Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lan tỏa những giá trị bền vững từ văn hóa đọc

 

PV: Thưa ông, ngày 5/3/2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND về việc tổ chức “Ngày Sách Việt Nam 21/4” và các hoạt động phát triển văn hóa đọc tại tỉnh Quảng Trị năm 2021. Theo tôi được biết, Ban Tổ chức (trong đó Sở Thông tin và Truyền thông là đơn vị chủ trì tham mưu kế hoạch hàng năm) đã có một hành trình không hề dễ dàng và bằng phẳng mà đòi hỏi rất nhiều nỗ lực hơn 6 năm qua cùng cả nước triển khai các hoạt động nhằm góp phần xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong đời sống xã hội.

Xin được bắt đầu câu chuyện với sự kiện ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách Việt Nam nhằm 3 mục tiêu: khuyến khích người Việt Nam đọc sách; tôn vinh giá trị sách và nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức xã hội đối với việc phát triển và xây dựng văn hóa đọc Việt Nam. Ngày 21/4 cũng là ngày ra đời cuốn sách Đường Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác phẩm đầu tiên bằng tiếng Việt được in bởi những người thợ in Việt Nam. Bên cạnh đó, tháng 4 còn là dịp diễn ra Ngày Sách và Bản quyền Thế giới (23/4), nhằm tôn vinh văn hóa đọc, khuyến khích niềm yêu thích đọc sách, đồng thời tôn trọng bản quyền tác giả của mọi người dân. Với Kế hoạch số 329/KH-BTTT ngày 4/2/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, toàn quốc đã tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8. Riêng tỉnh Quảng Trị tính đến năm nay đã tổ chức được 6 lần (2 lần không tổ chức, đó là lần năm 2014 do không kịp chuẩn bị và lần năm 2016 do gặp khó khăn về kinh phí). Thật sự, hơn 6 năm qua, chúng tôi luôn phải tính toán với nguồn kinh phí hạn hẹp nhưng làm sao có hoạt động phong phú, hấp dẫn để Ngày Sách Việt Nam thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng, một sự kiện văn hóa được mọi tầng lớp nhân dân đón nhận.

Thời gian đầu thực hiện rất khó khăn. Nguồn kinh phí được cấp chỉ đủ cho việc tổ chức phần lễ chính khai mạc. Chúng tôi phải kiên trì vận động từ các cơ sở in, cơ sở phát hành, các cá nhân, tổ chức để có nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động được đa dạng. Các cơ quan tham mưu như: Sở Thông tin và Truyền thông (với vai trò chủ trì), Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh Đoàn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thư viện tỉnh cùng các mạnh thường quân, doanh nghiệp, cá nhân, con em tỉnh Quảng Trị hỗ trợ đã tích cực hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam tại tỉnh nhà. Năm 2015, từ nguồn xã hội hóa và vận động của Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tổ chức đã trao tặng trên 11.000 đầu sách tặng cho 9 đơn vị gồm các trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và các Đồn Biên phòng. Năm 2017, trao tặng trên 5.000 đầu sách mới, hay có ý nghĩa và bổ ích tặng cho 4 đơn vị gồm các trường học thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và 4 trường THPT trên địa bàn tỉnh. Năm 2018, huy động được hơn 4.000 sách giáo khoa và sách tham khảo; gần 20 triệu đồng (mua sách) tặng cho học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Năm 2019, huy động gần 36 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa để thực hiện các hoạt động Ngày Sách và tặng sách cho một số điểm trường ở huyện Gio Linh. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 không thể tập trung đông người nên không thể tổ chức các hoạt động trong tháng 4, tuy nhiên đã vận động được ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Sách Alpha tặng 1.000 quyển sách về tri thức khoa học kỹ thuật, văn hóa, kỹ năng sống... cho các Trường THPT: Chuyên Lê Quý Đôn, Thị xã Quảng Trị, Chế Lan Viên và Trung tâm Văn hoá và Đào tạo Thiện Nhân Văn.

Từ hoạt động chỉ tổ chức ở Thư viện tỉnh, chúng tôi đã mở rộng không gian ra nhiều địa điểm khác như: tổ chức tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Trung tâm Văn hóa  - Điện ảnh tỉnh và năm 2021 này lần đầu tiên đưa chương trình ra đến thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh.

PV: Đến nay, Ngày Sách Việt Nam 21/4 trở thành một sự kiện được giới yêu thích sách của tỉnh Quảng Trị mong đợi để thổi vào đó luồng sinh khí cho văn hóa đọc vốn bị trầm lắng. Tôi nghĩ áp lực đặt ra đối với Ban Tổ chức là rất lớn trong việc làm thế nào để đáp ứng được sự mong đợi của mọi người, duy trì được phong trào và nhất là làm mới các chương trình, tránh sự lặp lại nhàm chán và đơn điệu.

Chúng tôi xác định với nhau ngay từ năm đầu tiên tổ chức là cố gắng mỗi năm phải có một nét mới. Cái mới, cái sáng tạo không phải tự nhiên mà có hay từ trên trời rớt xuống mà đòi hỏi phải là quá trình tìm hiểu và chọn lọc để đưa những chương trình phù hợp về với Quảng Trị.

Từ lúc đầu chỉ là tổ chức buổi giới thiệu tác phẩm Người tù thông minh của tác giả Nhất Lâm viết về nhà thơ Vĩnh Mai, nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, phụ trách báo Tiếng vang, những năm sau các hoạt động phong phú hơn như: Kết hợp tọa đàm, giới thiệu sách thực tế ảo với chủ đề Đọc sách, xem phim thời 4.0, tuyên truyền trên mạng xã hội bằng việc thành lập fanpage Ngày Sách Việt Nam tại tỉnh Quảng Trị. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động Ngày sách Việt Nam 21/4 không diễn ra tập trung trong tháng 4 mà được rải đều trong năm. Trong tháng 4, hình thức khai mạc được thay thế bằng hình thức Triển lãm trực tuyến diễn ra trên sàn sách Book365.vn, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức. Tháng 9/2020, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Nhà xuất bản Dân Trí tổ chức buổi tọa đàm về cuốn sách Hùng Vương Thánh tổ Ngọc Phả. Quyển sách có hướng tiếp cận khác với cách làm của sử học truyền thống. Đây là cuốn tư liệu quý có ý nghĩa và giá trị lịch sử của tổ tiên, tiền nhân khai sáng trải dài hàng ngàn năm của dân tộc Đại Việt. Tháng 11, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) tổ chức buổi nói chuyện về chuyển đổi số trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giới thiệu sách về 4.0 và chuyển đổi số...

Đối tượng mà Ngày Sách Việt Nam 21/4 hướng tới là người trẻ, học sinh nên không thể thiếu các game show. Năm 2018, tổ chức sân chơi Tàu lượn ga sách (do CLB Kiến tạo trẻ Quảng Trị - nhóm Le Qinsiders) và tọa đàm Đọc sách cùng con (do CLB Đọc sách cùng con chủ trì), thông qua tổ chức các trò chơi tìm hiểu về sách, các đầu sách hay, ý nghĩa, khám phá về sách thông qua hình thức tổ chức các “trạm sách”, các mini game tìm hiểu và bày tỏ suy nghĩ, cảm xúc về sách, viết cảm nghĩ về sách, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đọc sách cùng con, lan truyền cảm hứng và niềm đam mê với sách, trao đổi sách cũ, tặng sách, bán sách gây quỹ ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh… Năm 2019, chúng tôi huy động rất đông các cơ sở phát hành tổ chức hoạt động bán sách giảm giá từ 10% - 50% tại tiền sảnh ngoài của Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh với các mô hình, gian trưng bày sách của Trung tâm Văn hóa và Đào tạo Thiện Nhân Văn; Nhà sách FAHASA Quảng Trị; Công ty Phát hành sách và thiết bị trường học Quảng Trị, Công ty cổ phần sách C&C với gần một nghìn đầu sách. Có thể nói, đây là quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Quảng Trị. Riêng tại gian hàng sách của Trung tâm Văn hóa và Đào tạo Thiện Nhân Văn còn tổ chức Mini game Thử thách ra thế giới và Giao lưu tiếng Anh đồng hành ra thế giới với các phần quà hấp dẫn cho người tham gia.

Năm 2021, chúng tôi vẫn tiếp tục tổ chức trò chơi, giao lưu về sách và truyền cảm hứng đọc sách nhưng các game show sẽ có sự đổi mới. Các game show của năm nay gồm Hướng dẫn kỹ thuật đọc sách nhanh; Giới thiệu sách bằng mô hình xe thư viện lưu động và tổ chức các trò chơi...; và 2 cuộc tọa đàm Cần làm gì để tạo thói quen đọc sách trong cộng đồng?Đọc để tự học hiệu quả trong kỷ nguyên số… sẽ chú trọng đến chiều sâu hơn bởi văn hóa đọc chỉ có hiệu quả khi có kỹ năng đọc. Và đây là cái cần thiết rèn luyện cho các độc giả trẻ tuổi.

Bán sách giảm giá kết hợp với việc tổ chức các game show có quy mô lớn tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trong Ngày Sách Việt Nam 21/4 năm 2019 - Ảnh: M.T

Bán sách giảm giá kết hợp với việc tổ chức các game show có quy mô lớn tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh trong Ngày Sách Việt Nam 21/4 năm 2019 - Ảnh: M.T

PV: Đọc sách là hoạt động chiều sâu, mang tính tĩnh lặng để tích lũy kiến thức. Còn hoạt động Ngày Sách Việt Nam 21/4 ở khía cạnh nào đó là hoạt động phong trào, mang tính bề nổi nhiều hơn. Có ý kiến cho rằng, với hoạt động Ngày Sách 21/4 sẽ mang tính “hô hào” hơn là đi vào thực chất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Như bạn đã biết, văn hóa đọc trong bối cảnh 4.0 bị văn hóa nghe, nhìn và mạng xã hội lấn lướt. Trên đó có rất nhiều thứ nhưng chỉ là thông tin hàng ngày. Việc tích lũy tri thức, nâng cao kiến thức nền tảng… không có gì thay thế cho việc đọc sách được. Phó Thủ tưởng Vũ Đức Đam từng phát biểu rằng, bây giờ nhiều người nói về công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng loài người nói chung, dân tộc ta nói riêng muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Dù hình thức có những thay đổi nhưng đọc và sách sẽ vẫn là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên.

Chúng tôi có rất nhiều mong muốn nhưng điều kiện của Quảng Trị không có cơ sở phát hành lớn, chưa có nhà xuất bản, hoạt động trao đổi, giao lưu, buôn bán về sách diễn ra trầm lắng nên những mong muốn về tổ chức Đường sách, Phố sách… khó có thể thực hiện được. Thật sự với người đã mê đọc sách rồi thì việc có được tặng sách hay không được tặng thì họ cũng sẵn sàng chi tiền cho việc mua sách và dành thời gian đọc sách, còn người không thích thì phải chịu khó, kiên trì thuyết phục. Đối với thế hệ trẻ, nhất là thanh thiếu niên việc đọc sách rất quan trọng trong việc nuôi lớn nhân cách, bồi đắp tâm hồn… Ham thích đọc sách phải được gây dựng từ nhỏ, bắt đầu từ trong gia đình nhưng còn rất nhiều gia đình không có điều kiện hoặc thờ ơ không quan tâm đến việc đọc sách. Đừng để sự nghèo nàn, khó khăn làm cho các em không thể tiếp cận được với nguồn sách hay, sách quý. Chúng tôi quan tâm đến việc làm thế nào để khơi gợi tinh thần đọc sách cho thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho các em học sinh ở những nơi vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo không có điều kiện tiếp cận được với những đầu sách hay, sách hấp dẫn, bổ ích… Các em cũng cần có sự hướng dẫn để lựa chọn sách đúng để chuyển hóa từ việc đọc “theo truyền thông”, theo tin đồn, theo giới thiệu thành đọc theo sở thích vì nhu cầu nâng cao và cuối cùng là “đọc nhằm đạt tới sự hài hòa về tinh thần và trí tuệ của cá nhân” (T.G.Galaktionova).

Từ trước đến nay, chúng ta chưa có sự tôn vinh, động viên, khen thưởng đúng mức đối với những cá nhân, tổ chức nhiệt huyết với văn hóa đọc, nay thông qua Ngày Sách Việt Nam 21/4 đã được UBND tỉnh khen thưởng, tôn vinh. Từ những hạt nhân này, mở rộng và phát huy thêm, tạo ra và lan tỏa những giá trị bền vững lâu dài. Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong suốt nhiều năm qua như khát vọng của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ: “... để chúng ta thật sự là một dân tộc ham học, ham đọc sách để chấn hưng văn hóa đọc của người dân Việt Nam, để mỗi người dân Việt Nam đều học cả đời, đọc sách cả đời... Chấn hưng văn hóa đọc cũng chính là chấn hưng cái gốc của một dân tộc”. Sáu năm qua, chúng tôi có thêm rất nhiều người bạn đồng hành trong việc triển khai các hoạt động Ngày Sách Việt Nam 21/4 bởi mọi người nhận thức được rằng, sự hiếu học là điều vô cùng quý giá với từng người, gia đình, cộng đồng, dân tộc…

PV: Vâng, như ông vừa nói, để đi được chặng đường dài như vậy, chúng ta phải có rất nhiều bạn đồng hành cùng chí hướng.

Đúng vậy, điều chúng tôi vui mừng chính là có rất nhiều cá nhân nhiệt huyết đã cùng đồng hành với Ngày Sách Việt Nam 21/4 như anh Lê Minh Tuấn - chương trình Sách hóa nông thôn Quảng Trị; chị Trần Thị Thu - Bí thư Tỉnh đoàn; chị Hải Oanh - Amazing English Tour, Đơn vị chuyên tổ chức tour trải nghiệm cho học sinh thực hành tiếng Anh giao tiếp với du khách quốc tế; cô giáo Lệ Thu ở trường miền núi Đakrông, hay thầy giáo Nguyễn Mai Trọng với rất nhiều mô hình sinh động ở Trường Tiểu học Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa; anh Phan Văn Hiền, đại sứ đọc; anh Đỗ Hữu Thiện với Trung tâm Văn hóa và Đào tạo Thiện Nhân Văn ở Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, hay anh Hoàng Văn Hiệp chỉ là một người sửa chữa và buôn bán nhỏ trên phố núi Khe Sanh đã nhiệt tình tham gia các chương trình tặng sách, thậm chí là đem sách qua Lào tặng cho Việt kiều sinh sống bên đó.

Năm đầu tiên tổ chức Ngày Sách Việt Nam 21/4, chúng tôi đã mời anh Lê Minh Tuấn tham luận. Cũng từ đó, đã tiếp thêm động lực để những năm sau Chương trình Sách hóa nông thôn mở rộng quy mô vận động, huy động như: huy động được gần 70 tủ sách cho các điểm trường trên địa bàn huyện Triệu Phong với gần 6.000 đầu sách năm 2018 và 120 tủ sách với gần 10.000 đầu sách cho 8 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Gio Linh năm 2019. Tỉnh đoàn đã vận động từ Tủ sách Nền tảng đổi đời của Tập đoàn Trung Nguyên để tặng hàng chục ngàn quyển sách…

Tất nhiên sự kể tên sẽ là thiếu sót vì còn rất nhiều cá nhân, tổ chức, dòng họ thầm lặng đóng góp và vun xới cho văn hóa đọc, cho chương trình Ngày Sách Việt Nam 21/4. Và tôi tin chắc rằng, những người bạn đồng hành này sẽ ngày càng nhiều hơn trong việc giữ lửa và truyền lửa say mê! Điều này cho thấy tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của một quyết định mang tầm chiến lược quốc gia của Chính phủ.

PV: Những người đồng hành với Ngày Sách Việt Nam 21/4 chắc chắn là những người rất mực yêu sách. Được biết, ông cũng là một trong những người say mê đọc sách, say mê nghiên cứu.

Nhà bác học Lê Quý Đôn đã từng khẳng định: “Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng - Chẳng bằng kinh sử một vài pho”. Lời khẳng định này đã phần nào đúc kết được truyền thống hiếu học, quý sách của dân tộc. Thế hệ của chúng tôi rất say mê đọc sách nhưng cũng không có nhiều đầu sách để đọc như bây giờ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đến khi già vẫn nhớ những trang sách đọc từ thuở bé. Những người khốn khổ của Victor Hugo, Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne, Dế mèn phiêu lưu kýĐảo hoang của Tô Hoài… nuôi dưỡng tâm hồn tôi. Những trang viết ấy tỏa ra rất nhiều hương thơm quyến rũ và giúp tôi gặp được rất nhiều “trầm tích”.

Ở nhiều nước phát triển cho thấy thực trạng báo giấy lâm nguy và báo chí trên đường chuyển sang hình thức khác, thế nhưng sách giấy thì ngày một đẹp, trang trọng hơn. Nhìn sâu trong bản chất cuốn sách, tôi nghĩ sách sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta. Chỉ có chúng ta, bị cuốn trôi theo công việc và trở nên lười đọc… Điều đẹp nhất của văn hóa đọc, đó là được hình thành từ tình yêu. Không thể đọc hết một cuốn sách, nếu như ta không thực sự yêu thích nó, và yêu thích những gì chứa đựng trong nó. Trường học vĩ đại nhất vẫn chính là sách!

PV: Xin cám ơn ông và chúc cho các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21/4 năm nay sẽ diễn ra vô cùng sôi động và đạt được kết quả kỳ vọng!

Phương Nam thực hiện

Mới nhất

Thực hiện toàn diện, hiệu quả nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương

22/12/2024 lúc 14:10

LTS: Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) là sự kiện chính trị lớn của đất nước, quân đội và toàn dân. Nhân dịp này, Đại tá Nguyễn Hữu Đàn - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã có những chia sẻ với phóng viên Tạp chí Cửa Việt (Đầu đề do tòa soạn đặt)...

Quãng vắng quạnh quẽ

8 Giờ trước

Thêm áo quần đủ ấm, vợ lặng lẽ theo chồng ra chòi. Anh rắn rỏi, phong phanh, lảo đảo bước xuống chiếc xuồng. Đêm gần bờ sông trang gió, lạnh ùa tới quất từng cơn. Cái lạnh của miền Trung cứ ươn ướt, não nề.

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/12

25° - 27°

Mưa

29/12

24° - 26°

Mưa

30/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground