoạt động hỗ trợ cho đồng bào định canh, định cư, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ đó cuộc sống của từng hộ gia đình ngày càng ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho người dân khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại, có ý thức vươn lên thoát nghèo cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ, tăng cường hơn nữa công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả cũng như quan tâm đến việc học tập của con em và chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho người dân.

Đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô ở huyện miền núi Hướng Hóa được biết đến là một cộng đồng dân tộc có nền văn hóa bản địa đa sắc màu với một kho tàng các làn điệu dân ca độc đáo, các sinh hoạt tín ngưỡng, lễ hội mang tính bản sắc. Vì vậy, việc khơi nguồn, bảo tồn và phát triển các làn điệu dân ca này luôn được huyện chú trọng; gắn bảo tồn với tôn vinh thông qua các hoạt động lễ hội, du lịch. Huyện Hướng Hóa đã xây dựng công trình Nhà văn hóa Vân Kiều, Pa Cô có tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng. Đây là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đồng thời lưu giữ và bảo tồn văn hóa dân tộc. Những kỷ vật của người Vân Kiều, Pa Cô được sưu tầm và trưng bày tại đây như một phần không thể thiếu trong câu chuyện về ký ức chiến tranh, cũng như về bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số nơi mảnh đất Hướng Hóa.

PV50 năm từ ngày giải phóng đến nay là một chặng đường đầy nỗ lực xây dựng và phát triển huyện Hướng Hóa. Tiếp nối truyền thống đấu tranh anh dũng, ý chí khắc phục khó khăn, cải tạo tự nhiên, Hướng Hóa phấn đấu xây dựng thành huyện miền núi kiểu mẫu, như lời Tổng Bí thư Lê Duẩn căn dặn. Xin đồng chí cho biết một số nhiệm vụ trong thời gian tới cũng như những thế mạnh trong phát triển kinh tế hiện nay được huyện chú trọng.

Đ/c Đặng Trọng Vân: Trong thời gian tới, xác định nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, do đó công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân luôn được coi trọng và tiến hành thường xuyên, tạo sự ổn định về chính trị. Công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ được quan tâm để từng bước chuẩn hóa trình độ theo yêu cầu, nhiệm vụ công việc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết dân tộc.

Về kinh tế, đẩy nhanh tốc độ phát triển và chuyển dịch cơ cấu, đảm bảo phát triển bền vững, khai thác và sử dụng tài nguyên hợp lý, phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường. Biến cái khó khăn của tự nhiên thành thuận lợi, chú trọng phát triển các loại cây trồng có thế mạnh. Cây sắn là một thế mạnh trong nông nghiệp, nhất là từ khi nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đi vào hoạt động, cây sắn không những đã giúp nông dân ở các xã vùng sâu, vùng xa xóa đói, giảm nghèo mà còn xuất hiện nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hướng Hóa cũng là địa bàn trọng điểm phát triển cà phê của Quảng Trị và vùng Bắc Trung Bộ. Năm 2017, sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể; cùng với việc xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng cho sản phẩm là tiền đề cho thương hiệu sản phẩm bền vững. Nhờ vậy, thương hiệu của các sản phẩm cà phê chè Khe Sanh được nâng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Gần đây, cây mắc ca được trồng thử nghiệm ở Hướng Hóa bước đầu thành công, mở ra hướng đi mới cho việc phát triển các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao trên địa bàn.

Năng lượng cũng là một hướng phát triển kinh tế rất quan trọng của huyện. Bên cạnh thủy điện Rào Quán công suất 64 MW đang hoạt động, trong năm nay xây dựng thêm thủy điện Hướng Phùng công suất 18 MW dự kiến hòa mạng lưới quốc gia vào năm 2021. Về điện gió hiện đã có 2 nhà máy. Năm 2017, điện gió Hướng Linh 2 công suất 30 MW đã hòa mạng lưới điện quốc gia. Điện gió Hướng Linh 1 đang vào giai đoạn hoàn thành, sắp tới sẽ nghiên cứu và xây dựng thêm các nhà máy Hướng Linh 3,4,5.

Đẩy mạnh và phát triển các loại hình thương mại, dịch vụ, du lịch tạo động lực để phát triển kinh tế. Mở rộng quy mô, hình thức và nâng cao chất lượng hiệu quả các loại hình kinh doanh dịch vụ, nhất là các lĩnh vực có lợi thế như: vận tải, kho bãi, ngân hàng, viễn thông, du lịch, khách sạn nhà hàng… Phát huy thế mạnh trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo để Hướng Hoá thực sự là cửa ngõ của hội nhập và kết nối với Khu kinh tế Đông Nam, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế La Lay. 

Khai thác tiềm năng thắng cảnh thiên nhiên, di tích lịch sử cách mạng và bản sắc văn hoá dân tộc. Kêu gọi đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên gắn với tuyến du lịch đường Hồ Chí Minh. Phát triển các khu du lịch sinh thái như: Khu du lịch hồ Khe Sanh, Tân Độ, Khu du lịch hồ Rào Quán - động Voi Mẹp và Khu dịch vụ - du lịch Làng Vây để tạo điểm nhấn trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; nối liền Khe Sanh với Lao Bảo thành một chuỗi đô thị kéo dài hiện đại trong tương lai.

Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Khe Sanh - giải phóng Hướng Hóa, càng tự hào về mảnh đất và con người, cũng là động lực để xây dựng phát triển huyện nhà toàn diện, bền vững. Xứng đáng với niềm tin yêu của đồng bào cả nước.

PVXin trân trọng cám ơn đồng chí.

P.V thực hiện

PV
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 286 tháng 07/2018

Mới nhất

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/12

25° - 27°

Mưa

12/12

24° - 26°

Mưa

13/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground