PV: Thưa đồng chí, Đakrông đã trở thành niềm cảm hứng bất tận trong các tác phẩm văn học nghệ thuật với đắm say từ thiên nhiên và con người. Tuy nhiên, trong thực tế thì đây là một trong những địa phương còn nhiều gập ghềnh trên hành trình phát triển. Trong 5 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Đakrông đã nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ V, nhiệm kỳ 2015 - 2020 như thế nào?
Đ/c Nguyễn Trí Tuân: Điều mà Đảng bộ và Nhân dân huyện Đakrông rất phấn khởi trước thềm đại hội khi nhìn lại chặng đường 5 năm qua đó là bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cải thiện đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 5,54%/năm, vượt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn huyện đạt 155 tiêu chí nông thôn mới, tăng 68 tiêu chí so với năm 2015, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã, có 1 xã (Triệu Nguyên) đạt 19 tiêu chí và không có xã dưới 8 tiêu chí. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện. Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, ý thức trong việc phát triển sản xuất, tăng thu nhập; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhất là đối với hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo gia đình chính sách có công. Huyện đã phối hợp vận động thu hút, thực hiện nhiều chương trình, dự án quốc tế trên địa bàn với số vốn tài trợ gần 70 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội,... Quan hệ hữu nghị, truyền thống đặc biệt giữa huyện Đakrông với huyện Sa Muồi, huyện Salavan (tỉnh Salavan, Nước CHDCND Lào) tiếp tục được giữ gìn, vun đắp và phát huy. Hai bên đã phối hợptriển khai thực hiện tốt Hiệp định Quy chế biên giới Việt Nam - Lào, bảo vệ đường biên và hệ thống mốc giới quốc gia, thực hiện tốt quy chế kết nghĩa Bản - Bản, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới; hợp tác phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
PV: Đakrông là 1 trong 2 địa phương của tỉnh Quảng Trị có đông đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) cơ sở được quan tâm như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Trí Tuân: Để chuẩn bị nguồn nhân sự cho hệ thống chính trị cơ sở, đi đôi với công tác quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 và 2025 - 2030, huyện đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho CBCC cấp xã, trong đó có CBCC là người dân tộc thiểu số được chú trọng. Trong thời gian qua, huyện đã tổ chức 20 lớp đào tạo, bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị, tiếng Bru - Vân Kiều, kiến thức quản lý nhà nước cho hơn 1.200 cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã, đội ngũ cán bộ bán chuyên trách, đội viên các đề án làm việc tại các xã trên địa bàn huyện...; phối hợp tổ chức nhiều đợt tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ, công chức… Nhờ vậy, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức trong huyện nói chung, cơ sở nói riêng ngày càng nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Tính đến nay, toàn huyện có 304 CBCC cấp xã, trong đó có 181 CBCC cấp xã là người dân tộc thiểu số, chiếm 60%. Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có 100% cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã người dân tộc thiểu số được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; tất cả CBCC cấp xã người dân tộc thiểu số đều được bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng các phần mềm, khai thác dữ liệu phục vụ công tác; hằng năm ít nhất 60% CBCC cấp xã người dân tộc thiểu số được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp, đạo đức công vụ, kiến thức quốc phòng… Hơn nữa, với đặc thù địa bàn dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nên để vận động người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế, thực hiện nếp sống mới, đặc biệt là xây dựng nông thôn mới trong mỗi làng, bản thì cán bộ phải được nâng cao trình độ toàn diện trên các mặt.
PV: Thưa đồng chí, ở mỗi kỳ đại hội, lòng dân lại hướng về hai chữ “đổi mới” và “vươn lên”. Đối với đặc điểm riêng của Đakrông, trong điều kiện chưa có nhiều thuận lợi, vấn đề đổi mới để vươn lên của huyện Đakrông nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ được chú trọng ở nội dung nào?
Đ/c Nguyễn Trí Tuân: Thế giới vận động rất nhanh, khó lường. Mọi dân tộc đều nỗ lực vươn lên. Nếu chúng ta không thật sự quyết tâm và sáng tạo thì không khỏi tụt hậu. Nếu để tụt hậu thì không xứng đáng với sự hy sinh của bao anh hùng liệt sĩ, với kỳ vọng của Nhân dân và của lớp cha anh đi trước. Huyện Đakrông tuy có không ít khó khăn nhưng vẫn có rất nhiều tiềm năng. Chúng ta không chỉ có trách nhiệm gìn giữ biên cương, trách nhiệm phát triển cho mình mà còn có trách nhiệm góp sức cùng cả nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn. Muốn vậy, cả hệ thống chính trị và tất cả mọi người dân thực sự nỗ lực, thực sự tâm huyết, đồng thời phải phát huy sáng tạo không ngừng, cổ vũ điển hình tốt, cách làm hay. Đã quyết tâm rồi, phải quyết tâm hơn. Đã sáng tạo rồi, phải sáng tạo hơn. Không tự hài lòng. Phấn đấu và đổi mới là quá trình liên tục. Quyết tâm, đổi mới phải từ trên xuống, từ trong ra. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu.
Nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2020 - 2025 có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển của huyện. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và đồng bào các dân tộc huyện Đakrông tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, truyền thống đoàn kết, bản sắc văn hóa con người Đakrông, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ, phát huy tính chủ động, sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Chính vì thế, mục tiêu quan trọng của Đảng bộ huyện chính là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, vai trò tích cực, năng động của chính quyền, sự vào cuộc của mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể và cả hệ thống chính trị. Đổi mới việc xây dựng, ban hành và cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng theo hướng ngắn gọn, khả thi, có lộ trình thực hiện, trách nhiệm, gắn với sơ, tổng kết kịp thời rút kinh nghiệm. Chú trọng lựa chọn những nội dung trọng tâm, cấp bách để tập trung chỉ đạo thực hiện. Chỉ đạo chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; tích cực, chủ động, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Coi trọng xây dựng đạo đức công vụ, văn hóa nêu gương trong tổ chức Đảng, hệ thống chính trị. Phát huy dân chủ trong Đảng; triển khai thực hiện nghiêm túc cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền. Thực hiện nghiêm túc quy chế người đứng đầu cấp ủy tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với Nhân dân. Chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong Đảng, nâng cao năng suất, hiệu quả công tác.Bên cạnh đó là đổi mới, sắp xếp bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ và năng lực, tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh và trách nhiệm. Tập trung rà soát, củng cố kiện toàn các tổ chức cơ sở Đảng, bộ máy các cơ quan nhà nước, Mặt trận, các tổ chức đoàn thể bảo đảm hoạt động có hiệu quả.
PV: Như vậy, có rất nhiều dự định và kế hoạch mới với các chỉ tiêu để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VI (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Sự cất cánh cho Đakrông trong tương lai sẽ như thế nào thưa đồng chí?
Đ/c Nguyễn Trí Tuân: Khi Khu kinh tế Đông Nam hình thành thì việc xây dựng Quốc lộ 15D từ Cửa khẩu quốc tế La Lay nối với cảng Mỹ Thủy trong tương lai sẽ rút ngắn khoảng 80 km so với lộ trình như hiện nay. Như chúng ta đã biết, một trong những hiệu ích mang lại là khi Quốc lộ 15D được mở ra, tiềm năng về đất đai cả một vùng rộng lớn của tỉnh từ phía tây và đông nam Đakrông, nam Cam Lộ, đến đông nam Hải Lăng, thị xã Quảng Trị sẽ được khai thác hiệu quả, góp phần phân bố lại dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đặc biệt, việc nối các tỉnh Nam Lào thông ra biển trên tuyến Quốc lộ 15D sẽ rút ngắn khoảng cách về địa lí, góp phần “khơi thông huyệt đạo”, nối các tỉnh Nam Lào với miền Trung Việt Nam, trong đó có việc thúc đẩy sự phát triển du lịch đường bộ xứng với lợi thế và tiềm năng hiện có… Trong tương lai không xa, đô thị Tà Rụt cũng hình thành. Đây là những cơ hội, tiềm năng và lợi thế để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, huyện cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: nội tại nền kinh tế còn yếu, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trong khi đó nguồn lực đầu tư của huyện còn hạn chế; địa hình phức tạp, thời tiết, khí hậu, dịch bệnh diễn biến bất thường, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế đòi hỏi trong lãnh đạo, chỉ đạo phải toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát thực tiễn; điều hành phải năng động, sáng tạo, quyết liệt, công khai, minh bạch. Phát huy trí tuệ tập thể đi đôi với đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu. Thực hiện tốt công tác phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ.
Để thực hiện được các mục tiêu tổng quát và tạo được sự đột phá thì xây dựng đội ngũ cán bộ đảm bảo phẩm chất chính trị, trình độ, năng lực công tác đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là hết sức quan trọng. Phải quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nguồn nhân lực có chất lượng cao. Quyết liệt trong điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực công tác. Về kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tổ chức sản xuất với hình thức liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Phát huy thế mạnh đất rừng và rừng để đầu tư phát triển lâm nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Tái cơ cấu ngành công thương, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp điện năng, công nghiệp khai khoáng, chế biến nông lâm sản; kêu gọi, thu hút phát huy hiệu quả cụm công nghiệp Krông Klang; chuyển đổi có hiệu quả mô hình Chợ Trung tâm huyện. Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, hệ thống cửa hàng, khách sạn, nhà nghỉ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tích cực, chủ động kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư để phát triển du lịch trên địa bàn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...
Điều quan trọng là chúng ta phải khơi dậy mạnh mẽ khát vọng phát triển và lòng yêu quê hương đối với cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khuyến khích tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành; xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội trong thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước và của huyện.
PV: Xin cám ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này.
Phương Nam thực hiện