LTS: Ngày 02/3/2018, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức buổi gặp mặt văn nghệ sĩ đầu Xuân Mậu Tuất, đồng chí Nguyễn Đức Chính - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã đến dự, phát biểu chỉ đạo và chia sẻ với văn nghệ sĩ tỉnh nhà. CV. trân trọng đăng bài phát biểu. Đầu đề do Ban Biên tập đặt.
Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới Mậu Tuất 2018, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân. Đây là dịp để anh chị em văn nghệ sĩ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và nhìn lại những thành quả đã đạt được trên lĩnh vực văn học nghệ thuật năm qua, đồng thời xốc lại hành trang cho năm mới với mục tiêu phấn đấu đạt được những thành tựu mới hơn nữa.
Năm 2017, tỉnh Quảng Trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự chủ động, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Sau nhiều năm phấn đấu, năm 2017, tỉnh Quảng Trị đã có 22/22 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng tưởng đạt 7,02%; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 101% kế hoạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 39,4 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp thu được những kết quả nổi bật. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực, đến cuối năm 2017 có 40 xã đạt tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 34,2%. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng khó khăn được chú trọng, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 1,97%, từ 13,49% xuống còn 11,52%.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố và tăng cường. Tỉnh Quảng Trị đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa, tạo ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân và bạn bè trong và ngoài nước như: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn, kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Quảng Trị, 45 năm sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ và thị xã Quảng Trị, 70 năm ngày Thương binh, Liệt sỹ... Và vừa rồi, chúng ta đã tổ chức sự kiện kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris 27/1/1973- 27/1/2018.
Có thể nói, đạt được những kết quả nêu trên ngoài sự nỗ lực, quyết tâm lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị còn có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ đã luôn gắn bó, đồng hành với sự phát triển của tỉnh nhà trong thời gian qua.
Những năm gần đây, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, có bước phát triển mới. Đội ngũ văn nghệ sĩ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đến nay đã có hơn 230 hội viên; nhiều hội viên đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý như Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân Ưu tú. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã thể hiện rõ vai trò là trung tâm đoàn kết, tập hợp anh chị em văn nghệ sĩ; tổ chức được nhiều hoạt động sôi nổi, thiết thực. Điểm nổi bật là hầu hết văn nghệ sĩ luôn vững vàng về quan điểm chính trị, quan điểm, phương pháp sáng tác, không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, những tác động tiêu cực từ các xu hướng tư tưởng trái chiều. Trên chặng đường sáng tác phục vụ sự nghiệp đổi mới và phát triển của quê hương đất nước, văn học nghệ thuật tỉnh nhà đã có nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, khắc hoạ sinh động đời sống kinh tế, xã hội cùng truyền thống văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc của mảnh đất và con người Quảng Trị trong quá trình hình thành, phát triển và hội nhập.
Xuất hiện nhiều tác phẩm xuất sắc được tặng thưởng các giải văn học nghệ thuật ở địa phương, khu vực và Trung ương. Đã tổ chức thành công cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về chủ đề “Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn với cách mạng Việt Nam và quê hương Quảng Trị”, cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Điểm nổi bật nữa là Hội đã tập trung xây dựng, củng cố tổ chức các cơ sở trực thuộc; hoàn thành quy hoạch lãnh đạo quản lý cấp Phân hội, đơn vị trực thuộc Hội và đang tiếp tục xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành và các chức danh chủ chốt của Hội nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cơ hội lớn, nhưng khó khăn thách thức không nhỏ. Mở cửa hội nhập sẽ tạo ra sự giao thoa, du nhập các trào lưu văn hóa, đòi hỏi chúng ta phải có sự chọn lọc những giá trị văn hóa tiên tiến để tiếp thu một cách hợp lý. Đồng thời, đề kháng với những xu hướng độc hại đang len lỏi, tác động vào nền văn học nghệ thuật nước ta. Trong những năm sắp tới, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng ta là tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Để văn học nghệ thuật Quảng Trị tiếp tục tạo ra những bước tiến mới, có những thành quả tốt đẹp hơn nữa, đóng góp tích cực, hiệu quả trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và mỗi một anh chị em văn nghệ sĩ cần quan tâm một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Thứ nhất, với quan điểm phát triển, văn hóa được xác định là “nguồn lực mềm”, là động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Với một tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa như Quảng Trị, văn hóa được xác định là một trong những trụ cột quan trọng cho sự phát triển của tỉnh (cùng với trụ cột kinh tế). Trong chuyến về thăm và làm việc tại Quảng Trị từ ngày 06 đến 07/4/2017, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu, nhấn mạnh: “Quảng Trị cần phát huy hơn nữa truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, chiều sâu văn hóa, ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của con người Quảng Trị, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, trong bảo đảm quốc phòng, an ninh và xây dựng Đảng”. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh: “Phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị trong thời kỳ hội nhập và phát triển”. Người Quảng Trị anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống ngoại xâm, chịu thương, chịu khó, cần cù, sáng tạo trong lao động dựng xây. Nhiều năm nay, có những người con Quảng Trị thành công trên thương trường quốc tế, giành giải cao trên đấu trường thể thao, khoa học kỹ thuật khu vực, thế giới, trong các cuộc thi trong nước và các cuộc thi khác... Văn hóa Quảng Trị, con người Quảng Trị có những điểm độc đáo, khác biệt, có những tố chất riêng. Làm sao khai thác, phát huy sức mạnh nội sinh của văn hóa Quảng Trị, nội lực của con người Quảng Trị để biến thành động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng và phát triển của quê hương Quảng Trị, đây là niềm trở trăn, thao thức và thôi thúc văn nghệ sĩ tỉnh nhà tìm câu trả lời có tính thuyết phục và có sức lay động mạnh mẽ lòng người, thông qua con đường sáng tạo văn học nghệ thuật.
Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh và đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh nhà cần nêu cao hơn nữa vai trò của văn học nghệ thuật trong việc “truyền cảm hứng” về phát huy sức mạnh truyền thống lịch sử, phát huy nguồn lực văn hóa Quảng Trị; phát huy năng lực, phẩm chất người Quảng Trị, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của người Quảng Trị, để con người Quảng Trị thực sự là trung tâm của quá trình phát triển kinh tế - xã hội như Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ ra.
2. Thứ hai, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần phải quan tâm hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho hội viên, quán triệt sâu sắc tới từng hội viên quan điểm của Đảng về văn học nghệ thuật trong tình hình mới. Tham mưu cho tỉnh tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới” gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược phát triển của Hội, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn học nghệ thuật; nỗ lực quảng bá những thành tựu kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng Đảng của tỉnh; quảng bá cho vùng đất và con người Quảng Trị với những nét đẹp truyền thống là điểm đến tin cậy, hấp dẫn của bạn bè gần xa, xây dựng được các hình tượng nghệ thuật sinh động. Làm cho mỗi người Quảng Trị phải biết tự hào về quê hương mình để phấn đấu hành động vì sự nghiệp phát triển của quê hương, đất nước và vì sự trưởng thành, vinh quang của từng cá nhân.
Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tổ chức cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sâu rộng trong giới văn nghệ sĩ và cán bộ, nhân dân, coi đây vừa là tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu, vừa là trách nhiệm của văn nghệ sĩ, của cán bộ và nhân dân, góp phần đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở Quảng Trị ngày càng đi vào chiều sâu, là một việc làm thường xuyên, hàng ngày của từng cá nhân.
3. Năm 2018, Quảng Trị đã và sẽ tổ chức nhiều sự kiện quan trọng: Đã tổ chức kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973 - 27/01/2018); chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện việc này bằng việc sẽ xây dựng một đề án trình Bộ Chính trị, Chính phủ chọn ngày 27/1 là ngày Hòa bình. Từ đó xây dựng các phương án, kịch bản để tổ chức Ngày Hòa bình. Chúng ta kỳ vọng nếu được Chính phủ chọn ngày 27/1 là ngày Hòa bình được tổ chức tại Quảng Trị, tỉnh sẽ thu hút được lượng du khách trong nước, quốc tế và những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đến đây để tổ chức những hoạt động giao lưu, bày tỏ khát vọng hòa bình, ủng hộ hòa bình, chống chiến tranh. Có thể từ đó, trở thành một phong trào từ Quảng Trị. Kỳ vọng này đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ủng hộ trong phiên làm việc mới đây tại Quảng Trị. Kỳ vọng này cũng được sự tiếp sức của nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam Nguyễn Thị Bình. Bà Nguyễn Thị Bình bày tỏ khát khao muốn có ngày này, mong muốn Quỹ Hòa bình sẽ phối hợp với Quảng Trị để tổ chức Ngày Hòa bình tại Quảng Trị và đề nghị Chính phủ công nhận Ngày Hòa bình để tổ chức những hoạt động vì hòa bình tại Quảng Trị. Không có nơi nào tổ chức Ngày Hòa bình tốt hơn ở Quảng Trị bởi đây là nơi diễn ra cuộc chiến tranh khốc liệt nhất. Khát vọng hòa bình cũng thể hiện rõ ở mảnh đất Quảng Trị bởi ở đây đã có hai lần là giới tuyến tạm thời, lần thứ nhất là vĩ tuyến 17, lần thứ hai là khu vực sông Thạch Hãn. Việc này, nếu được Chính phủ chấp nhận thì vai trò của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cũng sẽ rất quan trọng, đóng góp của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh sẽ là sự thúc đẩy để làm cho hoạt động này trở thành một hoạt động quan trọng ở tỉnh Quảng Trị, góp phần vừa quảng bá hình ảnh của Quảng Trị, đồng thời sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà trong thời gian sắp đến.
Trong năm này, Quảng Trị tổ chức kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; 50 năm chiến thắng Khe Sanh, giải phóng Hướng Hoá (1968 - 2018); 460 năm Nguyễn Hoàng dựng nghiệp tại Quảng Trị. Giới văn nghệ sĩ trong tỉnh và cả nước kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần tích cực tổ chức các hoạt động sáng tác, tuyên truyền, thúc đẩy các sự kiện nêu trên, để góp phần tác động đến sự phát triển của kinh tế xã hội, quê hương. Tiếp tục đẩy mạnh sáng tác các tác phẩm có chất lượng về đề tài công nghiệp, về xây dựng nông thôn mới, về hội nhập và phát triển. Tiếp tục đổi mới công tác xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật, đảm bảo phong phú, đa dạng về nội dung đề tài, tăng về số lượng và chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật ngày càng cao của nhân dân. Phấn đấu có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đạt giải trong các cuộc thi của Trung ương, khu vực và của tỉnh, có nhiều hơn nữa các tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị và thật sự đi sâu vào lòng bạn đọc, công chúng.
4. Thứ tư, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của tỉnh, trong việc góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục tham mưu cho tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách về phát triển văn học nghệ thuật, về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ trí thức, trong đó có văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp phát triển của tỉnh. Nâng cao năng lực và chất lượng các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Hội trên các lĩnh vực chuyên môn, đưa ra các kiến nghị, hiến kế cho tỉnh một cách phù hợp, có sức thuyết phục. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ trẻ; thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ; khuyến khích, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ bám sát thực tiễn đời sống để sáng tạo nên những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị.
5. Thứ năm, trong lĩnh vực văn nghệ dân gian, UNESCO vinh danh di sản hát Bài chòi là một di sản phi vật thể thế giới của khu vực Trung Bộ, trong đó có tỉnh Quảng Trị. Sắp đến, Quảng Trị cùng với các tỉnh Trung Bộ từ Quảng Bình đến Bình Định sẽ tổ chức đón bằng di sản của UNESCO. Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cần phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để bảo tồn phát huy di sản này trên mảnh đất Quảng Trị vừa để phục vụ cho việc bảo tồn di sản chung của thế giới, của quốc gia, vừa góp phần phát triển loại hình nghệ thuật có từ lâu đời trên đất Quảng Trị, góp phần làm cho đời sống tinh thần người dân tốt hơn. Hò giã gạo cũng là một di sản văn hóa của Quảng Trị, tại sao chúng ta không bảo tồn, phát huy và đề nghị công nhận Hò giã gạo là một di sản văn hóa quốc gia trong lúc Hò khoan Lệ Thủy đã được công nhận là di sản văn hóa quốc gia. Đề nghị Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai kế hoạch xây dựng đề án trình Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia công nhận Hò giã gạo Quảng Trị là Di sản văn hóa quốc gia.
Nhân dịp năm mới 2018, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi đến các đồng chí và toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và có nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp sáng tác văn học nghệ thuật.
N.Đ.C