Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/07/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xét các giải thưởng, tạo động lực thúc đẩy Văn học Nghệ thuật phát triển

LTS. Nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét giải thưởng Văn học Nghệ thuật, UBND tỉnh ra Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 24 - 6 - 2013 ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên (5 năm trao giải 1 lần) và Quyết định số 199/QĐ-UBND ngày 04 - 02 - 2015 ban hành Quy chế xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Những quy chế này có điểm gì mới so với giải thưởng hằng năm và nhất là giải Chế Lan Viên được tổ chức lần đầu? PV. Tạp chí Cửa Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị xung quanh những nội dung này.

PV: Thưa ông, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị hàng năm (từ năm 2015) về mặt quy chế, có điểm gì mới so với các lần xét giải trước?

Ông Nguyễn Hoàn: Giải thưởng Văn học Nghệ thuật hàng năm hiện nay có tên gọi là Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị, được UBND tỉnh ban hành theo Quyết định số 17/2013/QĐ/UBND ngày 24 - 6 - 2013 có nhiều điểm khác và mới so với trước.

Trước hết là Giải thưởng Văn học Nghệ thuật hàng năm trước kia quy mô thuộc cấp Hội, hiện nay là quy mô cấp tỉnh, được UBND tỉnh cấp Bằng chứng nhận giải thưởng. Tầm vóc, uy tín và sức lan tỏa của giải được nâng lên.

Đối tượng được xét có thêm chuyên ngành Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Điều kiện xét giải cũng khác, trước kia về điều kiện xét giải, không cần công bố tác phẩm, miễn là tác phẩm sáng tác đúng theo thời gian quy định xét là được. Quy chế mới quy định điều kiện bắt buộc là các tác phẩm văn học nghệ thuật phải được công bố: In thành sách, tham gia triển lãm, biểu diễn phục vụ công chúng, truyền phát trên các kênh thông tin đại chúng, được đăng trên báo, tạp chí, đã xây dựng thành công trình, hoặc đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Năm 2015, có trường hợp tác phẩm mới chỉ ở dạng bản thảo, chưa được xuất bản thành sách như quy định nên Hội đồng không xét.

Điểm khác thứ hai, đó là những tác phẩm đã được các Bộ, ngành, các Hội chuyên ngành Trung ương hoặc các tỉnh, thành phố trao giải thưởng thì không được tham gia xét trao giải thưởng. Những năm trước trao giải của Hội điều kiện này không có, những tác phẩm đã được giải ở cấp khu vực, quốc gia, ở các tỉnh bạn đều được xét giải thưởng hàng năm của Hội.

Điểm khác thứ ba, đó là cơ cấu giải thưởng và mức thưởng tăng lên so với trước. Cách tính giải thưởng rất khoa học, quy đổi theo hệ số lương cơ bản. Giải A: 04 lần mức lương cơ bản tại thời điểm trao thưởng; Giải B: 03 lần mức lương cơ bản tại thời điểm trao thưởng; và Giải C: 02 lần mức lương cơ bản tại thời điểm trao thưởng. Mỗi chuyên ngành cơ cấu chỉ 3 giải (A, B, C), riêng chuyên ngành Văn học thì cơ cấu 2A, 2B, 2C. Mỗi kỳ xét giải thưởng không nhất thiết phải có đủ số lượng giải như quy định. Trong điểm khác này, có nội dung rất đáng chú ý, đó là chuyên ngành nào không đủ đề xuất giải ở thứ hạng cao thì cũng không được tăng số lượng giải ở thứ hạng kế tiếp với số lượng giải tương ứng đã giảm đi.

Điểm khác thứ tư là hồ sơ giải thưởng. Trước kia không cần tác giả gửi đơn đăng ký xét giải, chỉ đem tác phẩm đến nộp cho chuyên ngành và chuyên ngành họp hội đồng xét, lập biên bản. Quy chế mới quy định chặt chẽ hơn, bắt buộc tác giả phải có hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng (theo mẫu) gửi đến Hội đồng Nghệ thuật cấp cơ sở của các chuyên ngành.

Điểm khác thứ năm là thành phần hội đồng. Quy chế cũ quy định các thành viên hội đồng có quyền tham gia dự giải, nhưng khi bỏ phiếu bầu tác phẩm của mình thì không tham gia bỏ phiếu. Quy chế mới quy định tác giả có tác phẩm đang được đề nghị xét tặng giải thưởng thì không tham gia các cấp hội đồng. Tác phẩm được đề nghị xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh hàng năm phải đạt ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng Nghệ thuật cấp cơ sở của các chuyên ngành tán thành.

Điểm khác thứ sáu là Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đại diện Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh sẽ xem xét kết quả xét thưởng do Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội thẩm định, trình UBND tỉnh tặng Bằng chứng nhận và tiền thưởng. Nguồn tài chính giải thưởng trước kia lấy trong ngân sách được cấp cho hoạt động sáng tác của Hội, hiện nay nguồn tài chính giải thưởng năm 2015 đã được UBND tỉnh cấp trực tiếp theo cơ cấu giải thưởng hàng năm qua Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh.

PV: Sau hơn 25 năm lập lại tỉnh (1989 - 2015), nay tỉnh nhà mới quyết định trao một giải thưởng danh giá về Văn học Nghệ thuật có tên gọi là Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên lần thứ nhất, năm 2015. Xin ông cho biết việc xét Giải thưởng Chế Lan Viên được tổ chức như thế nào?

Ông Nguyễn Hoàn: Năm 1999, UBND tỉnh đã có Quyết định số 109/1999/QĐ-UB ngày 12 - 02 - 1999 về việc ban hành Quy chế Giải thưởng sáng tạo tỉnh Quảng Trị. Trong quy chế này, giải thưởng được trao cho hai đối tượng tác giả thuộc hai lĩnh vực văn học nghệ thuật và khoa học công nghệ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan nên việc triển khai quy chế không thực hiện được.

Nhằm ghi nhận, khẳng định, biểu dương và khuyến khích những cống hiến trên lĩnh vực sáng tạo của văn nghệ sĩ Quảng Trị, theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đã có Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND ngày 24 - 6 - 2013 về việc ban hành Quy chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên, tỉnh Quảng Trị. Trong năm 2015, Quy chế này đã triển khai thực hiện lần thứ nhất rất thành công, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà.

Vì sao giải thưởng mang tên nhà thơ Chế Lan Viên?

Chế Lan Viên là nhà thơ lớn của văn học Việt Nam hiện đại, luôn có sự tìm tòi, khám phá, sáng tạo, có nhiều đóng góp đặc biệt đối với việc hiện đại hóa thơ Việt. Ông vinh dự được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (1996).

Mảnh đất và con người Quảng Trị là một đề tài luôn được ông gửi gắm bằng tình cảm thiết tha, sâu nặng của một người con quê hương. Quảng Trị - Quê hương qua thơ văn Chế Lan Viên mãi mãi trường tồn với thời gian, với thơ ca Việt Nam. Ông là người con, là người đồng chí, là niềm tự hào của quê hương Quảng Trị.

Vì vậy, Quảng Trị chọn Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên là giải thưởng cao quý tặng cho các tác phẩm xuất sắc về văn học nghệ thuật, định kỳ 5 năm một lần; có ý nghĩa to lớn trong việc cổ vũ văn nghệ sĩ Quảng Trị sáng tạo, cống hiến ngày càng nhiều hơn những tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng cao, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân; góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển, đi lên của Quảng Trị.

Quy trình xét Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên lần thứ nhất khá nghiêm ngặt. Phải qua ba cấp xem xét: Tổ Hội đồng tư vấn nghệ thuật của các chuyên ngành; Hội đồng Nghệ thuật cấp cơ sở - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh; Hội đồng xét tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị.

Ngày 23 - 11 - 2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2580/QĐ-UBND về việc tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên lần thứ nhất năm 2015 cho 25 tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình của 25 tác giả, đồng tác giả đạt giải (gồm có 01 giải đặc biệt, 04 giải nhất, 04 giải nhì và 16 giải ba). Giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng; giải nhất trị giá 20 triệu đồng; giải nhì trị giá 15 triệu đồng và giải ba trị giá 10 triệu đồng 01 giải. Bộ “Tuyển tập Hoàng Phủ Ngọc Tường” (4 tập) của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một trong những tác giả tiêu biểu có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam, một cây ký xuất sắc (sau Nguyễn Tuân) của Việt Nam đã được tặng giải đặc biệt. Điều đặc biệt là thông qua giải đã cho thấy rõ trên hành trình văn nghệ tỉnh nhà, có sự kế tục, tiếp nối giữa các thế hệ, bên cạnh các tác giả “cây đa, cây đề”, có các tác giả trẻ tài hoa, cùng nhau đẩy “con thuyền văn nghệ” đi tới những bờ bến mới.

PV: Thưa ông, qua triển khai thực hiện quy chế hai giải thưởng nói trên có những gì cần điều chỉnh, bổ sung và lãnh đạo Hội sẽ tham mưu sửa đổi quy chế xét giải như thế nào cho những lần sau?

Ông Nguyễn Hoàn: Qua quá trình triển khai thực hiện Quy chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên và Quy chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị có một số nội dung chúng tôi sẽ đề nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

Về Quy chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên: Đối với Điện ảnh, tại điểm C, Điều 4 của Quy chế có nêu tác phẩm dự giải thuộc chuyên ngành Điện ảnh. Tuy nhiên, tại Điều 8 quy định cụ thể về việc gửi tác phẩm dự xét giải lại không đề cập đến chuyên ngành này. Vì vậy, trong trường hợp Quy chế vẫn tiếp tục đề cập đến Điện ảnh, chúng tôi sẽ đề nghị bổ sung tại Điều 8 quy định cụ thể về việc gửi tác phẩm dự xét giải, đối với điện ảnh. Nếu chỉ xét cho phim và các công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình về điện ảnh, thì ghi cụ thể hóa: Phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình, nộp 01 bộ phim hoàn chỉnh đã được công chiếu; các ấn phẩm nghiên cứu, lý luận, phê bình về điện ảnh, nộp 02 tập đã xuất bản. Do phim không chỉ hình thành bởi kịch bản mà còn bởi đạo diễn, diễn viên, âm thanh, ánh sáng, họa sĩ thiết kế… Vì vậy, nếu gửi hồ sơ đăng ký phải là tập thể tác giả, hoặc chủ sở hữu tác phẩm đó đứng tên mới hợp lệ (và phải là người đã sống và làm việc tại Quảng Trị trong giai đoạn hình thành tác phẩm mới được chấp nhận đưa vào xét giải). Một vấn đề đặt ra là có xét tặng thưởng cho kịch bản phim hay không, điều này còn phải chờ ở kết quả thảo luận, trao đổi.

Tại Khoản 2, Điều 6, Quy chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên quy định: “Những tác phẩm đã được các giải thưởng quy định ở mục 2, điều 5, chương II phải gửi kèm bản photocopy bằng chứng nhận hoặc quyết định khen thưởng của cấp có thẩm quyền... ”. Nhưng mẫu hồ sơ đăng ký tác phẩm, công trình đề nghị xét giải (mẫu 1a) của Quy chế yêu cầu phải nộp “bản sao có chứng thực giấy chứng nhận giải thưởng hoặc khen thưởng”. Như vậy, chỗ thì nêu nộp bản sao, chỗ thì nêu nộp bản sao có chứng thực, tức là không nhất quán. Do đó, cần đề nghị chỉnh sửa Quy chế ở điểm này cho nhất quán và cần quy định phải gửi bản sao bằng chứng nhận các giải thưởng có công chứng để đảm bảo độ tin cậy.  Một số quy định khác trong Quy chế cũng cần được bổ sung, cụ thể hóa cho rõ  thêm.

Về Quy chế Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị: Trước hết về điều kiện xét giải. Tại Khoản 2, Điều 6 Quy chế quy định: Những tác phẩm đã được các Bộ, ngành, các Hội chuyên ngành Trung ương hoặc các tỉnh, thành phố trao giải thưởng thì không được tham gia xét trao giải thưởng”.

Quy định như vậy là chặt chẽ, đảm bảo tính mới mẻ của việc cấp giải, nhưng thiết nghĩ có thể xảy ra tình trạng giải thưởng hàng năm của tỉnh lại xét các tác phẩm không tiêu biểu, hoặc có tiêu biểu nhưng chỉ xếp tiêu biểu thứ hai. Nên chăng, cần quy định như Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên, tức là vẫn chọn tiêu chí ưu tiên xét giải cho các tác phẩm đã đạt được các giải thưởng trong năm. Như vậy, điều kiện sẽ mở rộng hơn, nhất định sẽ có những tác phẩm xứng đáng được chúng ta tôn vinh trong năm. Hơn nữa, tính chất của giải thưởng hàng năm là xét chứ không phải thi. Nếu thi thì quy định như vậy là đúng. Xét tặng trao giải tỉnh trong năm phải là các tác phẩm của năm đó thực sự xuất sắc, nếu dành được các giải thưởng khác càng quý và càng tăng thêm độ chính xác của việc thẩm định.

Về quy trình xét giải, Quy chế quy định Hội đồng Nghệ thuật cấp cơ sở của các chuyên ngành tổ chức vòng sơ khảo bằng hình thức bỏ phiếu kín, tác phẩm được đề nghị xét tặng giải phải đạt ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội đồng Nghệ thuật cấp cơ sở của các chuyên ngành tán thành. Sau khi có kết quả của các Hội đồng Nghệ thuật cấp cơ sở, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thẩm định. Như vậy, Quy chế không đặt ra nhiệm vụ thẩm định của Hội đồng Nghệ thuật Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh mà chỉ giao nhiệm vụ này cho Chủ tịch Hội đồng. Khi sửa đổi, bổ sung Quy chế, cần phải đề nghị quy định cụ thể thêm về trách nhiệm của Hội đồng Nghệ thuật Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh trong việc tổ chức vòng chung khảo, hoặc thẩm định.

Về cơ quan trình UBND tỉnh xét giải, tại Khoản 6, Điều 10 quy định: Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đại diện Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh xem xét kết quả xét thưởng do Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội thẩm định, trình UBND tỉnh tặng Bằng chứng nhận và tiền thưởng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị”. Như vậy, cơ quan trình UBND tỉnh chưa được nêu rõ là Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh hay Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Vì vậy, chúng tôi sẽ đề xuất sửa đổi nội dung này, nêu cơ quan trình UBND tỉnh là Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh thì hợp lý hơn.

PV: Chân thành cảm ơn ông!

                                                                                         PV. thực hiện

 

 

 

 

 

P.V
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 256

Mới nhất

Tạp chí Cửa Việt - 35 năm một chặng đường

28/06/2025 lúc 16:18

Ngày 28/5/2025, Tạp chí Cửa Việt tổ chức lễ kỷ niệm 35 năm tạp chí ra số đầu tiên và gặp mặt cộng tác viên năm 2025. Tại buổi lễ, Phó Tổng biên tập phụ trách Hồ Thanh Thọ đã có bài phát biểu khai mạc...

Vùng trời hoa sim

26/06/2025 lúc 23:29

Những triền sim tím đồi xaBềnh bồng nâng gót mùa qua lặng thầm

Hương xưa; Nắng sớm

26/06/2025 lúc 23:27

Hương xưa… Ta về tìm lại hương xưa

Giấc mơ đồng bằng; Về xanh trong gió thơm

26/06/2025 lúc 23:24

Giấc mơ đồng bằng Gọi em đêm qua tôi mơ

Ngủ giữa gió sông quê

26/06/2025 lúc 23:22

Hôm ấy gió sông thổi về lồng lộng. Lửa nương theo bàn tay của gió vồ lấy mái bếp, tỏa ngọn nghi ngút trên đống củi khô, tràn qua ô cửa vương tơ nhện và bụi mờ.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/07

25° - 27°

Mưa

04/07

24° - 26°

Mưa

05/07

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground