Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nhớ Chế Lan Viên, mỗi văn nghệ sĩ góp phần xây dựng một nền văn học nghệ thuật xứng đáng với tầm vóc của đất nước và quê hương Quảng Trị anh hùng (*)

Hôm nay, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh  Chế Lan Viên - Nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, nhà văn hóa tiêu biểu có uy tín, người con của quê hương Quảng Trị anh hùng. Cũng nhân dịp này, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng Giải thưởng Văn học nghệ thuật Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị lần thứ II, năm 2020 cho các văn nghệ sĩ đã có những cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn, phát huy di sản văn hoá của dân tộc, sáng tạo tác phẩm văn học, nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời tổ chức Khánh thành công trình Nhà lưu niệm Nhà thơ Chế Lan Viên. 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu và toàn thể đồng bào, đồng chí lời chào nồng nhiệt, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

- Kính thưa quý vị đại biểu !

- Thưa đồng chí, đồng bào ! 

Nhà thơ Chế Lan Viên tên thật là Phan Ngọc Hoan, sinh ngày 23/10/1920  tại làng An Xuân, xã Cam An (nay là thôn An Thạch, xã Thanh An), huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Là một nhà thơ lớn, nhà nghiên cứu lý luận, nhà phê bình văn học nghệ thuật hiện đại thế kỷ XX, Chế Lan Viên được xem là "kiện tướng" của phong trào Thơ mới và là một trường hợp độc đáo của thi ca Việt. Trong sự nghiệp thi ca của mình, nhà thơ Chế Lan Viên đã có những tác phẩm đầy trí tuệ, triết lý, tiêu biểu bậc nhất của phong trào Thơ mới, thơ ca kháng chiến và thơ ca Việt Nam sau năm 1975.

Chế Lan Viên lớn lên và đi học tại Quy Nhơn. Học hết trung học, ông đi dạy. Ông làm thơ từ năm 12 tuổi với các bút danh mang địa danh Quảng Trị như: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai, đến năm 1937 Ông xuất bản tập thơ “Điêu tàn” với bút danh Chế lan Viên. Năm 1939 Chế Lan Viên ra Hà Nội học nhưng thời kỳ này ông không đến trường học chính quy mà thường đến thư viện để đọc, học và ghi chép. Hầu hết vốn văn học Pháp và thế giới mà ông có được là nhờ tích luỹ được trong thời gian này. Sau đó ông vào Sài Gòn, rồi về Thanh Hoá và Huế làm báo, dạy học.

Chế Lan Viên tham gia Cách mạng tháng Tám ở Quy Nhơn. Sau năm 1945 ông hoạt động văn nghệ và báo chí ở Liên khu IV, làm báo Quyết thắng của Việt Minh Trung bộ ở Huế. Năm 1949, ông đi công tác Bình – Trị -Thiên, vừa để giúp củng cố các nhóm văn nghệ kháng chiến, vừa để thâm nhập thực tế. Ông cùng với các văn nghệ sỹ có tên tuổi thành lập nhóm văn nghệ Nguồn Hàn tại chiến khu Ba Lòng. Đặc biệt, trong chuyến đi này, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng ngay trên quê hương mình – Quảng Trị.

Sau 09 năm kháng chiến chống Pháp, năm 1954 Chế Lan Viên về Hà Nội tham gia Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam; Đại Biểu Quốc hội các khoá 4, 5, 6, 7; đồng thời là Ủy viên Ban Văn hoá - Giáo dục của Quốc Hội. Thời gian này ông tích cực tham gia hoạt động đối ngoại trên các diễn đàn văn học và trí thức ở Liên Xô, Pháp, Nam Tư, Ấn Độ và các nước Tây Âu.

Đất nước thống nhất, Chế Lan Viên về sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong những năm cuối đời ở đây, ông lao động sáng tạo miệt mài với một sức viết phi thường, sáng tác một khối lượng thơ nhiều hơn cả đời thơ trước đó.

Chế Lan Viên sớm nổi danh khi mới tròn 17 tuổi với tập thơ đầu tay “Điêu tàn” nổi tiếng được xuất bản đầu tiên trong thời kỳ Thơ mới. Cách mạng Tháng Tám thành công, đất nước bước vào chặng đường lịch sử mới. Nhà thơ Chế Lan Viên đã sớm giác ngộ và xác định sứ mệnh vẻ vang của người nghệ sĩ trước thời đại, với Tổ quốc, dân tộc và nhân dân. Tư tưởng, nghệ thuật của nhà thơ hướng về thực tại của dân tộc và đời sống của nhân dân. Ông đã biến những vần thơ của mình thành vũ khí để đánh giặc, cứu nước. Chế Lan Viên luôn có ý thức mài sắc ngọn bút, tìm tòi cách thể hiện để mỗi vần thơ vừa có chất thép vừa có chất tình. Chất thép như thứ vũ khí giúp nhà thơ lên án, tố cáo tội ác của giặc; còn chất tình là sự nối kết tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc, tình yêu giai cấp, nhân dân, niềm tôn kính với lãnh tụ. Hành trình thơ của Chế Lan Viên kể từ dấu mốc Ánh sáng và phù sa, đến sau này với những tác phẩm như: Hoa ngày thường, Chim báo bão, Những bài thơ đánh giặc, Đối thoại mới, Ngày vĩ đại, Hoa trước lăng Người, Hái theo mùa, Hoa trên đá, Ta gửi cho mình và hàng trăm trang di cảo thơ khác…đều hướng về thực tế thời đại với những trầm tư, suy nghĩ về lẽ sống, nhân cách, về các giá trị truyền thống – thời đại - hùng hồn cho lương tri và trách nhiệm của người nghệ sỹ - chiến sỹ - công dân chân chính trước Tổ quốc, trước nhân dân và dân tộc.

Trước và sau ngày ông qua đời, nhiều tuyển tập thơ của ông đã được xuất bản như: “Tuyển tập thơ Chế Lan Viên” “Di cảo thơ I, II, III”, “Chế Lan Viên toàn tập”, “Tuyển tập thơ Chế Lan Viên”. Ngoài thơ, ông có các tác phẩm văn xuôi: “Vàng sao”, “Thăm Trung Quốc” , “Những ngày nổi giận” , “Giờ của số thành” . Với bút lực đa tài, ông còn là một nhà nghiên cứu, phê bình văn học uyên bác, sắc sảo với các tác phẩm: “Phê bình văn học”, “Suy nghĩ và bình luận”, “Bay theo đường dân tộc đang bay”, “Từ gác Khuê Văn đến quán Trung Tân” , “Nghĩ cạnh dòng thơ”, “Ngoại vi thơ”… Chế Lan Viên tìm kiếm những chân trời sáng tạo mới, gần gũi, thân thuộc, thiêng liêng. Ông lập luận, tranh biện, phản bác kẻ thù, đề cao sức mạnh của chính nghĩa và kết án sự đớn hèn của phi nghĩa. Ông tìm về quá khứ dân tộc với những giá trị văn hóa truyền thống và thời đại như là nguồn sức mạnh lớn lao để dân tộc Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù. Thơ ông không chỉ là tiếng nói của dân tộc, mà còn là tiếng nói của chính nghĩa, chân lý của khát vọng tự do, độc lập. Đó là tiếng nói mang tâm hồn thời đại – thời đại Hồ Chí Minh và hành trình mà dân tộc đang đi cũng chính là con đường của nhân loại kiếm tìm hòa bình, nhân ái. Những vần thơ của Chế Lan Viên vang dậy niềm tự hào, ý chí tự tôn, bản lĩnh dân tộc trước mỗi thời khắc trọng đại của lịch sử. Giọng thơ đanh thép hùng hồn như là lời hiệu triệu mạnh mẽ, đánh thức sức mạnh và bản lĩnh dân tộc trong nhân dân, sự tỏa rạng, linh thiêng của văn hóa Việt Nam từ ngàn đời.

Với sự miệt mài trăn trở, thao thiết nghĩ về thơ, về đời, ông đã làm nên những mùa Xuân trong thi ca và những mùa thơ vĩnh cửu. Ông thực sự là một tài năng thơ tài hoa và trí tuệ.  Chế Lan Viên là cây đại thụ hàng đầu trong số  rất hiếm các nhà thơ của nền thơ Việt Nam hiện đại với năng lực sáng tạo phi thường, dấu ấn để lại sâu sắc và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến các thế hệ sáng tác sau này. Chế Lan Viên còn có công rất lớn trong việc hiện đại hóa thơ Việt, phát triển thơ Việt lên một tầm nấc  mới. Thơ ông vẫn tiếp tục cuộc hành trình bất tận của lịch sử và văn hóa Việt Nam, ga đi và đích đến chính là Tổ quốc – Dân tộc – Nhân dân.

Ngoài sáng tác thơ, Chế Lan Viên còn viết văn xuôi và lý luận phê bình văn học với nhiều tác phẩm có giá trị lâu bền. Văn xuôi của ông đậm chất thơ, là sự giao hòa giữa văn xuôi và thơ, giữa một vùng trời xanh và biển đẹp. Văn xuôi không lẫn chất thơ mà mở ra có giới hạn những biên độ cho thơ có năng lượng và vẻ đẹp mới.

Ông là nhà thơ có kiến thức rộng về văn học Việt Nam trung đại cũng như hiện đại, văn học phương tây, đặc biệt là lý luận văn học. Chế Lan Viên không chỉ là nhà thơ tài năng, nhà lý luận phê bình uyên bác, sắc sảo, ông còn là nhà văn hóa tiêu biểu.

Chế Lan Viên là một sứ giả văn hóa Việt Nam đương đại. Ông nhiều lần được cử ra nước ngoài tham dự các hội nghị quốc tế quan trọng, đem tiếng nói, hình ảnh và văn hóa Việt Nam khẳng định vị thế, tầm vóc Việt Nam trên trường quốc tế. Ông còn là nhà hoạt động xã hội, hoạt động văn hóa nhiệt thành, trách nhiệm và vô cùng hiệu quả.

Hơn nửa thế kỷ sáng tạo, di sản thơ, tác phẩm văn học, lý luận phê bình văn học và kiến thức văn hóa là rất đồ sộ, sâu sắc, tài hoa, trí tuệ, tươi đẹp rạng rở, chan chứa tình người. Chế Lan Viên là một tài năng chín sớm nhưng ông không ngừng học hỏi. Ông biết cách phát hiện để kế thừa những tinh hoa của thơ ca nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ điển đến lãng mạn, siêu thực, hiện đại. Chế Lan Viên chính luận, Chế Lan Viên triết lý, Chế Lan Viên trữ tình - tất cả đều bắt nguồn từ cảm xúc chân thành và trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.

Ghi nhận, tôn vinh những đóng góp nổi bật của nhà thơ đối với đất nước và văn học nghệ thuật, Đảng và Nhà nước đã tặng nhà thơ Huân chương Độc lập hạng Hai và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Kính thưa quý vị đại biểu và quý vị khách quý!

Ngoài những đóng góp nổi bật cho đất nước, đối với Quảng Trị, Chế Lan Viên đã để lại nhiều dấu ấn cuộc đời và văn chương sâu nặng với quê hương. Ông đã có công lớn trong việc củng cố các nhóm văn nghệ kháng chiến của chiến trường Bình – Trị - Thiên; quy tụ những cây bút, những nhà thơ, nhà văn nổi tiếng góp phần khai sinh cả một dòng thi ca kháng chiến chân chất mà hào hùng ở Quảng Trị, làm phong phú hoạt động văn nghệ kháng chiến… Ông đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Kết nạp Đảng trên quê mẹ” được đánh giá là một trong những bài thơ hay nhất, xúc động nhất viết về Đảng, với điểm độc đáo là thể hiện được sự “thống nhất Đảng với quê sinh, thống nhất Đảng với người mẹ đã sinh ra mình”.

Nhằm tôn vinh công lao nhà thơ Chế Lan Viên với nền văn học nghệ thuật của dân tộc và quê hương; đồng thời khích lệ, cổ vũ văn nghệ sỹ Quảng Trị không ngừng sáng tạo để ngày càng có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có chất lượng phục vụ công chúng; Năm 2013, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định ban hành Giải thưởng Văn học nghệ thuật Chế Lan Viên. Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên tỉnh Quảng Trị được tổ chức và trao giải 5 năm/một lần là phần thưởng cao quý trao tặng cho những đại diện tiêu biểu của đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng tỉnh nhà - những người có lòng yêu nước nồng nàn, tâm huyết với nghề nghiệp, có tài năng nghệ thuật, có nhiều cống hiến to lớn, góp phần trực tiếp xây dựng và phát triển nền nghệ thuật cách mạng, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung, được đồng nghiệp và nhân dân tin yêu.

Giải thưởng VHNT Chế Lan Viên lần thứ II, năm 2020 đã lựa chọn được những tác phẩm xuất sắc nhất của các văn nghệ sỹ tỉnh nhà. Giải thưởng đã phản ánh khách quan các tác phẩm văn học nghệ thuật đi theo khuynh hướng truyền thống, hiện đại, thể hiện sự tìm tòi, đổi mới, khai thác nhiều sự kiện lịch sử, truyền thống cách mạng; bám sát đời sống, truyền thống đạo lý của dân tộc, của quê hương. Đặc biệt, nhiều tác phẩm sáng về đề tài Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và đổi mới hội nhập, phát triển bền vững. Kết quả có 38 cụm tác phẩm/ công trình của 25 tác giả/ đồng tác giả được trao giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên, trong đó có 01 giải Đặc biệt, 03 giải Nhất, 08 giải Nhì và 13 giải Ba. Tôi xin chúc mừng các anh chị em văn nghệ sĩ đạt Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chế Lan Viên lần này. Với năng lực, trình độ và kinh nghiệm của mình, tôi rằng mong các anh chị em văn nghệ sĩ sẽ tiếp tục phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa trong hoạt động văn hoá văn học, nghệ thuật, thắp thêm ngọn lửa truyền thống mang đậm nét văn hóa của vùng quê Quảng Trị yêu thương.

Nhân dịp này, nhằm thể hiện niềm tri ân sâu sắc của quê hương trước những đóng góp to lớn của nhà thơ cho nền văn học nước nhà và tấm lòng thiết tha gắn bó với cội nguồn của nhà thơ Chế Lan Viên; đồng thời đáp ứng tâm nguyện của đông đảo văn nghệ sĩ, cán bộ và nhân dân Quảng Trị cũng như họ Phan ở làng An Xuân và gia đình nhà thơ Chế Lan Viên, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khánh thành nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên. Công trình được xây dựng ngay trên quê hương của ông với diện tích gần 1.800m2, mức đầu tư trên 3.6 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách của tỉnh và huyện Cam Lộ là 50%, còn lại 50% là từ nguồn xã hội hoá. Đây là công trình có ý nghĩa về mặt văn hóa, xã hội sâu sắc; là nơi bảo tồn, phát huy di sản văn học quý báu mà nhà thơ Chế Lan Viên đã để lại. Nhà lưu niệm nhà thơ Chế Lan Viên là địa chỉ quan trọng để góp phần giáo dục các thế hệ học sinh, là điểm sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ, là điểm tham quan cho du khách trong và ngoài nước. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, vật chất và các ấn phẩm, tư liệu, hiện vật của nhà thơ; cảm ơn các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã nổ lực trong việc xây dựng nhà tưởng niệm để chúng ta có Lễ khánh thành ngày hôm nay.

Kính thưa quý vị đại biểu và quý vị khách quý!

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Chế Lan Viên, chúng ta tôn vinh công lao to lớn của nhà thơ đối với nền văn hóa, văn học  nước nhà. Sự nghiệp, văn thơ và con người nhà thơ mãi mãi là một trong những đỉnh cao trong nền văn hóa dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Chế Lan Viên là nhà thơ cách mạng có phẩm chất đặc biệt, có phong cách độc đáo và cá tính sáng tạo, có ý thức trách nhiệm với đất nước, nhân dân và cuộc sống. Chế Lan Viên có tầm ảnh hưởng sâu rộng, làm nên sức sống lâu bền của thơ ca, sẽ còn đồng hành với chúng ta đến mai sau.

Nhớ Chế Lan Viên, học tập ông chúng ta - nhất là đội ngũ làm công tác văn hóa và văn học nghệ thuật  phải có ý chí vươn lên, kiên định và đổi mới sáng tạo không ngừng, làm cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một nền văn học nghệ thuật xứng đáng với tầm vóc của đất nước và quê hương Quảng Trị anh hùng.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo tỉnh, các Sở, ban ngành trong tỉnh, lãnh đạo huyện Cam Lộ - quê hương của nhà thơ Chế Lan Viên, toàn thể quý vị đại biểu, quý vị khách quý và họ tộc, gia đình nhà thơ, quý thầy cô giáo, các cháu học sinh đã dành thời gian tham gia sự kiện quan trọng ngày hôm nay.

Một lần nữa, chúc các đồng chí và đồng bào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!

 

(*): Tựa do Tòa soạn rút ý từ bài viết

Mới nhất

Giường sắt có tốt không? Địa chỉ mua giường sắt uy tín?

24/04/2024 lúc 23:00

Giường sắt là một trong những đồ dùng nội thất không thể thiếu trong mỗi căn nhà, để đảm bảo cho gia chủ có một nơi nghỉ ngơi sau ngày dài mệt mỏi. Ngày nay, giường sắt đang khá phổ biến trên thị trường. Nếu bạn đang tìm hiểu về loại giường này và muốn tìm cho mình một địa chỉ mua giường sắt uy tín và chất lượng hiện nay thì đừng bỏ qua bài viết dưới đây của Công Ty Cổ Phần Nội Thất Đại Thành.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground