Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mưa ngâu thấm đất

Đời sống kinh tế xã hội những năm đầu thập niên 80 đến nay gắn liền với sự chuyển đổi của hai cơ chế cũ - mới, làm xuất hiện những nhân tố mới, đồng thời nảy sinh ít nhiều hiện tượng tiêu cực, đã thu hút sự quan tâm của người viết phóng sự và ký sự.

Mưa ngâu của Lê Thị Mây không thuộc những thể đó. Đây là một tập bút ký. Đặc điểm của thể loại này là ngoài các đặc tính chung của thể loại ký, nó còn có đặc rưng riêng nổi bật là bố cục khá tự do. Trong bút ký có dấu ấn cái tôi của người viết thể hiện khá rõ qua cách cảm nhận và suy nghĩ của tác giả. Mưa ngâu là tập bút ký đầu tiên của Lê Thị Mây. Với tiểu loại này phía trước chị đã có nhiều cây bút đàn anh như Nguyễn Tuân,Thép Mới, Hoàng Phủ Ngọc Tường… vậy bút ký Lê Thị Mây có gì đáng chú ý?

Trước hết có thể dễ dàng nhận thấy rằng đây là tập sách viết về miền Trung, mà nổi bật là vùng đất Bình Trị Thiên - là nơi mà tác giả thân thuộc yêu thương, trăn trở. Những kỷ niệm về vùng đất - nơi chị sinh ra hoặc đã nuôi dưỡng tâm hồn chị trở thành chất liệu quan trọng trong tập bút ký này. Cả hai mặt tình yêu thương và lòng trăn trở là cái khó, cái hạn chế của người viết. Cái tâm thế này tạo ra một giọng điệu vừa trữ tình vừa trân trọng.

Những bài bút ký của chị gợi nhớ những vùng đất quen thuộc của miền Trung: Thanh Hoá, Đèo Ngang, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Quảng Ngãi, Bình Định… mỗi vùng đất có một bản sắc văn hoá riêng, nhưng lại có chung nỗi gian khổ do thiên tai, địch hoạ thường xuyên xảy ra. Nhưng chính trong sự đối chọi với giặc trời, giặc người, con người miền Trung hun đúc những truyền thống quý báu về nghị lực, về sự giản dị và lòng trung thực trong sự lưu giữ những giá trị văn hoá của mình.

Là một trong số ít người viết bút ký ở Bình Trị Thiên, Lê Thị Mây vẫn cố gắng tạo ra dấu hiệu riêng của mình. Đó là cách nhìn và cách nghĩ về địa lý học, xác lập mối quan hệ giữa đất và giữa người, giữa đất và văn hoá, lịch sử của quê hương xứ sở qua các thời kỳ. Cách nhìn này ít nhiều gắn liền với quan hệ của con người phương Đông cổ truyền trong thuyết Thiên- Địa- Nhân mà hệ quả của  nó là quan hệ gia đình - nhân kiệt được người xưa thừa nhận. Cách nhìn địa lý học đã khiến cho những bài bút ký của Lê Thị Mây có nhiều liên tuởng về địa danh gắn với các yếu tố văn hoá vật chất và văn hoá phi vật chất mang tính bản sắc. Dường như chị trình bày quan niệm trong bài bút ký có nhan đề là Hương lúa.

“Địa danh đâu chỉ địa danh. Mỗi địa danh tích tụ bao thăng trầm lịch sử, văn hoá, đời người. Cho nên chất Quảng Trị khác chất Quảng Bình, khác chất Huế. Mỗi chất thăng hoa trong một miền tâm linh địa lý huyền bí, sinh khác giọng nói, ở, ăn, lễ, nghĩa. Thế núi này sinh quan võ, mạch sông nọ ra đời thi nhân”.

Quan niệm này đã chi phối toàn bộ các liên tuởng đậm nét trong hầu hết các bài ký của chị. Ngay trong bài Hương lúa, chị đã chia sẻ với người cô suốt đời gắn bó với làng quê của mình, không kêu ca về chuyện cơm áo, mà chỉ âu lo chuyện thờ cúng tổ tiên, sợ mất tên làng. Bởi vì tên làng gắn liền với cội nguồn văn hoá, với truyền thống và đất đai, sản vật… Mất tên làng là mất đi cái “tâm linh địa lý huyền bí’ kia. Vì thế ngẫm cho kỹ, nỗi sợ mất tên làng của người phụ nữ nông dân nọ quả thật là sâu xa.

Miền Trung là một bài bút ký tiêu biểu cho sự sáng tạo của Lê Thị Mây trong sự trình bày những cảm nhận về đất và người một vùng đất đầy đau thưong thầm lặng của đất nước. Tác giả đã sử dụng “chủ thể kép” bằng cách dựng thêm một nhân vật thứ hai - một người bạn đồng hành trên chuyến tàu và cũng là một người đồng cảm - để vừa phối hợp, vừa làm tương phản những giá trị địa lý- văn hoá- lịch sử của miền Trung. Trong bài ký, nhiều đoạn được xác lập bằng sự liên tưởng trong mối quan hệ tại thực tại- quá khứ. Chẳng hạn, từ cảnh một người lão nông đi ăn xin trong mùa giáp hạt ở Thanh Hoá, chị chạnh nghĩ: “đất này vào thế kỷ XV, Nguyễn Trãi đã viết Bình Ngô đại cáo, lấy nhân nghĩa thắng cường bạo. Những thành nhà Mạc, thành nhà Hồ đất Vĩnh Lộc, lăng Lý Thường Kiệt ở Hà Trung, năm 248 trang sử dân tộc lẫy lừng có Bà Triệu, tàu vừa đi qua chân núi có lăng Nữ Tướng… vậy xứ Thanh là đất Vương, đất Thánh”

Ở một đoạn khác, từ sự miêu tả một cụ già lặn lội ra Bắc, đưa hài cốt của người con trai đã hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới về quê hương khói, chị liên tưởng đến vùng đất từng chịu nhiều đau thương của mình: “Chiến tranh, miền Trung là lưng ngựa trận. Đánh Pháp: tiêu thổ kháng chiến, Đánh Mỹ: xe chưa qua nhà không tiếc. Ngọn gió đen chiến tranh, nuốt băng hết mọi chiều cao kiến trúc của huyện lỵ, phố phường, tổ ấm, với Quảng Trị sau 81 ngày đêm cho đến thị xã Thanh, chỉ còn mỗi Hàm Rồng bất khuất, dìm xuống đáy cầu cả một lũ lĩ ó sắt Hạm đội bảy …”.

Bài ký cũng kết hợp trình bày những đặc sản của miền Trung tiêu biểu qua một món cơm gà Quảng Ngãi ngon mà rẻ, những múi bưởi Phúc Trạch – Quảng Bình ngọt ngào, những hạt sen Huế mặn bùi … Những dòng viết về đặc sản như vậy gợi được sự thơm thảo nồng nàn của đất miền Trung.

Cái nhìn địa lý- văn hoá đã tạo ra khoảng mênh mông cho cái tôi của tác giả đi về chiêm cảm, làm lung linh, trĩu nặng những hồn đất, hồn người của các vùng đất khác nhau. Chính ở tiểu loại bút ký, Lê Thị Mây đã khác với Hoàng Phủ Ngọc Tường – một người viết ký nổi tiếng sau năm 1975. Nét phân biệt rõ nhất của hai người viết bút ký này là cách liên tưởng của họ. Hoàng Phủ Ngọc Tường thường liên tưởng về lịch sử - văn hoá trong việc kết hợp vận dụng những tri thức triết học, lịch sử và văn hoá để làm nổi bật một số mặt bản sắc của văn hoá Huế (qua tập Ai đã đặt tên cho dòng sông). Còn Lê Thị Mây lại chọn yếu tố địa lý làm điểm xuất phát, cũng là nơi vươn tới của sự liên tưởng của chị, để từ đó bằng sự liên hệ với văn hoá và lịch sử mà cung cấp cho người đọc những tri thức địa lý học, văn hoá học, vừa để nhận thức, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội. Đặc điểm này thể hiện trong tất cả các bài bút ký của Lê Thị Mây và thể hiện rõ trong bài Đồng Hới. Bài bút ký tổng hợp nhưng ký ức khác nhau về một thời chiến tranh, Đồng Hới được coi là “Pháo đài thép” và một thời xa xưa, Đồng Hới không chỉ có con đường gió nồm “mát hây hây, lại nồng nàn mùi bọt sóng, mùi cánh buồm” mà còn có những hương vị đặc sắc từ các món thức ăn uống, như: bánh bèo tôm chấy, cháo bánh canh bột gạo nấu tôm cua, rượu dâu, thuốc bắc. Đặc biệt là hương vị của các loại hoa hồng quyến rũ.

Những dữ kiện quá khứ có tính địa lý- văn hoá đó làm nền cho những ý tưởng có ý nghĩa phản đối với thực tế hiện tại: báo động về sự tàn phá thiên nhiên, tình trạng tiêu cực trong việc quản lý xuất nhập khẩu lao động, sự mất dần các món ăn đặc sản của quê hương và sự tàn lụi của các phố xá sầm uất.. Đặt một tương phản như vậy, bài bút ký đã giúp đánh thức suy nghĩ của xã hội trong những cố  gắng cần phải bảo tồn và tái tạo lại. Đồng Hới bằng những cái đẹp đã định hình và phát huy hơn nữa những gì tự nhiên đã ưu đãi cho xứ sở này. Tác giả tập bút ký vẫn không xa rời quan niệm “địa linh - nhân kiệt”: “Đồng Hới có một thiên nhiên bất tranh chấp để sinh thành một phố biển với hồn thơ Nguyễn Du, hồn thơ Hàn Mặc Tử. Ngôi nhà Hàn Mặc Tử ra đời nơi phố Tam Tòa bị bom xoá vết. Nhưng cửa biển của Nguyễn Du “Buồn trong cửa biển chiều hôm, thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa” mãi là sự hứa hẹn tìm thấy chân trời bí ẩn của hồn người yêu hoa hồng và mê chuộng rượu dâu, cất nấu bằng bếp củi…”. Tôi nghĩ phải có tình yêu tha thiết với Đồng Hới, tác giả tập bút ký mới có được những cảm nhận có hồn được diễn đạt bằng những câu văn giàu nhạc điệu và hình ảnh, đó là chất thơ của cuộc sống. Đây cũng là đặc điểm của bút ký Lê Thị Mây, khi viết về cái làng nón Huế nằm bên hữu ngạn sông An Cựu hoặc về những đau thương của Đông Hà - Quảng Trị một thời chiến tranh. Viết về nón Huế mà chỉ trình bày về chất liệu và kỹ thuật làm nón là văn hoá Huế, biểu tượng của tâm hồn và tính cách Huế mới là cái quan trọng và cần thiết của bút ký. Chính Lê Thị Mây đã chạm đến ranh giới của vấn đề và chị đã viết về nón Huế bằng cảm nhận của thi ca: “Nón Huế được lòng người đèo bòng khắp mọi quê hương, yêu Huế, nhớ Huế… Cầm nón Huế, gặp nón Huế là gặp những áng mây nhớ nhung của mối tình đầu về Huế lẫn mình trong vườn tược của mẹ già đi guốc mộc, hoa hải đường rụng thắm một sân mưa. Còn bước ra phố thì lẫn mình trong ba nhịp cầu cong nối duyên qua một sông Hương xanh lặng như không hề biết chảy”. Đoạn văn trên khá tiêu biểu cho tính trữ tình và lối liên  tưởng địa lý - văn hoá với giọng điệu trữ tình đã tạo cho bút ký Lê Thị Mây. Sự kết hợp những liên tưởng địa lý-văn hoá với giọng địêu trữ tình đã tạo cho bút ký của chị giàu tính văn học.

Viết được bút ký hay quả thật là khó, bởi vì người viết bút ký phải trang bị được vốn kiến thức địa lý, lịch sử, văn hoá và cả triết học, tâm lý học… Có lẽ vì vậy mà bên cạnh những bài bút ký hay, như: Miền Trung, Đồng Hới, Làng nón Huế, tập Mưa Ngâu vẫn còn những bài nặng về ghi chép như: Trên cánh đồng tháng chạp, Tháng giêng đi chợ Đông Ba, Tình thương, có bài thiếu một tình yêu cần thiết đủ sức làm bật lên được những giá trị về đất và người như trường hợp bài Đông Hà mặt trời mọc ở phía Tây. Theo tôi, Mưa ngâu là một thử bút của Lê Thị Mây về tiểu loại này. Trong cuộc “ra quân” này chị đã có được những bài bút ký có dấu ấn như vậy, quả là một thành công lớn. Chúc chị tiếp tục hành trình thử nghiệm và nâng cao, kế thừa và sáng tạo như đã từng sáng tạo ra được nhiều bài thơ có ấn tượng với người đọc đương đại.

                                                                                       N.T.

Nguyễn Thành
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 15 tháng 12/1995

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

5 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground