Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 10/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Luôn đồng hành cùng quê hương đất nước - ngọn nguồn của sáng tạo văn học nghệ thuật

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị

 

Trong những năm qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Tuy vậy, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, ứng phó có kết quả với những diễn biến phức tạp của tình hình, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Với sự nỗ lực và quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp nhân dân, tình hình kinh tế xã hội Quảng Trị trong những năm qua tiếp tục phát triển.

Những thành quả trong sự nghiệp đổi mới đất nước, quê hương đã thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị, tạo ra những mùa gặt văn học nghệ thuật bội thu, cống hiến ngày càng nhiều hơn những sản phẩm có chất lượng cao, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân; góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển, đi lên của quê hương Quảng Trị anh hùng.

Trên cơ sở củng cố và phát huy những giá trị, thành quả đã đạt được, tận dụng các yếu tố thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thử thách, đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị đã nỗ lực phấn đấu thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị lần thứ V (nhiệm kỳ 2014 - 2019) và đạt được những kết quả quan trọng.

Văn học nghệ thuật (VHNT) Quảng Trị đã hướng về cơ sở, lấy thực tiễn sống động ở cơ sở làm đề tài sáng tạo, góp phần đưa VHNT đến gần hơn với đời sống lao động sản xuất của nhân dân, phục vụ thiết thực quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh. Hội VHNT tỉnh đã tiếp tục đưa các trại sáng tác VHNT về các huyện, thị xã, thành phố và sở, ngành, lực lượng vũ trang... Trung bình một năm, Hội tổ chức được 5 - 7 trại sáng tác ở cơ sở. Các trại sáng tác đều gắn với các sự kiện chính trị, các lễ kỷ niệm, phong trào quan trọng của tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị. Đội ngũ văn nghệ sĩ đã trực tiếp đặt chân đến các thôn, bản, các cơ sở sản xuất kinh doanh; đến tận vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo để tận mắt chứng kiến cuộc sống lao động đầy sống động của quần chúng nhân dân, từ đó đưa thực tiễn vào tác phẩm của mình. Đặc biệt đã dành thời gian, tâm huyết, trí lực cho các tác phẩm về đề tài mảnh đất, con người Quảng Trị hay một địa phương, một ngành cụ thể, qua các giai đoạn; Đi đôi với sáng tác, Hội VHNT tỉnh còn kết hợp với cơ sở trong khâu quảng bá, công bố tác phẩm với các hình thức phát hành đĩa nhạc, xuất bản sách, tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật, mỹ thuật, kiến trúc, xây dựng chương trình văn nghệ với các tác phẩm chọn lọc qua các trại sáng tác... để phục vụ công chúng.

Năm năm qua, đất nước, quê hương diễn ra những cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các sự kiện chính trị có ý nghĩa. VHNT Quảng Trị đã có những đóng góp quan trọng vào sự thành công của các sự kiện đó. Trước hết, phải kể đến việc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta hưởng ứng và tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Từ cuộc vận động chuyển sang việc làm thường xuyên, tự giác và chuyển biến cụ thể ở mọi cấp, mọi ngành, mọi người. Đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Trị không chỉ tự giác thường xuyên học tập, làm theo mà còn bằng việc sáng tạo văn học nghệ thuật cho ra đời những tác phẩm có giá trị về đề tài này. Từ 2015 đến nay, Hội VHNT tỉnh đã tổ chức 03 cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thu về hàng trăm tác phẩm có chất lượng. Ban Tổ chức đã trao 94 giải thưởng cho các tác phẩm có chất lượng. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo cuộc thi Trung ương xét tặng 03 giải B, 04 giảỉ C và 02 giải Khuyến khích cho các tác phẩm xuất sắc. Để tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người con ưu tú của quê hương Quảng Trị, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư (07/4/1907 - 07/4/2017), Tỉnh ủy Quảng Trị đã chỉ đạo tổ chức cuộc thi sáng tác các tác phẩm VHNT về chủ đề “Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị”, thu về 60 tác phẩm. Ban Tổ chức đã xét trao 28 giải thưởng cho các tác phẩm có chất lượng cao. Nhân các sự kiện quan trọng: 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc; 40 năm giải phóng Quảng Trị; 40 năm giải phóng miền Nam; 50 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hóa; 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị; 60 năm Ngày truyền thống Biên phòng; 60 năm Truyền thống Đặc khu Vĩnh Linh; 15 năm thành lập huyện đảo Cồn Cỏ; 210 năm Lỵ sở Quảng Trị… Hội VHNT tỉnh đã phát động sáng tác VHNT, các hội thi, hội diễn, triển lãm mỹ thuật, ảnh nghệ thuật góp phần vào sự thành công của các sự kiện trên. Đáng chú ý, thực hiện Kế hoạch của UBND tỉnh về kỷ niệm 30 năm lập lại tỉnh Quảng Trị, Hội VHNT tỉnh có nhiều hoạt động sôi nổi như: Phối hợp xuất bản sách ảnh “Quảng Trị - 30 năm đổi mới và phát triển” tổ chức đêm nhạc “Quảng Trị yêu thương”…

Công tác phát triển hội viên nhất là phát triển, bồi dưỡng, kết nạp các cây bút trẻ tài năng và có triển vọng được quan tâm đúng mức. Trong 5 năm qua, Hội đã chủ động mở các trại sáng tác, các cuộc thi sáng tác, thông qua đó đã phát hiện, bồi dưỡng kết nạp được 32 hội viên, trong đó có một số hội viên trẻ tài năng như: Diệu Ái, Ngô Diệu Hằng, Lê Cảnh Oánh, Thúy Hương… tích cực đề nghị các Hội chuyên ngành Trung ương kết nạp 11 hội viên.

Với sự nỗ lực cao, tâm huyết và sáng tạo, văn nghệ sĩ Quảng Trị có những thành công đáng tự hào, tạo nên diện mạo mới cho VHNT Quảng Trị, nổi bật là những lĩnh vực sau:

Trên lĩnh vực văn học, các chuyên ngành đã tổ chức 04 trại sáng tác văn học và 03 trại sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn học các dân tộc thiểu số và văn học dân gian; tổ chức 03 chuyến đi thực tế tại đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, tuyến biên giới núi và tuyến biển. Các chuyên ngành đã phối hợp các địa phương, ngành xuất bản 04 đầu sách về văn học, 03 đầu sách về văn nghệ dân gian và 01 đầu sách về văn hoá đặc sắc của tộc người Vân Kiều, Pa Cô Quảng Trị. Hội viên Văn học tích cực sáng tác và xuất bản 55 đầu sách bao gồm tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, lý luận văn học, thơ, trường ca. Hàng loạt tác phẩm đã được đăng tải trên các báo, tạp chí VHNT của Trung ương và địa phương, trong đó có các tờ báo có uy tín như Văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, các Tạp chí của Hội Nhà văn, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam... góp tiếng nói của văn nghệ sĩ Quảng Trị vào đời sống văn học đa thanh, đa sắc của cả nước, đồng thời tạo nên một khuôn diện văn học không lẫn được của miền đất gió Lào cát trắng. Đội ngũ các nhà văn, nhà thơ Quảng Trị đã thật sự tạo ra được một “cốt cách”, sắc thái riêng cho văn học Quảng Trị. Trong sự chuyển động của đời sống văn học hôm nay, văn học Quảng Trị vẫn tìm ra cho riêng mình một thế đứng riêng, vừa dung dị, vừa mênh mang, mới mẻ nhưng vẫn đậm đà chất quê để lại dấu ấn tốt đẹp trong bạn đọc cả nước. Trong trào lưu đổi mới VHNT đang diễn ra sôi nổi trên cả nước, các nhà văn Quảng Trị cũng có những đổi mới, cách tân đáng ghi nhận.

Lĩnh vực nghệ thuật có nhiều hoạt động khởi sắc. Chuyên ngành Sân khấu đã tạo được vị trí xứng đáng trong thành quả chung của Hội, đã tổ chức 04 trại sáng tác có chất lượng, thu về trên 65 tác phẩm. Chuyên ngành Mỹ thuật đã tổ chức 07 trại sáng tác và triển lãm cấp tỉnh, khu vực và quốc gia thu về 550 tác phẩm có chất lượng. Chuyên ngành Nhiếp ảnh đã tổ chức 03 trại sáng tác ở thị xã Quảng Trị, Khe Sanh - Hướng Hóa và Cam Lộ và nhiều cuộc liên hoan ảnh nghệ thuật có ý nghĩa thu về gần 100 tác phẩm có giá trị. Chuyên ngành Âm nhạc đã phối hợp với các địa phương, đơn vị mở trại sáng tác âm nhạc thu về hàng chục tác phẩm có chất lượng, trong đó có hàng chục tác phẩm đạt giải thưởng ở Trung ương và cấp tỉnh. Nhiều tác phẩm đã được dàn dựng biểu diễn trong các cuộc liên hoan và chào mừng các sự kiện lớn của quê hương đất nước. Chuyên ngành Văn nghệ dân gian phối hợp với Hội Di sản tỉnh tổ chức trình diễn một số tiết mục trong chương trình trình diễn Hội chơi Bài chòi nhằm tôn vinh những giá trị di sản văn hóa phi vật thể của vùng đất Quảng Trị; vận động để Nghệ thuật Bài chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Pa Cô, Vân Kiều đã được sưu tầm, bảo tồn phát triển như điệu ca lơi, cha chấp, oát…, lễ hội Ariêuping… Đội ngũ Kiến trúc trẻ trưởng thành nhiều mặt, đóng góp nhiều tác phẩm, công trình có chất lượng, có bản sắc riêng.

Tạp chí Cửa Việt nỗ lực nâng cao chất lượng và mở rộng chuyên mục, cải tiến hình thức, phát hành rộng rãi làm cho tạp chí xứng đáng là tiếng nói của Hội VHNT tỉnh Quảng Trị, góp phần quảng bá hình ảnh Quảng Trị và Hội VHNT tỉnh Quảng Trị với bạn đọc trong và ngoài tỉnh. Tạp chí đã tổ chức các hoạt động thiết thực như: Đăng cai tổ chức Hội thảo các tạp chí văn nghệ Bắc miền Trung; gặp mặt các cây bút trẻ; tổ chức cuộc thi truyện ngắn và bút ký… những việc làm đó nhằm nâng cao chất lượng Tạp chí và phát hiện bồi dưỡng những cây bút trẻ có triển vọng. Tạp chí còn chú trọng ra số đặc biệt chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước, các phong trào thi đua, các cuộc vận động lớn. Đã xuất bản bộ tuyển tập 4 tập tuyển chọn từ 250 số Tạp chí Cửa Việt. Tạp chí đã mở rộng phát hành, trung bình đạt 1.200 bản/số; quan tâm phát hành miễn phí cho đồng bào vùng cao, vùng sâu, nơi khó khăn.

Văn phòng Hội, Hội đồng Nghệ thuật, Ban Kiểm tra Hội VHNT tỉnh hoạt động có hiệu quả, góp phần vào thành công chung. Công tác thi đua khen thưởng có chuyển biến rõ rệt, việc tổ chức xét các giải thưởng VHNT đảm bảo chính xác, công tâm, góp phần cổ vũ, động viên hội viên sáng tạo, xuất hiện nhiều tác phẩm có chất lượng hơn.

Những thành quả quan trọng, những điểm nhấn đạt được trong nhiệm kỳ qua bắt nguồn từ sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành trong tỉnh và sự nỗ lực sáng tạo của Hội VHNT tỉnh trong tham mưu tổng kết các chủ trương, cơ chế, chính sách về VHNT của Đảng và Nhà nước; tham mưu và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách mới về VHNT của tỉnh. Hội VHNT tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng, phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Để tạo động lực thúc đẩy sáng tạo VHNT, Hội đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức tặng Giải thưởng VHNT Chế Lan Viên, tỉnh Quảng Trị lần thứ nhất thành công; tham mưu nâng Giải thưởng VHNT của Hội hàng năm thành Giải thưởng VHNT tỉnh Quảng Trị; động viên, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ Quảng Trị tham gia các giải thưởng VHNT do Trung ương, khu vực tổ chức, đạt được nhiều giải, trong đó có các giải cao. Nhằm tìm cách bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản văn nghệ truyền thống, Hội VHNT tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh cho duy trì và chuyển Đoàn Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh Quảng Trị, cho triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị các điệu hò Quảng Trị (trong đó có hò giã gạo) và đã được UBND tỉnh đồng ý, giao ngành chức năng thực hiện.

Bên cạnh những thành công, nhiệm kỳ qua vẫn còn một số hạn chế. Mặc dù số tác phẩm của hội viên ra mắt bạn đọc, khán giả khá lớn nhưng ít có tác phẩm chất lượng thực sự nổi trội, có tầm ảnh hưởng lớn và tạo được tiếng vang trong toàn quốc. Số tác giả đạt giải cao ở Trung ương không nhiều, có chuyên ngành hết nhiệm kỳ không có hội viên đạt giải Trung ương. Chất lượng của một số trại sáng tác chưa cao. Vẫn còn một số tác giả thiếu nhiệt tình, trăn trở trong quá trình sáng tạo; gửi tác phẩm cho trại sáng tác mang tính đối phó, chiếu lệ, chất lượng tác phẩm thấp. Số lượng hội viên mới kết nạp luôn được bổ sung qua từng năm, nhưng có chuyên ngành cả nhiệm kỳ không kết nạp được hội viên nào, lực lượng trẻ được kết nạp còn chiếm tỷ lệ nhỏ. Kinh phí hạn hẹp, đầu tư chiều sâu cho sáng tác còn hạn chế nên rất khó khăn để có những tác phẩm có quy mô và chất lượng cao.

Từ việc đánh giá sát đúng tình hình nhiệm kỳ qua, thấy rõ những thành quả, những mặt mạnh để phát huy, những hạn chế, khuyết điểm phải khắc phục, Hội VHNT tỉnh có cơ sở để xác định những nhiệm vụ, giải pháp phát triển VHNT của tỉnh trong giai đoạn mới như sau:

Trước hết, tiếp tục thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng, phát triển VHNT trong thời kỳ mới”, Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các Nghị quyết, Chương trình hành động của Đảng bộ tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động sáng tạo, tiếp tục đưa hoạt động VHNT hướng về cơ sở, nỗ lực tạo ra nhiều tác phẩm có giá trị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục chú trọng tổ chức có hiệu quả việc sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Thứ hai, trong các đột phá chiến lược, cần lưu ý các điểm mới về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa, con người và khát vọng vươn lên. VHNT phải trở thành thành tố tích cực của khâu đột phá chiến lược về nhân tố con người, góp phần kích thích, truyền cảm hứng sáng tạo, khơi dậy, nuôi dưỡng và cổ vũ khát vọng vươn lên của mỗi người, xây dựng con người phát triển toàn diện.

Thứ ba, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự ra đời những tác phẩm có quy mô, chất lượng hơn, tương xứng với tầm vóc lịch sử cách mạng và công cuộc đổi mới, phát triển bền vững trên quê hương Quảng Trị anh hùng. Điều này đòi hỏi cần có sự nỗ lực đồng bộ từ hai phía: Hội VHNT tỉnh và từng văn nghệ sĩ. Hội cần tăng cường đầu tư chiều sâu đúng mức cho những tác giả có tài năng, có đề cương tác phẩm tốt; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng các tài năng trẻ… Về phía văn nghệ sĩ, cần nuôi dưỡng tình yêu nghề nghiệp, cảm hứng sáng tạo, gắn bó máu thịt với cuộc sống, với nhân dân, nêu cao nỗ lực tự thân, lựa chọn những chủ đề, vấn đề mới mẻ, có chiều sâu, có tầm tư tưởng để sáng tạo nên những tác phẩm gan ruột, lay động lòng người.

Thứ tư, phát huy bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực, trình độ nghiệp vụ, cảnh giác và kiên quyết đấu tranh, phản bác những quan điểm sai trái, lệch lạc trong lĩnh vực VHNT, góp phần xây dựng, phát triển đời sống văn nghệ phong phú, vun bồi các giá trị chân - thiện - mỹ. Văn nghệ sĩ phải phát huy vai trò của mình trong việc khẳng định cái mới, nhân tố mới, thực tiễn đổi mới của quê hương, đất nước; đồng thời đấu tranh không khoan nhượng chống lại cái xấu, cái ác, cái tiêu cực. Tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn nghệ thế giới, chống các biểu hiện lai căng, hình thức chủ nghĩa, vọng ngoại… Nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận để đấu tranh, phản bác sắc bén với các quan điểm sai trái, nhân danh “đổi mới” để phủ nhận lịch sử, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học nghệ thuật.

Thứ năm, quan tâm hơn nữa việc khai thác, bảo tồn, phát triển văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian. Chú trọng công tác sưu tầm, nghiên cứu, truyền dẫn giá trị văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, văn nghệ dân gian; sử dụng, khai thác tính năng độc đáo của các nhạc cụ truyền thống; phối hợp với các câu lạc bộ dân ca trong hoạt động bảo tồn, truyền dẫn; tổ chức biểu diễn dân ca tại các điểm du lịch nhằm góp phần thu hút khách du lịch; sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT có sử dụng các làn điệu dân ca…

Thứ sáu, tăng cường, nâng cao chất lượng lý luận phê bình VHNT. Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc các trường phái lý luận phê bình VHNT nước ngoài, đồng thời từng bước tham gia xây dựng hệ thống lý luận phê bình VHNT Việt Nam. Tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi về lý luận phê bình VHNT; tạo điều kiện cho các cây bút lý luận phê bình VHNT được dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về lý luận phê bình VHNT do Trung ương tổ chức. Sớm hình thành đội ngũ lý luận phê bình VHNT của Hội. Trong năm 2020, tập trung tổ chức thành công hội thảo khoa học “Chế Lan Viên - Cuộc đời và những mùa thơ vĩnh cửu”, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên 23/10 (1920 - 2020).

Thứ bảy, tổ chức các hoạt động kích thích, thúc đẩy sáng tạo VHNT như: Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương mở các trại sáng tác VHNT; tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác; mở các cuộc hội thảo, diễn đàn, tọa đàm nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng sáng tác; tích cực tham gia các cuộc thi sáng tác VHNT do Trung ương và các địa phương tổ chức; tham gia xây dựng và phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh “lấn lướt” của truyền thông đa phương tiện.

Thứ tám, mở rộng mối quan hệ hợp tác với các cơ quan chức năng, cơ quan liên quan của tỉnh, Trung ương, các tỉnh bạn: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, các Hội chuyên ngành Trung ương và Hội VHNT các tỉnh bạn. Thông qua mối quan hệ hợp tác, công tác quản lý VHNT được tăng cường; các hoạt động giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá các tác phẩm VHNT của Quảng Trị được mở ra, mang lại hiệu quả thiết thực.

Thứ chín, xây dựng Hội vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển VHNT trong giai đoạn mới. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội theo hướng vừa đầu tư chiều sâu cho hội viên có tác phẩm chất lượng cao, vừa đầu tư diện rộng cho các trại sáng tác; tổ chức các hoạt động hội thảo, diễn đàn, triển lãm, công bố tác phẩm… nhằm thu hút hội viên tham gia; hướng hoạt động Hội về cơ sở. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của lực lượng hạt nhân: Đảng đoàn, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội. Khuyến khích hội viên trau dồi chuyên môn, tìm tòi, thể nghiệm những phong cách sáng tác mới. Trong công tác hội viên, chăm lo bồi dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, chú trọng phát triển hội viên mới ở địa phương và Trung ương. Tăng cường hoạt động của Hội đồng Nghệ thuật Hội và các chuyên ngành; tăng cường công tác kiểm tra; làm tốt công tác thi đua khen thưởng để tạo động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo.

Tạo đà, tạo thế trên nền tảng đã tạo dựng được những năm qua, chắc chắn trong giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn phát triển tăng tốc của tỉnh, được nuôi dưỡng bởi mảnh đất và con người Quảng Trị giàu tiềm năng và khát vọng sáng tạo, VHNT Quảng Trị sẽ có bước phát triển mới, góp phần tạo nên động lực tinh thần cho tỉnh nhà vươn tới tương lai giàu đẹp, huy hoàng.

N.H

 

 

NGUYỄN HOÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 302 tháng 11/2019

Mới nhất

Kỷ niệm 73 năm Ngày truyền thống Mỹ thuật Việt Nam và khai mạc Triển lãm hội họa Lê Hữu Quỳnh

08/12/2024 lúc 15:03

TCCVO - Sáng nay 8/12, tại thành phố Đông Hà, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Chi hội

Tạp chí Cửa Việt đoạt giải Khuyến khích Giải thưởng Toàn quốc về Thông tin đối ngoại lần thứ X

03/12/2024 lúc 23:05

TCCVO - Tối ngày 3/12/2024, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ X.

Hơn 14.000 bức ảnh tham gia Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III

25/11/2024 lúc 23:57

TCCVO - Tối ngày 25/11/2024, tại Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội (Đống Đa, Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật cấp Quốc gia "Tự hào một dải biên cương" lần thứ III . Cuộc thi do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Đại hội Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 – 2030)

23/11/2024 lúc 14:15

TCCVO - Sáng ngày 23 tháng 11 năm 2024, Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã long trọng tổ chức Đại hội Chi hội cơ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Quảng Trị khóa X (nhiệm kỳ 2025 - 2030). Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.

Cỏ may giữa mây ngàn

20/11/2024 lúc 06:29

Cảm giác như mình đã lạc vào một thế giới khác, nơi mọi thứ diễn ra chậm rãi và giản dị hơn rất nhiều.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

11/12

25° - 27°

Mưa

12/12

24° - 26°

Mưa

13/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground