Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Kinh tế tăng trưởng khá, nhiều lĩnh vực có bước phát triển quan trọng, an sinh xã hội được đảm bảo.

LTS: Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày tỉnh Quảng Trị được lập lại. Trong bộn bề khó khăn của một tỉnh nghèo vừa thoát ra khỏi cuộc chiến tranh, xuất phát điểm rất thấp, cơ sở vật chất hầu như không có gì, nhưng với tinh thần đoàn kết nhất trí, ý chí vươn lên không ngừng, Quảng Trị đã giành được những thành tựu to lớn trong quá trình tái thiết lại quê hương. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày tỉnh nhà được lập lại, Tạp chí Cửa Việt đăng bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về những kết quả quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã đạt được trong suốt chặng đường 25 năm qua. Nguồn dẫn theo Báo Quảng Trị số 4256, cuối tháng 6/2014, do nhà báo Hoàng Nam Bằng thực hiện.

Thưa đồng chí! Đề nghị cho biết những thành tựu nổi bật về kinh tế - xã hội, bước chuyển mình quan trọng của tỉnh nhà sau 25 năm tái lập tỉnh

Năm 1989, tỉnh Quảng Trị được tái lập trong bối cảnh đất nước tuy đã đạt được những kết quả bước đầu sau 3 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, nhưng vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng và lạm phát. Với xuất phát điểm thấp, cơ sở vật chất nghèo nàn, lại bị ảnh hưởng nặng nề của hậu quả chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt. Mặc dù vậy, nhưng khi tỉnh nhà được tái lập, nhân dân trong tỉnh đã vô cùng phấn khởi, sẵn sàng huy động sức người, sức của để tập trung xây dựng và phát triển quê hương.

Sau 25 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ từ lần thứ XI đến lần thứ XV, tỉnh Quảng Trị đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và có ý nghĩa trên tất cả các lĩnh vực. 

Một là, kinh tế tăng trưởng khá, nhiều lĩnh vực có bước phát triển quan trọng, đời sống đại bộ phận nhân dân từng bước được cải thiện: Quy mô nền kinh tế tăng lên đáng kể và có bước phát triển khá nhanh. Tổng sản phẩm xã hội năm 1989 đạt 83,2 tỷ đồng thì năm 2013 đạt tới 16.504 tỷ đồng (giá hiện hành), tăng hơn 198 lần so với năm 1989. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) bình quân mỗi năm tăng 8,2%. Trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng l6%; khu vực dịch vụ tăng 9,2%; nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 3,8%. Điều này cũng có nghĩa là trong 25 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GDP) tăng lên 6,6 lần; trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 35 lần; dịch vụ tăng 8,2 lần; nông, lâm nghiệp - thủy sản tăng 2,4 lần. Đó là cơ sở, nền tảng đảm bảo cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn sau.

Kinh tế tăng trưởng khá, GDP bình quân đầu người đã được cải thiện đáng kể. Đến năm 2013 GDP bình quân đầu người tính theo giá hiện hành là 26,8 triệu đồng/năm. Nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì GDP bình quân đầu người năm 2013 đã tăng 2,6 lần so với năm 2000 và tăng 4,3 lần so với năm 1989.

Hai là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.  Ngay từ ngày đầu lập lại tỉnh, Đảng bộ tỉnh đã sớm xác định rõ mục tiêu hình thành cơ cấu kinh tế: công nghiệp - nông nghiệp - thương mại dịch vụ. Nhờ đó, cơ cấu kinh tế của tỉnh 25 năm qua có sự chuyển dịch đúng hướng, giảm dần tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Do cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nên kinh tế tỉnh nhà từ “thuần nông” đã chuyển mạnh sang “công nghiệp - dịch vụ”. Trong nội bộ các khu vực cũng có sự chuyển dịch theo hướng tích cực.

Ba là, qúa trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ. Những ngày đầu mới tái lập, toàn tỉnh chỉ có 4 đơn vị hành chính là thị xã Đông Hà và các huyện Bến Hải, Triệu Hải, Hướng Hóa; trong đó, hệ thống đô thị chỉ gồm thị xã Đông Hà là đô thị trung tâm và một số thị trấn, thị tứ nhỏ thuộc các huyện.

Sau 25 năm, hệ thống đô thị của tỉnh được đầu tư xây dựng với quy mô phù hợp, vừa bảo đảm tính kế thừa bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thể hiện được tính hiện đại của đô thị mới. Tỉnh Quảng Trị cơ bản đã hình thành 2 chuỗi đô thị theo các trục Bắc - Nam và Đông - Tây với tổng số 13 đô thị. Tổng dân số đô thị là 177.681 người (chiếm 29,2% dân số toàn tỉnh), tăng 15,1% so năm 1989. Chỉ tiêu điểm đô thị đạt 2,74 đô thị trên 1.000 km2.

Cùng với quá trình đô thị hóa, tốc độ xây dựng mới, cải tạo hệ thống nhà ở đô thị trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được diễn ra khá nhanh, nhiều công trình có quy mô lớn, kiến trúc đẹp, đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, làm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị theo hướng hiện đại, văn minh. Trong giai đoạn 2012-2013, tổng số nhà ở đô thị trên địa bàn tỉnh được xây dựng mới, cải tạo là 1.411 nhà với diện tích sàn xây dựng là 232.575 m2. 

Bốn là, kết cấu hạ tầng từng bước phát triển đồng bộ. Vốn đầu tư toàn xã hội qua các giai đoạn tăng liên tục với tốc độ cao. Nếu trong giai đoạn 1989 - 1995 tổng vốn đầu tư khoảng 800 tỷ đồng, thì đến giai đoạn 1996 - 2000 khoảng 1.930 tỷ đồng, giai đoạn 2001 - 2005 trên 5.200 tỷ đồng, giai đoạn 2006 - 2010  trên 17.000 tỷ đồng và giai đoạn 2011 - 2013 trên 22.000 tỷ đồng. Tính chung tổng số vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn 1989 - 2013 theo giá hiện hành trên 47.000 tỷ đồng. Tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm trong GDP thời kỳ 1989 - 1995 chiếm 25,6%; thời kỳ 1996 - 2000 chiếm 28,1%; thời kỳ 2001 - 2005 chiếm 45,6%; thời kỳ 2006 - 2010 chiếm 49,77% và thời kỳ 2011 - 2013 chiếm 50,24%. Do được tăng cường đầu tư nên năng lực của một số ngành như giao thông, thủy lợi, điện, hạ tầng thương mại đã tăng lên đáng kể.

Đặc biệt, hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đã được hình thành và đưa vào hoạt động: Khu kinh tế  - thương mại đặc biệt Lao Bảo, Khu công nghiệp Nam Đông Hà, Khu công nghiệp Quán Ngang và Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá. Ngoài ra, trên địa bàn các huyện đã hình thành được 15 cụm công nghiệp; trong đó, có 11 CCN đã đi vào hoạt động và thu hút các dự án sản xuất kinh doanh. Hệ thống cơ sở hạ tầng này đã góp phần phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng chuyên nghiệp, tập trung, hạn chế tác động xấu đến môi trường.

Cơ sở vật chất ngành Giáo dục đào tạo, Khoa học công nghệ, Thông tin Truyền thông, Y tế, Văn hoá xã hội, Du lịch, Thể dục, thể thao và các ngành dịch vụ khác đều được tăng cường. Hệ thống cơ sở hạ tầng ở nông thôn có bước phát triển khá nhanh, thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tính đến cuối năm 2013, cơ sở hạ tầng của cấp xã ở khu vực nông thôn đạt được kết quả đáng kể: 100% số xã có đường ô tô đến tận trung tâm; 100% xã có trạm y tế xã 100% xã có trường tiểu học; 81% xã có trường trung học cơ sở; trên 60% xã có chợ xã/liên xã 100% xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình xem được Đài Truyền hình Việt Nam 98%; tỷ lệ hộ gia đình nghe được Đài Tiếng nói Việt Nam 96%. Hệ thống thông tin liên lạc, báo chí ngày càng phát triển.

Năm là, an sinh xã hội được đảm bảo, góp phần ổn định mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Nhìn lại sau 25 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, đời sống dân cư từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến miền biển trên địa bàn tỉnh đều đã được cải thiện rõ rệt. Kết quả các cuộc điều tra khảo sát mức sống dân cư, điều tra giàu nghèo và điều tra hộ gia đình từ trước đến nay cho thấy: Thu nhập bình quân người/tháng của các hộ đã tăng từ 56 nghìn đồng năm 1994 lên 190,6 nghìn đồng năm 2000; 950,7 nghìn đồng năm 2010 và 1.342,6 nghìn đồng năm 2012. Như vậy thu nhập bình quân đầu người năm 2012 của người dân Quảng Trị tính theo giá thực tế tăng hơn 7 lần so với năm 2000 và tăng hơn 16 lần so với những năm đầu mới lập lại tỉnh.

Từ chỗ hàng năm phải đối phó chật vật với nạn đói giáp hạt, thì đến nay, tỉnh cơ bản không còn hộ thiếu đói. Tỷ lệ hộ đói nghèo (theo tiêu chí cũ) năm 1989 chiếm trên 64,7%; giảm xuống còn 26% năm 2000 và đến năm 2005 chỉ còn 10%. Từ năm 2005 đến nay theo chuẩn nghèo mới tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từ 28,4% năm 2005 xuống 19,7% năm 2010 và 11,76% năm 2013. Các đối tượng chính sách, người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ thường xuyên được chăm lo. Phong trào “đền ơn đáp nghĩa” triển khai sâu rộng, đạt nhiều kết quả thiết thực...

Đã thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách trợ giúp đối với đối tượng bảo trợ xã hội, góp phần giúp đỡ, giải quyết một phần khó khăn trong cuộc sống của các nhóm đối tượng bảo trợ xã hội như: người cao tuổi cô đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; người khuyết tật nặng… Số lượng đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng lên, từ 1.535 người (năm 1989) lên 2.458 người (năm 1995); 7.476 người (năm 2000); 11.986 người (năm 2005) và đến năm 2013 là 28.683 người; 100% người dân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, thiếu đói trong kỳ giáp hạt đều được hỗ trợ đột xuất kịp thời.

Trong 25 năm qua, công tác giải quyết việc làm đã gắn liền với các chính sách, mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm tình trạng đói nghèo. Thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đưa người đi lao động ở ngoài tỉnh, đào tạo lao động, cho vay vốn hỗ trợ việc làm… Tỷ lệ lao động làm việc trong các ngành kinh tế nhờ vậy đã tăng lên, hiện nay chiếm khoảng 55,1% dân số, tăng 15,4% so với năm 1989. Tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm đáng kể: Từ 11% giai đoạn 1991-1993 đến năm 2001 giảm xuống còn 5,73%; năm 2005: 5,07%; năm 2008 còn khoảng 2,69%. 

Sáu là, trật tự an toàn xã hội đảm bảo, quốc phòng - an ninh được giữ vững

25 năm qua, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả việc phối hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Thực hiện mỗi bước phát triển kinh tế - xã hội là bước tích luỹ, đầu tư cho quốc phòng, an ninh trong khu vực phòng thủ (KVPT).

Thực hiện tốt Nghị quyết TƯ8 (khóa IX) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” cùng với thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW và Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ chính trị, Nghị định 152/2007/NĐ-CP của chính phủ về xây dựng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành KVPT vững chắc trong thời kỳ mới.

Cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển đồng bộ, các căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương, các công trình phòng thủ tuyến biên giới, biển đảo bước đầu đã được quy hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo theo yêu cầu của thế trận KVPT. Thế trận lòng dân được giữ vững, không có điểm nóng xảy ra trên địa bàn. Đến nay có 79,43% cơ sở vững mạnh toàn diện, không còn cơ sở, cụm yếu kém.

Đồng chí cho biết một cách khái quát việc sử dụng nguồn tài nguyên và con người của tỉnh trong quá trình phát triển những năm qua

Nguồn lực cơ bản của bất kỳ một địa phương nào cũng gồm 3 thành phần chủ yếu: Vốn, tài nguyên và con người. Đối với tỉnh Quảng Trị, do thu ngân sách còn khó khăn, chủ yếu hưởng trợ cấp từ TƯ nên tỉnh rất chắt chiu từng đồng vốn phục vụ cho đầu tư phát triển và cải thiện đời sống nhân dân. Việc sử dụng vốn ngày càng có hiệu quả được chứng minh qua việc kinh tế tăng trưởng và chỉ số ICOR giảm qua các năm từ ngày tái lập tỉnh đến nay.

Đối với việc sử dụng tài nguyên: Tài nguyên khoáng sản của tỉnh Quảng Trị tương đối đa dạng về chủng loại nhưng có trữ lượng không lớn và chất lượng không cao, có một số loại nguyên liệu khoáng có quy mô đáng chú ý để phát triển kinh tế như: sa khoáng titan, cát thủy tinh, đá, cát sỏi xây dựng, than bùn, vàng và khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất xi  măng.

Thực hiện Quy hoạch khai thác khoáng sản của tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 đơn vị đang thăm dò, khai thác khoáng sản. Một số doanh nghiệp đã quan tâm, chú trọng đầu tư dây chuyền chế biến sâu như: sản xuất que hàn Xuyên Á 5.000 tấn/năm tại cụm công nghiệp Diên Sanh; Ilmenite hoàn nguyên 20.000 tấn/năm, nghiền Zicon siêu mịn 4.500 tấn/năm, sản xuất que hàn điện 7.200 tấn/năm tại Khu công nghiệp Quán Ngang; 2 nhà máy chế biến phân hữu cơ vi sinh 40.000 tấn/năm (1 Nhà máy ở KCN Quán Ngang và 1 Nhà máy ở huyện Hải Lăng)...

Công nghiệp khai khoáng những năm vừa qua đã đem lại hiệu quả nhất định, góp phần vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và ngành công nghiệp của tỉnh. Theo thống kê, hiện có 250 cơ sở, doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, sử dụng trên 2.000 lao động.  Giá trị sản xuất công nghiệp khai thác (giá so sánh 1994) qua từng năm và từng giai đoạn có bước phát triển khá.

Công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng với ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, nhất là tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản, xây dựng các quy hoạch có liên quan đến quản lý, khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên, khoáng sản của địa phương. Các hoạt động khoáng sản ngày càng đi vào nền nếp, cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan.

Đối với đất đai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Khóa IX về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Tỉnh ủy có các chủ trương “dồn điền đổi thửa”, đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thể hiện trong các Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; Chỉ thị số 18 CT/TU ngày 20/9/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng công trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản thể chế hóa chính sách, pháp luật đất đai sát, đúng với tình hình thực tế của địa phương để thực hiện.

 Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa IX về đổi mới chính sách, pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được nâng lên; tiềm năng đất đai được khai thác hiệu quả hơn.

Công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được chú trọng. Hiện nay, ở cấp tỉnh đã hoàn thành việc lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu 2011 - 2015.

Chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất cơ bản phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng và sản xuất kinh doanh của nhân dân; quỹ đất nông nghiệp đáp ứng yêu cầu góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, bảo vệ nghiêm ngặt quỹ đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

Đối với nguồn lực con người, xuất phát từ quan điểm phát triển nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định cho quá trình xây dựng và phát triển quê hương. Trong những năm qua, cùng với các chính sách của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm tập trung phát huy mọi nguồn lực phát triển kinh tế xã hội, trong đó hết sức quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực. Đặc biệt từ năm 2000 đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề để mở rộng quy mô đào tạo cho người lao động. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 6 cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và 25 cơ sở dạy nghề. Ngoài Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, tỉnh cũng đang chỉ đạo khẩn trương thực hiện kế hoạch để trình cấp có thẩm quyền quyết định nâng cấp một số trường Cao đẳng, Trung cấp khi có đủ điều kiện. Bên cạnh việc đầu tư phát triển các cơ sở giáo dục và đào tạo nghề, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao về tham gia góp sức xây dựng quê hương.

Để đẩy mạnh việc phát huy nguồn lực con người, ngày 4/10/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1803/QĐ-UBND về quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh một số mục tiêu: Phát triển nhân lực đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cả 3 yếu tố cơ bản: thể lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, đạo đức và cơ cấu hợp lý theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội của tỉnh; xây dựng được bộ phận nhân lực trình độ cao trong các lĩnh vực quản lý, góp phần quyết định trong việc nâng cao vai trò, vị thế, tiềm lực và năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Trị trong vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Đề nghị đồng chí cho biết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong những năm tới?

Trong những năm tới, để Quảng Trị phát triển đúng hướng, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh nhằm thu hẹp dần khoảng cách với các tỉnh trong khu vực, tỉnh cần triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước bằng các Chương trình hành động và Kế hoạch cụ thể

Mục tiêu tổng quát là: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách thu nhập bình quân đầu người so với cả nước; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, đẩy mạnh phát triển đô thị, tạo động lực phát triển cho các vùng trong tỉnh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Các mục tiêu cụ thể là: Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm thời kỳ 2011 - 2020 đạt 12 - 13%, trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt 11,5 - 12,5%năm và đạt 12,5 - 13,5%năm giai đoạn 2016 - 2020; GDP bình quân đầu người đến năm 2015 tăng hơn 2 lần so với năm 2010 và năm 2020 tăng hơn 2 lần so với năm 2015. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH, phấn đấu đến năm 2015 cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp là 49%, 31%, 20%; đến năm 2020 cơ cấu tương ứng là 56%, 31% và 13%. Phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đến năm 2015 đạt 80 - 100 triệu USD và năm 2020 đạt 170 - 200 triệu USD; tỷ lệ thu ngân sách chiếm khoảng 20% từ GDP vào năm 2015 và khoảng 22% vào năm 2020.

Về phát triển xã hội: Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống dưới 1,0% thời kỳ 2011 - 2020; tỷ lệ dân số thành thị đạt khoảng 33% vào năm 2015 và 40% vào năm 2020. Giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 2,5 - 3%; tạo việc làm mới bình quân trên 8.000 lao động/năm; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị xuống dưới 4% vào năm 2020. Duy trì và củng cố vững chắc kết quả phổ cập trung học cơ sở, hoàn thành phổ cập trung học phổ thông trước năm 2020; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 40% vào năm 2015, trong đó đào tạo nghề lên 33%; đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 50% và 44%. Hoàn thiện mạng lưới y tế từ tỉnh đến thôn, bản, phấn đấu đến năm 2015 có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và có 8 bác sĩ, 25 giường bệnh/1 vạn dân; đến năm 2020 phấn đấu có 10 bác sĩ và 28 giường bệnh/1 vạn dân. Giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 17% vào năm 2015 và dưới 15% vào năm 2020. Đến năm 2015 phấn đấu đạt 95% dân số thành thị, 90% dân số nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh và đến năm 2020 các chỉ tiêu trên đạt tương ứng là 100% và 95%.

Về bảo vệ môi trường: nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 48% vào năm 2015 và trên 50% vào năm 2020; tăng diện tích cây xanh ở thành phố và các đô thị khác. Đến năm 2015 có 100% đô thị, khu cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dịch vụ du lịch được thu gom, xử lý rác thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường; các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị thiết bị giảm ô nhiễm; 100% chất thải công nghiệp nguy hại, chất thải y tế được xử lý. Đến năm 2020 phấn đấu thu gom, xử lý 100% rác thải sinh hoạt trước khi thải ra môi trường. Một số giải pháp định hướng chủ yếu để thực hiện như sau:

Một là, đổi mới phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là dân chủ trực tiếp. Hoàn thiện cơ chế để nhân dân đóng góp ý kiến, phản biện xã hội và giám sát công việc của Đảng và Nhà nước, nhất là về các chính sách kinh tế, xã hội, về quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển quan trọng. Quy định chế độ cung cấp thông tin và trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trước nhân dân. Hoàn thiện và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hai là, triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả đề án tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả nền kinh tế

Ba là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo: đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực. Xây dựng chiến lược phát triển đào tạo các ngành, nghề bảo đảm cân đối giữa các vùng miền trong tỉnh và phù hợp với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, đào tạo nhằm tăng cường hơn nữa đầu tư cho giáo dục, đào tạo; khuyến khích các hoạt động xã hội về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Bốn là, phát triển khoa học và công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững. Hợp tác chặt chẽ với các viện nghiên cứu, các trường đại học để thực hiện tốt việc nghiên cứu gắn với ứng dụng vào sản xuất, đời sống. Đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nhất là công tác tuyển chọn đề tài và giao nhiệm vụ thực hiện đề tài khoa học; nâng cao năng lực hoạt động của Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật tỉnh.

Năm là, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới cơ chế quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, vùng, vào các chương trình, dự án. Quản lý, khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm môi trường và cân bằng sinh thái. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai và Chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là nước biển dâng. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.

 Sáu là, tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, hoàn thiện cơ chế, chính sách về doanh nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và kinh tế hợp tác; tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước; công khai, minh bạch các thủ tục hành chính trong việc thành lập doanh nghiệp, các thủ tục đầu tư,…

 Bảy là, tăng cường hợp tác và phát triển thị trường. Phát triển kinh tế đối ngoại toàn diện, chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế nhằm thu hút tối đa các nguồn lực bên ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hợp tác liên kết, nhất là với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các thành phố lớn nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây và mở rộng thị trường trong nước. Tăng cường xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; mở rộng thị trường nông thôn, nhất là ở miền núi, vùng ven biển, vùng sâu, vùng xa. Khuyến khích liên kết kinh tế giữa các cơ sở sản xuất nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tám là, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước. Hiện đại hóa nền hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử; củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương các cấp nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và thực thi công vụ. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho người dân, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Phát huy vai trò của cộng đồng trong giám sát các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước;

Chín là, củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng kinh tế phải kết hợp với bảo đảm QP-AN, xây dựng thế trận lòng dân, cảnh giác trước mọi âm mưu của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh biên giới, biển và hải đảo trong tình hình mới.   

Xin cảm ơn đồng chí.

H.N.B thực hiện

HOÀNG NAM BẰNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 238

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

20 Giờ trước

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

22 Giờ trước

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground